Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

1. Thánh Lễ và Cuộc Sống

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

I- THÁNH LỄ LÀ “SUỐI NGUỒN VÀ CHÓP ĐỈNH CỦA ĐỜI SỐNG NGƯỜI KITÔ HỮU

Công Đồng Vatican đã gọi Thánh Lễ là “Suối Nguồn Và Chóp Đỉnh Của Đời Sống Người Kitô Hữu”. Một lời xác định rất cao đẹp. Lời xác quyết này có thể rất thực trên phương diện thần học, nhưng trên bình diện thực tế lại hoàn toàn khác hẳn. Nhiều người Công Giáo không tham dự Thánh Lễ đều đặn, và không cho Thánh Lễ là nguồn ánh sáng để hiểu mọi biến động xảy ra trong cuộc sống của mình.

Có những vị chủ chăn phê phán những ai không tham dự Thánh Lễ thường xuyên là những người nguội lạnh thờ ơ. Nhưng trong thực hành, các vị này không chỉ cho giáo dân thấy được việc cử hành Thánh Lễ có liên hệ thiết yếu với cuộc sống. Đến nỗi có thể nói rằng trong niềm tin của họ vào Đức Kitô, việc cử hành Thánh Lễ chỉ đóng một vai trò rất phụ thuộc.

Từ đó có thể nói, đã có một hố ngăn cách giữa Thánh Lễ và cuộc sống hàng ngày của người Kitô hữu. Thánh Lễ chỉ được nhìn nhận là nguồn gốc, là chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu trong giới hạn của một lòng sùng kính hoặc một cái gì đó rất phụ thuộc. Do đó, mục đích của khóa học này là cố gắng lấp đầy chỗ trống đó, bắc một nhịp cầu giữa phụng vụ Thánh Thể và cuộc sống thường nhật của người tín hữu, làm cho thực thể thâm sâu nhất và sinh động nhất của Thánh Lễ trở thành nguồn sáng soi cho mọi sự hiểu biết về chính mình của người Kitô hữu.

Khóa học này cũng trình bày một thần học về Thánh Thể, giải thích về Thánh Lễ cách nào đó khác với sự hiểu biết mang tính cách một lòng tôn sùng vốn có từ lâu rồi trong các sách thiêng liêng. Chúng ta không phủ nhận giá trị của những hiểu biết đó, nhưng những hiểu biết đó không đủ giải quyết cho những thách đố của thời đại chúng ta.

Cần phải có một nỗ lực mới. Nếu không có một cách thức tốt hơn, thì e rằng mọi nỗ lực của chúng ta sẽ gặp nguy cơ là chỉ củng cố thêm cho một lòng đạo đức ngày càng mất ý nghĩa đối với số đông giáo dân. Nếu chúng ta không nhớ kỹ điều này trong những việc cử hành Thánh Lễ và dạy giáo lý, thì phụng vụ Thánh Thể có thể sẽ chỉ còn là một sự trình diễn bên ngoài không hơn không kém và không mang lại một ích lợi lâu bền nào.

Hai điểm được nhấn mạnh trong khóa học này. Điểm thứ nhất là xác tín rằng chúng ta cần phải chuyển sự hiểu biết của chúng ta về Thánh Lễ từ khía cạnh là một việc sùng kính mang tính riêng tư, cá nhân qua khía cạnh cộng đoàn. Điểm nhấn thứ hai là chúng ta phải chuyển sự hiểu biết về Bí Tích Thánh Thể từ quan niệm thụ động qua một thái độ năng động tích cực.

Như chúng ta biết từ thế kỷ thứ 13, luật Hội Thánh buộc xưng tội rước lễ ít nhất mỗi năm một lần. Sự kiện này cho thấy giáo dân đã tách rời thực hành phụng vụ như thế nào và đã hiểu về vai trò của Thánh Lễ trong đời sống Kitô hữu ra sao. Hoặc là giáo dân đã cảm thấy không xứng đáng để rước Chúa vì một ý thức tội lỗi cá nhân, hoặc đơn giản chỉ vì họ không hiểu được ý nghĩa của Phụng Vụ Thánh Thể, và từ đó Thánh Lễ có một ảnh hưởng rất lu mờ trong đời sống thực tế của giáo dân. Thay vào đó họ chạy theo bao nhiêu loại sùng kính khác, vì những cách sùng kính này giúp cho họ trực tiếp đến gần Chúa hơn, nhất là vì hình như các thánh, cách nào đó, gần gũi với họ trong cuộc sống hằng ngày hơn là phụng vụ của Giáo Hội.

Hậu quả là chính Thánh Lễ đã trở thành một lối sùng kính như bao nhiêu sự sùng kính khác. Đó là thời của những cuộc rước kiệu linh đình, những việc tổ chức rầm rộ đặt Mình Thánh Chúa ra ngoài, thời của giáo dân chạy từ nhà thờ này sang nhà thờ nọ để kịp dự một lần Truyền Phép khác. Nhiều thí dụ điển hình có thể nêu ra. Tuy nhiên, kết quả là những việc tôn sùng Thánh Thể này dần dần tách khỏi gốc rễ của mình trong phụng vụ Giáo Hội. Và hậu quả còn tai hại hơn, đó là việc giáo dân cắt đứt thực tế hằng ngày của thế giới mình ra khỏi “Suối Nguồn và Chóp Đỉnh” đời sống của họ.

II- CHIỀU KÍCH CỘNG ĐOÀN CỦA THÁNH LỄ

Một vấn đề nhức nhối nhất đó là những lòng sùng kính kiểu đó hoàn toàn không biết đến Chiều Kích Cộng Đoàn của Thánh Lễ. Lòng tôn sùng Thánh Thể trở thành mối liên hệ riêng tư, cá nhân với Chúa Giêsu chứ không phải là sự liên hệ của toàn Hội Thánh. Nói rằng Thánh Thể là “Suối Nguồn và Đỉnh Cao” của đời sống Kitô hữu không có ý nghĩa nào khác hơn là công bố xác tín của các Giáo Phụ là “chính Thánh Thể đã làm nên Hội Thánh”. Nhưng những lời tuyên bố này sẽ chỉ là những nguyện vọng đạo đức, nếu Thánh Lễ không được coi như một hoạt động của toàn thể cộng đồng tín hữu tập họp lại với nhau để nói lên chân tính của mình.

Thật hấp dẫn khi ta thấy trong Tân Ước, một trong những tên gọi đầu tiên của Thánh Lễ là Ekklesia : “Hội Thánh”. Đối với Cộng Đoàn Kitô hữu tiên khởi, cách hiểu thần học về hai từ “Hội Thánh” và “Họp Nhau Bẻ Bánh” là một hoạt động đồng nhất. Hiến chế về Phụng Vụ Thánh cũng như thông điệp Mysterium Fidei (Mầu Nhiệm Đức Tin) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, đến ngày nay vẫn nhắc nhở chúng ta rằng có nhiều sự hiện diện thực sự của Đức Giêsu trong Hội Thánh. Một trong những sự hiện diện chính yếu đó là Người hiện diện trong cộng đoàn tụ họp nhau lại nhân danh Người để công bố Hồng Ân Cứu Thoát mà Người phải trả bằng cái chết và sự Phục sinh của Người, và công bố việc hiệp thông vốn phải là thành quả của việc chúng ta họp mặt với nhau nơi bàn tiệc của Chúa.

Chúng ta cũng đến với Thánh Lễ để được sai đi tiếp nối công cuộc của Đức Kitô. Điều này chỉ có thể được nếu chúng ta xem Thánh Lễ là việc sùng kính cao nhất và trọng đại nhất. Không ý thức được việc cử hành Thánh Lễ thực sự là một việc thờ phượng công khai của toàn Dân Chúa thì chúng ta không sao có được một ý thức về chân tính của mình, cũng không tài nào giải thoát chúng ta ra khỏi ngục tù cá nhân, và làm cho ta hiểu được ý nghĩa của sứ mạng phát sinh từ việc thực hiện các trách nhiệm của chúng ta như một phần tử của dân Giao Ước Mới.

Hình ảnh một cộng đoàn được Chúa triệu tập là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng chúng ta được mời gọi để tiếp nối công cuộc mà Đức Giêsu đã từng hiến cuộc đời và mạng sống mình để xây dựng một vương quốc. Vương quốc đó chính là ý nghĩa của hai chữ “Hội Thánh”.

Trước đây trong các nhà thờ, chúng ta thấy có những hàng “bao lơn” ngăn cách cộng đoàn với những gì diễn ra trên cung thánh. Người ta có cảm giác rằng tất cả mọi hành động quan trọng đều xảy ra trong cung thánh – và rằng không có chỗ cho giáo dân đặt chân. Các thừa tác viên đọc sách và thừa tác viên Thánh Thể chỉ mới có sau này. Sự tách biệt quá rõ ràng giữa hàng giáo phẩm và giáo dân trong các nhà thờ làm cho giáo dân tự nhiên cảm thấy thực sự họ không có một vai trò nào trong khi cử hành phụng vụ của Giáo Hội. Và ngược lại thì phụng vụ cũng chẳng có vai trò gì trong đời sống của giáo dân.

Giáo dân có gì phải làm đâu ? Họ đến nhà thờ chủ yếu là để được Chúa ban cho họ một cái gì đó. Họ đến để đào sâu hơn mối quan hệ của mình với Chúa Giêsu, hoặc để được một ân huệ, để được soi sáng. Có thể họ cũng ước mong hiệp lễ và có được sự gặp gỡ trong bí tích. Nhưng tất cả những thái độ này hoàn toàn mang tính thụ động, không thể làm cho họ tham gia vào hoạt động của Thánh Lễ, vì như chúng ta thấy, hoạt động đó là của người khác, của linh mục hoặc của Chúa Giêsu chứ đâu phải là của họ.

Chính cách thức cử hành Thánh Thể như thế làm chúng ta không thấy được đây cũng chính là hành động của mình. Do đó, kinh nguyện Thánh Thể trở thành việc hồi tưởng hoặc kỷ niệm lại những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta cách đây gần hai ngàn năm. Tuy nhiên, cần phải biết rằng, nếu sự gặp gỡ mang tính bí tích của chúng ta với Chúa Phục Sinh có một ý nghĩa nào đó thì chính là vì Đức Giêsu gặp gỡ ta trong hành trình cuộc sống, và mời gọi ta liên đới với Người để trở thành tác nhân của ơn cứu độ.

Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúng ta lập lại lời này trong mỗi Thánh Lễ. Giáo dân có thói quen cho lời này chỉ là lời của linh mục chủ tế. Còn tệ hơn, chúng ta nghĩ lời này chỉ là lời truyền phép. Nhưng thực ra Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta lập lại lời này. Người yêu cầu chúng ta làm những gì chính Người đang làm trong lúc đó. Đó là chuẩn bị trao ban mạng sống mình để cứu rỗi nhân loại. Tin Mừng theo thánh Gioan chương 13, trình thuật việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ như là một thí dụ về những gì chính chúng ta phải làm cho nhau : “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Thánh Lễ yêu cầu chúng ta liên kết với Đức Giêsu trong việc cứu rỗi nhân loại.

III - THÁNH LỄ LÀ SỰ LIÊN KẾT

Thánh Lễ kêu mời chúng ta đến với bàn tiệc, và Đức Giêsu sẽ làm chúng ta phấn chấn trong tầm nhìn của Người, liên kết chúng ta lại với Người trong công cuộc cứu rỗi những người khác. Đó là Chiều Kích Truyền Giáo của Hội Thánh và của Thánh Lễ. Nếu các cử hành Thánh Lễ của chúng ta trong quá khứ đã không có kết quả nào cho việc chuyển biến cuộc sống chúng ta, hay không làm cho giáo dân dấn thân hơn cho công cuộc của Đức Kitô, có thể là vì giáo dân cảm thấy mình đến với Thánh Lễ là “để nhận” chứ không phải “để cho”. Chúng ta đưa bàn tay ra không chỉ để nhận Thân Mình của Đức Kitô, nhưng đến phiên mình còn phải trao ban Người cho người khác. Đây mới chính là cốt lõi của sứ mạng người Kitô hữu. Và qua Bí Tích Thanh Tẩy, sứ mạng này được giao phó cho toàn thể dân Chúa.

Chúng ta hoàn toàn xác tín về chân lý thần học dạy rằng “Thánh Thể là Suối Nguồn và Chóp Đỉnh của Đời Sống Người Kitô Hữu” nhưng đồng thời cũng nhìn nhận cái thực tế phũ phàng của đa số người tín hữu. Có thể nhiều năm sống thái độ thụ động và quá nặng tính tôn sùng đạo đức về Thánh Thể đã thực sự tách biệt Thánh Lễ ra khỏi ý thức và cuộc sống hằng ngày của giáo dân. Thánh Lễ hầu như hoàn toàn không nói gì đến nền kinh tế, chính trị của thế giới, không nói gì đến các thực tại xã hội. Biến Thánh Lễ và mối liên hệ của chúng ta với Chúa Giêsu thành một công việc hoàn toàn cá nhân là tấn công vào chính gốc rễ của bản chất cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta là một dân bí tích, và một Hội Thánh bí tích – và bí tích có nghĩa là quyền năng cứu rỗi của Đức Kitô.

Thánh Lễ là một Thách Đố cho chính Hội Thánh và cho Thế Giới. Các vấn đề chung chỉ được giải quyết khi nào chúng ta có thể học biết yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta – một tình yêu có thể đòi hỏi phải hy sinh chính mạng sống mình cho người khác. Mỗi lần cử hành Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta công bố sự chết của Đấng đã hy sinh mạng sống mình cho chúng ta, và Đấng đó mong muốn chúng ta cũng sẵn sàng làm như Người. Một tình yêu tích cực, một sự dấn thân toàn diện, đó chính là tâm điểm của Thánh Lễ.

Chủ tâm của khóa học này là đến với Thánh Lễ, và từ đó đặt Thánh Lễ tại tâm điểm của Hội Thánh, để nói lên bản chất của chính Hội Thánh. Đồng thời Thánh Lễ giúp chúng ta sống được những gì chúng ta cử hành nơi bàn tiệc Chúa ở trong chính cuộc sống hằng ngày của mình.

Điều này có nghĩa là có sự giao thoa hai chiều giữa Thánh Lễ và Cuộc Sống. Có thể hiểu được mối tương giao này bằng cách đào sâu các tiết nhịp cơ bản và đặc trưng của Thánh Lễ. Và cũng chính những tiết nhịp cơ bản này là đặc trưng của cộng đoàn Kitô hữu. Dù ta có ý thức hay không, vẫn có một liên hệ hỗ tương giữa Phụng Vụ Thánh Thể và Cuộc Sống Hằng Ngày. Điều này có nghĩa là hiệu năng của việc cử hành Thánh Lễ và sức mạnh chứng tá của người Kitô hữu trực tiếp liên hệ với nhau. Không thể nào cử hành Thánh Lễ đầy đủ ý nghĩa, nếu cuộc sống chúng ta không phải là cuộc sống Thánh Thể trong ý nghĩa trọn vẹn nhất của ngôn từ.

Hơn nữa, Thánh Lễ được cử hành với đầy đủ ý nghĩa sẽ có khả năng uốn nắn cộng đoàn chúng ta thành một cộng đoàn theo như Chúa mong muốn : là chính Thân Mình của Người. Trước thế kỷ XII, nhiệm thể của Đức Kitô được hiểu là Hội Thánh. “Hội Thánh” và “Thánh Thể Đức Kitô (hoặc Nhiệm Thể, Nhiệm Thân)” thực tế là một. Nhưng từ thế kỷ XII, chúng ta đã đổi ý nghĩa : nói đến Thân Mình Đức Kitô là nói đến Thánh Thể, và nói đến nhiệm thân hay nhiệm thể (mystical body) Đức Kitô là nói đến Hội Thánh. Hơn thế nữa, chúng ta coi Hội Thánh như là một tổ chức có phẩm trật được Thiên Chúa thiết lập, và Thánh Thể như một trong nhiều hồng ân được Hội Thánh ban phát để làm cho các chi thể riêng biệt được lớn mạnh.

Chúng ta phải chân nhận rằng Thánh Thể không phải là thành quả công việc của Hội Thánh, nhưng là chính sự hiện hữu của Hội Thánh. Chân tính của Hội Thánh vừa được diễn tả và vừa được công bố cách hiệu quả khi Hội Thánh tập trung vào thực tại Mình Máu Chúa Kitô. Do đó các Giáo Phụ đã nói: “Không những Thánh Thể làm nên Hội Thánh mà Hội Thánh cũng làm nên Thánh Thể.”

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 27.01.2005. 08:21