Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương II: Đức Giê-Su Ki-Tô (3)

§ Phạm Hồng Lam

(tiếp theo... Thiên Chúa và Trần Thế, ĐHY Joseph Ratzinger trao đổi với Peter Seewald; Phạm Hồng-Lam chuyển ngữ)

ĐIỀU GÌ THEO CHÂN ĐỨC KITÔ XUỐNG TRẦN?

- Đức Giê-su cũng được nói đến như một “Adam mới”. Ngài là đấng trung gian và hoàn thành mọi mạc khải. Có thể tóm kết trong một vài câu ngắn về những gì mới mẻ đã theo chân Ngài xuống trần gian ?

Hãy nói về hình ảnh “Adam mới”. Adam trước hết ám chỉ sự khởi đầu của thực tại con người, là thuỷ tổ nhân loại. Nếu giờ đây đức Ki-tô được gọi là “Adam mới”, thì điều đó có nghĩa là một khởi đầu đích thực đã tới. Như vậy, cuộc khởi đầu trước đây phải hiểu là một mô hình khởi thảo về đức Ki-tô, và chỉ sau khi có Ngài thì khởi thảo kia mới được rõ nghĩa. Vì vậy, ta có thể yên chí nói rằng, khuôn mẫu con người đã được cắt đo theo thân hình đức Giê-su, và con người được kêu gọi bước vào hợp nhất với Thiên Chúa – vì chính đức Giê-su chẳng phải chỉ là người, mà là Con Người Thiên Chúa.

Ta không nên hạn chế cái đặc thù của đức Giê-su vào trong từng lời nói hay từng việc làm của Ngài. Thập giá, với lối đón nhận và chịu đau đớn của Ngài, là một cái gì mới. Phục sinh là điều mới. Ngay việc sinh ra từ một trinh nữ cũng mới (cho dù có nhiều huyền thoại về chuyện đó). Sứ điệp yêu Chúa và yêu người như là toàn bộ giới răn, hay là Thánh Thể, qua đó Ngài cho biết việc sống lại của Ngài, đó là những cái mới lớn mà Ngài đã mang xuống trần. Tất cả đều phản chiếu cái mới lạ thường này: Thiên Chúa không ở đâu xa cả, Ngài không phải là một đấng nào đó không thể mường tượng được, nhưng Ngài ở bên ta, Ngài đã trở nên làm một với ta, đụng vào ta, đón nhận ta, cũng như ta đụng chạm được Ngài và có thể đón nhận Ngài.

Như thế, cái đặc thù đích thực của đức Giê-su chính là con người Ngài – đấng vừa là Chúa vừa là người.

- Con người Thiên Chúa đó cũng đã nói: “Tôi đến để vứt lửa xuống trần gian. Tôi mừng nếu lửa đó bốc cháy !” Và Ngài tiếp: ”Anh chị em nghĩ là tôi đến để đem bình an ư ? Không, tôi không đem bình an, mà là chia rẽ”.

Đó là câu nói mạnh ghê gớm. Ngài dùng hình ảnh lửa, trước hết, để nói về cuộc khổ nạn của mình, cuộc khổ nạn vì lửa tình yêu ; đó là bụi gai mới, bốc cháy mà không rụi đi ; một thứ lửa có thể cho đi tiếp.

Đức Giê-su không tới để giúp ta thoải mái, nhưng Ngài vứt lửa tình yêu bốc cháy của Thiên Chúa, của Thánh Thần xuống. Origenes đã ghi lại một câu không chính thức của đức Giê-su: “Ai tới gần tôi, là tới gần lửa”. Nghĩa là ai tới gần Ngài, phải sẵn sàng để cho mình bốc cháy. Ta nên đem những câu đó đặt ra cho Ki-tô giáo ngày nay, một Ki-tô giáo đã trở nên tầm thường, chẳng còn gì nói nữa, muốn tìm mọi cách để được an phận mà thôi. Ki-tô giáo là đạo lớn, bởi vì lửa của nó lớn. Nó đốt cháy, không phải để thiêu rụi, nhưng để làm cho mọi thứ trở nên sáng láng, tinh tuyền, giải thoát và lớn lao. Làm ki-tô hữu, do vậy, tức là dám tín thác vào lửa đó.

- Cũng có một lời khác của đức Giê-su: “Tôi trao cho anh chị em bình an, tôi trao bình an của tôi cho anh chị em, tôi trao cho anh chị em không như thế gian trao”.

Hai câu trên phải đi đôi với nhau, mới có thể hiểu được í nghĩa lời của Chúa. Đức Ki-tô là sứ giả của hoà bình. Tôi cho rằng câu này quan trọng hơn. Nhưng ta chỉ hiểu đúng hoà bình của Ngài mang đến, khi ta không coi nó tầm thường như việc bôi dầu cù là vào chỗ đau hay xí xoá cho qua chuyện trong những cuộc tranh cãi về chân lí.

Khi một chính quyền tìm cách tránh mọi xung đột và coi xung đột nào cũng có lí, hay khi mỗi cá nhân tìm cách tránh đụng chạm, thì mọi chuyện sẽ bế tắc. Nơi Giáo hội cũng thế. Nếu nó chỉ tìm cách tránh xung đột, để đừng gây bất an ở đâu cả, thì sứ điệp phúc âm sẽ không thể nào đạt tới đích. Bởi vì sự có mặt của sứ điệp này cũng là để gây mâu thuẫn nơi ta, để lôi con người ra khỏi những dối trá và để tạo sáng tỏ, để tìm ra chân lí. Chân lí phải trả giá mắc. Nó đưa ra đòi hỏi, và cũng đốt cháy. Trong sứ điệp của đức Giê-su Ki-tô cũng gồm cả thách đố trong những tranh luận giữa ta với người chung quanh. Không phải chỉ việc dễ dãi quét lên một lớp sơn cho đức tin xơ cứng và tự cao của ta là được, nhưng phải có tranh luận mới có thể phá vỡ vỏ xơ cứng và đưa sự thật tới đích.

- Như vậy hoà bình của đức Giê-su Ki-tô trước hết mang tính cách gây gỗ ?

Nó bắt ta đối diện với những dối trá của mình. Nó lôi ta ra khỏi sự thoải mái và đẩy ta vào cuộc chiến đấu, vào nỗi đau của chân lí. Chỉ như thế hoà bình giả, với bao nhiêu giả hình và mâu thuẫn hàm chứa trong nó, mới có thể thay thế được bằng hoà bình đích thực.

Câu nói về lửa đi liền với câu nói quan trọng hơn về hoà bình trên kia. Nhưng câu này đồng thời cho thấy hoà bình chân chính không phải tự nhiên mà có, rằng chân lí đi liền với đau khổ và tranh đấu, rằng tôi không được phép chấp nhận dối trá để được yên mình. Được yên ổn không phải nhiệm vụ đầu tiên của người công dân và của ki-tô hữu, nhưng là bảo vệ và tranh đấu cho cái lớn lao mà đức Ki-tô đã ban tặng cho ta, với giá đau khổ và có thể đi đến chết vì đạo – và chính vì vậy nó mới tạo ra hoà bình.

TIN MỪNG

- Đức Giê-su nói về lửa và gươm giáo, nhưng Ngài cũng nói: “Hãy học với tôi !” Vì nhờ đó “anh chị em mới gặp được yên ổn tinh thần”. Ngài nhân từ trong sự thật và khiêm tốn trong tâm hồn. Và nữa: “Ách của tôi không nặng, gánh của tôi nhẹ nhàng”. Phải chăng đó là tin mừng của Ngài ?

Vâng, nhưng ta biết những câu an ủi đó của Ngài cũng mang đòi hỏi lớn. Tuy nhiên, trước sự đau khổ của chân lí và lửa đốt của đức Ki-tô mà ta vừa bàn trên, những câu này cho ta thấy mọi chuyệt rốt cuộc rồi sẽ đi về đâu.

Đức Ki-tô là hiện thân cho lòng nhân từ to lớn và tinh tuyền của Thiên Chúa. Ngài đến không phải để làm gánh nặng thêm, nhưng là để cùng ta gánh vác. Ngài không cất gánh nặng làm người – gánh khá nặng – nơi ta, nhưng ta không còn phải gánh nó trong đơn độc, mà có Ngài chung vai. Trong đức Ki-tô không có sự thoải mái, tầm thường, nhưng ta gặp được trong Ngài sự yên ổn tâm hồn, vì biết rằng ta được Ngài chở che và yêu thương đến cùng.

Ta thấy toàn bộ sứ điệp của đức Ki-tô không dễ dàng, nó chứa đựng đòi hỏi lớn. Sứ điệp đó luôn đi liền với thập giá. Ai không muốn bị thiêu đốt, hay ít nhất không muốn sẵn sàng chấp nhận nó, người đó không thể tới được gần Ngài. Nhưng ta cũng hiểu rằng trong sứ điệp đó chứa đựng lòng từ ái đích thực, một lòng từ ái hay cứu giúp và chấp nhận ta – và nó không những đưa tới cho ta điều tốt, mà còn giúp ta được thoải mái.

ĐƯỜNG

- Cuộc đời đức Giê-su để lại trần gian rất ít dấu vết hiện vật. Ngài không xây đền thờ, không chiếm cứ thành nào và cũng không in tiền. Cũng không có văn bản của một tác giả cổ điển nào đề cập xa gần tới Ngài, nhiều như trong các tài liệu Tin Mừng Tân Ước. Các tài liệu này lên tới hàng ngàn văn bản, và văn bản xưa nhất chỉ được viết sau thời Ngài vài ba chục năm.

- Chúng ta đã nói chuyện về khoa phê bình lịch sử, khoa này tỏ ra hoài nghi về cuộc đời và sứ điệp của đức Ki-tô. Họ bảo rằng, không rõ Ngài sinh ra ở đâu vào thời điểm nào, không hiểu bài giảng trên núi thật có cấu trúc và nội dung như hiện nay không. Những nhà nghiên cứu mới đây còn cho rằng, có lẽ Ngài đã không tự xưng mình là Messias. Họ bảo, lúc đó là cao điểm của những trông chờ tận thế, nên nhiều điều liên quan tới Ngài có thể giải thích được theo hướng đó. Tôi muốn đào sâu điểm này: Khoa nghiên cứu phê bình như vậy là sai với lịch sử, và đặc biệt có hại cho đức tin?

Khoa phê bình lịch sử quả đã có những thành tựu lớn. Nó giúp ta hiểu nhiều chuyện chính xác hơn. Nhưng nó cũng có những giới hạn, nhất là khi nó nghiên cứu loại tài liệu như của Kinh Thánh. Lối nghiên cứu đó nhằm khai quật quá khứ qua các bản văn nói chung và trong điều kiện những quy luật chung về lịch sử. Nhưng những biến cố trình thuật trong các Tin Mừng không nằm trong những quy luật chung đó, và như vậy chúng chống lại việc tổng quát hoá thiếu sót của phương pháp nghiên cứu này.

Với thời gian, người ta đã cố gắng đào bới lên và phân biệt những nguồn gốc khác nhau trong các bản văn; đây cũng là điểm quan trọng. Nhưng tổng quát mà nói, đó cũng chỉ là những lối thử luôn thay đổi, và giá trị nội dung xác xuất của chúng bị giới hạn. Nhất là, với câu hỏi ai là người làm ra Tin Mừng, thì trả lời của họ lại tạo ra những nghi vấn lớn hơn là nếu như ta, một cách chung, chấp nhận các bản văn đó trong toàn bộ của chúng là đáng tin và có tính lịch sử. Bởi vì nếu không như thế, thì ta phải chấp nhận rằng, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn của thời đại đó đã xẩy ra một kho khám phá kinh khủng về những chuyện thần kì. Làm sao bản văn Tin Mừng có thể được chấp nhận nhanh như thế? Ai là những tác giả đã có thể phổ biến bản văn đó ra thế giới? Tại sao các bản văn đó lại có một hình dung nhất thống về Giáo hội - tất cả những điều đó đã không có trả lời.

- Thế thì câu trả lời ở đâu?

Bản văn Tin Mừng có đặc điểm riêng của nó, điểm này cần phải coi trọng. Toàn bộ các bản văn phản chiếu một thực tại hoàn toàn đi ra ngoài khung lịch sử bình thường. Thực tại đó phù hợp với chính nó, và vì thế trước sau nó đáng cho ta tin tưởng vào tổng thể của nó.

Ta phải nói thêm, chẳng có một phương pháp phê bình lịch sử, mà cũng chẳng có những kết quả cụ thể. Có những nhà khoa học trước sau vẫn rất tin vào bản văn và cũng đưa ra những lí chứng khách quan về mặt phương pháp. Và cũng có những người vứt bỏ tất cả - nhưng họ lại phải nghĩ ra những lí do để giải thích tại sao toàn bộ câu chuyện đã xẩy ra như thế. Họ hoàn toàn lần mò trong bóng tối, và vì không tìm ra nguồn nào cả, nên nỗ lực của họ lại thành ra tưởng tượng.

- Ta hãy nhìn kĩ hơn chút nữa các tác giả Tin Mừng. Trước hết là Mát-thêu. Ngài mang một tên kép, chuyện hơi lạ vào thời đó: Matthaj-Levi, người thu thuế hay để tiền thuế rơi vào túi riêng mình và là người cộng tác với chính quyền Rô-ma. Tin Mừng viết về ngài: “Và khi đức Giê-su đang ăn tại nhà ông, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi tới với Ngài và với các môn đệ Ngài”. Mat-thêu như vậy chẳng phải là người thật thà và đáng cậy.

Có lẽ ta phải đi sâu vào nguồn tài liệu. Trước đây, Tin Mừng Mat-thêu được coi là bản Tin Mừng cổ nhất. Một nhà văn vào thế kỉ thứ hai sau công nguyên, Papias, ghi chú rằng, Mat-thêu viết nó bằng tiếng Do-thái (Hebräisch), sau đó bản văn được dịch ra tiếng Hi-lạp. Nhờ thông tin phong phú, kết cấu nội dung và tính cách dễ đọc của nó, bản văn đã trở thành Sách Tin Mừng của Giáo hội, được mọi người trích dẫn. Sau đó thêm vào Lu-ca và Mac-cô, nhưng Mat-thêu vẫn là bản xưa nhất, có giá trị nhất, được Giáo hội dùng nhiều nhất trong phụng vụ và đức tin.

Theo các kết quả nghiên cứu, nội dung văn bản của ba vị Mat-thêu, Lu-ca, Mac-cô quyện lẫn và lệ thuộc vào nhau. Tại sao có chuyện này, câu hỏi chỉ được đặt ra mới đây. Ngày nay, một phần lớn các nhà phê bình cho rằng, không thể quy cho tông đồ Mat-thêu viết bản đó được, bởi vì bản văn có niên đại trễ hơn, nó được viết vào khoảng cuối thế kỉ thứ nhất trong một công đồng do-thái ở Siri.

Nói chung, việc hình thành các bản văn Tin Mừng diễn ra trong một quá trình phức tạp. Trước hết, người ta thu thập các lời truyền miệng của đức Giê-su rồi sau đó chép ra. Nhà chú giải vừa mới mất ở Erfurt, giáo sư Heinz Schürmann, lập luận rằng, việc ghi nhớ bằng miệng những lời của đức Giê-su đã được các tông đồ thực hiện từ lúc Ngài còn sống. Nghĩa là, khởi đầu chỉ có những lời truyền miệng. Bên cạnh những lời đó, còn có những lời truyền về các biến cố, về truyền thống địa phương và những thứ khác. Chủ thể của việc lưu truyền không phải là những cá nhân, mà là các cộng đoàn tín hữu, và qua họ là cả Giáo hội. Rồi đến việc ghi chép ra. Lúc đó, các nhà viết Tin Mừng đã có sẵn một kho lưu truyền phong phú, họ dựa chủ yếu trên đó mà chép, ngoài ra mỗi người còn thêm vào những viễn kiến thần học riêng của mình. Ngày nay, người ta cho rằng bản Tin Mừng Mac-cô là bản cổ nhất, chứ không phải là bản Mat-thêu. Mat-thêu và Luca đã viết dựa chủ yếu trên nền của Mac-cô và làm giàu thêm bởi những nguồn tài liệu sẵn có khác. Tin Mừng Gio-an có một gốc và khuôn hình thành hoàn toàn riêng. Không phải chỉ có một người viết ra ba bản Tin Mừng đầu tiên, đó là điểm quan trọng. Và cũng quan trọng là toàn bộ quá trình lưu truyền về đức tin của Giáo hội, ngay từ đầu, đã được gói trọn trong các Tin Mừng đó, và quá trình lưu truyền đó sau này rốt cuộc đã được viết ra.

Vấn đề ai là người viết, như thế, trên một bình diện nào đó, thuộc vào hàng thứ yếu. Phong cách riêng của Lu-ca được nhận diện rất rõ, ngài là tác giả của bản Tin Mừng thứ ba và của sách Công-vụ Tông-đồ, điều này không ai chối cãi. Mac-cô, học-trò của Phê-rô, cũng cho thấy rõ phong cách là người viết Tin Mừng của mình. Ngày nay chỉ còn không rõ ai là tác giả của Tin Mừng Mat-thêu. Quan trọng là ngay từ đầu chỉ có những truyền miệng, đó là thói quen rất thường thấy ở phương đông. Điều này là một biểu chứng cho sự gần gũi với nguồn gốc lịch sử. Nội dung Tin Mừng chép lại từ kho truyền miệng đó đã kinh qua một quá trình kiểm tra của cộng đoàn (có đôi chút thêm thắt sửa đổi tùy theo cộng đoàn nhận bản văn, nhưng nội dung chính thì vẫn được giữ nguyên).

Còn về con người Matthaj-Levi, anh chỉ đề cập tới quá khứ của ngài mà thôi. Sau cuộc gặp đức Giê-su, Mat-thêu đã trở thành một con người khác. Ngài đã bỏ đường cũ mà bước theo con đường đức Giê-su. Qua cuộc sống cộng đoàn với anh em tông đồ, với đấng Phục sinh, và qua công tác truyền giáo, ngài đã tỏ ra là một con người thật sự “đổi mới”, và như vậy là một người đáng tin, đáng cậy.

- Tác giả Tin Mừng Lu-ca là một thầy thuốc. Điều quan trọng nhất của ngài là muốn cho người đọc nhận ra vai trò cứu thế, vai trò cứu độ thân xác và tâm hồn của đức Giê-su. Với ngài, đức Giê-su là người thâm cảm và có lòng thương đặc biệt đối với thành phần bên rìa xã hội.

- Nhưng ta hãy nói về Tin Mừng Gio-an. Ngài bảo Tin Mừng này được đổ từ một khuôn riêng. Dù sao, Tin Mừng này mang nét thâm trầm hoàn toàn khác. Các Tin Mừng nhất lãm (Mat-thêu, Lu-ca, Mac-cô) cho thấy nhiều về Con Người; còn Tin Mừng Gio-an tỏ ra như là một cuộc đối đáp với các nhà thông thái – và nhất là nó cho thấy toàn bộ vinh quang của Con Thiên Chúa. Tôi nghĩ đây là bản Tin Mừng mà hồng I ưa nhất.

Tôi rất thích bản đó, nhưng phải nói ngay, tôi cũng rất ưa bản của Lu-ca. Trong đó ta có được những dụ ngôn tuyệt vời về anh nhà nghèo La-da-rô, về người Sa-ma-ri-ta, về đứa con đi hoang. Ngài là một nhà văn lớn, trong sách ngài chứa những ”hạt ngọc” đặc biệt. Cả câu chuyện về cuộc đời niên thiếu của đức Giê-su cũng tuyệt. Mỗi tác giả Tin Mừng có một nét riêng. Phải nói, tôi đặc biệt yêu Lu-ca qua nét nhân bản thâm sâu, đồng thời cũng là chân trời mở ra đời đời của ngài. Với tôi, tập hợp các bản nhất lãm là một nét đẹp không thể thay thế được, chính bởi vì chúng không mang nét riêng tư, nhưng qua đó ta cảm được sự truyền thừa sống động trong Giáo hội, truyền thừa đó dần dần đã được đúc kết lại trong một bản văn liên kết với nhau. Nhưng sách Gio-an quả có một chiều sâu vời vợi, nó luôn làm cho tôi say mê.

- Đôi khi câu chuyện về đức Giê-su mang nét hư cấu. Chẳng hạn, Ngài bám chặt vào các bí số của Cựu Ước. Ngài ở trong sa mạc 40 ngày, làm đúng 7 phép lạ, kể ra 12 dụ ngôn, đặt 12 tông đồ…

Tất cả các Tin Mừng đều nói tới 12 tông đồ. Điều này chẳng có gì lạ. Nếu đức Giê-su quả thật muốn xây dựng một Is-ra-en mới, nếu Ngài coi mình là người của Thiên Chúa phái đến để làm mới Is-ra-en và mang ánh sáng cho mọi dân tộc, thì việc Ngài lấy lại biểu tượng 12 chi-họ Is-ra-en thông qua việc đặt 12 ông tổ mới là chuyện thường tình, làm như thế là Ngài muốn dùng một cử chỉ biểu trưng để diễn tả bước đầu của một Is-ra-en mới.

40 ngày hoang địa lập lại hình ảnh 40 năm của dân Is-ra-en trong sa mạc. Còn con số về dụ ngôn và phép lạ thì mỗi Tin Mừng mỗi khác.

- Dù vậy, Tin Mừng luôn mang tính giáo huấn. Có nhiều đoạn xem ra là những hoạt cảnh thêm thắt, dùng để dấy động hoặc tuyên truyền.

Vâng, chúng là bài giáo huấn, mà cũng là chứng từ. Chính Gio-an bảo, ngài viết ra để làm chứng. Đó là nguyên tắc nền tảng khi ta đọc Tin Mừng. Tin Mừng muốn diễn tả chính đức Giê-su, qua lời Ngài nói, việc Ngài làm, khổ đau Ngài chịu. Tin Mừng không chỉ muốn huấn giáo, mà còn muốn tạo gặp gỡ với một biến cố, biến cố đó cũng mang nội dung tinh thần và cung cấp kiến thức. Tin Mừng vừa nói với con tim và trí óc.

ĐƯỜNG – SỰ THẬT – SỰ SỐNG

- Đức Giê-su mang nhiều đồng nghĩa lạ lùng: Ngài là bánh hằng sống, là muối cho đời, là ánh sáng thế gian. Ngài nói về mình: “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống. Ai tin tôi, sẽ không chết đời đời”

- 2000 năm sau giáng sinh, ta có thể trả lời một cách minh bạch câu hỏi đức Giê-su là ai không?

Nếu giờ đây chỉ có việc đào bới lịch sử 2000 năm lên để tìm câu trả lời, thì như ta đã nói, phương pháp lịch sử đã gặp giới hạn của nó. Nhưng đây không phải vậy.

Ta thấy chủ thể sống động, được hình thành lên từ việc rao truyền, là Giáo hội vẫn giữ nguyên bản sắc của nó, và bản sắc đó đã có ngay từ đầu. Giáo hội có thể nói hiện diện đồng thời với đức Giê-su, và sự song hành đó đã kinh qua mọi thời gian.

Như vậy, cuộc đào bới phi thường 2000 năm cũng không tách ta ra khỏi đức Giê-su. Cái chủ thể làm chứng về Ngài một cách sống động (là Giáo hội), và có thể nói đã cùng với Ngài xưng “Tôi” ngay từ đầu, vẫn hiện diện không ngừng. Qua Giáo hội ta thấy sự hiện diện sống động của Ngài. Qua Giáo hội, ta có thể nhận ra nguồn cội hình thành của nó. Dĩ nhiên, trong đó cũng có đức tin, mà nếu không có một hình thái cảm thông, không có đức tin, tôi không thể nhận ra người khác.

- Có lần tôi thấy một bức ảnh trong nhà thờ ở Na-da-ret. Ảnh vẽ cậu Giê-su đang vụng về trên chiếc bàn thợ mộc. Maria ngồi bên cạnh, lo và sầu não. Và gương mặt ông thợ mộc Giu-se lộ vẻ ngài biết trước con mình sẽ không nối được nghiệp cha. 12 tuổi, cậu Giê-su muốn bỏ gia đình (“con phải ở nhà Cha con”). Năm 30 tuổi dân Na-da-ret muốn xô Ngài từ núi xuống.

Khởi đầu, Ki-tô giáo không muốn lưu truyền công khai câu chuyện thời niên thiếu của đức Giê-su. Chỉ với Lu-ca và Mat-thêu, câu chuyện mới xuất hiện theo cách kể khác nhau. Khác với công việc của một sử gia, Tin Mừng không muốn đề cập tới bất cứ một tiểu sử nào của Ngài, mà chỉ muốn làm chứng về điều mà ta cho là quan trọng. Và các thánh sử không muốn kể lại thời ở ẩn, mà chỉ muốn nhắc đến gốc gác đặc biệt của Ngài, gốc này được coi là ngôi sao ngay từ đầu xuyên chiếu đời Ngài, và nói về sứ điệp của Ngài.

Hình ảnh thánh gia mà anh thấy chỉ là do lòng đạo đức tưởng tượng vẽ ra, nhất là từ thế kỉ 19 người ta chú tâm tới đề tài Na-da-ret và đã vẽ theo cảm quan riêng của mình. Với lại kiểu tiểu gia đình như thế ở Pa-les-tin ngày xưa không có. Thời đó họ sống đại gia đình theo lối chung cả bộ lạc, cũng vì thế mới có chuyện Kinh Thánh nói tới những người anh em của đức Giê-su.

Thế kỉ 19 đã suy diễn mọi chuyện theo một ánh sáng mới. Ta thấy cao điểm của nó nơi Charles de Foucauld*, người đã tạo cho Na-da-ret một sứ điệp thầm lặng, khiêm nhường và hối cải. Dĩ nhiên Foucauld đã khám phá ra được những điểm quý giá. Nhưng những điểm đó không trực tiếp nói lên tâm điểm của sứ điệp như đã được trình bày trong Tin Mừng.

- Tại sao đức Giê-su 30 tuổi mới ra công khai? Như vậy Ngài chỉ có 3 năm để rao giảng.

Trong thế giới và hoàn cảnh của Is-ra-en thời đó không phải một thanh niên nào cũng có thể xuất hiện được. Ai muốn thi hành vai trò một Rabbi (giáo trưởng), dù đức Giê-su không phải là một Rabbi theo đúng nghĩa, phải trải qua một thời gian ít nhất 30 tuổi. Vì vậy mới có chuyện xuất hiện vào năm 30, chứ không sớm hơn. Sứ điệp đức Giê-su mang chiều sâu nội tâm, nên cần đủ thời gian suy tư.

- Có lần Ngài về thăm quê hương. Và đồng hương hiếu kì đã phải lắc đầu thắc mắc: “Đó không phải là anh con ông thợ mộc sao? Do đâu mà anh ấy bỗng nhiên có được nhiều khôn ngoan và sức mạnh đến thế?” Và Kinh Thánh tiếp: “Có phải bà Maria là mẹ anh, và Gia-cô-bê, Giu-se, Si-mon và Giu-đa là anh em của anh ta không? Có phải các chị em của anh ta đang sống giữa chúng ta không?”

- Chỗ này Kinh Thánh nhắc tới tên bốn người anh em và số chị em không được xác định. Nếu tôi nhớ không lầm: Giáo hội chưa bao giờ bảo Giê-su là con một của trinh nữ Maria?

Trong một thôn nhỏ như Na-da-ret hẳn ai cũng biết nhau. Vì thế, khi một người cùng sống bình lặng trong họ bỗng nhiên có được một hiểu biết như thế, thì mọi người thắc mắc là phải. Và càng gần người đó bao nhiêu, người ta càng tỏ ra thắc mắc. Người ta không tin vào sự thay đổi đó và muốn kéo Ngài về với thường tình. Vì thế mà đức Giê-su đã nói: “Không một tiên tri nào được tiếp đón nơi quê hương mình”. Còn chuyện anh chị em của Ngài, Giáo hội trước sau vẫn tin đức trinh nữ Maria chỉ có Ngài là con một mà thôi. Qua Ngài, mẹ Maria thuộc về Thiên Chúa, và vì thế có thể nói Mẹ không thể trở về với một cuộc sống gia đình bình thường được.

Từ “anh chị em của Giê-su” được cắt nghĩa theo cấu trúc gia đình thời đó. Và cũng có đủ bằng chứng để biết rằng những trẻ trên không phải là con của Maria. Chẳng hạn như Tin Mừng ở đây cũng nói tới một bà Maria khác, và những chuyện khác đại loại như thế. Tin Mừng chỉ nói xa gần về những liên hệ gia đình cá biệt, và ở đây ta hiểu là có nhiều gia đình liên hệ với nhau. Dưới chân thập giá, đức Giê-su trao Gio-an như là con cho Mẹ, điều đó cho thấy nét đặc thù nơi Mẹ, và Mẹ là Mẹ của riêng Ngài một cách đặc biệt mà thôi.

Ta không thể giải toả vấn nạn trên bằng thuần lịch sử. Không thể chứng minh mẹ Maria chỉ có một con mà thôi. Trái lại, ta cũng không thể chứng minh những người trên phải là anh chị em ruột của đức Giê-su. Có nhiều lí chứng – về điểm này Josef Blinzler có viết một cuốn sách hay – cho thấy rằng những người trên là con của các gia đình khác trong bộ tộc, và Kinh Thánh gọi chung họ là anh chị em của Ngài. Ngoài ra, í niệm anh chị em của Giê-su cũng là một í niệm được đưa ra trong Giáo hội sơ khai, nó nói lên những căng thẳng giữa một bên là kiểu gia đình đức Giê-su theo khuynh hướng do-thái giáo khắt khe, với bên kia là những khuynh hướng khác cùng có mặt trong buổi bình minh của Giáo hội.

(còn tiếp nhiều kỳ).

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 23.03.2009. 23:58