Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương III: Giáo Hội

§ Phạm Hồng Lam

- Thưa hồng i, đức Giê-su Ki-tô đã hứa với các tông đồ và những người kế vị, là Ngài sẽ luôn nhắc nhở họ về những lời Chúa dạy, và Ngài vẫn tiếp tục làm điều đó. Hồng i có cảm nhận nào về lời hứa đó không?

Việc Chúa nhắc nhở không nên hiểu một cách máy móc, như kiểu mình có thể gọi ra một dữ kiện từ máy vi tính. Đó là một lời hứa có giá trị cho toàn cả Giáo hội.

Đức Giê-su nói thế này: “Chúa Thánh Linh, người được Chúa Cha nhân danh thầy sai xuống, sẽ chỉ cho anh em mọi sự và giúp anh em nhớ tất cả những gì thầy dạy”.

Nói thế, có nghĩa là Ngài không để Giáo hội phải bước đi một mình, là Ngài không bỏ rơi Giáo hội, là Ngài giúp Giáo hội đổi mới trí nhớ để hiểu ra và đào sâu những gì trước đây chưa hiểu. Nhưng không có nghĩa là mỗi cá nhân bất cứ lúc nào cũng có thể đòi cho mình quyền được nhắc nhở đó; và việc nhắc nhở cũng không tới với Giáo hội một cách đương nhiên. Mà Giáo hội cần phải cầu nguyện và ghi nhớ liên lỉ, qua đó Chúa Thánh Linh rồi sẽ tác động. Song tôi có thể nói, một cách nào đó, cầu nguyện chắc chắn đã giúp tôi có nhiều cảm nhận.

Dù sao cũng đã có nhiều tín hữu nam nữ tuyệt vời, họ nhìn thấu được những mối liên hệ lớn lao và trình bày những hiểu biết phức tạp đó một cách tài tình, để đám đông có thể nắm bắt được.

Tôi nghĩ, cũng một phần nhờ họ có mặt trong Giáo hội và cùng sống với đức tin Giáo hội, nên họ đã có được ơn soi sáng đó. Giáo hội có thể mở rộng chân trời hiểu biết và giúp con người đi sâu vào những gì mà một mình họ không thể hiểu nổi. Ngoài ra, cũng có những người được ơn Chúa đặc biệt, mà ta gọi là thánh, nhờ tâm hồn gần Chúa nên họ có khả năng đi sâu vào lời Chúa hơn và làm cho lời đó trở nên sống động trước mắt ta.

- Có phải tình yêu đã gắn bó ngài với Giáo hội?

Có thể nói như thế. Giáo hội là nhà của tôi, đó là đại gia đình của tôi, vì thế tôi yêu thương gắn bó với nó, cũng như người ta gắn bó với gia đình mình.Giáo hội không phải là một sản phẩm tình cờ hay tuỳ nghi của lịch sử, đặc biệt không phải là một sản phẩm như lịch sử hiểu. Nhưng với người ngoài, nó thường được xem là một tổ chức có của và quyền lực, giống như một công ti, nhưng ông chủ ở đây suốt ngày mặc áo thụng chạy lòng vòng. Trước đây, đại giáo chủ Lê-ô có lần nói, để có thể hiểu được đôi chút về Giáo hội, người ta trước hết phải cởi bỏ đi “cái màn đêm giác quan địa cầu và màn khói khôn ngoan trần thế”.

Có thể tiếp cận Giáo hội trên nhiều bình diện. Người ta có thể nhìn nó thuần tuý như một định chế, như một trong những quyền lực có tổ chức hiện diện trên thế giới, hay nhìn nó với cái nhìn thuần tuý xã hội. Người ta có thể bị sứt mẻ vì những biến cố hoặc cá nhân riêng rẽ trong Giáo hội. Tuy nhiên, nếu cứ nhìn dưới khía cạnh định chế, ta chỉ hiểu được Giáo hội một cách phiến diện.

Tôi thấy xã hội duy lí và náo động ngày nay bị cám dỗ nhìn Giáo hội qua những uỷ ban, hội đồng và họp hành. Người ta muốn nó phải thực tế và dễ nắm bắt hơn, muốn nó phải là một công trình của con người, trong đó rồi ra đa số sẽ biểu quyết những chuyện nên tin hoặc không thể tin, hoặc những chuyện khác nữa. Nhưng làm như vậy là người ta càng ngày càng đẩy Giáo hội xa khỏi chính nó. Giáo hội, như thế, sẽ chẳng còn đạt tới được sự sinh động – và dĩ nhiên chẳng còn vươn được tới Chúa nữa.

Nếu muốn hiểu đúng Giáo hội, tôi nghĩ, ta nên tiếp cận nó từ bình diện phụng vụ. Đây là bình diện nói lên nhiều nhất về bản tính Giáo hội, bởi vì đây là chỗ Chúa luôn tiếp xúc và đổi mới Giáo hội. Trong phụng vụ, ta phải sống cuộc sống Giáo hội qua Kinh Thánh, qua các bí tích và lời kinh của tín hữu hoàn vũ. Và nhờ thế, như đại giáo chủ Lê-ô nói, người ta mới có thể gạt đi màn khói làm mờ cái nhìn của ta và bóc đi những cái dằm trong đôi mắt, để chúng dần trở nên sáng và thấy được.

Và rồi, người ta sẽ thấy Giáo hội trong chiều thẳm sâu hơn. Rằng trong đó gồm cả cộng đoàn các thánh, hữu danh hoặc vô danh, những người đã ra đi trước chúng ta. Rằng Giáo hội hiện thân nơi vô số những tín hữu gắn bó với đức Ki-tô. Và rằng nguồn cội của Giáo hội xuất phát từ chính đức Ki-tô. Chúa Ki-tô là động lực làm cho vườn nho sống và giúp nó đơm hoa kết trái. Trong í nghĩa đó,Giáo hội có bản chất sâu xa hơn là những gì có thể thống kê được, hay những gì có được qua biểu quyết. Nó là một cơ phận sống được nhờ bởi chính đức Ki-tô.

15. THÁNH LINH

NHƯ MỌI SỰ KHỞI ĐẦU…

- “Phúc cho anh, Si-mon Ba-gio-na”, đức Giê-su nói với người đàn ông, mà tên tuổi được Giáo hội ghi ấn muôn đời, “anh là Phê-rô, và trên đá này ta sẽ xây Giáo hội ta, và mọi quyền lực âm phủ sẽ không chiến thắng nó được”. Câu nói mở đầu một lịch sử thành công vô tiền khoáng hậu. Phải chăng, với câu nói đó, chính đức Ki-tô đã lập Giáo hội?

Câu hỏi, phải chăng chính đức Ki-tô muốn có Giáo hội, đã trở thành một cuộc bàn luận sôi nổi. Nhiều người bảo không, Ngài chỉ muốn Nước Trời hay một cái gì khác, chứ hoàn toàn không phải Giáo hội. Lập luận như thế, rõ ràng người ta đã không hiểu rằng, không những đức Giê-su đứng trong lịch sử cứu độ của dân Do-thái, mà còn không hiểu cả í định đổi mới dân này của Ngài, nghĩa là Ngài muốn đổi mới, đào sâu và mở rộng toàn bộ lịch sử cứu độ - và như vậy có nghĩa là Ngài muốn lập cái mà ta nay gọi là Giáo hội.

Có nhiều hồ sơ thành lập Giáo hội trong cuộc đời đức Giê-su. Bắt đầu từ việc chọn mười hai tông đồ. Mà chúng ta hiểu đó là biểu tượng của mười hai chi họ Is-ra-en mới. Rồi tới những lời Ngài nói với họ, và nhất là trong bữa tiệc li, bữa tiệc được giao và trao tặng cho họ như là tâm điểm cuộc sống mới của họ. Sự việc càng rõ nét hơn trong lệnh rửa tội, lệnh truyền giáo và nhiều chỗ khác. Và việc chọn Phê-rô đứng đầu nhóm tông đồ và làm tảng đá Giáo hội là một sự kiện trong gói hồ sơ thành lập đó.

- Sau khi mất, đức Giê-su hiện ra với các tông đồ ở Giê-ru-sa-lem. Theo phúc âm Mát-thêu, Ngài nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai anh em”. Vừa nói, Ngài thổi hơi vào các ông và nói: “Hãy nhận lấy Thánh Linh!” Có lẽ chẳng ai trong các ông lúc đó hiểu được chuyện gì sẽ xẩy ra với việc thổi hơi đó.

Đó là một hoạt cảnh đầy ấn tượng, nó cụ thể hoá việc chọn nhóm mười hai sau ngày phục sinh. Các tông đồ trở thành những người mang Thánh Linh, đấng tiếp nối sứ mạng của chính Chúa Giê-su Ki-tô trong họ. Thật ra lúc đó chẳng ai có thể tưởng tượng được sứ mạng đó sẽ tác động như thế nào. Đa số trong họ nghĩ tới ngày tận thế đang tới gần. Họ tin chắc rằng, thời gian giờ đây đã viên mãn, và lịch sử chẳng còn kéo dài bao lâu nữa. Các tông đồ chỉ cần biết, họ giờ đây mang trong mình thần linh của đức Ki-tô, và họ phải mang sự bình an – đó là cái mới do Ngài mang tới - vượt biên giới Do-thái ra cho các dân tộc khác nữa.

Một chuyện kì diệu đã xẩy ra sau ngày phục sinh. Vào một chiều tối, Phê-rô, Gio-an và vài người khác đánh cá trong hồ Giê-nê-sa-ret. Bầu khí chẳng vui, vì họ không đánh được con cá nào cả. Sáng sớm hôm sau, khi thuyền cập bờ, họ gặp đức Giê-su. Các môn đồ không nhận ra Ngài, dù Ngài nói với họ như một người thân. Ngài nói: “Này, mấy cậu, có gì ăn không?” Rồi Ngài bảo họ: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ có cá”. Không hiểu sao, họ làm theo lời, và lưới đầy cá đến nỗi không thể kéo lên được. “Thầy đó!”, Gio-an chợt la lên. Phê-rô phóng mình xuống nước, bơi vào bờ, những người khác chèo thuyền vào theo. Họ bắt được 153 con cá to, mà lưới không rách.

Câu chuyện mang tính rất biểu trưng và đa nghĩa, lúc này đây ta không thể bàn vào chi tiết được. Một mẻ lưới kì diệu. Các ngư phủ lưới cả đêm mà chẳng bắt được gì, và với kinh nghiệm dày dạn của họ, không ai nghĩ rằng sáng ra mà còn đánh được cá. Nhưng họ nghe lời đức Giê-su, trở ra lại, thả lưới và quả được như lời Ngài nói.

Đâu là í nghĩa con số 153 mà Gio-an đã cẩn thận ghi lại, các học giả chưa hiểu. Một số người coi đó là chữ số tên gọi của Phê-rô. Dù sao, họ coi đó là dấu chỉ của sự tràn đầy. Đây là một lời hứa vượt lên trên cái hiện có. Một mặt, nó cho thấy con người chẳng cần nhọc công gì trong việc bắt cá từ biển trần gian này, để từ đó có được những con cá người sống động cho Chúa. Mặt khác, nó đồng thời nói lên hứa hẹn luôn có thể xẩy ra điều không thể xẩy ra, rằng Giáo hội luôn vẫn có thể kéo lưới Ki-tô từ bể gian trần chóng qua, và rằng trong mẻ lưới này của ngư phủ Phê-rô sẽ có vô số con người được kéo lại với nhau.

- Câu chuyện tiếp tục. Họ đốt lửa, sửa soạn bữa ăn với cá và bánh mì. Và rồi đức Giê-su quay sang Si-mon Phê-rô: “Này Si-mon”, Ngài nói, “con của Jo-nas, anh có yêu thầy hơn các anh em kia không?” Phê-rô ngỡ ngàng, đáp: “Vâng, thưa Thầy, Thầy biết con yêu Thầy”. Ngài hỏi đi hỏi lại ông ba lần như thế, lần nào cũng được trả lời: “Vâng, thưa Thầy, Thầy biết con yêu thầy”. Cuối cùng, Phê-rô hơi bực, thưa: “Thầy, Thầy biết mọi chuyện, Thầy cũng biết là con yêu Thầy”. Sau đó, cũng với ba câu, Ngài đã trao cho Phê-rô sứ mạng lạ lùng: “Hãy chăn dắt chiên của thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của thầy”, và cuối cùng “Hãy chăn dắt cừu của thầy”. Những điều đó mang í nghĩa gì?

Trước hết, các môn đệ đã bắt cá cho Ngài, và Ngài đã cho các ông ăn. Rốt cuộc thì nỗ lực của con người được đền bù nhiều hơn bởi tặng phẩm do chính đức Giê-su trao ban. Và cuối cùng, thêm một lần nữa, ta thấy í hướng sắp đặt người kế vị của Chúa. Lời thú nhận đầu tiên của Phê-rô, mà chúng ta đã nói tới trước đây, xẩy ra sau khi vụ thành công ở Ga-li-lê đã lắng đọng, và không còn ai đề cập tới đức Giê-su nữa. Nhiều người cho rằng câu nói Phê-rô là đá không phải do đức Giê-su nói, mà đó chỉ là điều do người ta thêm thắt về sau cùng với câu chuyện phục sinh. Nhưng các Tin Mừng đã cố tình ghi lại câu đó vào một thời điểm quyết định trong cuộc đời tại thế của đức Giê-su; nó đã được đan bện vào khung cảnh đó, đến nỗi không thể nào tách rời ra được.

Trong phòng tiệc li lại có một lời hứa mới với Phê-rô: Ngày nào đã vững, anh nhớ củng cố anh em. Nghĩa là Phê-rô được giao cho nhiệm vụ củng cố đức tin cho đồng bạn. Điều quan trọng, là những chứng cứ về Phê-rô đó xuyên suốt các sách Tân Ước. Trong các Tin Mừng nhất lãm, trong Tin Mừng Gio-an và thư Phao-lô ta đều thấy vai trò đứng đầu đó; nghĩa là nhận thức về chỗ đứng đặc biệt của Phê-rô đã được nói tới trong nhiều vùng truyền thống khác nhau.

Tin Mừng Gio-an đoạn 21 trên nói về một nghi thức kế vị. Phê-rô từ đây phải chăm sóc đàn chiên của Chúa. Và sau đó Chúa nói với ông, trong một tiên tri về cuộc tử đạo, rằng nhiệm vụ đó chỉ được xây dựng trên tình yêu đối với Ngài, và chỉ có thể thực thi với điều kiện sẵn sàng bước vào con đường tử đạo. Như vậy, đối với tín hữu công giáo, nền thần học đầy đủ về Phê-rô trong Tân Ước đã bằng nhiều cách nói lên sứ mạng đặc biệt của ngài – và đó cũng là một di chúc cho Giáo hội mọi thời.

- Đức Giê-su phục sinh đã truyền cho các môn đệ, anh em chỉ rời Giê-ru-sa-lem sau khi đã nhận được “sức mạnh từ trời” là Chúa Thánh Thần. Ngài có một câu đầy bí ẩn: “Gio-an đã làm phép rửa bằng nước, còn anh em ít ngày nữa sẽ được rửa bằng Thánh Thần”. Nghĩa là sao?

Đức Giê-su loan báo về quà tặng Thánh Linh, sẽ được đổ xuống lần đầu tiên trong ngày lễ ngũ tuần. Câu chuyện đã được thánh Lu-ca thuật lại trong Công-vụ Tông-đồ. Trong đó, ngài mô tả quà Thánh Linh đã đổ xuống trên nhóm ưu tú 120 người đang tụ họp với mười hai tông đồ và mẹ Maria như thế nào. Lu-ca viết sách đó rất cân nhắc, ngài cho hay việc Thánh Linh hiện xuống là một cuộc tái cưu mang đức Giê-su, và như vậy con người Giê-su đã được đón nhận nơi trần gian. Giờ đây Thánh Linh lại xuống, và như thế Giáo hội, “nhiệm thể đức Ki-tô”, được hình thành để bước vào lịch sử. Điều đó xẩy ra trong dấu chỉ mưa bão và lửa, và nhất là qua dấu chỉ phép lạ ngôn ngữ - với những dấu chỉ đó Giáo hội được thông báo và đón nhận bằng mọi thứ tiếng. Đó là hình ảnh đối lập với tháp Babel. Đó là xã hội mới và khác, mà Thiên Chúa giờ đây dựng lên trong lòng người, nhờ bởi sức mạnh của Thánh Linh là ngọn lửa của Thiên Chúa.

- Nhưng phải chăng đã có lửa, những lưỡi lửa từ trời rơi xuống thật sự?

Cảnh tượng đó thật sự ra sao, tuỳ mỗi người hiểu. Các giáo phụ, và đặc biệt nền thần học đông phương, coi biểu tượng đó mang í nghĩa rất sâu xa. Thánh Linh hiện ra dưới hình lưỡi, hình lửa, điều đó có nghĩa là Ngài sẽ ngự lại nơi từng người một. Đó là những hình ảnh cơ bản nói lên cho ta biết cái còn lại, cái mầu nhiệm của Thánh Linh, của sự tái sinh Giáo hội. Và phép lạ ngôn ngữ cũng nói lên cái mà ta gọi là chất công giáo của Giáo hội.

BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI

- Giáo hội tái sinh. Thế nào là Giáo hội? Nó phải nên như thế nào? Tại sao lại gọi bản chất giáo hội là tông truyền và công giáo?

Tông truyền có nghĩa mối liên kết hàng ngang của Giáo hội kinh qua mọi thời đại. Giáo hội, trước hết, được nối vào nguồn lịch sử với mười một người được Chúa chọn (còn mười một người, sau đó Ma-thêu được chọn thêm vào). Giáo hội không phải là một huyền thoại hay một í hệ bịa đặt, nhưng nó thật sự thả neo nơi biến cố đức Giê-su Ki-tô lịch sử, và nó luôn có thể chỗi dậy một cách mới mẻ từ gốc tông đồ đó. Điều này được biểu lộ không những qua việc Giáo hội trung thành với chứng tá và niềm tin của các tông đồ xưa, mà còn cả qua việc bí tích. Vì thế, chúng ta không thể lâu lâu lại bắt Giáo hội phải như thế này hay như thế nọ được. Mà Giáo hội luôn phải gắn chặt với nguồn, phải là một tiếp nối liên tục của nguồn đó. Bí tích truyền chức linh mục cho thấy mối liên kết với cái nguồn không do ta tự nghĩ ra đó, và đồng thời cho ta biết Chúa Thánh Linh là đấng bảo đảm cho sự liên tục.

- Còn công giáo?

Công giáo dịch nghĩa là “bao gồm toàn thể”, là cho hết mọi người. Nghĩa là Giáo hội của toàn thế giới, của mọi nền văn hoá và mọi thời. Điểm này rất quan trọng. Là vì Giáo hội không bao giờ được hạn hẹp lại trong một Giáo hội quốc gia. Nó luôn phải vượt ra ngoài mọi biên cương. Không được trở thành một Babylon. Giáo hội có mặt để nhân loại khỏi bị trấn át bởi cảnh hỗn loạn kình chống nhau. Nó có mặt để, bằng qua muôn thứ ngôn ngữ, dâng lên Thiên Chúa toàn bộ kho tàng tốt đẹp của nhân loại - và như vậy Giáo hội cũng là lực giao hoà ở ngay giữa chính nhân loại.

- Người công giáo có một lối nghĩ rất đặc biệt. Đó là một cách nhìn riêng về các biến cố, về con người và tất cả những gì xẩy ra trên sân khấu thế giới này. Có cách nào để định nghĩa lối nghĩ đó không ?

Khó nói. Tính cách công giáo thật ra được hình thành và nuôi dưỡng từ toàn thể lịch sử lòng tin, nhưng hình thái đặc thù của nó đã triển nở đặc biệt nơi Giáo hội phương tây. Vì thế, một số yếu tố, mà ngày nay ta gọi là lối nghĩ công giáo, không đúng cho mọi thời và có thể đổi thay. Nhờ sự gia nhập của các dân tộc mới, nhờ việc bước ra tiến vào thời đại mới, mà ta có thể có được những thay đổi, những đào sâu, những đổi mới.

- Tôi thấy hình như tự do đức tin nơi người tin lành bị hạn chế, họ ở trong tình trạng phải chọn một trong hai, hoặc cái này hoặc cái kia; còn nơi người công giáo có sự mềm dẻo hơn: Hoặc cái này lẫn cái kia. Công giáo coi trọng cái liên kết, nghĩa là chấp nhận cả kinh sách lẫn truyền thống, cả quyền bính lẫn tự do, cả đức tin lẫn việc lành. Đâu là cái khác đặc thù giữa tin lành và công giáo ?

Khó có thể trả lời một cách dễ dàng, nhất là khó mà quy vào một điểm duy nhất, mặc dầu quan điểm hoặc có hoặc không nơi Tin lành khá rõ ràng. Chủ trương duy Ki-tô – chỉ có đức Ki-tô mà thôi – rất mạnh trong lối nghĩ của Luther. Trong khi đặc điểm của Công giáo là cố gắng tổng hợp. Nhưng nên tránh lối phân biệt bằng những công thức mô mẫu, bởi vì phía Tin lành có nhiều phái và bên Công giáo cũng mang nhiều thể - và nhất là vì ta chưa khai thác hết được những khả thể lịch sử trước mắt.

Dĩ nhiên, Công giáo luôn bài bác các công thức ‘duy’ của Tin lành, đặc biệt là duy Kinh, nghĩa là chỉ tin vào Kinh Thánh mà thôi. Công giáo vừa tin Kinh lẫn những gì tông truyền sống động, bởi vì tông truyền là chủ thể cưu mang Kinh, nó cũng là chủ thể Giáo hội giải thích về Giáo hội. Điểm “duy tin” cũng mang nghĩa giới hạn, là vì đức tin, trước hết, là cánh cửa duy nhất qua đó hồng ân Chúa đến với ta, nhưng rồi đức tin đó, như trong thư gởi Ga-lát nói, phải được thể hiện trong tình yêu. Ơn công chính hoá của cuộc sống ki-tô giáo hệ tại nơi sự hoà tan giữa đức tin và tình yêu. Vì thế phải phá bỏ cái duy ở đây.

Tóm lại, cái khuynh hướng mở, khuynh hướng mà ta không thể coi thường tầm quan trọng của nó, chống lại chủ nghĩa loại trừ mang tính một chiều của các cái ‘duy’ trên, là một trong những cái khác biệt nền tảng.

(còn tiếp nhiều kỳ).

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 30.06.2009. 18:12