Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

9. Tiết nhịp nuôi dưỡng

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

“Họ đốn hạ Ta, nhưng Ta vẫn vươn lên cao.
Ta là sự sống không bao giờ tắt lịm.
Ta sẽ sống trong anh em, nếu anh em sống trong Ta.
Ta là Chủ điệu múa”

I- Ý NGHĨA VIỆC HIỆP LỄ

Nghi thức hiệp lễ đưa phụng vụ Thánh Thể đến hồi kết thúc. Về việc hiệp lễ, chúng ta đã tiến một bước dài trong những năm qua. Cách đây không quá một trăm năm, thánh Têrêsa đã phải có phép đặc biệt của cha giải tội mới có thể được rước lễ hằng ngày. Trong khi đó các nữ tu khác trong dòng Cát Minh của Têrêsa phải tự bằng lòng với việc rước lễ mỗi tháng hoặc mỗi tuần một lần. Đã có sự nhấn mạnh quá đáng trên tình trạng bất xứng của cá nhân đến nỗi việc hiệp lễ là một biến cố hiếm hoi trong cuộc sống của nhiều người.

Mặc dù Đức Giáo Hoàng Piô X đã thành công trong cố gắng làm cho việc rước lễ thường xuyên một lần nữa trở thành một thực tại trong Hội Thánh, tuy nhiên lúc đầu việc này giữ vai trò độc lập, tách rời khỏi phụng vụ. Các tâm hồn đạo đức đã cố đến nhà thờ để kịp rước lễ trong thánh lễ trước, và ở lại thánh lễ sau để cảm tạ quà tặng này của Chúa. Cũng vì lý do đó mà thỉnh thoảng người ta cho rước lễ trước khi dâng thánh lễ. Trong các nhà thờ lớn, các linh mục tiến lên bàn thờ sau truyền phép để bắt đầu cho giáo dân rước lễ, trong khi linh mục chủ tế vẫn tiếp tục công việc trên bàn thờ. Rồi với việc chay tịnh Thánh Thể (thời đó phải giữ chay kể từ nửa đêm), bảo đảm chỉ có chừng một chục người giữa một cộng đoàn hằng trăm người có thể rước lễ mà thôi.

Công Đồng Vatican II giúp chúng ta thấy một lần nữa việc hiệp lễ là thành phần cấu tạo của phụng vụ Thánh Thể. Bánh và rượu sau khi truyền phép được ban lại cho chúng ta, như một quà tặng từ Thiên Chúa. Thói quen chỉ truyền phép số bánh cần cho mỗi buổi cử hành Thánh Thể và việc rước lễ dưới hai hình, cũng giúp nối kết việc hiệp lễ với phụng vụ Thánh Thể như một động tác thờ phượng. Hiện nay đa số giáo dân tham dự thánh lễ đều rước lễ. Việc sử dụng các thừa tác viên Thánh Thể cũng giúp làm giảm bớt tính quá siêu thánh của việc hiệp lễ.

Tuy nhiên, về việc hiệp lễ, chúng ta vẫn chưa đạt đến thực tại cánh chung. Hiệp lễ vẫn tiếp tục bị hiểu sai, vẫn bị tách rời khỏi các phần phụng vụ và thường bị giới hạn trong một lòng sùng kính bình dân. Thực chất của vấn đề có lẽ là do nhiều người vẫn còn cho cốt lõi của hiệp lễ là một “thực tại giữa Chúa Giêsu và tôi”. Sau khi nhận quà tặng Thánh Thể, chúng ta đóng cửa lòng, tách biệt với cộng đoàn để đắm chìm trong đối thoại âm thầm với Đức Kitô. Làm như đây là giây phút riêng tư, lòng bên lòng với Chúa Giêsu, dù có hay không sự hiện diện của hai hoặc ba ngàn người khác chung quanh thì cũng chẳng có gì khác.

Không ai chối cãi rằng chúng ta múc được sức bổ dưỡng từ Mình và Máu Đức Kitô và được hiệp thông với Người trong Thánh Thể. Trong mỗi Thánh Lễ, đã thưa “Amen” sau kinh nguyện Thánh Thể, là toàn thể cộng đoàn đã được chính Đức Giêsu nuôi dưỡng. Từ đó thành quả đương nhiên của phụng vụ Thánh Thể chính là hiệp thông. Chúa Giêsu không mời chúng ta đến bàn tiệc của Người chỉ để tấm tắc khen thức ăn trên bàn, nhưng muốn chúng ta cùng tham dự bàn tiệc của Người, ăn Mình và uống Máu Người để ta có được sự sống đích thực.

II - Ý NGHĨA CỬ CHỈ CHÀO CHÚC BÌNH AN

Đã có một chuyển hướng trong Giáo Hội, nhất là sau Công Đồng Vatican II, khi xác quyết về ý nghĩa của việc hiệp lễ và của sự sống mà chúng ta lãnh nhận. Sự chuyển hướng này được thể hiện qua cử chỉ đơn giản “chúc bình an” được thêm vào trong nghi thức phụng vụ. Ủy ban phụng vụ đã đề xuất nhiều chỗ trong thánh lễ để thêm nghi thức này vào, và tất cả những đề xuất này đều có cơ sở trong lịch sử.

Việc “hôn chúc bình an” đã có thời được đặt ở phần đầu lễ. Cử chỉ này có ý nghĩa như là cách chào chúc, đón nhận những người đến cùng nhau cầu nguyện và thờ phượng.

Cử chỉ “hôn chúc bình an” đã có thời đặt sau phần phụng vụ Lời Chúa. Nhiều nghi thức phụng vụ xưa đã đặt nghi thức này ở đây với ý nghĩa như một dấu ấn niêm trên việc công bố Tin Mừng, như một lời cam kết chung, một sự dấn thân tập thể đối với sứ điệp Tin Mừng. Vào thời còn chế độ tân tòng, cả người dự tòng và hối nhân đều được cho ra về ngay trước nghi thức này, điều đó muốn nói lên rằng họ chưa xứng đáng để nhận “cái hôn Kitô hữu tinh ròng” này. Đối với người Kitô hữu, hôn chúc bình an là một biểu hiện tính liên đới sâu vững với sứ vụ của Đức Kitô. Ngoài việc khích lệ nhau sống sứ điệp Tin Mừng như bài giảng vạch rõ, biểu hiện này còn là một đảm bảo về tính chân thành của việc cử hành. Biểu hiện này gợi lại đoạn Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng khi dâng của lễ trên bàn thờ mà sực nhớ còn có ai bất bình với mình thì nên để của lễ lại và đi làm hòa với người anh em ấy đã trước khi dâng của lễ (Mt 5, 24).

Hoặc có thể đặt cử chỉ “hôn chúc bình an” này sau Thánh Lễ, như đã thấy vào đầu thế kỷ thứ IV. Vào lúc mọi người chào hỏi nhau trước khi chia tay ra khỏi nhà thờ, cử chỉ này nói lên sự đồng tình đối với tất cả những gì vừa xảy ra, và như một lời khuyến khích nhau sống trọn nghĩa những gì họ vừa cử hành.

Tuy nhiên, Ủy Ban Phụng Vụ đã chọn đặt cử chỉ này khi bắt đầu nghi thức hiệp lễ, ngay sau Kinh Lạy Cha, như đã thấy khoảng từ thời của Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả. Quyết định như thế, Ủy Ban Phụng Vụ muốn nhấn mạnh đến lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha. Chúng ta xin được tha thứ như ta cũng tha cho kẻ xúc phạm đến mình. Như vậy cử chỉ “hôn chúc bình an” được coi như việc dọn mình trực tiếp để xứng đáng rước Chúa.

Quyết định này của Ủy Ban Phụng Vụ nhấn mạnh trên ý hướng nguyên sơ. Cũng có những giai đoạn thời Giáo Hội tiên khởi, những ai không hiệp lễ thì không chúc bình an. Họ ra về, còn những người ở lại hôn chúc nhau bình an và lãnh nhận Thánh Thể.

Điều đáng buồn là trước Công Đồng, rất ít khi chúng ta thấy được cử chỉ hôn chúc bình an, chỉ trừ trong những ngày lễ trọng. Và cũng chỉ thấy những người trên cung thánh chúc bình an cho nhau, nhưng không phải là một “cái hôn chúc bình an” chân thành của cá nhân, mà chỉ thấy một cung cách đúng mẫu mực, một cái gì hết sức hình thức mang tính máy móc nghi lễ.

Câu chuyện sau đây của một linh mục trước đây là chủ tịch Ủy Ban Phụng Vụ tại Philippines, thời nghi thức chúc bình an mới bắt đầu được áp dụng. Ngài kể lại rằng các thành viên trong ủy ban đã đi từ xứ này qua xứ khác trong cả nước cố gắng chuẩn bị cho giáo dân hiểu và đánh giá đúng mức nghi thức mới này. Sau một ngày vất vả giải thích cho các giáo lý viên và chức sắc trong giáo xứ, đến lúc phải thực hành nghi thức mới này trong thánh lễ. Khi họ đi “hôn chúc bình an” cho nhau, đó là một điều hoàn toàn mới mẻ. Vị linh mục này nhớ mình đã nói : “Và bây giờ, xin anh chị em làm một dấu chỉ chúc bình an cho những người chung quanh, theo cách nào anh chị em thấy thích hợp.” Khi quay sang chúc bình an cho những chú giúp lễ, ngài nghe một vài tiếng lào xào trong nhà thờ, rồi tiếng một ai la khóc. Chỉ sau thánh lễ, khi vào trong phòng thánh, ngài mới hay việc gì đã xảy ra.

Lúc đó, một nữ tu đến xin lỗi vì đã gây nên sự cố vừa rồi trong nhà thờ. Chị này đang ngồi cùng một băng ghế với một nữ tu khác trong cùng một cộng đoàn mà đã hai năm nay chị không thèm nói chuyện. Khi linh mục mời chúc bình an cho nhau, chị cảm thấy mình không thể làm được chuyện đó với nữ tu kia, nên đã bỏ đi lên mấy dãy ghế phía trên. Và chính người nữ tu còn ở lại trong hàng ghế đã khóc lên. Vị linh mục chỉ đơn giản đặt câu hỏi : “Thế mà tại sao chị vẫn ngang nhiên lên rước Chúa ?” Một câu hỏi hết sức quan trọng !

III- HIỆP LỄ LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG DẤN THÂN LIÊN ĐỚI

Hiệp lễ còn có ý nghĩa gì, khi chúng ta sống xa cách lạnh lùng và ghét bỏ người khác. Hiệp lễ là một hành động dấn thân liên đới chặt chẽ với toàn thể cộng đoàn. Thế nhưng chỉ có vài lời nguyện Hiệp Lễ chúng ta thấy trong các sách lễ hoặc các sách kinh củng cố cho sự thật này. Ngay chính ngôn ngữ cũng phản bội chúng ta. Chúng ta thường dùng từ “chịu lễ” hoặc lên “rước lễ” chứ ít dùng từ “hiệp lễ”. Làm như thể việc rước Chúa chỉ là một việc đạo đức cá nhân, chứ không phải là một quà tặng Thiên Chúa ban cho tất cả Dân Chúa qui tụ lại với nhau hoàn toàn như những thành viên của một gia đình. Hiệp lễ là việc cùng nhau thông chia hồng ân đó, và chính hồng ân đó, một cách nhiệm mầu, kết liên tất cả mọi người lại với nhau.

Hai chi tiết liên quan đến nghi thức hiệp lễ có thể đã làm “tư nhân hóa” việc hiệp lễ. Chi tiết đầu tiên là nghi thức bẻ bánh ra để phân phối cho cộng đoàn đã biến mất. Các lời kinh trong khi bẻ bánh nói lên cách hùng hồn tính hiệp nhất của cộng đoàn. Các lời kinh này thúc bách chúng ta phải trở nên một, cũng như chiếc bánh được làm thành bởi nhiều hạt lúa, hoặc rượu được ép bởi nhiều trái nho. Nếu bánh rượu đã có thể trở thành Thân Mình của Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ trở nên Thân Mình đích thực của Người khi chia sẻ với anh chị em mình.

Về sau, lòng đạo đức đã thêm hai lời nguyện dành cho linh mục chủ tế, và bây giờ vẫn còn trong nghi thức. Chủ tế được lựa chọn đọc một trong hai. Vì có nhiều chủ tế đọc lớn tiếng lời nguyện này (đây là một điều không đúng), nên nhiều người Công Giáo đã rất quen thuộc với các lời nguyện thầm đó. Lời nguyện thứ nhất xin thoát khỏi tội lỗi và được trung thành với giáo huấn của Đức Kitô. Lời nguyện thứ hai xin cho việc rước Chúa đừng trở nên án phạt, nhưng nên lương thực dưỡng nuôi linh hồn và thể xác. Xét riêng từng lời nguyện, ta thấy cả hai đều mang tính rất cá nhân. Ích lợi hơn nếu chúng ta được nghe lời cầu nguyện về việc trở nên một với tất cả những chi thể khác của Thân Mình Đức Kitô.

Việc kết hợp cá nhân với Đức Giêsu là điều quan yếu đối với cuộc sống người Kitô hữu có chiều sâu, nhưng một sự kết hợp như vậy vẫn rất thiếu sót nếu không liên kết được với toàn thể Đức Kitô Phục Sinh. Hiệp thông với Đức Giêsu là sự hiệp thông với Thân Mình và toàn thể các chi thể của Người. Chúng ta không thể tự ý giới hạn số anh chị em mà chính Đức Giêsu đã tuyển chọn. Sự Hiệp Thông của chúng ta không chỉ đơn thuần là hiệp thông với Chúa Phục Sinh, nhưng còn với toàn Thân Mình Người. Đây mới là trở nên một, là sự hiệp nhất [koinonia] mà Đức Giêsu đã cầu nguyện trong đêm trước khi chịu nạn.

Chúng ta hiểu sai ý nghĩa của việc hiệp lễ nếu tiến lên bàn thánh với đôi tay rộng mở chỉ để nhận lấy. Đức Giêsu trao ban chính bản thân Người cho chúng ta để ta có một cái gì đó xứng đáng chia sẻ lại với nhau. Tiết nhịp nuôi dưỡng không nhấn mạnh nhiều trên việc chúng ta được bồi dưỡng, nhưng trên việc chúng ta được tăng sức để dưỡng nuôi nhau, để trở nên một cộng đoàn nuôi dưỡng nhau. Hiệp Lễ phải đưa đến việc nuôi dưỡng nhau thực sự trong yêu thương, công lý và an bình. Phụng vụ Thánh Thể chỉ có ý nghĩa khi làm cho Giáo Hội cảm nhận sâu hơn yếu tố hiệp thông và ý nghĩa thực sự của Thân Mình Đức Kitô.

Đáp tiếng “Amen” khi thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa cho chúng ta không chỉ đơn giản là một hành động tin thật Đức Giêsu hiện diện trong hình bánh và rượu, nhưng còn là một thái độ dấn thân liên đới với tất cả những gì Đức Giêsu là và đại diện cho. Lời thưa “Amen” này đòi hỏi ta trở thành một thành phần trung tín hơn của Thân Mình Người khi chúng ta làm cho tình yêu và lòng thương cảm của Người nhập thể trong thế giới hôm nay. Tất cả những hành động này chúng ta không làm với những bạn bè lành thánh, nhưng với những bằng hữu tội lỗi của chúng ta.

IV- BẢN CHẤT ĐÍCH THỰC CỦA GIÁO HỘI

Trong nhiều năm trường, Giáo Hội đã đấu tranh với hai quan niệm khác nhau để xác định bản chất thực của Giáo Hội là gì. Luôn luôn có cám dỗ cho rằng chúng ta thuộc về một Giáo Hội của những người hoàn hảo, và những ai là người tội lỗi phải bị khai trừ để họ nhận ra mặt xấu xa trong cách sống của họ. Từ đó chúng ta áp dụng vạ tuyệt thông và thậm chí sẵn sàng có những biện pháp chế tài để ép buộc người ta phải theo. Đến nay chúng ta vẫn nhấn mạnh rằng những người ở trong tình trạng tội không được lên bàn thánh để rước Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rõ ràng các sách Tin Mừng đều nhấn mạnh tới việc Thiên Chúa giang tay đón người tội lỗi. Chúng ta đã đọc dụ ngôn về mẻ lưới được quăng xuống biển và bắt đủ mọi loại cá, hoặc dụ ngôn về cỏ lùng mọc lan trong ruộng lúa mà chủ ruộng chỉ sàng lọc khi tới mùa gặt. Giáo Hội là và sẽ vẫn là “một cái giỏ đựng đủ loại”. Tất cả chúng ta đều là những người bất toàn, là người tội lỗi. Nhưng đó là một hồng phúc vì nhờ đó mà ta càng cảm nhận được tình yêu thứ tha vô điều kiện, vô bờ bến của Thiên Chúa.

Có một cái gì ngạo mạn khi cho rằng chúng ta thuộc về Giáo Hội của những người hoàn hảo. Chính quan niệm này làm nhiều người hãnh diện xếp hàng lên rước Chúa, và khinh khi nhìn những người vẫn còn ngồi lại trong các hàng ghế không lên rước lễ, tự cho rằng mình tốt lành hơn những người anh em tội lỗi bị bỏ lại đàng sau. Có một điều gì đó sai trái khi chúng ta xét đoán bất cứ một ai như thế. Không ai trong chúng ta sẽ bị phán xét trên cùng một mức độ như người anh em chúng ta. Làm sao người ta có thể dùng tiêu chuẩn đạo đức chủ quan nào đó để tự cho rằng mình là một trong những kẻ công chính, và đặt người khác trong hàng ngũ những người bất chính ? Chúng ta đã có đủ thời gian để thẩm định giá trị và trung tín với những hồng ân và tài năng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Vì thế, tiêu chuẩn cuối cùng phán xét chúng ta là những hồng ân và tài năng của chính chúng ta, chứ không phải của người khác. Chúng ta sẽ bị phán xét theo cách chúng ta đáp ứng như thế nào đối với những gì đã nhận được từ Thiên Chúa.

Sự hiểu biết của chúng ta về tội không tương xứng chút nào. Một bản xét mình với những câu hỏi tỉ mỉ trên các giới răn (nhất là giới răn thứ sáu) chiếm số lượng nhiều đủ để làm thỏa mãn những lương tâm bối rối nhất. Nhưng lại không có một câu hỏi nào đề cập đến vấn đề bất công xã hội. Không có một cái gì mang tính cách thực tế đề cập đến những việc mà mình đã bỏ qua không làm, những thiếu sót của người tín hữu trong việc ứng dụng đức tin vào cuộc sống mà Đức Kitô muốn cho chúng ta làm. Tội được xét như một thực thể thuộc diện cá nhân, nhưng trên bình diện cơ cấu xã hội của sự tội thì không ai đề cập đến. Chúng ta không thấy có điều gì bất thường với não trạng cho phép ta loại trừ những ai đã li dị và tái giá không được rước lễ, trong khi đó lại mời lên bàn thờ những ông vua kỹ nghệ có thể là những người mánh mung mờ ám, gây biết bao thiệt hại cho người khác, hoặc những người tai to mặt lớn, những tay đại gia với những tội ác ít khi bị phanh phui sao ? Tại sao chúng ta có sự lựa chọn như vậy về những gì chúng ta cho là tội ?

Nếu chúng ta thực sự là những người được Chúa dưỡng nuôi, thì một trong những điều kiện cần thiết là chúng ta phải nhìn nhận sự bất xứng của mình, và rất cần được bánh của Đức Kitô nuôi dưỡng. Thực ra cộng đoàn Kitô hữu không phải là nơi bất thường mới có những người đói khát thiếu thốn. Trái lại, đói khát, cần được nuôi ăn, là những nét đặc thù của chúng ta! Chúng ta là dân tội lỗi và khách lữ hành mà ! Và còn có hai điều kiện khác nữa mà chúng ta cần phải hội đủ nếu chúng ta thực sự muốn trở thành một Giáo Hội dưỡng nuôi.

1- Điều kiện thứ nhất là chúng ta phải biết ý nghĩa của việc dưỡng nuôi nhau. Điều kiện này tương đối dễ. Qua nhiều thế kỷ, Giáo Hội từng được biết đến nhiều qua các công việc bác ái từ thiện. Nuôi dưỡng kẻ đói nghèo đã là nét đặc trưng của Giáo Hội từ thuở ban đầu. Ngay trong những câu ngắn gọn của sách Công Vụ (2,42 tt và 4,32 tt), chúng ta thấy nhấn mạnh trên sự kiện trong cộng đoàn không ai là người nghèo, vì người ta thường bán đi những gì họ có để chăm lo cho người khác.

Trải qua bao thời đại, vô số bệnh viện, trường học, và những dịch vụ xã hội tiêu tốn rất nhiều, đã làm nổi bật các cố gắng của Giáo Hội trong việc chăm lo cho người khác. Dù có thể để công việc này cho người khác làm, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận tầm mức quan trọng của nó, và biết ơn những ai đó đang làm công việc tốt lành này. Cố gắng của riêng chúng ta quan tâm đến người hàng xóm, người bệnh nằm bên vệ đường, hoặc những người chúng ta tiếp cận trong công ăn việc làm, có thể rất tầm thường, nhưng tất cả mọi cố gắng đó đều tốt lành. Cho ai một ly nước lã vì danh Đức Kitô vẫn là một việc mang nhiều giá trị.

Hơn nữa, tất cả chúng ta cần phải chú ý đến nhu cầu và nỗi khổ của người khác, phải đến với những người hình như không có ai chăm sóc lo lắng cho họ. Biết bao nhiêu người bị lãng quên trong thế giới này ! Những người mặc dầu chúng ta đi ngang qua họ mỗi ngày mà không nhận ra họ. Trong lúc rước Chúa, chúng ta cầu xin cho mình có tầm mắt rộng mở hơn để thấy được những gì thế giới này đang thiếu.

2 - Điều kiện thứ hai khó hơn điều kiện thứ nhất. Để có thể chăm sóc tốt cho người khác, chúng ta cũng phải biết họ cần được nuôi dưỡng những gì. Chúng ta thích sẵn sàng đưa tay cứu giúp người khác hơn là nhìn nhận mình đang cần được cứu giúp. Nhìn nhận là mình cần được cứu giúp tức là nói lên sự tùy thuộc, sự bất lực của mình, điều mà chúng ta không bao giờ muốn. Thấy mình rất hạnh phúc nếu Đức Giêsu đã nuôi dưỡng chúng ta từ cây thập giá, nhưng nếu Người muốn nuôi chúng ta qua người khác thì ta thường coi đó như một sự làm giảm giá trị của mình.

Tất cả chúng ta là những người chữa lành cho người khác trong khi mình vẫn còn đang mang thương tích. Khi ý thức được sự yếu đuối của chính mình, chúng ta có thể dễ dàng thông cảm và nâng đỡ sự yếu đuối của người khác hơn.

Cả hai điều kiện này đều rất cần thiết nếu chúng ta thực sự là những người được Thánh Thể nuôi dưỡng. Tin Mừng theo thánh Gioan không có trình thuật nào về việc rước lễ hoặc việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Điều này hầu chắc là vì vào cuối thế kỷ thứ nhất, thánh Gioan đã ý thức các vấn đề thực tế liên quan đến việc cử hành Thánh Thể. Dù chúng ta đã cử hành nhiều buổi phụng vụ, đã bao nhiêu lần rước Chúa, nhưng tình yêu tích cực trao ban chính mình của Thiên Chúa vẫn chưa trở thành một thực tại trong cuộc sống của chúng ta. Thánh Gioan cho rằng điều cần thiết là phải nhấn mạnh trên việc rửa chân vào bữa ăn cuối cùng với một lệnh truyền gãy gọn : “Thầy đã làm gương cho các con … đó là điều các con phải làm cho nhau.”

Chúng ta chưa bao giờ thử đem nghi thức rửa chân này vào phụng vụ Thánh Thể, trừ Thứ Năm Tuần Thánh. Nhưng hành động của Đức Giêsu vượt xa mọi nghi thức. Điều truyền dạy phải noi gương Người sẽ có ý nghĩa hơn khi chúng ta sẵn lòng thực hiện ngay cả những công việc phục vụ hèn hạ nhất cho nhau. Hành động của Người dạy cho chúng ta rằng càng được tràn đầy và biến đổi bởi tình yêu trao ban của Đức Giêsu Kitô bao nhiêu, thì chúng ta càng phải sống tình yêu trao ban đó như vậy đối với nhau.

Như Phêrô, chúng ta cũng nhận thấy cần phải rửa sạch toàn diện con người mình. Những hành động của Chúa Giêsu biểu trưng sự thay đổi toàn diện phải xảy ra trong cách suy nghĩ của chúng ta, cần phải lột bỏ mọi giá trị trần gian để sống như Người đã sống. Cuộc sống của Đức Giêsu là cuộc sống tràn đầy quyền năng Chúa Thánh Thần, quan tâm đến người nghèo khó, và mong ước giải thoát những ai đang ở dưới ách nô lệ. Đó là cuộc sống dấn thân hoàn toàn để trở thành nguồn suối của lòng nhân hậu và xót thương tuôn chảy trong trần gian.

Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ đạt điều này trừ phi một lần nữa chúng ta ăn bánh của sự hiệp thông thực sự và uống đích thực chén máu của Đức Kitô. Rước lễ dưới hai hình, một thành tố cốt yếu và quan trọng của dấu chỉ, có thể thúc bách giáo dân mãnh liệt hơn do bởi nhận thức rằng thực chất của việc hiệp lễ còn phong phú hơn ta tưởng trước đây. Đức Giêsu cho chúng ta vuợt xa hơn cái mà ta có thể nhai. Cho dù được trao ban cho mỗi cá nhân, nhưng bàn tiệc này là của cả cộng đoàn, một cộng đoàn phải được biến đổi do việc cử hành Thánh Thể.

Các Giáo Phụ Giáo Hội Đông Phương thường liên kết việc nhận lãnh Máu Đức Kitô với hành động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần làm cho máu trở thành quà tặng sự sống, và làm cho chúng ta có thể kết liên với toàn thể thân mình Đức Kitô trong một sự sống và tình yêu duy nhất. Điều này cụ thể và sản sinh ra sự sống hơn là chỉ nói đơn thuần rằng chúng ta được có thêm ân sủng !

Ân sủng, một quan niệm quá chung chung ! Đúng hơn, phải thấy được rằng hiệp lễ làm chúng ta trở nên một với chính Đức Kitô trong một cuộc sống hiệp nhất yêu thương thực sự như chính cuộc sống của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hiệp lễ còn đập vỡ mọi rào cản phân cách chúng ta với nhau. Tất cả chúng ta đều thông chia cùng một sự sống. Như một bài hát nào đó nhắc nhở chúng ta, Đức Giêsu sẽ sống trong ta nếu ta muốn sống trong Người, trong toàn thân Đức Kitô, với đầu và tất cả các chi thể. Người chính là Chủ của điệu vũ.

Thánh Phaolô nói : “Tất cả chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đều được tràn đầy cùng một Thần Khí duy nhất. Thân Thể gồm nhiều bộ phận chứ không chỉ có một” (1Cr 12,13). Ước gì việc hiệp lễ làm chúng ta được dồi dào Thần Khí của Đức Kitô và ngập tràn sức sống mới của Ba Ngôi Thiên Chúa. Rồi khi có thể nhận ra rằng bánh và rượu chúng ta dâng lên đã được thay đổi và biến thể, chúng ta sẽ có thể nhìn anh chị em chung quanh với đôi mắt khác, và thấy được qua bức màn che, khuôn mặt của chính Đức Kitô trong họ.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 27.01.2005. 08:22