Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Anrê Phú Yên: Người Trẻ Trước Những Thách Đố Cho Tương Lai Cuộc Đời

§ Lm F.X. Huỳnh Tấn Hải

Nguồn: Maranatha #83

Sau gần bốn thế kỷ, ánh sáng của một vì sao đã chiếu đến mặt địa cầu: Anrê Phú Yên được tôn phong chân phước!

Tiểu sử đời anh không ai biết gì hơn ngoài chứng từ của cha Đắc Lộ. Vị thừa sai nầy đã đưa anh vào đời sống niềm tin Kitô và cũng chính vị thừa sai nầy đã chứng kiến anh chết cách anh dũng vì niềm tin. Đọc bài tường thuật của cha Đắc Lộ ghi lại cuộc tử đạo của Anrê Phú Yên, không ai không thán phục lòng can đảm và đức tin sắt đá của anh. Khi bị hành quyết, anh mới 19 tuổi và mới chỉ sống niềm tin Kitô chưa tròn 4 năm.

Ở buổi tinh sương của Tin Mừng trên quê hương Việt Nam, làm sao một tân tòng như anh có thể lấy một lựa chọn dứt khoát sống sứ điệp Tin Mừng và kiên trì trung thành với lựa chọn nầy, bất chấp cả cái chết? Người ta nghĩ ngay đến phép lạ. Phải, tử đạo là ơn ban đặc biệt, và Giáo Hội xem cái chết vì đạo tự nó là một phép lạ. Tuy nhiên con đường dẫn đến cái chết đó vị tử đạo phải lần mò với tất cả cố gắng hy sinh của một đời người.

Anre-PhuYen.jpg

Trước khi máu của Anrê Phú Yên đổ ra trên mảnh đất quê hương làm trổ sinh hoa quả đức tin thì hạt mầm đức tin đã tìm được mãnh đất tốt nơi tâm hồn anh rồi. Cuộc đời anh được hai điều may mắn: Một người mẹ đạo đức và một vị Thầy uyên thâm. Chúng ta biết rất ít về cuộc đời của Bà Gioanna, mẹ anh Anrê Phú Yên, nhưng chỉ hai chi tiết nhỏ cũng đủ nói lên tất cả cuộc đời của người mẹ nầy. Tuy chồng bà chết sớm nhưng các con cái đã được bà giáo dục tốt với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Bà đã không để cho con tim có khuynh hướng ích kỷ của một người Mẹ ngăn cản lòng quảng đại đạo đức. Chính bà đã trực tiếp xin cha Đắc Lộ cho Anrê là đứa con út mới 15 tuổi, được theo làm môn đệ cha.

Riêng về cha Đắc Lộ, cuộc đời và sự nghiệp của Cha đã gắn liền với lịch sử Việt nam. Trong lãnh vực loan Tin Mừng, mãi đến ngày nay Giáo Hội vẫn còn phải loay hoay tìm một đáp số cho cuộc gặp gỡ giữa sứ điệp Tin Mừng và văn hóa các dân tộc, mà khoa thần học thường gọi là tiến trình “hội nhập văn hóa” (inculturation), thì gần 4 thế kỷ trước đây, cha Đắc Lộ đã có trực giác nhạy bén – nếu không muốn nói là ân huệ lạ lùng – tìm thấy đáp số cho cuộc gặp gỡ nầy trên quê hương Việt nam. Khi nói đến điều nầy, người ta nghĩ đến chữ Quốc ngữ đã được thành hình do công lao đóng góp lớn của cha, đến ‘Nhà Đức Chúa Trời” hay còn gọi là Hội Thầy Giảng do cha thành lập như một sáng kiến độc đáo thích nghi việc loan Tin Mừng trong bối cảnh xã hội khó khăn. Nhưng đáp số đầu tiên và chính xác nhất của tiến trình hội nhập văn hóa nơi mãnh đất Việt Nam là cuộc sống và cái chết của Anrê Phú Yên, Người Chứng Thứ Nhất của Giáo Hội tại Việt Nam.

Khi còn sống với mẹ, Anrê Phú Yên đã được hấp thụ một nếp sống gia đình Việt Nam đạo đức. Khi theo cha Đắc Lộ, thay vì dạy thiên văn và toán học Tây phương, vị thừa sai nầy đã cho các môn sinh của mình học nền lễ giáo Á đông. Trước khi hiểu và sống đạo làm con Thiên Chúa, Anrê Phú Yên đã am hiểu đạo làm người theo nền lễ giáo đó. Nền lễ giáo xây dựng trên chữ “Nhân” (nhân sinh chi đạo), bao gồm các đức tính khác như lễ, nghĩa, trí tín. Trong sách Luận Ngữ, ở đầu chương Tử Hãn, Khổng Tử dạy: không đem chữ nhân nói chung với chữ lợi và chữ mệnh (Tử hãn ngôn lợi dữ mệnh, dữ nhân). Nhân thì không nghĩ đến lợi cho riêng mình. Nhân thì không bị trói buộc vì chữ mệnh, nghĩa là không phải bận tâm sống chết, may rủi. Đạo nhân nầy đã giúp cho anh Anrê có những đức tính nhân bản cần thiết để sống và chết cho niềm tin. Hai đức tính nhân bản nổi bậc nơi anh là lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm.

Tuy chứng từ ghi lại là bà quả phụ Gioanna đã xin cha Đắc Lộ cho cậu út của bà đi theo cha làm môn đệ, nhưng hẳn chính Anrê cũng ước mong điều đó, đúng hơn, chính anh đã thủ thỉ nhờ mẹ xin hộ cho anh. Ở vào thời của Anrê, sức mạnh và vẻ hào nhoáng của thực dân chưa có. Tình nguyện theo vị thừa sai không hy vọng có một cơ hội tiến thân nào, ngược lại chỉ gặp khó khăn, chống đối. Phải có những phút gằng co giữa cuộc sống an thân của một đứa con trai út bên người mẹ góa và bước phiêu lưu với vị thừa sai. Lòng quảng đại đã giúp anh rời mái gia đình, rời người mẹ thân yêu. Nơi căn nhà nhỏ bé ở xóm Lò Giấy, Phú yên, tiếng gọi của Chúa đã thắng vượt những ràng buộc cốt nhục và Anrê Phú yên đã ra đi.

Ba năm sau, tại tỉnh Quảng Nam, niềm tin Kitô đã trở thành đối tượng bị thù ghét. Bà chúa Tống Thị, một Herodia trong xã hội Việt nam lúc bấy giờ, tìm mọi cách để triệt hạ niềm tin nầy. Theo lệnh của quan Nghè Bộ là tay sai của Tống Thị, đối tượng tiêu diệt niềm tin Kitô nhắm vào thầy giảng Ignatio. Nhưng khi quân lính ập vào nhà cha Đắc Lộ, thầy Ignatio đi vắng. Anrê Phú Yên phải đối diện với sức mạnh thù nghịch. Anh có thể trả lời một cách đơn giản : thầy Ignatio không có ở nhà. Nhưng với tất cả tinh thần trách nhiệm, anh nhận mình là Thầy giảng như Ignatio và sẵn sàng thay thế chỗ của Ignatio. Thế là anh bị bắt và cuộc hành quyết diễn ra ngay chiều hôm sau.

Lựa chọn và trung thành là những đường nét chính tạo nên dung mạo một vị tử đạo. Lựa chọn và trung thành cũng là bước đi của mọi người đeo đuổi cuộc sống niềm tin. Nhưng chính lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm là nền tảng của việc lựa chọn và trung thành.

Nhiều bạn trẻ hôm nay cảm thấy sợ hải phải lựa chọn và nhất là sợ phải trung thành với những giá trị đạo đức và niềm tin. Phải chăng họ kém quảng đại và thiếu trách nhiệm so với các thế hệ trước ? Không, nhưng có lẽ ngược lại. Chưa bao giờ như hôm nay, giới trẻ tỏ ra quan tâm đến các nhu cầu của người khác, dấn thân vào mọi sinh hoạt nhằm thăng tiến nhân phẩm. Đó là chưa kể rất nhiều bạn trẻ, khi nhìn thấy cảnh nghèo đói trên thế giới đã mơ ước tương lai sẽ tận hiến trọn cuộc đời phục vụ người nghèo.

Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay bị lôi cuốn vào cơn lốc của thời “hậu hiện đại” rất đáng lo ngại. Thời “hậu hiện đại” không chỉ được đánh dấu bằng những tiến bộ phi thường của nền văn minh kỷ thuật, nó còn được ghi dấu bằng một tổng hợp tư tưởng tinh vi. Song song với một thế giới đổi thay quá nhanh chóng, có một lối suy nghĩ và hành động rất hấp dẫn, được gọi là “politically correct”. Đây là lối suy nghĩ và hành động vừa ảnh hưởng trên toàn cầu, vừa chi phối từng cá nhân. Trên bình diện toàn cầu, theo lối suy nghĩ và hành động “politically correct,” bây giờ không còn lằn ranh giữa bạn và thù, mọi tranh chấp, khác biệt đều có thể tìm một thỏa thuận, một hợp đồng, và mọi hợp đồng đều có thể thay đổi theo hoàn cảnh, các quốc gia phải bận tâm đến những liên đới rộng lớn hơn và các giá trị đạo đức không nhất thiết phải là những điểm đối chiếu căn bản. “politically correct,’ trên bình diện cá nhân, mỗi người hành động đặt tiêu chuẩn trên lý tưởng mình tự chọn, phù hợp và lợi ích cho hoàn cảnh thực tế.

Lối suy nghĩ và hành động nầy hấp dẫn thế hệ trẻ không chỉ vì tính cách mới mẻ - được coi như là ‘made in U.S.A” - , nhưng còn bởi những ưu tư nó đề ra. Bây giờ không còn là thời phải bận tâm đến chuyện đạo đức cá nhân, đến tương quan giữa người với người một cách riêng rẽ, nhưng là vấn đề liên đới trách nhiệm trong môi sinh, năng lượng, bình đẳng….

Thực tế, “politically correct” là con đẻ, là tổng hợp thực tiễn của chủ thuyết duy hiện sinh (existentialism hay cũng gọi là personnalism) trong triết học và nền luân lý tùy hoàn cảnh (situation ethics). Trong khi đề ra những ưu tư lớn, nó làm mờ dần tính cách vững bền của tiêu chuẩn đạo đức khách quan là lề luật, những giá trị của lễ giáo và niềm. Mất dần những đối chiếu căn bản nầy, “politically correct” dễ đưa tới thái độ thật ích kỷ, có khi vô luân mà tưởng mình hành động khôn ngoan, quảng đại và có trách nhiệm.

Điều đáng lo ngại là những nghịch lý nầy đang trở thành phổ quát nơi giới trẻ. Có những bạn trẻ hăng say lên tiéng chống lại những bất công xã hội, nhưng lại chấp nhận dễ dàng việc ăn cắp vặt hằng ngày của bạn bè cũng như của chính mình, vì coi đó là chuyện nhỏ ! Họ muốn giải quyết những vấn dề toàn cầu nhưng dễ lãnh đạm trước sự dữ đang xảy ra ngay trong nhà mình. Chưa bao giờ câu nói của nhà bác học Albert Einstein trở nên đáng quan tâm như trong thời đại nầy. Câu nói đã được ghi bên dưới di ảnh tưởng niệm cái chết oan nghiệt của hai em Melisa Rosso và Julie le jeune, tại Liège, vương quốc Bỉ, nạn nhân của căn bệnh hưởng thụ tính dục trẻ con (pedofile) : “Thế giới là nơi nguy hiển để sống, không phải vì có những người làm sự dữ, nhưng vì có những người nhìn thấy sự dữ và để nó xảy ra” (Le monde est dangereux à vivre non à cause de ceux qui font le mal, mais à cause de ceux qui regardent et laissent faire).

Nơi nào trên thế giới nhân phẩm, nhân quyền bị xúc phạm thì giới trẻ kịch liệt phản đối; nhưng những xúc phạm sự sống xảy ra nơi người bạn thân cùng sống trong cư xá hay nơi chính cuộc sống của mình thì thường dễ được làm ngơ hay bao che. Giữa tháng 11 năm 1996, người ta tìm thấy một em bé sơ sinh nặng 2 ký 7, dài 51 cm, bị đập vỡ sọ và vất vào thùng rác của khách sạn dọc xa lộ Newark, Delaware gần Nữu Ước. Điều khủng khiếp là, thủ phạm đập chết em bé sơ sinh nầy là chính cha mẹ của em. Cô Amy Grossberg, 18 tuổi, nữ sinh viên mới của trường đại học Delaware và cậu Brian Peterson cũng 18 tuổi, sinh viên mới của đại học Gettysburg, là con của hai gia đình khá giả vùng ngoại ô thành phố New Jersey. Rời gia đình vào nội trú ở khu đại học, cô cậu sống nếp sống tự do của sinh viên thời đại mới. Kết quả là cô Amy Grossberg mang thai. Chiều thứ hai ngày 11 tháng 11, hai người tìm đường đến khách sạn Comfort Inn. Tại căn phòng 220 của khách sạn, đứa con của hai người trí thức trẻ chào đời lúc 4 giời sáng ngày thứ ba 12 tháng 11. Trước khi rời khách sạn trở về đại học, hai người đập nát đầu đứa bé và vất vào thùng rác, nhanh chóng, đơn giản như vất bao giấy của miếng bánh mì sandwich điểm tâm sáng! (Tuần báo Time, 2 tháng 12 năm 1996).

Brian Peterson và Amy Grossberg: hai người trẻ bình thường như bao sinh viên khác! Đây là một trong muôn vàn trường hợp của lối suy nghĩ và hành động “politically correct” bị mất những giá trị đạo đức làm điểm đối chiếu.

Giữa một thế giới bị chao đảo trong cơn lốc hưởng thụ ích kỷ, và tự do đã trở thành nhãn hiệu độc quyền của trào lưu sống, giới trẻ vẫn còn thao thức sống quảng đại và tinh thần trách nhiệm. Nhưng cần xác tín rằng, lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm không phải là những rung cảm nhất thời, mà là những đức tính nhân bản phải tập luyện mỗi ngày. Chúng không chỉ là những suy nghĩ và hành động theo lựa chọn cá nhân phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, nhưng là suy nghĩ và hành động phù hợp với những điểm đối chiếu đạo đức khách quan.

Lựa chọn và trung thành với sứ điệp Tin Mừng là điều có thể đối với mọi bạn trẻ hôm nay, nhưng cần hai điều kiện: Thứ nhất, sứ điệp Tin Mừng có được nhìn nhận là lý tưởng cho cuộc đời không ? Susanna Tamaro, nữ văn sĩ Công giáo người Ý, trong tác phẩm “Hãy đi đến nơi con tim đưa bạn đến” (Va’ dove ti porta il cuore), khuyên các bạn trẻ một câu đầy ý nghĩa : “Chiến đấu cho một ý tưởng mà không có ý tưởng đó trong mình là một trong những điều nguy hiểm nhất người ta có thể làm” (Lottare per un’ idea senza c’ e un’ idea di sé è una delle cose più pericolose che si possa fare.). Có thể có những bạn trẻ mang danh Kitô hữu rơi vào điều nguy hiểm này hay không? Thứ hai, lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm là những thao thức của giới trẻ hôm nay, nhưng chúng có được coi là những giá trị nhân bản khách quan và vững bền hay không? và các giá trị Tin Mừng có được lấy làm những điểm đối chiếu căn bản để suy tư và hành động thể hiện lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm hay không?

Anh Anrê Phú yên đã để lại cho chúng ta một mô thức sống niềm tin, có sức vượt tháng sức ép của xã hội không thuận lợi với niềm tin nầy. Anh đã tạo cho mình một nếp sống nhân bản vững chắc. Lòng quảng đại và tinh thần trách nhiệm của anh đã tìm gặp một điểm tựa để thuyền đời anh neo bến. Một cuộc “hội nhập văn hóa” đã xảy ra trên cuộc sống của anh. Anh đã lựa chọn và trung thành với niềm tin Kitô. Anh đã mở lối và chỉ cách cho cuộc “hội nhập văn hóa” có thể xảy ra trên đời của các bạn trẻ Việt Nam đi sau anh. Họ cũng biết cách lựa chọn và sống niềm tin Kitô●

Lm F.X. Huỳnh Tấn Hải

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 29.07.2006. 08:56