Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

2. Học hiểu về vũ điệu của Thiên Chúa

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

“Từ sáng tinh mơ của vũ trụ hoang sơ,
Ta đã cử hành vũ điệu nơi trăng sao và mặt trời.
Và từ Trời xuống hành tinh này,
Ta đã chọn Bêlem cử tiếp vũ điệu của Ta.”

I- HỌC THEO VŨ ĐIỆU CỦA THIÊN CHÚA

Cách đây khoảng 50 năm, Sydney Carter soạn lại bài nhạc cũ của Shaker có tên “Người cầm đầu Vũ Khúc.” Nét đặc biệt của bài ca là mô tả Thiên Chúa như người cầm đầu vũ khúc của công cuộc tạo dựng. Đấng đã cử hành vũ khúc nơi mặt trời, mặt trăng, và các tinh tú, cũng đã sinh ra tại Bêlem để cử hành vũ điệu trên mặt đất. Do lòng nhân hậu, Người mời chúng ta tham gia vũ điệu, và Người sẽ dìu bước chân chúng ta bất cứ ta ở vị trí nào.

Hình ảnh vũ điệu ở đây mô tả cách tuyệt vời cuộc sống người Kitô hữu trong mọi chiều kích, đó là : học theo vũ điệu của Thiên Chúa.Sống đời Kitô hữu không phải là làm nên một điều gì riêng hoặc cất bước theo vũ điệu riêng của chúng ta. Chúng ta không đơn độc trong điệu múa. Điệu múa này đã được Đức Giêsu học và múa một cách hoàn hảo với Thiên Chúa và hòa nhập với cả công cuộc tạo dựng. Những bước khác nhau của điệu múa được Kinh Thánh quảng diễn đầy đủ. Phụng Vụ Chúa Nhật không ngừng ôn tập cho chúng ta cách đầy đủ và sinh động những bước căn bản của vũ điệu. Thánh Lễ là âm chủ của một người đã luôn cất bước theo vũ điệu ngay cả trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi chân tay bị treo trên thập giá, khi mặt trời đổ đen. Vì chính Người là sự sống chẳng bao giờ và mãi mãi chẳng bao giờ tắt. Ước mong lớn nhất của Người là sống trở lại trong chúng ta để vũ khúc này được tiếp tục cử hành.

Đã nhiều năm qua, chúng ta có xu hướng nghĩ về các Bí Tích như những vật thể. Mỗi Bí Tích được quan niệm như một hồng ân đặc biệt nào đó ban phát cho chúng ta. Công Đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta rằng các Bí Tích không phải là những sự vật, nhưng chính là những hành động mang tính phụng vụ. Ví dụ, Thánh Lễlà một hành động của Hội Thánh cùng nhau qui tụ để làm nên, chứ không phải một cái gì do linh mục làm nên. Sở dĩ trước đây chúng ta nghĩ về các Bí Tích như các hành động của Hội Thánh, chỉ vì các Bí Tích được phân phát trong Hội Thánh và bởi Hội Thánh. Tuy nhiên, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh số 14 dạy chúng ta rằng : “Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự vào các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và linh động.”

Vì các Bí Tích là những hành động, nên quan niệm Phụng Vụ như một Vũ Khúc mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta tham gia với Người là một điều rất thích hợp. Hành động luôn ảnh hưởng trên con người. Nói rằng Phụng Vụ được quan niệm như một vũ khúc tức là công nhận Thiên Chúa là Người gióng lên điệu nhạc, soạn nên những nhịp điệu căn bản. Đối với mỗi người trong chúng ta, vũ điệu sẽ mang những sắc thái khác vì phản ảnh sự khác biệt trong bản thân mỗi người, trong cuộc sống và trong những liên hệ của chúng ta. Điều này có thể làm cho nhiều người lo ngại vì họ muốn điệu múa làm mẫu phải rõ ràng, một bài soạn sẵn đồng nhất trong từng chi tiết buộc tất cả chúng ta đều phải cất bước theo vũ điệu.

Nhưng thực ra không có một mẫu nào, một bài soạn nào nhất định mà chúng ta phải theo. Chúng ta không được yêu cầu lập lại các bước của Đức Giêsu, mặc dù chúng ta phải được điệu nhạc của Người hứng khởi. Chúng ta cần phải để tai nghe theo điệu nhạc của Người, để cho điệu nhạc đó cảm hứng và lôi cuốn chúng ta vào trong vũ điệu như Đức Giêsu đã làm với tâm hồn tràn đầy Thần Khí. Vấn đề không phải là hỏi liệu Đức Giêsu cử các bước vũ như thế nào nếu Người sống ngày hôm nay của chúng ta ? Thực tình chúng ta nào có biết! Đúng hơn, chúng ta phải hỏi chính mình sẽ cư xử như thế nào với người khác để giống cách Người đã đối xử với dân chúng trong thời của Người. Điều này có nghĩa là học vũ theo cung điệu Đức Giêsu đã gióng lên, một cung điệu đến từ Thiên Chúa. Mặc dù nhịp điệu cơ bản không thay đổi, nhưng các bước đi sẽ khác nhau tùy theo điều kiện thời gian và không gian.

II- PHỤNG VỤ QUY TỤ MỌI NHỊP ĐIỆU CỦA CUỘC SỐNG

Trong thế giới hiện đại chúng ta đang sống, điều chính yếu sẽ nâng bước chúng ta trong vũ khúc cuộc sống đó là Phụng Vụ. Trong thế giới đầy hứng sáng tạo này, qua Phụng Vụ, chúng ta có thể nghe được những nhịp điệu để kiểm soát cuộc sống của mình. Không có Phụng Vụ, chúng ta sẽ không nghe được nhịp trống, quên hẳn giai điệu, hoặc có những bước chân sai nhịp. Chỉ Phụng Vụ mới có thể qui tụ mọi nhịp điệu của cuộc sống. Không có Phụng Vụ, chúng ta sẽ bị bỏ rơi trong vũ điệu.

Người Công Giáo được gọi là dân mang tính bí tích. Thực ra điều này có ý nghĩa gì ? Có phải chỉ vì người Công Giáo thường xuyên nhấn mạnh về các bí tích và cử hành các bí tích thường xuyên hơn những người khác không ? Và làm thế nào để cử hành các bí tích cách đầy đủ ý nghĩa ? Chia sẻ các bí tích của Giáo Hội có phải như chia phần lời trên một công việc đạo đức không ? Hay có lẽ đó là việc nhập kho các công nghiệp vào tài khoản của một ngân hàng siêu nhiên nào ? Hoặc đây có phải là một cách suy tư, một đường lối chung để sống ?

Đáng tiếc thay, nhiều người vẫn nghĩ về bí tích như một cái gì chúng ta nhận được hơn là một việc gì chúng ta phải làm. Có liên hệ nào giữa cuộc đời chúng ta đang sống với các bí tích chúng ta cử hành không ? Bí tích có một ảnh hưởng nào trên cuộc sống chúng ta hay không ? Chúng ta hãy xét ba trường hợp sau đây :

1- Trong một bữa tiệc cưới tại nhà hàng sang trọng, cô dâu nâng ly rượu hồng và tuyên bố : “Tôi muốn cạn ly với chồng mới cưới của tôi, đây là lần đầu và cũng là lần cuối cùng !” Tuyên bố xong, cô ta hất hết ly rượu vào mặt chú rễ và trang trọng bước ra khỏi phòng tiệc. Mọi người há hốc miệng kinh ngạc. Sau đó người ta mới hay rằng đêm trước đây cô dâu tương lai đã bắt gặp người chồng sắp cưới phản bội mình. Sự tức giận của cô ta lên đến cực độ, đến nỗi thay vì đơn giản hủy bỏ lễ cưới, cô ta đã tìm cách làm nhục chồng trước mặt bạn bè và quan khách. Mọi người đều cho cô ta đã cư xử rất thành công và ngoạn mục.

Tuy nhiên nếu chúng ta nghĩ lại, cách một tiếng đồng hồ trước khi nhập tiệc, trước sự hiện diện của đông đủ mọi người trong nhà thờ, linh mục chủ tế đã hỏi cô có muốn lấy người đàn ông này làm chồng không, thì cô đã trả lời có. Nhưng trong thâm tâm của cô lại kêu lên : không! không! Vậy khi đó cái gì đã được cử hành trong nghi thức Bí tích Hôn Phối ?

2- Trường hợp thứ hai : Một người đến xưng tội trong Tuần Thánh vì suốt năm đã không xưng tội. Người này xưng ra tội ngoại tình vì thực sự anh ta có tình nhân. Linh Mục hỏi anh ta : “Tôi nghĩ là mỗi năm vào dịp này, anh đến đây để nhận sự tha thứ, và sau khi rước lễ trong ngày Phục Sinh theo đúng luật Hội Thánh dạy, anh liền quay trở lại với tình nhân của anh phải không ?” Anh ta trả lời : “Thưa cha đúng vậy.”

Giả như không chút áy náy, không một lời khuyên dạy, Linh Mục cứ ban phép Xá Giải, thử hỏi chúng ta đã cử hành cái gì ?

3- Trường hợp thứ ba : Một cộng đoàn đầy đầu óc chia rẽ, người giàu không màng ngó đến người nghèo. Họ vẫn tụ họp nhau tổ chức một Thánh Lễ hết sức trọng thể. Ca đoàn hát tuyệt vời, trang phục lộng lẫy, vị chủ tế nồng nhiệt. Cái gì thực sự đã được cử hành?

Chúng ta có câu trả lời đầy thẩm quyền cho trường hợp thứ ba. Chính thánh Phaolô đưa ra câu trả lời. Tư tưởng của Phaolô có thể diễn đạt như thế này : “Quả tình tôi chẳng biết anh em nghĩ mình đang cử hành cái gì trên mặt đất này, nhưng chắc chắn một điều, đó không phải là Thánh Lễ” (1Cor 11, 20). Và chúng ta có thể thêm, những gì họ đang cử hành là tính ích kỷ, chia rẽ và tội lỗi. Chắc chắn không phải là Thánh Thể Chúa.

Những thí dụ trên đây là để nói lên rằng, không có một cái gì gọi là ảo thuật nơi các bí tích. Các bí tích không phải là những cỗ máy làm việc bất kể sự thiếu vắng tình yêu và niềm tin của chúng ta. Chúng ta không thể chia sẻ các bí tích và trông cậy được hưởng một ân huệ nào, nếu cuộc sống chúng ta đi ngược lại với ý nghĩa thâm sâu của bí tích chúng ta đang cử hành. Một số thần học gia nói về một thứ Kitô giáo chọn ô, nghĩa là một trạng thái mà kinh nguyện hầu như không có một ảnh hưởng nào trên các giá trị, các lý tưởng hoặc lối sống. Đó là một thứ đạo đức giả hình, những bí tích dổm. Phải có một liên hệ rất chặt chẽ giữa Phụng Vụ và cuộc sống. Trong mọi lúc, chúng ta chỉ mong được bước theo vũ điệu của Thiên Chúa.

III - LIÊN HỆ GIỮA BÍ TÍCH VÀ CUỘC SỐNG

Trong thực tế, mối giây liên hệ giữa Bí Tích và Cuộc Sống là một liên hệ hai chiều. Nói cách khác, các Bí Tích ảnh hưởng trên cuộc sống chúng ta (có lẽ ít hơn là nhiều) và cuộc sống của chúng ta ảnh hưởng trên việc cử hành bí tích (chắc chắn là nhiều hơn ít). Thánh Phaolô đã mạnh mẽ cảnh giác rằng nếp sống chúng ta có thể phá huỷ hoàn toàn bản chất của những gì chúng ta cử hành. Các Bí Tích là những lễ mừng của chính thực tại cuộc sống của chúng ta.

Mặc dầu các bí tích và nhất là Bí Tích Thánh Thể trước tiên là những hành động thờ phượng, nhưng cũng ảnh hưởng trên cuộc sống, uốn nắn cách suy nghĩ, và làm cho chúng ta nên những Kitô hữu trong thực tế cũng như trong danh nghĩa. Cử hành Thánh Thể có nghĩa là làm cho chúng ta được nên giống Chúa Giêsu Thánh Thể trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Phụng vụ là một kinh nghiệm đòi buộc chúng ta phải dấn thân, phải đáp trả với hành động của Đức Kitô. Đó là lò đúc tạo nếp tư tưởng cho người Kitô hữu. Phụng vụ giúp chúng ta suy nghĩ và hành động như người tín hữu của Chúa.

Những gì đang được cử hành trên bàn thờ phải đặt song song với cuộc sống thực tế. Những gì chúng ta đang sống phải đặt lên bàn thờ để được Thiên Chúa chuyển biến. Nhưng, như Robert Hovda, một chuyên gia về Phụng Vụ, viết với giọng mỉa mai : “Cũng như chúng ta không thể nặn máu ra từ một cây củ cải, chúng ta không thể trông mong có được một kinh nghiệm sốt sắng về việc cử hành phụng vụ từ những con người bàng quan, những con người không có chút quan tâm về kinh tế, về sức ép chính trị, và óc chia rẽ đang có mặt trong thế giới của chúng ta. Thiên Chúa sẽ không vũ theo giọng hát của chúng ta.”

Tinh thần đích thực của người Kitô hữu là tinh thần Thánh Thể. Phụng Vụ Chúa Nhật và những nỗ lực của chúng ta để nhận rõ các dấu chỉ thời đại, cung cấp cho chúng ta nguyên liệu cơ bản để xây dựng cuộc sống người Kitô hữu. Điều này giả thiết phải có một sự hợp nhất hữu cơ trong cuộc sống, một tổng thể, để rồi cuộc sống hằng ngày của chúng ta có thể được uốn nắn theo đức tin của chúng ta, nhất là theo cách biểu hiện của Phụng Vụ. Tiết Nhịp Thánh Lễ mạc khải cho chúng ta nhịp điệu của cuộc sống Kitô hữu.

Vẫn biết nói thì dễ, làm mới khó. Trở nên thành thạo trong ngôn ngữ của việc thờ phượng không phải là một điều đơn giản. Nhiều phụng vụ đã bị các hình ảnh biểu trưng làm giảm thiểu ý nghĩa và những tập tục quá căn cơ làm biến dạng. Hơn nữa, vì chưa có một phụng vụ thực sự hội nhập với thực tế, những yếu tố trong các nghi thức phụng vụ hiện nay không luôn hài hòa phối hợp để tác động trên giác quan và trí tưởng tượng của chúng ta. Do đó chỉ rất ít biểu tượng khai triển được một nền linh đạo thực sự mang chiều kích Thánh Thể.

Tuy nhiên nhiều điều cũng vẫn còn nằm trong lãnh vực tiềm thức. Như trước đây chúng ta đã nói rằng người Công Giáo thuộc một dân mang tính bí tích. Một số người cảm thấy rằng chúng ta đưa nguyên tắc cử hành bí tích đến điểm cực đoan. Trí tưởng tượng của người Công Giáo cũng cực đoan. Chúng ta thường có khuynh hướng xem các thụ tạo như có khả năng nói cho chúng ta về Thiên Chúa. Chúng ta sử dụng bánh và rượu, họp mặt nhau để dùng chung bữa ăn, sử dụng dầu, nước, tượng ảnh và tràng hạt, như những phương thức để nói lên niềm tin của chúng ta rằng Thiên Chúa có thể thực sự chạm đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta, để làm cho cuộc sống đó mang lấy sự hiện diện thần linh.

Điều này nói lên cách thức độc nhất để nhìn thực tại cuộc sống. Có thể nêu lên hai nhãn quan chính trong việc nhận định thế giới chúng ta đang sống. Chúng ta có thể nhận định thế giới, trong căn bản, là một thực thể hoặc tốt hoặc xấu. Những người quá bị ấn tượng về sự bất công và đau khổ, tội lỗi và đau buồn trong cuộc sống, thường xem vũ trụ như một thực thể tồi bại từ trong bản chất. “Nhân chi sơ, tính bản ác”! Họ quan niệm thế giới này như một nơi bị Thiên Chúa bỏ rơi, đối kháng lại sự sống đích thực trong Thần Khí. Từ đó việc cứu chuộc trở thành một vấn đề. Có vẻ như, bất kể những gì Đức Giêsu đã thực hiện, thực sự đã không có gì thay đổi đối với chúng ta. Thế gian này vẫn xấu, chúng ta vẫn là những con người đồi trụy, và Thánh Thần phải chiến đấu ác liệt để lôi kéo chúng ta về hợp tác với ân sủng của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cho đây là lập trường của nhóm Tin Lành cực đoan. Lập trường này nói lên cách mạnh mẽ thực tại của tội lỗi và những hậu quả do tội gây ra, những thực trạng làm hoen ố vẻ đẹp công trình tạo dựng của Thiên Chúa, và làm cho tạo vật trở thành một cám dỗ trên đường đời. Thái độ này có thể kéo theo vô số hệ lụy trong thực tế. Ví dụ, các nhà thờ Tin Lành thường khai trừ những “cảm quan” của Giáo Hội Công Giáo. Không ảnh tượng và rất ít trang hoàng. Tất cả nói lên tính chừng mực và nghiêm khắc.

Bản năng người Công Giáo lại khác. Người Công Giáo có trực cảm, có xu hướng hiểu các trình thuật về tạo dựng trong sách Sáng Thế theo nghĩa bóng, không quá theo nghĩa đen như những biến cố thực. Chúng ta nhận thức rằng sau mỗi ngày tạo dựng, Thiên Chúa đã có thể nhìn lại và lấy làm hãnh diện về công việc của mình, và nói “điều này thật tốt đẹp”. Mọi sự từ lúc ban sơ cho đến nay, kể cả việc Ađam có khả năng nhìn Evà trần truồng và cảm ơn Chúa vì bà là xương của xương ông và thịt của thịt ông, tất cả đều tốt lành. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”!

Quan điểm này gây phức tạp khi nói về sự dữ vốn cũng là thành phần rõ ràng trong thế giới chúng ta. Nhưng đây là lỗi của chính nhân loại, không phải lỗi của Chúa, Đấng luôn có mặt với tạo vật của Người và mạc khải chính mình trong và qua thế giới được tạo thành. Vì thế mọi thụ tạo đều có thể nói cho chúng ta về Thiên Chúa. Nhờ anh mặt trời và chị mặt trăng mà Thánh Phanxicô đã được nâng lên gần Thiên Chúa hơn. Trong quan niệm Công Giáo, công cuộc cứu rỗi mà Đức Kitô đã mang đến là một cái gì rất nội tại. Qua việc làm cho chúng ta trở nên con cái của Ngài, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nên cao quý và ban tràn đầy Thần Khí Ngài cho chúng ta.

Vì lý do đó mà thế giới có thể là một bí tích của Thiên Chúa trong đúng nghĩa của bí tích. Thế giới vẫn tiếp tục nói với chúng ta về lòng nhân hậu, tình yêu, cũng như về lòng cảm thương và sự quan tâm của Thiên Chúa đối với công trình tạo dựng của Ngài. Và cũng vì thế mà chúng ta là một dân mang tính bí tích; chúng ta thấy mình bị tước đoạt hơn là suy đồi, mang tính cộng đoàn hơn là theo cá nhân chủ nghĩa trong việc đạo đức, có thể thưởng thức được tiếng cười, mùi ngon của rượu vang mà thánh Hilariô Belloc dùng để ngợi khen Thiên Chúa!

Ý nghĩa này của hai từ bí tích ít được đề cao. Nhưng không vì thế mà phủ nhận là không có. Nếu ý thức hơn có lẽ chúng ta sẽ thấy dễ dàng để hòa nhập cuộc sống vào sự thờ phượng của chúng ta. Và theo cách này chúng ta có thể phát huy một linh đạo mang tính toàn diện hơn hơn. Bằng cách nhấn mạnh trên những tiết nhịp cơ bản làm nổi bật nét đặc trưng của các nghi thức, chúng ta có thể cất bước nhịp nhàng hơn theo cùng một nhịp điệu. Điều này có nghĩa là chúng ta nhìn vào cuộc sống và tự hỏi ta phải theo cách nào để thể hiện các nhịp điệu của Thánh Lễ.

IV- TIẾT NHỊP NỘI TẠI CỦA THÁNH LỄ

Cách tiếp cận được sử dụng ở đây có vẻ hơi đơn giản. Nhằm mục đích trình bày cho dễ hiểu, xem ra chúng ta không biết đến hoặc bỏ qua một bên sự phong phú của toàn bộ phụng vụ, để chỉ chú tâm đến những thành phần trong cái toàn thể đó. Tuy nhiên, khi nói về nghi thức nhập lễ như một tiết nhịp triệu tập, chúng ta không muốn nói rằng chiều kích cộng đoàn không thể tìm ở đâu khác trong Thánh Lễ. Cũng thế, khi nhấn mạnh trên cách thức Lời Chúa được hình thành và thách thức những ai nghe Lời, chúng ta cũng không muốn nói rằng Lời Chúa chỉ có trong phần phụng vụ Lời Chúa. Lời Thiên Chúa tác động cách mạnh mẽ nhất trong Kinh Nguyện Thánh Thể.

Trong khi làm nổi bật các phần khác nhau của nghi thức, ý chúng ta là muốn tách rời các tiết nhịp cơ bản đặc trưng của các phần cũng như của cả phụng vụ. Hy vọng việc này sẽ giúp chúng ta cảm nhận sâu hơn về phụng vụ, về những tiết nhịp được lặp đi lặp lại trong cuộc sống. Điều này sẽ cho phép ta xét lại các liên hệ của ta, sự dấn thân của ta, để xem chúng ta có thể làm thế nào để thể hiện rõ ràng hơn tiết điệu của kinh nguyện và lời ca khen của chúng ta.

Vậy những gì chúng ta tiến hành nghiên cứu ở đây vượt lên trên những thực tập đạo đức đặc biệt hoặc những chương trình tu đức nào đó, để tập trung vào một cách thức suy nghĩ khác có thể tác động trên toàn bộ đời sống chúng ta. Các lối sống của chúng ta sẽ tiếp tục mang tính đa dạng cũng như các môi trường chung quanh ta luôn khác biệt nhau. Chính Chúa Thánh Thần trao ban cho chúng ta nhiều quà tặng, cho ta chính sự sống và mời gọi mỗi người cùng hoà nhịp với vũ điệu.

Phụng vụ Thánh Thể bao gồm 5 tiếp nhịp nội tại như sau :

1- Tiết Nhịp Triệu Tập. Trước hết, phụng vụ là trình thuật việc Thiên Chúa tụ họp dân chúng thuộc đủ mọi sắc dân sắc tộc. Cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn mà ở đó không còn ai là Do Thái, Hy Lạp, nô lệ, nam, nữ, nhưng là nơi mà tất cả đều trở nên một trong Đức Giêsu Kitô. Chiều kích cộng đoàn hay xã hội này không chỉ là một khía cạnh của sự thờ phượng của chúng ta, nhưng nó còn là nét đặc thù của Kitô Giáo. Như Tertulien đã nói cách đây gần 2000 năm: “Một Kitô hữu cô độc không phải là Kitô hữu” (Unus Chirstianus, nullus Christianus).

2- Tiết Nhịp Kể Chuyện. Có người đã giảm thiểu các tiết nhịp phụng vụ trong ba tiết nhịp : tụ họp dân chúng, kể chuyện, và chia sẻ thực phẩm. Điều này thực quá giảm thiểu. Không ai phủ nhận chúng ta là dân của chuyện kể – không những là dân thích nghe kể chuyện nhưng còn là một dân chỉ có thể hiểu được nếu dựa trên chuyện kể về việc Thiên Chúa tự mạc khải mình cho chúng ta trong Kinh Thánh. Huyền thoại Kitô Giáo (Christian myth) là nền tảng cơ bản để chúng ta hiểu mình là ai, và Thiên Chúa muốn chúng ta phải như thế nào.

3- Tiết Nhịp Ngôn Sứ.Lời Chúa không chỉ đơn thuần là để thông tin hoặc an ủi chúng ta. Lời Chúa còn lôi kéo chúng ta múa theo điệu vũ của Người chứ không phải theo vũ điệu của chính chúng ta. Một yếu tố quan trọng trong phụng vụ Lời đó là luôn có sự thách đố để làm sao cho thế giới mà chúng ta đang sống cũng hòa vào điệu vũ của Thiên Chúa chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ muốn thế giới làm chúng ta thay đổi, nhưng muốn chúng ta đổi thay thế giới để con người có thể cư ngụ trong một nơi mang đầy dấu ấn của Triều Đại Thiên Chúa.

4- Tiết Nhịp Nuôi Ăn. Chúng ta có thể sát nhập tiết nhịp này với nghi thức hiệp lễ. Một điều chúng ta không nên bao giờ quên là Thiên Chúa chỉ nuôi dưỡng chúng ta khi ta có cái gì để nuôi sống nhau. Trong bất cứ cộng đoàn nào mà tất cả đều là anh chị em với nhau, thì nhu cầu của một người là mối quan tâm của tất cả.

5- Tiết Nhịp Sai Đi. Tiết Nhịp sau cùng thường hay bị quên lãng. Chức năng chính của việc thờ phượng là làm cho chúng ta có thể ra đi và làm chứng cho thế giới về công trình của Thiên Chúa qua cuộc sống chúng ta. Toàn thể Giáo Hội được sai đi để đem Tin Mừng của Đức Kitô đến cho trần gian. Hình ảnh về thế giới mà ta gặp trong sách Khải Huyền là một thế giới trong đó mọi thụ tạo đều tham gia vào điệu múa hoàn vũ của Thiên Chúa. Trách nhiệm quan trọng của người Kitô hữu không chỉ là cứu rỗi linh hồn mình nhưng còn cứu rỗi linh hồn của những anh chị em khác, và để cho Thiên Chúa cơ hội sử dụng chúng ta dạy cho thế giới vũ điệu của Người.

Điều hiển nhiên là không phải chúng ta chú tâm xây dựng một lối sống cụ thể nào, cho bằng tạo cho mình một lối suy tư, một lối nhìn về chính cuộc sống – bằng cách học cho được Vũ Điệu của Thiên Chúa. Các tiết nhịp của vũ điệu này bàng bạc trong hết những gì chúng ta “là” và chúng ta “có”. Các Tiết Nhịp đó vạch rõ con đường tu đức cụ thể của riêng chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc. Theo giáo huấn của thánh Phaolô, chúng có thể tạo cho chính mình cơ hội để dâng xác thân ta như một hy lễ sống động lên Thiên Chúa (Rm 12:1-2).

Theo thánh Phaolô thì việc này chỉ có thể xảy ra khi chúng ta không còn sống theo tinh thần của thế gian, nhưng phân định rõ ràng đâu là ý của Chúa, biết được những gì là tốt đẹp, là làm đẹp lòng Chúa, là trở nên hoàn thiện. Tất cả sẽ không xảy ra cùng một lúc, nhưng nếu chúng ta đúc khuôn hành trình cuộc sống của mình theo phụng vụ của Giáo Hội, chúng ta sẽ được chuyển biến từ từ vào trong sự viên mãn của Đức Kitô, và làm cho ta có khả năng dâng lên Thiên Chúa một việc thờ phượng hoàn hảo. Việc thờ phượng thiêng liêng này chỉ có thể có được khi chúng ta cất bước theo các tiết nhịp mà chính Thánh Thần Chúa khởi xướng, và mong muốn dạy từng bước đi cho mỗi người chúng ta.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 27.01.2005. 08:21