Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương dẫn nhập: Đức Tin, Hi Vọng, Tình Yêu (10)

§ Phạm Hồng Lam

(tiếp theo... Thiên Chúa và Trần Thế, ĐHY Joseph Ratzinger trao đổi với Peter Seewald; Phạm Hồng-Lam chuyển ngữ)

Tất Cả Đều Đã Được Viết Ra?

- Người Ả-rập cố gắng diễn tả cái huyền bí lớn của thế giới bằng từ "Maktub". Dịch ra đại khái là : "Điều đã được viết ra". Có lẽ mọi chuyện: toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử cuộc sinh tử của tôi.. quả đã được viết ra rồi. Có lần tôi nghe trong một thánh lễ câu : phúc cho ai đã được ghi tên nơi Chúa, một câu trong Sách sự sống. Phải chăng Chúa đã vẽ ra đường đi cho mỗi người rồi, mình chỉ còn việc phải tìm ra con đường đã vạch đó ?

Tôi không phải là nhà chuyên môn về đạo Islam, nhưng tôi nghĩ, đây là điểm mâu thuẫn thật sự hay ít ra khác nhau giữa Islam và đức tin ki-tô giáo. Đạo Islam tin rằng mọi chuyện đã được định sẵn, con người chỉ có việc sống trong màng lưới đã giăng đó. Đức tin ki-tô giáo, trái lại, có yếu tố tự do. Có nghĩa là, một đàng, Thiên Chúa bao trùm mọi sự, Ngài biết mọi sự, Ngài dẫn dắt lịch sử. Nhưng đàng khác, Ngài cũng để chỗ cho tự do hiện diện, qua đó ta có thể làm khác đi điều Ngài muốn.

- Ngài có thể cắt nghĩa rõ hơn ?

Điều này rất bí ẩn và khó giải thích. Ngay cả trong Ki-tô giáo thỉnh thoảng người ta lại tạo ra thuyết gọi là tiền định. Thuyết này cho biết, có những người đã bị đóng ấn hoả ngục, và cũng có những người đã có tên sẵn trên trời rồi. Đức tin của Giáo hội phủ nhận điều đó. Bởi vì như vậy thì cá nhân tôi chả có thể làm được gì hơn nữa, vì số phần tôi đã được an bài rồi. Điều này rõ ràng không phù hợp với đức tin công giáo.

Thiên Chúa đã tạo ra tự do thật, và Ngài cũng để cho chương trình của Ngài bị đảo lộn (từ đảo lộn đó rồi ra Ngài lại tạo nên một cái gì mới). Lịch sử đã chứng minh điều đó. Khởi đầu là tội của Adam, nó làm đổ nhào kế hoạch của Chúa. Và Chúa đã phản ứng bằng cách tỏ cho thấy Ngài mạnh hơn, bằng cách Ngài hiện thân trong đức Ki-tô.

Dân tộc Is-ra-en, có thể nói, là một mô hình thí dụ lớn. Bên cạnh đó còn có những thí dụ khác nhỏ hơn. Dân tộc này được cai quản bằng thần quyền, không phải qua hàng vua quan, nhưng qua những vị thẩm phán áp dụng luật Chúa. Nhưng dân Is-ra-en muốn có vua như các dân tộc khác. Và họ đã phá kế hoạch, và Chúa đã phải chấp nhận điều họ muốn. Ngài đã ban cho họ Saul, rồi David, rồi từ đó dọn đường cho Ki-tô, vị vua đã làm đảo lộn mọi triều vua với cái chết của Ngài trên thập giá.

Ở đây, chúng ta đã dùng một mô hình để hiểu Kinh Thánh và để hiểu rằng, một mặt, Thiên Chúa hoàn toàn chấp nhận tự do; mặt khác, Ngài lớn hơn và có khả năng hình thành nên từ thất bại và đổ vỡ một khởi đầu mới còn đẹp hơn, lớn hơn cái ban đầu. Cuối cùng rồi sẽ ra sao (hẳn Chúa biết mọi sự, nhưng Ngài cũng dành chỗ cho những đề nghị mới), điều này đã làm điên đầu bao nhiêu triết gia và thần học gia lừng danh nhất. Ta không thể biết được, vì chính ta đâu phải là Chúa, vả lại vì chân trời suy tư của ta vô cùng bó hẹp.

Nhưng tôi nghĩ, ta có thể hiểu được điều trực tiếp : Thiên Chúa nắm giữ lịch sử trong tay, Ngài giữ tôi trên tay, nhưng Ngài cũng để tôi tự do, để tôi tự mình trở nên một kẻ yêu hay chối từ tình yêu. Như thế, Chúa đã không đặt nơi tôi một mã số bất biến, nhưng Ngài chấp nhận nó với những khả thể đổi thay, và ta gọi cái đó là tự do.

(Còn tiếp nhiều kỳ)

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 18.11.2008. 09:44