Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương II: Đức Giê-Su Ki-Tô (9)

§ Phạm Hồng Lam

(tiếp theo... Thiên Chúa và Trần Thế, ĐHY Joseph Ratzinger trao đổi với Peter Seewald; Phạm Hồng-Lam chuyển ngữ)

LẠY CHA CHÚNG CON

- “Kinh Lạy Cha”là lời cầu duy nhất đức Ki-tô đã dạy cho môn đệ, và từ 2000 năm nay, kinh này là phần không thể thiếu trong thánh lễ. Kinh này – cũng như kinh tin kính, như các bộ tộc Is-ra-en, như số các tông đồ và số hình sao trên trời – có tất cả 12 câu. Và 12 câu này lại gồm đúng 7 lời cầu. Hẳn phải có một bí ẩn lớn trong đó?

Có phải gồm 12 câu hay không, tôi không biết. Và trong bản bằng tiếng Hi-lạp cũng có số câu như vậy hay không, lại là một chuyện khác nữa. Nếu quả như vậy, thì đây là một cấu trúc khá đặc biệt. Ta có hai kinh Lạy Cha, một theo Lu-ca và một theo Mát-thêu. Quả thật hay, khi toàn bộ nội dung và thứ tự mong ước được gói trọn trong bảy lời cầu, và mỗi chữ đều mang một í nghĩa sâu xa.

Chỉ một từ Cha mà thôi, nói lên tương quan cha – con giữa Chúa và ta, đã đầy ắp í nghĩa rồi. Từ chúng con cũng quan trọng không kém. Con cái Chúa không phải là “con” đơn lẻ, mà là “chúng con”. Như thế, cấu trúc lời kinh đó chứa đựng một kho tàng, mà í nghĩa chỉ được khám phá dần dần qua bao nhiêu thế kỉ.

- Kinh Lạy Cha chẳng bao giờ trở nên cổ hủ…

Không biết có bao nhiêu tác giả đã viết về kinh đó, vì mỗi người có một cảm nhận riêng. Vì thế, cũng như lời Chúa và kinh Tin kính, kinh này một mặt mang một hình thù bất biến, nhưng mặt khác nó luôn mới, vì là nguồn cho những cảm nghiệm bất tận, nó luôn đẩy ta đi tới. Ta không bị trói vào quá khứ cứng đơ, nhưng kinh Lạy Cha là một vùng đất đầy khám phá, trong đó chính mỗi người cũng có thể tìm ra cho mình những điều mới.

- Tại sao Giáo hội cầu kinh đó hàng ngày trong thánh lễ? Phải chăng vì đó là lời kinh do đức Ki-tô dạy?

Có lẽ chỉ một lí do đó thôi cũng đã đủ rồi. Đó là lời kinh nguồn cội, mà ta cùng đức Ki-tô cầu nguyện nhiều nhất và đúng đắn nhất. Đại giáo chủ Grê-gô-ri-ô viết trong một lá thư, kinh Lạy Cha trong thánh lễ mang tầm quan trọng nền tảng, vì rốt cuộc đó là kinh do chính đức Ki-tô dạy. Ngài nói thêm, kinh đó cao trọng hơn bất cứ một kinh nào do con người lập, và cũng quan trọng hơn những lời kinh phụng vụ.

- Một chỗ trong kinh Lạy Cha: “và đừng dẫn chúng con vào chước cám dỗ”. Tại sao một Thiên Chúa nhân từ lại muốn cho chúng ta sa chước cám dỗ? Có phải đây là một lỗi dịch thuật? Sư huynh Roger, người sáng lập phong trào Taizé, một cộng đoàn đại kết ở Pháp, đề nghị nên cầu như vầy: “và đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Người ta đã thắc mắc nhiều về chuyện trên. Tôi biết, thủ tướng Đức Adenauer đã ép hồng i Frings phải xét lại câu đó. Chúng tôi vẫn luôn nhận được thư đề nghị nên đổi theo hướng trên. Dịch đúng chữ phải là “đừng dẫn chúng con vào chước cám dỗ”. Đâu là í nghĩa của câu này?

Những người cầu xin biết rằng Chúa chẳng ép mình vào đường xấu. Ở đây, có thể nói họ khẩn cầu Ngài đi với họ trong cơn cám dỗ. Thư thánh Gia-cô-bê nói rõ, Thiên Chúa trắng ngần không một vết nhơ chẳng cám dỗ ai cả. Nhưng Chúa có thể thử thách chúng ta – như trường hợp Ab-ra-ham - để chúng ta trưởng thành hơn, để chúng ta đối diện với hố thẳm của mình, và để rồi lại đưa ta về bên Ngài. Như vậy, chữ “cám dỗ” cũng có nhiều tầng í nghĩa. Rõ ràng Chúa chẳng bao giờ dẫn ta vào đường xấu. Nhưng có thể Ngài không cất đi khỏi ta những cám dỗ, Ngài muốn giúp và dẫn ta, như đã nói, qua thử thách.

Ta cầu Ngài đừng để ta sa chước cám dỗ, đừng để ta đi vào đường xấu, đừng thử thách ta quá sức; cầu Ngài ra tay giúp đỡ sự yếu hèn của ta, để ta khỏi mất Ngài.

- Nghĩa là vẫn để nguyên câu đó?

Theo tôi nên để nguyên. Mà cũng không có việc nghiêm cấm chuyện dịch theo các lời đề nghị như kiểu của sư huynh Roger Schütz. Tuy nhiên, theo tôi, vì lòng khiêm tốn, cứ để nguyên như vậy và gắng đi vào chiều sâu của lời kinh thì tốt hơn.

NGUYÊN TẮC CHA – CON

- “Không ai biết Con hơn Cha, và không ai biết Cha hơn Con”, thánh sử Mat-thêu viết như thế. Rõ ràng tính cách Cha của Thiên Chúa cũng giống như một thứ chìa khoá giúp ta hiểu về các thế hệ hoặc về sự trở thành và sự qua đi. Các tông đồ bảo Chúa Cha là “nguồn và cùng đích mọi sự”, chỉ có trong Ngài ta mới hiểu được chính mình. Phải chăng quan hệ này, một cách nào đó, đã được khắc sâu vào cuộc sống như một nguyên tắc?

Trước hết, điều có lẽ quan trọng với tôi, là phải làm sao nêu bật lên nét đặc thù của quan hệ Cha – Con thật đặc biệt này. Câu “không ai biết Cha ngoài Con, không ai biết Con ngoài Cha” trước hết nói lên một quy luật nhận thức tổng quát. Câu đó có í nói rằng chỉ có những gì giống nhau mới nhận ra nhau. Không thể nhận ra Chúa, nếu không có sự tương đồng nội tâm với Ngài. Thật ra, chỉ có Chúa mới có thể nhận ra Ngài mà thôi. Con người được phép nhận ra Chúa, chỉ khi họ được Chúa đưa vào một quan hệ thân thuộc với Ngài, và khi nơi con người có được nhiều tương đồng với Ngài giúp họ có thể nhận ra Ngài. Và đức Giê-su nói tiếp: “Không ai có thể nhận ra, ngoài kẻ mà Cha muốn mạc khải cho”. Nói cách khác: Nhận thức chỉ xẩy ra khi cả hai đều muốn.

- Phải chăng quan hệ Cha – Con [của Chúa] cũng không phải là một mối liên hệ tiêu biểu cho cuộc sống con người?

Có thể nói được đó là một quan hệ tiêu biểu. Trước hết, đó chỉ là một thứ khung ngôn ngữ và suy tư, một chút hé mở từ xa nhằm giúp ta hiểu được một chút về Thiên Chúa – mà vẫn luôn biết rằng, như công đồng Laterano thứ 4 nói, giữa ta với Chúa cái khác nhiều hơn gấp bội lần tất cả những cái giống. Nhưng mặt khác, có lẽ không thể dùng quan hệ Cha – Con làm hình ảnh tương đồng giúp ta hiểu từ xa cái bí ẩn bên trong của Chúa, nếu như trong quan hệ đó không ẩn chứa một vết tích nào của Thiên Chúa. Quan hệ Cha – Con đặc biệt này là một mối quan hệ uyên nguyên của con người. Đây là một quan hệ cho đi, nhận vào và trao trả lại. Nếu ta bắt đầu từ đây cứ triết lí tiếp, tất nhiên ta sẽ đề cập tới toàn bộ câu hỏi về gia đình nhân loại, và như thế chắc chắn ta sẽ gặp phải giới hạn. Nhưng đúng là ngón trỏ bàn tay ta có thể vươn lên trời được bao nhiêu, thì quan hệ rất đặc biệt kia cũng vươn xa được tới đó.

- Thời đại tân tiến ngày nay đang gặp khủng hoảng về vai trò làm cha. Một khi vai trò làm cha mất, í niệm quyền uy cũng đổ theo. Và xem ra một số lớn kiến thức cũ cũng mất hoặc bị gạt bỏ đi một cách oan uổng. Xem ra, một cách nào đó, người ta không còn dễ dàng tin vào những gì lưu truyền. Làm như thế, nói một cách bóng bẩy, là người ta hất luôn cả đứa con khi đổ chậu nước tắm.

- Lời xưa có viết, Thiên Chúa đã trao cho các bậc làm cha một sứ mạng. Và quả thật, xưa nay việc chuyển tiếp gia sản đã diễn ra trong quan hệ cha con; việc chuyển tiếp này hầu như luôn là một diễn tiến căng thẳng, một cuộc chiến đấu, trong đó một phía phải được thuần hoá và được lãnh đạo, trong đó cần có phản kháng để mới lớn lên được.

- Nhà tâm lí Erich Fromm đã có lần phân biệt tình cha và tình mẹ như thế này: Tình mẹ, theo ông, là đương nhiên. Tình đó được trao tặng cho người khác. Nó gần như là một thứ tình đui mù. Và tình này không đòi hỏi một bổn phận luân lí nào. Tình cha, trái lại, là một tình yêu có điều kiện. Đó là một tình yêu người ta có thể sinh lợi cho mình, nếu họ cố gắng sống theo quy luật.

Đó là những vấn nạn thâm sâu về mặt nhân chủng. Việc chuyển tiếp đời sống, khôn ngoan và kinh nghiệm xẩy ra như thế nào? Những quan hệ nguồn cội giữa cha mẹ và con cái, giữa cha với con trai, giữa mẹ với con gái hệ tại ở đâu? Chúng nói cho ta biết cái gì về bí ẩn Thiên Chúa, cái gì không? Trước hết, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, có một chuỗi bất tận cái không giống trong tương quan giữa ta với Chúa, rằng có cái giống nhưng lại xuất hiện hoàn toàn khác, và vì vậy ta phải vô cùng thận trọng trong việc dùng các hình ảnh tương đồng và trong những ứng dụng. Càng hiểu về con người, về quan hệ cha với con trai, về tương quan mẹ với con, ta càng nhờ đó có thể hiểu thêm chút gì về Thiên Chúa. Chẳng hạn như ta sẽ hiểu rằng Thiên Chúa cũng có một mối tình mẹ con với ta, cho dù – như đã nói – ta không dùng chữ “mẹ” đối với Ngài trong lời cầu kinh.

Về quan điểm của Erich Fromm mà tôi quả không biết, tôi thấy rất hay và đáng suy gẫm. Nhưng phải nói ngay, tôi không đồng í với tất cả những điều anh nêu. Tôi nghĩ rằng tình mẹ trước hết là một mối tình tự nhiên - là vì bà mang con trong lòng, đó là máu thịt của bà -, nhưng đó không chỉ là sự thiết thân hay tình yêu do quy luật sinh lí mà thôi. Bà còn có trách nhiệm cung cấp cho con mình cả thể lí lẫn tình yêu để nó có thể thành người.

Tôi tin rằng trong đó đã có sẵn một yêu sách đạo đức rồi. Làm mẹ chẳng bao giờ chỉ là một diễn tiến thuần sinh lí, nhưng đó cũng là một diễn tiến tinh thần. Mẹ mang con trong lòng, sinh nó ra và phải trải qua một quá trình cọ xát tinh thần với con. Đây là một quá trình có sự tham gia toàn bộ con người của mẹ.

Quan hệ giữa cha và con trai rõ ràng khác và rắc rối hơn. Một nhà thần học đã nói, ngày nay ta phải thay chuyện người con đi hoang bằng chuyện các người cha đi hoang. Cha thường bỏ hết thì giờ cho nghề nghiệp và công việc, hơn là để í tới con, thường nghĩ tới năng xuất nhiều hơn là nghĩ tới tặng phẩm Trời cho và tới những bổn phận mình phải có đối với tặng phẩm đó. Nhưng mất vai trò cha cũng có nghĩa là con bị thiệt hại. Nhìn vào các thần thoại ngoại giáo, chẳng hạn trong câu chuyện về thần Zeus, ta thấy quan hệ ở đây được trình bày như là bất thường, bất nhất và độc đoán: Người cha ở đây tuy có sức mạnh và uy quyền, nhưng thiếu trách nhiệm cần thiết, ông dùng quyền nhiều hơn lí và tình. Còn người cha trong Cựu Ước thì khác hẳn, nhất là người cha trong dụ ngôn của đức Giê-su lại càng khác: Ở đây có sự đồng cân giữa quyền và trách nhiệm, vừa có lí có tình, quan hệ đặt trên niềm tin chứ không trên sợ hãi. Thiên Chúa là cha có nghĩa là Ngài hướng đến ta, đón nhận ta vào lòng Ngài, khiến ta có thể lấy tình yêu con cái mà đối xử với Ngài. Thiên Chúa là cha có nghĩa là Ngài đề ra khuôn thước và cũng sửa phạt ta một cách khắt khe, nhưng khắt khe đó đồng nghĩa với yêu thương và luôn đặt nền trên tha thứ. Câu chuyện người con đi hoang trong Tân Ước qua lời kể của đức Giê-su có lẽ cũng là một hình ảnh đánh động nhất về tư cách làm cha của Thiên Chúa.

Câu chuyện đó, như vậy, trở thành khuôn thước cho vai trò làm cha của ta, để ta tu chỉnh theo nó. Hình ảnh Thiên Chúa là Cha trong Kinh Thánh không phải là để cho ta phóng chiếu nhìn lên, nhưng ngược lại: Từ trên cao Ngài nói xuống cho ta biết vai trò làm cha thật sự ra sao, và ta có thể và nên đóng vai trò đó như thế nào với nhau.

(còn tiếp nhiều kỳ).

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Giới thiệu tác phẩm:

THIÊN CHÚA. Một chút lịch sử của Đấng vĩ đại nhất.
Tác giả : Manfred Lutz -- Dịch giả : Phạm-Hồng-Lam
CHÔNG LẠI THỨ VÔ THẦN DỞM VÀ THỨ ĐẠO ĐỨC MÔI MIỆNG

Nhà vật lí thiên văn Steven Hawking (1942- ) viết trong cuốn sách đáng đọc Một Câu Chuyện Ngắn về Thời Gian của ông rằng, thuyết Nổ vũ trụ đương nhiên không hợp với lối suy nghĩ ki-tô giáo. Ông còn quả quyết, giáo chủ Gio-an Phao-lô đã nói như thế trong buổi gặp gỡ các tham dự viên của một hội nghị khoa học ở Rô-ma, trong đó có ông tham dự. Vì tôi không tin điều ông nói, nên tôi đã nhất tâm tìm hiểu: Giáo chủ đã không nói như thế. Và trên thực tế, thuyết Nổ vũ trụ, sau một thời gian dài, lần đầu tiên đã trở nên hợp hơn với niềm tin tạo dựng của Ki-tô giáo, dù rằng một số nhà khoa học tự nhiên có tiếng ngày nay vẫn có quan điểm ngược lại một cách phi lí, vì họ còn bị ám ảnh bởi cuộc xung đột lâu dài giữa Giáo hội và khoa học.

Steven Hawking là thành viên của Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng Về Khoa Học. Dù với bất đồng trên, ông cho biết, ông rất cảm kích về cuộc gặp gỡ Giáo chủ, và cho hay các nhà khoa học vô thần hoặc theo thuyết bất khả tri khác cũng muốn tiến gần lại với Giáo hội. Năm 2003 tôi tổ chức một cuộc hội thảo ở Vatican về đề tài lạm dụng tình dục, các vị lãnh đạo ban bộ của Toà Thánh có tham dự. Nhiều nhà khoa học hàng đầu quốc tế được mời dự, không ai trong họ là công giáo, và ai cũng vui vẻ nhận lời. Cuộc hội thảo rất thành công.

Trước hội thảo, một trong những nhà khoa học được mời nói với tôi : “Anh biết không, tôi vô thần, vì bố tôi là người vô thần, nhưng tôi đánh giá rất cao Giáo hội.” Vị này là một chuyên gia nổi tiếng trong ngành chữa trị các tội phạm tình dục. Trong hội thảo, khi người ta đề cập tới việc thiếu sự thân mật như là một yếu tố có thể gây nguy hại và liền đó việc độc thân tu sĩ trong Giáo hội cũng được nêu lên, thì vị đó lên tiếng : Đây là một hiều lầm ; tôi nghĩ, linh mục công giáo đã có mối dây thân mật với Thiên Chúa. Và về sau, liên quan tới một tình huống khác, một đồng nghiệp - phật giáo – cho hay, muốn sống đời độc thân, người ta không cần phải học thật kĩ về khoa tính dục, nhưng rất cần phải đi sâu vào đời sống tâm linh.

Trong khoá hội thảo, chẳng thấy có chút căng thẳng nào cả giữa tôn giáo và khoa học. Cái xung đột cũ giữa tôn giáo và khoa học không còn nữa. Các khoa học gia tỏ ra càng ngày càng thích tìm hiểu Thiên Chúa. Pháp là một quốc gia có mức độ tục hoá ở chóp đỉnh. Vậy mà cuộc phỏng vấn ở nước này vào năm 1989 cho thấy vẫn còn có 50% các nhà khoa học tin vào Thiên Chúa. Thứ khoa học gia hăng say đầu quân vào Vô thần, như vẫn thường thấy trong thế kỉ 19, thời nay chẳng còn mấy ai.

Đọc nhiều nhất Bản in 12.05.2009. 15:17