Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

11. Tiết nhịp sai đi

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

“Vậy, hãy cất bước theo điệu múa.
Bất kể bạn ở đâu.
Ta là Chúa Vũ Khúc sẽ hướng bước chân bạn đều
Bất kể bạn ở đâu,
Ta sẽ đưa tất cả các bạn vào Vũ Khúc của Ta”

I – LỊCH SỬ NGHI THỨC “SAI ĐI”

Cũng như nghi thức nhập lễ, nghi thức kết lễ không được đặc biệt chú ý. Từ nhiều năm nay, chúng ta kết thúc phụng vụ với lời “Thánh lễ đã xong, chúc anh chị em ra đi bình an”, và phải vất vả lắm mới giữ được giáo dân tại chỗ trước khi hát xong bài kết lễ. Chúng ta không mấy chú trọng “tiết nhịp sai đi” trong nghi thức kết lễ này.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử phụng vụ, chúng ta nhận thấy rằng “tiết nhịp sai đi” hoàn toàn có một lịch sử trong Thánh Lễ. Từ “Mass” (thánh lễ) trong tiếng Anh được dịch từ tiếng Latinh “Missa” có nghĩa là “sai đi”. Joseph A. Jungmann xác nhận với chúng ta rằng, việc “sai đi” trong nghi thức kết lễ là một việc có cùng bề dày lịch sử như phụng vụ Rôma. Thực sự chúng ta không công bố Thánh Lễ đã “chấm dứt” (ended), nhưng Thánh Lễ đã “hoàn tất” (accomplished), và giáo dân bắt đầu được “sai đi”.

Chúng ta cho rằng việc “sai đi” hay “giải tán dân chúng” thuộc về phần cuối của phụng vụ Thánh Lễ. Điều này đúng. Nhưng trong lịch sử phụng vụ, việc “giải tán” này cũng đã xảy ra nhiều lúc khác nhau tùy vào vị thế của người tham dự. Chúng ta đã thấy có việc này lúc bắt đầu phụng vụ Lời Chúa, sau nghi thức sám hối. Cũng có việc này sau khi kết thúc phần phụng vụ Lời Chúa, hoặc ngay trước khi rước lễ. Có những lần “sai đi” như vậy vào thời điểm khác nhau trong tiến trình việc cử hành vì nhiều lý do khác nhau. Theo luật chung của Giáo hội thời đầu, vào những phần khác nhau của Thánh lễ những người dự tòng được giải tán vào thời điểm thích hợp.

Vào thời còn có việc đền tội công khai, tùy vào những giai đoạn hòa giải đã thực hiện được, các hối nhân được phép ở lại tham dự những phần khác nhau của thánh lễ : phần khởi nhập, phần phụng vụ Lời Chúa, ngay cả đến phần hiệp lễ đối những người ở giai đoạn cuối. Khi có những người dự tòng, thì những người này thường được mời ra về sau phần phụng vụ Lời Chúa.

Vấn đề không phải là họ phải lẩn ra khỏi nhà thờ vào một lúc nào nhất định, nhưng đúng hơn mỗi nhóm đã nhận ra rằng mình vừa nhận lãnh một hồng ân và bây giờ mình phải ra đi để làm tròn nhiệm vụ giao phó. Nhiệm vụ đó, đối với người này thì phải đào sâu tinh thần sám hối hơn, người khác thì phải tiếp tục học Kinh Thánh hay giáo lý. Từ đó chúng ta phải hiểu rằng những “nghi thức sai đi” như vậy có ý nghĩa rất quan trọng.

Sau Công Đồng Trentô tình trạng của người sám hối hoặc dự tòng đã thuộc về quá khứ. Mọi người đều nhận thấy rằng không thực tế (nếu không muốn nói là dị hợm) khi mang cái bảng “tội nhân công khai” trong nhà thờ, hoặc buộc họ phải ra khỏi nhà thờ sau bài Tin Mừng trong Thánh Lễ. Và như thế, những việc “sai đi” biến khỏi phụng vụ. Ngày nay, quả thực, mọi ranh giới giữa Giáo Hội và xã hội không còn dấu vết trong việc cử hành phụng vụ. Không còn thực tế chút nào khi khai trừ những người chưa phải là thành viên chính thức của Giáo Hội ra khỏi cộng đoàn trong lúc tiến hành phụng vụ.

Trên nhiều phương diện, có thể nói, Giáo Hội sơ khai là một xã hội đóng kín. Chỉ những ai là “con cái trong nhà” mới được phép tham dự các cuộc cử hành. Thực thế, vào thế kỷ thứ IV không chỉ những người được “sai đi”, mà cả những người đến tham dự phụng vụ cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Đến lúc đọc kinh nguyện Thánh Thể, mọi cửa đều phải đóng lại. Ai đến trễ có thể gõ cửa, và ít nhất phải làm thế nào để có một lời nguyện dành riêng cho họ, để họ có thể tăng tiến hơn trong tình yêu và lòng nhiệt thành. Do đó mọi người đều lo sao đến cho kịp giờ lễ !

Tàn dư của não trạng cử hành nghi thức đón nhận hoặc giải tán một cách cứng ngắc này vẫn còn thấy trong thời đại chúng ta. Ở một vài xứ đạo nhiều người rời khỏi nhà thờ ngay sau khi linh mục chủ tế ruớc lễ. Đây là hệ lụy của tư tưởng thần học xa xưa về “các phần quan trọng” của Thánh Lễ. Người ta phải ở lại trong nhà thờ cho đến lúc rước lễ vì sợ bỏ về trước đó sẽ phạm tội trọng. Nhưng đối với những người không rước lễ, vì lý do phải đền tội công khai hoặc vì lương tâm thấy mình đang mắc tội, họ thấy mình chỉ cần ở lại cho đến lúc linh mục rước lễ là đủ lắm rồi.

Trong Thánh Lễ hiện nay, chỉ còn nghi thức “sai đi” trước khi chấm dứt phụng vụ. Việc “sai đi” này đã bị khuất mờ ý nghĩa bởi một tập tục chung là phải có bài hát kết lễ. Thay vì hát một bài ca sau hiệp lễ, rồi long trọng công bố việc “sai đi”, sau đó đàn dạo nhạc trong lúc mọi người cùng nhau ra về, thì lại phải lê thê đợi chờ cho đến lúc bài hát cuối lễ chấm dứt mới được rời khỏi chỗ.

Cách nào đó thì tất cả mọi diễn tiến trong phụng vụ phải dẫn đến câu kết thúc của Thánh Lễ là : “Hãy bình an ra đi để yêu thương và phục vụ Thiên Chúa.” Giáo dân không chỉ đơn giản được mời gọi ra đi, họ còn như bị thúc bách hối hả phải ra đi và phục vụ! Sẽ mất đi ý nghĩa của nghi thức này nếu chỉ nhấn mạnh trên việc “ra đi”, đúng hơn sứ mạng đặt trên tất cả mọi người vừa tham dự Thánh Lễ là ra đi để “yêu thương và phục vụ Chúa”. Chúng ta được trao một bổn phận, một sứ mạng. Cử hành phụng vụ sẽ không mang lại lợi ích gì nếu sứ mạng này không được thi hành.

II- THÁNH THỂ - NHỊP CẦU GIỮA PHỤNG VỤ CUỘC ĐỜI VÀ PHỤNG VỤ TRONG NHÀ THỜ

Các nghi thức trong Thánh Lễ nói lên cách rõ ràng rằng toàn thể phụng vụ là một “bài sai” long trọng gửi những người tham dự ra đi phục vụ. Giáo dân đến diễn tả sự hiệp thông của mình với nhau và với Chúa để có thêm sức mạnh sống đức tin trọn vẹn hơn trong tuần lễ sắp tới. Vào thời Giáo Hội sơ khai, trong một thời gian dài trước khi có thể cử hành Thánh Lễ mỗi ngày, các tín hữu đem một ít bánh đã được truyền phép về nhà để rước lễ trong tuần. Qua đó chúng ta thấy Phụng Vụ Chúa Nhật ảnh hưởng suốt những ngày trong tuần.

Việc có thể sống Thánh Thể những ngày trong trong tuần cũng đem lại cho cộng đoàn có được một cái gì đó để dâng lên làm lễ vật trong Chúa Nhật tới. Như thế đã có nhận thức rằng mình phải lớn mạnh tuần này qua tuần khác, và phải có cái gì đó dâng lên bàn thờ mỗi Chúa Nhật tiếp theo.

Một linh mục thường nói với giáo dân “Nếu anh chị em không sống Thánh Thể những ngày trong tuần, thì đừng bỏ công đến làm gì trong ngày Chúa Nhật. Anh chị em đâu có gì để cử hành.” Vị linh mục này muốn nhấn mạnh rằng nếu trong suốt tuần chúng ta không tỏ ra tích cực ở mọi phương diện trong cuộc sống cộng đoàn, thì chúng ta không có gì quí giá để dâng lên trong cử hành phụng vụ Chúa Nhật. Trên quan điểm đó thì vị linh mục này rất đúng.

Thánh Thể là để bắc nhịp cầu giữa phụng vụ cuộc đời với phụng vụ trong nhà thờ và ngược lại. Có một sợi giây nối kết giữa những gì chúng ta cử hành trong các Chúa Nhật và những gì chúng ta làm trong các ngày trong tuần. Phụng vụ Chúa Nhật làm chúng ta trở nên các chi thể đích thực của Đức Kitô. Điều này có nghĩa là chúng ta phải công nhận đã được Chúa sai đi để sinh hoa kết trái.

Ngày nay, chúng ta rất dễ đánh mất ý nghĩa của việc được sai đi. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng những người có trách nhiệm trong Giáo Hội chỉ là những vị trong hàng giáo phẩm hoặc tu sĩ. Điều này dễ hiểu thôi, vì đã nhiều năm tầng lớp giáo dân không được chú trọng lắm. Đến cả một định nghĩa về giáo dân, thành phần chiếm tuyệt đại đa số trong Giáo Hội, cũng đã bị quên lãng. Đúng hơn phải quan niệm hàng giáo sĩ như thành phần nằm trong vòng tròn của Giáo Hội, để phục vụ cho những người trong đó, thì họ quan niệm hàng giáo sĩ như chóp đỉnh của kim tự tháp nằm trên các thành phần khác trong Giáo Hội, và họ đã định nghĩa Giáo Hội là như thế. Hệ quả là giáo dân sớm muộn gì cũng phải học cho biết giữ thinh lặng đừng có quậy lên sóng gió.

Kết quả là giáo dân ngày càng trở nên thụ động. Chúng ta có câu nói đùa về giáo dân, họ là “những người được sinh nở, lớn lên và tản mác khắp nơi”. Là người Công Giáo, nhưng có những người chỉ đến nhà thờ có 3 lần trong đời, mà lần nào cũng không phải tự ý họ tới ! Lần đầu được ba mẹ ẵm tới. Lần thứ hai được người khác phái dắt tới. Và lần thứ ba được người ta khiêng tới. Đã bao năm qua, giáo dân thấy nhà thờ như một trạm phục vụ thiêng liêng. Họ chỉ đến nhà thờ khi cảm thấy cần thiết. Và khi đến, họ chỉ biết nhận chứ không biết cho đi. Các Bí Tích được hiểu như phương tiện để được ân sủng, chứ không phải là những cuộc đối diện gặp gỡ Chúa trên hành trình cuộc đời.

Từ đó nẩy sinh một vấn đề khác, đó là ngay cả những người giáo dân sốt sắng, những người thường xuyên tham dự phụng vụ ở nhà thờ, thường cảm thấy bị “thối thiếu tiền” trong phụng vụ Thánh Thể. Họ mang bụng đói đến tham dự Thánh Lễ, nhưng cũng vẫn mang bụng đói trở về nhà. Có thể cộng đoàn đã cử hành phụng vụ Thánh Thể cách hời hợt. Hoặc bài giảng không được chuẩn bị chu đáo hoặc giảng vu vơ không ăn nhập gì đến cuộc sống. Thay vì được no đầy thỏa thuê nơi bàn tiệc của Chúa, thì họ chỉ nhận được ít bánh vụn. Họ thấy vẫn rất nghèo đói mặc dầu ở ngay trên đống kho tàng.

Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu cách nghiêm chỉnh thì cấu trúc của phụng vụ là để làm cho giáo dân được tăng trưởng chứ không phải để họ bị giảm giá. Phụng vụ phải làm cho tất cả mọi thành phần dân Chúa ý thức về tài năng của của họ, và họ có trách nhiệm ra đi sử dụng khả năng đó cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội và cộng đoàn. Cho đến khi nào hàng giáo sĩ thực sự là những người luôn sẵn sàng đón nhận và khích lệ mọi khả năng của giáo dân, thì hàng ngũ giáo dân mới có thể tin tưởng vào logic nội tại của chính phụng vụ. Họ mới ý thức được rằng mục đích của Thánh Lễ được cô đọng trong mệnh lệnh cuối cùng : Hãy ra đi ! Các bạn được sai đi làm chứng nhân giữa lòng đời !

Nếu chúng ta nhớ lại rằng phụng vụ Thánh Thể là việc tưởng niệm sự dấn thân đến chết của Đức Giêsu để thực hiện sứ mạng Chúa Cha trao phó, thì điều này có thể giúp chúng ta lấy chính Chúa Giêsu Thánh Thể làm mẫu mực cho cuộc sống của mình. Sự dấn thân này đối với Người cũng không dễ dàng hơn so với chúng ta. Người cũng đã phải tranh đấu để biết rõ con đường nào phải đi, hướng nào phải định. Quả thực, chúng ta đọc trong Tin Mừng Luca, đêm trước ngày chịu nạn, dù trong lúc cầu nguyện, Đức Giêsu cũng đã hoang mang đau khổ đến đổ mồ hôi máu.

Điều gì đã làm Đức Giêsu phải bồn chồn lo lắng như vậy ? May thay chúng ta có thể dựng lại các sự việc xảy ra đêm đó cách tương đối rõ ràng. Bữa ăn cuối cùng không phải là một sự cố bình yên và hoàn toàn hân hoan. Trong bữa ăn đó, Đức Giêsu biết Giuđa đã hợp đồng phản bội Người. Mọi cố gắng của Người để thuyết phục Giuđa đều là con số không. Người biết địch thù của mình đang bao vây và điều này như một đám mây mù bao trùm cả bữa ăn. Đó là giờ của quyền lực tối tăm.

Sau bữa tối, khi Đức Giêsu rời phòng ăn để đi về Bêtania, Người dừng lại ở khu vườn Giếtsêmani để cầu nguyện và ôn lại những biến cố đã xảy ra trong ngày. Để đến khu vườn, Người đã phải đi ngang qua nhiều nấm mồ của các ngôn sứ và bao nhiêu người khác đã an táng nơi đây từ bao thế kỷ. Ánh trăng tròn của đêm lễ Vượt Qua làm nổi bật sự hoang vu của các ngôi mộ, báo trước điềm chết chóc. Đức Giêsu có thể cảm nhận được bóng tối đang vây phủ tư bề.

Khi Đức Giêsu cố gắng tập trung cầu nguyện trong khu vườn đó thì tất cả thực tế của tình trạng hiện thời xuất hiện rõ mồn một trước mắt với tất cả vẻ khủng khiếp, làm Người không thể cầu nguyện cách an bình. Cái giá của sự dấn thân rõ ràng là thật đắng cay. Sự bất công và dường như vô nghĩa của tình huống làm Người xao xuyến.

Đức Giêsu đã phải vật lộn với tất cả những câu hỏi “tại sao” của cuộc sống. Tại sao lại để cho địch thù thắng thế ? Tại sao lại để cho quyền lực của bóng tối chiến thắng ? Bó tay để cho những kẻ chống đối bách hại có thể đem lại điều gì hay ho không ? Tại sao lại chịu nhục nhã để bị đem đi kết án như một phạm nhân trong khi suốt đời Người chỉ làm điều tốt lành cho tha nhân ? Tại sao không tạm thời lánh mặt đi, như trước đây Người đã làm, đợi cho tình hình lắng đọng xuống đã ? Như vậy có lẽ Người sẽ có cơ hội quay trở lại và thử một phương thức khác, hoặc hy vọng rằng thời gian có thể làm dịu bớt sự chống đối đang bủa vây Người. Tại sao ? Tại sao và Tại sao ?

Các câu hỏi này không dễ dàng mà trả lời được. Chúng ta biết được cái giá Đức Giêsu phải trả ngay cả cho việc đặt thành câu hỏi. Chúng ta cũng biết rằng dù cơn hấp hối, dù máu và dù bao hãi hùng trước cái chết hòng đến, ý của Thiên Chúa Cha vẫn muốn Người ở lại đây và có thái độ dứt khoát trong lúc này. Người không thể biến hình đi ngang qua họ rồi thử thời vận ở một nơi khác, dù việc đó đối với Người quá dễ dàng.

Đức Giêsu đã không bị bắt cách bất thình lình trong khu vườn. Tốp lính đi bắt Người cũng đã theo con đường xuống thung lũng Kedron như Người đã đi. Họ cũng bị ánh trăng chiếu rọi làm nổi bật trên các bức tường thành Đền Thờ khi họ men theo sườn đồi. Đức Giêsu đã thấy họ đến. Trong vòng 15 phút, Người đã có thể đến nhà Lazaro ở bên kia sườn đồi; và trong nửa tiếng, Người có thể mất hút trong sa mạc bên ngoài Bêtania. Trốn thoát thật quá dễ dàng ! Nhưng Người đã ở lại. Vì đó là ý muốn của Chúa Cha.

Trong một nghĩa nào đó thì Đức Giêsu đã có quyết định như thế rồi. Quyết định này đã nẩy mầm qua những cơn cám dỗ lúc bắt đầu sứ vụ công khai. Người đã quyết định không dùng đến sự khôn ngoan trần gian, không tìm đến ô dù của thế lực chính trị. Người đã muốn trở thành người Tôi Tớ đau khổ cho anh chị em mình. Và như thế, Người đã biến cuộc khổ nạn của Người thành một hành động tự do nhất mà thế giới chưa từng thấy.

Tất cả những điều này được diễn tả trong phụng vụ Thánh Thể. Đức Giêsu đã có thể nói bánh này là Thân Mình Người, rượu này là Máu người, vì Người đã tự nguyện để thân mình Người bị xé nát và máu Người đổ ra cho người khác. Đối với Đức Giêsu mạng sống không phải là một trung tâm thu hút tất cả về cho mình, nhưng Người đã định nghĩa mạng sống mình trong mối giây liên hệ với người khác, với tất cả mọi người mà bản tính nhân loại của Người ràng buộc và Người đã tự nguyện hy sinh mạng sống cho họ.

Nếu Đức Giêsu đã không thấy dễ dàng dâng Thánh Lễ đời mình, thì chúng ta cũng thế. Trong mỗi Thánh Lễ, khi của lễ được chuẩn bị và bánh rượu được đặt lên đĩa thánh, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa, Đấng tác thành muôn vật muôn loài, đã ban cho chúng ta có được cái gì để dâng lên Ngài. Chúng ta được mời gọi đặt trên đĩa thánh trọn cuộc sống mình với những hy vọng và phấn đấu, những nghi nan và chán chường. Chính cuộc sống muôn mặt đó, như bánh và rượu, sẽ được biến đổi trong Kinh Nguyện Thánh Thể, để thành của lễ hy sinh xứng đáng dâng lên Thiên Chúa.

Bánh và rượu là biểu hiện sự sống của chúng ta cũng như của Đức Kitô. Vào lúc cao điểm của Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta nâng bánh và rượu lên trong ý thức rằng chỉ nhờ Đức Kitô, với Người và trong Người mà mọi vinh quang đều thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại rằng sự biến đổi chỉ là hậu kết của lòng trung tín và sự dấn thân như Đức Giêsu đã tỏ ra trong vườn Giếtsimani. Phụng vụ Thánh Thể chỉ mang ý nghĩa khi biểu hiện một sự quan tâm tích cực đến người khác.

Do đó việc chúng ta sống như thế nào trong suốt tuần lễ mang tầm mức rất quan trọng, vì đây là tất cả những gì chúng ta có để dâng lên Chúa tuần này qua tuần khác. Đó là đặt trên đĩa thánh mọi phấn đấu nỗ lực của chúng ta để sống đức tin, và mọi cố gắng của chúng ta để ngày càng vững mạnh hơn trong lòng trung tín. Trừ phi chúng ta có một cái gì trong tuần để dâng lên Chúa thì những cái nho nhỏ chúng ta có mới được biến đổi. Nếu không thì buổi cử hành Thánh Thể của chúng ta, thay vì là cử hành lòng trung tín và một sự dấn thân tích cực, thì chỉ còn là những múa máy nghi thức rỗng tuếch vô hồn. Đây không còn là phụng vụ Thánh Thể của Chúa mà chúng ta tung hô như Cứu Chúa và người anh em của chúng ta.

III – GIÁO HỘI – NGƯỜI TÔI TỚ

Trong quan điểm này, Công Đồng Vatican II đã giới thiệu Giáo Hội như là tôi tớ của Thiên Chúa cũng như tôi tớ của toàn thể nhân loại trong khi tưởng niệm Đức Kitô. Quan niệm đầy đủ về việc phục vụ, điểm then chốt trong Tin Mừng Marcô, là nét đặc thù của các môn đệ. Trong lần tiên báo cuối cùng về cuộc tử nạn, Đức Giêsu mong ước rằng những người cầm đầu phải là tôi tớ của tất cả mọi người (Mc 10, 44). Nô lệ là một quan niệm nói lên hết tất cả những gì liên quan đến việc phục vụ.

Tuy nhiên nô lệ trong trường hợp này, không được hiểunhư một sự hạ thấp giá trị con người. Ngay cả thánh Phaolôcũng đã cho mình như là “người nô lệ của Đức Giêsu Kitô” (Rm 1,1).Phaolô không chỉ là một người khiêm hạ vì cũng ýthức rõ quan niệm này đã được Cựu Ước dùng để áp dụngcho một số người khá nổi tiếng. Trước tiên áp dụng cho Abraham, tổ tiêncủa dân được tuyển chọn. Abraham được mang danh là “nô lệcủa Giavê” vì đức tin và lòng trung tín của ông.

Quan niệm này cũng áp dụng cho Isaac, con của Abbram. Chính qua dòng dõi của Isaac chứ không phải của Ismael mà các lời hứa về sự tuyển chọn được lưu truyền. Isaac là con của lời hứa, và tất cả đã được chúc phúc qua ông. Các bản văn sau này của Do Thái mô tả Isaac như một chàng trai ba mươi tuổi, sẵn lòng đóng góp hy sinh của mình nhu lễ vật hy tế khi vác trên vai bó củi lên núi theo lệnh của cha. Từ đó cho đến nay dòng tộc dường như có vẻ quý tộc hơn!

Môisê cũng được gọi là nô lệ của Giavê. Ông đã đem dân ra khỏi Ai Cập về đất hứa. Giôsuê, vị tướng trung thành của Môisê, người đã đích thân đem dân vào đất hứa, cũng được gọi là nô lệ của Giavê. Mãi về sau, từ nô lệ cũng được áp dụng cho Vua Đavít và các Ngôn Sứ.

Trong Tân Ước, chúng ta đã biết thánh Phaolô gọi mình là nô lệ của Đức Giêsu. Từ này cũng được áp dụng cho Đức Maria. Hầu hết mọi bản dịch về việc truyền tin đều có câu nói của Đức Maria “Này tôi là nữ tỳ của Chúa”, và Bài Ca Ngợi Khen (Magnificat) cũng vang lên “Người đã nhìn đến phận nữ hèn” (Lc 1,38, 48). Từ được sử dụng ở đây cũng là từ áp dụng cho Abraham, Môisê, và Đavít. Đức Maria cho mình là nô lệ của Thiên Chúa.

Nhìn lại quá trình lịch sử đó, chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng được trở thành nô lệ của Thiên Chúa tức là được kêu mời đứng vào hàng ngũ ưu tú. Mỗi người đóng một vai trò then chốt trong lịch sử cứu độ. Sẵn sàng trở thành tôi tớ của Thiên Chúa, mà Marcô cho là một trách nhiệm cốt lõi của các môn đệ, hàm nghĩa chúng ta nhìn nhận vai trò mà Chúa muốn chúng ta đóng trong công cuộc cứu rỗi trần gian.

Hơn nữa, khả năng đọc được các dấu chỉ của thời đại thúc bách ta phải làm một cái gì phù hợp với điều chúng ta nhận thấy. Chúng ta được kêu gọi trở thành suối nguồn của ơn cứu rỗi, của niềm hy vọng, của lòng thương cảm, và của tình yêu trong một thế giới mà tất cả những phẩm chất này bị thiếu hụt cách trầm trọng. Chúng ta phải thức tỉnh, phải rung cảm với nỗi khổ đau và nhu cầu của những người chung quanh ta. Chỉ có điều đó mới thúc bách chúng ta năng nỗ làm cho thế giới chúng ta đang sống thành một nơi tốt đẹp hơn, mang tình người hơn.

Trên một mức độ rộng lớn hơn, ngày nay chúng ta buộc phải nhạy cảm trước các phương cách khác nhau mà chúng ta có thể sử dụng để làm điều gì đó cho việc thăng tiến trật tự xã hội. Than phiền về thế giới chung quanh chúng ta thì dễ hơn là tìm cách giải quyết vấn đề, nhưng than phiền chẳng đem lại lợi ích nào. Sứ mạng được sai đi sau mỗi thánh lễ đòi hỏi chúng ta phải nhận ra trách nhiệm sống lý tưởng Kitô Giáo của mình thế nào đó để cách sống là muối là men của ta mang phẩm chất khác biệt với thế giới quanh ta.

Một phương cách để đào sâu sự nhận thức này trong Thánh Lễ là phải hiểu rõ ý nghĩa thực sự của việc “sai đi”. Đó là một thách đố phải sống những gì chúng ta vừa mới cử hành. Câu đáp “Tạ ơn Chúa” của chúng ta phải là một sự đón nhận phấn khởi thách đố đó của Đức Kitô. Dù ở bất cứ nơi nào, cũng hãy để Chúa dìu bước chân của tất cả chúng ta trong vũ khúc của Người. Mỗi cử hành phụng vụ phải cho chúng ta một thách đố cụ thể. Chúng ta không nên rời nhà thờ mà không tìm được một phương cách cụ thể để sống Tin Mừng trong tuần lễ sắp tới.

Cách thức cụ thể để làm điều này tốt hơn là dùng thời gian suy niệm sau khi rước lễ. Chúng ta có thể cám ơn Chúa một cách cụ thể hơn bằng cách định rõ với Chúa cách thức chúng ta sẽ cố sống sứ điệp Lời Chúa trong những ngày sắp đến. Sau đó, khi rời khỏi nhà thờ, chúng ta sẽ có được một ý tưởng rõ nét về hiệu năng của Thánh Thể trong công trình cứu rỗi trần gian.

Ra khỏi nhà thờ, chúng ta nên ý thức rằng những gì ta vừa làm mỗi Chúa nhật còn hơn cả việc chỉ lo hoàn thành một bổn phận bắt buộc. Bằng việc kết hợp với Đức Kitô, Đấng vừa là lễ vật hy sinh vừa là linh mục chủ tế, chúng ta được đổi mới và tăng sức để sống trọn vẹn hơn trong những ngày tới những gì ta vừa cử hành. Chúng ta xác tín lời Đức Giêsu nói trong bữa ăn cuối cùng : “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14,12).

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 27.01.2005. 08:22