Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương 2: Bé Mồ Côi Ở Wadowice Nhận Đức Maria Làm Mẹ

§ Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, SSS

(tiếp theo... Mẹ Maria - Trung Tâm Công Trình Của Đức Gioan Phaolô II)

Karol Wojtyla sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920. Bé mất mẹ, là bà Emilia Kakorrows, ngày 13 tháng 4 năm 1929, lúc cậu chưa tròn 9 tuổi.

Ngài ghi trong sách về ơn gọi linh mục của mình rằng: “Khi tôi mất mẹ, tôi chưa được rước lễ lần đầu. tôi mới độ 9 tuổi, cho nên tôi không nhớ rõ ràng về những gì mẹ tôi đã chăm dưỡng tôi. Nhưng chắc chắn sự chăm sóc ấy rất quan trọng, đặc biệt là việc giáo dục tôn giáo cho tôi. Sau khi mẹ tôi qua đời, người anh trưởng của tôi Chúa cũng cất về. Tôi còn một mình với cha tôi, một ông già rất hiền lành và sùng đạo. Gương của cha tôi cách nào đó, đã là chủng viện trước tiên của tôi”. (Jean-Paul II: Ơn Gọi của tôi, Ma Vacation, don et mysrère, Bayard-Cerf-Fleurus-Téqui, 1996, tr. 34).

Karol Wojtyla mất anh là Edmund năm 1932. Người ta biết, theo trong cuốn tiểu sử đồ sộ của George Weigel viết về Đức Giáo Hoàng đã trưng dẫn cuốn sách mang tựa đề: “Đức Gioan Phaolô II chứng nhận niềm hy vọng” (Jean Phaul II, Témoin de l’Espérance” của Jean Claude Lartés, 1999 trang 43). Ông này đã viết rằng cậu Karol Wojtyla có một người chị cả mất khi còn bé, mà chẳng ai biết gì đến cô, cả đến tên nữa. Sau này người ta được biết qua lời Đức Giáo Hoàng kể lại về người chị này trong chúc thư của ngài.

Nhiều người đã viết để giải thích và suy diễn nhiều về trường hợp cái chết sớm của mẹ cậu bé Karol Wojtyla. Có nhiều ký giả còn quyết đoán, dựa vào khoa phân tâm học để giải thích cho rằng lòng sùng mộ Đức Maria của cậu Karol Wojtyla, lòng sùng mộ này có lẽ hệ tại ở việc chuyển đổi tình yêu mến từ người mẹ trần thế đến người mẹ thiêng liêng trên trời mà thôi.

- Nhiều người dã đi tới khẳng định rằng Giáo Huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về phụ nữ và bí tích truyền chức, phản ánh một quan niệm không vững về phụ nữ, có từ sự qua đời của bà Emila”

Trường hợp của Đức Gioan Phaolô II chẳng lẽ chúng ta không thể so sánh được với trường hợp của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu tại Lisieux, vị thánh này cũng mồ côi mẹ, và dành cho cha một sự trọng kính rất sâu xa ư? Chắc chắn là nơi Đức Gioan Phaolô II và nơi thánh nữ Têrêsa tại Lisieux, Đức Maria trước hết là “người mẹ”. Đức Maria là mẹ hơn là Nữ Vương. Nói theo kiểu nói thời danh của thánh Têrêsa vậy. Tiếng “mẹ”, có thể vang dội cách đặc biệt mạnh mẽ, khi ta phải đau đớn lúc còn rất trẻ đã mất mẹ trên đời, đã mồ côi mẹ. Chắc chắn là điều bất hạnh và đau khổ nhất trên đời, dù ta không thể giải thích được lý do tại sao.

. Xin Đức Maria Đi Với Chúng Con!

Giữa làng Wadơwice có nhà thờ kính Đức Mẹ. Ở đây cậu Karol Wojtyla đã được rửa tội. Tại ngôi đền thờ này người ta tôn kính bản sao bức ảnh Đức Nữ Trinh Da Đen (Notre Dame), là ảnh tượng thuộc quốc gia Ba Lan. Cũng có mộr nhà nguyện bên cạnh, dâng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tước hiệu của Đức Maria gắn với linh đạo Dòng Kín Carmelô. Xa xa trên đồi lại có nhà Dòng các cha dòng Carmelô –(Xin nhắc lại rằng danh xưng đúng là Dòng Rất Thánh Đức Nữ Trinh Núi Carmelô)- Như thế, là Dòng chủ yếu của Đức Mẹ. Ngay từ ban đầu thuộc thế kỷ 13, các cha Dòng phổ biến lòng mộ mến Áo Đức Mẹ Núi Carmelô. Đức Giáo Hoàng nhớ lại: “Tôi cũng nhận áo Đức Mẹ, hình như vào lúc 10 tuổi, và tôi mang áo ấy mãi! Vì thế mà thành hình nơi tôi, trong nhà thờ giáo xứ cũng như trong nhà thờ Dòng Kín lòng sùng kính Đức Mẹ trong thời niên thiếu và tuổi thanh niên của tôi”. (Ma Vocation tr. 41, xem Đức Giáo Hoàng: Hãy Vào Đường Hy Vọng Plon 1994 tr. 401- Thư Lettre pour l’anné mariale Carméli-taire, 25.3. 2001: “Tôi cũng mang trong trái tim tôi, từ đó và lâu năm, Áo Đức Bà Núi Carmelô!)-

Mang Áo Đức Mẹ Carmelô trước là để giúp ta luôn nhớ tới sự phù hộ của Đức Nữ Trinh Maria dọc suốt cả cuộc đờ, sau là để xin Đức Mẹ gìn giữ luôn sống đẹp lòng Chúa. Đức Giáo hoàng cũng thế, ngài mang áo này mãi cho tới giờ phút ngài qua đời. Đó là áo che chắn giúp người Kitô hữu tránh xa kẻ thù là tội lỗi và luôn sống gắn bó với Đức Mẹ bằng lời cầu nguyện và đời sống nội tâm. Đối với những người mang áo ấy, lòng sùng kính Đức Maria không chỉ hời hợt ở bên ngoài da thịt, mà còn trở nên rất sâu xa trong đời sống đức tin nữa.

Tại Ba Lan, cách xa Wadowice độ mươi cây số, có một trong nhiều “nơi cao”. Nơi hành hương trong xứ là Kalawaria Zebrzydowska. Thánh điện này có hai đường đi tới: một đường đi tới Chúa Giêsu, được điểm bằng hai mươi bốn nhà nguyện, và một đường đi tới Đức Mẹ có hai mươi mốt nhà nguyện. Nơi hai con đường giao nhau, có nhà nguyện lớn hơn cả, nhà nguyện này dâng kính Đức Mẹ Lên Trời. Tại đây, cứ ngày 15 tháng 8 hằng năm dân chúng từ khắp miền Nam Ba Lan theo truyền thống tuốn về đông đảo làm nên một cuộc hành hương vĩ đại kính viếng Đức Mẹ.

Vẻ sắp đặt địa lý của thánh điện, mang cả một ý nghĩa thần học, mà cậu Karol Wojtyla thời trẻ cũng như về sau khi là vị Tổng Giám Mục Cracovie, đã không bỏ bất cứ cơ hội nào thuận tiện để tới đó suy gẫm và cầu nguyện. Những ý tưởng về “con đường”, “tiến bước”, “hành hương” rất thiết yếu trong Thánh Mẫu Học của Đức Gioan Phaolô II. Chắc hẳn Ngài đã gặp được ở nơi đây nguồn cảm hứng phong phú. Hai con đường của Đức Maria và con đường của Chúa Giêsu Kitô lại gặp nhau tại Kalwaria. Người ta nghĩ, theo từng bước chân ngài là lòng sùng kính Đức Maria đưa tới Chúa Kitô, lòng sùng kính này chỉ có thể là căn bản vững chắc dẫn tới Chúa Giêsu Kitô mà thôi.

Chính Đức Giáo Hoàng đã kể lại rằng trong những lần ngài kính viếng Kalawaria trước kia, còn ghi đậm nét lòng hiếu thảo yêu mến một cách rất sâu xa đối với Đức Maria. Ngài viết: “Một dạng sùng kính khác đối với Đức Mẹ, tôi thấy đó là những cuộc hành hương thánh thiện truyền thống đi tới Kalawaria Zebrzydowska “Nơi Cao” của vùng này. Nơi đây có đăc điểm không chỉ tập trung vào Đức Maria mà còn là điểm để đi tới Chúa Kitô. Nơi đây tôi được liên kết chặt chẽ với chiều kích Kitô học. Chính đó là điều tôi học được từ những cuộc hành hương tới Kalwaria Zebrzydowska. -(Hãy vào đường hy vọng tr. 308-309:)-

Ngay từ thuở bé, và hơn nữa khi làm linh mục, làm giám mục, tôi hằng được dẫn tới những con đường mòn của Đức Mẹ tại Kalwaria Zebrzydowska. Tôi thường tới đó và một mình thong thả bước đi theo dọc con đường mòn, đọc kinh dâng lên Chúa Kitô và dâng lên Mẹ các vấn đề của Giáo Hội”, (Ma Vacation tr. 44).

Nhân dịp cuối cùng ngài hành hương về Ba Lan thăm quê hương hồi tháng 8 năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặc biệt muốn tới thánh điện rất yêu quí Kalwaria này.

Thời trai trẻ học trung học, Karol Wojtyla đã là thành viên Hội Con Đức Mẹ, qui tụ các thanh niên, với mục đích chấn hưng lòng sùng kính Đức Mẹ Thiên Chúa. Đã hai lần, Karol Wojtyla được chọn làm Hội Trưởng (1936-1937). Trong đệ nhị thế chiến năm 1941, tại giáo xứ dòng thánh Don Bosco, khu phố Debniki tại Cracovie, người sinh viên trẻ Karol Wojtyla tham gia nhóm bạn trẻ qui tụ chung quanh anh Jan Tyranowski, khi hàng giáo sĩ Dòng đã bị Đức Quốc Xã bắt đi. Anh thanh niên “người thợ may thần nhiệm” này đã thi hành huấn quyền thiêng liêng giúp các bạn trẻ khu phố. Nhân vật lạ lùng này chỉ tự học trong tủ sách anh lưu trữ được những điều về Chúa và Đức Mẹ, thế nhưng anh đã có một đức tin và lòng đạo đức vững vàng, đặc biệt là lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.

Anh lập nhóm “Kinh Mân Côi sống động” anh đưa các “đệ tử” tập đọc về thánh Gioan Thánh Giá và về thánh nữ Têrêsa Avila. Karol Wojtyla trở thành một trong những thành viên sốt sắng đi đầu và thủ lãnh nhóm”Kinh Mân Côi sống động” gồm sáu chục hội viên. Việc đó không có nghĩa là không gặp những nguy hiểm trong những năm chiến tranh. Thời đó, tất cả những sinh hoạt tập thể và những cuộc hội họp đều bị cấm nghiêm ngặt nên những sinh hoạt hay các buổi cầu nguyện và hội họp của nhóm đều phải họp lén lút.

Sau này khi nhắc lại thời khó khăn ấy, Đức Giáo Hoàng đã tâm sự Ngài còn giữ mãi lòng biết ơn sâu xa đối với anh Jan Tyranowski. Qua anh, ngài đã được tăng cường những điều đã nảy mầm tại nhà thờ giáo xứ Wadowice cũng như tại tu viện các cha Dòng Carmelô về linh đạo Carmelô của lòng sùng kính Mẹ và thần học về Đức Maria.

. Một Trái Tim Hiền Mẫu

Trong phần gợi nhớ qua tuổi thơ và tuổi thanh niên của Đức Giáo Hoàng, chúng ta thấy như vậy là đã đặt xong những trục lớn về Thánh Mẫu Học của ngài:

- Trung tâm là Chúa Kitô,
- Tính năng động của hành trình,
- Sắc thái linh đạo Carmelô
- Lòng hiền mẫu của Mẹ Maria.

Chắc chắn điều sau cùng này là nét nổi bật trong Thánh Mẫu Học của Đức Gioan Phaolô II. Hơn các từ khác, ngài ưa thích từ “mẹ” để chỉ về Đức Trinh Nữ Maria:

Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa,
Mẹ Đấng Cứu Chuộc,
Mẹ của Giáo Hội,
Mẹ của loài người.
Mẹ sinh ra niềm hy vọng.
Mẹ của các linh mục,
Mẹ ban bình an,
Mẹ của ơn giao hoà,
Mẹ chỉ bảo đàng lành v.v.

Trong thông điệp Redemptoris Mater, Mẹ Chúa Cứu Chuộc, danh từ “Mẹ” được viết tới 214 lần, danh từ “lòng mẹ” được viết 61 lần, và danh từ “thuộc về mẹ” được viết 37 lần! Cứ luật chung, tĩnh từ này chỉ tính chất các điều liên hệ tới Đức Maria: vai trò hiền mẫu vì sự cầu bầu của Mẹ hiền

. Một Trái tim hiền mẫu

Việc nâng đỡ từ mẹ hiền, sự trung gian của mẹ hiền, sự hiện diện của Mẹ hiền, v.v. Đây phải làm cho ta hiểu, như ngài đã viết trong Thông điệp đầu tay: “theo chiều hướng nào, Giáo Hội luôn cần đến Mẹ, đặc biệt trong thời đại chúng ta cần đến một người mẹ” –(Redemptoris Hominis 1979, số 22)-.

Lúc dịch sang Anh ngữ cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, một số những người đòi luật nữ quyền muốn rằng Thiên Chúa không những được gọi là cha, mà cũng gọi là mẹ nữa. Quả thực thì Thiên Chúa vượt ra ngoài dị biệt giới tính. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã chính thức mạc khải ngài là cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Tuyệt nhiên Thiên Chúa không thể là mẹ của Chúa Giêsu, vì mẹ Chúa Giêsu là Mẹ Maria. Qủa thực, trong Đức Mẹ Maria có một điều gì đó- theo nghĩa nào đó- chứng tỏ một chiều kích hiền mẫu của tình yêu của Thiên Chúa. Trong cuộc triều yết chung ngày 15 tháng 10 năm 1997 Đức Giáo Hoàng đã giải thích: “Khi chọn Đức Maria làm mẹ cả nhân loại, Cha trên trời đã muốn mạc khải chiều kích có thể gọi là hiền mẫu của lòng Thiên Chúa âu yếm thương ta”.

. Một Trái Tim Đại Kết

Việc nhấn mạnh về mẫu tính của Đức Maria cũng có tầm vóc đại kết. Người ta đều biết ông Luther gắn bó tầm quan trọng hàng đầu với Công Đồng Ephesô và từ ngữ Théotokos: Đức Mẹ Chúa Trời. Trong chú giải ca vịnh Magnificat, ông Luther viết rằng ta không thể tóm gọn các điều lạ lùng mà Thiên Chúa đã làm cho Đức Maria Nữ Trinh. Ông giải thích thêm: Vì thế, người ta tóm lược tất cả danh từ Đức Maria vào một từ, khi gọi Ngài là Mẹ Thiên Chúa (Théotokos). Khi nói về Ngài, khi thân thưa với Ngài, không ai có thể nói gì cao trọng hơn được nữa, dù họ có nhiều miệng lưỡi như lá cây, dù họ có nhiều miệng lưỡi như lá cỏ, như sao trên trời và như cát dưới biển. Phải có một tập trung sâu xa mà xem xét danh từ “Mẹ Thiên Chúa: Theotokos” là gì -(Luther: Traité sur le Magnifi-cat- Luận khảo về Ca Vinh Magnifi-cat, 1521. Những nghiên cứu về bút tích của Luther đã góp phần vào việc tạo nên sự chú ý mới của Tin Lành và Anh Giáo, về nhiều chủ đề khác nhau trong giáo lý về Đức Maria. Cho nên Giáo Hội Công Giáo rất vui mừng khi thấy những anh em không Công Giáo tôn vinh Đức Maria. Như vậy đã tỏ bày tính hiền mẫu phổ quát của Đức Mẹ. Điều này có thể giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn và xóa bỏ những chia rẽ đã làm dịp tạo nên biết bao đau khổ cho bao nhiêu người qua bao thế hệ” (Đức Gioan Phaolô II: triều yết chung ngày 12 tháng 11 năm 1997).

Về phần Chính Thống giáo, người ta làm nổi bật hết những gì đã bao hàm trong khẳng định tín điều ấy, tại Công Đồng Ephêsô, tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vì vậy, thế giới Chính Thống giáo giữ im lặng đối với những tín điều mới về Đức Maria. Trong những chủ đề phải đào sâu để đạt tới một sự đồng tâm nhất trí chân thực trong Đức Tin, mà lòng nhiệt thành đại kết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được mọi người đều biết. Ngài đã kể: “Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Ảnh thánh của Giáo Hội, Mẹ tinh thần hằng chuyển cầu cho các môn đệ Chúa Kitô và cho cả nhân loại. (Ut unum sint, thông điệp năm 1995, số 7)

Không có chút hồ nghi nào, việc Đức Nữ Trinh Maria, như người mẹ rất dịu hiền, hằng làm việc cho cuộc giao hoà trong gia đình này của Thiên Chúa. Người ta có thể vững tâm tin tưởng rằng không có trái tim đại kết nào quan trọng và nhiệt tình hơn trái tim đại kết của Đức Maria (triều yết chung ngày 11 tháng 5 năm 1983).

. Hiện Diện Dịu Dàng

Khái niệm về “lòng mẹ” chắc cũng có trong thần học của Đức Gioan Phaolô II, theo một chiều kích triết học. Khái niệm ấy gắn liền với chủ đề “ngôi vị” y như đã được khai triển, chẳng hạn nơi Em-manuel Mounier, theo luồng “học thuyết nhân vị cộng đồng (Về ảnh hưởng của E. Mounier đối với Karol Wojtyla, xem Rocco Bultiglione: La pensée de Karol Wojtyla, Fayard, 1984).

Như Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh trong Thông Điệp Redemptoris Mater: “Tình Mẹ có đặc tính là qui vào nhân vị. Tình mẹ hằng xác định một quan hệ duy nhất tuyệt đối giữa hai nhân vị: quan hệ mẹ với con và con với mẹ. Cả khi một phụ nữ có đông con, thì mối tương quan riêng biệt với từng người con cũng là đặc điểm tình mẫu tử trong yếu tính làm mẹ. Quả thế, mỗi người con được sinh ra một cách duy nhất tuyệt đối, và việc ấy cũng đủ là giá trị cho mẹ cũng như cho con. Mỗi người con, một cách duy nhất, được bao bọc bằng tình yêu hiền mẫu, trên tình yêu ấy thiết lập cả việc giáo dục, cả việc nuôi dưỡng, cả việc trưởng thành nhân bản. Ta có thể nói được rằng có một suy loại giữa tình mẹ “trong trật tự tự nhiên” làm đặc tính giữa mẹ và con mình”.

Tình mẫu tử của Đức Maria như vậy đã cung cấp cho Đức Gioan Phaolô II không những một đề tài phong phú để suy gẫm, mà nhất thiết còn là một sự chắc chắn thanh thản về một hiện diện riêng của Đức Maria trong định mệnh từng con người và định mệnh hết mọi người. Đức Maria không bao giờ vắng mặt khỏi mọi biến cố trong cuộc đời sinh tồn cụ thể của chúng ta. Đức Mẹ cũng có một quan hệ duy nhất với lịch sử riêng tư của từng người, cũng như với vận mệnh chung của cả nhân loại.

(còn tiếp)

Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 24.01.2005. 23:44