Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương II: Đức Giê-Su Ki-Tô (8)

§ Phạm Hồng Lam

(tiếp theo... Thiên Chúa và Trần Thế, ĐHY Joseph Ratzinger trao đổi với Peter Seewald; Phạm Hồng-Lam chuyển ngữ)

11. SỰ THẬT

- Là trưởng Bộ giáo lí đức tin, ngài là người cao nhất trong Giáo hội có nhiệm vụ bảo vệ chân lí đức tin. Người ta có luôn biết chắc được cái này là chân lí hoặc cái kia là phản chân lí không ?

Mỗi cá nhân luôn biết mình có thể sai lầm. Nhưng không thể có cảnh ki-tô hữu có đức tin lại phải lần mò trong bóng tối, chẳng biết mình thật sự tin gì. Nếu thế, thì rồi dần dà sẽ chẳng còn ai biết mình tin gì nữa, và mỗi người cứ tự do đi tìm cái mình muốn. Nếu ta chẳng còn cái gì chung và chẳng còn một bản sắc khả giác nào nữa, nếu đức tin mất hết sắc cạnh, thì Ki-tô giáo trên thực tế chẳng còn gì nữa để mà biện minh. Và lúc đó mình phải chấp nhận sập tiệm, và chẳng còn biết mình muốn gì nữa.

Là người công giáo, ta có thể nói rằng – những người khác cũng có thể nói theo cách của họ - ngay từ đầu, các tông đồ đã truyền cho ta một bản sắc đức tin, và nội dung đó đã được viết ra. Trong chương 6 thư gởi giáo đoàn Rô-ma thánh Phao-lô đã nói : Qua phép rửa, anh chị em đã được đưa vào một loại giáo lí. Nói cách khác : Ngay thánh Phao-lô đã nhìn ra [qua nghi thức phép rửa] nội dung bản sắc đức tin ki-tô giáo, trong đó tóm gọn những gì ta nhận được từ đức Ki-tô - và cả từ toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước. Những công thức đức tin này, theo Phao-lô, làm nền và định nghĩa cho phép rửa; từ những lời Kinh Thánh, chúng đã rất sớm biến thành chính lời tuyên xưng đức tin, và sau đó trở thành qui điều đức tin, những điểm này đều thực sự bắt nguồn từ các tông đồ.

- Đó là bản sắc đức tin của ta ?

Đúng. Dĩ nhiên từ thế kỉ này qua thế kỉ khác, đức tin đó đã dần được phát triển và làm cho chính xác thêm, nhưng không phải vì vậy mà nó thành ra vô định. Vì thế, phải chống lại các tư tưởng cào bằng, phải chống lại các quan điểm cho rằng đức tin không cụ thể. Đức tin có nội dung. Và vì nội dung này có thể diễn tả được, nên nó cũng có những ranh giới. Ta có thể biết, bắt đầu từ lúc nào thì một người nào đó rõ ràng hết còn là ki-tô hữu. Và khi một người không còn và không thể là ki-tô hữu nữa, người đó nên có can đảm tuyên bố : Tôi không thể sống với bản sắc đó nữa, không thể nhìn nhận đó là chân lí nữa, và tôi xin thôi. Còn thứ sương mờ, trong đó mọi thứ bị thoái hoá thành mớ thói quen nhập nhằng, thì chẳng có lợi cho ai cả.

- Phương châm giám mục của ngài là “Thợ của chân lí”. Vì đâu ngài chọn câu này ?

Tôi là một người mê đọc Kinh Thánh, và không hiểu sao ngay từ đầu câu này trong lá thư thứ ba của thánh Gio-an đã làm tôi mê say. Thoạt tiên, í nghĩa của nó khá hạn chế. Tôi hiểu thế này, ai đón nhận sứ giả của Tin Mừng, kẻ đó trở thành người thợ của chân lí. Và khi đón nhận sứ giả, chính người đó đã vào làm việc trong vườn này rồi.

Phải nói, trong mấy chục năm dạy học, khủng hoảng về yêu sách chân lí đã lay động tôi rất mạnh. Tôi lo không biết phải hành xử thế nào với í niệm chân lí của Ki-tô giáo, một phần cũng vì ngại bị coi là thiếu tôn trọng đối với các tôn giáo khác. Vấn đề là ta được phép sử dụng í niệm đó đến mức độ nào ?

Tôi đã ưu tư rất nhiều về câu hỏi đó. Cuối cùng, tôi suy ra, là nếu mình không đề cập tới vấn đề chân lí nữa, thì cũng có nghĩa là mình đi ra khỏi nền tảng mọi vấn đề. Bởi vì Ki-tô giáo không giống như các tôn giáo khác, đặc điểm đức tin của nó ngay từ đầu không ưu tiên dựa trên các kĩ thuật luyện tập và quan sát như nơi nhiều tôn giáo khác, các tôn giáo này chủ yếu dựa vào việc tuân giữ một số nghi thức nào đó.

Ki-tô giáo xuất hiện, là để nói cho chúng ta hay điều gì đó về Thiên Chúa và trần gian, và cả về chính chúng ta – nghĩa là về cái gì là thật và cái gì trao ban cho ta sự sáng. Vì thế, tôi đi tới nhận thức là trong thời đại khủng hoảng này, một thời đại đạt được nhiều chân lí trong khoa học tự nhiên, nhưng đồng thời lại đẩy các vấn nạn nhân sinh vào vòng chủ quan, chuyện đi tìm chân lí, và cả việc can đảm tuyên xưng nó, lại càng trở nên khẩn thiết. Vì thế, câu tôi chọn nói lên phần nào trách nhiệm của một linh mục và một nhà thần học, họ cần cố gắng, trong khiêm tốn và trong nhận thức về khả năng hữu hạn của mình, trở nên những người thợ của chân lí.

CON THIÊN CHÚA

- Trên đường rao giảng từ vùng này qua xóm khác, có lần đức Giê-su bỗng hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?” Họ trả lời: Có người bảo Thầy là Gio-an tẩy giả, có người bảo là Ê-li-a, Giê-rê-mi-a hay một tiên tri nào khác”. Còn anh em bảo Thầy là ai?“ Phê-rô trả lời: Thầy là người được xức dầu, Con của Thiên Chúa hằng sống”. Đức Giê-su khoan khoái bảo: Phúc cho anh, này Phê-rô con nhà Si-mon Ba-gio-na; vì không phải xác thịt hay máu huyết, nhưng là Cha thầy trên trời đã tỏ cho anh biết điều đó”.

Trong câu chuyện này có một điểm khác biệt rõ ràng và quan trọng: Thiên hạ bảo Ngài là ai – và anh em bảo Thầy là ai? Đức Giê-su ám chỉ có hai cách nhận ra Ngài. Những người có lẽ một lần nào đó đã thấy được phép lạ hay đã nghe Ngài giảng, thường cho rằng Ngài là một vĩ nhân trong lịch sử tôn giáo.

Điều này ngày nay vẫn đúng. Người ta muốn xếp Ngài vào một loại nhân vật nổi tiếng nào đó. Chẳng hạn triết gia Karl Jaspers* bảo Ngài là một trong những vị dẫn đường cho thiên hạ; kẻ khác lại bảo Ngài là một trong những tiên tri lớn hay là một vị giáo tổ. Đức Giê-su nói đó là nhận thức của những kẻ chỉ biết Ngài qua trung gian người khác. Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Có nghĩa là những kẻ biết Ngài từ trong tâm hồn bảo Ngài là ai?

- Theo Lu-ca, cảnh trên có liên quan với chuyện cầu nguyện của đức Giê-su. Qua đó, Lu-ca cho thấy rõ : những ai biết nét đặc thù của Ngài, biết Ngài từ đáy sâu tâm hồn, và biết Ngài qua trao đổi giữa Ngài với Cha Ngài, những người đó mới thực sự biết Ngài. Có như thế, họ mới bước được ra khỏi khuôn mẫu thường tình, và khám phá ra đặc tính duy nhất và có một không hai của khuôn mặt kia: đó là đấng được xức dầu của Chúa, là Con của Thiên Chúa hằng sống. Cảnh này được ba thánh sử trình bày cách khác nhau, nhưng đó chính là mốc khởi đầu của đức tin ki-tô giáo. Có thể nói, Phê-rô là người xướng đầu lời tuyên tín đó, và vì vậy ngài cũng được giao một trọng trách đặc biệt.

Các bậc thầy của Hội thánh nói về đức Giê-su: „Thiên Chúa từ Thiên Chúa, ánh sáng từ ánh sáng, Thiên Chúa thật từ Thiên Chúa thật, đồng một bản thể với Cha“.

Có so sánh ba Tin Mừng, ta mới thấy được sự lớn lên từ từ của lời tuyên tín, và thấy được việc nó cắm rễ theo tiến trình kinh nghiệm của các môn đồ và của đức tin. Thoạt tiên, ta đọc được nơi Mác-cô: Thầy là người được xức dầu; rồi ở Lu-ca: người được xức dầu của Thiên Chúa; rồi tới Mát-thêu: “người được xức dầu, Con của Thiên Chúa hằng sống.

Điều đó muốn nói lên gì? Nó từ từ cho thấy đức Giê-su không chỉ là một người được xức dầu, như vị mà dân Do-thái đang trông chờ, nhưng trong Ngài hai điểm trông chờ đã qui vào làm một. Một đàng, người ta trông chờ một Đa-vít mới hay một Mai-sen mới, là vị vua tối cao, vị ra luật lớn, là bạn và là người môi giới của Chúa, như Đa-vít và Mai-sen xưa đã làm. Đàng khác, người ta trông đợi chính Thiên Chúa sẽ hành động và đưa tay ra nắm lấy vận mệnh của thế giới. Hai nỗi chờ mong trên đã nhập vào nhau trong đức Ki-tô. Ngài là một con người, nhưng chính Chúa đã bước vào trong con người đó.

Mệnh đề “Con Thiên Chúa, ánh sáng từ ánh sáng, Thiên Chúa thật từ Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, là kết quả của tất cả những gặp gỡ với đức Giê-su, bắt đầu từ bài giảng ở Ga-li-lê, qua sứ điệp của Ngài, qua phiên toà của người Do-thái, trong đó Ngài trả lời câu hỏi có phải mình thật là Thiên Chúa không, qua thập giá cho tới qua những cuộc gặp gỡ với đấng phục sinh. Ngay các vị đầu lãnh Do-thái cũng đã ngửi được việc Ngài tự xưng mình là Chúa là một điều gì vượt quá con người, nên họ cho đó – có lẽ họ phải cho đó - là phạm thượng. Và như vậy thì họ đã hiểu Ngài đúng. Đức Giê-su cũng đã bảo là họ nói đúng. Ngài bảo, vâng, tôi là kẻ đúng như các ông nói!

BA NGÔI

- Nước Ái-nhĩ-lan (Irland) dùng chiếc lá có ba khía làm biểu tượng cho quốc gia, bởi vì ngày xưa thánh Patrick* dùng lá đó để cắt nghĩa về Chúa ba ngôi. Đối với một người thường, hay ít nhất không phải là dân Ái-nhĩ-lan, thì điều này quả khó hiểu: Cha, Con và rồi thêm một Thánh Thần nữa – ba vị, nhưng lại vẫn là một bản thể. Và chuyện lại càng rắc rối hơn đối với các thánh. Hoạ sĩ Pinturicchio có một bức hoạ, trên đó ông vẽ một giám mục ngồi bên bờ biển, giơ hai tay lên trời như vẻ thắc mắc, mắt như nhìn vào quãng không. Tên bức hình: „Thánh An-tịnh ngồi bên bờ biển suy tư về mầu nhiệm ba ngôi”. Có phải giáo lí ba ngôi chỉ là kết quả của một phỏng đoán về Thiên Chúa?

Tôi muốn dừng lại một lát nơi thánh An-tịnh. Trên huy hiệu của tôi có in hình vỏ sò nói lên câu chuyện bên bờ biển của ngài. Tôi làm thế, để nói lên khuynh hướng muốn theo gương An-tịnh của tôi.

Thánh An-tịnh đã viết cuốn sách dày về ba ngôi, đó là cả một cuộc vật lộn tri thức, nhưng cuối cùng chính ngài cũng phải nhận rằng mình thất bại. Từ cuộc vật lộn đó, nẩy sinh truyền tụng về chuyện ngài gặp một chú bé bên bờ biển đang lấy tay moi một cái lỗ trên cát, và cầm vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ. Nhìn thấy cảnh đó, ngài chợt nghĩ: Làm sao đổ hết nước biển vào lỗ đó được, làm sao trí tuệ hạn hữu của mình lại có thể hiểu được hết bí mật của Thiên Chúa. Tôi tin rằng câu chuyện trên là một diễn tả rất đúng về sự hữu hạn của ta. Đại dương làm sao đổ vào được trí tuệ vỏ sò của ta, cho dù trí tuệ đó được căng lớn ra. Ta không thể hiểu được tất cả những gì khác của Thiên chúa.

Không phải chỉ người thường, mà cả bậc thông minh xuất chúng, cũng không thể hiểu được bí ẩn này: Thiên Chúa thật ra là một, nhưng Ngài lại ở trong ba người, Ngài hiện hữu trong tương quan tình yêu tay ba này, chuyện quả thật không thể giải nổi. Điểm quan trọng cần nhớ, là Ki-tô giáo vững tin vào hai điều này: Thiên Chúa là đấng duy nhất và là một hợp nhất tối cao. Nhưng rồi sự hợp nhất tối cao này không còn là hợp nhất của những cái bất khả phân, nhưng là sự hợp nhất được hình thành qua đối thoại tình yêu. Thiên Chúa, đấng duy nhất, đồng thời cũng là một tương quan với chính Ngài, và vì vậy Ngài cũng có thể tạo ra tương quan. Một cách nào đó, chúng ta thấy đây là điểm hợp lí, mặc dầu ta không lí giải được.

- Như vậy giáo lí ba ngôi từ đâu mà có?

Qua sự tiếp cận với đức Ki-tô. Qua sự kiện Ngài gọi Thiên Chúa là Cha và tự xưng mình là Con - đức Ki-tô không tự xưng mình là „một Con Thiên Chúa“ –, qua việc Ngài tỏ ra mình với Thiên Chúa là một.

Từ hệ quả đó nẩy ra nhiều câu hỏi: Như vậy nghĩa là thế nào? Phải chăng đức Ki-tô là một Thiên Chúa? Có hai Thiên Chúa? Đức Kitô là một ai hoàn toàn khác? Phải chăng Ngài đã tự nâng mình cao quá lẽ? Những điều Ngài nói có thật là chân lí không? Cứ như thế. Nhưng có một điểm mốc giúp ta hiểu được điều trên là cuộc đối thoại giữa Ngài với Cha Ngài, và từ cuộc đối thoại đó, có thêm yêu sách của Ngài đối với người nghe. Nhờ đó, một đàng ta nhận ra sự bình đẳng, tính hợp nhất và bản tính thiên chúa trong sự duy nhất của Thiên Chúa, đàng khác ta cũng nhận ra được sự khác biệt, sự phân biệt.

Thêm nữa, chính đức Ki-tô còn nói đến tinh thần của Cha, mà đồng thời cũng là tinh thần của Ngài. Đã có hai vị là Cha và Con rồi, giờ thêm một vị nữa, Thánh Thần, quả lại càng thêm khó hiểu. Đức Ki-tô là một nhân vật ta có thể khả giác được. Thánh Thần có thể nói hiện hữu như là một tác động, chứ như là một người thì quả khó hiểu đối với ta. Vì thế mà đã có những tranh luận dài dài về bản tính người của Ngài. Nhưng nếu đức Ki-tô nói về Tinh (Thánh) thần như là một trạng sư, một vị an ủi (Parakleten) mà Ngài ban tặng cho ta, thì như vậy rõ ràng Ngài và Tinh thần đó cùng thuộc vào một cấp ngang nhau, và như vậy rõ ràng bản chất tương quan trong Thiên Chúa này được thể hiện qua ba ngôi vị : Cha - Con - Thánh Thần.

Thần học đã luôn tìm cách diễn tả một cách ấn tượng sự phù hợp nội tâm đó, với lí luận rằng, chỉ có ba ngôi vị mới tạo ra được tương quan đầy đủ nhất. Ở đây, các nhà thần học đã cho ta một phương tiện suy tư nền tảng, để giúp trí óc ao tù của ta có thể mường tượng được chút gì về đại dương bao la. Như vậy, điều quan trọng là giáo lí ba ngôi không phải do ai nghĩ ra, mà đó là kết quả của kinh nghiệm. Nó hình thành từ việc gặp gỡ lời nói và việc làm của đức Ki-tô, và đã được diễn tả ra dần dần qua quá trình suy tư và lòng tin vào những lời nói và việc làm đó. Ở đây, ta cũng nên nhớ, là nghi thức rửa tội khởi đầu bằng câu: Tôi rửa … nhân danh Cha, Con và Thánh Thần. Công thức này khởi đi từ sứ mạng của chính đấng phục sinh. Cho dù ta chưa nắm được chiều sâu của câu này, nhưng nó ngay từ đầu đã ấn dấu lên cấu trúc của việc cầu nguyện và của đức tin ki-tô giáo.

(còn tiếp nhiều kỳ)

----------

Tại sao Bạn không cướp nhà băng, nếu Bạn biết chắc sẽ không bị bắt? Do đâu Bạn tin chắc rằng, rồi đây trên giường bệnh Bạn sẽ không bị người ta chích thuốc cho chết? Có thể trường hợp bệnh lí rắc rối của Bạn sẽ tạo ra quá nhiều tốn kém và khó nhọc cho việc chữa trị và chăm sóc, và vì thế xã hội sẽ không lo xuể. Tại sao người ta không vứt xác chết vào bãi rác và dẹp nghĩa trang đi để xây nhà trẻ? Do đâu Bạn biết chồng Bạn trung thành? Do đâu Bạn biết bào thai vợ đang mang là con của Bạn? Và đây là câu hỏi nghiêm chỉnh: Cái gì minh chứng cho sự hiện hữu hay không hiện hữu của Thiên Chúa? Là vì “nếu không có Thiên Chúa, thì mọi chuyện đều được phép làm” (Dostoiewski, Anh em nhà Karamazov). Hay không phải vậy?

Một cuốn sách viết về Thiên Chúa, muốn được con người thời nay nghiêm chỉnh đón nhận, phải nêu bật lên được những câu hỏi từ cuộc sống cụ thể, những câu hỏi mà bất cứ một anh, một chị, một em bé nào cũng phải đối diện. Bởi vì rõ ràng: Ai thật sự tin Chúa, người đó sống khác hơn kẻ không tin Chúa. Tuy vậy, con người vẫn chẳng bao giờ sống và nghĩ cho đến nơi đến chốn. Những người vô thần nướng thời giờ quý báu cho những suy tư vô lí, và họ sống đôi khi như là có Thiên Chúa thật. Còn kẻ tin vào Thiên Chúa thì sống hoang phí đa phần thời gian đời mình như là chẳng có Thiên Chúa. Nếu chúng ta tin rằng, mỗi thời khắc cuộc sống qua đi sẽ không bao giờ trở lại, thì cuộc sống của cả hai hạng trên quả là bất hạnh. Người ta tiêu phí thời gian cuộc sống bất khả hồi cho một Thiên Chúa không hề có; hay hoàn toàn ngược lại, người ta đã để mất cơ hội sống mà lẽ ra phải dùng nó để chuẩn bị cho sự sống đời đời bên Chúa. (THIÊN CHÚA, Manfred Lutz, Dẫn Nhập)

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 30.04.2009. 10:05