Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

32 năm âm thầm rơi lệ cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam

§ Lm Bùi Công Minh

Bài Chia Sẻ 30/4/07 Tại Trung Tâm Công Giáo, Giáo Phận Orange, California

Hôm nay tất cả chúng ta đến đây để dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho quê hương dân tộc Việt Nam trong ngày Tưởng Niệm Biến Cố 30 Tháng 4.

Ngày 30 tháng 4 là Biến Cố Đau Thương của dân tộc Việt Nam. Mới đó đã thấm thoát 32 năm chúng ta sống trên đất khách quê người, 32 năm xa quê hương, xa quê cha đất mẹ, 32 năm âm thầm rơi lệ nguyện cầu cho quê hương Việt Nam sớm được tự do, mọi người hạnh phúc, an khang và ấm no. Sau 32 năm, nhiều người thân và bạn bè chúng ta cũng đã ra đi nằm xuống trên đất khách quê người, nhưng lòng vẫn hướng về ngày Việt Nam được tự do thật sự, dân chủ, công bình và yêu thương.

Bao nhiêu câu hỏi cần giải đáp

* Phải chăng gần 1/3 thế kỷ nhiều người đã muốn quên đi quá khứ đau thương của dân tộc Việt Nam?

* Phải chăng nhiều người đã quên đi những chiến sĩ bất khuất anh hùng đã hy sinh mạng sống mình trên chiến trường, trong rừng sâu nước độc, chết rũ trong trại tù cải tạo của cộng sản để bảo vệ chính nghĩa cho quốc gia, cho công lý, công bình và quyền tự do của con người?

* Phải chăng nhiều người chúng ta đã lãng quên anh em mình, thuyền nhân đã vì tự do, vì lý tưởng chính nghĩa đã chết trên biển cả?

* Phải chăng vì địa vị, vì danh lợi, vì vật chất mà nhiều người lặng yên trước sự bất công đàn áp của cộng sản với những nhà bất đồng chính kiến đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại quê nhà?

* Tại sao nhiều người lại im lặng làm ngơ trước biến cố phiên tòa ngày 30 tháng 3, 2007 tại Huế về Cha Nguyễn Văn Lý? Công an với bộ đồ thường phục đã bịt miệng thô bạo tiếng nói dân chủ của cha Lý. Hành động thô bạo nhục nhã đó đã chứng minh Việt Nam đã vi phạm nhân quyền.

* Còn việc Đức Mẹ Sầu Bi bị đập nát của Giáo Xứ Đồng Đinh, Giáo Phận Phát Diệm thì sao?

* Việc ngăn cấm cử hành các nghi thức tôn giáo như ở Kontum trong mùa Chay vừa qua?

* Và việc bắt giữ đàn áp và giam lỏng các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo, cho chúng ta thấy rằng nước cộng sản đã công khai xúc phạm đến tín ngưỡng của người dân.

Hiến chương của Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền: Chương 18, 19, 20 viết, “Tất cả mọi người có tự do suy nghĩ, tự do lương tâm và tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm của mình và có quyền tự do biểu tình và lập hội.”

Nhà nước cộng sản đã không tôn trọng quyền căn bản của con người. Họ chà đạp, áp bức và bắt bớ, đánh đập những người biểu tình ôn hòa, dọa nạt, bắt bớ giam cầm những nhà đấu tranh cho dân chủ và tự do cũng như gia đình của họ.

Năm 2001 sau khi làm linh mục, tôi đã về quê hương, viếng thăm xứ Hòa Bình ở Bầu Cá mà tôi đã lớn lên và đã sống gần 20 năm để dâng lễ tạ ơn cầu nguyện cho quê hương và thăm viếng người thân bạn bè. Công an phường đã không cho phép, nhưng tinh thần bất khuất cha xứ và các cha trong Hạt đã âm thầm đến dâng thánh lễ với tôi bất chấp cấm đoán. Khi tôi mới tiến ra bàn thờ thì công an ập tới và làm khó dễ.

Là người Kitô Hữu chúng ta phải làm gì?

Thiên Chúa luôn đứng về phía những người bị áp bức. “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài” (St. 1:27).

Chính vì được tạo dựng trong hình ảnh Thiên Chúa, con người đã mang một giá trị nhân phẩm cao trọng là có khả năng hiểu biết, làm chủ, tự do trao ban chính mình và hiệp nhất yêu thương Thiên Chúa và anh em mình.

Chính vì vậy, quyền của con người không đến từ quyền lực bên ngoài, nhưng đến từ bản chất cuả con người.

Do đó, không có một thế lực bên ngoài nào có thể xóa đi phẩm giá và nhân quyền. Chúa Giêsu Kitô đã mang lấy thân phận và phẩm giá con người và Ngài đã lấy chính máu của mình để chuộc lấy mỗi người chúng ta và cho chúng ta nhận ra được phẩm giá của mình là con cái của Thiên Chúa.

Vì vậy, đấu tranh nhân quyền là đấu tranh của tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, Người Kitô Hữu phải luôn bênh vực và bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền.

Đấu tranh cho nhân quyền không phải là làm chính trị hay là của riêng ai, nhưng là trách nhiệm của tất cả mọi người.

Làm chính trị là chúng ta có đảng phái, nhưng đấu tranh cho nhân quyền là đấu tranh cho con người, là tiếng gọi của lương tâm, tiếng gọi của Thiên Chúa. Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô II đã thẳng thắn tuyên bố: “Đừng hiểu chính trị theo nghĩa hẹp! Giáo Hội có bổn phận phải rao giảng Tin Mừng, mà trong Tin Mừng là có con người, tức là nhân quyền, nhân phẩm, tự do và lương tâm cùng tất cả những gì thuộc về con người. Nếu tất cả những cái đó có một giá trị chính trị thì tôi làm chính trị vì tôi bênh vực con người.”

Khi Điện Kremlin muốn đem quân qua Balan để dẹp Phong Trào Solidarity đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gởi một lá thư cho Tổng Thống Leonid Brezhnev của Liên Bang Xô Viết, “Nếu Quân Liên Xô chống lại BaLan và khối quân sự cộng sản Warsaw đàn áp người dân Balan, thì tôi sẽ bỏ mũ Giáo Hoàng để về lại quê hương Balan của tôi để cùng sánh vai với vai đấu tranh cho dân tộc của tôi.”

Là người Kitô Hữu chúng ta phải tranh đấu cho sự công lý, công bình, giá trị con người, giá trị Phúc Âm và làm cho xã hội trở nên công bình, bác ái hơn và quyền của con người đưọc tôn trọng. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong bài giảng đầu tiên, “Đừng sợ hãi!” Đời sống của chúng ta phải là sự hiện diện của Chúa Kitô, chúng ta phải là chứng nhân cho Đức Kitô!

- Đấu tranh cho sự công bình và bác ái.
- Đừng im lặng trước tiếng nói của lương tâm.
- Đừng thụ động trước sự bất công và nhân quyền bị xã hội dày vò.

Khi Chúa Giêsu dạy chúng ta về yêu thương, Chúa nói “Nếu người ta tát má trái thì con cũng hãy đưa má phải nữa.” Nhưng khi đấu tranh cho công lý thì Chúa Giêsu đã lên tiếng nói khi một tên lính tát Chúa. Chúa nói, “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”

Thấm thoát đã 32 năm sau ngày mất nước.

* Tình trạng tham nhũng hối lộ ở Việt Nam rất tệ hại. Người giàu thì càng giàu thêm, nghèo thì lại càng nghèo hơn nữa.

* Rất nhiều tệ nạn xã hội.

* Trong những năm gần đây, nhân quyền đã bị chà đạp một cách thương tâm.

* Các nạn buôn bán người phụ nữ làm nộ lệ cho các nhà giàu nước ngoài.

* Các em gái trẻ bị bán đi qua các nước khác để làm nô lệ tình dục như những món hàng trong thương mại mãi dâm.

* Các phụ nữ là những nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền.

* Nhiều trẻ em đã đi vào con đường trộm cắp, xì ke ma túy vì các em thiếu học và không đựơc giáo dục.

* Nhiều nhà bất đồng chính kiến đã bị đem ra toà xét xử và bỏ tù bất công.

* Việc đào tạo linh mục lâu nay khi vào chủng viện là đã được công an làm việc, quá trình học và trước khi phong chức đều chịu sự làm việc của công an và nhiều linh mục phải ký một tờ giấy cam đoan làm việc cho họ.

* Việc thuyên chuyển các linh mục tới xứ khác cũng bị cấm đoán và làm khó dễ.

* Nhiều đất đai như là Thánh Địa LaVang, trường học công giáo, nhà dòng, nhà chung và chủng viện đã bị cộng sản áp bức lấy đi và nay không trả lại.

* Đây là những bằng chứng của xã hội Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Vì thế, là Kitô Hữu chúng ta cần phải đoàn kết đấu tranh trong yêu thương, ôn hòa và tha thứ để Việt Nam sớm có một Hiến Pháp mới do dân đề ra, để có công bình và dân chủ thật sự. Người dân được tự do lựa chọn dân cử, được tự do thờ phượng và sống đức tin và được tự do bày tỏ quan điểm của mình.

Đừng sợ hãi! Đừng bao giờ do dự!

Hãy đấu tranh bảo vệ nhân quyền và phẩm giá của con người đã được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa! Hãy đứng chung với những người nghèo khổ, những người không có tiếng nói, bị áp bức và bỏ rơi bên lề của xã hội! Như lời Thánh Giacôbê hôm nay là chúng ta hãy "đấu tranh trong Đức Khôn Ngoan Chúa ban, đó là hiền hòa, khoan dung, mềm dẻo đầy từ bi, không thiên vị và cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình” (Gc 3:17-18).

Khi cộng sản chiếm miền Nam, họ đã bắt ba của tôi vào tù ngục, lấy nhà của ba mẹ tôi, áp bức gia đình tôi. Mẹ tôi một mình phải bôn ba vất vả để kiếm sống qua ngày trong khi mẹ tôi phải cưu mang 10 anh em chúng tôi. Đứa em gái út của tôi trong khi đó chỉ mới được 3 tháng tuổi. Vì thế, lòng tôi mang một nỗi căm hận những người cộng sản. Nỗi căm hận này đã theo tôi nhiều năm và tôi nghĩ là tôi không thể tha thứ được. Nhưng có một hôm, tôi đã vào nhà thờ cầu nguyện với Chúa. Tự nhiên có một tiếng nói lương tâm đã thức tỉnh tôi. Hãy tha thứ vì những người cộng sản cũng là người Việt Nam. Tôi cũng là người Việt Nam. Từ đó, tôi đã quên đi tất cả những hận thù mà đã từ lâu tôi ấp ủ trong lòng tôi. Tôi đã tha thứ được cho họ. Nhưng đấu tranh và bảo vệ cho nhân quyền thì tôi không thể lặng thinh được vì đó là tiếng gọi của lương tâm.

Chúa Giêsu đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật và Tin Mừng. Chúa Giêsu đã yêu thương, nâng đỡ và bảo vệ những con người đã bị xã hội chà đạp phẩm giá: Chúa đã loan Tin cho người nghèo khó, yêu th ương, mời gọi và đồng bàn với những người tội lỗi, nâng đỡ cô nhi quả phụ, băng bó những tâm hồn đau thương bệnh tật đui mù. Lời Chúa hôm nay: "Phúc thay ai xây dựng hoà bình, phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính thì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa và nước trời là của họ.”

Vậy, là môn đệ của Chúa Giêsu, là con cái của Thiên Chúa và thuộc dòng máu Con Rồng Cháu Tiên Lạc Hồng, có một tổ quốc Việt Nam, tôi phải làm gì trên đất nước Hoa Kỳ này và tôi phải làm gì cho quê mẹ Việt Nam, Việt Nam, quê tôi?

Lm Bùi Công Minh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.05.2008. 23:37