Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương I: Thiên Chúa (7)

§ Phạm Hồng Lam

(tiếp theo... Thiên Chúa và Trần Thế, ĐHY Joseph Ratzinger trao đổi với Peter Seewald; Phạm Hồng-Lam chuyển ngữ)

4. TRẬT TỰ TỰ NHIÊN

NHỮNG BẰNG CHỨNG HIỂN NHIÊN CỦA VŨ TRỤ

- Ngay cả khi chúng ta không thể nhìn thấu được Chúa, chúng ta vẫn có thể, qua những gì dưới đây, thấy được ít nhiều về việc cấu tạo thế giới và về những gì được trao tặng cho con người trong vũ trụ thần thánh này. Nhưng luôn với điều kiện là Chúa hiện hữu thật sự. Về điểm này, ngài nhiều lần nói tới những giá trị khách quan, tới « bằng chứng hiển nhiên của sự sống con người » và tới những sứ điệp của vũ trụ. Ngài bảo rằng, vấn nạn của thời đại tân tiến là con người đã xa lìa khỏi bằng chứng hiển nhiên đó. Có những thái độ tuyệt đối đúng và luôn đúng, có những thái độ khác đương nhiên sai và luôn sai, vì chúng đi ngược lại sự sống và con người. Nghĩa là thế nào ?

Ki-tô giáo quan niệm thế giới, trong từng chủng loại, được hình thành qua một quá trình tiến hoá rất phức tạp, nhưng nó chung quy lại cũng được phát sinh ra từ cội nguồn Logos (Lời). Như vậy, thế giới mang trong mình không những một lí trí toán học – không ai chối cãi được rằng thế giới được cấu tạo theo toán học -, nghĩa là một lí trí trung lập và khách quan, mà với tính cách là Logos, nó còn mang một lí trí đạo đức nữa.

- Làm sao biết được điều đó ?

Chính tạo dựng giúp ta hiểu và chấp nhận điều đó. Ngay người ngoài Ki-tô giáo cũng hiểu được điều này. Song, nhờ đức tin bật mí, ta thấy được trong lí trí của tạo dựng không những chỉ có sứ điệp toán học, mà còn có cả sứ điệp đạo đức nữa.

Cái bật mí thứ nhất gọi là lương tâm. Lương tâm là nhận thức cội nguồn, nó cho ta biết có những sự việc không bao giờ là tốt cả. Giết một người vô tội, dù với lí do nào đi nữa, là điều đương nhiên ai cũng thấy sai, với điều kiện người đó không bị giáo dục sai lầm. Nói chung, tôn trọng sự sống là tốt. Hoặc giữ lời hứa, nghĩa là trọng tính chân thật và sự thật, cũng vậy.

Dĩ nhiên đó là những giá trị rất chung. Ta biết, Hans Küng* muốn hoà trộn chúng lại dưới dạng một nền đạo đức thế giới, nghĩa là lập chúng thành một bảng điều lệ chung áp dụng cho hết mọi người. Ta chưa cần tranh luận chuyện này ở đây. Nhưng dù vậy, nỗ lực của ông cũng hé cho ta thấy có một nét trong sáng nào đó trong tạo dựng, xuyên qua đó ta nhìn ra được những huấn lệnh của Tạo hoá. Và nữa, các hằng số giá trị chung - cho dù trong mỗi cái riêng còn chứa những khác biệt lớn - xưa nay vẫn hiện diện xuyên suốt qua các tôn giáo lớn và qua toàn bộ lịch sử tri thức của nhân loại. Hãy lấy nói dối làm thí dụ. Có người cho rằng, đôi lúc nói dối là đúng, là cần. Nhưng chẳng ai muốn xác định nói dối tự nó là đúng cả.

Để các bằng chứng hiển nhiên đó trở nên tác dụng và trong sáng, chúng ta cần được giáo huấn. Nhờ giáo huấn, các kiến thức tổng quát và chưa rõ ràng sẽ được cụ thể hoá và trở nên có thể thực hiện được. Việc giáo huấn đó là một phần của con đường dẫn ta tới đức Ki-tô. Giáo hội gọi con đường đó là sự soi sáng, bởi vì nhờ đó mà một cá nhân dần dần nhìn ra được rõ hơn về một điều nào đó đã tiềm tàng nơi mình.

- Phải chăng những «bằng chứng hiển nhiên của vũ trụ», cái « hiến chương sự sống » đó (mà ta vẫn luôn hay quên và thường không nghĩ đến) đã nằm sẵn trong những huyền thoại xa xưa như lũ lụt, tháp Babylon, hay thành Sodom và Gomorrha ? Phải chăng sứ điệp của các câu chuyện đó quả là một thứ kiến thức sống còn cho cả nhân loại ?

Lạ thật, những câu chuyện đó có mặt khắp nơi trong lịch sử tôn giáo. Chúng hiển nhiên là những tiếng còi báo động. Chuyện lũ lụt có mặt trong nhiều vùng địa lí hoàn toàn biệt lập, không liên hệ gì tới nhau. Một cách nào đó, chúng nói lên một kinh nghiệm và nhận thức chung của nhân loại, một hồi tưởng còn đọng lại nơi con người. Ta có thể khám phá ra nhiều sứ điệp ẩn tàng trong các câu chuyện đó. Chẳng hạn việc xây tháp Babylon, ở đây con người muốn dùng kĩ thuật để kiến tạo cho mình một văn minh chung. Họ muốn dùng sức mình và khả năng xây dựng của mình để thực hiện giấc mơ – chính đáng - về một thế giới, về một nhân loại. Và qua tháp cao chạm trời đó, họ muốn chứng tỏ quyền năng mình và muốn nhảy vào lãnh vực thiên chúa. Trên căn bản, điều đó cũng giống như giấc mơ của nền kĩ thuật hiện nay: nắm được quyền năng thiên chúa và tìm ra được chốt khoá của thế giới. Như vậy, các hình ảnh trên đúng là những lời cảnh cáo vang lên từ nhận thức cội nguồn của ta.

- Hãy bàn tiếp chuyện tháp Babylon. Ở đây, Kinh Thánh cho ta một thông tin lạ lùng «Chúa nói, xem kìa, chúng là một dân tộc, và chúng tất cả chỉ có một tiếng nói. Nhưng đó mới là khởi đầu công việc của chúng. Không có gì chúng muốn mà chúng không làm được. Thôi, Ta hãy xuống đó! Ta sẽ làm rối loạn ngôn ngữ của chúng, để chúng không thể nghe hiểu nhau nữa ». Nghe ra thật chuyên quyền.

Vâng, nghe như giọng ganh tị, cơ hồ Chúa không muốn để cho con người ngẩng cao đầu. Dĩ nhiên đây là một ngôn ngữ hình ảnh, rút ra từ kho văn hoá do-thái xưa. Một số yếu tố ngoại giáo lúc đầu vẫn còn hiện diện trong đó, nhưng qua những đợt giải thích chúng dần dần được gột bỏ hết. Vấn đề ở đây không phải là Chúa sợ con người trở nên quá lớn rồi giành ngai Ngài, nhưng Ngài thấy được ước vọng sai trái và tiềm năng tự huỷ của họ.

Có lẽ ta nên giải thích hình ảnh trên như thế này : Tháp Babel tượng trưng cho việc con người muốn chỉ dùng khả năng kĩ thuật để hợp nhất nhân loại và để vươn tới Chúa, trở thành như chính Ngài. Nhưng giờ đây Chúa nói cho ta biết, một hợp nhất trên căn bản như thế sẽ không vững, nó sẽ tạo ra hỗn-loạn.

Bài học đó có thể áp dụng cho ngày nay. Một mặt, thế giới hôm nay có sự hợp nhất đó. Trọng điểm của mọi thành phố đều giống nhau, dù ở Nam Phi hay Nam Mĩ, ở Nhật hay Mĩ châu, Âu châu. Đâu đâu con người cũng bận quần bò (Jeans), hát một thứ nhạc, cùng theo dõi một chương trình truyền hình và cùng chiêm ngưỡng những ngôi sao màn ảnh. Như thế, có thể nói, nhân loại có một thứ văn minh chung, kể cả một thứ thức ăn chung là McDonalds.

Thoạt nhìn, cảnh đồng phục đó là một thứ lực dung hoà khá hiệu nghiệm – cũng giống như cái ngôn ngữ chung khi xây Babel -, nhưng cùng lúc đó con người trở nên xa lạ nhau. Họ không tới gần nhau được nữa. Thay vào đó, ta thấy nổi lên các chủ trương độc lập vùng, các văn hoá chống đối nhau, ai cũng muốn mình chỉ là mình hoặc cảm thấy mình bị văn hoá khác đàn áp.

- Có phải đó là một bản luận chứng chống lại nền văn minh chung không?

Đúng, bởi vì nó làm người ta mất nét riêng, mất nét đích thực của họ. Mất thông tin chiều sâu giữa người với người. Thông tin này không thể tạo ra được bằng những cách cư xử bề ngoài, phiến diện và bằng những máy móc kĩ thuật giống nhau. Nếu người ta chỉ hợp nhất trên bề mặt đó, thì cùng lúc thâm tâm họ sẽ chống lại sự đồng phục, vì họ nhận ra chính sự đồng phục đó làm cho họ bị nô lệ.

Có thể nói, dạng thống nhất và tư tưởng muốn làm chủ thế giới cũng như làm chủ sự sống theo kiểu Babel của con người cần phải xét lại. Đây chỉ là một thứ hợp nhất giả hiệu, một thứ giả nâng con người lên mà thôi. Thật ra nó cướp đi chiều cao và độ sâu của con người. Ngoài ra, nó cũng biến con người thành nguy hiểm, vì một mặt con người có thể làm được rất nhiều chuyện, nhưng mặt khác khả năng đạo đức của họ không tương ứng được với khả năng kĩ thuật. Sức mạnh đạo đức không lớn kịp với khả năng hành động và đập phá, mà con người đã tạo ra. Đó là lí do, tại sao Chúa ra tay chống lại thứ hợp nhất kia và mở ra một loại hợp nhất hoàn toàn khác.

- Ngài muốn nói gì ?

Với ki-tô hữu chúng ta, Tân Ước và Cựu Ước luôn là một. Các sách Cựu Ước là bước đầu. Theo xác tín của ta, các sách đó không thể hiểu, nếu ta không đọc tiếp bước thứ hai. Ta cũng sẽ thấy điểm này trong các chương sau, khi bàn đến liên hệ giữa Adam và đức Ki-tô và qua các thí dụ khác. Chúa đã mở ra một mô hình hợp nhất qua diễn tiến câu chuyện ngày lễ ngũ tuần. Mô hình đó là đối cực của Babel, chỉ nhờ nó ta mới hiểu được Babel. Lúc đó, các tông đồ tuy không nói chung một thứ tiếng, nhưng tất cả đều hiểu nhau. Vẫn giữ đa dạng, như giờ đây sự hợp nhất con tim đã tạo thành một hợp nhất nội tâm.

Mô hình ngũ tuần đối lại với Babylon : một sự hợp nhất vẫn bảo tồn được kho tàng của nhân loại. Chúa muốn hợp nhất. Đó là mục tiêu của toàn bộ hành động của Ngài trong lịch sử; đó là lí do xuống thế của đức Ki-tô; đó là lí do Ngài lập Giáo hội. Nhưng sự hợp nhất mà Ngài muốn phải có một độ sâu và một tầm cao khác.

Lời cảnh báo của Babylon khiến ta phải nghĩ tới cuộc cách mạng điện tử hiện tại, một cuộc cách mạng làm thay đổi và đảo điên thế giới như chưa từng có. Xem ra chúng ta muốn tạo một vũ trụ hoàn toàn mới. Những hiện thực trên mạng lưới và những cái gọi là công ti thương mại điện tử không còn chỉ là trò chơi giải trí, mà đã trở thành một trò chơi ăn thua đủ với rất nhiều tiền, với quyền lực và với kinh tế quốc dân, chúng nắm trong tay số phận của hàng triệu con người.

Và thêm nữa : Ngày nay, đa phần dân tây phương mất nhiều thì giờ cho máy móc điện tử hơn là cho việc tiếp xúc với thực tế « thường nhật », nghĩa là tiếp xúc với con người và thiên nhiên. Những thực tế ảo trên mạng đang thay thế cho các thực tế thường nhật. Càng ngày, chúng ta buộc phải bỏ thêm công sức ra để chống trả lại những hình ảnh thôi miên trong cái thế giới hợp nhất đó.

Ở đây, nhờ diễn tiến lịch sử, ta lại nhận ra được những trực giác của một hình ảnh, mà trước đây ta không thể nghĩ tới được. Dĩ nhiên, đó không phải là nghĩa chữ của nội dung câu chuyện Babylon. Song, nếu ta đọc nó với ánh sáng kinh nghiệm, ta sẽ nhận ra cái trực giác chứa đựng trong đó, nó cụ thể hoá ra trước mắt ta ngày hôm nay. Nhờ đó, ta hiểu được í nghĩa của những biến chuyển hiện tại, hiểu được tại sao việc tạo nên thứ thống nhất kia là một mối nguy.

- Có thể so sánh một hình ảnh huyền thoại lớn khác của Kinh Thánh, đó là lụt hồng thuỷ, với những thứ lụt khác trên thị trường tư bản: lụt hình ảnh khích dâm, lụt tuyên ngôn, lụt quảng cáo… không ?

Nước cũng là một hình ảnh mang nhiều chiều kích. Nước luôn có hai nghĩa. Với nghĩa là nguồn, là mưa, thì đó là một quà tặng, một yếu tố cần cho sự sống. Khi nó mang hình ảnh đại dương hay lũ lụt, thì đó lại là mối nguy cho trái đất, nó có thể nuốt luôn sự sống. Lụt hồng thuỷ như vậy là biểu tượng nguyên mẫu cho những thế lực phá hoại, chúng vùi chôn sự sống, xoá đi biên cương bảo vệ sự sống mà Chúa đã vạch ra. Đê vỡ cuốn theo sự sống. Nhìn như thế, thì cơn hồng thuỷ vẫn là một hình ảnh rất nhiều nghĩa đối với con người. Bao nhiêu cảnh tượng ta thấy ngày nay : lũ lụt, đê vỡ, phá hoại sự sống, phá hoại văn hoá, phá hoại con người.

5. CÁC GIAO ƯỚC

5.1 GIAO ƯỚC CŨ

- Giao ước cũ là câu chuyện giữa Thiên Chúa với dân riêng Ngài. Chính Chúa đã cho dân này một tên gọi. Đó là ngày Ngài đánh vật với tổ phụ Gia-cóp bên sông Gia-cóp. Gia-cóp đã không chịu thua, vì vậy từ đây ông được gọi là „Is-ra-en“, kẻ tranh cãi với Chúa.

Tại sao Chúa lại phải chọn một dân riêng? Và tại sao lại là dân Do-thái?

Cựu Ước, chẳng hạn như trong sách Dân-số, luôn nêu lên lí do đặc biệt về sự tuyển chọn đó. Qua Mai-sen Chúa nói với dân Ngài: Ta không chọn ngươi vì ngươi là một dân đặc biệt lớn và đặc biệt quan trọng, cũng không phải vì ngươi có được phẩm cách này kia, mà vì Ta yêu ngươi.

Chúng ta không thể dùng lí luận để tìm hiểu việc tuyển chọn này, đó vẫn là một ẩn số. Vấn đề là Chúa chọn. Nhưng không phải Ngài chọn để loại trừ những dân khác, mà là để qua dân này Ngài tới với các dân khác, và để Ngài bước vào sân chơi lịch sử một cách cụ thể.

- Suốt 3000 năm lịch sử, dân riêng đó đã phải trải qua 2000 năm lưu đày, và cho tới ngày nay cũng còn phải đấu tranh cho nền an ninh đất nước. Phải tự hỏi: Tại sao lại là Ai-cập to lớn và hùng mạnh với các đại đế Pha-ra-ôn, và tại sao một dân tộc được tuyển chọn nhỏ bé lại bị truy nã, lưu đày và bách hại suốt bao nhiêu thế kỉ - cho tới sém bị huỷ diệt hoàn toàn bởi nạn Quốc-xã?

Thiên Chúa có những khái niệm khác. Việc tuyển chọn của Ngài không mang nghĩa to lớn như ta hiểu. Ngài không cất nhắc dân Ngài lên hàng cường quốc, nhưng Ngài tự tỏ mình và gây tác động qua cái bé nhỏ. Tiêu chuẩn quan trọng của Chúa không phải là cường quốc, mà là thực tại đức tin.

Vì đức tin mà một dân tộc được chọn. Dân tộc này nằm lọt giữa các nước lớn Ai-cập và Babylon, và luôn bị họ đe doạ xâu xé. Như vậy, Chúa làm lịch sử của Ngài một cách hoàn toàn khác, không như một quyền lực trần gian. Và đó có thể là bài học cho Giáo hội chúng ta, để ta hiểu rằng giá trị của mình không nằm nơi quyền lực thế gian, mà nơi việc mình luôn thể hiện và đại biểu cho một Thiên Chúa khác. Thời điểm lớn lao của Giáo hội là thời điểm đau khổ và bách hại, chứ không phải lúc có nhiều tiền và nhiều quyền lực.Đây cũng là bài học cho chính ta, để nhìn ra đâu là cái cơ bản và đâu không là cơ bản trong cuộc sống. Chứ đừng hỏi tại sao Chúa lại làm thế. Ngài đã chỉ cho ta một con đường, một hướng đi, và Ngài giữ sự độc lập của Ngài.

- Quả là một lịch sử lạ lùng. Dù dân Do-thái suốt 2000 năm lang thang, bị săn đuổi từ nước này sang nước khác, tôn giáo của họ vẫn không bốc hơi. Đây là một hiện tượng có một không hai trong nhân loại. Câu hỏi: Có sự liên quan nào giữa sự phát triển đầy bí ẩn của thế giới với sự phát triển của dân tộc Do-thái?

Theo tôi, rõ ràng có. Một dân tộc tí hon, không đất, không tên tuổi, suốt 2000 năm sống rải rác khắp thế giới, vậy mà vẫn giữ được đạo, vẫn giữ được căn cước Is-ra-en và do-thái của mình, quả là một bí ẩn tuyệt đối. Điều này cho thấy có sự tác động của một bàn tay nào khác trong đó.

Chúa đã không biến dân đó thành nước lớn, mà trái lại, họ đã trở thành một dân tộc mang nhiều đau khổ nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng họ luôn giữ được căn cước của mình. Đức tin của họ không mất. Và đức tin đó luôn là một cái gai cho hoàn vũ ki-tô giáo, một tôn giáo thoát sinh từ lịch sử do-thái và gắn bó với lịch sử đó. Như vậy, chỉ giải thích bằng các ngẫu nhiên lịch sử không thôi thì không đủ. Mọi cường quốc thời đó đều đã suy-tàn. Chẳng còn Ai-cập xưa, mà cũng chẳng còn dân Babylon hay Assiri. Nhưng Is-ra-en vẫn còn đó. Và nó chỉ cho ta thấy chút gì bền vững, vâng, cho ta thấy cái bí ẩn của Thiên Chúa.

- Is-ra-en là cái nôi của đức tin ki-tô giáo, và ta có thể nói không ngoa rằng, hai tôn giáo lớn này đã ảnh hưởng quyết định lên nền tảng cuộc sống của nhiều vùng đất lớn địa cầu. Cho tới hôm nay, dân Do-thái còn tác động nhiều lên việc phát triển văn hoá của nhiều quốc gia, mà Hoa-kì là một điển hình đặc biệt. Có phải dân Do-thái ngày nay vẫn là dân riêng của Chúa?

Đó là câu hỏi thời gian qua đã có những tranh luận kịch liệt. Dân Do-thái có một mối liên hệ đặc biệt với Chúa và Chúa không bỏ rơi họ, đó là điểm quá rõ. Và đó cũng là hướng nhìn của Tân Ước. Phao-lô nói với ta trong thư gởi giáo đoàn Rôma: cuối cùng thì cả Is-ra-en sẽ trở về. Nhưng vấn đề là sau khi đã hình thành Giáo hội, đã hình thành Dân Chúa bao gồm mọi dân tộc, sau khi đã có Giao-uớc mới, thì một cuộc sống theo Giao ước cũ - một cuộc sống không mở ra cho cái mới của đức Ki-tô – tự nó có còn giá trị nữa hay không?

Ngày nay có rất nhiều luận-thuyết trả lời cho câu hỏi đó. Là ki-tô hữu, chúng ta xác tín rằng bản chất Cựu Ước là hướng về đức Ki-tô, và nó chỉ tìm thấy lời giải đích thực cũng như đích điểm tối hậu, khi nó được đọc từ quan điểm đức Ki-tô. Ki-tô giáo không phải là một đạo nào đó khác với đạo của Is-ra-en, nhưng nó là cách đọc Cựu Ước mới với đức Ki-tô.

Chúng ta đã thấy qua một lô thí dụ, là những câu chuyện và bản văn Cựu Ước chỉ là nhập đề để đi tới một cái gì khác. Chỉ khi ta đọc chúng qua Tân Ước thì í nghĩa của chúng mới sáng tỏ và toàn hảo. Tân Ước vì thế không phải là cái gì chép thêm vào. Và thái độ của ta đối với Cựu Ước không phải là thái độ của người chiếm hữu trái phép một cái gì đó của người khác. Với ta, Cựu Ước chỉ là một đoạn đường dang dở, nếu không được tiếp tục với Tân Ước. Đó là xác tín nền tảng của Ki-tô giáo.

Nhưng, cùng với xác tín đó, ta cũng tin rằng Is-ra-en ngày nay vẫn có một sứ mạng đặc biệt. Chúng ta vẫn chờ thời điểm dân tộc này về với đức Ki-tô, nhưng chúng ta cũng biết rằng, trong giai đoạn lịch sử gọi là đứng trước cửa này, họ vẫn mang một sứ mạng có tầm quan trọng đối với thế giới. Như vậy, dân tộc này vẫn nằm trong chương trình của Thiên Chúa một cách đặc biệt.

- Nghĩa Chúa không rút lại lời, Is-ra-en vẫn là dân riêng của ngài?

Không, Chúa không rút lại, vì Ngài thuỷ chung. Dĩ nhiên, ta có thể thấy là Is-ra-en còn có một đoạn đường nữa phải đi. Là ki-tô hữu, chúng ta tin rằng kết cuộc rồi họ sẽ gặp đức Ki-tô cùng với chúng ta. Nhưng không phải vì vậy mà họ bị coi thường và đẩy ra khỏi chương trình của Chúa, trái lại họ vẫn chung thuỷ với Ngài.

- Như vậy có nghĩa là dân Do-thái phải, hoặc nên chấp nhận đấng Cứu Thế?

Chúng ta tin như thế. Điều này không có nghĩa là ta được phép ép họ theo đức Ki-tô, nhưng ta phải chia sẻ sự kiên nhẫn của Chúa. Ta cũng phải nỗ lực sống sao cho cộng đoàn ki-tô không còn chống lại họ hay trở nên quá đáng đối với họ, mà ngược lại, phải làm sao để con đường trở về mở rộng thêm cho họ. Nhưng ta vẫn luôn xác tín đức Ki-tô cũng là vị cứu tinh của dân Do-thái. Dĩ nhiên mọi quyết định đều nằm trong tay Chúa, Ngài sẽ quyết định khi nào và bằng cách nào dân Do-thái sẽ làm một với dân ngoại, khi nào và bằng cách nào tất cả đều quy tụ thành một Dân Ngài.

- Phao-lô viết trong thư gởi giáo đoàn Rô-ma: “Cả tôi cũng là dân Do-thái, cũng là một hậu duệ của Abraham theo chi Benjamin”. Dù vậy, ngài cho hay, một phần dân này vẫn “cứng đầu”. Và ngài tiếp: “Nhìn theo Tin Mừng thì họ là kẻ thù của Chúa…, nhìn theo sự tuyển chọn thì họ là dân được Chúa yêu”. Quả nặng lời.

Đó lại là một trong những nghịch lí của Tân Ước. Việc không chấp nhận đức Ki-tô, một mặt, đẩy dân Do-thái vào một hoàn cảnh xung khắc với hành động tiếp nối của Chúa, nhưng đồng thời ta cũng biết, là Chúa vẫn chung thuỷ với họ. Họ không bị loại ra khỏi ơn cứu độ, nhưng vẫn phục vụ Ngài theo cách riêng của họ, và vì thế Chúa vẫn chờ họ, cũng như Ngài vẫn chờ ta

(còn tiếp nhiều kỳ).

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 02.02.2009. 10:45