Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bài diễn văn của vị tân tổng thống Mỹ Barack Obama

§ Nguyễn Khanh

WASHINGTON 21/01/09 -- Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tuyên thệ nhậm chức, và ngay sau đó đọc bài diễn văn đầu tiên của ông gửi người dân Hoa Kỳ và thế giới.

Nguyễn Khanh của Đài Á Châu Tự Do có bài sau đây nói về bài diễn văn của vị tân tổng thống Mỹ.

90120Inauguration.jpg

TT Barack Obama tuyên thệ nhận chức
Nghe | Download

Trong bài diễn văn kéo dài đúng 19 phút đồng hồ, Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói hôm nay là ngày đánh dấu mọi người sẽ cùng ông bắt bắt đầu công tác “tái tạo nước Mỹ”, một công tác mà ông báo trước sẽ rất khó khăn, ở vào đúng thời điểm rất khắc nghiệt.

Tôi khiêm nhường đứng đây giữa những sứ mệnh ở phía trước, tôi biết ơn sự tin tưởng các bạn đã dành cho, và nhớ đến những hy sinh mà tổ tiên chúng ta đã phải trải qua.

Hôm nay, tôi xin nói với các bạn rằng các thách thức mà chúng ta đối mặt là có thật. Các thách thức này rất nghiêm trọng và rất nhiều. Chúng ta không thể vượt qua dễ dàng hay chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng các bạn cần biết điều này: chúng ta sẽ vượt qua”.

Đương đầu với mọi thử thách

Vị Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ nói rằng những thử thách mà ông và nhân dân đang phải đương đầu đến từ nhiều hướng, và “nhìn đâu cũng thấy những công việc cần làm”. Ông nhắc nhở mọi người rằng đất nước Hoa Kỳ “đang ở thời chiến tranh, nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng”, đi kèm với những trở ngại về giáo dục, y tế và xã hội, cũng như chính nước Mỹ không được sửa soạn để đối phó với thực tế của “một thời đại mới”. Ông Obama nói tiếp:

Để tái khẳng định sự vĩ đại của đất nước này, chúng ta phải hiểu sự vĩ đại không bao giờ là chuyện tự nhiên mà có, mà phải tranh đấu mới có.

Ông kêu gọi:

Bắt đầu từ hôm nay, tất cả chúng ta phải tự đứng dậy, giũ bỏ bụi bẩn và bắt đầu lại công việc tái tạo nước Mỹ.

Các thách thức hiện nay có thể là mới mẻ, nhưng những giá trị lám nên thành công như sự chăm chỉ và trung thực, dũng cảm và công bằng, khoan dung và hiểu biết, trung thành và yêu nước đều là những điều đúng những đã cũ kỹ. Đòi hỏi của chúng ta hiện nay là một kỷ nguyên mới về trách nhiệm, điều mà tất cả mọi công dân Hoa Kỳ đều phải nhận thức thấy là chúng ta có trách nhiệm với chính bản thân, với đất nước, với thế giới, trách nhiệm mà chúng ta không thể cau có khi được trao phó, mà là hãnh diện nhận lãnh.

Ông Obama cũng dùng bài diễn văn để gửi một thông điệp đến toàn thế giới. Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chương trình giúp xoá đói giảm nghèo, tiếp tục thực chương trình hợp tác phát triển giáo dục.

Ông cũng nhắc lại những điều đã cam kết với cử tri là “sẽ rút quân một cách có trách nhiệm ra khỏi Iraq, trao nhiệm vụ cho người dân nước này”, và quyết tâm “xây dựng hoà bình cho Afghanistan”. Ông cũng hứa “sẽ làm việc không ngừng nghỉ để giảm bớt hiểm hoạ hạt nhân” và hợp tác cùng cộng đồng thế giới để giải quyết hiện tượng trái đất nóng dần.

Sẵn sàng với mọi thách thức

90120Inauguration1.jpg

Dưới cái lạnh 20 độ F, gần 2 triệu dân Mỹ dự lễ nhận chức của TT Barack Obama

Bên cạnh những hứa hẹn hợp tác đem lại lợi ích đó, ông cũng đưa ra một lời cảnh báo:

Với những kẻ tìm cách đạt đến mục đích bằng cách kích động khủng bố và tàn sát người vô tội, chúng ta nói với chúng rằng tinh thần của chúng ta đã vững mạnh hơn và không thể bẻ gẫy được. Chúng ta sẽ đánh bại chúng.

Tân Tổng Thống Hoa Kỳ cũng nói rằng Hoa Kỳ là “đất nước của Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo, của Do Thái Giáo và Ấn Giáo, và của cả những người không theo một tôn giáo nào” trước khi chìa bàn tay thân thiện đến một tập thể quan trọng:

Với thế giới Hồi Giáo, chúng ta sẽ tìm cách thức mới để tiếp cận với họ, dựa trên những lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau.

Vị Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ kết thúc bài diễn văn lịch sử bằng câu:

Với niềm hy vọng và sự can trường, chúng ta hãy một lần nữa bền gan vượt qua những dòng thác giá lạnh và chống chọi những cơn bão có thể xảy đến. Hãy để thế hệ con cháu mai hậu của chúng ta lên tiếng nói rằng khi bị thử thách, chúng ta đã từ chối không bỏ cuộc, chúng ta đã không quay lưng ngoảnh mặt đi, cũng như không hề giao động, và với tầm nhìn hướng thẳng đến tận chân trời cùng với ân sủng của Thượng Đế, chúng ta đã tiến bước và chuyển giao tòan vẹn món quà tự do vĩ đại đó cho các thế hệ tương lai.

Quý thính giả đang nghe anh Nguyễn Khanh ghi nhận những điểm chính trong bài diễn văn của Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama.

- Phản ứng anh ghi nhận được tại chỗ của người dân Mỹ sau khi họ nghe bài diễn văn này như thế nào?

Nguyễn Khanh: Có thể nói là tất cả mọi người đều hài lòng với những điểm được ông Obama đưa ra trong bài diễn văn mà họ xem là lịch sử.

Hầu hết đều nói với tôi rằng lời lẽ của bài diễn văn này không giống như lời lẽ của những bài diễn văn ông George W. Bush đã đọc trước đây. Ý họ muốn nói rằng ông Obama bày tỏ cho thấy rõ ràng một chính sách cương quyết nhưng mềm mỏng hơn, ngoại giao hơn, không còn thuần tuý cứng rắn như chính sách của người tiền nhiệm.

Người Mỹ “cũng phải thay đổi”

Trong bài diễn văn ông Obama có nói rằng một đất nước thịnh vượng dài lâu không phải chỉ vì là một nước giầu có, mà còn phải đáp ứng được với tình thế mới, với thời đại mới. Ông Obama bảo rõ “thế giới đã thay đổi” và nước Mỹ, người Mỹ “cũng phải thay đổi”.

Những người tôi có dịp tiếp xúc cũng bảo rằng ông Obama nhắc nhở họ về những thử thách mà nước Mỹ đang phải trực diện, về trách nhiệm mà họ phải đóng góp, xem đó là trách nhiệm chung của mọi người chứ không chỉ của một mình ông hay của chính quyền. Đó là những điều tôi ghi nhận được tại chỗ.

- Giới quan sát chính trị nghĩ gì về bài diễn văn này?

Nguyễn Khanh: Tôi chú ý đến nhận định của hai chính trị gia từng làm việc với cả chính phủ Dân Chủ lẫn Cộng Hoà. Người thứ nhất là ông Dave Gregen, cố vấn cho Tổng Thống Richard Nixon, gerald Ford, Ronald Reagan và Tổng Thống Bill Clinton.

Ông Grengen bảo rằng ngoài những cảnh báo về tình hình khó khăn nội địa, bài diễn văn của ông Obama còn nhắm đến một mục đích quan trọng hơn nữa, đó là Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác chung với mọi quốc gia, để mọi người đều có thể tin tưởng vào tương lai tốt hơn, nhân phẩm được tôn trọng đúng mức.

Nhân vật thứ nhì mà tôi muốn nói đến là ông Colin Powell, cựu Tổng Tham Mưu Trưởng Quận Đội, Cựu Ngoại Trưởng, từng làm việc với các đời Tổng Thống Ronald Reagan, George Bush, Bill Clinton và George W. Bush. Ông bảo thông điệp mà Tân Tổng Thống Obama gửi cho thế giới hội đủ 2 điều kiện, là hữu lý và mạnh mẽ.

Ông Colin Powell nói rằng quả thật Hoa Kỳ có cả bạn lẫn thù, và trách nhiệm của người lãnh đạo là phải chiến đấu bảo vệ quyền lơi của mình cũng như của đồng minh, nhưng ông Obama cũng nói rõ rằng nước Mỹ luôn luôn tìm những giải pháp ôn hoà, ngoại giao, để giải quyết các căng thẳng với những quốc gia không phải là bạn của mình.

- Còn anh, anh nhận xét thế nào?

Nguyễn Khanh: Tôi chú ý đến một điểm và xin thưa trước là hoàn toàn mang tính cá nhân, đó là khi ông Obama nhắc lại công lao những người đi trước đã làm, từ vượt biển tìm đất dựng nên nước Mỹ, chống chỏi với thiên nhiên, chấp nhận cực khổ để con cháu có tương lai, kể cả việc sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ lý tưởng tự do ở các trận đánh nổi tiếng thế giới như Concord, Gettsbugh, Normandy và Khe Sanh.

Ông làm tôi nhớ lại quê hương Việt Nam. Tôi cũng có những người bạn nằm xuống ở Khe Sanh. Bài diễn văn của ông làm tôi nhớ đến họ.

Nguyễn Khanh, Biên tập viên RFA

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 21.01.2009. 09:46