Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

3. Phát Ngôn Viên Nhiệt Tình Cho Sự Hiện Diện Của Thiên Chúa

§ Cát Minh Nha Trang

Phụ đề của tập sách mỏng này báo trước là sẽ có nói về “sứ điệp” của vị thánh trẻ. Thật ra, ngay từ những trang đầu đã có đề cập đến... Bởi vì sứ điệp của chị trước tiên là chứng từ cuộc sống của chị. Đó là cách chị tin tưởng lạ lùng vào điều không thể tin được là Thiên Chúa đang hiến mình cho ta! Tin một cách tinh ròng, trong suốt, trọn vẹn. Qua việc chị hoàn toàn tự hiến cho Tình Yêu Tự Hiến ấy của Thiên Chúa, chị trở thành một lời chất vấn cho chúng ta.

Qua những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, cũng đã lắm lúc chị nói lên và ghi lại. Những lúc ấy, với niềm hăng say, chị đã để cho trái tim và tư tưởng trào tràn, hoàn toàn bị Thiên Chúa thu hút, để nói ra điều mà chị nghĩ là bổn phận khẩn thiết nhất và cao quí nhất của con người: Là qua tất cả phải làm sống lại tình bạn thân thiết với Thiên Chúa, có nghĩa là chấp nhận sống gần Ngài, chấp nhận điều mà Chúa Giêsu gọi là “điều răn lớn nhất, điều răn đứng đầu”[92]

Hương vị của nguồn suối

Beatification-25Nov1984.jpg

Trong dịp phong chân phước cho chị Êlisabét, Đức Gioan-Phaolô II nói: “Với nhân loại chúng ta ngày nay, một nhân loại đang bị lạc hướng, không còn biết tìm gặp Thiên Chúa hoặc đang bóp méo khuôn mặt Ngài, và không biết dựa vào lời hứa nào để hy vọng, chị Êlisabét cống hiến một tấm gương hoàn toàn cởi mở cho Lời Thiên Chúa mà chị đã thấm nhuần đến nỗi đã nhờ đó mà thực sự nuôi sống mọi tư duy và kinh nguyện của mình, đến nỗi đã gặp được ở đó mọi lý lẽ cho cuộc sống... ”

Thật vậy, Thiên Chúa không thinh lặng nữa ! Khi lý trí con người thao thức tìm kiếm, Thiên Chúa đã tự mặc khải như một ngưòi Cha đầy âu yếm và tha thứ. Đức Giêsu thúc đẩy chúng ta đến gặp Chúa Cha để thưa : “Lạy Cha chúng con” với “Đấng thấu suốt mọi bí ẩn”[93]và luôn giữ trong lòng Ngài những lời nói âm thầm nhỏ bé nhất của chúng ta.

Đức Kitô sống với Người Cha này trong một tương quan hoàn toàn duy nhất, hoàn toàn ẩn sâu trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngài hứa là sẽ gửi đến cho chúng ta Thần Khí của Ngài, mà Ngài còn gọi là Thần Khí của Cha, để soi sáng cho cõi lòng của những ai biết đón nhận Thần Khí ấy.

Các tín hữu tiên khởi chưa sử dụng từ “Ba Ngôi”, tuy nhiên họ đã đồng hóa cách tài tình giáo huấn của Chúa Giêsu đến nỗi đã khẩn cầu Thiên Chúa duy nhất ấy như là Cha, Con (Giêsu Kitô là Đức Chúa, còn gọi là Ngôi Lời ) và Thánh Thần. Chẳng hạn, thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa đã sai Con Ngài tới,... hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Abba, Cha ơi.”[94]

Trước những đoạn mặc khải như thế, Êlisabét hân hoan với ý nghĩ Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ở “trong lòng chúng ta” và mọi người đều được mời gọi - ôi, phải chi họ hiểu được! - sống tình thân mật khôn tả của Chúa Ba Ngôi đang hiện diện đầy thân thương!

Chị viết cho Guite: “Trong thư thánh Phaolô, chị vừa đọc được những sự thật sáng chói về mầu nhiệm được làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Chị nghĩ ngay đến em. Mà thật không thể không nghĩ ngay đến em: Em làm mẹ, em biết Thiên Chúa đã đặt trong lòng em tình yêu sâu thẳm đến mức nào để em yêu con cái, cho nên em có thể hiểu mầu nhiệm được làm con Thiên Chúa cao cả đến mức nào, Guite ơi, mầu nhiệm ấy lại không khiến em nhảy lên vui mừng sao?”[95]

Và đây là cách chị giải nghĩa cho mẹ chị về nền tảng của cuộc sống chị:”Người đan nữ Cát Minh kín múc hạnh phúc của mình ở nguồn suối thần linh này là đức tin. Như thánh Gioan nói: ‘Người ấy tin ở tình yêu Thiên Chúa dành cho mình’ Người ấy còn tin rằng chính tình yêu ấy đã lôi kéo Thiên Chúa xuống trần gian... vào tận linh hồn mình, bởi vì Đấng tự xưng là Chân Lý đã nói trong Tin Mừng rằng: “Hãy lưu lại trong Ta và Ta trong các con’. Cho nên, một cách rất giản dị, người đan nữ Cát Minh vâng giữ giới luật êm dịu của Thiên Chúa và sống tình thân mật vời vị Thiên Chúa đang ở trong chị. Ngài hiện diện trong chị còn hơn chị trong chị nữa. Mẹ yêu dấu ơi, tất cả những điều đó không phải là tình cảm hay tưởng tượng đâu, nhưng chính đức tin chân thật dạy chúng ta như vậy.”[96]

Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa, chứ không giải thích cho chúng ta về hữu thể thâm sâu của Thiên Chúa trong sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi. Thiên Chúa thật gần mà cũng thật khác xa cho nên không thể nào dùng khái niệm nhân lọai mà nói lên được tất cả hữu thể Ngài. Đàng khác một tình yêu tự hiến đâu cần gì phải giải thích về bản chất của mình, một người yêu đâu có bao giờ mang cho người mình yêu một quyển sách về nhân học!.. Trước mặc khải, chỉ có lòng tin mới đáp ứng được. Tuy nhiên Chúa Giêsu cũng để lại cho chúng ta những chứng cứ để ta có thể tin Ngài: Nhân cách có một không hai của Ngài và những dấu lạ diệu kỳ, nhất là dấu lạ cuộc phục sinh của Ngài là chữ ký chứng thực tối hậu của Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa trao ban chính Ngài. Người ta chấp nhận hoặc không chấp nhận. Với những người chấp nhận, Giêsu là “đường, sự thật và sự sống”[97] “cửa” mở rộng giữa Thiên Chúa và con người [98] “là sự sống dồi dào”[99].

Êlisabét kêu lên: “Thế có bao giờ chúng ta hiểu chúng ta được Thiên Chúa yêu thương đến mức nào chăng? [100] “Bạn có biết mình giàu đến mức nào không? Có bao giờ bạn đã thăm dò vực thẳm của Tình yêu?” [101].

Lòng tin Êlisabét đặt vào Đức Giêsu thật trọn vẹn và hợp lý đến đáng sợ, cho nên cũng tỏa sáng tình yêu. “Chị như thể đang thấy Đấng vô hình”[102]. Chị đặt nền tảng đời mình và nền tảng của đời sống thần bí trên lời mặc khải, lời được truyền đạt trong Hội Thánh và được sinh động trong kinh nguyện và trong việc đọc Tân ước. Đó là điều đem lại cho sứ điệp của chị sức sống và sức mạnh, chân trời rộng lớn và chiều sâu. Chị là “kitô-hữu” tận gốc rễ. “Đức tin, ánh sáng xinh đẹp của đức tin và chỉ ánh sáng ấy”[103]. “Thật giản dị!” Chị nói với sự khôn ngoan của những vị thánh, “chỉ cần tin thôi.” [104]

Bởi vì chị đặt nền móng tất cả dựa trên sự thật khách quan của đức tin, đặc biệt là dựa trên Tin Mừng là hiến chương của mọi nền linh hạnh kitô hữu, từ linh hạnh giáo dân, linh hạnh hoạt động tông đồ cho đến linh hạnh đan tu, cho nên sứ điệp của chị có tầm mức hết sức phổ quát. Sứ điệp của Êlisabét trải rộng trên sự đa dạng phong phú chung của mọi tín hữu, từ trong đan viện cho đến những hoạt động muôn hình muôn vẻ giữa đời: Đâu đâu ta cũng cần quan tâm tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa đang trao hiến cho chúng ta, quan tâm đến bí tích Rửa tội, bí tích Thánh Thể, đời sống của chúng ta sau khi chết, việc Thiên Chúa Ba Ngôi thực sự ở trong chúng ta, niềm vui được làm một người con cưng của Thiên Chúa, niềm vui mà chúng ta cố gắng chia sẻ cho tha nhân.

Êlisabét Chúa Ba Ngôi đã nhận được một đoàn sủng đặc biệt để hiểu biết và nếm cảm từ bên trong những dự định yêu thương tuyệt vời mà Kinh Thánh vén mở ra trước đôi mắt đức tin đầy kinh ngạc của chị. Chị đã được ngây ngất tôn thờ Thiên Chúa trong thinh lặng, cho nên chị không thể làm thinh khi gặp gỡ những anh chị em.

Chứng từ cuộc sống của chị có ý vị của một Nguồn Suối. Tuy nhiên chị đã rao truyền như ngôn sứ hơn là giải thích như một nhà thần học hoặc phân tích như một nhà chú giải.

Nguồn Suối yêu thương bạn và kiếm tìm bạn

BlElizabethTrinity-catez.jpg

Khởi đi từ tâm điểm của mầu nhiệm Kitô-giáo, Êlisabét ý thức cách lạ lùng rằng đây không phải là vấn đề của một sứ điệp thần linh và lịch sử có sức cải hóa mọi cuộc sống cá nhân và xã hội, nhưng là vấn đề của một trái tim sống động, một Trái tim vừa thần linh vừa nhân lọai, một trái tim đang đập, một trái tim rung động vì tôi, vì bạn. “Đức Kitô của Mađalêna vẫn đang sống mãi[105].

Đối với từng người trong chúng ta, mỗi giây phút là một buổi sáng Phục sinh! Chúa Giêsu ở đó, đã sống lại, đang tỏa chiếu sức sống và tình yêu, đang khao khát giúp đỡ chúng ta. Ngài không nói một lời, nhưng ánh mắt nồng nhiệt của Ngài đã thốt lên tất cả. “Ngài nghiêng mình trên chúng ta với trọn lòng mến của Ngài, muốn được hiệp thông với chúng ta, trút cho chúng ta sự sống thần linh của Ngài, để biến chúng ta thành những hữu thể đã được thần hóa, tỏa chiếu sự hiện diện của Ngài khắp nơi”.[106]

Khi người ta hỏi chị thích sách nào nhất, Êlisabét trả lời: “Đó là linh hồn Chúa Kitô, linh hồn Chúa Kitô chính là quyển sách mách cho tôi tất cả mọi bí mật của Cha”[107]. Một quyển sách mách bảo! Ngay lúc này! Cho bất cứ ai muốn đọc! “Ngài hết sức khát khao liên kết chúng ta trọn bản thân Ngài”[108]. Ôi, từng giây phút, từ thẳm cung linh hồn chúng ta, nơi Ngài cư ngụ, Ngài khao khát làm mới lại giao ước của Ngài với chúng ta biết mấy. Giao ước với hết mọi “nhân tính phụ trội”. Ước gì Guite đừng bao giờ quên mấy tiếng kitô-hữu có ý nghĩa gì:

“Em hãy luôn nhớ rằng Chúa tìm và yêu em,

Ngài muốn biến đổi em thành một cái tôi khác của Ngài”[109]

Yêu, là “thưa vâng” với Đấng là Nguồn Suối dạt dào! “Chúng ta hãy liên lỉ kết hiệp với Chúa Giêsu, Đấng đang muốn nói cho chúng ta tất cả Mầu nhiệm... Ngài luôn hành động trong tâm hồn chúng ta. Hãy để Ngài tái tạo chúng ta và hãy để Ngài là Linh hồn của linh hồn chúng ta, là Sự Sống của sự sống chúng ta, để chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống chính là Đức Kitô” [110].

Chúa muốn “sáng tạo nơi chúng ta những điều đáng tôn thờ” [111]. Cho nên, như Êlisabét, chúng ta phải dám - và nếu không dám thì hãy xin Chúa để một ngày nào đó chúng ta dám - “dâng hiến chính mình cho hành động sáng tạo” của Chúa “như một miếng mồi ngon”, để cuộc sống Chúa đầy ắp cuộc sống chúng ta, như đại dương đầy ắp một vỏ sò. “Ôi, lạy Chúa Giêsu yêu dấu của con... con xin Chúa hãy ‘mặc cho con chính Chúa’, đồng hóa tâm hồn con với mọi nhịp đập của tâm hồn Chúa, hãy nhận chìm con, hãy xâm chiếm con, hãy đem chính Chúa mà thay thế chính con”[112]

Đồng hóa với Chúa Giêsu, kết hiệp với Ngài (lý tưởng mà Êlisabét lập lại biết bao lần), biến nên Ngài, “một cuộc nhập thể mới”[113]: Vào một lễ Noel, Êlisabét đã giãi bày giấc mơ của chị và của Chúa Kitô bằng những từ gợi nhắc đến Thánh Thể là nguồn sống tối cao.

Linh hồn ao ước được ăn Thầy mình,

Nhất là ao ước được Thầy ăn lại,

Ao ước hiến dâng Ngài trọn bản thân

Để mọi sự nơi linh hồn đều được Ngài chiếm hữu.

Ôi, chớ gì con được Chúa chiếm đoạt

Và chỉ sống nhờ Ngài,

Trở thành vật thuộc về Ngài,

Thành tấm bánh sống động của Ngài

Được Ngài tiêu hủy trên thập giá.[114]

Đức Gioan-Phaolô II đã nhắc lại điều ấy: Êlisabét Chúa Ba Ngôi là một “chứng nhân đáng phục cho thấy ơn bí tích Rửa tội có thể triển nở đến mức nào khi người ta biết đón nhận nó không dè dặt”. Từ ngày nước thánh tẩy chảy trên chúng ta, Đức Kitô nồng nàn khao khát trở thành Dòng Sông mênh mông lặng lẽ thấm đều thửa đất cuộc sống chúng ta.

Êlisabét ý thức được điều ấy. Chị muốn mình như “một chiếc bình nhỏ” được đổ đầy Thiên Chúa để rồi chia sẻ Nước hằng sống cho anh chị em mình “trong đại gia đình Hội Thánh. Đối với tôi, có hai từ tóm tắt được tất cả sự thánh thiện, đó là: Hiệp nhất và Yêu mến” [115]

Đối với chị, sự hiệp nhất với Thiên Chúa là điều kiện thiết yếu để việc làm tông đồ cho mọi người đạt được kết quả phong phú. “Người tông đồ biết luôn lưu lại trong Nguồn Nước hằng sống, sẽ là một người tông đồ đầy hiệu năng trên các linh hồn; lúc ấy họ có thể tuôn trào chính mình ra chung quanh mà tâm hồn không bao giờ bị vơi cạn, bởi vì họ hiệp thông với Đấng vô cùng.” [116]

Có nhiều cách làm tông đồ! Riêng phần chị, chị không nghi ngờ chút nào về ích lợi của những lời chị cầu nguyện. “Người tông đồ hay người Cát Minh cũng chỉ là một”[117]  Khi dạy chúng ta cầu xin Chúa Cha cho Nước Cha trị đến, Đức Giêsu đã đánh lừa chúng ta nếu, khi chúng ta cầu nguyện như thế Nước Thiên Chúa lại không thực sự lớn lên thêm một chút trên trần gian này, nơi một địa phương nào đó, một người nào đó...

Đối với các bạn của chị đang sống giữa lòng đời,họ sẽ thực hiện sứ mạng tồng đồ ngay tại nơi chốn và trong trách vụ mà Chúa trao cho họ... Êlisabét sẽ nhắc nhở điều đó với mọi người, chẳng hạn, với những người bạn hồi nhỏ nay đã lập gia đình và đã trở thành những bà mẹ trẻ. Chị viết cho Antoinette de Bobet: “Bạn hãy là bí tích của Chúa để, qua đó, hai bé gái của bạn luôn thấy Chúa hiện diện”[118] Chị viết cho Maria-Louise Maurel: “Xem đấy, Ngài đã giao cho bạn một thiên thần nhỏ để bạn dạy cho nó nhận biết và yêu mến Chúa. Má nhỏ thân mến ạ, sứ mạng của bạn là thế đấy.” [119] Và đây là một lời ánh sáng cho em Guite: “Ôi! Giá mà em biết được Chúa yêu em dường nào và, qua em, Ngài muốn làm cho mình được yêu mến... ”[120]

Làm sao để Nguồn Suối chảy tràn trề

Nguồn Suối không “tự động” chảy trong chúng ta. Thiên Chúa không phải là một cái máy người ta mua về thiết kế trong nhà. Người ta không thể phân phối Thiên Chúa theo kiểu lắp đặt đường dây điện hay ống dẫn nước.

Mặc dầu Chúa dành riêng cho Ngài quyền tuôn đổ hồng ân cho một người mà không đòi họ phải có công trạng gì, và Ngài vẫn làm như thế, tuy nhiên thông thường thì Chúa thông ban chính mình Ngài trong một tương quan thực sự nhân bản, nghĩa là một tương quan được phía chúng ta tiếp nhận. Tức là một tương quan hỗ tương và có trách nhiệm! Thiên Chúa rất tôn trọng tự do của chúng ta cho nên không ép buộc chúng ta phải miễn cưỡng tiếp nhận Ngài... Ngài đi ăn xin tình yêu, nhưng Ngài không trắng trợn xông vào nhà: “Ngài đứng ở cửa lòng bạn... Ngài chờ đợi... Hãy mở cửa cho Ngài” [121]

Thế nào là “Mở cửa” cho Thiên Chúa” ?

Trước tiên, sự mở cửa ấy giả thiết rằng chúng ta đang lưu tâm đến “Đấng có biết bao nhiêu điều muốn nói với chúng ta.”[122] Có thể mở cửa lòng vô số cách: Lắng nghe hoặc đọc Tân ước, như Êlisabét, năng lãnh các bí tích, đào sâu đức tin. Chị nói: “Con muốn để tai nghe Lời Chúa để học được tất cả từ Chúa”[123]. Mở cửa lòng tứclà đón nhận Đức Giêsu làm “Thầy” - tước hiệu mà chị rất thích dành cho Chúa.

“Mở cửa lòng” còn có nghĩa là cố gắng - một cách khiêm tốn và bắt đầu cố gắng lại cả một ngàn lẻ một lần - để sống theo giáo huấn Tin Mừng, được truyền lại nơi cộng đoàn tín hữu phổ quát. Hơn nữa, còn cố gắng sống theo cả những gì Ngài dạy dỗ riêng ta, trong sự thinh lặng của lòng ta, tùy theo những hoàn cảnh và trách nhiệm riêng của ta, cũng như qua những đòi hỏi của đức ái huynh đệ và có thể cả những đòi hỏi phải chịu đau khổ vì Ngài.

Suy niệm Tin Mừng Gioan 4,34, chị viết: “Lương thực của tôi là thi hành ý Đấng đã sai tôi”. Chúa Giêsu là người đầu tiên đã nói lời ấy. Khi hiệp thông với Ngài, linh hồn ta cũng hòa theo chuyển động ấy của linh hồn Ngài và sẽ đặt tất cả lý tưởng nơi việc thực hiện ý muốn của Chúa Cha, Đấng yêu chúng ta bằng một tình yêu vĩnh cửu”[124] Chị muốn “chụp lấy ngay từng cái ra hiệu nhỏ nhặt nhất và từng ước muốn nhỏ nhặt nhất” của Đức Kitô [125].

Như thế, dần dần những tư tưởng của Chúa Giêsu sẽ thành tư tưởng của ta, những ao ước của Ngài sẽ thành ao ước của ta. Trí thông minh của ta sẽ được ánh sáng của Ngài chiếu soi và ý chí của ta sẽ được đưa đến chỗ hoà theo ý Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành với ta một cách chủ động.

Tuy nhiên, ta cần phải luôn giữ cho sự tự hiến ấy khỏi bị tính ích kỷ trong ta dập tắt - tính ích kỷ là điều Êlisabét “ghê tởm bậc nhất” [126].

Những đam mê của chúng ta thường dễ làm chúng ta bị “phân tâm”, khuấy động “sự đồng tâm nhất trí” của ta; cho nên cần phải tái tạo “sự thống nhất nơi toàn thể con người chúng ta bằng sự thinh lặng nội tâm” và trở về với “tình trạng hoàn toàn làm chủ bản thân trước sự hiện diện của Đấng An Bình” [127]. Nói chung, tình yêu hoàn hảo đòi phải có một cõi lòng hết sức thuần khiết: Đức Kitô muốn chúng ta phải “trút bỏ hết tất cả những gì không phù hợp với tình yêu và vinh quang của Ngài”[128]

Êlisabét viết cho bà Germaine de Gemeaux: “Bà hãy tập hy sinh và từ bỏ; hãy luôn sống với Chúa trong lòng. Muốn thế cần phải hãm mình nhiều lắm, bởi vì để liên lỉ kết hiệp với Ngài như thế, cần phải biết cho Ngài tất cả. Khi một linh hồn trung thành với mọi ao ước nhỏ nhặt nhất của Trái tim Ngài thì, bù lại, Chúa Giêsu cũng trung thành gìn giữ nó và vun trồng giữa Ngài với nó một tình thân mật hết sức êm ái”.[129]

Lòng bên lòng

Khi chúng ta yêu mến chú tâm đến tình yêu Chúa đang chú tâm chăm sóc ta, thì ấy là cầu nguyện[130]. Êlisabét mời gọi chúng ta tiến sâu hơn trong tình thân mật với Thiên Chúa bằng cách thường xuyên dành vài giây phút để tiếp xúc với Chúa - chúng tôi sẽ nhắc lại điều này - và thỉnh thoảng nên dừng lại lâu hơn để cầu nguyện. Trong khi chúng ta vẫn dùng thời giờ để làm biết bao việc, tại sao lại không dành vài phút để cầu nguyện? Nếu chúng ta không còn chút thời giờ nào “rảnh rỗi”, thì cầu nguyện càng là một chuyện cấp bách, để có thể thấy rõ các vấn đề hơn ngay trong tình cảnh bất ổn của chúng ta.

Chị khuyên mẹ chị “mỗi ngày cầu nguyện 3 lần năm phút”. Cũng tựa như một đan nữ Cát Minh, ngoài các giờ kinh phụng vụ và cầu nguyện chung, mỗi ngày còn có 2 giờ riêng để gặp gỡ riêng với Chúa, và đàng khác chị còn cố gắng sống kết hiệp với Chúa cả ngày.

Một thời gian kéo dài trong kinh nguyện thầm lặng sẽ giúp “tiếp xúc” với Chúa sâu xa hơn. Trút bỏ những lo lắng thường ngày, tinh thần sẽ dễ bình an hơn, dễ tập trung hơn và dễ ý thức sâu xa hơn rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Lời cầu nguyện sẽ trở thành “một sự nghỉ ngơi, một sự thư giãn”. [131]

Theo tinh thần chị Êlisabét Chúa Ba Ngôi, giờ đây chúng ta sẽ làm thế nào để sống sự thinh lặng này?

Việc nguyện ngắm kết thành bởi hai yếu tố cốt yếu, mà trong thực hành thường hòa lẫn nhau:

(a). Trước tiên ý thức rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Bạn đặt mình “trước sự hiện diện của Ngài”, “dưới ánh mắt Ngài”. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và luôn hiện diện với chúng ta: Ngài là “một biển tình yêu bao la tràn ngập chúng ta khắp mọi phía” [132]. Êlisabét tự nguyện lùi sâu vào chính mình để tìm kiếm Thiên Chúa “tận đáy sâu vực thẳm không đáy” của lòng mình [133], “trong bầu trời linh hồn”[134]: “Ấy là trọn cả Ba Ngôi đang cư ngụ ở đó”.[135] Mà đàng khác thì linh hồn lại cư ngụ trong Ba Ngôi. “Chúa Ba Ngôi, đó là nơi cư ngụ của chúng ta, nhà chúng ta, nhà cha ta, nơi mà không bao giờ ta được rời xa”.[136] Nhưng “nếu bạn thích nghĩ rằng Thiên Chúa ở gần bạn hơn là ở trong bạn, cũng chẳng sao, miễn là bạn sống với Ngài”[137]. Riêng với Êlisabét, chị cũng thích cầu nguyện trước Nhà Tạm, bởi vì, chị nói: “Không gì nói lên được tình yêu trong cõi lòng Thiên Chúa hơn là Phép Thánh Thể” [138].

Bạn cần hiểu rằng sự hiện diện ấy của Thiên Chúa bao giờ cũng đầy yêu thương. Chị thường lập lại: “Thiên Chúa là Đấng Toàn Ái, toàn là Tình Yêu”... Ánh mắt đầy yêu thương của Thiên Chúa luôn hướng về kẻ đang dõi tìm Ngài. “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!... Vì trước mắt Ta, ngươi thật quí giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương”.[139] Tất cả đều đã bắt đầu trong ánh mắt của Chúa. “Ôi! Chúa nhân lành yêu bạn biết bao, phải chi bạn thấy được Ngài đang nhìn bạn âu yếm đến mức nào”.[140]

Bạn cần phải đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa với niềm xác tín rằng: Thiên Chúa là Cha của tôi. Ngài biết tôi. Ngài thấy tôi. Ngài chờ đợi tôi. Ngài yêu tôi. Ở đây. Lúc này. Mãi mãi. Tôi là con Ngài, tôi thế nào thì Ngài yêu thế ấy, Ngài xem tôi như hạt ngọc, như thể nếu không có tôi Ngài không thể sống hạnh phúc. “Chúa yêu bạn hôm nay như Ngài đã yêu bạn hôm qua, như Ngài sẽ yêu bạn ngày mai. Dẫu rằng bạn đã làm cho Ngài đau khổ”.[141] Vậy “hãy vào tận bên trong linh hồn bạn, bạn sẽ luôn gặp Ngài đang ở đó và muốn làm điều tốt cho bạn”.[142]

(b). Bạn đã tự đặt mình một cách thật ý thức trước sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa trong hiện tại. Giờ đây, tác động cốt yếu thứ hai của việc cầu nguyện là chuyển sang việc chuyện vãn trực tiếp với Ngài, bằng một trong vô số hình thức mà bạn có thể. Êlisabét nói: “Hãy mang tâm hồn bạn đến cho Ngài”[143]

Bạn có thể chuyện vãn như thế bằng những lời, những tiếng. Bạn có thể ca ngợi (Ca ngợi vinh quang!), tạ ơn, yêu mến và xin ơn. Hãy cầu nguyện thay cho những nguời không cầu nguyện. Hãy cầu nguyện cho Hội thánh toàn cầu. Hãy giữ cho nhân loại luôn ở trong ánh sáng thánh nhan Chúa. Tuy nhiên hãy nhớ luôn đơn sơ. Đừng quanh co. Hãy đến với Thiên Chúa không phải như đến với một đối tượng cần nghiên cứu, nhưng như đến với một người bạn, như đến vớiCha của bạn. Êlisabét căn dặn: “Thật giản dị, chẳng cần phải có những tư tưởng hay, nhưng chỉ cần mở rộng cõi lòng”.[144] “Để mặc cho lòng muốn đi đâu thì đi”.[145] Hãy tâm sự với một trong ba Ngôi vị. Hoặc với cả Ba Ngôi.

Bạn cũng có thể cầu nguyện không lời (im lặng) hoặc rất ít lời. Thường thì, với tất cả tâm tình thờ phượng, Êlisabét đã cầu nguyện “trong một sự thinh lặng tròn đầy, sâu thẳm”. Một Đấng được yêu mến đã ngỏ lời chỉ nguyên bằng việc lặng lẽ tỏa chiếu sự hiện diện của Ngài. Êlisabét lắng nghe Ngài trong đức tin và nhìn Ngài bằng “ánh mắt đầy yêu mến” [146], dâng lên Ngài “sự chú tâm trìu mến”[147]. “Tôi thinh lặng, tôi lắng nghe Ngài... Thật hạnh phúc biết bao khi lắng nghe mọi sự từ Ngài và rồi tôi yêu Ngài”... [148].

Từ đó, ta hiểu tại sao Êlisabét lại có thể định nghĩa việc cầu nguyện trong thinh lặng là “một cuộc giao dịch tuyệt vời” [149], là “một cuộc trao đổi tình yêu” [150], là sự “thân mật lòng bên lòng nơi đó trọn cả linh hồn tuôn chảy vào trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa cũng tuôn chảy vào linh hồn để biến đổi linh hồn nên chính Ngài” [151], là “một sự hiệp thông với Ba Ngôi chí thánh”[152]. Cầu nguyện là nhận và cho, cho và biết mình được đón nhận, biết mình được đón nhận và mình đang yêu mến.

Dĩ nhiên là sẽ gặp những chia trí. Êlisabét cho rằng không thể tránh được [153]. Chị thấy trước sẽ có “những đêm đen, những lúc thấy mình trống rỗng và bất lực”[154]. Thế nhưng bạn cầu nguyện đâu có phải vì những “ơn ấy, những sự an ủi ấy”.[155] Bạn hy sinh thời giờ, bạn dâng hiến chính mình, bạn cầu nguyện “là vì chính Ngài”[156].  Chỉ để ở đó với Ngài! “Ước gì tôi ở đó”... [157]

Mỗi khi chăm chú cầu nguyện lâu giờ, ta thường thấy những khoảnh khắc tập trung và những khoảnh khắc lơ đãng tiếp nối nhau. Bạn cần biết vui chịu như thế cách dịu dàng và khiêm hạ. Cầu nguyện khiến ta trở nên khiêm tốn. Tuy nhiên vừa khi nhận ra mình chia trí, bạn hãy để cho sự chia trí ấy rơi xuống như hòn đá (chắc chắn bạn thinh lặng cầu nguyện được ít lâu, những điều bạn bận tâm lại quay về với tâm trí bạn), hoặc bạn biến sự chia trí thành lời cầu nguyện; trong mọi trường hợp, hãy quảng đại quay về với Thiên Chúa là Đấng không rời bạn phút nào. Bạn phải “lấy đức tin mà làm cho Ngài trở nên sống động” [158]. “Hãy thức tỉnh niềm tin của mình... Hãy nói với Ngài rằng bạn chỉ muốn yêu Ngài, xin Ngài hãy làm mọi sự trong bạn, vì bạn quá bé nhỏ”.[159]

Một giờ cầu nguyện kéo dài là môi trường thuận lợi cho những khoảnh khắc cầu nguyện, những giây phút cầu nguyện có thể nẩy nở càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên chỉ cần một phút sâu xa sống thật gần Thiên Chúa, “mắt ta chìm trong mắt Chúa” đáng giá hơn cả hằng trăm phút cầu nguyện hời hợt bên ngoài.

Nếu bạn không tìm ra lời để nói với Thiên Chúa, tại sao không học theo những lời tuyệt vời và cơ bản như trong kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời, hoặc một số thánh Vịnh? Hoặc học theo những lời kinh của những Kitô-hữu bậc thầy, chẳng hạn kinh “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi con tôn thờ... ” của Êlisabét. Thế nhưng bạn đừng đọc qua loa cho xong chuyện... Chỉ cần cần một câu, rồi đặt tất cả tình yêu và nỗi khốn cùng của bạn vào đó, rồi trao những lời ấy cho Chúa như một điều bạn muốn ngỏ riêng với Ngài, như một lời tự tình thân mật giữa bạn và Ngài.

Bạn cũng có thể dựa vào sách chốc lát, nhưng lúc này không phải là giờ đọc “sách bồi dưỡng tâm linh” hoặc trau dồi kiến thức về Đạo. Đọc một chút rồi lại hướng lên Thiên Chúa với những gì bạn vừa đọc để nối lại cuộc đối thoại trực tiếp với Ngài. Tốt hơn, bạn nên bắt chước Êlisabét, tìm khơi nguồn cho ý nguyện từ nơi Tân Ước. Đừng xem thường lời khuyên quí giá Êlisabét đã khuyên Guite: “Hãy cầm lấy ảnh Chúa chịu đóng đinh, nhìn và lắng nghe” [160]. Không ai có thể mặc khải về Thiên Chúa cho bạn bằng Đấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại.

Nếu bạn trung thành với giờ cầu nguyện thinh lặng của bạn, việc cầu nguyện ấy sẽ càng lúc càng sâu xa và lắng đọng. Việc hướng lòng lên Chúa sẽ nhẹ nhàng và tự nhiên hơn, như Êlisabét đã nói: “Một động tác thật giản dị và hoàn toàn yêu mến”.[161]

Đối với Êlisabét, người đã chọn cầu nguyện làm “cái nghiệp” của riêng mình, cầu nguyện trở thành “hơi thở” [162], thành “một sự hiệp thông liên lỉ” [163]. Thiên Chúa đã trở thành môi trường sống của chị: “Ngài là Đấng Vô Cùng của tôi, trong Ngài tôi yêu mến, tôi được Ngài yêu và tôi có tất cả”[164].

Thật khích lệ biết bao khi ta thấy Êlisabét tin rằng bầu khí cầu nguyện ấy cũng có thể dành cho cả những Kitô-hữu sống lăn lộn giữa đời: “Tôi sẽ cho bạn biết ‘bí quyết’ của tôi: Đó là hãy nghĩ đến Thiên Chúa đang ở trong bạn và bạn là đền thờ của Ngài. Như thánh Phaolô đã nói và chúng ta có thể tin thật như vậy. Dần dần linh hồn sẽ quen với sự đồng hành dịu dàng của Chúa, linh hồn sẽ hiểu rằng nó mang trong mình một thiên đàng bé nhỏ, nơi mà Thiên Chúa Tình yêu đã định cư. Lúc ấy, chẳng khác nào linh hồn đang hô hấp trong một bầu khí thần linh... ” [165]

Ngoài ra, còn phải kể thêm ba ghi chú quan trọng.

Cầu nguyện là một ơn mà Chúa sẽ không từ chối ban cho những ai tin tưởng cầu xin Ngài. Khởi đầu giờ cầu nguyện trong thinh lặng, trước hết bạn hãy hướng lên “Thánh Thần của tình yêu và của ánh sáng” [166] Một cách thật dịu dàng, Ngài sẽ thúc đẩy tất cả mọi người thiện chí hướng đến sự thiện. Hoặc chúng ta cầu nguyện với Mẹ Maria, thì rồi cũng sẽ được Chúa Thánh Thần ban ơn như thế. Bởi lẽ Mẹ là Ái nữ của Chúa Cha, Hiền mẫu của Ngôi Lời, là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần và được đầy tràn ân sủng, trở thành “lời ca ngợi cho vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi” [167], cho nên Mẹ sẽ tán trợ hữu hiệu cho lời cầu xin của bạn. Mẹ được liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm Thiên Chúa. “Chúa Giêsu và Mẹ Maria yêu nhau biết mấy: Trái tim của hai mẹ con tuôn chảy vào nhau”.[168] Đôi lúc Êlisabét đã “thờ lạy Chúa Ba Ngôi trong linh hồn Đức Trinh nữ”[169]

Tiếp đến, đừng quên rằng chính Chúa Giêsu đang cầu nguyện trong thẳm cung lòng bạn. Được tình yêu của Chúa Thánh Thần nung đốt, Ngài thờ lạy, tạ ơn và ca ngợi Chúa Cha cách hoàn hảo. Êlisabét viết: “Trong cung thánh nhỏ bé hết sức sâu kín của hồn tôi, đêm ngày tôi hằng gặp Giêsu, không bao giờ tôi ở một mình: Chúa Kitô của tôi đang cầu nguyện trong tôi và tôi cùng cầu nguyện với Ngài”[170]. “Tôi hết sức cố gắng đi vào nội tâm, tự tan biến trong Ba Ngôi đang hiện diện ở đó!... Thật rất giản dị, Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa đang tôn thờ Thiên Chúa vẫn ở trong chúng ta, cho nên lời cầu nguyện của Ngài là của chúng ta. Ta hãy dâng lên chính lời cầu nguyện ấy, ta hãy hiệp thông vào đó và hãy hiệp với linh hồn của Ngài mà cầu nguyện”.[171]

Sau cùng, đừng ngạc nhiên về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Khi Chúa Thánh Thần muốn và bao lâu Ngài muốn, Ngài có thể ban cho ta ơn quen được gọi là “sự cầu nguyện thiên phú”. Lúc đó, người ta cảm thấy bị lôi kéo vào bên trong và được sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa chiếm hữu, chứ không còn phải là chính họ kiếm tìm Ngài. Chưa kịp nghĩ đến, người ta đã cảm thấy tình yêu của Chúa và kèm theo đó là lời cầu nguyện, tuôn chảy trong lòng như một Nguồn Suối huyền nhiệm. Sự cầu nguyện này làm cho bạn cảm thấy tràn đầy hạnh phúc và tràn đầy sự hiện diện của Thiên Chúa mà với nỗ lực riêng bạn, không bao giờ bạn có thể khơi dậy được. Đó là điều Êlisabét vẫn thường cảm nghiệm.

Sức năng động của việc trở về với Thiên Chúa

Trong những người nhận thư của Êlisabét trước kia cũng như trong các độc giả tập sách mỏng này hôm nay, mỗi người đều có thể nêu lên ba lý do để thoái thác:

1. Họ không có nhiều giờ để cầu nguyện, nhất là ban ngày.

2. Họ cảm thấy hơi mệt mỏi khi cầu nguyện, nhất là vào buổi tối.

3. Họ không biết cầu nguyện tốt, nhất là vào buổi đầu.

Sau khi nhắc lại rằng đừng chờ đến lúc mệt mỏi mới nghĩ đến Thiên Chúa, và rằng chúng ta mất không ít thời giờ vào những “việc cấp bách” như nói chuyện tầm phào, xem truyền hình, đọc đủ thứ báo hoặc không làm gì cả, Êlisabét trả lời chúng ta rằng: không có gì dạy ta biết thuật cầu nguyện cho bằng chính việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện mang theo với nó một ông Thầy riêng. Hãy học cầu nguyện bằng cách bắt đầu cầu nguyện. Xưa kia khi còn bé tí, Êlisabét cũng đã bắt đầu bằng cách ấy, về sau chị sẽ lập lại: “Giản dị lắm!” [172]

Cũng hệt như khi tập bơi: Nếu bạn không nhảy xuống nước, những lời khuyên hay nhất cũng vô ích. Cứ cầu nguyện, được sao hay vậy, rồi bạn sẽ cầu nguyện tốt hơn. Nếu chưa biết cầu nguyện, bạn hãy cung kính nói điều ấy với Chúa. Như các tông đồ xưa, bạn hãy xin Chúa dạy bạn cầu nguyện và lặp lại thật chậm vài câu trong kinh Lạy Cha.

Giả sử chúng ta đã nhìn lại chương trình hằng ngày của mình và đã lại suy nghĩ về thang giá trị của những gì mình chọn, và đã chân thành đi đến kết luận là mình không có giờ để nói chuyện với Chúa đôi phút, thì trong một ngày vẫn còn biết bao khoảnh khắc “lãng phí”, “trống rỗng”, ở đó ta thả hồn lang thang khắp nơi, chẳng đâu vào đâu. Chẳng hạn những lúc phải chờ trước một cánh cửa, trước một quầy vé, trước đèn đỏ ở ngã tư, chờ điện thoại, đợi xe buýt, “khi bạn thức giấc trong đêm”[173]... Thời gian bạn di chuyển, trên một hành lang, trên thang máy, trên xe điện, khi lái xe một mình... Con người đã một thời du lịch nhắn nhủ ta: “Trên xe lửa, bạn đừng quên cầu nguyện. Đó là lúc hết sức thuận tiện để cầu nguyện, tôi vẫn còn nhớ lắm”.[174]

Êlisabét đồng ý rằng ở mọi nơi chúng ta đều có thể dành ra những giây phút ngắn để gặp gỡ Chúa mà không sợ ai để ý thấy, để dâng lên Chúa những lời nguyện tắt, để cầu nguyện chớp nhoáng.

Đã hẳn chúng ta phải làm việc và cuộc sống là một chuỗi những công việc nho nhỏ. Thế nhưng tại sao không ý thức dâng công việc này cho Thiên Chúa để nhờ đó mà thánh hóa nó và cộng tác với “hành vi sáng tạo” [175]của Ngài? Tại sao không xin Ngài giúp đỡ và soi sáng? Chị viết cho Guite: “Em đừng bối rối khi phải bận bịu như hiện nay và không thể nào theo nổi nhịp cầu nguyện trước đây: Em có thể cầu nguyện với Chúa đang khi làm việc, chỉ cần nghĩ đến Chúa là đủ”[176].

Tại sao không cầu nguyện cho những người mà bạn đang làm việc vì họ hoặc với họ, những người mà bạn không được phép tách lìa khỏi người Cha của họ? Tại sao một bà mẹ khi làm việc lại không làm cho con cái mình điều mà Êlisabét dành cho mẹ mình khi chị làm việc: “Hôm nay con trang hoàng bàn thờ Đức Mẹ. Khi đặt những cánh hoa dưới chân Người Mẹ Hiền thiên quốc, con đã nói với Ngài về mẹ của con đấy!” [177]

Qua các thư của Êlisabét chúng ta có thể biết chị đã cầu nguyện thế nào khi lau chùi [178], giặt giũ [179], quét nhà [180], may vá [181] và dọn bàn ăn [182]...

Chị nói: “Chỉ cần biết hướng về Thiên Chúa là ta có thể thánh hóa các việc nhỏ nhặt nhất, biến đổi những hành động bình thường nhất của cuộc sống thành những tác động thần linh” [183].

Chị tin rằng ở khắp mọi nơi ta đều có thể bồi đắp tình thân mật với Thiên Chúa. Đối với chị, “cầu nguyện trên đường”  không phải là vì để tiết kiệm thời giờ nhưng là vì yêu mến. Chỉ vì một lý do là vì người ta “có thể làm mọi việc dưới ánh mắt Ngài” [184]. Bà Sourdon sẽ học được cách gặp gỡ Chúa “giữa những lo âu và bận bịu của một bà mẹ”[185]. Em Guite sẽ hiểu rằng đi vào trong Chúa “không phải là chuyện cách ly bề ngoài với những việc bên ngoài, nhưng là một thái độ cô tịch trong tâm trí” [186] và người ta có thể lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa “ngay giữa những quan hệ xã hội và giữa những bận tâm trong cuộc sống”.[187]

Chúng ta lại không thấy điều ấy nơi cuộc sống của Đức Maria làng Nazareth đó sao? Đức Maria đã đón nhận và chịu đựng mọi sự với thái độ hết sức bình an và trầm mặc! Cứ xem, cả đến những việc tầm thường nhất đều đã được Mẹ thánh hóa! Bởi vì trong mọi sự Mẹ vẫn luôn sống tâm tình tôn thờ và biết ơn Thiên Chúa. Điều đó không ngăn cản Mẹ dấn thân vì người khác mỗi khi cần phải thực hành đức ái.

Trường hợp Êlisabét, chị đã cầu nguyện trên đường phố, ngay giữa những lễ hội, những cuộc họp bạn và khiêu vũ, khi chơi piano và trước thiên nhiên tươi đẹp mà chị chiêm ngắm trong những dịp nghỉ. Cuối cùng, Chúa Giêsu đã trở thành “người Bạn của chị trong mọi lúc” [188], “một người Yêu dấu mà chị không thể nào xa cách”[189].

Có điều gì buộc chúng ta phải suốt ngày, suốt tuần, suốt đời lánh mặt sự hiện diện hết sức kỳ diệu của Chúa, sự hiện diện trung thành nhất, đáng yêu nhất. Êlisabét mời gọi chúng ta thỉnh thoảng, hoặc nếu được thì luôn luôn, hướng cái nhìn về Chúa Kitô đang hiện diện trong lòng ta và trong lòng anh em ta, đang hiện diện trong các thánh đường và trong tất cả những gì hiện hữu.

Chị nói: “Bạn phải tự huấn luyện mình, nhẫn nại và kiên trì thực tập, dần dần bạn tập quen sống trong sự cận kề êm đềm của Ngài [190] và học sống dưới cái nhìn của Thầy Chí Thánh”.[191]

Những lời khuyên và gợi ý của Chi hầu như không đếm được. “Trong ngày thỉnh thoảng bạn hãy nghĩ đến Đấng đang sống trong bạn và đang khao khát được bạn yêu mến”.[192] “Bạn hãy theo tôi mà xây một tu phòng nhỏ trong tâm hồn, rồi bạn sẽ nghĩ rằng Chúa đang ở đó và thỉnh thoảng bạn lại vào đó. Hễ thần kinh căng thẳng hoặc khốn khổ muộn phiền, bạn hãy trốn ngay vào đó và tin tưởng phó thác tất cả cho Thầy”.[193] “Hãy thật sự sống với Đấng đang ngự trong tâm hồn bạn, hãy tập hồi tâm để gặp gỡ Ngài”[194]. “Má à, thỉnh thoảng Má nên hồi tâm... ”[195]. “Bạn nhớ kể cho tôi hay bạn có tiến tới trên đường hồi tâm ở trước mặt Chúa không.”[196]. “Khi thân xác bạn nghỉ ngơi, hãy nhớ rằng tâm hồn bạn cũng phải nghỉ ngơi trong Ngài”.[197] “Dù làm gì, dù ở đâu, bạn hãy sống với Ngài”.[198] “Đừng bao giờ hành động theo phản xạ... Phải ý thức rằng Thiên Chúa ở nơi sâu thẳm nhất trong ta và phải cùng với Ngài bắt tay vào mọi chuyện, như thế cả khi làm những chuyện bình thường nhất, vẫn không có gì là tầm thường, vì ta không sống trong các sự vật, nhưng luôn luôn vượt lên trên chúng!”[199] “Thầy của em nhờ em nói với chị rằng chị hãy thật sự sống gần Ngài, thật sự sống trong Ngài. Lúc ấy những sinh hoạt bên ngoài, những tiếng động bên trong sẽ không thể là chướng ngại nữa; chính Ngài sẽ giải phóng chị. Hãy nhìn Ngài, hãy yêu mến Ngài”[200] “Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần mặc khải cho bạn biết Thiên Chúa hiện diện trong bạn như tôi đã nói với bạn”[201].

Cả trong những lúc đau khổ

Một trong những khía cạnh đáng ngạc nhiên của Êlisabét là niềm hạnh phúc sâu xa của chị, dường như không gì có thể phá vỡ nổi, ngay giữa những đau khổ lớn lao mà rồi chị sẽ trải qua để đối mặt với cái chết khi mới hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi. Đau khổ dường như phải chịu thua chị vì chị luôn kết hiệp yêu mến với Đức Kitô và vì chị hằng mơ ước được đồng công cứu chuộc với Ngài trên thập giá. Chị muốn lặp lại với mọi người rằng “Hãy sống với Chúa! A, giá tôi có thể nói cho mọi linh hồn biết họ sẽ tìm được những nguồn sức mạnh, bình an và cả hạnh phúc dào dạt đến mức nào nếu họ chịu sống tình thân mật ấy với Chúa”[202].Linh hồn sống dưới cái nhìn của Chúa sẽ thấy mình được mặc lấy sức mạnh của Ngài và sẽ anh dũng trong đau khổ”[203]

Để khỏi nghi ngờ điều đó, “cần có một đức tin biết quan sát”[204] Đừng dừng lại trên bề mặt [205] Đừng bao giờ loay hoay với những nguyên nhân phụ thuộc” [206] Nhưng hãy “vươn cao hơn” để thấy được mọi sự dưới “ánh sáng đức tin”[207]. “Hãy nhìn mỗi sự đau khổ cũng như mỗi niềm vui đều như thể trực tiếp do Chúa mà đến, thì đời bạn sẽ thành một cuộc hiệp thông liên lỉ, vì mỗi sự việc đều sẽ như một bí tích đem Thiên Chúa lại cho bạn” [208]

Kiểu nói như thể trực tiếp do Chúa mà đến” cho thấy Êlisabét vẫn rất để ý tới những nguyên nhân tự nhiên ( vật lý, tâm lý, xã hội) gây nên những niềm vui nỗi buồn của chúng ta, nhưng chị lại muốn sống trong sự tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa là Đấng mời gọi chúng ta nhìn mọi sự trong sự hiện diện và tình yêu của Ngài! Cuộc sống trở nên trong suốt đối với chị: “Mỗi tình tiết, mỗi biến cố, mỗi khổ đau và niềm vui đều là một bí tích đem Thiên Chúa đến cho tạ”.[209]

Đừng để các kho khăn và đau khổ khiến chúng ta phải khép lại, hãy để cho chúng trở thành trường dạy ta cầu nguyện và yêu mến. Êlisabét phân bì với “vẻ đẹp tâm hồn” của Guite [210]  nhưng chị đã nói gì với em mình? “Theo chị, tự hiến chính là điểm đến của tình yêu. Em ạ, mỗi ngày có biết bao hy sinh cần đón lấy, đừng đánh mất một hy sinh nào. Trong việc nuôi dạy các cháu, em có rất nhiều dịp để hy sinh, em hãy dâng hết cho Thầy. Em không thấy rằng đau khổ nối kết ta với Ngài cách chặt chẽ nhất đó sao?... ” [211]

Mỗi khó khăn đều có thể thành một lời cầu nguyện. Guite sẽ không quên điều đó: “Khi em có chuyện buồn, hãy nói với Ngài, Ngài hiểu tất cả, và Ngài là chủ của tâm hồn em”[212]

Francoise, người phụ nữ sôi nổi, hẳn phải hiểu rằng: “Ngay cả khi mọi sự chống lại mình, người ta vẫn có thể rất hạnh phúc, cho nên phải luôn nhìn lên Thiên Chúa nhân lành. Thoạt đầu, khi cảm thấy lòng giận sôi lên, người ta phải cố gắng lắm, nhưng rồi nhờ kiên nhẫn, và có Thiên Chúa nhân lành nâng đỡ, người ta sẽ đi đến cùng cách êm dịu”.[213]

Bà mẹ đầy nhớ thương của chị sẽ học biết nương mình nơi Thiên Chúa khi gặp đau khổ: “Nếu mẹ cảm thấy lòng băng giá, hãy đến sưởi ấm bên Chúa, Ngài là lò lửa tình yêu, Ngài làm cho tâm hồn ta trống rỗng chỉ là để lấp đầy tất cả!... Mẹ hãy dâng cho Chúa tất cả những gì đang làm cho lòng mẹ bị tổn thương, mẹ hãy phó thác tất cả cho Chúa, Mẹ hãy nhớ rằng đêm ngày trong tâm hồn mẹ luôn có một Đấng không bao giờ bỏ mẹ cô đơn” [214] “Dâng cho Chúa tất cả mọi đau khổ của mẹ, đó là phương cách tốt nhất để kết hiệp với Chúa và là một lời kinh đẹp lòng Ngài. Chúng ta hãy mang đến cho Chúa những đau khổ trong thể xác và tâm hồn, như ngày xưa những bệnh nhân khắp nước Do Thái đã kéo đến với Ngài. Vì từ nơi Thầy, vẫn đang liên lỉ tỏa ra một nguồn sức thiêng”.[215]

Bà Angles luôn đau khổ và Êlisabét cố gắng nâng đỡ tinh thần bà: “Khi bà đau khổ, khi thân xác bà rã rời, hãy cứ sống dưới cái nhìn của Chúa, nhớ Chúa đang hiện diện và đang sống trong tâm hồn bà”[216]. Khi đau khổ, người ta không làm chủ được tình cảm. Nhưng thật ra chẳng nên làm chủ điều gì cả: “Tôi nghĩ rằng, trong những giờ phút đau thương đầy hồng phúc đang khiến bà thấy trống rỗng khủng khiếp, Chúa muốn bà phó thác và tin tưởng vô hạn... Bà quên đi nỗi âu lo về sức khỏe, nói thế không có nghĩa là phải bỏ bê đừng chữa trị, bởi vì chữa trị là bổn phận của bà và là việc đền tội tốt nhất, tuy nhiên, bà phải chữa trị với lòng phó thác tuyệt đối, bằng cách thốt lên ‘tạ ơn Chúa’, bất chấp đang xảy ra điều gì. Khi bà cảm thấy thân xác nặng nề và tâm hồn mệt mỏi, bà đừng thất vọng, nhưng cứ lấy đức tin và lòng mến mà đến với Đấng đã nói: Hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ con. Đừng quá bận tâm mình đang phấn khởi hay thất vọng. Bao lâu còn lưu đày ở trần gian, vui buồn đắp đổi là chuyện đương nhiên. Lúc ấy, hãy tin rằng Ngài, Ngài không bao giờ thay đổi”[217]

Ngay cả tội lỗi và sự yếu đuối của chúng ta cũng không được phép ngăn cản chúng ta quay về với Chúa:

“Đừng bao giờ nghĩ mình khốn cùng rồi buông xuôi. Thánh Phaolô nói: ‘Ở đâu tội lỗi càng đầy tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa!’ Tôi nghĩ rằng chính linh hồn yếu đuối nhất, ngay cả tội lỗi nhất, lại càng có lý để hy vọng hơn cả. Chính việc họ quên mình để lao vào vòng tay Thiên Chúa sẽ làm vinh danh Chúa và làm vui lòng Chúa nhiều hơn là tất cả những cố gắng kiểm điểm quay về với mình, là những việc khiến họ cứ phải sống với những tật nguyền của mình, đang khi họ sẵn có ngay giữa tâm hồn mình một Đấng Cứu Chuộc lúc nào cũng muốn thanh tấy họ... Đâu phải Ngài đã không dặn: ‘ Tôi không đến để xét xử, nhưng là để cứu vớt ‘ Đừng để chuyện gì ngăn cản bà đến với Ngài”. [218]

Hơn bao giờ, đứng trước cái chết, Êlisabét càng nhấn mạnh rằng hãy để cho Tình yêu thương xót và cứu độ của Chúa ấp ủ chúng ta! “Ngài sung sướng lập cư trong bạn bằng tình yêu và vinh quang Ngài. Chính Ngài và duy một mình Ngài đã muốn làm như thế, cho dù bạn chẳng làm gì để lôi kéo ơn ấy, ngoài thân phận thụ tạo yếu đuối với những tội lỗi và khốn cùng... Ngài yêu bạn như thế đấy, Ngài yêu bạn  “hơn những người này”... Ngài thực hiện tất cả nơi bạn và sẽ đi đến cùng... Nhưng vào những giờ phút mà bạn chỉ thấy bị đè bẹp, mệt mỏi, bạn sẽ vẫn còn làm cho Ngài vui lòng nếu như bạn vẫn trung thành tin rằng Ngài luôn hành động, Ngài vẫn yêu bạn và còn yêu nhiều hơn. Bởi vì Tình yêu của Ngài luôn tự do, không bị điều gì ràng buộc, và vì Ngài muốn được tôn dương nơi bạn và muốn bạn để cho Ngài yêu”.[219]

[92] Mt 22,38
[93] Mt 6,4
[94] Gl 4,4-7
[95] Thư 239
[96] Thư 236
[97] Ga 14,6
[98] Ga 10,9
[99] Ga 10,10
[100] Thư 191
[101] P. 93
[102] Dt. 11,27
[103] DR 10
[104] Thư 273
[105] Bài thơ 84
[106] Thư 124
[107] Ghi chú riêng 12
[108] Thư 179
[109] Bài thơ 82
[110] Thư 145
[111] LA. 6
[112] Ghi chú riêng 15
[113] Bài thơ 75
[114] Bài thơ 75
[115] Thư 191
[116] Thư 124
[117] Thư 124
[118] Thư 241
[119] Thư 186
[120] Thư 233
[121] Thư 174
[122] Thư 164
[123] Ghi chú riêng 15
[124] Thư 138
[125] Ghi chú riêng 13
[126] Ghi chú riêng 12
[127] DR. 3-4
[128] DR. 19
[129] Thư 278
[130] Ở đây chúng tôi dựa theo chương 3 và chương 5 trong quyển “Tư Tưởng của chị Elisabeth Chúa Ba Ngôi”, tập I. (“Pensées”, Ấn phẩm số 207 trong bộ Foi vivante, Nxb Cerf, Paris, 1984)
[131] Thư 123
[132] Thư 199
[133] CF. 32
[134] CF. 44
[135] DR. 28
[136] CF. 2
[137] Thư 273
[138] Thư 165
[139] Is 43,1-4
[140] Thư 85
[141] Thư 298
[142] Thư 291
[143] Thư 179
[144] Thư 273
[145] Thư 123
[146] Thư 138
[147] Thư 231
[148] Thư 168
[149] Thư 249
[150] Thư 161
[151] Thư 278
[152] Thư 252
[153] CF. 44
[154] Ghi chú riêng 15
[155] Ghi chú riêng 5
[156] DR. 21
[157] Ghi chú riêng 15
[158] Thư 168
[159] Thư 179
[160] Thư 93
[161] Thư 335
[162] Thư 206
[163] Thư 172
[164] Thư 117
[165] Thư 249
[166] Thư 230
[167] DR. 40
[168] Thư 188
[169] Thư 199
[170] Thư 123
[171] Thư 179
[172] l. 273
[173] Thư 298
[174] Thư 287
[175] Ghi chú riêng 15
[176] Thư 93
[177] Thư 87
[178] Thư 87
[179] Thư 89
[180] Thư 139
[181] Thư 168
[182] Thư 235
[183] Thư 309
[184] Thư 252
[185] Thư 129
[186] CF. 7
[187] CF. 16
[188] Thư 243
[189] Thư 280
[190] Thư 249
[191] Thư 269
[192] Thư 93
[193] Thư 123
[194] Thư 295
[195] Thư 302
[196] Thư 280
[197] Thư 301
[198] Thư 291
[199] GV. 8
[200] Thư 281
[201] Thư 273
[202] Thư 302
[203] Thư 308
[204] Ghi chú riêng 14
[205] CF. 4
[206] GV. 8
[207] DR. 5
[208] Thư 264
[209] CF. 10
[210] Thư 269
[211] Thư 298
[212] Thư 93
[213] Thư 123
[214] Thư 159
[215] Thư 301
[216] Thư 138
[217] Thư 249
[218] Thư 249
[219] LA. 5-6

(còn tiếp)

Cát Minh Nha Trang

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 11.02.2005. 06:15