Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận qua lời kể của một số tu sĩ và giáo dân

§ Gia Minh

Tín hữu Công giáo nhiều nơi trên thế giới đang quan tâm đến tin Đức giáo hòang Bênêđíctô 16 ngỏ ý đồng thuận phong chân phước cho cố Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận nhân dịp giỗ 5 năm của vị Hồng Y này.

Trong một chương trình trước, Đài chúng tôi gửi đến quí thính giả bài phỏng vấn Linh mục Giám đốc Ban Việt Ngữ Đài Phát Thanh Vatican một số thông tin liên quan quá trình phong chân phước đó. Hôm nay, mời quí vị nghe một số tu sĩ và giáo dân tại Việt Nam từng được tiếp xúc với giám mục Nguyễn Văn Thuận trong thời gian ngài bị quản chế ở khu vực Hà Nội.

Vị tu sĩ bị quản chế

Địa danh Giang Xá dường như còn khá xa lạ với nhiều nguời ở các miền Trung và Nam Việt Nam. Nhưng giáo xứ Giang Xá, cách Hà Nội 17 kilômét, lại là một trong những nơi quản chế vị Giám mục nổi tiếng của hàng giáo phẩm Việt Nam, Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Cũng như tại những nơi đã đi qua, ở Giang Xá, Giám mục Nguyễn Văn Thuận không những có sức thu hút với giáo dân Công giáo mà còn cả những người khác và cán bộ chính quyền. Linh mục Phêrô Trần Văn Chương, quản nhiệm giáo xứ Giang Xá hiện nay cho biết:

”Cán bộ địa phương bị thay liên tục, vì ai đến với Ngài cũng bị Ngài thu hút. Lúc đầu có định kiến nhưng sau đó thì họ đều có ấn tượng tốt với Giám mục Nguyễn Văn Thuận.”

Ông Nguyễn Văn Trọng, một người gần gũi với Giám mục Nguyễn Văn Thuận trong thời gian ở tại Giang Xá cho biết:

“Từ ngày 26 tháng 5 năm 1978, người ở đến cuối năm 1982 thì về Hà Nội. Người thông minh, sáng láng. Dân đến thăm nhưng chỉ lén lút thôi.

Dân bên lương cũng quí ngài. Ngài có thuốc mà dân nào đến ngài cũng cho thuốc mà ai uống cũng khỏi bệnh.

Chúng tôi thì văn hóa hơi kém nên cũng chỉ biết tấm gương đạo đức của người thôi.”

Người thợ hớt tóc cho Giám mục Nguyễn Văn Thuận trong thời gian ở Giang Xá, tên là Phúc cho biết: “Mọi người nhắc đến đức tính của cha; chưa thấy ai như thế.”

Sau thời gian ở Giang Xá, giám mục Nguyễn Văn Thuận được đưa lên Tòa tổng giám mục Hà Nội. Nơi đây ông cũng có dịp gặp một số chủng sinh đang tu học tại Đại chủng viện Hà Nội. Cha Thiên, người mới được phong chức hồi năm ngóai, nói về ấn tượng mà ông có nơi Giám mục Nguyễn Văn Thuận:

“Được gần ngài rất vui, vì ngài cởi mở, thân thương, dể làm quen. Hồi tôi còn là ứng sinh thì có lần gặp ngài và cha Sinh thì cha Sinh hỏi ngài đóan tôi có đi tu được không thì ngày nói là được và cố gắng lên. Có lần tôi cùng đi hớt tóc với ngài rất vui.

Ấn tượng nhất của tôi với ngài là cuốn 'Đường Hy Vọng', cuốn sách này giúp tôi nhiều trong đời tu hành. Có lần ngài hỏi tôi có góp ý về cuốn 'Đường Hy Vọng' không? Tôi có góp ý là cha viết là đừng có như 'robot' thì tôi thành thật nói là với chúng con ở thành phố thì hiểu nhưng, dân nhà quê thì sao hiểu được.

Đặc biệt có điều ở ngài là luôn sẵn sàng tha thứ. Ngài dặn dò là các con hãy luôn yêu thương tổ quốc Việt Nam. Ngài đúng là thánh!”

Tiểu sử Hồng y Nguyễn Văn Thuận

Sinh năm 1928. Cuộc đời tu học của Hồng y Nguyễn Văn Thuận khởi sự từ tiểu chủng viện An Ninh, tỉnh Quảng Trị; tiếp đến là đại chủng viện Kim Long, Huế. Sau đó được thụ phong Linh mục năm 1953.

Từ năm 1956 đến năm 1959, người theo học giáo luật tại Roma. Khi trở về nước người làm bề trên tiểu chủng viện Hoan Thiện tại Huế, đồng thời là linh mục tổng đại diện tổng giáo phận Huế. Năm 1967, người được tấn phong giám mục giáo phận Nha Trang.

Tháng tư năm 1975, người được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Phó Tổng Giáo Phận Sài Gòn với quyền kế vị.

Vào tháng 8 năm 1975, ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn bắt giữ vị Giám mục. Thời gian giam giữ kéo dài từ đó đến tháng 11 năm 1988, trải qua nhiều nơi khác nhau.

Năm 1989, Giám mục Nguyễn Văn Thuận được nhà cầm quyền cho phép xuất ngọai sang Australia. Năm 1990, chính quyền Hà Nội cho người sang Roma chữa bệnh nhưng sau đó không cho người trở về nước nữa.

Tháng tư năm 1994, Tòa thánh Vatican bổ nhiệm người làm Phó Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hòang Công Lý và Hòa Bình, và trở thành Chủ tịch của Hội Đồng này 4 năm sau đó.

Vào tháng 1 năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lồ đệ nhị công bố tuyển chọn Giám mục Nguyễn Văn Thuận vào Hồng y đoàn.

Nhưng bệnh ung thư đã cướp đi sinh mạng vị Hồng Y danh tiếng vào ngày 16 tháng 9 năm 2002, giữa lúc mọi giáo dân trên thế giới đều coi Ngài là vị Hồng Y rất nhiều triển vọng thừa kế ngôi vị người chủ chăn của giáo hội, một khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị về hầu nhan thánh Chúa.

2007.09.20

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.09.2007. 18:28