Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương II: Đức Giê-Su Ki-Tô (15)

§ Phạm Hồng Lam

14 THÁNH GIÁ

- Thường người ta có thói quen trốn chạy đau khổ bằng mọi cách. Và không có gì gây bực tức cho xã hội mạnh hơn, là quan điểm ki-tô giáo cho rằng phải chấp nhận, chịu đựng và ngay cả sẵn sàng đón nhận đau khổ, để nhờ đó thắng vượt nó. Giáo chủ Gio-an Phao-lô II tin rằng “đau khổ là một ẩn số của con người”. Tại sao?

Nhân loại ngày nay đang tìm cách đẩy đau khổ ra khỏi thế gian. Đối với từng cá nhân, điều đó có nghĩa là phải làm sao tránh bị đau khổ. Nhưng người ta cũng phải thấy rằng, như vậy thì thế giới sẽ hoá ra rất lạnh lẽo, rất khó sống. Đau khổ là một thành tố của kiếp người. Và ai thực sự muốn diệt đau khổ, người đó tất cũng phải huỷ tình yêu; không có đau khổ thì chẳng có tình yêu, bởi vì tình yêu luôn đòi hỏi từ bỏ một phần chính mình, bởi vì tình yêu, tuỳ theo tâm tính mỗi người và mức độ tình huống, cũng luôn kéo theo với nó sự từ bỏ và đau khổ.

Nếu ta biết con đường tình yêu – cuộc xuất hành, ra đi khỏi mình – là con đường thật để thành người, thì ta cũng hiểu rằng đau khổ là tiến trình trưởng thành. Ai sẵn sàng chấp nhận đau khổ, người đó trưởng thành hơn, hiểu người khác hơn, là người hơn. Ai trốn tránh đau khổ, kẻ đó không hiểu tha nhân, sẽ trở nên vị kỉ, tàn bạo.

Chính tình yêu là một cực hình, một chịu đựng. Thoạt tiên tôi cảm nghiệm được trong nó nỗi sung sướng, tôi kinh nghiệm được hạnh phúc thật. Mặt khác, đối lại, tôi cũng phải bước ra khỏi sự yên lành thoải mái của tôi, và phải chấp nhận mình thay hình đổi dạng. Nếu ta bảo, đau khổ là mặt trái của tình yêu, thì ta cũng hiểu được việc học đau khổ quan trọng là dường nào – và ngược lại, cũng hiểu được tại sao việc tránh đau khổ làm cho con người mất khả năng sống. Trường hợp này, đời ta chỉ còn là trống rỗng, rồi có thể chỉ còn lại bực tức, khước từ, hết còn trưởng thành, hết còn biết sẵn sàng chấp nhận.

- Việc gì sẽ xẩy ra, nếu đức Ki-tô không xuất hiện và không chết trên thánh giá? Không có Ngài thì thế gian đã ra tiêu tan từ lâu rồi phải không?

Điều đó không thể nói được. Nhưng ta có thể nói được, là nếu không có Ngài, con người không thể đến được với Thiên Chúa. Con người lúc đó chỉ còn biết tìm Ngài trong lần mò đứt đoạn. Và rốt cuộc họ chẳng còn biết Thiên Chúa là ai hay là gì nữa.

Dĩ nhiên, cũng có đôi chút ánh sáng thiên chúa loé lên trong các tôn giáo lớn, song đấy cũng chỉ là những đốm sáng rời rạc hay cũng chỉ là những câu hỏi. Vả, nếu như câu hỏi về Thiên Chúa không có câu trả lời, nếu con đường dẫn tới Ngài bị tắc nghẽn, nếu không có sự thứ tha – sự thứ tha do chính Thiên chúa uỷ quyền -, thì cuộc sống con người trở thành một cuộc thí nghiệm vô nghĩa. Như vậy là chính Chúa đã kéo mây đen ra khỏi một khoảnh bầu trời, Ngài thắp lên ánh sáng, rọi chiếu mở ra cho ta một con đường, con đường chân lí, con đường giúp ta sống, và đường đó chính là sự sống.

INRI – CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA KI-TÔ

- Một người như đức Giê-su hẳn đã khiến cho dư luận lưu tâm ghê gớm và đã khiêu khích mọi tập thể. Vị tiên tri ở Na-da-ret đó không chỉ được người đương thời hoan hô, mà còn bị nhạo báng và truy nã. Giới cầm quyền coi Ngài và giáo huấn của Ngài là mối nguy cho quyền lực họ, phía Pha-ri-sêu và và các thượng tế bắt đầu tìm cách giết Ngài. Rõ ràng cuộc khổ nạn đã là một phần của sứ điệp Ngài, bởi vì chính đức Ki-tô đã cho các môn đồ biết trước về khổ nạn và cái chết đó. Ngài nói thế này vào ngày lễ vượt qua, trong hai ngày nữa “Con Người sẽ bị nộp và bị treo trên thánh giá”.

Đức Giê-su đã chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ, để họ hiểu rằng, đấng Thiên Sai sẽ không xuất hiện như một kẻ giải phóng, hay như một kẻ uy quyền vinh quang sẽ đưa Is-ra-el trở lại với quyền lực huy hoàng của thời xưa cũ. Ngài đã không tự gọi mình là Thiên Sai, nhưng là Con Người. Con đường của Ngài, trái lại, chỉ là con đường vô quyền và chấp nhận cái chết, bị nộp cho người ngoài đạo, như Ngài đã nói, và bị họ treo lên thánh giá. Ngài muốn các môn đệ phải hiểu Nước Chúa sẽ đi vào trần gian bằng con đường đó, chứ không bằng con đường nào khác.

- Bức họa nổi tiếng của Leonardo da Vinci*, Bữa Tiệc Li, vẽ lại cảnh bữa ăn chia tay giữa đức Giê-su và các tông đồ. Trong chiều tối hôm đó, Ngài đã làm cho các tông đồ ngỡ ngàng thất vọng, khi Ngài cho hay sẽ có sự phản trắc. Sau đó Ngài lập ra phép Thánh thể, phép mà từ đó tới nay đã gần hai ngàn năm vẫn được ki-tô hữu cử hành mỗi ngày.

- Tin Mừng viết, “Trong bữa ăn, đức Giê-su cầm lấy bánh và đọc lời chúc tụng; rồi Ngài bẻ bánh, đưa cho các tông đồ và nói: Hãy cầm lấy mà ăn; đây là mình thầy. Rồi Ngài cầm chén rượu, dâng lời ca tụng, đưa cho các tông đồ và nói: “Hãy cầm lấy mà uống, đây là máu thày, máu của giao ước mới, sẽ đổ ra để anh em và nhiều người được tha tội. Hãy làm việc này để nhớ đến thày”. Có lẽ đây là những câu cho tới ngày nay được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong lịch sử. Chúng xem ra như một công thức thánh.

Chúng là một công thức thánh. Nghĩa là những câu nói vượt ra hẳn ngoài mọi sự thường tình, mọi chờ đợi, mọi suy tính. Đó là những câu chứa đựng kho tàng vô giá và í nghĩa thâm sâu. Muốn biết đức Ki-tô, tốt nhất nên suy niệm những câu đó và cùng cử hành sự hiện diện của chúng, những lời đã trở thành bí tích. Phép Thánh thể là một tổng kết về đức Ki-tô.

Ở đây, đức Ki-tô lấy lại những sợi chỉ nền tảng của Cựu Ước. Một mặt, Ngài dựa vào việc lập Giao ước cũ ở núi Si-nai, và cho thấy rõ rằng, sự việc khởi đầu ở Si-nai giờ đây lại xẩy ra một cách mới: Giao ước mà Thiên Chúa đã lập với con người, giờ đây đã thật sự hoàn thành. Bữa tiệc li là biến cố thành lập Giao ước mới. Khi Ngài giao mình cho con người, lúc đó một cộng đoàn máu mủ giữa Thiên Chúa và con người thành hình.

Mặt khác, ở đây lời của tiên tri Jê-rê-mi-a tiên báo về việc lập Giao ước mới cũng được nhắc tới. Cả hai vòng cựu ước (lề luật và tiên tri) tan biến vào trong sự thống nhất này và đồng thời hình thành nên một hành vi bí tích. Trong đó thập giá đã được hé mở cho thấy trước. Bởi vì nếu như đức Ki-tô cho đi thịt máu Ngài, cho đi chính Ngài, thì điều kiện đặt ra là Ngài phải cho thực sự. Như vậy thì những lời trên cũng là hành động nội tại của thập giá, hành động đó nói lên rằng, Chúa đã biến bạo lực bên ngoài đối với Ngài thành ra một hành động tự tặng mình cho nhân loại.

Và ở đây, có một điểm nữa cũng đã được nói ra trước, đó là phục sinh. Không thể cho người ta ăn thịt chết, thân xác chết. Chỉ vì Ngài sẽ phục sinh, nên thịt và máu của Ngài trở nên mới. Và không phải ăn uống kiểu con người, nhưng là sự kết hợp với đấng Phục sinh hằng sống.

Xem thế, chỉ trong mấy lời trên, ta thấy chứa đựng cả một tổng hợp lịch sử tôn giáo, một tổng hợp lịch sử đức tin của Is-ra-en cũng như chính cuộc sống và công trình của đức Giê-su, và cuộc sống và công trình của Ngài này cuối cùng đã trở thành bí tích và hiện diện luôn mãi.

- Các môn đệ cùng Ngài lên núi Cây dầu. Tại đây, Phê-rô khẳng định sẽ chẳng bao giờ phản bội thầy mình. Đức Giê-su muốn vào vườn Giệt-sê-ma-ni để cầu nguyện. Ngài bị cảm kích mạnh và bị cám dỗ tấn công. Buồn và sợ xâm chiếm Ngài. “Tâm hồn thầy lo buồn đến chết”, Ngài nói với hai môn đệ, “hãy ở lại và thức với thầy”. Hai môn đệ vừa bước khỏi mấy bước thì Ngài sấp mình xuống đất. Ngài cầu nguyện và có lẽ cũng khóc thầm. Hai môn đệ nghe tiếng Ngài “Cha ơi, nếu được thì xin cất chén này khỏi con. Nhưng không theo í con, mà tuỳ í Cha muốn”.

Đây là một trong những đoạn cảm động và gây xúc động nhất của Tân Ước. Bí ẩn về cơn lo sợ của Chúa Ki-tô luôn là nội dung mới mẻ để ta suy gẫm, cũng như các bậc thánh lớn đã hằng suy gẫm.

Ở đây, tôi thấy như có một cuộc vật lộn giữa tâm hồn con người và tâm hồn thiên chúa trong đức Giê-su Ki-tô. Ngài thấy toàn bộ vực thẳm xấu xa và kinh hãi của kiếp người, mà Ngài phải mang trên mình và phải trải qua. Ngài thấy nỗi kinh hoàng của gánh nặng đang tới với Ngài. Không chỉ cái sợ của giờ phút bị hành hình mà thôi, mà đó là cuộc đối diện với toàn bộ kinh hoàng và vực thẳm của vận mạng con người mà Ngài gánh trên mình. Cảm nhận đó của Ngài vượt xa những gì ta có thể cảm nhận. Cả ta nữa cũng có thể khiếp hãi, lúc đứng trước nỗi kinh hoàng của lịch sử con người, lúc nhìn vào vực thẳm huỷ diệt con người khi họ chối từ Thiên Chúa.

Nhà thần học người Hi-lạp Maximus Confessor đã có một lối diễn tả biến cố cầu nguyện trên núi cây dầu thật đặc biệt. Ông bảo, đã có một “phản ứng hoá học về hiện hữu”. Nghĩa là, lúc đó í muốn của đức Giê-su đã trở thành một với í muốn của Chúa Con, và như vậy làm một với í muốn của Chúa Cha. Toàn bộ sự đối kháng của bản tính con người chống lại sự chết và những gì khiếp hãi, đã toát lên trong lời cầu nguyện. Đức Giê-su phải thắng vượt bản tính đối kháng của con người chống lại Thiên Chúa. Ngài phải thắng vượt cơn cám dỗ làm trái í Thiên Chúa. Ở đây, cơn cám dỗ đã đạt tới cao điểm, và rồi nó sẽ bị bẻ gẫy để đưa tới tiếng xin vâng. Cuối cùng, í Chúa và í người hoà tan vào nhau làm bật lên lời xin: “Nhưng đừng theo í con, mà theo í Cha”.

- Các môn đệ xem ra mệt mỏi. Khi thầy trở lại, thì các ông đã ngủ. Đức Giê-su thất vọng: “Các anh không thể thức với thầy được một giờ sao”?

Vâng, Ngài thất vọng. Và ki-tô hữu mọi thời đều thấy câu nói của đức Giê-su trong giây phút đó đã vang vọng vào dọc dài lịch sử giáo hội. Các môn đệ của Ngài luôn ngủ. Luôn luôn xẩy ra chuyện con cái Ngài ngủ, khi việc nhà Chúa đang ở trong tình thế nguy kịch. Ngài đưa họ tới gần Ngài, để họ chia sẻ bớt gánh nặng cô đơn của Ngài, nhưng rõ ràng đã chẳng ai cảm được nỗi kinh hoàng của giây phút đó.

- Và đức Ki-tô còn nói: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để đừng bị sa chước cám dỗ. Tâm trí thì sẵn sàng, nhưng xác thịt thì yếu đuối”.

Câu đó làm ta liên tưởng tới lời Chúa nói sau cơn hồng thuỷ: “Ta thấy chúng chỉ là xác thịt, yếu đuối, cần được tha thứ và thương xót”. Như vậy, cuối cùng, nỗi thất vọng của Ngài đã tan biến vào lòng thương xót.

- Giu-đa dẫn theo một đám đông lính võ trang. Ông bước tới đức Giê-su và hôn Ngài. Đó là mật hiệu. Quân lính vừa xấn tới đức Giê-su thì Phê-rô bước ra, rút gươm và chém đứt tai một anh tay sai của thượng tế. Đức Giê-su chỉ Phê-rô nói: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm thì sẽ chết vì gươm”.

Phê-rô muốn minh chứng điều mình đã hứa là thật, ông sẵn sàng chết với Thầy. Dĩ nhiên Phê-rô rồi cũng phải hiểu ra rằng kiểu can đảm kia chẳng đi tới đâu cả, vì nó chẳng giải quyết được gì.

Nhưng đây là điều đức Giê-su cũng muốn nói cho toàn bộ lịch sử. Ngài cảnh cáo: Việc nhà Chúa không thể bảo vệ được bằng gươm giáo, như người ta, tiếc thay, vẫn luôn cố làm. Ai muốn dùng bạo lực để bảo vệ Chúa, người đó chống lại Ngài.

- Sau khi Thầy bị bắt, các môn đệ bỏ chạy hết, không sót một ai. Người ta dẫn Ngài tới thượng tế Cai-pha để tra khảo. Nhưng bản luận tội của Cai-pha thiếu thuyết phục, các lời chứng đều là chuyện bịa đặt. Cuối cùng họ đã tìm ra được một tội: Nhạo báng Thiên Chúa. Thượng tế ép Ngài: “Ngươi hãy thề trước Thiên Chúa hằng sống, có phải ngươi là Thiên Sai, là Con Thiên Chúa không”? Và đức Giê-su đã thẳng thắn trả lời: “Đúng như điều ông nói”.

Là thầy cả thượng tế, Cai-pha có trách nhiệm về mặt đức tin cho cả Is-ra-en. Hẳn nhiên Cai-pha thật sự không muốn ra án tử cho Con Thiên Chúa. Ông biết Giê-su là người tin vào một Thiên Chúa duy nhất, đây là tâm điểm đức tin của giáo lí do-thái giáo; cái tội của Giê-su, theo ông, là đã dám xưng mình là Con Thiên Chúa. Dĩ nhiên ông đã không nhìn ra được gì khác, vì đức tin nơi ông đã bị bó rọ trong công thức. Song ta cũng không nên phán xét ông một cách hời hợt, vì dù sao thì ông cũng phải hành động theo trách nhiệm tôn giáo của mình.

- Cuộc khổ nạn bắt đầu. Các thầy luật và trưởng lão là những người đầu tiên nhổ vào mặt đức Giê-su. Họ lấy khăn chụp vào đầu Ngài và vả Ngài: “Mày là Thiên Sai, là tiên tri, hãy nói cho chúng tao biết ai đánh mày?” Phê-rô lúc đó đang luẩn quẩn trong sân, ông bị nhận diện và đã chối Thầy. Nhưng khi ông nhận ra hành động mình, ông bỏ ra ngoài, bật khóc cay đắng. Cả Giu-đa cũng chẳng sung sướng gì về việc làm của mình, ông rất hối hận. Ông vứt tiền vào Đền thờ và tự tử.

Ở đây,ta thấy con người yếu đuối một cách thảm hại:Thoạt tiên Phê-rô chạy trốn, nhưng rồi quay lại để xem chuyện gì xẩy ra.Theo cái nhìn của ông, việc chối Thầy chỉ là một lời nói dối nhỏ nhặt, chẳng qua để khỏi bị nhận diện để được gần Thầy mà thôi.Nhưng dưới cái nhìn của đức Giê-su, đó là một hành vi hèn nhát bỏ cuộc.

Cái thích thú đối với tôi là phản ứng khác nhau của hai kẻ có tội. Một người nhận ra con đường ăn năn và nhờ đó được đón nhận lại. Người đó sẵn sàng nhận thứ tha, không thất vọng, i đau khổ, quay ra ăn năn và trở về. Người kia quá hoảng hốt về việc phản bội của mình và chẳng còn tin vào sự tha thứ nữa.

Khác biệt là đó. Hai loại ăn năn, tự lên án mình. Người này không rơi vào hư vô, nhưng để mình được đón nhận trở lại. Người kia chẳng còn tin vào sự tha thứ, để mình tự hủy diệt và vì thế không còn chấp nhận con đường đổi mới đang mở ra.

Tôi tin đây là một bài học đầy í nghĩa cho những ai bị vấp ngã, cho mọi thứ í thức tội lỗi và mọi cách vượt thắng tội lỗi. Sự tự lên án quá đà và sai lầm, để cuối cùng dẫn đến việc chối bỏ mình hoàn toàn, không phải là phương cách đúng đắn để giải quyết tội lỗi mình.

- Đức Giê-su bị lôi tới tổng trấn người Rô-ma tên là Pontius Pilatus. Pilatus nhạo Ngài: “Ông là vua dân Do-thái? Đức Giê-su trả lời: “Vâng, tôi là vua, nhưng vương quốc của tôi không ở trong thế giới này. Tôi được sinh ra để làm vua và có mặt trong thế gian này để làm chứng cho sự thật. Ai ở trong sự thật, kẻ đó nghe tiếng tôi”. Pilatus không thể hiểu được câu trả lời, nhưng hỏi lại đức Giê-su một cách nghi hoặc: “Sự thật là gì”?

Thoạt tiên đức Giê-su bị xét xử và kết án trước toà án do-thái. Nhưng không hiểu tại sao các thế lực do thái lại không thi hành bản án, mà lại chuyển sang toà án của chính quyền Rô-ma. Tại đây, người ta chẳng còn tố Ngài bổ báng Thiên Chúa nữa, mà kết tội Ngài là một tay chính trị muốn lật đổ nền cai trị của Rô-ma, nghĩa là từ án tôn giáo biến thành án chính trị. Pilatus có lẽ chẳng thích thú gì về việc luận tội này.

Bản án không vững, và ông quan toà Rô-ma này là một người vô liêm sĩ, lúc đầu ông chẳng thú vị gì làm anh đao phủ cho người Do-thái. Hình ảnh Pilatus này xem ra thật tân thời. Khi đức Giê-su nói về chân lí, câu trả lời của ông đúng là của một kẻ hoài nghi chính hiệu: Như thế là sự thật ư? Vậy thì tay này quả đúng là người gàn, hắn ta quả quyết mình là chứng nhân cho sự thật và sẵn sàng chết cho sự thật đó.

- Ông toàn quyền Rô-ma tuyên bố với đám đông, ông thấy Giê-su không có tội gì. Nhưng theo thói quen tha tội nhân vào những dịp lễ lớn, ông để cho họ chọn giữa Giê-su và tay bạo hành Barabas. Đám đông nhao lên: “Tha Barabas!” “Còn Giê-su?” “Đóng đinh vào thập giá”! Pilatus trao vật tế cho đám đông, nhưng rửa tay trước mặt họ để nói lên sự vô tội của mình.

Đoạn này cũng cho ta một bài học về đám đông. Trong đám đông có lẽ cũng có những người trước đó vô hại, những người đã mến và hoan hô Giê-su. Ta thấy đám đông có thể huỷ hoại lương tâm đến thế nào. Nó có thể làm cho chính con người trở nên vong thân và biến họ thành dụng cụ của sự dữ.

- Như trước đó các thầy cả đã làm, giờ đây các tay lính cũng bỡn cợt với tù nhân. Họ lột áo, khoác lên mình Ngài một tấm vải đỏ và đội lên đầu Ngài một mũ gai. Đưa cho Ngài một cây gậy thay vương trượng, và rồi cả đám quỳ xuống mà rằng: “Này vua Do-thái, hãy tự cứu mày đi”. Rồi họ nhổ vào mặt Ngài, giật gậy và đánh vào đầu Ngài. Cũng lại là Pilatus, trước cảnh tượng đó, ông đã kêu gọi lòng thương hại: “Ecce homo – hãy xem, một người như thế”.

Tất cả những đoạn đó rất thâm sâu. Chúng dẫn ta bằng nhiều lối tới cả một chuỗi sự kiện, từ nỗi tầm thường của sự dữ cho tới nét khiêm tốn của quyền lực và của tình yêu thiên chúa. Trước hết, ta thấy sự vô tri của đám đao phủ, đối với họ độc ác đã trở thành chuyện thường tình. Nhưng có lẽ còn có cái gì thẳm sâu hơn nữa đàng sau những diễu cợt kia. Bởi vì chính kẻ đội vương miện bị nhạo báng đó là vua thật của thế giới. Kẻ đội vương miện bằng gai kia, nghĩa là đội lấy nỗi đau đớn của thế giới, là vua thật. Câu nói của Pilatus vô tình chứa đựng một nội dung vượt lên trên nghĩa chữ. Một cách nào đó ông đã nói: “Vâng, cái đó là người”, một con bọ thảm thương. Đồng thời ông chỉ vào con người thật, con người mang hình ảnh Chúa trong đau khổ.

- Đám lính dẫn kẻ nhục hình với mũ gai trên đầu về Gôn-gô-ta, đến “núi sọ”. Đức Giê-su vác thập giá nặng, Ngài đổ mồ hôi máu. Ba lần Ngài gục ngã vì gánh nặng. Chị Vê-rô-ni-ca trao cho Ngài tấm khăn để lau mặt tạm, những phụ nữ khác khóc, nhưng tuyệt đối không có ai đứng hai bên đường sẵn sàng vác đỡ cho Ngài. Có lẽ vì sợ Ngài chết dọc đường không đến được nơi hành hình, đám lính đã bắt một người tên là Si-mê-on ở Xi-rê-nê vác đỡ cho Ngài một đoạn.

Lòng sùng mộ ki-tô giáo đã lấy con đường thánh giá, con đường ngày nay ta có thể đi lại ở Giê-ru-sa-lem, làm nguyên biểu tượng cho bước đường đau khổ của con người. Một số biến cố trong đó đã trở thành nội dung suy gẫm, chẳng hạn như ba lần Chúa ngã hay hình tượng Vê-rô-ni-ca. Đó là những cảm nhận của con tim khi bước theo con đường đó. Đường thánh giá và chuỗi mân côi là kinh cầu quan trọng được hình thành do lòng sùng mộ của tín hữu phương tây trong thời trung cổ. Đó không những là chứng liệu quan trọng về sự trưởng thành tâm hồn và về lòng đạo đức, nhưng thực tế là một trường học của nội tâm và của những an ủi. Đó cũng là trường học dạy ta xét mình, giúp ta trở về, giúp tâm hồn biến đổi và dạy ta cách cùng đau khổ với tha nhân – không phải chỉ cảm nhận cái đau khổ của người mà thôi, mà đó còn là một cái gì thôi thúc ta phải nhận chân con người mình và sửa mình nên tốt hơn.

Hình ảnh Xi-mê-on dĩ nhiên cũng quan trọng không kém. Thế giới ki-tô hữu nhìn thấy trong đó một nhiệm vụ không bao giờ dứt. Có thể nói đức Ki-tô vác thập giá đi suốt toàn bộ lịch sử. Ngài mong chờ những bàn tay của Vê-rô-ni-ca hay của Xi-mê-on sẵn sàng chia sẻ gánh nặng thánh giá.

- Không thể tưởng tượng được việc đám lính hành hạ đức Giê-su. Tất cả những thù hận, những gì muông thú, xấu xa nhất mà con người có thể gây cho nhau, đều được chúng đổ lên đầu Ngài.

Đức Giê-su là một nạn nhân điển hình của bạo lực. Chúng ta vừa chứng kiến con người trong thế kỉ 20 đã có thể man rợ tới chừng nào; họ đã tự sỉ nhục và phá huỷ chính khuôn mặt mình, qua việc phá huỷ bộ mặt tha nhân. Trước sự kiện con “Chiên Thiên Chúa” đã phải gánh thay vào mình tất cả những nhục nhã đó, chúng ta một mặt phải rúng động về sự dã man của con người, phải đặt lại vấn đề với chính mình về việc đã tỏ ra hèn nhát hay câm lặng đứng nhìn, cũng như chính mình đã đồng loã với tội ác. Mặt khác chúng ta phải sửa đổi mình để Chúa được vui. Chúa đã đứng về phía những người vô tội và những người đau khổ, và Ngài cũng muốn thấy ta cùng đứng ở phía đó.

- Trên thập giá đức Giê-su còn bị chế nhạo. Lính đưa cho Ngài rượu có trộn mật đắng. Họ còn treo trên thập giá tấm bảng viết: Giê-su Na-da-ret, vua Do-thái (INRI). Các thượng tế và thầy luật la lên: “Mày muốn phá Đền thờ rồi xây lại trong ba ngày ư? Nếu là con Thiên Chúa thì hãy cứu mình và xuống khỏi thập giá đi.” Nhưng đức Giê-su đã không rời thập giá. Ngài chẳng nói gì. Chẳng nói gì cả. Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín trời đất bỗng tối sầm. Vào khoảng giờ thứ chín Ngài kêu lên: “Eli, Eli, lema sabachtani”. Một câu thật lạ, vì nó mang nghĩa: “Chúa ơi, Chúa ơi, sao Ngài bỏ con?”

Về việc trao thức uống, Tin Mừng kể lại hai cách. Mat-thêu nói đó là rượu trộn mật đắng, và người ta trao cho Ngài lúc bắt đầu đóng đinh, có lẽ đó là một thứ thuốc tê. Nhưng Ngài đã từ chối, vì Ngài muốn chịu đựng nỗi đau với tất cả cảm giác. Mac-cô, Lu-ca và rõ hơn Gio-an bảo đó là giấm, và người ta đã trao cho Ngài khi sắp tắt thở. Rõ ràng các thánh sử muốn liên tưởng tới câu Thánh Vịnh: “Thay vì của ăn chúng đưa cho tôi thuốc độc và giấm” (Tv 69,22). Một vài chỗ trong sách tiên tri cũng viết: Ta đã trồng một vườn nho và nó đã đưa cho ta giấm – một lời than trách vẫn luôn đúng cho hoàn vũ ki-tô giáo.

Rồi ta nghe những nhạo báng đổ lên đức Giê-su. Sách Khôn ngoan trong Cựu Ước có viết: “Những kẻ bất lương nhạo báng người công chính”. Chúng đưa Ngài tới chỗ chết và nói: Này là lúc hãy tỏ cho chúng tao thấy mày có phải Thiên Chúa hay không. Đó là lối thử nghiệm của họ. Đó là giây phút chiến thắng, mà những người pha-ri-sêu, có thể một số trong họ trước đó đã bị cắn rứt lương tâm, giờ đây thấy mình có lí và quay ra nhạo báng Ngài. Như vậy là họ thông đồng với nỗi tầm thường của sự dữ, như nó đã được thể hiện nơi đám binh lính.

Tin Mừng cho hay đức Giê-su trên thập giá đã thốt ra bảy lời tất cả. Lời nhắc đến trên kia có tầm quan trọng bản lề. Đó và câu đầu của Thánh Vịnh 21, bài bi ca lớn của dân Is-ra-en, cho thấy trong lịch sử, cứ mỗi lần dân này bị áp bức và bị dồn vào đường cùng, đều kêu lên: “Chúa ơi, Chúa ơi, sao Ngài bỏ rơi tôi?”. Dùng Thánh Vịnh 21 để cầu nguyện, là đức Giê-su muốn đồng hoá mình với dân tộc đau khổ Is-ra-en, và muốn nhận vào Ngài số phận của dân này.

Nhưng ta không được quên, đó cũng là một lời cầu nguyện. Trong tiếng la nguy kịch đó Ngài đã hướng về Thiên Chúa. Đức Giê-su chết như một người cầu nguyện, như một người làm theo lời dạy của điều răn thứ nhất, là luôn cầu nguyện với Thiên Chúa. Thánh Vịnh đưa ta vào một nỗi tín thác lớn, nó tiên tri về phép Mình Thánh và chấm dứt với câu: “Người nghèo được ăn uống no nê”. Từ thập giá tuôn ra Manna mới làm cho kẻ nghèo được no nê.

- Khi Ngài tắt thở, khăn Đền thờ bị xé đôi. Động đất, đá tảng vỡ ra, ta còn đọc thấy là mồ mả mở tung. Bao nhiêu thế kỉ, các nghệ sĩ cố gắng bằng mọi cách diễn tả cảnh tượng đó. Tôi nhớ đặc biệt tới một tấm hình: Kẻ bị đóng đinh gục đầu hơi nghiêng về một bên vai, mắt nhìn thẳng vào người xem. Mũ gai ấn mạnh vào sọ. Máu tuôn đầy người. Nước mắt Ngài chảy ra. Nhưng dù bị khổ nạn, ánh mắt hé mở và không bị hây hấn gì của Ngài vẫn toát ra nét bình an. Dù có đủ lí do để than thở, nhưng kẻ bị nạn vẫn mỉm cười với người xem. Chẳng có một nét gì gọi là trách cứ trên khuôn mặt đó, đức Giê-su trông như đã được giải thoát và hoàn toàn thanh thoải. Càng nhìn Ngài lâu, quái lạ ta càng nhận ra rõ nét an ủi bên cạnh nét u sầu.

Chỉ trong suy niệm, chỉ khi hồn ta qua cầu nguyện đồng hoá làm một với đức Ki-tô chịu đóng đinh, khi đó ta mới có được những hình ảnh chịu nạn đích thực, lớn và thuần khiết. Chúng vừa nói lên nỗi khát khao, cơn túng quẫn, nỗi đau đớn và sự tra tấn man rợ nhất, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự bình an trong câu nói cuối cùng: “Con phó linh hồn trong tay Cha. Sự việc đã hoàn tất”.

Đức Giê-su gục đầu và tắt thở. Ngài trút tinh thần và trao nó lại cho Cha Ngài, và sự bình an đã chói rạng lên từ câu nói cuối cùng của Ngài. Hình chịu nạn không bao giờ được phép chỉ nói lên khía cạnh man rợ mà thôi, vì như thế chúng không diễn tả hết được cái bí ẩn của đức Ki-tô. Nếu chúng chỉ muốn nhắm tới việc thoá mạ con người không thôi, thì chính chúng lại trở nên đích cho người ta diễu cợt.

PHỤC SINH

- Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, khắp Giê-ru-sa-lem nhận ra sự kiện phục sinh. Người trong thành sáng hôm đó ai nấy đều sửng sốt. Lại có động đất, cuộc động đất hai ngày trước đó đã làm rung chuyển Đền thờ, rồi suốt trong ba giờ liền bão cát nổi lên, tiếp đó lại động đất. Khi các bà là những người đầu tiên tri hô lên không còn thấy xác, người nghe coi đó là chuyện nhảm. Nhưng đến chiều tối thì chẳng còn ai ngờ gì nữa, nhất là trong đám môn đệ. Đức Giê-su đã hiện ra với hai trong số các môn đệ trên đường đi Ê-mau và đã tỏ mình cho họ biết. Lịch sử đạo Ki-tô như là lịch sử của một niềm tin khởi đầu từ giây phút này.

Giê-ru-sa-lem đã biết đến sự kiện sớm hay muộn, ta không rõ. Ta chỉ biết qua kết luận của Mat-thêu rằng, cả sau cuộc hiện ra cuối cùng của Chúa trên núi Si-nai – Đấng bị đóng đinh đã sống lại và nói: “Mọi quyền năng đã được trao cho Ta” – thì vẫn còn có những kẻ không tin. Sứ điệp phục sinh luôn gặp phải ngờ vực và chối bỏ, cho dù nó là một sứ điệp chiến thắng, sứ điệp vượt thắng hoài nghi.

Đức Ki-tô đã ra khỏi thế gian và ra khỏi cuộc sống thế gian để mặc lấy một thân xác mới. Thân xác này không còn bị lệ thuộc bởi các quy luật vật lí; nó thuộc về thế giới thiên chúa, từ thế giới đó Ngài tỏ mình ra cho con người và mở lòng họ, để họ nhận ra và đụng chạm được Ngài. Chúng ta luôn được mời gọi, cùng với “tông đồ không tin” Tô-ma, sờ vào Ngài và nhận ra cái hiện tại sống động mà Ngài luôn tỏ mình ra một cách mới trong lịch sử.

Biến cố phục sinh là một cái gì mới đi vào trần thế, và từ đó Giáo hội đã có thể hình thành. Và trong thực tế, phục sinh là cộng đoàn của những người tin vào đức Ki-tô, cộng đoàn của Dân thiên chúa mới.

- Thập giá, biểu tượng linh thiêng nhất của vũ trụ, như Guardini đã nói, đã trở thành dấu chỉ của ki-tô hữu. Thập giá với một người bị đóng đinh – là một biểu tượng gây khó chịu, tạo chống đối. Ngay Phao-lô đã phải cảnh giác: Đừng làm cho thập giá trở nên vô nghĩa, đừng đặt ngang hay dựng đứng nó, đừng biến cái hơn của Chúa ra cái kém của thế giới.

Thật ra đó là một câu chuyện có một không hai. Thập giá không những là nơi kết thúc sứ điệp và chính thân xác thịt máu của đức Giê-su. Chính nó đã trở thành biểu tượng cứu độ, biểu tượng không phải của sự chết, mà là sự sống. “Gỗ của sự sống thật” thánh An-rê ở Giê-ru-sa-lem đã hát lên như thế. Điều trớ trêu: Qua thập giá tới cứu độ.

Những bức ảnh chịu nạn xưa mô tả người bị đóng đinh đồng thời cũng là kẻ sống lại, là vua. Hình người trên đó mở mắt, để cho thấy bản chất không chết của Thiên Chúa, nhưng Ngài sống mãi và trao tiếp sự sống. Như vậy, từ một công cụ hành hình xấu xa của người Rô-ma, thập giá đã trở nên dấu chỉ chiến thắng của Con Người. Dấu chỉ đó sẽ không chỉ đến với ta trong ngày sau hết, nhưng nó đã tới, qua việc Ngài đến với ta như một kẻ chiến thắng và mang ta đi. Cùng với Ngài ta lên đường tiến về Thiên Chúa hằng sống; qua nỗi đau khổ của Ngài ta thấy niềm an ủi của tình yêu thiên chúa, tình yêu này mạnh hơn đau khổ.

Như vậy, thập giá thật sự đã trở thành một dấu chỉ cứu độ, dấu chỉ vắn gọn của đức Giê-su Ki-tô, qua đó chúng ta nối kết với Ngài.

Các môn đệ ở Giê-ru-sa-lem quả đã bị một cú xốc lớn: Đấng Thiên Sai, Đấng đã có thể chữa lành người mù và khiến kẻ chết sống lại, bỗng dưng hiện thân như một kẻ bị sỉ nhục, bị dày đạp và bị đám tay sai quyền lực treo lên thập giá. Điều tuyệt đối không thể giải thích được: Tại sao Thiên Chúa lại phải đau đớn và chết, mới cứu được tạo vật của Ngài?

Đó là bí ẩn của Thiên Chúa: Ngài không đi vào trần thế để cải tạo công bằng xã hội bằng quyền lực. Ngài đã vì ta hạ mình và để cùng đau khổ với ta.

Ta sẽ không bao giờ hiểu hết được bí ẩn đó. Và dù vậy, cái tích cực nhất mà ta biết được về Chúa, là Ngài không đơn giản cai trị bằng quyền lực. Thiên Chúa có lối sử dụng quyền lực riêng, không như lối của con người. Quyền lực của Ngài là sức mạnh cùng yêu và cùng khổ, và khuôn mặt thật của Ngài tỏ lộ ra chính trong đau khổ. Thiên Chúa mang nỗi bất công của thế giới trong đau khổ, nhờ đó chính trong những giờ phút đen tối ta có thể chạy tới cùng Ngài là kẻ gần với ta nhất.

Thiên Chúa trở nên bé nhỏ, để ta có thể nắm bắt được Ngài. Để cho con người học được nguyên tắc sống chống lại thói kiêu căng và muốn làm trời của họ. Ngài tới như một người sờ đúng trái tim ta.

(còn tiếp nhiều kỳ).

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 30.06.2009. 18:11