Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

12. Cánh cửa rộng mở: Đến tận cùng thế giới

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

“Ca tụng Chúa đi, bằng vũ điệu trống đưa,
Ca tụng Người, theo cung đàn nhịp sáo.
Ca tụng Chúa đi, với chũm chọe vang rền,
Hỡi toàn thể chúng sinh, hãy ca tụng Chúa”
(Tv 150,4-6)

I– SỨ MẠNG RA ĐI LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG

Sự thánh thiện không bị giới hạn trong cung thánh hoặc trong những giây phút cầu nguyện riêng tư. Sự thánh thiện được thực hiện giữa lòng thế giới. Chúng ta vẫn luôn bị cám dỗ muốn ở lại với một mình Chúa Giêsu trên đỉnh núi Tabor, dựng lều và ở lại trên đó. Như Phêrô, chúng ta cũng cảm thấy : “Chúng con ở đây tốt quá!” Tuy nhiên, cuộc sống cụ thể là phải lê bước xuống tận thung lũng, rảo khắp vùng đồng bằng. Chúng ta cử hành phụng vụ Thánh Thể với Chúa là để đi xa hơn và ca khen Người trong từng nhịp thở mỗi ngày.

Cái nguy hiểm trong vấn đề tôn giáo nằm ở chỗ là chúng ta làm cho mối tương quan của mình với Chúa trở thành một liên hệ cá nhân. Chúng ta tưởng rằng tránh xa dịp tội và khước từ bắt tay với sự xấu đã là điều tốt rồi. Nhưng nhân đức của người Kitô hữu đòi hỏi chúng ta sống đức tin của mình cách cụ thể và có ý thức như thành viên của một Giáo Hội. Hành động của chúng ta không phải như một cá nhân riêng lẻ, nhưng như là thành phần của một cộng đoàn đức tin lớn hơn.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông Huấn “Sứ Mạng Đấng Cứu Độ” (Redemptoris missio). Lời mở đầu tông huấn nhắc nhở rằng : “Sứ mạng của Đức Kitô vẫn chưa đến hồi kết thúc. Ngàn năm thứ hai sau Đức Kitô sắp chấm dứt, và một cái nhìn tổng lược trên nhân loại cho ta thấy rằng sứ mạng này vẫn còn trong giai đoạn bắt đầu, chúng ta phải nỗ lực dấn thân phục vụ cho sứ mạng đó.”

Nếu nghĩ rằng đại từ nhân xưng “Chúng Ta” Đức Giáo Hoàng vừa nói ở trên chỉ nhằm ám chỉ các linh mục tu sĩ, thì chúng ta hãy nghe Đức Giáo Hoàng nói tiếp : “Không một ai tin vào Đức Kitô mà có thể tránh né trách nhiệm cao cả là công bố Đức Kitô cho tất cả mọi người.” Mỗi người đã chịu Phép Rửa đều có trách nhiệm trong sứ mạng của Đức Kitô. Phụng Vụ Thánh Thể là một thái độ đón nhận trách nhiệm được giao cho qua bí tích thánh tẩy.

Đức Giáo Hoàng liệt kê nhiều phương cách để chúng ta thi hành trách nhiệm này. Cách thức tối ưu căn bản đơn giản là chứng tá của người tín hữu. Đây là “cách thức đầu tiên và không thể thay thế được của sứ mạng.” Cuộc sống của chúng ta cho thấy đó là một chứng tá tích cực của đức tin, hoặc là một minh chứng chúng ta thực sự không có chút đức tin nào để bàn đến. Giáo Hội luôn nhấn mạnh đến việc chúng ta phải có lòng thương xót như Cha trên trời có lòng thương xót. Mới đây, Giáo Hội đã nói lên sự chọn lựa ưu tiên cho người nghèo. Chọn lựa này nêu cao tầm mức quan trọng của sự quan tâm đối với người bị ức hiếp, kẻ bị chà đạp, và tất cả những ai đau khổ.

Sự quan tâm và lòng đại lượng của Giáo hội đối với người nghèo là một chứng tá hùng hồn trong một thế giới tôn thờ cá nhân chủ nghĩa, tương phản hẳn với tính ích kỷ của một xã hội duy vật. Nếu Giáo hội có được các chứng tá như thế sẽ “đặt những dấu hỏi trong tâm trí con người để đưa họ đến với Chúa và với Tin Mừng.” Chứng tá đối kháng của một cuộc sống Kitô hữu đích thực luôn là chứng tá đầy hiệu năng.

Điều này tự nhiên thôi. Đối với hầu hết mọi người, những vấn đề quan trọng của cuộc sống không phải là những vấn đề triết lý nhưng chính là những vấn đề thực tế cốt lõi. Người ta không muốn chúng ta chứng minh cho họ rằng Đạo Công Giáo là do Chúa mạc khải và là tôn giáo cao trọng nhất, nhưng muốn thấy đạo này được diễn tả cách cụ thể trong cuộc sống như thế nào. Đạo Công Giáo có đáp ứng được các nhu cầu của con người hay không sẽ tùy cách thức đạo này được sống như thế nào. Chúng ta nghe Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh : “Con người thời nay đặt lòng tin nơi các chứng nhân hơn là các thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là những lời giảng dạy, tin ở cuộc sống và hành động hơn là mớ lý thuyết xuông.”

Việc làm chứng này không luôn luôn là một chứng tá câm. Tùy môi trường sống và công việc, tùy tình huống cụ thể, đôi khi chúng ta còn phải đi xa hơn. Như chính lời Đức Giáo Hoàng : “Có thể đôi khi chúng ta phải có một thái độ can đảm và đầy tính ngôn sứ khi đối mặt với tệ nạn tham nhũng từ các quyền lực chính trị hoặc kinh tế.” Chúng ta không thể bỏ qua với lý do “mọi người đều như thế cả!” “Một sự dấn thân cho hòa bình, công lý, nhân quyền nhằm nâng cao phẩm giá con người cũng là một chứng tá mạnh mẽ của Tin Mừng khi nó là dấu chỉ của sự quan tâm đến con người và hướng đến sự phát huy con người toàn diện.”

II– SỨ MẠNG CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC KITÔ

Sau chứng tá bằng gương sống, còn có một loại chứng tá khác : công bố sứ điệp của Đức Kitô. Đức Giáo Hoàng nói : “Giáo Hội không thể lơ là với lệnh truyền minh thị của Đức Kitô là ra đi rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất, Giáo Hội không thể để cho con người thiếu hụt tình yêu và ơn cứu rỗi đến từ Thiên Chúa.”

Điều này nhấn mạnh đến một sự thật căn bản. Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Không phải Đức Giáo Hoàng hoặc bất cứ một giám mục, linh mục nào sai ai đến với người khác. Giáo Hội không phải là “người sai đi”, nhưng là “người được sai đi”. Giáo Hội chỉ hiện hữu khi được sai đi và tự củng cố cho sứ mạng của mình. Vì chúng ta có một Thiên Chúa thừa sai nên chúng ta là một dân truyền giáo.

Một giám mục Tin Lành nhìn nhận Giáo Hội là một tổ chức xã hội duy nhất trên thế giới mà lý do hiện hữu là vì những người không phải là thành viên của mình. Ý tưởng này làm nổi bật câu mở đầu của Vatican II trong hiến chế “Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay” : “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô.”

Theo nghĩa này thì chính thế giới vạch ra cho Giáo Hội một chương trình hành động. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước những nhu cầu của thế giới chung quanh ta. Chính trong thế giới này mà lời cầu nguyện và việc thờ phượng của chúng ta duy trì được sự nhạy cảm trước những nhu cầu của người khác. Khi cầu nguyện, chúng ta đi vào tận cung lòng của Đức Kitô để nhìn nhận và cử hành cội nguồn cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên, tiết nhịp cuối cùng lời kinh nguyện này lại sai chúng ta ra đi chia sẻ những gì chúng ta là, và những gì chúng ta vừa nhận lãnh với những người sống chung quang ta.

Có thể gọi trách nhiệm này là “sự dấn thân”. Chúng ta tụ họp nhau vì danh Đức Kitô để nghe lời Người và để được tăng sức tung bước ra đi như ánh sáng soi cho trần gian, như muối ướp cho mặn đời. Như thế chỉ khi nào sống khác với trần gian, chúng ta mới có cái gì để cống hiến cho trần gian. Người tín hữu phải duy trì cho được tính độc nhất vô nhị đầy ý thức này để trở thành “mảnh vườn thực nghiệm cho một nhân loại mới”.

Viễn tượng về sự tái tạo đề xuất ở đây thật rất thích hợp. Không khác gì viễn cảnh của ngôn sứ Isaia nói về thời cánh chung : thời mà sư tử và chiên con có thể nằm kề bên nhau cách yên ổn, thời mà trẻ con có thể nô đùa với rắn độc, thời mà tất cả đều có thể sinh sống hài hòa trong một khu vườn. Ngôn sứ nghĩ về cảnh tượng đó như một vườn Địa Đàng mới. Trong nghĩa này, sứ mạng truyền giáo là ước nguyện của Thiên Chúa muốn cứu vớt và chúc phúc cho toàn thể thế giới. Và ước nguyện này là lý do của việc nhập thể.

Hiến chế “Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay” của Vatican II đề cao ý nghĩa toàn cầu của việc sai phái này như hành động của Chúa Thánh Linh. Lịch sử thế giới không chỉ là lịch sử của sự ác, nhưng là lịch sử của Triều Đại Thiên Chúa đang được tiến hành nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. “Thánh Thần Chúa với sự quan phòng kỳ diệu, hướng bước thời gian và đổi mới bộ mặt địa cầu.” Điều này theo rất sát viễn tượng của Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma 8,18-27, chính tạo thành đang khắc khoải mong chờ sự cứu rỗi mà Thần Khí có thể mang lại.

Điều này làm chúng ta vượt khỏi khuynh hướng thu gộp tất cả sứ mạng và ân sủng dưới công trình của Chúa Kitô. Một lối tập trung hạn hẹp trên Chúa Giêsu có thể bỏ sót Thánh Thần Chúa. Đó là điều quan trọng ta phải luôn nhớ khi đối diện với nhiệm vụ đang chờ chúng ta trong thiên niên kỷ thứ ba. Chúng ta có thể thấy Chúa Thánh Linh như đang được Chúa Kitô “cho nghỉ phép”; nhưng thực ra công việc của Chúa Thánh Linh vượt khỏi tầm nhìn bình thường của Giáo Hội và không bị gò bó trong một cơ cấu nào. Chúng ta biết Thần Khí muốn thổi đâu thì thổi. Nhưng nếu lên kịp giây đàn cho hợp với công việc của Thần Khí, chúng ta không cần phải sợ khả năng của mình quá hạn hẹp trong nỗ lực đưa thế giới về với viễn cảnh nguyên thủy của nó, một thế giới ở đó tất cả có thể sống trong bình an và hài hòa.

Chắc chắn đó chính là viễn tượng ngôn sứ Isaia đã được linh ứng, và đó cũng giống như viễn tượng Đức Giêsu được linh ứng trong bài giảng khai mạc nơi quê quán của Người (Lc 4, 16-30). Người đã dùng Isaia để bắt đầu bài giảng khi tuyên bố Thánh Thần đã xức dầu cho mình để công bố Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, phục hồi ánh sáng cho người mù lòa, giải phóng cho người bị áp bức. Công việc của Thánh Thần Chúa còn lớn hơn cả hữu thể của chúng ta, hoặc lớn hơn những gì chúng ta tưởng.

Có thể đọc tác giả Luca theo cách thấy dường như có một cuộc chiến đấu đơn độc của một người chống lại tất cả mọi người khác tại Nazareth. Chắc hẳn Đức Giêsu đã được khởi hứng từ viễn tượng phục hồi của ngôn sứ Isaia. Ước mong của Người là đem lại một Israel được đổi mới theo khuôn mẫu được các ngôn sứ đúc trước từ xa xưa. Tuy nhiên, khi nói Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên mình, Đức Giêsu không bao giờ ngụ ý rằng ThầnKhí chỉ ngự trên một mình Người! Đức Giêsu không đến để công bố rằng mình là người độc nhất xuất hiện để chỉ cần một tay có thể đem lại những gì mà muôn thế hệ con người kỳ vọng.

Đúng hơn, những gì Đức Giêsu làm tại Nazareth lànhững gì chúng ta thấy qua nhiều đoạn Tin Mừng kháckhi khởi đầu sứ vụ công khai của Người, đó là tìm kiếm sự hỗ trợ. Mọi sách Tin Mừng đều công nhận rằng Đức Giêsuđã bắt đầu sứ vụ bằng cách kết nạp các môn đệ. Lời kêu mời của Đức Giêsu không phải là lời công bố về chính bản thân mình cho bằng một nỗ lực làm cho người khác cũng cảm thấy hứng khởi như Người theo thách đố của ngôn sứ. Nếu người khác đã có thể được bừng cháy lên với viễn ảnh tương tự như vậy, thì tất cả sẽ có thể được đem lại gần hơn với sự thành toàn.

Vấn đề của Đức Giêsu tại Nazareth cũng giống như vấn đề chúng ta thấy trong nhiều nhà thờ Công Giáo ngày nay. Giáo dân sẵn sàng chiếm lấy Đức Giêsu như một phần của cuộc sống họ bao lâu Người có một cái gì để ban phát cho họ. “Ông hãy làm tại quê quán ông đây những gì chúng tôi nghe ông đã làm ở Capharnaum” (Lc 4,23). Chúng ta vui mừng nhận biết Đức Giêsu như là một người trong chúng ta bao lâu ta có thể lợi dụng lòng thương xót và tình yêu thương của Người. Tôn giáo chỉ tốt bao lâu chúng ta có thể hưởng lợi được, nhưng khi tôn giáo yêu cầu chúng ta bỏ đi những thoải mái để làm điều tốt cho người khác, thì chúng ta bài trừ tôn giáo. Đức Giêsu đưa ra loại thách đố thứ hai này. Người không đến lập cửa hàng ở một nơi nào đó cho một dân tộc nào, nhưng để tuyển mộ tất cả vào đạo binh của Người để biến đổi toàn xã hội.

III– VIỄN ẢNH NƯỚC TRỜI

Quả thực, khi đón nhận lời mời gọi của Đức Giêsu, chia sẻ tại bàn tiệc của Người, chúng ta chấp nhận một tình liên đới với Người, một sự liên đới vượt xa khỏi câu nói đầy kích động của dân thành Nazareth : “Ông là đồng hương của chúng ta mà !” (Lc 4,22). Điều này ám chỉ một sự vươn lên với thách đố của Đức Giêsu, và một lời sẵn sàng đáp trả : “Chúng ta là một với Người !” Chấp nhận tình liên đới với Đức Kitô có nghĩa là chấp nhận viễn ảnh của Người, là công bố rằng chúng ta cũng như Người được hứng khởi do viễn ảnh đó và ước mong lấy đó làm của mình. Như vậy, tuần này qua tuần nọ, chúng ta tụ họp nhau nghe Lời Người để được thách đố và tăng cường sức mạnh đứng vào vị thế của công cuộc đổi mới xã hội chúng ta đang sống. Nếu chúng ta chỉ chiếm lấy những gì có ích cho bản thân mà không nỗ lực làm gì khác cho tha nhân, tức là đón nhận lời mời gọi của Đức Kitô cách gian xảo.

Luôn gìn giữ sống động viễn ảnh Nước trời mà Đức Giêsu mời gọi là một điều quan trọng. Vì chính cái nhìn này sẽ giúp chúng ta thấy được những gì cần thiết phải làm ở mọi nơi mọi lúc cho Triều Đại Thiên Chúa ngự trị. Một viễn ảnh giúp chúng ta đi đúng hướng, giúp chúng ta nhắm thẳng mục đích mà tiến giữa những viễn ảnh và chủ nghĩa cạnh tranh nhau. Vì viễn ảnh này còn rộng lớn hơn cả con người chúng ta cho nên có khả năng phấn khích chúng ta trong cuộc sống. Thậm chí viễn ảnh này bao la hơn cả Giáo Hội, do đó có thể giúp chúng ta thấy và đánh gía hành động của Thánh Thần Chúa đang hành động trong thế giới này, trong tất cả những gì là tốt đẹp cao cả để hướng cộng đồng nhân loại đến khuôn mẫu mà Giáo Hội nhắm đến. Đừng bao giờ quên rằng Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa của những bất ngờ. Trong thư gửi tín hữu Philip, thánh Phaolô nói : “Sau cùng, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến, đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh em hãy để tâm tới” (Pl 4,8).

Về mặt thần học thì quan niệm về một Giáo Hội tích cực được sai đi đặt cơ sở trên nền thần học vững chắc có từ xa xưa. Công Đồng Vatican II thấy rất phù hợp việc làm sống lại giáo huấn Kinh Thánh và Giáo Phụ về chức tư tế phổ quát của tất cả các tín hữu. Điều này dựa trên giáo huấn của Công Đồng rằng mọi người nhờ phép rửa đều bình đẳng về phẩm giá, về ơn gọi sống thánh thiện, và về trách nhiệm làm việc cho cánh đồng Phúc Âm. Do đó bất cứ một công việc nào thực hiện bởi những thành viên của Giáo Hội, chúng ta không được coi như chỉ là sự nối dài công việc của hàng giáo phẩm, nhưng phải coi đó như một sứ vụ phát sinh từ phép rửa. Tác vụ không thuộc độc quyền của hàng giáo phẩm, các giáo sĩ chỉ có thẩm quyền trên những tác vụ dành riêng cho chức tư tế trong cộng đoàn tín hữu.

Các đoạn Kinh Thánh nói về chưc tư tế vương giả trong thư thứ I của Phêrô và trong sách Khải Huyền. Đặc biệt thư I Phêrô trình bày một tư tưởng rất hay về thần học phép rửa. Nội dung của sứ điệp rất rõ ràng và đơn giản : bổn phận người môn đệ Chúa là sống trong trần gian chứ không trốn thoát khỏi trần gian. Với sứ mạng thúc bách được sai đi, mỗi người tín hữu có trách nhiệm hướng thế giới này đến hòa hợp trong bài ca khen Thiên Chúa.

IV- LINH ĐẠO CHỨNG TÁ

Chúng ta đang bàn đến một linh đạo của việc làm chứng tá. Gương yêu thương và phục vụ để xây dựng cộng đoàn của người Kitô hữu là sứ điệp hùng hồn nhất chúng ta có thể gửi đến cho một thế giới đang đói khát ý nghĩa. Cuộc sống chứng tá của chúng ta có thể thay đổi thế giới này. Đó là ơn gọi của người Kitô hữu. Bức thư của Phêrô được viết ra để nhắc nhở những người đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy rằng chúng ta đã được hiệp nhất với nhau trong phép rửa để sống trọn vẹn ý nghĩa là môn đệ của Đức Giêsu ngay giữa lòng thế giới.

Thánh Phêrô nhấn mạnh trên hai điều. Điều thứ nhất là tất cả được mời gọi trở thành những người tham gia tích cực vào cơ cấu của thế giới này. Tác giả bức thư hoàn toàn xác tín rằng đức tin và lối sống dấn thân của người Kitô hữu là một lực đẩy làm cho người khác quay về với Thiên Chúa. Chỉ bằng cách sống trọn vẹn cuộc sống người Kitô hữu giữa lòng thế giới này, chúng ta có thể đẩy xa hơn công việc Thiên Chúa đang thực hiện trong và qua chúng ta để đưa thế giới đến với phần số của mình, đó là đến với sự viên mãn của ơn cứu rỗi do Đức Kitô mang lại. Thứ đến, tác giả bức thư nhận thấy rằng nếu người tín hữu sống cách tinh ròng vững mạnh thì những đam mê không chính đáng sẽ bị dập tắt, và chúng ta chỉ hướng mắt tập trung vào Đức Kitô, Đấng đã yêu thương và hy sinh mạng sống vì chúng ta. Sau cùng, chúng ta phải phát huy lòng can đảm để sống ơn gọi của mỗi người. Đây là lời khuyên vẫn còn mang tầm mức quan trọng cho chúng ta ngày hôm nay.

Cũng thế, khi Phêrô nói về “hy lễ thiêng liêng” trong thư thứ nhất, điều này đối chiếu với quan niệm đối nghịch giữa “xác thịt” và “tinh thần” thường thấy trong thư Phaolô. Mỗi hành động, mỗi hy tế đẹp lòng Chúa đều thiêng liêng và thực sự sống động (Rm 12,1). Thánh Augustin cũng nói : “Lễ vật đích thực là mỗi công việc chúng ta làm với ý hướng kết hợp với Thiên Chúa trong một sự thông hiệp thánh thiện và sống động.”

Sứ điệp của sách Khải Huyền cũng thế. Với những thuật ngữ mang tính phụng vụ hơn, tác giả nhắc nhở chúng ta rằng triều đại của Thiên Chúa sẽ hiển trị sau cuộc chiến thắng trên thế giới tội lỗi. Chúng ta không phải là những người bị trị, nhưng là những người cùng tham gia trị vì với Đức Kitô. Thánh Gioan hướng tới sự thành toàn cánh chung của Triều Đại Thiên Chúa mà Đức Kitô đã sống và chết cho. Ở đây rõ ràng hơn thư thứ nhất của Phêrô, tác giả sách Khải Huyền phác họa viễn ảnh của một cộng đoàn Thánh Thể tụ họp nhau để cùng ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa, luôn ý thức phẩm giá của mình và sống những đặc ân và trách nhiệm của mình.

Giờ kinh phụng vụ của ngày thứ Tư tuần 5 Phục Sinh có một trích đoạn từ lá thư gửi cho Diognetus. Ở phần cuối của đoạn văn có một chứng tá đáng chúng ta bỏ công suy tư :

“Không phải quốc tịch, ngôn ngữ hoặc tập tục làm cho người Kitô hữu khác biệt với người khác. Họ không phải là những người ở trong những thành riêng do tay họ xây cất, hoặc có một ngôn ngữ riêng hay một vài lối sống dị hợm. Không như người khác, họ không bảo vệ cho một chủ thuyết nào hoàn toàn mang tính nhân loại. Nói chung về cách ăn mặc, thực phẩm hoặc lối sống thì họ theo tập tục của những nơi mà họ sinh sống, dù ở Hy Lạp hay ở nước ngoài.

“Thế nhưng có một cái gì khác lạ trong cuộc sống của họ. Họ sống trong đất nước mình như người qua đường. Họ thi hành triệt để nghĩa vụ công dân, nhưng lao động thay cho các bất lực của người khác… Cách chung, chúng ta có thể nói người Kitô hữu đối với thế giới, như linh hồn đối với thân xác. Cũng như linh hồn luôn có mặt trong mỗi một chi thân nhưng vẫn khác với chi thân, thì người Kitô hữu cũng có mặt trong mọi thị thành của thế giới này, nhưng không bị đồng hóa bởi thế giới này.”

Dường như một lần nữa chúng ta bắt đầu trải nghiệm được sức sống mô tả trong lá thư của người tín hữu thời tiên khởi này. Chắc chắn một trong những thay đổi đầy kịch tính nhất đang xảy ra trong Giáo Hội ngày nay, đó là sự chuyển biến từ việc coi những sứ mạng hay công tác tông đồ như là độc quyền của hàng linh mục, đến cách nhìn ngày càng rõ hơn (và rất chính đáng) xem những việc đó như là trách nhiệm của tất cả những ai đã chịu phép rửa. Thậm chí nhiều người cho việc “giáo dân hóa” này của Giáo Hội như là dấu chấm hết của Giáo Hội thời Constantinô. Xin cho triều đại ấy được nghỉ yên đời đời !

Vatican II chấp nhận biến đổi này. Trong hiến chế “Lumen Gentium” (Anh Sáng Muôn Dân), có câu : “Tông đồ giáo dân đang chia sẻ sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội. Bởi Phép Rửa và Thêm Sức, mọi người đều được chính Chúa chỉ định để làm việc tông đồ” (số 33). Sắc lệnh “Ad gentes” (Đến Với Muôn Dân) còn đi xa hơn và khẳng định dứt khoát : “Giáo Hội chưa được thiết lập trọn vẹn, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Đức Kitô, nếu chưa có hàng giáo dân năng nổ sống và làm việc bên cạnh hàng giáo phẩm” (số 21).

Trong Giáo Hội những năm vừa qua, mẫu điển hình nhất về sức sống và việc tông đồ giáo dân được nổi bật nơi hiện tượng các cộng đoàn tín hữu cơ bản hoặc cộng đoàn Giáo Hội cơ bản. Bắt đầu từ Châu Mỹ La Tinh, hiện nay các cộng đoàn này đã phát triển trên toàn cầu. Ở Philippines, các cộng đoàn này đã giúp cho Giáo Hội tồn tại trong một đất nước thiếu hụt linh mục cách thê thảm. Hiện tượng này đem lại một ý nghĩa về phẩm giá và quyền hạn cho những ai trước đây chỉ cho mình có một giá trị rất nhỏ nhoi.

Mặc dầu các cộng đoàn giáo hội cơ bản xem ra hữu hiệu hơn trong các nước thuộc thế giới thứ ba hoặc trong các vùng quê, người ta bắt đầu có ý nghĩ phải thành lập các cộng đoàn này ngay trong thế giới đã được đô thị hóa của phương Tây. Người ta rút kinh nghiệm từ các cộng đoàn cơ bản để chia các giáo xứ rộng lớn ra thành những đơn vị nhỏ. Trong nhiều trường hợp, các cộng đoàn này dựa trên sự phân chia địa dư, nhưng họ cũng có thể bắt đầu như những nhóm cầu nguyện hoặc các nhóm học hỏi Kinh Thánh. Thậm chí có vài nhóm theo đặc sủng đã họp nhau lại sống thành những cộng đoàn có lời hứa riêng.

Trong mỗi nhóm nhỏ, các tín hữu dấn thân chu toàn trách nhiệm với chính lòng tin của họ, đồng thời làm lan tỏa đức tin đó trong thế giới chúng ta đang sống. Kinh nghiệm cho thấy tầm mức quan trọng của việc có được những người tín hữu khác, để cùng với họ, chúng ta có thể cầu nguyện và tìm được sự khích lệ hầu lớn lên trong quyết tâm trở thành muối đất và ánh sáng cho trần gian. Trong những nhóm nhỏ đó, chúng ta có thể cùng nhau suy niệm Lời Chúa và nghiêm chỉnh lãnh trách nhiệm sống đức tin cách trọn vẹn trong thế giới hôm nay.

Sau cùng truyền giáo là một thực tại đa dạng bao gồm sự dấn thân của mỗi người trong Giáo Hội để sống chứng nhân như : phục vụ người khác, phục vụ cho công lý, xoa dịu các vết thương đau, hòa giải, cổ võ cho hòa bình, cho tình hữu nghị, cho việc đại kết, và làm bất cứ việc gì nhằm xây dựng Triều Đại Thiên Chúa.

V– CUỘC SỐNG LÀ LỜI CÔNG BỐ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Ngày nay, nhiều người đã đặt tầm quan trọng hơn trên mầu nhiệm Nhập Thể. Ví dụ như quan tâm nhiều hơn trên bản tính nhân loại của Đức Giêsu như thấy trong thần học giải phóng và nơi các cộng đoàn cơ bản. Những nỗ lực này tập trung vào lối sống thực tiễn của Đức Giêsu trong cuộc sống trần gian của Người. Người ta đã có lý khi phê bình Giáo Hội Tây Phương là đã quá nhấn mạnh đến thần tính của Đức Kitô đến nỗi làm cho sự chọn lựa người nghèo (mà chính Đức Kitô đã làm) bị lu mờ.

Kể từ thời Anselmô, người ta đã quá bận tâm về thánh giá trong cuộc sống người Kitô hữu. Nhưng buồn thay thánh giá thường được tách khỏi cuộc sống của Đức Kitô. Sự dâng hiến mạng sống mình của Đức Kitô đã bắt đầu ngay lúc mới sinh ra, và được chứng minh trong đời sống công khai cũng như trong cái chết trên thập giá. Tuy nhiên, sự thực vẫn là thánh giá đã hòa giải những con người vốn xa lạ với nhau. Thánh giá đòi buộc cả hai bên phải hy sinh, người áp chế cũng như người bị áp chế. Chúng ta phải học yêu thương kẻ thù như chính Đức Giêsu đã làm, và ý thức rằng bất cứ việc gì làm cho Nước Trời sẽ không vô ích.

Đặc biệt, trong các Giáo Hội Đông Phương, sự Phục Sinh của Đức Giêsu được xem như một biến cố cứu rỗi bậc nhất. Vào những năm gần đây, Giáo Hội Tây Phương đã bắt đầu chú ý hơn đến ý nghĩa này. Thay vì chỉ tập trung trên mầu nhiệm thánh giá, chúng ta bắt đầu nói lên cách cẩn thận rằng chúng ta được cứu nhờ cuộc sống, tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Cụ thể ra, điều này có nghĩa là cuộc sống chúng ta phải là một lời công bố về Đức Kitô Phục Sinh. Chúng ta được kêu gọi để sống một đời sống phục sinh trong thế giới hôm nay như một dấu chỉ chống lại mãnh lực của sự chết và sự hủy diệt, một dấu chỉ lột mặt nạ những thần tượng tân thời và những thứ tuyệt đối giả tạo.

Trong thời của phong trào đại kết, truyền thống Calvin còn muốn chúng ta thêm biến cố Thăng Thiên vào bộ ba : sống, tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Mặc dầu Gioan liên kết với mầu nhiệm Phục Sinh, Matthêu và Marcô vẫn nhấn mạnh đó như một biến cố tách biệt. Với giá nào đi nữa, Phục Sinh giúp chúng ta thấy được chính mình đang sống trong thời của Giáo Hội, giữa biến cố Lên Trời và Cánh Chung, và giúp chúng ta nhìn lại thánh giá để thấy đó như khởi đầu cho việc kiện toàn các thời đại. Từ một góc độ thực tiễn, Phục Sinh giúp chúng ta tránh việc phát triển một đường lối “tu đức thoát tục” để từ chối dấn thân vào trong thế giới phải được đưa đến thành toàn (xem Rm 8,18-25).

Lễ Ngũ Tuần là biến cố quan trọng khác. Biến cố này tập trung trên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Đã quá lâu chúng ta quên bẵng sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Trong những năm gần đây phong trào đặc sủng nhắc nhở chúng ta về sự thiếu sót nầy. Có những phê bình cho rằng các người theo đặc sủng ít chú trọng đến thực tại của thánh giá. Tuy nhiên, những người này đã cống hiến một nhắc nhở quan trọng cần thiết của một Giáo Hội trong đó ân huệ của Chúa Thánh Thần là một sự thật hiển nhiên, và trong đó tất cả đều quan tâm đến nhau.

Sau cùng, một số người nhấn mạnh trên tình trạng cánh chung (parousia). Có một vài nhóm, thường liên kết với hệ phái Tin Lành cực đoan (fondamentalist), đặt trọng tâm quá đến việc Đức Kitô sẽ trở lại. Truyền thống Giáo Hội Công Giáo không bao giờ quá nhấn mạnh như thế đến việc phán xét cuối cùng hoặc việc Chúa lại đến. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng tương lai là quan trọng chỉ trong điều kiện là để cung cấp một viễn ảnh cần thiết về việc sự lành đang chiến thắng trên các quyền lực của sự dữ. Một chủ tâm như thế cũng giúp chúng ta tránh việc đồng hóa Giáo Hội với Nước Trời, cho phép chúng ta góp ý xây dựng Giáo Hội, và coi Giáo Hội như tiền đồn của Triều Đại Thiên Chúa, của trời mới đất mới mà tất cả chúng ta trông đợi.

Tuy nhiên, không có một cố gắng nào trong những nỗ lực trên có thể hiểu đúng được nếu bị tách biệt nhau hoặc khai trừ nhau. Tất cả đều cần thiết nếu sứ điệp Tin Mừng không bị cắt lẻ ra và bị biến thái. Nhưng có thể quan điểm này hay quan điểm nọ được nổi bật hơn các điểm nhấn khác, điều này tùy vào sở thích về quan điểm thần học riêng của mỗi người. Trong tài liệu này chúng ta cố gắng lướt qua tầm nhìn rộng lớn về phương diện thần học để cống hiến một mẫu sống Thánh Thể cho cuộc sống người Kitô hữu, cho nên đôi khi chỉ lược qua mỗi điểm nhấn mạnh ở trên.

Điều quan trọng là phải nhận thức và duy trì được mục tiêu nhắm đến này. Bằng cách nhấn mạnh trên những tiết nhịp của việc cử hành Thánh Thể, chúng ta công bố rằng các tiết nhịp đó không những chỉ nhắc nhở cho mỗi người các tiết nhịp cơ bản của cuộc sống người Kitô hữu, mà còn khẳng định rằng việc cử hành Thánh Thể chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cách thức chúng ta sống các tiết nhịp đó như thế nào trong cuộc sống Kitô hữu của mình. Chúng ta không thể cho mình là Kitô hữu nếu chỉ giới hạn việc cầu nguyện và thờ phượng của chúng ta vào lãnh vực thánh thiêng nào đó mà không bám sát với thực tại rất đời thường trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Trong tất cả các tiết nhịp, tiết nhịp “sai đi” dễ dàng bị lãng quên nhất. Chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng tất cả điều Thiên Chúa muốn là chúng ta phải tránh xa tội lỗi. Tuy nhiên, nếu cuộc sống của chúng ta là phản ảnh vũ điệu hoàn cầu của Thiên Chúa, thì việc chấp nhận lời mời gọi của Đức Kitô đến thông dự bàn tiệc của Người diễn tả một sự tự nguyện trở thành cánh tay nối dài của Người trong việc cứu rỗi trần gian.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 27.01.2005. 08:23