Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương 9: Người Nữ Liên Hệ Với Thánh Thể

§ Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, SSS

(tiếp theo... Mẹ Maria - Trung Tâm Công Trình Của Đức Gioan Phaolô II)

(La Femme Eucharistique)

Chính thực giữa Năm Mân Côi, Đức Gioan Phaolô II công bố Thông điệp cuối cùng của Ngài là Ecclesia de Eucharistia (ngày thứ Năm Tuần Thánh 17-4-2003), trong Thông diệp, cả một chương là chương VI được dâng cho Đức Maria, “Người Nữ liên hệ với Thánh Thể”. Đây là sự kiện một cảm nghiệm: Đức Maria dẫn tới Thánh Thể. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có nhận định này trong Thông Điệp quan trọng Redemptoris Mater (1987) nói về Đức Maria:

“Thật là chính đáng, lòng đạo đức của dân kitô giáo hằng thấy một mối liên lạc sâu xa giữa lòng sùng kính Đức Nữ Trinh Rất Thánh và việc phụng tự Thánh Thể Chúa, đây là sự kiện mà người ta có thể thấy trong phụng vụ Tây phương cũng như Đong phương, trong truyền thống các gia đình Dòng Tu, trong linh đạo các phong trào hiện đại, cả những phong trào giới trẻ, và trong mục vụ nơi các đền thờ Đức Mẹ: Đức Maria hướng dẫn tín hữu đến cùng Chúa Giêsu Thánh Thể. (Redemp-toris Mater số 44), tiếp tục trực giác này, Đức Giáo hoàng đã muốn rằng một Năm Thánh Thể -tháng 10 năm 2004 –tháng 10 năm 2005- tiếp theo năm Mân Côi (tháng 10 năm 2003-tháng 10 năm 2004) để Đức Nữ Trinh Maria đưa ta vào mầu nhiệm Thánh Thể. Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, Ngài đưa vào kinh Mân Côi truyền thống trước năm mầu nhiệm Sự Sáng, trong đó có ngắm về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể.

Hơn nữa, chính trong ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi (ngày 7 tháng 10 năm 2004) Đức Giáo Hoàng trao cho ta Tông Thư cuối cùng của Ngài là Mane Nobiscum Domine (tháng 10 năm 2004, số 9 và 10). Từ những điều ấy, rõ ràng Ngài có ý muốn làm cho các tín hữu hiểu biết và xác tín đến cùng Chúa Giêsu Thánh Thể. Mong ngọn lửa yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể bừng cháy lên trong tâm hồn mọi tín hữu giống như ngọn lửa tình yêu mà Mẹ Maria hằng nuôi dưỡng đối với Con Cực Thánh của Đức Mẹ.

. Niềm Nhớ Của Đức Maria

Ave, Verum Corpus natum de Maria Virgine (Kính lạy Mình Thánh Chúa, sinh bởi Đức Nữ Trinh Maria). Người ta không thể nào khéo tóm lược hơn cách dùng những lời trong phụng vụ này để nói lên quan hệ sâu xa sự kết hợp Đức Maria và Thánh Thể Chúa. Bánh Thánh Thể mà ta tiếp rước trong thánh lễ Missa là thịt vô nhiễm của Con Thiên Chúa cũng là Con Đức Mẹ Maria. “Mầu nhiệm Đức Tin” thật là cao cả! Mà chính thực “trường của Đức Maria là trường dậy Đức tin” (Lc 1,45). Đức Nữ Trinh Maria đã thi hành Đức tin vào Thánh Thể trước cả khi thiết lập bí tích Thánh Thể. Quả vậy, suốt cả cuộc đời mình, Đức Maria là người nữ liên hệ với Thánh Thể. Khi đọc lại sách Tin Mừng, Đức Gioan Phaolô II chỉ cho ta thấy những thái độ của Đức Nữ Trinh đối với Thánh Thể.

Điều ta bắt đầu ngay từ ngày Truyền Tin. Cứ nhìn cho kỹ, ta thấy trình thuật của thánh Luca (Lc 1,26-38) theo rất đúng nét sơ đồ một thánh lễ: lời chào - lắng nghe lời Thiên Chúa – Chúa Thánh Thần ngự đến - Hiệp lễ … Như vậy, có một loại suy sâu sắc giữa từ Fiat (xin vâng, xin hãy được thực hiện) qua đó Đức Maria đáp lại lời của Thiên Sứ và từ Amen (ước gì được như vậy, đúng thế) mà một tín hữu đọc, khi tiếp rước Mình Thánh Chúa Kitô. (Thông điệp Ecclesia de Eucharistia năm 2003-Giáo Hội về Thánh Thể), (số 55).

Điều ấy còn tiếp theo vào ngày Thăm Viếng nhà bà Elizabetrh. Đức Nữ Trinh Maria mang Chúa Giêsu trong dạ tới thăm bà Elizabeth và như thế chính là “nhà tạm trước tiên trong lịch sử”. Trong bài ca Magnificat, Đức Maria bày tỏ nền tảng linh đạo của Đức Mẹ, mà “không có gì giúp ta sống mầu nhiệm Thánh Thể cho bằng linh đạo này. Bí tích Thánh Thể được ban cho ta, để đời sống ta như cuộc đời Đức Maria, trọn vẹn là một bài ca Magnificat” (số 58).

Từ tiếng Fiat trước tiên của Đức Mẹ cho tới việc hoàn tất nơi núi Sọ, Đức Maria là Nữ Trinh hằng dâng hiến và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Như thế, suốt đời Ngài đưa ta vào tham dự cuộc hy tế và tạ ơn. Đức Mẹ gieo sâu vào trong tâm hồn ta ý nghĩa lòng tri ân và ý nghĩa dâng tiến. Khi Đức Mẹ ẵm Con là Chúa Giêsu vào đền thờ Giêrusalem để dâng cho Đức Cha (Lc 2,22), Đức Mẹ nghe ông già Simêon nói tiên tri rằng “một lưỡi gươm sẽ thâu qua trái tim làm mẹ của Bà” (Lc 2,35). Nỗi bi thảm Con của Đức Mẹ bị đóng vào Thập Giá, như vậy là được báo trước cho Đức Mẹ. Từ đấy hằng giờ hằng phút với tất cả tâm hồn và thể xác Đức Nữ Trinh Maria sống như một thánh lễ tạ ơn, dâng trước lên Chúa Cha trong sự thông hiệp với hy tế con của Mẹ mà việc hoàn thành sẽ được hiện thực khi tham dự cuộc Tử Nạn của Chúa Kitô trên đỉnh đồi Golgotha.

Tại Cana, Đức Maria liên kết chặt chẽ với “dấu lạ” trước tiên của Chúa Cứu Thế, dấu lạ mà người đọc Tin Mừng theo thánh Gioan không thể bỏ qua sắc thái rất điển hình chỉ về Bí tích Thánh Thể. Khi mà cử hành thánh lễ ta tiếp nhận lời truyền của Chúa, là “hãy làm việc này mà nhờ đến Thầy”, chúng ta cũng đáp ứng lời Đức Maria bảo những người giúp đám cưới: “Hãy làm những gì Người bảo làm”(Gn. 4,5). Hình như Giáo Hội cũng đáp ứng lời Đức Maria khuyên, khi cử hành thánh lễ Missa cách trung thành. Dấu chỉ biến nước lã thành rượu nho, lại chẳng là hình bóng trong suốt về việc “chuyển bản thể” trong bí tích Thánh Thể sao? Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu bảo ta: “Các con hãy làm tất cả những gì Ngài bảo làm! Hãy tin tất cả những gì Ngài đã khuyên dậy!” Với sự lo lắng hiền mẫu mà Đức Mẹ chứng tỏ tại tiệc cưới Cana, Đức Mẹ như bảo ta: Các con đừng ngần ngại, hãy tin cậy nơi lời Con của Mẹ dậy. Chúa Giêsu, Đấng đã có khả năng biến nước lã thành rượu nho ngon, thì cũng có quyền năng làm cho bánh miến và rượu nho nên Mình Máu của chính Ngài. (Ecclsia de Eucharistia, số 54).

Đức Maria đã dự vào Tiệc Ly cách nào? Đức Mẹ Maria có hiện diện khi Chúa Giêsu lập hy lễ Thánh Thể không? Các Thánh Sử không nói đến. Quả thực người ta có thể coi như lúc ấy Đức Mẹ có mặt ở nhà Tiệc Ly, vì ngày hôm sau ta thấy Đức Mẹ đã từ Giêrusalem đi theo Con lên núi Golgotha. Bởi vì ta trông thấy Đức Nữ Trinh Maria ngày thứ Sáu ấy hiện diện ở chân Thập Giá trên Núi Sọ cùng với tông đồ Gioan. Do đó, ta có lý do để xác quyết rằng Đức Mẹ có tham dự trong giờ phút Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể, là “tiên dự” cuộc khổ nạn và sự chết của thân thể Chúa Kitô, của thân thể mà Con Thiên Chúa đã nhận lấy từ Đức Nữ Trinh Maria lúc Sứ Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ. (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II)

Thư gửi cho các linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh 1995. Đức Giáo Hoàng viết: “Như vậy, khi làm việc này mà nhớ đến Chúa, ta cũng vào trong niềm nhớ thiết tha của Đức Mẹ Maria, Ngài vẫn giữa các điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Người ta có thể nói rằng chính niềm nhớ của Giáo Hội “đã kín múc trong niềm nhớ của Đức Maria, mà sống lại, trong cử hành Thánh Lễ, sống lại những biến cố và những lời dậy của Chúa Kitô cũng “được học” từ môi miệng Đức Maria. Trong mức độ rộng lớn, Giáo Hội đã hiện diện trong những kỷ niệm của Đức Maria”. (Đức Gioan Phaolô II, Mémoire et Identité, tr. 177-178).

. Đức Maria và Thánh Thể Chúa: Một Nhị Thức Không Cách Ly

“Dưới chân Thập Giá có Mẹ Ngài đứng đó” (Gn. 19, 25). Qua những lời đơn sơ giản dị ấy, sách Tin Mừng của thánh Gioan cho ta biết rằng từ đó không có lễ Missa nào có thể được cử hành mà không có sự hiện diện của Đức Maria. Bởi vì thánh lễ Missa là lễ hy sinh trên Núi Sọ, cho nên Đức Nữ Trinh đứng ở đấy bên các bàn thờ của chúng ta: Stabat mater! -Mẹ đứng ở đấy-. Đức Nữ Trinh Maria được liên kết đầy đủ với hy lễ của Con Đức Mẹ. Đức Mẹ là hình ảnh Giáo Hội dâng mình trong thánh lễ với Chúa Kitô. Thánh lễ Missa là hy lễ của cả Giáo Hội. Trong lễ tạ ơn, Giáo Hội cùng với Đức Maria như đứng bên Thập Giá, được kết hợp với của lễ và việc chuyển cầu của Chúa Kitô.

Như tổ phụ Abraham trên núi Morial dâng Isaac là con duy nhất của mình, Đức Maria sống trong Đức Tin tuân phục, “chẳng còn gì hy vọng cũng cứ hy vọng, dựa vào lời Thiên Chúa hứa” (Rm.4,16-21). Đức Maria sống điều mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “kénose”, tước bỏ mọi sự vì tin sâu xa nhất trong lịch sử loài người.

Quả thế, Đức Mẹ nhận thấy đúng những điều nghịch lại những điều Thiên sứ Gabriel đã loan báo cho Đức Mẹ Đấng phải là cao cả, rày nên trò cười cho mọi người, Đấng phải ngự ngai toà David rầy bị treo trên Khổ Giá, Đấng phải cai trị vương quốc không bao giờ cùng, rầy chết tất tưởi trên Thập Giá. Tuy nhiên, Đức Maria vẫn tin để hoàn tất các lời Thiên Chúa hứa, mà Thiên Thần kính chuyển. Đức Mẹ tin! Trái ngược với mọi vẻ bên ngoài, Đức Mẹ cứ vững tin, như chúng ta tin Chúa Kitô hiện diện dưới hình bánh và rượu trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta tin Chúa hiện diện trong Thánh Thể, tin vào Lời Chúa “Này là Mình Thầy”, Chúa hiện diện đích thực, không nghi ngờ, mặc dầu dưới con mắt trần thế nhìn, chúng ta chỉ thấy bánh vẫn là bánh, rượu vẫn là rượu! Đó chính là mầu nhiệm Đức Tin. Đức tin của chúng ta là thế.

Thánh Kinh còn báo hiệu cho chúng ta biết sự hiện diện của Mẹ Chúa Giêsu ở nhà Tiệc Ly với cả Giáo Hội trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống (xem TĐCV. 1,14). Đấng đã sinh ra Chúa Cứu Thế trong ngày lễ Noel thì cũng có nhiệm vụ sinh ra Giáo Hội trong ngày lễ Ngũ Tuần. Thật vây, ngày Ngũ Tuần cách nào đó, là ngày “chào đời” của Giáo Hội. Bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, Giáo Hội ra khỏi nhà Tiệc Ly để đi “sinh sản”. Đức Mẹ điều khiển việc sinh ra này. Đức Mẹ là Mẹ của Giáo Hội mà Giáo Hội là Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Kitô. Cố nhiên không phải vô tình mà cùng một nơi lại là nơi lập bí tích Thánh Thể và là nơi Giáo Hội được sinh ra từ bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể tạo nên Giáo Hội. Mà “nếu Giáo Hội và bí tích Thánh Thể -cũng lễ Tạ Ơn- lập thành một nhị thức không cách ly, thì cũng phải nói như thế về nhị thức Đức Maria và Thánh Thể (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong Thông điệp Ecclesia de Eucharis-tia: Giáo Hội bởi Thánh Thể, số 57).

Sách Tông Đồ Công Vụ làm chứng việc các môn đệ chuyên cần “việc bẻ bánh” (TĐCV 2, 42). Dù Kinh Thánh không nói nhưng rất có lẽ là Rất Thánh Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa hằng tham dự các thánh lễ trong những ngày đầu của Giáo Hội. Đức Gioan Phaolô II tự hỏi: “Làm sao hình dung được những tâm tình của Đức Maria khi Ngài lắng nghe từ miệng của Phêrô, Gioan, Giacôbê và những Tông Đồ khác những lời trong Tiệc Ly: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy đã bị nộp vì các con?” (Lc 22,19) Mình Máu này được dâng làm hy lễ và được “đại diện” dưới những dấu chỉ bí tích, cũng là chính Đấng mà Đức Mẹ Maria đã cưu mang trong lòng!”.

(còn tiếp)

Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 24.01.2005. 23:45