Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương 5: Công Đồng Vaticanô II: Tình Mẹ Thiêng Liêng

§ Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, SSS

(tiếp theo... Mẹ Maria - Trung Tâm Công Trình Của Đức Gioan Phaolô II)

. Giáo Hoàng Của Công Đồng

Cả triều đại Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II có thể được coi là một cuộc áp dụng Công Đồng Vaticanô II. Thế mà cũng có những tiếng nói đó đây đặt Đức Thánh Cha đối lập với một ”tinh thần Công Đồng” được vọng tưởng và bổ ẩn, cũng vẫn rõ ràng là, trước cái nhìn của Đức Giáo Hoàng, Công Đồng này là một biến cố thiên hữu, chuẩn bị Giáo Hội qua thiên niên kỷ thứ ba. Khi công bố sách “Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo”, chính Đức Giáo Hoàng viết: “Từ ngày Công Đồng Vaticanô II bế mạc, Công Đồng đã không ngừng cảm hứng cho đời sống Giáo Hội. Năm 1985, tôi đã có thể tuyên bố: “Đối với tôi, người được đặc ân tham dự và cộng tác tích cực vào diễn tiến Công Đồng, - Công Đồng Vaticanô II đã là, và cách riêng trong những năm triều đại Giáo hoàng của tôi, Công Đồng vẫn là điểm tôi hằng qui chiếu cho tất cả các hành động mục vụ của tôi, trong cố gắng có ý thức diễn giải các chỉ thị của Công đồng., bằng việc cụ thể và trung thành áp dụng Công Đồng cho từng Giáo Hội địa phương cũng như toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Tất cả đời sống Giáo Hội phải luôn luôn trở lại nguồn mạch vô cùng quí báu này. (Tông hiền Fidei Depositium ngày 11 tháng 10, năm 1992, số 1).

Đức Gioan Phaolô II coi là một hồng ân được tham gia các buổi họp Công Đồng từ năm 1962 đến năm 1965. Quả vậy, ngài được vinh thăng làm Giám mục Phụ tá tại Cracovie do Đức Piô XII năm 1958. Vài tháng sau lễ tấn phong Giám mục, ngày 28 tháng 9 năm 1958, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII vừa lên kế vị Đức Piô XII trên toà Phêrô, loan tin mở Công Đồng Vaticanô II. Hôm đó là ngày 25 tháng 1 năm 1059. Trong hai khóa đầu của Công Đồng (mùa Thu năm 1962 và mùa Thu 1963) vị Giám mục trẻ, Phụ tá tại Cracovie, trong kỳ họp khoáng đại, còn ngồi khá xa bàn thờ của Đức Giáo Hoàng, ở mãi gần cửa Vương Cung thánh đường thánh Phêrô. Nhưng khi Đức Tổng Giám mục Baziak từ trần ngày 15 tháng 6 năm 1963, thì Đức Giáo hoàng Phaolô VI vinh thăng Đức Karol Wojtyla làm tổng giám mục Cracovie ngày 30 tháng 12 năm 1963. Do đó, kỳ họp thứ ba, thứ tư của Công Đồng, Đức Karol Wojtyla ở hàng Tổng giám mục, gần Đức Giáo Hoàng hơn nhiều. Vào thời kỳ ấy, nhà cầm quyền Ba Lan, theo lệnh của Liên Xô chỉ thị phải giới hạn việc cấp giấy xuất cảnh. Quyền xuất cảnh hoàn toàn bị lệ thuộc độc đoán vào nhà cầm quyền cộng sản, thế mà ơn Chúa thương ngài được nhà cầm quyền cấp giấy Thông Hành cho đi dự Công Đồng. Đức Karol Wojtyla coi đó là một đặc ân Thiên Chúa ban để nhờ vậy mới có thể được tới Rôma tham dự Công Đồng (Entrez dans l’Espéren-ce, tr.326). Trong di chúc, ngài tỏ bày tri ân Chúa Thánh Thần vì hồng ân có Công Đồng Vaticanô II, mà ngài cảm thấy mình mang ơn rất nhiều.

Đức Giáo Hoàng bác bỏ mọi chú giải về Công Đồng, cho rằng ở đây không thấy có một biến cố thiêng liêng nào. Chúng ta không được phép quên rằng, chính yếu của Công Đồng là một cử hành phụng vụ. Việc qui tụ các Giám mục toàn thế giới về Rôma không phải là để tạo ra một cuộc họp Dân Biểu, để đề ra những luật pháp về tín điều, mà là cuộc qui tụ về để ca ngợi Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng hằng nhắc tới việc ngài mang nợ với Công Đồng Vaticanô II mà ngài coi Công Đồng như một ơn lành lớn lao cho cả Giáo Hội. Là Nghị Phụ của Công Đồng, ngài đã đóng góp cho Công Đồng rất nhiều.

Quả vậy, Đức Karol Wojtyla phát biểu trong Công Đồng và giới thiệu những bản viết trình bày trong từng phiên họp của bốn kỳ họp Công Đồng. Ngài tích cực làm việc nhất là cho “lược đồ XIII” thời danh. Sau đó lược đồ này đã trở thành Hiến Chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng). Đức Giáo Hoàng cảm động và biết ơn nhớ lại ngài đã làm việc cho bản văn này, đã được soạn bằng tiếng Pháp, và việc ngài cộng tác với Đức Hồng Y Garrone và các linh mục nghị phụ tài ba là các nhà thần học danh tiếng De Lubac và linh mục Congar.

. Đức Nữ Trinh Maria Của Công Đồng

Vị tri Đức Trinh Nữ Maria trong Công Đồng như thế nào? Nếu Công Đồng này, như người ta nói, là một “lễ Hiến Xuống mới” thì tất nhiên phải có Đức Maria hiện diện một cách đặc biệt như ở trong ngày lễ Ngũ Tuần trước nhất. Đàng khác, Đức Gioan XXIII đã minh nhiên đặt Công Đồng dưới sự phù hộ của Đức Trinh Nữ Maria, bằng cách thực hiện ngày 4 tháng 10 năm 1962, một tuẩn lễ trước ngày khai mạc Công Đồng, cuộc hành hương kính viếng Đức Mẹ tại Loretta. Ai cũng biết đấng chân phước Gioan XXIII từng có lòng sùng kính Đức Mẹ, và thánh Giuse cách đặc biệt, nên ngài đã ghi danh thánh vào lễ qui Rôma.

Nhưng ta phải nghiêm chỉnh cúi mình trông vào giáo huấn của chính Công Đồng. Quả thế, Vaticanô II đã thực hiện một tổng hợp lớn lao giữa Thánh Mẫu Học và Giáo Hội Học. Giáo Hội sống theo như “khuôn mặt Đức Maria”, theo chiều kích Đức Maria mà Công Đồng đã tổng hợp cách lạ lùng, và khuôn mặt ấy cũng là nền tảng và đặc điểm của Giáo Hội y như “khuôn mặt Tông đồ và Phêrô” mà Công Đồng liên kết cách sâu xa (Đức Gioan Phaolô II diễn từ trong giáo triều ngày 22 tháng 12 năm 1982). Hơn thế, Vaticanô II làm cho thần học về Đức Maria tiến bộ hơn bằng cách làm nổi bật một vài phương diện về vai trò Đức Nữ Trinh Maria. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh sự đóng góp của Công Đồng. Ngài nói: “Công Đồng Vaticanô II đã làm một bước nhảy vọt lạ lùng về phía trước, và cho cả giáo thuyết về lòng sùng kính Đức Maria. Không thể trích dẫn trọn chương VIII tuyệt vời trong Lumen Gentium et Spes. Đây thật là một chương tuyệt vời. Ngài nói thêm: “Khi tôi dự Công Đồng, tôi đã nhận đầy tràn cảm nghiệm riêng về phần bản chất của chương này. Tôi đã gặp lại ở đấy hết cảm nghiệm từ trước, từ thời niên thiếu. Tất cả điều liên kết cách riêng với Mẹ Thiên Chúa dưới nhiều hình thức luôn được đổi mới”(Entrez dans l’Espérence tr. 319).

Thánh Mẫu Học của Đức Gioan Phaolô II kín múc được cách phong phú từ suối nguồn Công Đồng. Để có ý tưởng về việc này, chúng ta chỉ cần đọc Redemptoris Mater, Thông điệp này được trình bày như một suy gẫm của Công Đồng về Đức Nữ Trinh Maria. Trong Thông điệp đã trưng dẫn Công Đồng hơn một trăm lần, mà riêng chương VIII của Hiến Chế Lumen Gentium đã trưng dẫn tới bảy mươi mốt lần.

1. Đức Maria Trong Giáo Hội, Đức Maria Mẹ Của Giáo Hội

Chương VIII tuyệt vời này nói về “Đức Nữ Trinh Maria diễm phúc, là Mẹ Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội”, là đối tượng nhiều tranh luận rất sôi nổi trong Công Đồng. Thật vậy, các Nghị Phụ đã đặt ra vấn đề tìm biết xem có phải dành riêng cho Đức Maria một văn kiện riêng, hay chỉ cần đưa một khai triển về Đức Nữ Trinh Maria vào trong bản văn tổng quát về cả Giáo Hội. Theo các từ chuyên môn, có cần phải thêm một văn kiện De Beata (Maria Virgine) riêng, độc lập với De Ecclesia chăng? Các Nghị Phụ không nhất trí về vấn đề này. Đức Hồng Y Koenig thành Vienne Áo quốc tranh đấu đưa chủ đề De Beata vào De Ecclesia. Đức Hồng Y Santos của Manila Phi Luật Tân trái lại, muốn một bản văn riêng về Đức Nữ Trinh Maria. Về phần mình, Đức Karol Wojtyla cùng toàn thể hàng Giám mục Ba Lan ủng hộ cho giải đáp thứ hai này: Công Đồng phải soạn một bản văn về Đức Mẹ với bản văn về Giáo Hội.

Một cuộc bỏ phiếu phân định hai lập trường. Kết quả rất sát:
- Một ngàn một trăm mười bốn phiếu cho việc đưa chủ đề De Beata vào De Ecclesia.
- Một ngàn không trăm bảy mươi phiếu chống.

Phe “sáp nhập” đã thắng khít khao, nhưng người ta không thể không trân trọng phe thiếu số mạnh mẽ “tách riêng” đã bày tỏ ngược lại. Đức Karol Wojtyla, thuộc phe thiểu số, đề nghị rằng mọi tranh luận về chủ đề Đức Nữ Trinh Maria hãy đặt lên phía trước việc Ngài làm Mẹ trong Giáo Hội, vì phương diện hiền mẫu của Đức Nữ Trinh Maria làm hình ảnh phương diện làm mẹ của Giáo Hội. Ta gặp thấy ở đây một trong những điều nhấn mạnh của vị Giáo Hoàng tương lai thường xuyên nói về việc làm mẹ của Đức Maria.

Trong khoá họp thứ ba của Công Đồng (mùa thu năm 1964), lúc ấy ngài là Tổng Giám mục Craco-vie, Đức Karol Wojtyla đệ trình một tài liệu được viết nhân danh Hội Đồng Giám mục Ba Lan về vị trí Đức Maria trong Hiến Chế tín lý về Giáo Hội. Ngài thêm một ghi chú tự viết tay bênh vực rằng chương nói về Đức Nữ Trinh Maria không được ở cuối văn kiện, mà phải theo ngay sau chương thứ nhất về mầu nhiệm Giáo Hội. Về điểm này ngài cũng không thắng được. Tuy nhiên việc ngài can thiệp vẫn chứng tỏ rằng Đức Nữ Trinh Maria xưa đã nuôi dưỡng chăm sóc Con của Mẹ là Chúa Giêsu thế nào, thì Đức Maria vẫn tiếp tục nuôi nấng và trông coi Nhiệm thể Chúa Giêsu là Giáo Hội như thế. Cho nên rõ ràng là Đức Maria thật đúng là mẹ của Giáo Hội. Lạ thật, tước hiệu Mẹ của Giáo Hội ít có truyền thống đã bị loại ra như là quá xa lạ bởi một ủy ban các nhà thần học.Tuy nhiên có thể nói rằng Công Đồng, dù không minh nhiên dùng tước hiệu “Mẹ của Giáo Hội”, nhưng cũng dậy phần cốt lõi mà tước hiệu này bao hàm.

Trong buổi triều yết chung ngày 17 tháng 9 năm 1997, Đức Gioan Phao-lô II đã nói rằng: “Công Đồng Vaticanô II, sau khi kính chào Đức Maria là “thành phần siêu đẳng”, “điển hình” và “mẫu mực’ của Giáo Hội, lại tuyên xưng rằngGiáo Hội “yêu mến Đức Mẹ bằng một tình cảm người con thảo hiếu, coi Ngài là mẹ rất thương yêu con cái” (Lumen Gentium số 53). Nếu Công Đồng không rõ ràng giữ lại tước hiệu “Mẹ của Giáo Hội” thì Giáo Hội cũng vẫn tiến theo chiều hướng ấy theo Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI và nhiềukhẳng định khác của Huấn quyền mới đây hơn đều như cậy.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng như Đức Karol Wojtyla rất thích thú với tước hiệu ấy. Cho nên ngày 21 tháng 11 năm 1964, trong diễn văn bế mạc khóa ba của Công Đồng, Đức Phaolô VI công bố, bằng Motu proprio (Tự Sắc, từ sáng kiến riêng), Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội. Đối với Đức Giáo Hoàng, đó là một cách dành quyền cho thiểu số mạnh muốn tách chủ đề trên, khi bên thiểu số thấy các hy vọng của mình đã không đạt được như ý mong muốn.

Quả thực, trong đường hướng Đức Piô XII công bố tín điều Đức Mẹ lên trờì cả hồn lẫn xác, vào ngảy lễ Các Thánh -chứ không vào ngày lễ Đức Mẹ lên trời cho hợp lý- Công Đồng đã muốn tỏ ra rằng Đức Maria là thành phần của Giáo Hội, là thành viên của Dân, những kẻ được tuyển chọn mà Con của Đức Mẹ đã sở hữu với giá máu Chúa Giêsu Kitô đã đổ ra. Ngưởi ta còn dùng kiểu nói “đùa cợt” rằng Công Đồng đã cất lấy việc dứt phép thông công mầu nhiệm đặt Đức Maria ra ngoài và lên trên Giáo Hội! Tuy nhiên Đức Nữ Trinh Maria không chỉ là chị của chúng ta mà còn là Mẹ của chúng ta, Mẹ của Chúa Kitô và Mẹ của chúng ta là thành phần của nhiệm thể Chúa Kitô tức là Giáo Hội.

Trong diễn từ mà quá một nửa nói về Đức Nữ Trinh Maria, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói về Chương VIII của Hiến Chế Lumen Gentium như điểm ngân dài trong Hiến Chế về Giáo Hội. Như thế thì mục De Beata được tháp nhập đúng trong mục De Ecclesia, như phần đa số các Nghị Phụ Công Đồng đã mong ước. nhưng như là “đỉnh cao và triều thiên kết lại” chủ đề, theo như điều mà phần thiểu số mạnh muốn tách ra, đã muốn bày tỏ.

2. Sự Trung Gian Hiền Mẫu Của Đức Maria

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu thích và đã năng dùng tước hiệu “Mẹ của Giáo Hội”. Trên quảng trường thánh Phêrô, ngài đã cho đặt đối diện với cửa sổ của ngài một bức hình Đức Trinh Nữ “Mẹ của Giáo Hội”. Trong Thông điệp Redemp-toris Mater, ngài trích diễn văn của Đức Phaolô VI mà nhắc lại sau vị tiền nhiệm ngài rằng: “việc biết giáo lý chân thực Công giáo về Đức Nữ Trinh Maria diễm phúc, bao giờ cũng nắm vửng được chìa khóa để hiểu đúng mầu nhiệm Chúa Giêsu và Giáo Hội” (Thông diệp Redemptoris Mater, số 47).

Trong một Công Đồng Giáo Hội như Công Đồng Vaticanô II việc nghiên cứu vị thế Đức Maria trong nhiệm cục ơn cứu độ, là quan trọng nhất. Đức Trinh Nữ Maria một trật là hình, là mẫu, và là Mẹ của Giáo Hội (triều yết chung ngày 21 tháng 5 năm 1997). Giáo Hội phải luôn luôn ý thức mình cũng là mẹ, như Đức Maria. Giáo Hội học vai trò làm mẹ khi chiêm ngắm Đức Maria. “Người ta có thể nói rằng Giáo Hội học được từ Đức Maria điều mình làm mẹ là gì: “Giáo Hội nhận biết chiều kích làm mẹ từ ơn gọi đã thiết yếu được gắn vào bản tính bí tích của mình, bằng chiêm ngắm sự thánh thiện nhiệm mầu của Đức Nữ Trinh Maria và bằng cách bắt chước đức ái của Mẹ mà trung thành làm trọn ý của Chúa Cha” (Lumen Gentium số 64 và Redemp-toris Mater số 43).

Cũng như Đức Maria, Giáo Hội là trinh trong và làm mẹ. Ta có thể nói rằng nếu Công Đồng Ephesô năm 431 là Công Đồng đã long trọng khẳng định chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria thì Công Đồng Vaticanô II (1962-1965) đã là Công Đồng về chức làm mẹ phổ quát trong trật tự ơn sủng. Đối với Đức Phaolô VI cũng như Đức Gioan Phaolô II, các Ngài đã không hoài nghi rằng chức làm mẹ thiêng liêng của Đức Nữ Trinh Maria là một chân lý Đức tin. Đức Phaolô VI khẳng định điều ấy trong Tông Huấn Signum Magnum 1967: “Trên trời Đức Trinh Nữ Maria tiếp tục hoàn thành vai trò hiền mẫu bằng sự cộng tác vào việc sinh thành và phát triển sự sống Thiên Chúa nơi từng linh hồn con người ta đã được cứu chuộc. Đó là chân lý rất an ủi, do Thiên Chúa đã tự do và rất khôn ngoan an bài. Chân lý ấy là thành phần cấu tạo của mầu nhiệm cứu rỗi loài người, cho nên chân lý này cũng là đối tượng Đức tin cho các Kitô hữu. (Đức Phaolô VI Signum Magnum số 1. Cùng coi kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa: le Credo du Peuple de Dieu thời danh năm 1968).

Trong kinh này, Đức Phaolô VI khẳng định: “Chúng tôi tin rằng Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, là Evà mới, là Mẹ của Giáo Hội, trên trời vẫn tiếp tục vai trò làm Mẹ đối với các chi thể của Chúa Kitô, bằng cách cộng tác vào việc sinh thành và phát triển sự sống Thiên Chúa trong linh hồn những người được cứu chuộc.

Đức Gioan Phaolô II hoàn toàn đi đường lối ấy, bằng cách không mệt mỏi suy gẫm về Đức Maria bên chân Thánh Giá. Trên núi Calvariô, thánh Gioan là hình ảnh của Giáo Hội, đón nhận Chúa Giêsu trao phó Đức Maria làm mẹ. Những lời rầt thiết yếu của Chúa Giêsu trên Thập Giá: ”Này là con Bà”, đồng thời là những lời rất gọn gàng khiến ta nghĩ đến một công thức dường như bí tích vậy. Ta có thể nói từ lúc ấy, Đức Maria được đặt, gần như được thánh hiến, làm Mẹ của Giáo Hội, từ trên Thánh Giá”- (Đức Gioan Phaolô II, triều yết ngày 23 tháng 11 năm 1988).

“Này là Mẹ của con”. Như thế bắt đầu thành hình dây liên hệ riêng giữa Đức Maria và Giáo Hội. Quả thế, Giáo Hội sơ khai là hoa quả từ cây Thánh Giá và từ việc phục sinh của con Đức Mẹ. Đức Maria ngay từ ban đầu đã dâng mình không là đặt cho bản thân và công trình của Con Đức Mẹ, cho nên không thể không hướng vào Giáo Hội, ngay từ khởi thủy, ơn làm mẹ mà ngài đã sẵn có.

Sau khi Con của Đức Mẹ về trời, chức làm mẹ của Đức Maria vẫn ở trong Giáo Hội, như một trung gian hiền mẫu, bầu cử cho các con cái mình. Đức Mẹ cộng tác vào hành động cứu rỗi của Con, là Chúa Cứu Thế (Redemptoris Mater, số 40).

Như ta đã thấy, Đức Gioan Phaolô II đã không ngàn ngại dùng từ “sự trung gian” khi nói tới vai trò của Đức Mẹ Maria, một từ mà Công Đồng Vaticanô II chưa dùng. Vấn đề đã được đặt ra cho Công Đồng, vì ba trăm mười ba vị giám mục –con số đông quan trọng- đã yêu cầu Ủy ban chuẩn bị làm sao để giáo lý về việc trung gian phổ quát được Công Đồng định tín. Do đó, một cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đề này được thành hình.

Đức Cha Philips, là soạn giả chính văn kiện De Ecclesia, chống lại việc dùng kiểu nói “nữ trung gian” khi nói về Đức Maria. Nhưng cuộc bỏ phiếu của Ủy Ban Giáo Lý phân định việc ấy, đã ủng hộ tước hiệu truyền thống này của Đức Maria, nên từ đó đã có thuận lợi đưa vào văn kiện De Ecclesia.

Việc ấy được làm rất khéo, người ta đưa thuộc từ bị phản kháng vào bản văn, nhưng mà cách nào đó bằng sự chen vào trong việc kể đến nhiều tước hiệu quen dùng. Bản văn cuối cùng của Lumen Gentium kể: “Tình yêu thương hiền mẫu của Đức Maria làm cho Đức Mẹ chú ý tới những anh em của Con Đức Mẹ, những người chưa hoàn thành cuộc lữ hành, hay thấy mình liên lụy trong những hiểm nguy và thử thách, cho tới khi họ đạt tới quê hương phước lộc. Vì thế, Đức Maria diễm phúc được kêu cầu trong Giáo Hội dưới nhiều tước hiệu là trạng sư, đấng phù hộ, đấng cứu giúp, đấng trung gian. Tuy nhiên tất cả những diều ấy phải được hiểu cách nào để không phản nghịch hay thêm thắt vào phẩm chức và hiệu năng của Đấng Trung Gian Duy Nhất là Chúa Kitô (Lumen Gentium) số 62).

3. Đức Maria, Nữ Tỳ Vâng Ơn Chúa Thánh Thần

Trong những nét đặc sắc của Thánh Mẫu Học trong Công Đồng, ta phải kể đến vị trí thiết yếu dành cho việc trung gian mà trong Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Tân Ước đã nói. Đức Maria là Nữ Trinh trong Israel, là thiếu nữ Sion, là phần nhỏ bé sót lại trong những kẻ khó nghèo của Đức Gia-vê. Đức Maria là nữ tỳ hèn mọn của Đức Chúa. Đây không phải là việc trình bày các đặc ân của Đức Thánh Nữ Trinh, mà là chiêm ngắm các nhân đức lạ lùng, đặc biệt nhân đức khiêm nhường và vâng phục của Đức Mẹ.

Chính Đức Mẹ đã chẳng nói về “đức khiêm hạ”, đức tapeinôsis, một thành ngữ mà ta có thể đặt quan hệ với đức khiêm hạ của Con Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể. Theo bài ca trong thơ Philip, Chúa phán: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Phil.2,8).

Đức Nữ Trinh Maria được nâng lên tới vinh quang vì trước hết Đức Nữ Trinh Maria đã là Nữ Tỳ hèn mọn. Công Đồng Vaticanô II suy gẫm hành trình Đức Tin của mình y như đã bộc phát từ những dữ kiện kể trong các sách Tin Mừng. Trong Lumen Gentium số 58 có câu: “Đức Nữ Trinh Maria tiến bước trong hành trình Đức Tin. Thành ngữ “hành trình Đức Tin” đã được Đức Gioan Phaolô II nhắc lại và hoà âm mạnh mẽ trong Thông điệp Redemp-toris Mater.

Thừa kế Công Đồng Vaticanô II, Đức Gioan Phaolô II đã suy gẫm về hành trình Đức Tin, cho mãi tới biến cố trên núi Calvariô, nó tạo nên thành đỉnh cao vời vợi không thể vượt qua. Đức tuân phục của Đức Tin chỉ có thể có trong đức dễ dàng vâng theo Chúa Thánh Thần đã bao bọc “đấng đầy ơn phúc”, bằng bóng quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Ngưởi ta thường trách cứ người Công giáo La tinh ít coi trọng Chúa Thánh Thần. Thần học theo Tây phương sẽ phải đau khổ, vi thiếu sót nào đó, sự thiếu sót đã lâu đời, trong khoa học về Chúa Thánh Linh. Người Công giáo đã chẳng coi Đức Nữ Trinh Maria như Đấng thay thế Chúa Thánh Thần sao? Người ta gán cho Đức Nữ Trinh Maria những vai trò mà theo trọn ý nghĩa, là những vai trò của Ngôi Ba Thiên Chúa. Người ta nói về Đức Maria rằng Mẹ là Trạng Sư (Đấng Bầu Cử), Mẹ cho chúng ta được biết Chúa Giêsu, Mẹ ban sự sống v.v. Nhưng chính thực là Chúa Thánh Thần, Đấng Paraclet mới đưa ta vào chân lý trọn vẹn và ban sự sống cho ta!

4. Thánh Maximilien Kolbe

Công Đồng Vaticanô II đã trình bày mối liên kết thân mật giữa Đức Nữ Trinh Maria và Chúa Thánh Thần. Đức Maria được “đào tạo”(nghĩa bóng) bởi Chúa Thánh Thần (Lumen Gentium số 56), bao bọc bởi Chúa Thánh Thần” (Lumen Gentium số 63), là vì Mẹ Thiên Chúa không đặt một trở ngại cho hành động của Chúa Thánh Thần nơi Đức Mẹ, nên người ta có thể kể là của Đức Mẹ, một cách theo dụng cụ, hết những đỉều chính ra là thuộc về Chúa Thánh Thần là Đấng Thiên Chúa.

Truyền thống của Giáo Hội thường gọi Đức Maria là “Bạn Thanh Sảch của Chúa Thánh Thần” (coi Đức Lêô XIII, Thông Điệp Maximum Illud, 1897, số 19)- Công Đồng Vaticanô II đã tránh từ ngữ rất hàm hồ ấy, vì có nguy cơ làm người ta tưởng rằng Chúa Giêsu là Con của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không sợ dùng lại từ ngữ ấy theo ý ngài. (coi Redemptoris Mater, số 26).

Thực ra Đức Giáo Hoàng được ghi dấu bởi ảnh hưởng của thánh Maximilien Kolbe mà ngài đã phong thánh ngày 10 tháng 10 năm 1982, và thánh nhân đã đặt lên hàng đầu trong thần học của mình, sự liên kết thân mật của Đức Maria và của Chúa Thánh Thần. Vị đồng hương của Đức Gioan Phaolô II đã xuất hiện như một ngôn sứ thật, về kỷ nguyên Đức Maria –(Bài giảng ngày 8 tháng 12 năm 1982). Tất cả thần học của “chứng nhân tử đạo Auschwitz, và cũng là tất cả việc tông đồ của ngài, đều xoay chung quanh khái niệm về “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, Đấng được dựng thai mà không mắc tội tổ tông truyền. Thánh nhân đã lập Hội Chiến Sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Nhật Bản hay tại Ba Lan, ở Niepokalanow. Ngài muốn mình là Hiệp Sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm. Thật thế, Đức Maria là Vô Nhiễm Nguyên Tội -Immaculée Conception- như chính Đức Mẹ đã nói về mình tại Lộ Đức. Đức Mẹ không chỉ nói cho Bernadette biết rằng mình là Đấng Vô Nhiễm, mà đích thực ngài là Immaculée Conception.

Chính danh xưng lạ lùng này do Đức Nữ Trinh Maria đặt cho mình, đã chỉ đạo tất cả tư tưởng của cha thánh Kolbe. Cha Maximilien Kolbe giải thich: “Chúa Thánh Thần là Immaculée Conception tự hữu tự tại, Đức Maria là Immaculée Conception được dựng nên. Như thế, Đức Mẹ dường như là sự “nhập thể” của Chúa Thánh Thần, và là Bạn của Chúa Thánh Thần, việc ấy làm nền tảng cho việc trao đổi tên cùng các tước hiệu của hai Đấng. Như thánh Maximilien Kolbe tin: Chúa Cha là Đấng “sinh ra”, Chúa Con là Đấng ‘được sinh ra”, và Chúa Thánh Thần “là hành vi yêu mến”, trong đó Chúa Cha “sinh ra” Chúa Con.

Lời người dịch thêm:

1. Đức Maria hiện ra tại Lộ Đức ở Pháp nói với Bernadetta bằng thổ ngữ. Tiếng Pháp là “Je suis l’Immaculée Conception”, dịch là: “Ta là Mẹ Vô Nhiễm” hoặc “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”

2. Danh từ Conception chỉ ý nghĩa theo sinh học là có thai, chịu thai, thụ thai.

3. Trong thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi có nói: Chúa Cha biết chính mình thì sinh ra Chúa Con (là Ngôi Hai, Ngôi Lời, Thượng Trí của Chúa Cha). Chúa Cha mến yêu Chúa Con, Chúa Con mến yêu Chúa Cha, thì “nhiệm xuất”Chúa Thánh Thần, “hành vi” hỗ tương ấy là Chúa Ngôi Ba.

4. Thánh Maximilien Kolbe nói tiếng Ba Lan nhưng viết ra tiếng Pháp là:

- Le Père est Celui qui concoit,

- Le Fils est Celui qui est concu

- L’esprit-Saint est l’ Acte même, de Conception, l’acte d’Amour, dans lequel le Père concoit le Fils.

Xin dịch sát từ ngữ:

- Chúa Cha là Đấng sinh ra

- Chúa Con là Đấng được sinh ra

- Chúa Thánh Thần là chính hành vi sinh ra, hành vi yêu mến, trong đó Chúa Cha sinh ra Chúa Con và Chúa Con được sinh ra. Hai Ngôi yêu mến nhau, là Chúa Thánh Thần, “bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (xem Kinh Tin Kính).

Đức Nữ Trinh Maria có thể được gọi đúng phép là “Bạn thanh sạch của Chúa Thánh Thần” (xem triều yết chung ngày 2 tháng 5 năm 1990). Danh xưng này rất quen thuộc trong truyền thống các Giáo Phụ và thần học, đã được gợi ý trong Tân Ước. Lời giải thích của cha thánh Maximilien Kolbe được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trưng dẫn: “Đó là một suy loại cho thấy sự kết hợp khôn tả, thân mật và tràn đầy giữa Chúa Thánh Thần và Đức Maria. Chúa Thánh Thần lập ra nơi ngự riêng trong Đức Maria vào ngay giây phút Đức Mẹ đi vào hiện hữu! Chúa Thánh Thần chiếm hữu tuyệt đối Đức Maria và thấu nhập Đức Maria, đến nỗi danh xưng Bạn thanh sảch Chúa Thánh Thần mới chỉ diễn tả được một bóng mờ xa nhạt và bất toàn của sự kết hợp này” (Thánh Maximilien Kolbe, được trưng dẫn bởi Đức Gioan Phaolô II –Bài giảng ngày 8 tháng 12 năm 1982, tại đại thánh đường Đức Bà Cả ở Rôma).

(còn tiếp)

Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 24.01.2005. 23:45