Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương I: Thiên Chúa (2)

§ Phạm Hồng Lam

(tiếp theo... Thiên Chúa và Trần Thế, ĐHY Joseph Ratzinger trao đổi với Peter Seewald; Phạm Hồng-Lam chuyển ngữ)

BÊN KIA ĐỊA ĐÀNG - TỘI TỔ TÔNG

- Chúng ta đã nói tới một chệch hướng nào đó đã xẩy ra trong tạo dựng. Cái nhìn đó là nền tảng cho giáo huấn về tội tổ tông, do thánh An-tịnh hình thành. Giáo huấn dạy, vì tội Adam ngảnh mặt lại với Chúa và Eva bị cám dỗ ăn trái cây hiểu biết, nên sự chết và tội đã đi vào thế gian. Xưa nay, người ta vẫn luôn tranh cãi gay gắt về giáo huấn này, kể cả trong Giáo hội. Sách Khởi-nguyên còn nói, con người bỗng dưng sợ Chúa. Phải chăng tội tổ tông quả là nét bản chất nền tảng nhất của con người không?

Không, tội tổ tông không phải là nét bản chất nền tảng nhất, nhưng nó là một thực tại mà ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của nó – cả cho dù ta chỉ nhận ra nguồn gốc phát sinh của nó qua hình ảnh mà thôi. Một người bạn tôi đã khuất, ông ta là tay phê phán rất gay gắt, có lần nói với tôi: Tôi quả gặp khó khăn với nhiều tín điều. Nhưng có một tín điều mà tôi chả cần phải tin, là vì tôi cảm nhận nó hàng ngày, đó là tội tổ tông.

Qua những suy tư về con người trên đây, ta luôn nhận ra một nếp gẫy, một gián đoạn nào đó nơi con người, khiến nó không trở nên được như nó có thể trở nên. Sách Khởi-nguyên xem nếp gẫy đó như thể là một thời điểm khởi đầu lịch sử. Kinh Thánh Cựu Ước chưa coi điều đó là hậu quả của tội nguyên, nhưng Cựu Ước càng ngày càng gây nơi ta í thức rằng, con người luôn hướng về sự dữ. Và trong Kinh Thánh, chính Chúa đã nói trước và sau cơn hồng thuỷ: “Ta thấy chúng chỉ là xác thịt, chúng yếu ớt, chúng ngã theo sự dữ”.

Giáo huấn tội nguyên do An-tịnh đưa ra, đúng, nhưng căn bản nội dung của nó đã nằm sẵn trong thư gởi Rô-ma của thánh Phao-lô. Phao-lô một lần nữa đọc câu chuyện trong Khởi-nguyên dưới ánh sáng đức Ki-tô. Và ngài nhận ra toàn bộ lịch sử đã được kể ra qua câu chuyện khởi đầu đó. Ngài bảo, ngay từ đầu, con người đã mang nỗi kiêu căng cho rằng mình đã nắm được chìa khoá hiểu biết, chẳng cần gì Chúa nữa, cũng chẳng cần chìa khoá mở ra sự sống, chẳng phải chết nữa, và vân vân. Từ việc rút lui khỏi Chúa, con người rốt cuộc trốn mặt Ngài. Lòng tín thác của tình yêu bỗng dưng trở thành nỗi sợ hãi trước một Thiên chúa đáng sợ và quá quyền uy.

- Nghĩa là, ngay từ đầu, con người bị khống chế bởi ám ảnh của sự hiểu biết, và đó là tất cả cái bất hạnh của con người?

Đối với Phao-lô, câu chuyện trong sách Khởi-nguyên rõ ràng minh chứng cho thấy cái gián đoạn nơi con người, lạ thay, đã có ngay từ đầu. Nó là kết quả của toàn bộ lịch sử con người, mà ta phải biết tới. Tuy nhiên, kết quả đó chỉ có thể được trình bày ra và nghĩ ra một cách rõ ràng đầy đủ, một khi lực đối đầu xuất hiện. Nghiã là chỉ sau khi đức Ki-tô đến và đi ngược lại nó, thì cái gián đoạn kia mới có thể gánh chịu được, và có thể nói, mới được công nhận, vấn đề là thế.

Cũng thuộc thư gởi Rô-ma của Phao-lô còn có thư gởi Phi-líp, chương hai, như một bài thánh ca của Ki-tô giáo sơ khai, (thư này) xuất hiện trước Phao-lô. Theo thư này, Adam giờ đây muốn giật lấy chìa khóa hiểu biết cho mình, và như vậy là muốn chiếm đoạt những gì dành riêng cho Chúa. Adam muốn cao bằng Chúa và chẳng cần Ngài nữa.

Nhưng Thiên Chúa đã tạo ra một lịch sử đối nghịch, khi Ngài xuống trần qua đức Ki-tô, sống thân phận nghèo hèn con người cho tới chết trên thập giá. Qua đó, Ngài lại mở ra cánh cửa giúp ta có thể quay về với Chúa, và giúp ta nhận ra kiêu căng chính là hạt nhân mọi tội lỗi. Ngài đã cùng đau với ta, để kéo ta vào lại trong cộng đoàn gia đình Ngài. Vì thế, tôi tin rằng, ta không bao giờ được tách tường thuật Khởi-nguyên ra khỏi lịch sử đức Ki-tô, khi đọc sách đó.

- Nhưng, sau cái chết của đức Ki-tô chết trên thập giá, tội tổ tông vẫn không được bứng ra khỏi thế gian.

Không, nó vẫn còn đó, ai cũng thấy. Nhưng trước đây, nó là vật cản bí ẩn và là nếp gẫy mà ta không vượt qua được, thì giờ đây đã có câu trả lời qua sức mạnh thứ tha của Chúa. Sức mạnh này làm cho hoạt động của ta, cuộc sống ta, việc làm của ta trở nên không phải vô ích. Nhưng nó đưa chúng vào một nội dung khác, và như vậy, nó cũng đề ra cho chính chúng ta một mẫu sống đức tin. Nếu ta sống theo nó, nghĩa là cùng bước đi với đức Ki-tô, ta sẽ vượt qua được mọi vật cản, mọi nếp gẫy.

- Tuy nhiên, Thiên Chúa không những cất đi ơn nên thánh khỏi Adam và Eva, mà còn khỏi cả nhân loại. Tại sao? Chúng ta là hậu sinh, đâu có tội tình gì?

Quan trọng là phải hiểu chữ tổ tông hay sự hiện hữu liên tục của nếp gãy nơi con người như thế nào. Chắc chắn các câu trả lời của ta cũng chẳng giải toả được hết mọi điều. Nhưng ta hãy bắt đầu với từ ơn nên thánh.

Mất ơn đó, có nghĩa là tương giao bị gián đoạn. Ta mất sự liên lạc đầy tin cậy và sống động với Chúa. Liên lạc này là cội nguồn và có lực chữa lành mọi liên lạc giữa người với người. Mất liên lạc, Chúa trở thành lu mờ trong ta. Ta trốn Ngài, và vì lô cốt của ta xây kĩ quá, nên ta cũng chẳng còn thấy Ngài nữa.

Chúng ta sinh ra trong gián đoạn liên lạc đó, trong thế giới đổ vỡ quan hệ đó. Và ta thấy Kinh Thánh diễn tả điều đó một cách tâm lí tuyệt hay, khi kể rằng, sau vụ phạm tội, Adam và Eva lập tức đổ lỗi cho nhau trước mặt Chúa. Như thế, gián đoạn tương giao với Chúa tức khắc khiến con người đâm ra chống đối nhau. Bởi vì ai chống Chúa, kẻ đó cũng chống lại người khác.

Như vậy, mất ơn nên thánh như là hạt nhân của tội nguyên tổ có nghĩa là một gián đoạn tương giao đã xẩy ra, và gián đoạn này đã trở thành một thành phần của cấu trúc lịch sử con người. Dĩ nhiên, mỗi chúng ta chẳng có lỗi gì trong chuyện này, nhưng vì chúng ta được sinh ra trong đó, nên ta cần đến người tái lập tương giao kia. Và vì Chúa chẳng muốn hành hạ hay tra tấn hoặc phạt con người, nên Ngài đã tự mình nối lại tương giao, và qua đó, sửa lại cái đã đổ vỡ. Khi ta nói về tội nguyên tổ, nghĩa là nói về cái tương giao đổ vỡ mà ta bị thẩy vào trong đó, ta phải luôn nói thêm, là Chúa cũng đã khởi sự lập tức nối lại và chữa lành lại tương giao đó. Nếu nói tới tội nguyên, mà không đề cập gì tới câu trả lời của Chúa, thì quả ta rơi vào vòng phi lí.

- Kinh Thánh viết tiếp, cả hai liền mở mắt ra “và nhận thấy mình trần truồng. Họ kết lá cây vải làm khố che thân”. Tôi nghĩ, quả là chuyện khó chấp nhận, một huyền thoại thật cổ xưa và cơ bản như thế mà lại dính tới chuyện đạo đức thái quá như thế?

Không, chắc chắn không. Bức tranh đó nói lên rằng, con người không còn ở trong hào quang của Chúa nữa, họ cũng không còn nhìn nhau dưới hào quang đó nữa, họ thấy nhau như trần truồng và chẳng còn có thể chấp nhận nhau dễ dàng nữa. Tình trạng bình thường của tương giao, cả ở đây nữa, cũng bị chấn thương. Chúng ta dấu mặt nhau qua tấm áo, hay nói khác đi, phải chứng minh cho nhau qua những yếu tố xã hội bên ngoài. Như vậy, tấm áo trở nên biểu trưng cho chính con người đó, ta muốn dùng nó để tạo lại một cách bề ngoài phẩm giá bên trong đã bị thương tích của ta.Bức tranh hàm chứa một khoa thần học hay triết học về quần áo. Bức tranh đó hẳn cũng nói lên một cái nhìn thâm sâu về nhân chủng, mà tôi tin rằng, ta còn phải suy nghĩ lại trong từng điểm một. Nhưng, bảo rằng tội nguyên tổ đã tạo ra cái đạo đức quá đáng kia, thì chắc chắn không đúng.

LINH HỒN

- Ta từ đâu tới, ta như thế nào, đó là những câu hỏi nền tảng của con người. Thánh An-tịnh đã nói lên thao thức đó. Rất lâu trước Sigmund Freud*, An-tịnh đã thích thú tìm hiểu hai điều, như chính ngài nói: “Tôi chỉ muốn biết Chúa và linh hồn mà thôi, ngoài ra chẳng có gì nữa”.

Câu chuyện tạo dựng phân biệt ra hai thế giới lớn. Thế giới của những gì thuộc thân xác, và thế giới những gì thuộc thần linh. Con người ở giữa, dự phần cả hai thế giới. Nó được tạo thành bởi xác và hồn. Và hồn này mang tính thiêng liêng. Tắt lại, có thể nói được đó là hai thành tố chính của con người không?

Đúng. Con người là cây cầu nối liền hai thế giới. Nó là nơi hội tụ của hai thế giới vật chất và tinh thần, và nhờ vậy, nó có một vị trí đặc biệt trong toàn bộ cấu trúc của tạo dựng.

Qua con người, vật chất tự nâng mình lên nhập vào lãnh vực tinh thần, và qua sự nối kết đó, cả hai cho thấy cũng phù hợp với nhau. Vật chất không còn được xem là cái gì biệt lập và không thể nối kết được với tinh thần. Qua nối kết này, sự nhất thống của tạo dựng đã tỏ hiện ra nơi con người. Con người, nhờ vậy, đã nhận được một nhiệm vụ rất đặc biệt: Là kẻ đồng mang sự nhất thống của tạo dựng, nó nhập thể tinh thần vào mình, và ngược lại, nâng vật chất lên tới Chúa. Và như vậy, tất cả trong mọi sự, con người góp phần vào bản đại hoà tấu của tạo dựng.

- Người ta gần như đã giải mã được hết hệ thống di tử của con người. Nhưng có một câu hỏi có lẽ các nhà khoa học luôn vẫn còn đặt ra: Linh hồn con người nằm ở đâu? Đức tin có trả lời được câu hỏi này không?

Chẳng ai xác định được Thiên Chúa ở đâu, chẳng hạn trên hành tinh nào. Linh hồn cũng thế, chẳng ở trong tim, mà cũng chẳng ở trong đầu, đó là hai nơi mà người xưa vẫn quan niệm. Linh hồn không thể xác định được vị trí, nhưng nó xuyên thấm toàn bộ con người. Kinh Thánh Cựu Ước đưa ra nhiều biểu tượng về linh hồn: gan, thận, lòng mẹ, tim, nghĩa là nó khoác áo nhiều thứ cơ phận khác nhau. Toàn bộ thân xác mang nhiệm vụ của linh hồn. Mỗi cơ phận biểu trưng cho một khía cạnh hiện hữu con người và biểu trưng cho hồn người. Điều đó nói lên rằng, toàn thân con người đều đượm hồn, và hồn, nói chung, tự thể hiện ra theo những cách thế khác nhau. Như vậy, có thể nói: Hồn có những tụ điểm, nhưng nó không có vị trí địa dư.

- Có phải lương tâm - thứ thỉnh thoảng vẫn gây phiền toái kinh khủng cho con người - là một thành phần của hồn? Hay lương tâm chỉ là cái gì được tạo thành theo thời gian, như một số người vẫn tin?

Lương tâm, dĩ nhiên, là một cái gì sống động. Vì thế, nó có thể trở nên chín chắn hay bị méo mó trong một người. Không thể chối cãi, là lương tâm cũng bị các thực tế xã hội quanh tôi ảnh hưởng lên cách hoạt động cụ thể của nó. Môi trường xã hội vừa có những hỗ trợ giúp nó hình thành và triển nở, mà cũng có những nguy cơ bào mòn hay khiến nó chệch đường, những nguy cơ có thể tạo nên thứ lương tâm sai trái, dửng dưng hay bất nhẫn.

- Có những người không có lương tâm?

Tôi dám nói rằng, không thể có ai tự í giết người, mà không biết rằng đó là điều xấu cả. Thế nào người đó cũng biết, đó là việc không nên. Thấy một người trong cơn vô cùng quẫn bách, tôi không thể không cảm thấy phải làm một cái gì cho họ. Có thể nói, có một tiếng gọi uyên nguyên nằm sẵn trong con người, có một cảm thức nguồn cội về điều tốt, điều xấu. Ngay dù người ta huấn luyện mật vụ quốc-xã giết người để phục vụ chủng tộc Đức, và bảo đó là tốt, và dù Göring* bảo, lương tâm của chúng ta mang tên Adolf Hitler, và chỉ có Hitler là chuẩn mực, thì những tay quốc-xã đó cũng hiểu, đó không phải là cái gì tốt. Và vì thế, ngay trong những hoàn cảnh xâm phạm sự sống nghiệt ngã như thế, ta vẫn thấy con người thật sự mang sẵn một hiểu biết nền tảng nội tâm sâu xa. Như vậy, đạo đức không chỉ là cái gì bên ngoài được tạo thành do giáo dục, nhưng khả năng phân biệt nền tảng giữa tốt và xấu là một thành phần của cấu trúc tinh thần con người.

- Trong thánh lễ, có câu thưa: “Xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành”. Phải chăng chỉ có Chúa mới cứu độ được hồn ta?

Vâng, chỉ có Ngài mà thôi. Nhưng để cứu độ hồn, Ngài cũng dựng lên quanh ta những lực chữa trị. Và ở đây, ta lại thấy quan hệ giữa ta với Chúa được phát triển thông qua con người. Chúa muốn vậy, Ngài muốn tới với ta qua con người. Và rồi, qua con người, Ngài cũng nói lên lời tha thứ trong bí tích hoà giải, sự tha thứ thật ra chỉ có Ngài mới có quyền mà thôi. Chỉ có Chúa mới có thể nói lên lời tha tội, vì tội rốt cuộc là cái gì chống lại chính Ngài.

Việc cứu độ luôn cần sự đồng gánh vác của kẻ khác, cần sự thứ tha, chấp nhận, lòng tốt của họ. Chỉ trong tiến trình đồng hành với nhau, được soi sáng bởi niềm tin vào Chúa, ta mới có được những cứu độ cần thiết.

- Các nhà phê bình đức tin, sau khi trình bày về một tổng kết khủng khiếp của Ki-tô giáo đối với văn minh nhân loại, cho rằng, những khái niệm như tội tổ tông là một trong những “tật bẩm sinh” của một “tôn giáo thế giới đã trở nên cằn cỗi”. Họ cho rằng, các í tưởng đó chỉ là bịa đặt và chúng khinh miệt con người, vì chúng tạo cho con người định kiến là mình đã bị “hư mất”.

Và một triết lí sống tân thời ngày nay nói: Mày làm được mọi chuyện, nếu mày muốn; hãy quẳng gánh lo đi và vui sống. Giáo huấn nền tảng ki-tô giáo về nguyên tội và về sự ăn năn xem ra khá yếu trước những lập luận đó. Chẳng mấy ai màng tới nó nữa.

Nietzsche* cũng đã đặc biệt nói tới điều đó. Ông bảo rằng, Ki-tô giáo là một tôn giáo tình cảm, nó bị thiệt thòi nên giờ đây muốn rửa hận, bằng cách đề cao sự lớn lao của cái bé nhỏ và làm chuyện ngược đời, là thay vì tôn vinh kẻ mạnh, thì lại xiển dương người đau khổ. Như vậy, nó là triết lí của bọn nô lệ, chúng muốn trả thù bằng cách đổ tội lỗi trên đầu con người.

Í nghĩ cho rằng Ki-tô giáo nô lệ hoá con người và Giáo hội tìm cách trấn át tín hữu, bằng cách luôn nói tới tội và rồi lại tự cho mình có quyền tha tội, quả rất phổ biến. Đúng, nơi đâu con người không còn nhìn ra Chúa, nơi đó đương nhiên tội lỗi mất hết í nghĩa. Bởi vì, khi Chúa chẳng đụng gì tôi cả, khi Ngài chẳng quan tâm gì tới tôi, thì cũng chẳng có quan hệ đổ vỡ nào giữa Ngài với tôi – bởi thật ra hai bên chẳng có quan hệ nào nữa cả. Như vậy, xem ra tội đã được đẩy qua một bên. Và thoạt nhìn, người ta có thể nói, giờ đây cuộc sống quả thật vui, thật nhẹ nhàng, đời ta lên hương.

Nhưng người ta sẽ sớm thấy ngay, cuộc lên hương chỉ là thoáng chốc. Ngay cả khi người ta chẳng còn muốn biết gì về tội, và đầu óc của họ xem ra chẳng còn phải nhọc mệt nghĩ ngợi gì nữa, thì họ vẫn nhận ra có sự hiện diện của tội. Cuối cùng rồi họ cũng phải nhận ra rằng, giữa tôi và anh còn có những hoá đơn chưa thanh toán, và còn có những nợ nần phải trả. Từ đó, những tội tập thể cũng lần hiện ra.

Ta hãy nhìn vào cảnh quan hiện tại. Con người thời nay gần như không còn í thức gì về tội chống lại Chúa nữa. Nhưng đồng thời họ lại nhất quyết vạch ra tội lịch sử. Dân tộc Đức, có thể nói, cứ gặm nhấm tội lỗi mình và đau khổ vì chúng. Ta thấy, như thế, vấn đề không dễ gì giải quyết được. Khi người ta chối Chúa và từ chối một í muốn của Ngài, người ta có thể gạt bỏ được í niệm tội qua một bên, nhưng không thể gạt bỏ được vấn nạn của nhân sinh thể hiện trong đó.

TỰ DO

- Theo giáo huấn ki-tô giáo, năng khiếu là những món quà Chúa tặng cho cuộc sống. Để làm hoa trái cho cuộc sống con người. Vậy tự do cũng là quà tặng, hay nó đúng hơn là một hồng ân của Chúa?

Ta hiểu hồng ân là sự thân thiện của Chúa đối với con người. Trong hồng ân, sự ân cần của Chúa tỏ ra một cách mới và đặc biệt đối với con người, và Ngài ban tặng cho họ một cái gì, có thể nói, chưa có trong tạo dựng. Tự do, trái lại, là cái đã có trong cấu trúc tạo dựng, là một thực thể của tinh thần con người. Chúng ta đã không được tiền định, và đã không được tạo thành theo một khuôn mẫu nhất định nào đó. Tự do có mặt, là để giúp mỗi người có thể tự hoạch định cuộc đời mình, và, cùng với tiếng Vâng nội tâm, nó giúp ta có thể bước theo con đường phù hợp với chủng loại mình. Với í nghĩa đó, tôi cho rằng, tự do không phải là một hồng ân, nhưng đúng hơn là một quà tặng tạo dựng.

- Nhưng câu hỏi đặt ra, đâu là giá trị thật sự của tự do đó? Phải chăng khi người ta cố tình dùng tự do đó làm chuyện không hợp í Chúa, người ta sẽ bị phạt muôn đời muôn kiếp?

Phạt có nghĩa là gì trong ngôn ngữ của Chúa? Có phải Ngài phạt những ai cố tình làm theo í riêng mình không? Không. Phạt là tình trạng xẩy ra khi một người nào đó không hành động hay sống xứng hợp với bản chất con người. Chẳng hạn như khi người đó giết người. Hay khi anh ta miệt thị phẩm giá kẻ khác, khi anh ta sống trái với chân lí v.v. Khi đó, đúng là đương sự đang sử dụng tự do của mình đấy, nhưng anh ta đồng thời lạm dụng tự do đó. Anh ta phá vỡ và dày đạp lên kế hoạch sống đã được dự thảo cho anh. Và như vậy, anh ta cũng làm hại chính anh. Tự do có nghĩa là tôi tự nguyện chấp nhận những gì con người tôi có thể làm. Và những gì có thể làm ở đây không chỉ hạn chế vào trong một chọn lựa giữa cái có và cái không mà thôi. Bởi vì, bên trên cái không, còn mở ra muôn vàn khả thể mang tính sáng tạo của sự thiện, mà ta có thể chọn lựa. Như vậy, trên căn bản, khi tôi từ chối nói không với sự dữ, lúc đó tôi mất tự do, tự do trở thành sa đoạ. Tự do chỉ tìm được không gian sáng tạo lớn trong lãnh vực sự thiện mà thôi. Tình yêu mang tính sáng tạo, chân lí mang tính sáng tạo - chỉ trong lãnh vực đó mắt tôi mới mở ra, nơi đó tôi mới nhận ra được rất nhiều thứ.

Khi ta nhìn vào gương sống của những mẫu người lớn, của các thánh, ta sẽ thấy, suốt dọc dài lịch sử, họ đã mở ra cho ta một cách sáng tạo những khả năng hoàn toàn mới của con người, khả năng mà những kẻ có tâm đui mù hay cằn cỗi không thể nhận ra được. Nói cách khác: Tự do đạt tới tác động đích thực, khi nó mở ra cái chưa được khám phá hay cái có thể khám phá trong vùng trời rộng lớn của sự thiện, và qua đó, nó mở rộng thêm những khả thể của các tạo vật. Tự do tự đánh mất mình, khi nó chỉ biết nói không mà thôi, mà cứ tưởng rằng í mình là đúng. Bởi vì lúc đó, quả thật tôi sử dụng tự do, nhưng cũng là lúc tôi bóp méo tự do.

(còn tiếp nhiều kỳ)

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 08.12.2008. 15:19