Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bản nhận định về tình trạng xã hội Việt Nam với các chủ đề trong cuốn Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

§ Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tôi xin trình bày vắn tắt về một số vấn đề xã hội ở Việt Nam liên quan đến những chủ đề mà Bản Toát Yếu Học thuyết Xã hội Công giáo đã gợi ý cho chúng ta.

1. Hoàn cảnh đặc biệt về xã hội và Giáo hội Việt Nam

Hoàn cảnh Việt nam có rất nhiều điểm tương đồng với các nước trong khu vực Á Châu. Với dân số hơn 84 triệu (tính đến cuối năm 2006), Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, số người nghèo còn chiếm khá cao (26% dân số), đa số người dân sống ở vùng nông thôn (73% dân số), dân số trẻ (60% dân số dưới 30 tuổi), thu nhập bình quân thấp, mức sống giữa thành thị và nông thôn khá cách biệt, tình trạng di dân vào các đô thị lớn ngày càng tăng, số người theo Công giáo tương đối ít (7% dân số), trình độ học vấn tương đối thấp, số người thất nghiệp cao. Sau 30 năm chiến tranh (1945-1975), Việt Nam phải phục hồi lại nhiều nhà cửa đổ nát, nhiều tâm hồn bị xâu xé do những ý thức hệ khác nhau, nhiều nạn nhân chiến tranh cần được nâng đỡ trong đời sống hằng ngày: thương binh (hơn 1 triệu), trẻ mồ côi (2 triệu), người tàn tật (5,5 triệu), người goá bụa (2,4 triệu)… Hơn nữa, Việt Nam phải đối mặt với nhiều tệ nạn xã hội như tham nhũng, quan liêu, ma tuý (165.000), HIV/AIDS (260.000), mại dâm, uống và nghiện rượu (20 triệu), phá thai (1,4 - 2 triệu/năm), bạo hành trong gia đình…

Trong ít năm gần đây, mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam gia tăng đáng kể, kéo theo sự phát triển về giáo dục, y tế, thông tin, văn hoá. Việt Nam vừa mới gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà rất nhiều người vẫn chưa lường trước được những sự cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường. Sự bùng nổ về thông tin, nhất là qua các phương tiện truyền thông xã hội như phim ảnh, sách báo, truyền hình, internet, đã hút nhiều người Việt Nam, nhất là giới trẻ, vào một đời sống hưởng thụ vật chất, chạy theo khoái lạc, coi thường nhân nghĩa và lòng trung thực, rời bỏ truyền thống văn hoá tốt đẹp của tổ tiên…

2. Những gợi hứng từ Bản Toát Yếu

Bản Toát Yếu đã gợi ý cho Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) suy nghĩ để tìm ra những giải pháp cho nhiều vấn đề mà dân tộc chúng ta đang phải đối mặt. Đó là tìm hiểu giá trị sự sống con người trước nạn phá thai, tai nạn giao thông, nạn bạo lực trong xã hội; bảo vệ nhân vị và quyền con người trước nạn bạo hành trong gia đình và xã hội; nêu cao giá trị của gia đình và bí tích Hôn Nhân đối với lối sống thử trước khi kết hôn và tình trạng ly hôn; tìm hiểu giá trị lao động, quyền được có thù lao và thu nhập công bằng trước nạn bóc lột lao động đối với những người di dân, phụ nữ và trẻ em; bảo vệ sự trung thực trước nạn hàng giả, hàng lậu trong hoạt động kinh doanh; cổ vũ tình đoàn kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong việc sản xuất trước tình trạng chia rẽ, lạc hậu của một số doanh nghiệp Việt Nam sau khi gia nhập WTO; vận động bảo vệ môi trường sống trong sạch và lành mạnh trước nạn phá rừng bừa bãi, đổ chất thải, gây ô nhiễm tại Việt Nam.

Thật ra, trong vài năm trước đây, một số giáo phận tại Việt Nam đã tổ chức các buổi thường huấn cho các linh mục, tu sĩ, cũng như đào tạo chủng sinh trong các chủng viện dựa trên nội dung cuốn The Social Agenda, năm 2000, của Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình về những vấn đề xã hội. HĐGMVN trong các thư mục vụ hằng năm cũng luôn nhắc nhở người tín hữu quan tâm đến một số vấn đề xã hội để làm chứng cho Tin Mừng của Đức Giêsu. Nhiều dòng tu nam, nữ vẫn đang có những hoạt động cứu giúp những trẻ mồ côi, tàn tật, các phụ nữ lỡ lầm, các người nghiện ma tuý và bệnh nhân HIV/AIDS hoặc mở các lớp tình thương cho những trẻ em nghèo.

Tuy nhiên, có thể nói rằng những người tín hữu Việt Nam, dù thường xuyên và đông đảo tham gia các nghi lễ phụng tự, nhưng vẫn giữ một nếp sống đạo đức theo tính cách cá nhân hơn là cộng đồng và không mấy quan tâm đến những vấn đề xã hội. Hơn nữa, trong một đất nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa, ít có tiếng nói chính thức nào ngoài tiếng nói của chính quyền trước những vấn đề như công lý, hoà bình trong xã hội, hoặc trước những vấn đề cụ thể như giáo dục lương tâm, kế hoạch hoá gia đình, lao động, đình công… Ngay cả nhiều vị chủ chăn trong Giáo Hội Việt Nam cũng chưa lên tiếng về những vấn đề này.

Đất nước Việt Nam đang có những thay đổi hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ khi hội nhập vào cộng đồng thế giới. Nhiều quan chức nhà nước đã nhận định cần phải giáo dục lương tâm ngay chính cho con người Việt Nam, cải tiến nền giáo dục hiện tại, công khai tuyên chiến với nạn tham nhũng trong các hệ thống chính quyền cũng như sự buôn bán giả dối của một số thương nghiệp Việt Nam. Các vị chủ chăn Việt Nam có thể có nhiều điều kiện hơn để tham gia vào các hoạt động xã hội như giáo dục, y tế, văn hoá, nghệ thuật… để xây dựng một nền văn minh tình yêu và văn hoá sự sống theo những chỉ dẫn trong giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo.

3. Đường hướng dấn thân vào xã hội của Giáo hội Việt Nam

Có thể nói rằng Bản Toát Yếu từ nay sẽ giúp cho Giáo hội Việt Nam định hướng đúng đắn cho các hoạt động xã hội của mình.

Chúng ta vừa hoàn thành bản dịch Việt ngữ của Bản Toát Yếu Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo gồm 12 chương với phần Mục lục Trích dẫn (Index of References) và phần Mục lục Phân tích Chủ đề (Analytical Index), hy vọng sẽ xuất bản và phổ biến cho cộng đồng tín hữu Việt Nam vào quý II trong năm nay. Chúng ta sẽ tổ chức các khoá học tập về nội dung cuốn Toát Yếu này cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển của các hội đồng giáo xứ trong các giáo phận ở Việt Nam cũng như đưa vào chương trình học trong các chủng viện và tu viện. Chúng ta đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo giới trẻ và sẽ giới thiệu những đề mục như tình yêu và gia đình, lao động và di dân, bảo vệ sự sống và sức khoẻ sinh sản, giáo dục và phát triển, môi trường và sự sống, công lý và hoà bình… được biên soạn thành từng tập sách nhỏ theo nội dung cuốn Toát Yếu trong các buổi gặp gỡ, hội thảo dành cho thanh thiếu niên.

Nhưng điều chúng ta quan tâm nhất để biến giáo thuyết này thành hiện thực không phải chỉ là việc phổ biến cuốn sách mà là áp dụng những nguyên tắc đề ra trong cuốn Toát Yếu vào đời sống thực tế của người tín hữu Việt Nam để đào tạo họ trở thành hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô, trong một bối cảnh xã hội đang thay đổi nhanh chóng mà vẫn giữ được những nét tốt đẹp của nền văn hoá truyền thống Việt Nam. Muốn đạt được điều này, chúng ta cần phải suy tư, nghiên cứu nhiều hơn nữa và nhất là cần có sự cộng tác của nhiều người trong lĩnh vực xã hội.

Xin cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe và cầu chúc tất cả được tràn đầy ơn Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.07.2007. 10:30