Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc Khủng Hoảng Đức Tin của Mẹ Têrêxa

§ Phụng Nghi

(VietCatholicNews 31/08/2007)

Trình thuật của David Van Biema (tuần báo Time, số tháng 9, 2008

“Chúa Giêsu dành một tình yêu rất đặc biệt cho cha. Phần con, sự im lặng và trống vắng thật lớn lao tới nỗi con nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe được”. (Thư Mẹ Têrêxa gửi Lm. Michael Van Der Peet, tháng 9 năm 1979.)
motherteresaNobel.jpg

Mẹ Têrêsa nhận giải Hòa Bình năm 1979 tại Oslo

Ngày 11 tháng 12 năm 1979, Mẹ Têrêxa, vị “Thánh của Chốn Bùn lầy” đi tới Oslo. Mặc bộ y phục cá biệt của mình là chiếc sari có đường viền màu xanh và chân đi dép, bất chấp thời tiết lạnh dưới không độ, người phụ nữ ngày trước mang tên Agnes Bojaxhiu nay đến nhận vinh dự cao quý nhất trần gian, đó là Giải Nobel Hòa Bình. Trong bài diễn văn nhận giải, Mẹ Têrêxa -- người sáng lập Tu hội Bác ái Truyền giáo, một dòng tu đã phát xuất từ nỗi mê say đến cuồng dại của chỉ một người phụ nữ tại Calcutta năm 1948 để lớn mạnh thành một ngọn hải đăng chiếu sáng khắp hoàn cầu về gương chăm sóc tận tụy đến quên mình -- đã chuyển giao một thứ thông điệp mà thế giới chờ đợi lắng nghe. Mẹ phát biểu: “Đối với chúng ta, nói như thế này là còn thiếu sót: Tôi yêu mến Thiên Chúa nhưng tôi không yêu thương đồng loại. Bởi vì khi chết trên Thập giá, Chúa đã [biến] chính mình thành người đói ăn – người trần truồng – người không nhà không cửa. Nỗi đói khát của Đức Giêsu là điều ‘quý vị và tôi phải tìm cho ra’ và làm giảm bớt. Mẹ kết án nạn phá thai và than vãn về tình trạng nghiện ngập ma túy của thanh thiếu niên phương Tây. Sau cùng, Mẹ đề nghị rằng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh sắp tới là dịp nhắc nhở cho thế giới biết “niềm vui rạng rỡ là điều có thật” vì Đức Kitô ở khắp mọi nơi – “Đức Kitô ở trong tâm hồn chúng ta, Đức Kitô ở nơi người nghèo chúng ta gặp, Đức Kitô ở trong nụ cười chúng ta ban phát và trong nụ cười chúng ta lãnh nhận.”

Vậy mà, không đầy ba tháng trước đó, trong một lá thư, mãi tới bây giờ mới được phổ biến, gửi cho cha linh hướng là Lm. Michael van der Peet, Mẹ viết bằng giọng điệu mệt mỏi quen thuộc về một Đức Kitô khác biệt, một Người xa vắng. Mẹ xác nhận với cha Van der Peet: “Đức Giêsu dành một tình yêu rất đặc biệt cho cha. [Nhưng] phần con, sự im lặng và trống vắng lại thật lớn lao tới nỗi con nhìn mà không thấy - lắng tai mà không nghe được.- lưỡi con mấp máy [nguyện cầu] nhưng không thốt nên lời…Con muốn cha cầu nguyện cho con – hầu con để mặc cho Người muốn làm gì thì làm.”

Hai lời phát biểu, cách nhau 11 tuần lễ, rất mực đối chọi nhau. Lời phát biểu thứ nhất là mẫu mực của người phụ nữ thế giới biết tới. Phát biểu thứ hai phảng phất âm hưởng của một vở bi kịch hiện sinh thời thập niên 1950. Cả hai hợp lại gợi lên một bức chân dung tự mâu thuẫn làm ta sửng sốt - người là một trong những thần tượng vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ qua, người mà sự nghiệp đáng ghi nhớ dường như liên hệ chặt chẽ với việc kết hợp gần cận Chúa, người được các đồng sự cũng như máy ảnh truyền hình quan sát thường xuyên thấy trong cảnh nguyện cầu thinh lặng và dáng vẻ an bình – con người đó trong cõi riêng tư lại sống một thực tế tinh thần rất khác biệt, trong một khung cảnh nghiệt ngã nơi đó Thiên Chúa đã không còn xuất hiện.

Và quả thực điều đó là trường hợp (của Mẹ). Một cuốn sách mới, nhan đề không cố ý xúc phạm, Mother Teresa: Come Be My Light (Mẹ Têrêxa: Hãy Đến Làm Ánh Sáng Của Ta) (nhà xuất bản Doubleday), gồm phần chính là các thư từ trao đổi suốt trong thời gian dài 66 năm giữa Mẹ Têrêxa và các cha giải tội, các vị bề trên, cung cấp cho ta một đối cảnh tương phản về tinh thần của một cuộc đời chỉ được biết đến qua các thành quả. Các lá thư này – phần nhiều được lưu giữ trái với ước nguyện của Mẹ (Mẹ đã yêu cầu hủy đi nhưng Giáo hội bác bỏ) - cho ta biết rằng gần nửa thế kỷ trong cuộc đời Mẹ đã không cảm thấy Chúa hiện diện - hay như lời Lm. Brian Kolodiejchuk, người sưu tập và biên tập cuốn sách, đã viết: “(Mẹ) không thấy Chúa ở trong tâm hồn mình hay cả trong phép Thánh Thể.”

Sự vắng mặt của Chúa hình như đã bắt đầu gần đúng với thời gian Mẹ khởi sự chăm sóc người nghèo khổ và hấp hối tại Calcutta, và đã không bao giờ giảm bớt – trừ thời gian nghỉ ngơi dài 5 tuần lễ năm 1959. Mặc dầu luôn luôn vui vẻ trước công chúng, nhưng con người Têrêxa trong các lá thư đã sống trong một tình trạng đau khổ về tinh thần sâu đậm và dài lâu. Trong hơn 40 lần trao đổi thư từ, nhiều thư chưa bao giờ được công bố trước đây, Mẹ than van về “sự cằn cỗi”, “tối tăm”, “cô đơn” và “ngược đãi” đã phải gánh chịu. Mẹ so sánh cảm nghiệm đó với hỏa ngục, và có lúc nói rằng nó đã đẩy Mẹ tới chỗ nghi ngờ về sự hiện hữu của thiên đường và ngay cả sự hiện hữu của Chúa. Mẹ nhận thức rõ rệt sự khác biệt giữa tình trạng nội tâm và thái độ của Mẹ ngoài công chúng. Mẹ viết: “Nụ cười là một chiếc mặt nạ hoặc tấm áo che đậy mọi sự.” Tương tự như thế, Mẹ nghi ngờ không biết mình có phạm phải tội dối trá bằng lời nói hay không. Mẹ thố lộ với một vị cố vấn: “Con nói như thể chính lòng con yêu mến Chúa – một tình yêu êm dịu, riêng tư – Nếu cha có [ở đó], chắc cha đã nói: ”Thật là chuyện giả hình.” Sau đây là phát biểu của Lm James Martin, biên tập tạp chí America của dòng Tên và là tác giả cuốn sách My Life with the Saints (Các Vị Thánh Trong Đời Tôi) đề cập đến các báo cáo ngắn gọn hơn năm 2003 về nỗi hoài nghi của Mẹ Têrêxa: “Tôi chưa bao giờ đọc một cuốn hạnh các thánh nào mà lại có vị thánh chịu cảnh tăm tối về tinh thần khắc nghiệt đến thế. Không ai biết là Mẹ đã bị dằn vặt đến như vậy.” Lm. Kolodiejchuk, biên tập cuốn Come Be My Light (Hãy Đến Làm Ánh Sáng Của Ta) nhớ lại: ”Tôi đọc một lá thư cho các nữ tu [dòng Bái ái Truyền giáo của Mẹ Têrêxa] nghe và các chị (ngạc nhiên) đến há hốc miệng. Điều đó sẽ cho biết có một chiều kích hoàn toàn mới về cách người ta hiểu biết về Mẹ.”

Cuốn sách khó có thể là tác phẩm của một vài phóng viên điều tra có khuynh hướng bài tôn giáo đã bới lục thùng rác đi tìm các thư từ của Mẹ Têrêxa. Cha Kolodiejchuk, một thành viên lâu năm của tu hội Bác ái Truyền giáo, là cáo thỉnh viên có nhiệm vụ đệ đơn xin tuyên thánh cho Mẹ và thu thập các dữ liệu để hỗ trợ cho thỉnh cầu này. (Cho đến nay, Mẹ đã được phong Chân phước; bước kế tiếp là phong thánh). Các lá thư trong cuốn sách được thu thập là một phần trong tiến trình đó.

Giáo hội có tiên liệu các giai đoạn trì trệ không phát triển về tinh thần. Quả vậy, Gioan Thánh giá, vị thánh nhân thần bí người Tây ban nha ở thế kỷ 16, đã dùng từ ngữ “đêm đen” của linh hồn để mô tả giai đoạn đặc biệt trong sự tăng trưởng về đường thiêng liêng của một số bậc thánh nhân cao cả. Trường hợp của Mẹ Têrêxa có thể là trường hợp gay cấn nhất được ghi lại. ( “Đêm tăm tối” của của thánh Phaolô Thánh giá (thế kỷ 18) dài 45 năm; cuối cùng người đã phục hồi lành mạnh). Vậy mà cha Kolodiejchuk lại thấy – theo bối cảnh của thánh Gioan Thánh giá – đó là sự tăm tối trong khuôn khổ đức tin. Ngay từ đầu thập niên 1960 Mẹ Têrêxa đã tìm cách sống với nỗi tăm tối đó mà không mất đức tin, không bỏ công việc làm. Cha Kolodiejchuk xuất bản cuốn sách để làm bằng chứng cho sự kiên trì tràn đầy niềm tin mà cha coi như là hành động anh hùng thiêng liêng nhất của Mẹ.

Hai người Công giáo rất khác biệt đều tiên đoán rằng cuốn sách sẽ là một dấu mốc nổi bật. Lm Matthew Lamb, chủ tịch phân khoa thần học trường Đại học bảo thủ Ave Maria tại Florida, nghĩ rằng Come Be My Light (Hãy Đến Làm Ánh Sáng Của Ta) với tư thế là cuốn tự truyện về sự tiến triển trên đường nhân đức, sẽ rốt cuộc có vị trí như cuốn Thú Tội (Confessions) của thánh Augustinô và cuốn Ngọn Núi Bảy Tầng (The Seven Storey Mountain) của Thomas Merton. Lm. Martin ở tạp chí America, một cơ quan cấp tiến hơn nhiều, gọi cuốn sách là “một thừa tác vụ mới đối với Mẹ Têrêxa, một tác vụ được viết ra về cuộc sống nội tâm Mẹ” và ngài nói: “Cuốn sách có thể được ghi nhớ ngang tầm quan trọng như tác vụ Mẹ thực hiện cho người nghèo. Nó sẽ có sứ mạng phục vụ cho những người đã cảm nghiệm nỗi hoài nghi, sự vắng mặt của Chúa trong cuộc đời. Và quý vị có biết họ là ai không? Là mọi người. Người vô thần, người hoài nghi, người đi tìm kiếm, người có đức tin, hết cả mọi người.”

JPIIvaMeTeresa.jpg

ĐGH John Paul II và Mẹ Têrêsa

Không phải mọi người vô thần và người hoài nghi đều đồng ý như vậy. Cả hai linh mục Kolodiejchuk và Martin đều cho rằng sự bất lực của Mẹ Têrêxa không nhận thấy Chúa Kitô trong cuộc đời Mẹ không có nghĩa là Chúa không hiện diện ở đó. Thực ra, họ thấy sự vắng mặt Người ở đây là một yếu tố của hồng ân Thiên Chúa đã giúp cho Mẹ thực hiện được những việc cao cả. Nhưng đối với nhóm cán bộ vô thần ngày càng quyết đoán tại Mỹ, thì lý luận nói trên dường như vô lý. Họ sẽ thấy Mẹ Têrêxa trong cuốn sách giống như người phụ nữ - trong bài hát điển hình về đồng quê pha trộn không khí miễn viễn tây - vẫn còn cầm bó đuốc chờ chồng mãi 30 năm sau khi ông đã bỏ nhà ra đi mua một bao thuốc lá và không hề trở lại. Sau đây là lời Christopher Hitchens, tác giả cuốn The Missionary Position (Vị Thế Của Người Truyền Giáo) , một luận chiến gay gắt về Mẹ Têrêxa, và gần đây hơn cũng là tác giả bản tuyên ngôn vô thần God Is Not Great (Chúa Không Cao Cả): “Không hơn bất cứ ai khác, bà chẳng được miễn trừ để khỏi nhận ra rằng tôn giáo là do loài người bịa đặt, và nỗ lực chữa trị của bà bằng cách càng tuyên xưng đức tin nhiều hơn, chỉ có thể làm cho sâu thêm hố thẳm mà bà đã tự đào cho chính mình.” Trong khi đó, một số người quen thuộc với nghị lực phi thường của bà mẹ luôn tươi cười này, có lẽ chẩn đoán tình trạng của Mẹ là một nỗ lực trong tiềm thức nhằm khiêm tốn ở mức triệt để nhất, hơn là một hồng ân của Chúa: Mẹ tự trừng phạt mình bằng một sự thất bại nặng nề để làm cân bằng với những thành công to lớn của Mẹ.

Come Be My Light (Hãy Đến Làm Ánh Sáng Của Ta) là một điều họa hiếm như vậy, một cuốn tự truyện xuất bản sau khi tác giả đã qua đời, có thể - bằng cách này hay cách khác – tạo ra cách tái thẩm định toàn diện về một nhân vật có tiếng tăm. Nó đặt những vấn đề về Thượng đế và đức tin, động lực khiến làm nên những thành quả vĩ đại, và sự kiên trì trong tình yêu thần thánh cũng như phàm tục. Vì cuốn sách trình bày không phải dưới hình thức có sắp xếp, có ý đồ, nhưng như là một mớ hỗn độn những ghi chép trong lúc thất vọng không có chủ tâm đưa ra ngoài ánh sáng, nên làm cho độc giả càng tin hơn rằng đó là tài liệu đích thực – và họ, có đôi chút kinh ngạc, đang chạm tới cuộc sống nội tâm chân thật của một vị thánh thời hiện đại.

Gần Đến Mức Kết Hợp Xuất Thần

[Chúa Giêsu]: Con từ chối không chịu làm việc này cho Cha sao?...Vì tình yêu Cha con đã trở thành Hiền thê của Cha – con đã đến Ấn độ vì Cha. Cơn khát các linh hồn của con đã đem con (đến đây) từ trước tới giờ – Con sợ không dám bước thêm một bước nữa vì Người Bạn Trăm Năm của con sao? – vì Cha – vì các linh hồn? Lòng quảng đại của con lạnh giá đi sao? Đối với con Cha chỉ là người thứ yếu ư?

[Têrêxa]: Giêsu, Giêsu của riêng con – Con chỉ thuộc về mình Chúa – Con ngu đần biết mấy – Con không biết nói gì nhưng xin làm nơi con bất cứ việc gì Chúa muốn – như Chúa muốn – bao lâu Chúa muốn. (Nhưng) tại sao con không thể làm một nữ tu toàn hảo dòng Loreto – tại đây – tại sao con không thể giống bất cứ ai khác.

[Chúa Giêsu]: Cha muốn có các Nữ tu Ấn độ, dòng Bác ái Truyền giáo, để làm ngọn lửa yêu thương giữa đám người nghèo khổ, người đau yếu, kẻ hấp hối và các trẻ nhỏ…Cha biết con là người bất lực nhất – yếu đuối và tội lỗi nhưng chính bởi vì con là người như thế - nên Cha muốn dùng Con để vinh danh Cha. Con từ chối được sao?

(đối thoại trong lúc cầu nguyện, do Tổng Giám mục Ferdinand Perier thuật lại, tháng giêng 1947.)

Ngày 10 tháng 9 năm 1946, sau 17 năm dạy học tại Calcutta với các Nữ tu Loreto ( một tu hội gốc ở Ái nhĩ lan (Ireland), không phải là dòng kín, chuyên về giáo dục) Mẹ Maria Têrêxa, lúc đó 36 tuổi, lấy xe lứa đi Darjeeling, cách Calcutta khoảng 400 miles (645 km). Mẹ đã làm việc quá sức nên đau yếu và các vị bề trên truyền cho Mẹ nghỉ ngơi trong cuộc tĩnh tâm hằng năm tại vùng chân núi Himãlạpsơn. Trên đường đi, theo Mẹ cho biết, Chúa Kitô đã lên tiếng nói với Mẹ. Chúa bảo Mẹ bỏ công tác dạy học và thay vào đó làm việc nơi các “khu ổ chuột” tại đô thị, phục vụ trực tiếp “những người nghèo nhất trong các người nghèo” – đó là người bệnh hoạn, người hấp hối, người ăn xin và các trẻ em hè phố. Chúa nói với Mẹ: “Hãy tới, hãy tới đi, hãy mang Cha tới những khu vực tối tăm của người nghèo. Hãy đến làm ánh sáng của Cha.” Mục tiêu đặt ra vừa vật chất vừa truyền giáo – như lời Lm Kolodiejchuk - “để giúp họ sống cuộc sống có phẩm giá [và nhờ vậy] tìm gặp được tình yêu vô biên của Chúa, và khi đã biết Chúa rồi thì sẽ yêu mến và phục vụ Người để đáp trả.”

Thật cực kỳ táo bạo – một chiến dịch không có tài chánh, đơn độc (Mẹ Têrêxa qui định rằng Mẹ và các nữ tu của Mẹ sẽ chia sẻ sự nghèo khổ với những người được phục vụ và khởi đầu công tác một mình) để phục vụ cho từng cá nhân những kẻ nghèo nhất trong một đô thị nghèo đến tuyệt vọng vì bạo loạn. Đức Tổng Giám mục địa phương, Ferdinand Périer, lúc đầu tỏ ra nghi ngại. Nhưng những lá thư Mẹ gửi cho ngài, hiện còn được lưu giữ, làm sáng tỏ hai đặc tính liên kết với nhau, đó là - rất mực kiên trì và cá nhân gắn bó thiết tha với Chúa. Khi Tổng Giám mục Périer ngập ngừng, thì Mẹ Têrêxa – giữa lúc tự xưng là “người nhỏ bé không là gì cả” – lại liên tiếp hết đợt này tới đợt khác gửi đến những thỉnh cầu xin ngài trình bày vấn đề lên một danh sách các vị có thẩm quyền từ dưới lên trên: phái bộ Tòa thánh tại địa phương, Mẹ Bề trên Tổng quản, Đức Giáo hoàng. Và khi Mẹ cảm thấy mọi sự đều thất bại, Mẹ tiết lộ ra Đấng có vị trí thiêng liêng cao nhất: một cuộc đối thoại xúc động (quả thực là đầy xúc động) với “Tiếng Nói” mà Mẹ thường tiết lộ là của Đức Kitô. Kết cục là Đức Giêsu lặp lại một cách xác định lời Người kêu gọi Mẹ: “Cha biết con là người bất tài nhất – yếu đuối và tội lỗi, nhưng chính vì con như vậy – nên Cha muốn dùng con làm kẻ Vinh danh Cha. Con sẽ từ chối ư?”

Mẹ Têrêxa đã có được những thị kiến, một lần chính Mẹ đàm đạo với Đức Kitô trên thập giá. Cha giải tội của Mẹ là Celeste Van Exem xác nhận rằng những cảm nghiệm thần bí của Mẹ là có thực. Cha bình luận:”Sự kết hợp [của Mẹ] với Chúa thì thường xuyên và sâu xa mãnh liệt, từ chỗ đó đến mức độ mê đắm dường như không xa lắm.” Mẹ Têrêxa sau này chỉ viết một cách giản dị: “Đức Giêsu ban chính Người cho tôi.”

Thế rồi đến ngày 6 tháng giêng năm 1948, Đức Tổng Giám mục Périer, sau khi tham khảo với Tòa thánh, cuối cùng cho phép Mẹ Têrêxa dấn thân vào ơn gọi thứ hai của Mẹ. Và chính Chúa Giêsu một lần nữa lại bỏ ra đi.

Khởi Sự Cam Go

Lạy Chúa, Chúa của con, con là ai mà Chúa lại bỏ rơi con? Đứa con của Tình Yêu Chúa – và bây giờ trở thành người bị ghét bỏ nhất – một người – Chúa đã ném xa như kẻ dư thừa – không yêu thương. Con kêu gọi, con bám víu, con ao ước – vậy mà không Ai trả lời – không Ai cho con bám víu – không, không có Ai cả - Chỉ một mình… Đức Tin của con ở đâu – ngay cả xuống dưới sâu cũng không thấy gì, chỉ có trống vắng & tăm tối – Chúa của con ơi – nỗi đau ngấm ngầm này đau đớn biết bao – Con không có Đức Tin – Con không dám thốt nên lời & ý nghĩ chen chúc trong lòng con - & làm cho con phải chịu cơn hấp hối không đo lường được.

Có quá nhiều câu hỏi không được trả lời sống động trong con, (con) sợ không dám thổ lộ - vì lộng ngôn – Nếu Chúa có thật - xin tha thứ cho con - Khi con cố sức nâng những suy tưởng con lên Trời – thì có một sự trống vắng trừng phạt đến nỗi chính những suy tưởng đó trở về như những mũi dao sắc bén & làm chính linh hồn con đau đớn. – Con được nghe là Chúa yêu thương con – vậy mà trong thực tế, bóng tối & lạnh lẽo và trống vắng quá đỗi lớn lao đến nỗi không có gì chạm đến linh hồn con được. Con đã lầm khi mù quáng đầu hàng tiếng Gọi của Trái Tim Chúa?

(đàm đạo với Chúa Giêsu, theo lời đề nghị của một cha giải tội, không đề ngày tháng)

Trong sáu tháng đầu năm 1948 Mẹ Têrêxa học một khoá căn bản về y khoa trước khi lao thân một mình xuống các phố phường Calcutta. Mẹ viết: “Linh hồn tôi lúc này hoàn toàn bình an và vui vẻ.” Lm Kolodiejchuk kèm theo lời mô tả đầy cảm động của Mẹ sau ngày làm việc đầu tiên: “Người đàn ông già nằm trên đường phố - vô thừa nhận – cô độc, chỉ còn bệnh tật và cái chết – tôi cho ông ta carbosone và nước uống, và Ông lão già ấy – thật lạ lùng lại tỏ vẻ biết ơn… Rồi chúng tôi đi đến Taltala Bazaar, có một người đàn bà rất nghèo nàn đang nằm chờ chết, tôi ngờ là vì đói hơn là vì bệnh lao… Tôi cho bà ta thuốc uống để bà thiếp ngủ được và tự hỏi bà còn cầm cự được bao lâu.”

Nhưng hai tháng sau, chỉ thời gian ngắn sau khi Mẹ đạt được thắng lợi chính yếu là tìm được chỗ đặt trụ sở, thì theo hồ sơ của cha Kolodiejchuk ta đã thấy Mẹ gặp bất ổn rồi. Mẹ viết: “Nỗi cô đơn hành hạ biết bao nhiêu, không biết tâm hồn tôi còn chịu đựng nỗi khổ này bao lâu nữa?” Lời than phiền này có thể được giải thích là đáp ứng khởi đầu cho nỗi cô đơn và cực khổ nếu không có các lá thư kế tiếp. Càng thành công chừng nào – nửa năm sau nhiều thiếu nữ trẻ đến gia nhập tu hội của Mẹ đến nỗi Mẹ lại phải di chuyển lần nữa – thì Mẹ Têrêxa càng cảm thấy khổ sở hơn. Tháng 3 năm 1953, Mẹ viết cho Đức Tổng Giám mục Périer: “Xin đặc biệt cầu nguyện cho con để con không làm hỏng việc của Người và để Chúa tỏ mình ra – vì có bóng đêm kinh khủng trong con người con, dường như mọi sự đều chết cả. Con cảm thấy như vậy hoặc ít hoặc nhiều kể từ khi con khởi đầu ‘công việc’.”

Tổng Giám mục Périer có thể đã không chú ý tới lời ghi chú tuyệt vọng đó, nên viết trả lời theo kiểu bề trên: “Con yêu quý, Chúa dìu dắt con. Con không ở trong bóng tối quá nhiều như con tưởng đâu…Con có đủ các sự việc bên ngoài để thấy là Chúa chúc lành cho công việc con làm…Tình cảm là điều không cần thiết và thường làm ta lạc đường.” Vậy mà tình cảm – hay đúng hơn là sự thiếu thốn tình cảm – trở thành nỗi đau khổ dày vò bí mật trong cuộc đời Mẹ. Làm sao bạn thấy được sự nhiệt tình của người yêu khi chàng không còn cho bạn lời nói, vuốt ve và chính sự hiện diện của chàng nữa? Vấn đề được làm cho trầm trọng thêm bằng sự ức chế, đến cả không muốn kể lể ra. Mẹ Têrêxa cho biết có nhiều dịp mời một cha giải tội tới thăm mà rồi không nói được. Cuối cùng, có một vị nghĩ cách bảo Mẹ viết ra nỗi khó khăn và Mẹ tuân theo. Mẹ viết cho Tổng Giám mục Périer năm 1955: ”Con càng ước ao Chúa thì lại càng thấy bị bỏ rơi.” Một năm sau Mẹ tỏ ra tuyệt vọng: “Lòng khao khát mãnh liệt vào Chúa đến như vậy – mà …bị cự tuyệt – nỗi trống vắng – không đức tin – không tình yêu – không nhiệt tình – [Sự cứu rỗi] các linh hồn không còn hấp dẫn nữa – Thiên đường thật vô nghĩa – xin cầu nguyện cho con để con vẫn tiếp tục mỉm cười với Chúa bất chấp mọi sự xảy ra.”

Theo đề nghị của một cha giải tội, Mẹ viết ra lời cầu xin tuyệt vọng như trong đoạn mở đầu phần này, trong đó Mẹ dò tìm các dấu hiệu có thể là tồi tệ nhất theo thần học đối với nan đề của Mẹ. Lá thư đó và thư khác từ năm 1959 ( “Tôi lao nhọc để làm gì? Nếu không có Chúa – thì không có linh hồn – nếu không có linh hồn thì Giêsu ơi – Chúa cũng không có thật ư?” ) là hai thư duy nhất nói lên nỗi nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhưng Mẹ thường than van về việc không thể cầu nguyện được: “Tôi phát âm các từ ngữ trong kinh nguyện Cộng đồng – và cố gắng hết sức để mong tìm ra trong từng chữ sự dịu ngọt phải phát xuất từ lời kinh – Nhưng lời cầu nguyện kết hợp không còn ở đó nữa – Tôi không cầu nguyện nữa.”

Khi Tu hội Bác ái Thừa sai phát triển rầm rộ và dần dần chiếm được sự chú ý của Giáo hội và thế giới, thì Mẹ Têrêxa đi từ cha giải tội này tới cha giải tội khác giống như kiểu các bệnh nhân thay đổi các nhà phân tâm học chữa trị họ. Lm. Van Exem nhừng chỗ cho Tổng Giám mục Périer, Périer nhường chỗ cho Lm. Lawrence Picachy (sau này trở thành Hồng y). Rồi thay thế bằng Lm. Joseph Neuner năm 1961. Vào những năm 1980 chuỗi dây xích đó gồm cả những nhân vật như Giám mục William Curlin giáo phận Charlotte, N.C. Đối với các cha giải tội này, Mẹ khai triển một lối viết tắt như tốc ký về nỗi khổ của Mẹ, thường đề cập đến là “tăm tối của con” và Chúa Giêsu là “Người Vắng Mặt” . Có một thời gian bớt được căng thẳng. Vào tháng 10 năm 1958, Đức Thánh Cha Piô XII băng hà, và thánh lễ cầu hồn được cử hành khắp thế giới. Mẹ Têrêxa cầu nguyện với Đức Thánh Cha xin cho một “bằng chứng rằng Chúa hài lòng với Tu hội.” Và Mẹ vui mừng: “lúc đó và tại nơi đó sự tăm tối lâu dài biến mất…nỗi khổ đau kỳ lạ suốt 10 năm trường.” Bất hạnh thay, năm tuần lễ sau, Mẹ cho biết lại một lần nữa “đi vào đường hầm tối” . Và mặc dầu, như ta sẽ thấy sau này, Mẹ tìm ra được một cách để chấp nhận sự thiếu vắng Chúa, nhưng không bao giờ lại được thảnh thơi. Năm năm sau khi nhận lãnh giải Nobel, một linh mục dòng Tên tại tỉnh dòng Calcutta ghi nhận rằng “Mẹ đến…để nói về đêm đen nhức nhối trong tâm hồn Mẹ. Đó không phải là giai đoạn đang qua mà đã tiếp tục nhiều năm trường.” Một lá thư viết năm 1995 có thảo luận đến “sự khô cạn về tinh thần” của Mẹ. Mẹ mất năm 1997.

Những Lời Giải Thích

Cha ơi, xin nói cho con biết, tại sao có quá nhiều đau đớn và bóng tối trong tâm hồn con? (thư gửi Lm. Lawrence Picachy, tháng 8 năm 1959)

Tại sao sự đối thoại của Mẹ Têrêxa với Chúa Giêsu, thật sinh động và bổ ích trong những tháng trước khi thành lập Tu hội Truyền giáo, lại bốc hơi nhanh chóng đến thế? Thật lý thú khi thấy các lối giải thích, thế tục và tôn giáo, tiến song hành với nhau trong một khoảng thời gian. Cả hai cùng hiểu (nhưng chỉ có một ca ngợi) rằng sự đồng cảm với nỗi khổ đau mở rộng của Đức Kitô trên Thập giá, để cứu chuộc nhân loại, là khía cạnh chính yếu của linh đạo Công giáo. Mẹ Têrêxa nói với các nữ tu của Mẹ rằng sự nghèo túng về của cải bảo đảm mối đồng cảm trong việc “bỏ mình” vì người nghèo khổ và tạo nên một mối giây liên kết chặt chẽ hơn với cơn hấp hối để cứu chuộc của Đức Kitô. Mẹ viết năm 1951 rằng Cuộc Thương Khó là khía cạnh duy nhất trong cuộc đời Đức Giêsu mà Mẹ muốn quan tâm chia sẻ: “Tôi muốn …uống CHỈ [Mẹ nhấn mạnh] từ nơi chén khổ đau của Người.” Và Mẹ đã làm như thế, mặc dầu các chỉ dấu cho thấy không theo đúng cách thức Mẹ đã mong muốn.

Lm Kolodiejchuk thấy đó là chủ định của Chúa khi thùng rượu tinh thần của Mẹ Têrêxa cạn khô đi đúng lúc Mẹ thắng thế các điều ngần ngại rõ rệt của Giáo hội và khi tìm ra phương thức thành công để thực hiện lời Chúa Giêsu kêu gọi Mẹ. Cha gợi ý: “Mẹ có một cá tính rất mạnh mẽ. Và một nhân cách mạnh mẽ cần đến một sự thanh tẩy mạnh mẽ hơn” như là một loại thuốc giải độc chữa trị lòng kiêu hãnh. Để chứng minh là điều đó đúng, ngài dẫn chứng câu viết của Mẹ sau khi nhận được một giải thưởng quan trọng tại Phi luật tân vào thập niên 1960: “Điều này đối với tôi hoàn toàn vô nghĩa, bởi vì tôi không có Chúa.”

Vậy còn “câu hỏi là: Ai quyết định sự bỏ rơi mà bà phải chịu?” đó là lời của Tiến sĩ Richard Gottlieb, giáo sư tại Hiệp hội và Viện Phân tâm học New York, người đã viết về Giáo hội và nhận được một cuốn Come Be My Light ( Hãy Đến Làm Ánh Sáng Của Ta) do tuần báo Time chuyển tới. “Có thể là bà đã áp đặt điều đó lên chính mình chăng?” Các nhà tâm lý đã từ lâu công nhận rằng người có một loại nhân cách nào đó thường xung đột về các thành quả to lớn của mình và tìm cách tự trừng phạt mình. Gottlieb cho biết rằng tham vọng của Mẹ Têrêxa đặt vào tác vụ của mình thật lớn lao. Cả ông và Lm. Kolodiejchuk đều ngạc nhiên vì một phát biểu của Mẹ: “Tôi muốn yêu mến Đức Giêsu như trước đây Người chưa từng được ai yêu mến như vậy.” Linh mục ghi chú: “Thật là một sự táo bạo khi nói như thế.” Vậy mà các lá thư của Mẹ lại đầy những xung đột nội tâm về các thành quả Mẹ đạt được. Gottlieb nhận xét: Thay vì đơn giản nhận rằng mọi thành công đó đều do Chúa, bà lại không thôi khổ não vì “bất cứ sự nhận công nào về các thành quả đạt được – dù chỉ là trong tâm tưởng – cũng là điều tội lỗi”, và có lẽ vì vậy cần phải có cái giá phải trả. Ông nói: chuyện có thể cũng hơi tương tự như vậy ngoài thế tục là một nhân viên điều hành phạm một tội ác ghê tởm mà đúng lúc đó lại được thăng thưởng. Đối với bà Têrêxa,” một dịp vui mừng nho nhỏ cũng gây nên một liều lượng khổ cực đáng kể.” và sự thành công tiếp theo sau đó dẫn bà tới chỗ làm cho nỗi khổ đau đó thành bất diệt.

Gottlieb cũng đề xuất rằng khởi đầu sứ vụ của bà “có thể đã đánh dấu một khúc quanh trong môi liên hệ với Chúa Giêsu,” vì các đòi hỏi cấp thiết của Người, cuối cùng bà ở trong một vị thế phải hoàn tất. Ông suy đoán rằng: Việc phải làm một thành phần tích cực có thể đã làm bà lo sợ, và cuối cùng, cách thức duy nhất để hoàn thành các việc vĩ đại là giữ vai trò thường xuyên và kém nguy hiểm hơn: làm một người tình bị bỏ rơi nhưng vẫn trung thành.

Lập trường của người vô thần giản dị hơn. Hitchens đánh bạo đưa ra ý kiến: Năm 1948, cuối cùng, Mẹ Têrêxa thức tỉnh, mặc dầu không thể thú nhận việc đó. Ông so sánh Mẹ giống như người cộng sản kiên cường Tây phương vào cuối thời chiến tranh lạnh. Ông nói: “Có một hợp âm chối tai rõ rệt. Họ nghĩ: ‘Trời ơi, Liên bang Sô viết là một thất bại, (nhưng) tôi không được phép suy nghĩ điều đó. Thế là cuộc đời của tôi hoàn toàn vô nghĩa’. Họ than phiền ầm ĩ, không biết tại sao, nhưng động cơ chính đã mất rồi. Và tôi nghĩ là một khi động cơ chính đã mất đi, nó không thể sửa chữa lại được.” Ông bảo: bà Têrêxa là như vậy đó.

Hầu hết độc giả Công giáo sẽ không chấp nhận lối giải thích ấy, cùng với bất cứ lý luận nào cho rằng Mẹ là tác giả nỗi khổ đau của chính mình – hoặc ngay cả việc xác định đó đích thực là nỗi khốn khó. Lm. Martin, trả lời cho hình ảnh Mẹ Têrêxa như người phụ nữ cầm bó đuốc trong bài ca nói trên, đề nghị phản ngược lại: mẹ như là người bạn đời anh hùng chung thủy. “Giả dụ bạn kết hôn, yêu thương và tin với tất cả tấm lòng rằng hôn nhân là một nhiệm tích. Và người vợ của bạn,- lạy Trời đừng xảy ra như vậy - bị tai biến mạch máu não và hôn mê. Và bạn sẽ không bao giờ còn cảm nghiệm được tình yêu của nàng nữa. Cũng giống như yêu thương và chăm sóc cho một người suốt 50 năm và thỉnh thoảng phàn nàn với người linh hướng của bạn, nhưng bạn biết trong mức độ đáng tin nhất, là nàng yêu bạn ngay cả khi nàng nằm im lặng lẽ và điều bạn đang làm là đúng. Mẹ Têrêxa đã biết rằng các việc mẹ đang làm là đúng.”

Hội Nhập

Con không thể diễn tả bằng từ ngữ - lòng biết ơn của con đối với sự ưu ái cha dành cho con – lần đầu tiên từ…năm – Con đã tiến tới chỗ yêu mến bóng tối – vì bây giờ con tin đó là phần nào trong một phần rất, rất nhỏ sự tăm tối và nỗi đớn đau Chúa Giêsu chịu trên trần thế. Cha đã dạy con chấp nhận nó [như] là một “khía cạnh thiêng liêng của công việc con làm” như cha đã viết – Hôm nay quả thật con cảm thấy một niềm vui sâu xa – đó là Chúa Giêsu không thể đi vào cơn hấp hối nữa – nhưng là Người muốn đi vào cơn hấp hối trong con người con. (thư gửi Lm. Neuner, khoảng năm 1961)

Có hai đáp ứng cho vết chấn thương: hoặc bám chặt lấy nó với tất cả vẻ sinh động của nó và để yên cho nó kềm giữ, hoặc là dần dần thâm nhập nó vào cuộc sống ngày lại ngày mà không cần “chinh phục” nó. Sau hơn một thập niên chịu sự hấp hối như một vết thương mở rộng, Mẹ Têrêxa dường như đã bắt đầu lấy lại được sự quân bình về tinh thần nhờ sự giúp đỡ của một vị cố vấn có nhãn quan đặc biệt. Lm. Joseph Neuner, người mà Mẹ gặp cuối thập niện 1950 và sau này được tin cẩn phần nào, lúc đó đã là một nhà thần học nổi tiếng, và khi Mẹ quay đến với ngài với “bóng đêm” của Mẹ, hình như ngài đã bảo mẹ ba việc cần phải nghe theo: là không có loại thuốc trần gian nào để chữa trị bệnh đó (nghĩa là, Mẹ không nên cảm thấy có trách nhiệm vì mắc phải), rằng cảm nhận Đức Giêsu không phải chỉ là chứng cứ duy nhất cho biết là có Người hiện diện, và sự thiết tha với Chúa của Mẹ là một “dấu chỉ chắc chắn” là Chúa “hiện diện dấu mặt” trong cuộc đời Mẹ, rằng sự vắng mặt của Người trong thực tế là một phần của “khía cạnh tinh thần” trong công việc Mẹ làm vì Đức Giêsu.

Lời khuyên này rõ rảng làm cho Mẹ Têrêxa cảm thấy được thư thái rất nhiều. Vì tất cả những điều Mẹ mong mỏi và ngay cả khát khao được chia sẻ vào cuộc Thương Khó của Đức Kitô, Mẹ đã không dự kiến là có thể tóm tắt trong giây phút đặc biệt trên Thánh giá khi Người hỏi: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” Mẹ tìm được ý nghĩa cho nỗi khổ đau của mình trong các ý tưởng sau đây: nỗi cô đơn Chúa cảm thấy không phải là một khoảng trống hư vô mà có thể là thử thách Mẹ mong mỏi được chịu đựng, sự kiên trì của Mẹ trước đau khổ có thể là tiếng vang vọng đức tin của Chúa cho đến chết trên Thập giá, và đau khổ quả thực có thể là một hồng ân, nâng cao tính hiệu quả nơi ơn gọi của Mẹ. Sau này Lm. Neuner có viết: “Thật là một cảm nghiệm được đền bù trong đời Mẹ khi Mẹ nhận ra rằng đêm tối của tâm hồn mình là một chia sẻ đặc biệt vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.” Và Mẹ cảm ơn cha Neuner rất nhiều: “Con không thể diễn tả bằng từ ngữ - lòng biết ơn của con đối với sự ưu ái cha dành cho con – lần đầu tiên từ…năm – Con đã tiến tới chỗ yêu mến bóng tối.”

motherteresalife.jpg

Cuộc đời Mẹ Têresa

Không phải vì thế mà đau khổ không còn tiếp tục hành hạ Mẹ. Những năm sau này, khi mô tả nỗi vui trong Chúa một số nữ tu trong dòng cảm nhận được, Mẹ đưa ra nhận xét một cách khô khốc với Lm Neuner:”Con chỉ có niềm vui là không có gì hết – không cả thực tại về sự Hiện Diện của Chúa [trong phép Thánh thể].” Mẹ mô tả linh hồn mình như là một “khối nước đá”. Thế nhưng Mẹ nhận chân được sự phân biệt chủ yếu của cha Neuner, nên viết: “Con chấp nhận Thánh Ý Chúa, không phải bằng cảm giác của con - mà bằng ý chí – Con chấp nhận thánh ý Người.” Mặc dầu đôi lúc Mẹ còn lo ngại rằng mình có thể “biến một tên Giuđa thành Chúa Giêsu trong bóng tối đau đớn này”, nhưng rồi năm tháng qua đi, sự bỏ rơi từ hình dạng một trái banh hư hỏng biến thành một loại đá góc tường gồ ghề. Nhà phân tâm học Gottlieb nói: “Điều đáng chú ý là Mẹ hội nhập nó theo cách có thể biến đổi nó thành trọng tâm chi phối nhân cách của mình, làm ngọn hải đăng cho cuộc sống đạo đức đang tiếp diễn.” Chắc chắn rằng Mẹ hiểu nó là điều thiết yếu cần được hướng vào đời sống mai hậu. Mẹ viết năm 1962: “Nếu ngày nào tôi làm thánh – Chắc tôi sẽ là một vị thánh của “đêm đen”. Tôi sẽ thường xuyên vắng mặt chốn thiên đàng – để [chiếu soi] ánh sáng cho người còn trong tăm tối chốn trần gian.”

Xét về thần học, điều này có một chút bất thường vì hầu hết các Giáo hội Thiên Chúa giáo chính thống đều định nghĩa thiên đàng là hưởng mặt Chúa đời đời và họ thực ra không dự liệu về chuyện vắng mặt thường xuyên ở bàn tiệc nước trời. Nhưng, như cha Kolodiejchuk gợi ý, đó là lời phát biểu cảm động nhất của Mẹ, bởi vì lòng hy sinh bao hàm trong hành động đó là vô tận. Ngài nói: “Khi Mẹ viết thế này ‘Tôi sẵn lòng chịu đau khổ… tất cả vì cõi vĩnh hằng, nếu điều đó có thể được’, thì tôi đã phải thốt lên (kinh ngạc): “Ôi chao!”

Ngài khẳng định rằng các lá thư bộc lộ cho ta thấy Mẹ thánh thiện hơn mọi người tưởng. Tuy nhiên các nỗ lực vì danh Chúa của Mẹ thật phi thường, và ta còn ngạc nhiên hơn nữa nếu biết rằng Mẹ đã hoàn thành những nỗ lực đó khi không có Chúa đi cùng – có một chút gì giống như một người tưởng rằng mình không bước đi được mà lại thắng giải chạy 100 thước ở Thế vận hội. Cha Kolodiejchuk còn đi xa hơn nữa. Các nhà thần học Công giáo công nhận hai loại hình “đêm tối”: loại thứ nhất là thanh luyện, rửa sạch người chiêm niệm nhằm đạt được một cuộc “kết hợp chung hậu” với Chúa; loại thứ hai là “đền bù”, và còn tiếp tục sau khi kết hợp như thế để người đó có thể tham dự vào trạng thái tinh tuyền, ngay cả gần hơn với sự tinh tuyền của Mẹ Maria và Chúa Giêsu, người đã chịu khổ đau để cứu độ nhân loại mặc dầu không mắc tội gì. Lm. Kolodiejchuk viết: “Chung cuộc, bằng mọi dấu chỉ, đây là trường hợp của Mẹ Têrêxa. Điều đó đặt Mẹ vào lớp người tinh tuyền hơn nữa.

Một sứ vụ mới

Nếu việc này để Chúa được sáng danh – nếu đem được các linh hồn lại cho Chúa – con sẽ vui vẻ chấp nhận tất cả cho đến hết đời con. (Viết cho Chúa Giêsu, không đề ngày tháng)
MotherteresaPoor.jpg

Mẹ Têrêsa với người nghèo

Nhưng đối với hầu hết mọi người, địa vị của Mẹ Têrêxa giữa hàng các thánh Công giáo có thể sẽ ít quan trọng hơn là một điều hàm chứa đại cương trong cuốn Come Be My Light (Hãy Đến Làm Ánh Sáng Của Ta) : đó là nếu Mẹ có thể tiếp tục đi suốt nửa thế kỷ mà không có Chúa trong đầu cũng như trong tim, thì có lẽ những người không thánh thiện được như Mẹ, có thể đương đầu với những cảnh huống như thế nhưng kém cường độ hơn. Năm 1968, nhà văn sau này trở thành nhà sản xuất phim ảnh Malcolm Muggeridge đến thăm Mẹ Têrêxa. Ông là người theo thuyết bất khả tri, hay lớn lối, nhưng vào lúc ông tới Calcutta cùng với đoàn quay phim, ông lại hoàn toàn ở trong tình trạng tìm kiếm con đường thiêng liêng. Ngoài việc gây cho ông ấn tượng về công việc và sự thánh thiện, Mẹ còn viết cho ông một lá thư vào năm 1970 đề cập đến các nỗi nghi ngờ đầy phiền toái của ông. Mẹ viết: “Lòng ông khao khát Chúa thật sâu xa mãnh liệt vậy mà Người vẫn còn ở xa ông. Người bắt buộc phải làm như thế - bởi vì Người yêu ông rất mực – tình yêu riêng của Đức Kitô dành cho ông thật vô hạn – Cái khó khăn Nhỏ ông đang có về Giáo hội của Người thì hữu hạn – Hãy thắng cái hữu hạn bằng cái vô hạn.” Muggeridge quả đã thực hiện điều đó. Ông trở thành người lớn lối bênh vực Thiên Chúa giáo và trở lại đạo Công giáo năm 1982. Cuốn phim của ông Something Beautiful for God (Vài Điều Đẹp Đẽ Dâng Chúa) quay năm 1969, được hỗ trợ bằng cuốn sách cùng tên xuất bản năm 1971 làm cho Mẹ Têrêxa trở thành người gây xúc động mạnh trên khắp thế giới.

Vào lúc đó Muggeridge dường như là một trường hợp hãn hữu. Thuở nhỏ ông là đứa con cưng sau này trở thành người có chút ít nổi tiếng, ông khó có thể là loại khán giả mà Mẹ Têrêxa nhằm tới. Ngày nay thì, với việc xuất bản cuốn Come Be My Light (Hãy Đến Làm Ánh Sáng Của Ta) , chúng ta tất cả có thể đóng vai trò của Muggeridge được. Lm. Kolodiejchuk nghĩ rằng cuốn sách có thể tác động như thứ thuốc giải độc cho một vấn đề văn hóa. Ngài nói: “Khuynh hướng trong cuộc sống đạo đức của chúng ta, và cũng trong thái độ thông thường của chúng ta đối với tình yêu nữa, là coi các cảm xúc là tất cả. Và vì thế đối với chúng ta toàn bộ vấn đề tình yêu là cái gì chúng ta cảm xúc. Nhưng yêu ai thực tình cần phải có sự cam kết, lòng trung thành và chấp nhận phê phán. Mẹ Têrêxa đã không ‘cảm xúc’ được tình yêu Đức Kitô và có thể Mẹ đã đóng khép (cảm xúc) lại. Nhưng Mẹ đã thức dậy mỗi buổi sáng lúc 4 giờ 30 vì Đức Giêsu và vẫn còn viết cho Ngài như thế này: ‘Hạnh phúc của Chúa là tất cả điều con ao ước’ thì đó là một tấm gương hùng hồn, ngay cả khi bạn không diễn đạt bằng những từ ngữ riêng biệt của tôn giáo.”

Tạp chí America của Lm. Martin thì lại muốn nói chính xác bằng từ ngữ tôn giáo. Cha nói: “Tất cả những gì Mẹ cảm nghiệm cũng là điều những người tín hữu trung bình hiển nhiên cảm nhận trong cuộc sống tinh thần của họ. Tôi có biết nhiều người đã cảm thấy bị Chúa bỏ rơi và đã nghi ngờ về sự hiện hữu của Chúa. Và cuốn sách này trình bày điều đó một cách tuyệt vời, nhưng đồng thời cũng cho ta thấy lòng tin cậy hoàn toàn và trọn vẹn của Mẹ.” Cha ngừng lại một chút rồi hỏi: “Ai có thể nghĩ rằng người được coi là phụ nữ trung thành bền đỗ nhất trên thế giới lại phải chiến đấu như thế với đức tin của mình? Và ai có thể nghĩ rằng người được coi là có đức tin mạnh mẽ nhất lại có thể là một thánh nhân của kẻ hoài nghi?” Cha Martin đã từ lâu dùng Mẹ Têrêxa làm tấm gương cho giáo dân trong xứ đạo về tình yêu tự hiến hoàn toàn. Bây giờ, ngài cho biết sẽ dùng đức tin phi thường của mẹ trước sự im lặng lớn lao ngột ngạt để làm sáng tỏ rằng ngờ vực là điều tự nhiên của đời người, dù là đời người tín hữu trung bình hay là đời một vị thánh nổi tiếng khắp thế giới.

Vào Trong Ánh Sáng Đời Thường

Xin hủy tất cả mọi thư từ hoặc bất cứ điều gì con đã viết. (thư gửi Lm. Picachy, tháng 4 năm 1959)
motherteresanuns.jpg

Các nữ tu tiễn biệt Mẹ Têrêsa

Với đức kiên trì trong cuộc phấn đấu chống lại lòng kiêu hãnh, lý do căn bản Mẹ Têrêxa nêu ra để hủy bỏ các thư từ cá nhân theo lời Mẹ giải thích với Lm. Picachy là: ”Con muốn mọi công trình đều chỉ là của Người. Nếu phổ biến những lá thư này, người ta sẽ nghĩ nhiều đến con, mà ít nghĩ về Chúa Giêsu hơn.”

Người thánh đức đặc biệt cũng chẳng kém gì chúng ta trong khuynh hướng xét đoán sai lầm các công trình của lịch sử – hoặc công trình do Chúa quan phòng, nếu bạn muốn hiểu như thế. Mẹ Têrêxa coi sự vắng mặt của Chúa trong cuộc đời Mẹ là một bí mật đáng xấu hổ nhất của Mẹ, nhưng rút cục học hỏi được rằng có thể coi đó như là một hồng ân nhằm khuyến khích ơn gọi của mình. Nếu chuyện Mẹ lo ngại về việc phổ biến sự việc đó lại trở thành lo âu đặt không đúng chỗ - nếu một cuốn sách có những lời ghi chú vội vàng về những xao xuyến âu lo lại trở thành cuốn sách làm dễ dàng con đường tu đức của hàng ngàn người tín hữu anh em, thì sẽ không có gì phải xấu hổ vì đã lầm lỡ sai lạc tới hai lần – trái lại là điều sai lầm mang lại hạnh phúc, ngay cả sai lầm đến mức mộ tuyệt vời.

Time
Phụng Nghi dịch

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 31.08.2007. 17:17