Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

“Bóng Tối” của Mẹ Têrêxa

§ Phụng Nghi

(VietCatholicNews 05/09/2007)

Bình luận của Tạp chí National Catholic Register

Chúng ta không ngạc nhiên về chuyện Tạp chí Time dùng kỷ niệm 10 năm ngày mất của Mẹ Têrêxa để gợi ý rằng Mẹ đã hồ nghi không biết có Chúa thật hay không. Thực ra, để kỷ niệm sự chết và phục sinh của Đức Kitô, các tuần báo láng lẩy trên toàn quốc cũng thường đặt ngay trang bìa những câu chuyện gieo mối nghi ngờ về chính cả Đức Giêsu nữa.

MotherTeresa-10yr1.jpg

Bài báo trên tạp chí Time: “Cuộc Khủng Hoảng Đức Tin của Mẹ Têrêxa” đặt trọng tâm vào mấy câu trong vài lá thư của Chân Phước Têrêxa in trong một cuốn sách mới xuất bản, để ám chỉ rằng đằng sau nhân cách công khai của Têrêxa một người có lòng tin, lại là một linh hồn bị các mối nghi nan hành hạ.

Bài báo đặt trọng tâm vào cuốn sách của Lm. Kolodiejchuk thuộc Tu hội Bác ái Truyền giáo, là cáo thỉnh viên xin tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa.

Nhưng nội dung cuốn sách không có gì mới lạ - tạp chí National Catholic Register chúng tôi đã phỏng vấn cha Kolodiejchuk về cùng những đề tài này từ năm 2003. Và các ghi chép của Mẹ Têrêxa chứng tỏ rằng đức tin của Người chẳng kém mà lại còn lớn lao hơn chúng ta tưởng.

Càng học hỏi về Mẹ Têrêxa chúng ta càng khám phá thấy rằng, ngay giữa hàng các thánh, Mẹ cũng là người nổi trội. Mẹ cũng sâu sắc ngang bằng với các vị trùng tên, như Têrêxa Avila và Têrêxa Lisieux.

Nhiều câu chuyện chung quanh đời Mẹ đã mô tả sai lạc rằng Mẹ là người phụ nữ vì quá cảm động bởi lòng thương xót người nghèo nên vui vẻ dấn thân phục vụ họ. Nhưng Mẹ đã không vui vẻ đâu.

“Làm sao vui cho được? Tôi đã và đang rất là hạnh phúc được làm một nữ tu Loreto. Từ bỏ điều tôi yêu thích để dấn thân vào những lao nhọc và khổ đau mới – dù là cao cả - làm trò cười cho nhiều người, đặc biệt là hàng giáo sĩ, chủ tâm gắn bó và lựa chọn cuộc sống cơ cực của một người Ấn độ, cô đơn và nhục nhã, bất trắc – và tất cả như thế vì Đức Giêsu muốn vậy, vì có tiếng kêu gọi tôi từ bỏ mọi sự để sống cuộc sống của Người và làm công việc của Người tại Ấn độ.”

Vị cáo thỉnh viên nói rằng tiếng “Xin Vâng” của Mẹ được thưởng công bằng “sự kết hợp mạnh mẽ, gần gũi và thực sự với Chúa Giêsu trong hai năm 1946 và 1947.” Nhưng rồi Mẹ cảm nghiệm điều mà hai vị thánh Têrêxa Avila và Têrêxa Hài đồng đã cảm nghiệm: đó là cảm giác hấp hối bị Chúa bỏ rơi được thánh Gioan Thánh giá gọi là “đêm tăm tối của linh hồn.”

Đêm tối tăm về tinh thần này chẳng có gì giống những nỗi hoài nghi dằn vặt của con người “hậu hiện đại”. Đó cũng chính là cảm nghiệm như cơn hấp hối của Đức Giêsu trên thập giá khi Người nói: “Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa bỏ con” và “Ta khát.”

Điều khác biệt giữa sự hoài nghi của một người vô thần thời hiện đại và đêm tối tinh thần thì rõ ràng như sự khác biệt giữa một câu ghi chú “John thân mến” với một lá thư “Johnny, em nhớ anh.” Các vị thánh nhân này không bao giờ ngừng sự liên lạc với Chúa; trái lại sự liên lạc đó lớn mạnh khi họ khao khát được đoàn tụ với Người. Họ sống cái cảm nghiệm được mô tả trong sách Diệu Ca: “Em tìm chàng người trái tim em yêu dấu – Em tìm chàng nhưng không thấy được chàng đâu.”

Têrêxa Avila và Têrêxa Lisieux chịu cảnh đêm đen tăm tối chừng một hay hai năm, còn nơi Mẹ Têrêxa nó kéo dài tới 50 năm. Linh mục cáo thỉnh viên nói: “Mẹ đã chia sẻ vào lòng khao khát mãnh liệt và nỗi khổ đau của Người mà Mẹ yêu dấu.”

Không bao giờ che dấu đi khía cạnh này trong đời sống đức tin của mình như bài báo suy diễn, Mẹ Têrêxa đặt những điều sáng suốt Mẹ nhờ đó nhận được, làm trọng tâm của đời sống tinh thần trong tu hội. Trong các nhà nguyện của dòng Bác ái Truyền giáo, phía bên trên nhà tạm chỉ treo độc nhất một cây thánh giá với hàng chữ “Ta Khát.”

Cha nói tiếp: “Đối với tôi đây là hành động anh hùng nhất trong cuộc sống đạo đức của Mẹ. Mẹ không chỉ chia sẻ sự sự nghèo nàn thể chất của người nghèo khó, nhưng cũng còn chia sẻ những nỗi khổ đau của Đức Giêsu – niềm khao khát được kết hợp của Người như được diễn tả trong vườn Giệtsimani và trên cây thánh giá.”

Những cảm nghiệm độc nhất của Mẹ làm cho Mẹ trở thành người bầu cử mạnh mẽ nhất cho Giáo hội của thế kỷ 21.

Cũng như nếu thông điệp của Đức Giêsu ngày trước chỉ dành cho riêng Mẹ Têrêxa thì nay - với việc phát hành các lá thư của Mẹ – được dành cho toàn thế thể Giáo hội.

Trong một lá thư năm 1946 Mẹ viết cho một vị giám mục về việc Đức Giêsu kêu gọi Mẹ. Chúa Giêsu nói: “Con sợ hãi. Nỗi sợ của con làm Cha đau lòng. Đừng sợ. Chính Cha là người xin con làm việc này cho Cha. Đừng sợ. Ngay cả khi cả thế giới chống lại con, cười nhạo con, bạn bè và người trên coi thường con, đừng sợ. Chính Cha ở trong con, với con, vì con.”

“Con sẽ chịu đau khổ, đau khổ rất nhiều, nhưng hãy nhớ rằng Cha ở với con. Cứ vâng lời thôi – vâng lời vui vẻ và mau mắn, không thắc mắc. Chỉ vâng lời thôi. Cha sẽ không bao giờ bỏ con nếu con vâng lời.”

Thời đại chúng ta quá đề cao vẻ đẹp thể chất. Nhưng vẻ đẹp của Mẹ Têrêxa cùng lúc vừa là một trong những khuôn mặt hấp dẫn nhất vừa không hấp dẫn nhất thế giới trong ký ức gần đây. Thời đại chúng ta ghét sự giả hình – và Mẹ Têrêxa sống ơn gọi của mình để phục vụ người nghèo dù đến tận lực vì họ cũng vui. Thời đại chúng ta hoài nghi về đức tin – nhưng Mẹ Têrêxa giữ vững đức tin của mình bất chấp những khổ cực về thể xác và tinh thần quá sức tưởng tượng.

Mười năm sau khi đã lìa đời, hơn bao giờ hết Mẹ Têrêxa đang tạo niềm hứng khởi cho tất cả chúng ta.

Phụng Nghi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 05.09.2007. 14:17