Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương dẫn nhập: Đức Tin, Hi Vọng, Tình Yêu (2)

§ Phạm Hồng Lam

(tiếp theo... Thiên Chúa và Trần Thế, ĐHY Joseph Ratzinger trao đổi với Peter Seewald; Phạm Hồng-Lam chuyển ngữ)

Một hình ảnh về Chúa

- Thỉnh thoảng đứa con trai tôi hỏi: Ba có biết Thiên Chúa như thế nào không?

Có lẽ tôi sẽ trả lời nó : Thiên Chúa giống như đức Giê-su Ki-tô. Đức Ki-tô cũng đã có lần nói: “Ai thấy tôi thì thấy Cha”. Và nếu như ta nhìn toàn bộ lịch sử đức Giê-su - khởi đi từ máng cỏ, qua giai đoạn công khai, những lời giảng giá trị và sống động, cho tới bữa tiệc li, tới thánh giá, phục sinh và tới lệnh sai đi rao giảng -, ta sẽ nhìn ra phần nào khuôn mặt Thiên Chúa. Khuôn mặt đó một đàng nghiêm trang và cao cả, vượt lên trên mọi khuôn thước của chúng ta. Nhưng đồng thời nét tiêu biểu của khuôn mặt đó lại là thương yêu, chấp nhận, muốn điều tốt lành cho ta.

- Cũng có lời dạy, không nên vẽ cho Thiên Chúa một bộ mặt nào.

Lời dạy đó không còn đúng hẳn, vì chính Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho ta. Trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô, thánh Phao-lô nói về đức Ki-tô: Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa. Và nơi Ngài thể hiện mọi điều đã được nói tới trong việc tạo dựng con người.

Đức Ki-tô là hình ảnh nguyên mẫu của con người. Thật ra, chúng ta không thể trình bày chính Thiên Chúa trong nét bất tận muôn đời của Ngài, nhưng chúng ta có thể trình bày Ngài qua hình ảnh chính Ngài đã tỏ ra. Từ đây, ta không còn tạo ra một khuôn mặt nữa, mà chính Thiên Chúa đã tỏ khuôn mặt ấy ra. Với khuôn mặt đó, Ngài nhìn ta và nói với ta.

Khuôn mặt đức Ki-tô, dĩ nhiên, không đơn giản là một ảnh chụp khuôn mặt của Thiên Chúa. Nhưng qua khuôn mặt của Đấng bị đóng đinh đó, ta thấy được toàn bộ tiểu sử, nhất là tiểu sử nội tâm, của đức Giê-su. Khuôn mặt đó dẫn ta vào một cái nhìn, trong đó các giác quan mở ra và vươn lên cao.

- Ta có thể phác hoạ đức Giê-su chỉ bằng vài nét tiêu biểu không?

Ở đây, ngôn ngữ loài người không đủ. Căn bản mà nói, đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Ngài vừa là Chúa vừa là người. Ngài chính là đấng không những mang nét tài ba hoặc uy dũng của phàm nhân, mà còn được Thiên Chúa xuyên chiếu. Có thể nói, khi nhìn đức Giê-su bị banh thây trên thánh giá, ta thấy được Thiên Chúa như thế nào: là đấng đã tự trao tặng cho ta đến mức độ như thế.

- Đức Giê-su là một người công giáo?

Điều này hẳn không nói được, vì Ngài vượt trên chúng ta. Ngày nay người ta có một công thức ngược lại, bảo rằng Ngài là một người Do-thái, chứ không phải là một ki-tô hữu. Điểm này cũng không đúng hẳn. Về chủng tộc, thì Ngài là một người Do-thái. Là Do-thái, vì Ngài chấp nhận và sống theo luật do-thái, và – dù bị chỉ trích – Ngài là một người Do-thái sùng đạo, vì đã tuân giữ nội qui của đền thánh. Nhưng dù vậy, Ngài đã phá vỡ và vượt lên trên Cựu Ước – qua sự uỷ quyền của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Đức Giê-su tự coi mình như là một Mai-sen mới và cao hơn. Mai-sen này giờ đây không còn chỉ có việc giải thích, nhưng là làm mới. Ngài vượt lên trên cái đã có, và qua đó tạo ra cái mới, nghĩa là mở rộng Cựu Ước ra cho một dân tộc không còn đóng khung trong Do-thái nữa, nhưng toả ra cả thế giới và không ngừng lớn rộng. Như thế, Ngài là điểm xuất phát của đức tin, và là vị mà Giáo hội công giáo biết rằng vị đó muốn mình trở nên như thế, nhưng dù vậy, Ngài vẫn chẳng phải đơn thuần là một thành phần trong chúng ta.

- Bằng cách nào và từ lúc nào ngài biết được Thiên Chúa muốn gì nơi ngài?

Í của Thiên Chúa không dừng lại ở một lúc nào cả, thành ra để hiểu Ngài muốn gì, tôi nghĩ, mình phải luôn học đi học lại. Tuy nhiên, nếu anh muốn nói tới cái quyết định làm linh mục, cái hướng nền tảng mà tôi đã nhắm tới, thì đó là một quá trình chín muồi cao độ đã xẩy ra, cũng có khi khá phức tạp, trong những năm tôi học thần học. Tôi gặp con đường đó nhờ qua việc gần gũi với Giáo hội, qua các vị thầy linh mục hướng dẫn và bạn đồng hành, dĩ nhiên qua Kinh Thánh. Khởi đầu là cả một mớ tương giao phức tạp, từ từ với thời gian mới rõ dần ra.

- Nhưng cũng có lần ngài nói, ngài đã có một “cuộc gặp gỡ thực sự” với Thiên Chúa khi quyết định chọn nghề linh mục. Cuộc gặp gỡ đó giữa Chúa với Hồng Y Ratzinger xẩy ra như thế nào?

Dĩ nhiên không như một cuộc hẹn hò giữa hai con người. Có lẽ có thể diễn tả nó như có một cái gì chạm tới da mình rồi chạy vào nung đốt lòng mình. Rồi mình thấy là sự việc giờ đây không thể khác đi được, thật đơn giản, đó là con đường đúng. Không phải là một gặp gỡ theo nghĩa giác ngộ thần bí. Nó không nằm trong lãnh vực kinh nghiệm, để mình được phép ba hoa về nó. Nhưng có thể nói, toàn bộ cuộc vật lộn đó đã dẫn tôi tới một nhận thức rõ ràng và thúc bách, mà thâm tâm tôi coi đó là í Chúa muốn.

- “Thiên Chúa đã yêu bạn trước”, đó là lời dạy của đức Ki-tô. Và Ngài yêu bạn bất chấp nguồn gốc và giá trị của bạn. Phải hiểu lời đó như thế nào?

Nên hiểu lời đó từng chữ như đã viết, và tôi cũng cố hiểu như vậy. Bởi vì đó quả thật là động lực sống lớn cho chúng ta, và cũng là niềm an ủi mà chúng ta cần. Mà ta luôn cần những thứ đó.

Ngài đã yêu tôi trước, trước khi chính tôi có thể yêu. Tôi sở dĩ được tạo thành, là chỉ vì Ngài đã biết và đã yêu tôi trước. Như vậy, như Heidegger* nói, không phải ngẫu nhiên mà tôi bị ném vào thế giới và phải lần mò trong đại dương cuộc sống này, nhưng đã có một nhận thức, một í tưởng và một tình yêu đi trước. Tình yêu đó có mặt nơi nền tảng hiện hữu của tôi.

Điều quan trọng cho mỗi người, cái làm cho cuộc sống họ trở nên đáng trọng, là biết rằng mình được yêu. Một cá nhân có thể thắng vượt được hoàn cảnh nghiệt ngã, khi người đó biết rằng có ai đó đang chờ mình, có người thương mình, cần mình. Chúa đã có đó và yêu tôi. Và đó là cái nền khả tín tôi dựa trên đó mà sống, và cũng từ nền đó tôi hoạch định cho chính cuộc đời mình.

(Còn tiếp nhiều kỳ)

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 01.11.2008. 13:04