Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương 3: Nước Ba Lan, Chiến Thắng Nhờ Đức Maria

§ Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, SSS

(tiếp theo... Mẹ Maria - Trung Tâm Công Trình Của Đức Gioan Phaolô II)

Nếu nước Pháp đã tự hào để có thể được gọi nước Pháp là “vương quốc Đức Maria”(xem: Đức Piô XI, Tông thư Galliam Ecclesiae filiam, ngày 2 tháng 3 năm 19220)- thì Ba Lan cũng không kém phần xứng đáng tự hào với danh xưng ấy. Những biến cố lớn trong lịch sử Ba Lan được ghi dấu sự hiện diện mầu nhiệm và hành động tuyệt vời của Đức Maria, Mẹ chúng ta. Đó là những bằng chứng cụ thể và đó cũng là niểm hãnh diện của dân tộc Ba Lan nữa.

. Jasn-Gora

Vào thời quân Thụy Điển nhiều lần xâm lăng như vũ bão vào Ba Lan (1655) mà trong ký ức dân tộc này đã gọi là “cơn hồng thủy Thụy Điển”, khi coi như mọi sự đã mất tất cả, khi chính đức vua và cả cơ đội đã bỏ chạy tan tác, thì chính các tu sĩ tại Jasna Gora đã vùng lên. Họ quyết chí không đầu hàng, còn đạo quân hùng mạnh Thủy Điển cũng chẳng bao giờ ngưng đánh phá trước sự cầm cự quyết liệt của các tu sĩ Ba Lan qui tụ về trong tu viện cũ kỹ này. Cuộc kháng chiến tinh thần cũng được tổ chức chung quanh tu viện rất mãnh liệt, khiến quân Thụy Điển chẳng bao lâu phải miễn cưỡng tự rút lui. Chiến thắng không thể ngờ ấy chính là nhờ cậy vào cánh tay uy quyền thánh thiêng của Mẹ Maria, mà ảnh thánh Đức Nữ Trinh Da Đen như một dấu chỉ hiện nay vẫn còn uy nghi ngự trên ngai toà ở Jasna Gora.

Theo cách dành cho ảnh thánh này một sức mạnh nào đó, ta có thể thấy ảnh hưởng của Chính Thống Giáo. Năm 966, ông hoàng Miesko I chọn Cộng đồng La Tinh hơn Cộng đồng Chính Thống Giáo phương Đông. Như thế, một cách nào đó vô tình hay hữu ý ông hoàng làm cho Ba Lan nên như nhịp cầu nối giữa Công giáo và Chính Thống giáo. Do địa lý và là người Slave Công Giáo, người Ba Lan đã luôn luôn sống cởi mở về văn hóa. Giáo Hội Ba Lan một trật tự nhiên hô hấp bằng “hai lá phổi” Đông và Tây, như kiểu nói trong Thông Điệp Redemptoris Mater (số 34). Lòng say mê đại kết của Đức Gioan Phalô II chắc chắn chịu ảnh hưởng do vị trí đặc biệt này của Ba Lan.

Vua Jean Casimir công bố Mẹ Thiên Chúa là “Nữ Vương nước Ba Lan”. Từ thời đó, thánh điện Jasna Gora là nơi tập trung tất cả lịch sử Ba Lan, các biến cố trọng đại của quốc gia này được gắn liền với Jasna Gora.

Trong lần về thăm quê hương lần thứ nhất, Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Bằng cách này hay cách khác chúng ta phải lắng nghe ở chốn này. để cảm được trái tim quốc gia Ba Lan đập nhịp nhàng thế nào trong Trái Tim của Đức Mẹ” (Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ngày 11 tháng 6 năm, 1979 lần thứ nhất thăm huê hương Ba Lan).

Ngay vào năm sinh Karol Wojtyla, Hồng Quân tràn đầy khắp nước cộng hoà Ba Lan. Từ ngày 14 đến ngày 20 tháng 8 năm 1920, đã xẩy ra trận đánh ở sông Vistule. Những đơn vị Ba Lan do thống chế Josef Pilsudski đánh tan đạo hùng binh Hồng Quân đang là một đạo quân hùng mạnh ghê gớm, bỗng trở thành tàn quân vô dụng. Về phía Ba Lan không tới hai trăm binh sĩ bỏ mình vì tổ quốc. Chiến thắng này rõ ràng như một phép lạ có nhiều hệ quả lịch sử không lường được. Bọn Bolchevik tiến sang phía tây đã bị chận đứng ở sông Vistule. Nếu không thì chúng đã tiến tới đâu nữa? Những biến cố đã xẩy ra lúc ấy nhằm vào chính ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, nên tự nhiên chiến thắng được hiểu là do phép lạ nhiệm mầu của Đức Mẹ. Tại Ba Lan, không thể chối Đức Maria là “Đức Nữ Vương Chiến Thắng” của dân tộc này. Đức Mẹ đã chủ trì các cuộc tái sinh đất nước xinh đẹp này, một đất nước luôn luôn bị đe dọa bởi ngoại bang, Ngài là sức mạnh của các cuộc vùng dậy của dân tộc Ba Lan. Henryk Sien-kiewiez người Ba Lan được giải thưởng Nobel về văn chương đã viết: “Đức tin của chúng tôi và lòng tin yêu mà chúng tôi bày tỏ với Đức Mẹ Maria, là cơ sở vững chắc, trên đó chúng tôi có thể tái thiết tất cả những gì còn lại”.(Henryk Sienkiwiez: Le Deluge -Hồng Thủy- 1953)

Ngày 8 tháng 9 năm 1846 trước tượng Đức Nữ Trinh Maria tại Czestochowa Đức Hồng Y Giáo Chủ Ba Lan đã công bố việc hiến dâng nước Ba Lan cho Khiết Tâm Mẹ Maria. Năm 1966, năm kỷ niệm một ngàn năm nước Ba Lan tiếp nhận ánh sáng đức tin Công Giáo, Đức Hồng Y Giáo Chủ Ba Lan đã công bố việc nhân dân Ba Lan hoàn toàn tin cậy và phó dâng đất nước này cho Mẹ Thiên Chúa. Chính tại Jasna Gora, ngày 3 tháng 5, lễ Đức Maria là Nữ Vương của Ba Lan vị chủ tế cũng đã nhắc lại lời khấn hứa này.

Trong những lần hành hương về Ba Lan, Đức Giáo Hoàng còn nhắc lại cho mọi người đồng hương về những biến cố trọng đại này. Lần thứ nhất Tông du về Ba Lan năm 1979, Đức Giáo Hoàng tuyên bố: “Tại thánh điện Jasna Gora này, quê hương trần thế của tôi là Ba Lan, tôi muốn trước tiên chuẩn nhận các việc hiến dâng và tin cậy đã nhiều lần nhiều cách nhiều dịp đã từng được Đức Hồng Y Giáo chủ và Hàng Giám mục Ba Lan tuyên đọc. Một cách rất đặc biệt, tôi muốn chuẩn nhận và lập lại bản hiến dâng đã đọc tại Jasna Gora ngày 3 tháng 5 năm 1966 vào dịp kỷ niệm một ngàn năm của giáo hội Ba Lan. Qua hành vi ấy, lạy Mẹ Thiên Chúa, các Giám mục Ba Lan dâng mình cho Đức Mẹ, trong việc “yêu thương phục vụ của Mẹ”, đã muốn phục vụ đại cuộc của nền tự do của Giáo Hội và quê hương Ba Lan. (Bài diễn văn tại Jasna Gora ngày 4 tháng 6 năm 1979).

Lần thứ hai Đức Giáo Hoàng về Ba Lan đã xẩy ra giữa những hoàn cảnh đặc biệt thê thảm gây cấn năm 1983. Ở đây, Đức Giáo Hoàng trình bày thánh điện Jasna Gora như một “Cana tại xứ Galilêa” của nước Ba Lan. Ngài kêu xin: “Thưa Mẹ, xin Mẹ hãy nói với Con của Mẹ về những thách đố vô vàn khó khăn trong những ngày này của chúng con”. (Đức Gioan Phaolô II bài giảng tại Jasna Gora ngày 19 tháng 6 năm 1983). Rồi Đức Giáo Hoàng chú giải “tiếng kêu từ Jasna Gora, đây là lời kinh nhiều lần người Ba Lan đã từng nhắc lại: “Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương nước Ba Lan! Con ở ngay bên Mẹ, con nhớ đến Mẹ, con canh thức cùng Mẹ”.

Theo Đức Gioan Phaolô II, những lời này có ý chứng thực “sự hiện diện thiêng liêng của Mẹ Thiên Chúa” qua các thế hệ Ba Lan, và tình yêu của Đức Mẹ hằng bao bọc nước Ba Lan và mọi tầng lớp, mọi thế hệ người Ba Lan.

. Đừng Sợ !

Đức Maria là diễn viên chính của lịch sử nước Ba Lan. Xác tín này đã được in sâu trong lòng người Ba Lan. Cách riêng, Đức Maria lại ban niềm tin cậy khi mọi sự như đã mất, Ngài lại hiện diện và hành động trong lịch sử mọi người, với sự chắm sóc của Mẹ hiền, Đức Mẹ vẫn là người liên kết mọi người chúng ta cùng Chúa Quan Phòng. Vai trò vũ trụ và quan phòng của Mẹ Maria là một nét đậm ý nghĩa của lòng hiếu thảo và thần học về Đức Maria của Đức Gioan Phaolô II. Đức Giáo Hoàng đến làm sống lại những gì mà khái niệm về mẹ nơi lòng con cái Ba Lan đã một phần nào bị phai nhạt, nay cần phải làm sống lại đậm đà đi vào đời sống nội tâm của mọi người. Ngài dấn mạnh: “Đức Mẹ Maria là:

. Người Nữ can trường (Cách Ngôn 31)

. Người Nữ trong sách Khải Huyền (KH.12) tiến vào cuộc chiến vĩ đại chống con rồng hoả ngục,

. Đức Maria là Người Nữ chiến thắng được hình dung bởi Yael (Quan Án, 5) là Judich, là Esther.

. Đức Mẹ không sợ hãi gì, Đức Mẹ như đạo quân sắp hàng vào trận, mang hàng ngàn thuẫn chắn (Diễm Ca 4,4;6,4)

. Đức Mẹ là người nữ mảnh khảnh mà bền vững vô cùng làm cho lòng chúng ta vui mừng vững vàng vì chắc chắn “Con Rồng ấy không mạnh hơn Bà Đẹp tuyệt vời. Chúng ta hãy luôn bám chặt lấy Mẹ” (Lời nguyện của Đức Gioan Phaolô II trong lễ bế mạc Năm Thánh kính Đức Mẹ, ngày 15 tháng 8 năm 1988).

Nhiều lần Đức Giáo Hoàng lập lại và lấy làm như của Ngài lời nói của Đức Hồng Y Hlond: “Chiến thắng sẽ đến qua Đức Maria”. Người ta gặp lại lời này mãi tới di chúc ngài công bố ngày 7 tháng 4 năm 2005. (Di chúc của Đức Gioan Phalô II: tờ ghi ngày 18 tháng 3 năm 2000).

Ta cũng có thể nói rằng Ngài dùng câu ấy làm nên một trong những xác tín mạnh mẽ đời Giáo Hoàng của Ngài. Chính sự chắc chắn ấy làm nên lòng dũng cảm phi thường của Ngài.

Câu nói rất thời danh “Anh em đừng sợ!” ngày 22 tháng 10 năm 1978 cũng là tiếng kêu lên của Mẹ Maria, như Đức Gioan Phaolô II giải thích: “ Jasna Gora đã đi vào lịch sử Tổ Quốc tôi từ thế kỷ 17, như một loại câu “chúng con đừng sợ!” phán ra từ Chúa Kitô qua miệng Thánh Mẫu của Chúa. Ngày 22 tháng 10 năm 1978, khi tôi tiếp nhận di sản Rôma của thừa tác vụ thánh Phêrô, cảm nghiệm ấy về Đức Maria, mà đất nước Ba Lan tôi đã sống, đã ghi sâu trong ký ức tôi. Chúa Kitô đã nói với các Tông Đồ và mấy phụ nữ sau khi Chúa sống lại: “Các con đừng sợ !”. Các bản văn Tin Mừng không nói cho ta rằng Đức Maria không nói rằng Đức Maria đã nhận được lời khuyến khích đó. Rất mạnh tin, Đức Mẹ đã từng không sợ. Chính cảm nghiệm xứ sở tôi đã trải qua, cảm nghiệm ấy truớc nhất đã làm cho tôi hiểu rằng Đức Maria tham dự vào chiến thắng của Chúa Kitô. Tôi cũng đã trực tiếp biết từ Đức Hồng Y Stephan Wysznski rằng vị tiền nhiệm của ngài là Đức Hồng Y August Hland trước khi chết đã nói lên lời tiên tri: “Chiến thắng -khi nào đến- sẽ đến, nhờ Mẹ Maria”.

Suốt thời kỳ thi hành thừa tác vụ mục tử tại Ba Lan, tôi đã chứng kiến sự hoàn thành lời ấy. Khi tôi được tuyển làm Giáo Hoàng, đương đầu với bao khó khăn của Giáo Hội, thì trực giác, xác tín ấy hằng ở với tôi: trong chiều kích cả thế giới cũng vậy, chiến thắng nếu đến, cũng là dành được bởi Đức Maria. Chúa Kitô sẽ khải thắng qua Đức Maria. Chúa muốn Đức Mẹ liên kết với các chiến thắng của Giáo Hội trong thế giới ngày mai. -(Đức Gioan Phaolô II, Entrez dans l’Espérance, tr. 319). Huấn dụ của Ngài tại Jasna Gora ngày 19 tháng 6 năm 1983, Ngài đã cầu nguyện: “Thưa Mẹ, hai năm đã qua, từ buổi trưa mà Mẹ đã cứu mạng sống con. Việc ấy, xẩy ra tại quang trường thánh Phêrô. Ở đấy trong triều yết chung, một viên đạn đã bắn vào con, lẽ ra viên đạn ấy đã lấy mạng sống con… Đức Hồng Y August Hland, ngài vẫn có lòng tôn kính Mẹ lắm, trên giường hấp hối ngài đã nói những lời này: “chiến thắng-khi nào đến-sẽ đến, nhờ Mẹ Maria”- Con đã nhìn thấy bàn tay hiềm mẫu của Mẹ”. Việc chắc chắn sẽ chiến thắng nhờ Đức Maria lại chiếu luồng sáng mới vào những biến cố trọng đại trong nhiệm kỳ giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Fatima: Một Dấu Chỉ của Chúa Quan Phòng.

Việc mưu sát có tổ chức chống Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày 13 tháng 5 năm 1981, mà ngài thoát chết cách lạ lùng, là một ví dụ rất cụ thể và chính xác. Đức Giáo Hoàng không ngớt nói rằng chính Đức Nữ Trinh Maria đã cứu ngài. Những lời ngài tuyên bố về biến cố kinh hoàng này rất là nhiều. Đặc biệt, những lời ngài nói tại Fatima, ngài tới đây tạ ơn Đức Nữ Trinh Maria đã can thiệp trực tiếp để cứu chữa ngài. Sự trùng hợp hai ngày –ngày 13 tháng 5 cũng là lễ Đức Mẹ Fatima- được Đức Gioan Phaolô II giải thích ngày này, như một dấu chỉ Chúa Quan Phòng –(Về đề tài này có thể đọc cuốn sách rất gợi ý của ký giả Bồ Đào Nha, Aura Miguel: Le secret de Jean Paul II, Mame Plon 2000)- Đức Thánh Cha nói: “Làm sao tôi có thể quên được biến cố tại quảng trường thánh Phêrô đã xẩy ra vào ngày giờ, mà từ hơn sáu mươi năm nay ta kính nhớ tại Fatima nước Bồ Đào Nha, Đức Mẹ Chúa Kitô hiện ra lần thứ nhất cho ba trẻ em nhà quê nghèo nàn được trông thấy? Bởi vì thật hôm ấy tôi cảm được trong mọi sự đã xẩy ra có sự phù hộ ngoại thường của Mẹ hiền đã tỏ ra hùng mạnh hơn viên đạn ghê sợ và sự chết”.(Triều yết chung ngày thứ Tư 7 tháng 10 năm 1981).

Chính Đức Giáo Hoàng đã đích thân đến Fatima ngày 13 tháng 5 năm 1982 để tạ ơn Đấng “đã che chở ngài như Mẹ hiền, vào hôm mưu sát ấy, nhờ Đức Mẹ “mà ngài còn sống” và “bàn tay Mẹ đã hướng viên đạn đi chỗ khác”. Vụ mưu sát tại quảng trường thánh Phêrô đã thu hút sự chú ý đặc biệt của Đức Thánh Cha về sứ điệp từ Fatima. (Về liên hệ Fatima với linh đạo Đức Mẹ núi Carmelô, xem tác giả Joseph de Saint Marie: La Vierge du mont Carmel, Mystère et Prophétie: Elia, Thérèse d’Avila Fatima-Lechielleux 1985, tr. 262-287).

Ba trẻ em tại Fatima được thấy Đức Mẹ núi Carmelô, khi Đức Mẹ hiện ra lần cuối, ngày 13 tháng 10 1917. Nguồn gốc dòng Carmelô là việc hiến dâng Dòng cho Đức Maria trên núi Carmelô. Dòng Carmelô có ơn gọi là tỏ bày sự khải thắng của Đức Maria là Mẹ thông ơn sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa (tr.285). Ở đây ta gặp những chủ đề lớn của Fatima: hiến dâng cho Đức Maria, sự khải thắng của Đức Mẹ, việc cầu bầu của Đức Mẹ v.v. tất cả đều là những chủ đề lớn trong tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II suy nghĩ về Đức Mẹ Maria”-

Đức Giáo Hoàng kể việc khám phá ấy sau vụ tấn công ngài như thế nào, và sứ điệp ấy ngài thấy là có tính thời sự cấp bách như thế nào. Ngài nói về ba trẻ Bồ Đào Nha tại Fatima, những trẻ hôm trước ngày cách mạng tháng Mười đã nghe Đức Nữ Trinh Maria nói: “Nước Nga sẽ trở lại” và “sau cùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ thắng”.

. Đế Quốc Sô Viết Sụp Đổ

Sứ điệp này hình như nối kết nỗi lo âu và niềm xác tín sâu xa của Đức Giáo Hoàng.

Lo âu: những tàn phá của chủ nghĩa cộng sản.

Niềm xác tín: chiến thắng của Đức Maria.

Từ bấy giờ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngừng dâng cả thế giới và riêng nước Nga cho Trái Tim Đức Mẹ Vô Nhiễm, cùng với sự hiệp thông của hàng Giám mục hoàn vũ như Đức Mẹ Fatima đã yêu cầu.

Việc hiến dâng này đã tổ chức tại Rôma trước tượng Đức Mẹ Fatima được đặc biệt đưa từ Bồ Đào Nha tới vào ngày này, ngày 25 tháng 3 năm 1984.(Về những biến cố và những hoàn cảnh này, xin xem Aura Miguel)-.

Những biến cố ngạc nhiên tiếp theo, việc ông Mikhail Gorbachev lên nắm quyền chức năm 1985, sự tan rã Khối Đông Âu, sự đổ sập chủ nghĩa công sản ở đây, việc phá đổ bức tường Bá Linh ở Đức năm 1989, được Đức Giáo Hoàng đọc như có gắn liền cách mầu nhiệm với việc hiến dâng mà Đức Nữ Trinh Maria ở Fatima đã yêu cầu. Không được nghi ngờ, Đức Gioan Phaolô II đã dành vai trò đặc biệt cho Đức Nữ Trinh Maria trong việc sụp đổ đế quốc Sô Viết.

Chắc chắn ở đây có những đường sức lạ lùng nhất, độc đáo nhất của tư tưởng về Đức Maria của vị Giáo Hoàng quá cố.

Đối với ngài, không bao giờ Đức Mẹ Maria là một pho tượng để tôn kính. Đức Mẹ Maria là một người hiện diện hành động. Danh từ “hiện diện” đồng hành lại hằng ngày trở lại, khi Đức Giáo Hoàng nói về Đức Mẹ Maria. Đức Mẹ là một sức mạnh thiêng liêng nhập cuộc một cách chính yếu trong cuộc chiến vũ trụ mà sách Khải Huyền đã mô tả.

Lòng sùng mộ của Đức Gioan Phaolô II đối với Đức Nữ Trinh Maria không ở thể tình cảm hay hời hợt. Đức Nữ Trinh Maria là Đức Mẹ của các cuộc chiến thắng. Ngài vẫn bao trùm khắp cõi mênh mông thời gian và không gian bằng sự hiện diện hiền mẫu tác động của Ngài. Vì thế, Đức Giáo Hoàng không e ngại phó thác cho Đức Mẹ cả nhân loại và cả Ngàn Năm Thứ Ba này. Hành vi tín thác mà Đức Giáo Hoàng làm theo chiều hướng này, trước mặt đông đảo các vị Giám Mục đến Rôma, ngày 8 tháng 10 năm 2000 biểu lộ điều ấy cách tuyệt vời. Ngài nói: “Thưa Mẹ, hôm nay chúng con xin phó thác cho Mẹ cả tương lai đang chờ chúng con. Xin Mẹ đồng hành với chúng con trên đường dương thế. Ôi! Bình minh báo ơn cứu độ, chúng con phó thác cho Mẹ hành trình của chúng con trong Ngàn Năm Thứ Ba mới này, để nhờ Mẹ dẫn dắt, hết mọi người tìm được Chúa Kitô, là Ánh Sáng cho thế gian và là Chúa Cứu Chuộc duy nhất”.“Đức Gioan Phaolô II, Acte de Confiance: Kinh phó thác, ngày 8 tháng 10 năm 2000).

Đức Maria không chỉ là một cuốn sách hay, ảnh đẹp để chúng ta ngây ngất chiêm ngắm. Đức Mẹ không chỉ là mẫu gương đẹp của quá khứ phải bắt chước, Đức Mẹ “mở cuộc tiến bước” “xem Lumen Genti-um số 65”. Đức Mẹ tiến bước cùng với chúng ta, Mẹ đồng hành với chúng ta như thuở xưa Hòm Giao Ước của Thiên Chúa, tiến bước với dân Ngài và bảo đảm cho dân được chiến thắng (1 Sam. 4,7). Đối với Đức Giáo Hoàng thì chắc chắn: Chiến thắng sẽ dến, nhờ Mẹ Maria.

(còn tiếp)

Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 24.01.2005. 23:44