Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chuyện phiếm ngày Tết: Xin Chúc Tiếng Cười

§

Các sinh hoạt làng chúng tôi đã thành nếp. Cứ đầu năm tây là mừng tết dương lịch, cứ tháng Tư là mừng lễ Chúa Phục Sinh và lễ Phật Đản, tháng Năm ngày Hiền Mẫu, tháng Sáu ngày Hiền Phụ, tháng Bảy lễ Vu Lan, tháng Mười lễ Tạ Ơn, tháng 12 lễ Giáng Sinh, tháng Chạp cúng ông Táo và ăn Tết. Cả làng ai cũng thuộc lịch này, và đều biết mừng lễ ra sao, tại đâu và ai là chủ lễ.

Và sôi nổi nhất bao giờ cũng là lễ cúng ông Táo. Các cụ có biết tại sao không?

Thưa, vì là ngày hội viên viễn cư Từ Hoè về làng ăn tết. Các cụ nhớ ông Từ Hoè chứ, cái ông có cuộc sống như huyền thoại, cái ông trước 1975 đánh nhau với VC bắt được chú chính uỷ, sau 1975 thì chú chính uỷ mở mắt rồi cùng ông vượt biên, hai người kết nghĩa anh em ấy mà. Cái ông ban đầu sống ở Totronto với làng nhậu, rồi khi chú em kết nghĩa được Canada nhận và cho định cư ở miền tây Canada thì ông bỏ làng đi sang đoàn tụ với chú ấy mà. Ông bỏ làng ra đi nhưng hứa mỗi tết mỗi về. Ông đã giữ lời hứa. Bà Cụ B.95 mê ông như điếu đổ. Bà cụ cứ nhắc hoài : Ông Từ Hoè mà kể chuyện thì con rắn trong lỗ cũng phải bò ra. Thế mà đã hơn hai chục năm rồi đó. Bà cụ còn chuyền cái lòng ái mộ này sang cho hai cô hội viên mới xứ Huế nữa mới kinh chứ.

Đúng như giao ước, ông Từ Hoè đã về làng ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Táo. Mấy năm trước ông về tay không. Năm nay ông mang về một túi xách nặng, qùa tết của chú em cựu chính uỷ, bây giờ có tên Canada là chú Paul.

Các cụ có đoán được túi qùa này món gì không ? Chú Paul này giống y như ông Từ Hoè. Đời chú cũng huyền thoại. Chú và gia đình nhập đạo Công Giáo, ông Từ Hoè đỡ đầu. Trong tuần thì vợ chồng chú đi làm, cuối tuần thì làm việc thiện nguyện cho nhà thờ. Hình như tôi có kể chuyện này rồi mà. Nhà thờ của chú mở cửa cho người homeless vào ngủ đêm. Việc của chú là mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật tới đãi họ bánh mì với cà phê. Ban đầu là bánh mì quệt bơ, bánh mì phó mát. Rồi chuyển sang bánh mì giò chả, rồi xôi vò, rồi dịp tết này là bánh chưng chấm mật. Trước đây chỉ có mấy chục người homeless ăn sáng với chú, nay thì cả ông cha xứ cả mấy dì phước cũng tới xin ăn, vui qúa thể.

Theo ông Từ Hoè thì cái chú Paul này nấu ăn giỏi lắm. Tết này chú nấu hai thùng bánh chưng. Thùng thứ nhất đãi các người bạn homeless. Thùng thứ hai gửi tết dân làng chúng tôi. Cái túi nặng ông Từ Hoè mang theo là túi bánh chưng đấy, các cụ ạ. Thật là quý hóa.

Bánh chưng được bày lên bàn thờ cúng ông Táo ngay. Sau lễ cúng là dân làng mang của lễ xuống nhậu. Cụ Chánh và Cụ B.95 là người cứ thắc thỏm muốn được ăn bánh chưng của chú Paul ngay vì muốn nếm cái hương vị bánh chưng Hà Nội sau này ra sao.

Chị Ba Biên Hoà và cô Huế Cao Xuân định dùng dao cắt bánh, ông Từ Hoè ngăn lại ngay. Cái phép cắt bánh chưng cổ truyền là phải dùng chính dây lạt cột đồng bánh mà cắt, và phải cắt chéo xuyên tâm chứ không cắt vuông góc như lối cắt bánh Canada. Ông Từ Hoè mang theo cả mật, bánh chưng chấm mật mới thật lối Bắc kỳ, ông bảo thế. Cụ Chánh ăn xong miếng bánh thứ nhất đã gật gù : Ngon tuyệt ! Đúng truyền thống Bắc Kỳ. Ông Từ Hoè kể : Chính tôi tiếp tay gói bánh chưng với vợ chồng chú. Công phu lắm. Nào ngâm gạo bằng nước luộc lá dứa cho thơm. Nào thịt heo phải là thịt đùi, có da có mỡ có thịt, ướp với hành củ giã nát, tiêu, muối và chút xíu bột ngọt. Nào nhân đậu xanh phải xôi chín từ trước. Nào gói bằng lá giong từ VN gửi qua, chứ không phải lá chuối. Nào cột bánh bằng dây lạt. Nào phải nấu bằng bếp ga để ngọn lử a cháy đều. Chú nấu những 8 tiếng đồng rồi mới vớt bánh ra, bởi vậy hạt nếp, đậu, thịt, gia vị quyện lấy nhau. Ăn miếng bánh mà như ăn quê hương vào lòng.

Ai cũng được ông Từ Hoè tặng một chiếc bánh đem về. Hai cô Tôn Nữ và Cao Xuân sung sướng qúa chừng. Cô Cao Xuân nói nhỏ vào tai tôi : Người đâu mà ngộ dữ tề ! Tôi đáp lại : Rồi cô coi, cái ông Từ Hoè này còn nhiều thứ ngộ hơn nữa.

Theo đúng truyền thống, ông Từ Hoè ở tại nhà cụ Chánh. Ông ở đây để chuẩn bị bữa ăn ngày đầu năm. Ai cũng đang hồi hộp. Xưa nay, ông là đầu bếp chính cho bữa ăn Mồng Một. Năm con nào thì nhậu con đó. Năm gà thì nhậu gà, năm rắn thì nhậu rắn, năm con heo tất nhiên là nhậu heo rồi, nhưng dân làng muốn biết ông sẽ nấu món heo nào. Ông Từ Hoè cười ha ha rồi tuyên bố : Bí mật ! Dân làng đành chờ vậy.

Ngày mồng một, dân làng cúng bái tổ tiên và ăn tết ở nhà với gia đình, buổi chiều mới xuất hành đến nhà Cụ Chánh để tết tiên chỉ và họp làng. Ông Từ Hoè đã có sáng kiến lập bàn thờ tổ, trên bài vị viết đủ tên gia tộc cả làng. Tôi thấy Cụ B.95 cầm que hương mà nước mắt lưng tròng. Chị Ba Biên Hòa mắt cũng đỏ hoe.

Sau phần nghi lễ là tiệc mừng. Các cụ biết ông chủ tiệc Từ Hoè làm món gì không ? Thưa món ‘giò heo nấu giả cầy’. Ông bảo món này là một tổng hợp vừa tiễn năm Tuất vừa đón năm Hợi. Thịt heo rõ ràng nha, vừa trong món giả cầy, vừa trong nhân đồng bánh chưng. Ông này thật khéo vậy đó. Đúng là ngộ dữ tề !

Sau bữa ăn là phần văn nghệ Tết.

Người viễn cư Từ Hoè được mời đầu tiên. Ông phát biểu rằng mỗi lần về làng ăn tết, là mỗi lần ông nhớ quê hương vô cùng. Vừa mới đây ông được xem cuốn DVD Asia 52 với chủ đề Huyền thoại Lê Minh Bằng, ông thích cuốn này quá vì nó đưa ông về quê hương, đưa ông về những ngày tháng cũ, đưa ông ra Bắc, ra Trung rồi vào Nam. Ba Nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng qủa là ba bậc kỳ tài. Bốn MC dẫn chương trình Nam Lộc, Việt Dzũng, Leyna Nguyễn và Trịnh Hội quả là duyên dáng. Các nghệ sĩ trình diễn quả là xuất sắc. Bài ‘Đêm nguyện cầu’ kết thúc chương trình hay tuyệt vời và ý nghĩa hết sức. Xưa nay ông chưa bao giờ thấy một cuốn âm nhạc nào hay như vậy.

Dân làng ai cũng gật đầu đồng ý vì ai cũng đã coi cuốn Asia này, và ai cũng thấy bóng dáng quê hương mình trong đó. Bà Cụ B.95 cất tiếng trêu anh John : Anh có thấy quê hương mình trong đó không ? Anh John này cũng dí dỏm kinh lắm, bèn trả lời ngay : Có chứ. Cháu thấy quê vợ cháu nhiều lắm. Vợ chồng cháu là một mà. Các cụ thấy kinh chưa !

Rồi cụ Chánh chỉ vào tôi : Lão thấy không ai sung sướng bằng ông Trà Lũ vì ông và nhạc sĩ Anh Bằng cùng quê đấy. Sinh quán hai ông gần Cửa Thần Phù lịch sử cơ mà. Tôi bèn lên tiếng : Chỉ nhạc sĩ Anh Bằng là tài hoa và xuất chúng thôi. Cửa Thần Phù chỉ có ba bồ tài hoa thì ông Anh Bằng của tôi chiếm mất hai bồ rồi, tôi chỉ được một đấu nhỏ.

Và tôi chuyền trái banh lại cho ông Từ Hoè. Ông này nhắm ngay anh John mà hỏi : Anh học tiếng Việt đã bao năm, đọc bao nhiêu là sách vở, ai cũng khen anh giỏi tiếng Việt, vậy nay nhân ngày đầu năm, anh thử nói sơ sơ xem tiếng Việt tuyệt vời ở những chỗ nào. Phải xin anh nói là vì chúng tôi trong cuộc, nhiều khi không nhìn thấy.

Anh John thích câu hỏi này qúa vì hình như nó gõ đúng cái tủ ngôn ngữ của anh.

Anh trả lời ngay : Tôi có thể nói về đề tài này một tháng không hết. Cụ B.95 đây, mỗi lần họp làng là mỗi lần cụ bắt tôi kể, và lần nào tôi cũng mới chỉ nói được một chút xíu. Cái đẹp của ngôn ngữ VN là một đề tài mênh mông, vậy xin cho tôi nhớ gì nói nấy. Cũng xin dân làng góp thêm ý với tôi nha. Rồi Anh John kể :

Vừa đây tôi đọc về nhà thơ tiền chiến Thế Lữ, thơ văn của ông thì hay qúa sức, điều này đã rõ rồi, mà ngay cái bút hiệu Lê Ta mà ông dùng cho các bài tạp văn, cũng hay đáo để. Trên một tờ báo tết, ông tự nói về tên mình như sau:

Thế Lữ mừng xuân hai thứ lễ
Một quả lê tây, một quả lê ta.

Ông đem trái lê vào câu thơ để làm kế hoả mù chứ sao lại có trái cây lê ở chỗ này. Nhưng một độc giả thông thái đã phá được hỏa mù, giải rằng : Ta là tôi, tiếng Hán tôi là Ngã. Lê Ta tức là Lê Ngã, mà đánh vần ‘lê ngã’ thành Lễ. Tên khai sinh của ông là Lễ, Nguyễn Thứ Lễ mà. Hóm hỉnh chứ.

Anh John nói tiếp : cái độc đáo của câu tiếng Việt này không thể dịch sang tiếng Anh được. Cũng như đôi câu đối của ông Siêu và ông Quát hay vô cùng, mà không cách gì chuyển được cái hay đó cho người nói tiếng Anh và tiếng Pháp.

Chuyện ông Siêu ông Quát như vầy : Bữa đó ông đồ trẻ Lê Văn Siêu đang ngồi trên chõng tre dạy học ngoài đình làng, chú bé Cao Bá Quát nhà nghèo không có tiền đi học, chú đứng ở ngoài cửa nhìn vào. Thày Quát đọc được nét thèm thuồng trong đôi mắt chú bé, thày liền ra vế đối, hẹn rằng em mà đối được thì thày sẽ cho em vào học miễn phí :

Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két.

Cậu bé Quát đối lại ngay :

Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ.

Vế ra và vế đối thật hay quá chừng. Mấy tiếng đầu là chữ Hán, còn những tiếng sau là tiếng VN thuần túy : Thày giáo ngồi trên chiếu, cái chõng kêu kót két. Kót két là tiếng tượng thanh, lặp đi lặp lại, nói lên cái chõng ọp ẹp, hay tuyệt diệu. Và vế đối : Cậu bé vào trong đình, nét mắt thẩn thơ. Thẩn thơ là tiếng tượng hình, lặp đi lặp lại, nói lên cái ngẩn ngơ, hay thần sầu.

Cu B.95 ngồi nghe không nhúc nhích vì thích qúa sức. Cả đời cụ chưa hề được nghe những sự lạ như thế bao giờ.

Ông ODP phụ hoạ : Nhân nói tới tượng thanh, tôi liền nhớ tới Ông Lê Văn. Ông là một chuyên gia kỳ cựu của đài Tiếng Nói Hoa Hỳ VOA trước đây, ông cũng là tác giả cuốn ‘ Rượu Vang, Món qùa của Thượng Đế’ một sách biên khảo công phu mới xuất bản. Tên tác giả, Lê Văn, đọc lên nghe mài mại như ‘ Le Vin ‘ trong Pháp văn. Le Vin nghĩa là rượu. Rõ ràng Lê Văn là tên tượng thanh, là tên tiền định, số của ông là số uống rượu rõ ràng. Rồi ông ODP cười hi hi : Con người ta ai cũng có số cả ! Ông có số rượu là nhất thế gian rồi.

Thấy Anh John như ngưng lại, Cụ B.95 và hai cô Huế lên tiếng đòi anh John nói nữa. Anh tiếp ngay. Rằng tiếng tượng thanh trong văn chương VN nhiều lắm. Chẳng hạn 4 câu thơ lục bát này :

Đương khi lửa tắt cơm sôi,
Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem
Bây giờ lửa đã nhóm lên,
Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm

Đây là một bức tranh quê tuyệt đẹp. Bốn câu thơ vẽ ra cảnh đôi vợ chồng trẻ, mới có một tí nhau và nuôi một con lợn trong bếp. Cô vợ vừa bế con vừa nấu cơm vừa nấu cám cho lợn. Chắc bếp lửa làm gò má cô vợ đỏ hây hây, gái một con mà, anh chồng thấy vợ đẹp qúa bèn tặc lưỡi đòi yêu, bất chấp đứa con, bất chấp nồi cơm, nồi cám.

Tiếng ‘tòm’ là tiếng tượng thanh, đắc địa qúa, nó cực tả cái hành động vợ chồng yêu nhau. Tôi nghĩ nát óc mà không thể dịch sang tiếng Anh được. Sao lại tòm tem, sao lại tòm. Các ngài giúp tôi với.

Lúc này ông H.O. mới lên tiếng : Anh là tổ sư mà còn chịu thì bọn tôi giúp gì được. Mà này, tiếng Tòm anh vừa khen đó có làm anh nhớ tới một tiếng khác trong câu thơ cũng diễn tả cái việc ấy không ? Tiếng ‘Vẽ xằng’ ấy mà.

Anh John lên tiếng xin chịu vì còn dốt về văn chương VN lắm. Anh chưa học tới chữ Vẽ Xằng. Phe các bà nghe đề tài này hấp dẫn bèn xin Ông H.O. kể. Các cụ thấy chưa, phe các bà mê chuyện ‘ấy’ lắm nha, mà bề ngoài thì cứ em chả, em chả.

Nói về đề tài này thì ông H.O. hào hứng lắm. Ông kể : Có anh chàng kia thất tình vì không lấy được cô gái mình yêu. Cô là nạn nhân của tục tảo hôn ngày xưa. Chắc cha mẹ cô nghèo nên đã gả cô cho một thằng bé con nhà giầu. Chàng thất tình nói với cô gái :

Anh tiếc thay hạt mưa trong rơi xuống đống bùn !
Anh tiếc thay tờ giấy trắng để thằng bé cỏn con nó vẽ xằng !

Hai câu thơ gợi cho ta hình ảnh một thằng cu con, chưa nên cơm cháo gì. Nó là đống bùn mà. Nó chả biết việc ‘tòm’. Mà em thì mơn mởn đào tơ, là hạt mưa trong, là tờ giấy trắng. Thật tiếc lắm thay, tờ giấy trắng đẹp đẽ như em mà để thằng cu toàn vẽ xằng. Còn anh đây nè, anh đây mới biết vẽ ra bài ra bản, ra hình, em ơi.

Hai tiếng ‘vẽ xằng’ tượng hình này thì anh dịch ra Anh văn làm sao ?

Thấy anh John lại lắc đầu xin chịu. Ông Từ Hoè không muốn anh John vào ngõ bí, liền mở lối : Thôi, ngày tết ta nói chuyện tượng thanh tượng hình, chuyện tòm và vẽ vạch như vậy đủ rồi. Tôi là người ở xa, lâu lắm không được nghe anh John nói chuyện. Bây giờ hỏi thật nha : anh đọc sách VN nhiều, anh thấy đoạn sách nào tả về sắc đẹp của các cô gái VN mà anh cho là hay nhất, xin kể cho nghe. Xin anh cứ nói thoải mái, vì bữa nay ngày tết, Chị Ba hỉ xả hết.

Thấy cả làng vô tay râm ran về lời xin tha thiết này, anh John như được thêm hứng, liền thưa : Tôi thấy bài thơ sau đây là tả hay nhất và đúng nhất cô gái miền Nam

Gái Cần Thơ Vĩnh Long
Đất gạo trắng nước trong
Người mơn mởn như xoài
Da trắng như bông bưởi
Mắt đen như hạt nhãn
Tóc thơm như hoa cau

Đọc đến đây tự nhiên tắc, anh vỗ trán nghĩ hoài mà không đọc tiếp được. Cả làng liền vỗ tay để đưa anh khỏi cơn bối rối. Như để cứu chồng, chị Ba Biên Hòa lên tiếng ngay : Thế còn cô gái Bắc Kỳ đẹp ra sao, hả anh ? Nghe mùi qúa chứ, phải không các cụ. Được vợ tiếp sức, anh John trả lời ngay : Tôi thấy sách vở ca tụng người đẹp đất Bắc thế này :

Khăn vấn bỏ đuôi gà
Áo tứ thân ôm sát vòng eo
Em nhai trầu hồng môi hồng má
Đôi mắt bồ câu, da trứng gà bóc
Bàn tay búp măng
Giọng oanh vàng thỏ thẻ
Dáng đi sen vàng lãng đãng...

Cụ B.95 vỗ tay to nhất. Cụ bảo : đúng thế, gái Bắc Kỳ có vấn khăn có nhai trầu. Rồi như chợt nhớ ra một việc quan trọng không thể thiếu mỗi lần cụ gặp anh John. Cụ hỏi : À mà này, còn tin thời sự cuối năm thì sao, anh John ?

Ông ODP liền lên tiếng : hôm nay làng ta đã bắt anh John nói nhiều rồi, tôi xin làm việc này thay. Chuyện thời sự còn nóng và đang được mọi người nói tới là hội nghị APEC ở Hà Nội và Tổng thống Bush đi dự. Chuyện ông Bush mặc áo gấm xanh và họp báo cho biết con gái Thủ Tuớng VN lấy vợ Việt Kiều ở Mỹ, những chuyện này ai cũng biết cả rồi. Tôi thấy có chuyện vui bên lề xin trình bà con. Đó là các tờ báo tiếng Tàu gọi tên các chính khách đọc lên nghe rất buồn cười. Chẳng hạn : tên tổng thống George Bush đọc là Kiều Thị Bố Thập, đàn ông mà có chữ THỊ nha. Đệ nhất phu nhân Laura Bush thì đọc là Lao Lạp Bố Thập, nghe như lao đao vì lạp xưởng. Tên Tổng thống Clinton được phát âm là Kha Lâm Đốn, cái này tạm đúng vì tổng thống dính với dì Monica thì đốn thật. Tên hai đại học danh tiếng Hoa Kỳ, Yale và Havard, thì đọc là Da Lỗ và Cáp Phật. Các trường này giầu có chứ có bị lỗ, có bị cáp duồn gì đâu. Quân Mỹ đánh nhau ở Iraq, tên Iraq đọc là Y Lạp Khắc. Quân Mỹ có ăn lạp xưởng bao giờ...

Cụ B.95 lại cười như nắc nẻ. Cụ bảo : Chả lẽ cái tai của người Tàu kém vậy sao. Thế thì thua cả cán bộ VN. Tôi nghe ngày trước, tên nước Iran và Iraq được một số quan cán bộ đọc là nước Một Răng và Một Rắc ! Dầu sao đọc như thế thì chỉ sai có một nửa. Tai VN vẫn hơn tai Tàu.

Để cho cả làng cười xong, ông Từ Hoè lại lên tiếng. Ông lại chiếu tướng Anh John. Ông hỏi anh đã đọc Truyện Kiều chưa. Anh thưa là chưa thì ông lắc lắc cái đầu. Ông bảo anh đã là người VN đến 90 % thì phải đọc Kiều chứ. Rồi ông mang Phạm Quỳnh và Truyện Kiều ngày xưa ra diễn thuyết...

Rằng xưa nay chưa thấy ai ca ngợi Truyện Kiều hay bằng Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh là ai cơ ? Thưa là một nhân vật lẫy lừng trong lịch sử, lịch sử chính trị cũng như lịch sử văn học. Ông tinh thông Pháp văn và Hán Văn, viết bao nhiêu bài gía trị trên báo Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong. Ông sang Pháp diễn thuyết nhiều nơi mà nơi nào giới trí thức Pháp cũng nhất loạt đứng lên vỗ tay bao nhiêu lần. Một con người uy tín như thế mà đã hết lời ca ngợi Nguyễn Du và Truyện Kiều thì phải hiểu đây là sự thật, không phải ngoa ngôn.

Phạm Quỳnh viết như thế này :

- Truyện Kiều vừa là Kinh, vừa là Truyện, vừa là Thánh Thư của dân tộc...

- Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn...

- Truyện Kiều có một cái đặc sắc mà những kiệt tác trong văn chương Pháp không có. Đặc sắc ấy là sự phổ thông. Người Pháp không phải ai ai cũng biết đọc kịch Racine hay là đọc văn Bossuet. Còn người Nam thì ai ai cũng biết ngâm Kiều, kể Kiều, lẩy Kiều. Kẻ thông minh hiểu cách thâm trầm, người tầm thường hiểu cách thô thiển, nhưng ngâm nga lên thảy đều lấy làm vui tai, sướng miệng, khoái trí, tỉnh hồn. Thử hỏi cổ kim Đông Tây có áng văn chương nào cảm được người sâu và rộng như thế chưa ?...

Ông Từ Hoè nói đến đây rồi thúc dục : Anh John đọc Kiều ngay đi nha.

Ông ODP cười hà hà rồi góp ý : Xin đố quý vị nhờ đâu mà Cụ Nguyễn Du viết văn chương Truyện Kiều trác tuyệt như vậy ? Đa số dân làng cho rằng do cái trí thông minh bẩm sinh. Ông ODP lắc đầu rồi lại cười hà hà : Không phải ! Quý vị nên nhớ là Cụ Nguyễn Du gốc người Hà Tĩnh miền Trung nha, mà ngôn ngữ Truyện Kiều thì rõ ràng là ngôn ngữ Bắc Kỳ nha. Bởi đâu mà Cụ Nguyễn Du nói và viết tiếng Bắc Kỳ hay như vậy ? Thưa, là bởi nhờ bà vợ thứ thất gốc Thái Bình. Khi về trí sĩ, cụ sống với bà số hai ở miền châu thổ sông Hồng Hà này và đã viết ra Truyện Kiều. Bà Hai đã truyền cái vốn Bắc Kỳ cho Nguyễn Du. Truyền cách nào và lúc nào thì tôi nghĩ mãi chưa ra. Nói đến đây thì ông ODP ngưng lại, nhìn mọi người rồi lại cười hà hà.

Cái ông ODP này gớm thật. Vui ngày tết có khác.

Ông Từ Hoè phụ họa : Anh John nên theo gương cụ Nguyễn Du, anh nên xin Chị Ba cưới cho một cô vợ bé Bắc Kỳ, theo chân Cụ Nguyễn Du đi ! Cam đoan cái hơi vợ bé Bắc Kỳ sẽ làm cái vốn tiếng Việt của anh nên toàn bích

Cả làng cười ầm lên. Cụ B.95 thì cười ngặt nghẽo. Hai cô Huế thì vừa cười vừa đấm Chị Ba Biên Hoà thùm thụp.

Cụ Chánh thấy cả làng vui cười như vậy thì tỏ ra sung sướng lắm. Cụ bảo ngày tết mà cuời vui như thế thì năm Đinh Hợi này sẽ hên cả năm. Lão nhớ ông Tây Bertrand Russel đã nói một câu chí lý : ‘Tiếng cười là một thần dược, rẻ vô cùng nhưng lại hiệu nghiệm vô cùng’. Ông Mỹ cũng nói như vậy : ‘Laughter is the best medicine’. Còn ông bà VN ta cũng nói y như thế nhưng nói trước ông Tây ông Mỹ cả ngàn năm: ‘Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ’. Đúng vậy. Tiếng cười làm tan biến mọi ư u phiền, mang lại sức khoẻ cả tinh thần cả vật chất, tăng thêm tình thân ái đoàn kết, làm cho ta yêu đời...

Chúng ta hãy chúc cho nhau năm mới đầy tiếng cười.

Trà Lũ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.02.2007. 12:16