Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

1. Khi Thiên Chúa Phổ Nhạc

§ Cát Minh Nha Trang

Sáng 18-7-1880, trong doanh trại quân đội tại Avor gần Bourges, nỗi âu lo trùm lên căn nhà nhỏ, nơi Maria Rolland đang chờ sinh đứa con đầu lòng. Hai bác sĩ đã báo cho chồng chị biết rằng có lẽ không thể cứu mạng sống của đứa bé. Người ta chỉ còn biết cầu nguyện. Cha tuyên úy dâng thánh lễ theo ý họ xin.

BlElizabethTrinity02.jpg

Thế rồi, trái với những lời dự báo, một bé gái chào đã đời, “thật xinh và thật sống động”. Về sau mẹ của bé sẽ hãnh diện ghi lại như thế.

Bốn hôm sau, ngày 22, bé Maria Êlisabét Joséphine được lãnh bí tích thánh tẩy trong nhà nguyện của doanh trại.

Bé chào đời ngày chúa nhật và được rửa tội vào lễ kính thánh nữ Maria Mađalêna, thường được đồng hoá với người phụ nữ chiêm niệm ở Bêtania! Đó là một sự trùng hợp mà sau này Êlisabét coi là một điều quan trọng.

Thời gian qua, bé biểu lộ bản tính như hỏa sơn, dễ dàng bùng lên mãnh liệt. “Nó đúng là tiểu yêu!” Mẹ của bé nhận xét về nét tinh nghịch đáng yêu của bé như thế khi bé mới được 21 tháng tuổi. Em Guite của bé cũng sẽ làm chứng: “Chị rất linh hoạt, còn dễ giận nữa, giận thật tình, giận như quỉ!”.

Còn bé tí, Sabeth được bồng đến nhà thờ dự nghi thức chúc phúc cho trẻ em. Người ta đã mượn con búp bê Jeannette của bé để làm Chúa Hài Đồng trong máng cỏ, mà không cho bé biết. Được mặc áo đẹp có gắn sao vàng lộng lẫy, búp bê Jeannette đẹp tuyệt vời và khó nhận ra nữa. Thế mà chính lúc cha xứ cất tiếng chúc lành từ trên giảng đài, Sabeth nhìn vào máng cỏ và, cặp mắt long lên, bé hét lên giận dữ: “Ông cha xứ độc ác! Trả Jeannette lại cho bé!”

Người ta phải bật cười mà đưa bé ra khỏi nhà thờ.

Có ai ngờ rằng em bé đã hét lên câu nói chống giáo sĩ ấy mà cuối đời lại có thể nói: “Em đang đi vào ánh sáng, vào Tình yêu và Sự Sống”.

Thiên thần hay quỉ sứ

Khi sinh Sabeth, ông Joseph Catez đã 48 tuổi. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở Aire-sur-la-Lys (Pas de Calais), ông nhập ngũ năm 21 tuổi và thăng dần tới đại úy.

Mẹ của Êlisabét, Maria Rolland, con gái của một sĩ quan, khi sinh con cũng đã gần 34 tuổi. Maria chào đời ở Lunéville (Lorraine), sống một phần tuổi trẻ ở Aude, nơi mà sau này gia đình Catez thường về thăm. Miền này mang nhiều nét của vùng “Midi”, còn đọng lại trong tác phẩm của chị Êlisabét Chúa Ba Ngôi: Mặt trời, ánh sáng, niềm vui, chân trời...

Mười tháng sau khi sinh Êlisabét, gia đình bé nhỏ này rời doanh trại Avor, chuyển đến Bourgogne. Họ ở đồn Auxonne mười tám tháng rồi về Dijon. Tại đây, ngày 20.2.1883, em gái của Êlisabét là Marguerite chào đời, cả nhà thường gọi em là “Guite”.

Sabeth đã sớm nếm mùi ly biệt. Bà ngoại chết từ khi em còn rất nhỏ. Sáu tuổi rưỡi, em mất ông ngoại Rolland. Ông đã tới sống với gia đình Catez cho nên thật gần gũi với Sabeth. Tám tháng sau, ba của em, ông đại úy kiêu hùng, đột quị do tai biến tim, đã chết trong vòng tay em.

Mẹ em nức nở: “Ba về Trời rồi... ” Từ đó, trời trở thành cận kề và huyền bí hơn...

Rồi lại dời nhà. Bây giờ bà Catez đến một căn hộ ở đường Prieur-de-la-Côte-d’Or. Từ căn phòng của em ở tầng hai, Sabeth trông thấy, rất gần, một tòa nhà to lớn với tháp chuông nhọn vươn cao: Đó là Đan-viện Cát Minh Dijon, nơi một ngày kia em sẽ sống.

BlElizabethTrinity16.jpg

Bà Catez linh cảm thấy cô con gái nhỏ đầu lòng có tài âm nhạc, cho nên khi em lên 8, bà xin cho em vào học trường nhạc. Từ đó, Êlisabét đã dành rất nhiều thời giờ cho chiếc dương cầm. Em không thường xuyên đến lớp, nhưng được kèm cho hoc phổ thông và văn chương ngay tại nhà. Tuy nhiên, học kiểu đó chẳng đi đến đâu, cho nên những trang thần bí sau này của bé đầy lỗi chinh tả.

Thế là sau cái chết của ba, cuộc sống rồi cũng dần dần trở lại. Cả những cơn giận nữa! Đôi khi Sabeth giận dữ kinh khủng đến nỗi, Guite kể lại, “người ta phải dọa tống chị vào Bon Pasteur (một trại cải huấn ở ngay gần nhà) và đã sắp sẵn cả một gói đồ cho chị đi!” Cứ đà ấy, Êlisabét sẽ trở thành ương ngạnh và độc đóan biết bao! Về sau chị sẽ nói về cái “tính khí dễ sợ” ấy của chị.[3]

Đấy, đâu phải là một vị thánh khờ! Thế nhưng trong tâm hồn dễ mến và trung thực ấy còn bao đức tính cao đẹp! Và tự bản chất, nó muốn đẩy mọi sự đến tận cùng.

Điều đó giúp ta hiểu rõ ước vọng của em hơn. Ở gia đình, đến nhà thờ, khi học giáo lý, người ta nói với em về Thiên Chúa. Từ cõi lòng em đầy bén nhạy và thẳng thắn, em sẽ đáp lại nhanh nhẩu và sâu sắc lạ lùng. “Con đã rất yêu thích cầu nguyện, và đã yêu mến Thiên Chúa biết bao, ngay cả trước khi con được rước lễ lần đầu. Thế nên con không thể hiểu làm sao người ta có thể trao trái tim mình cho một ai khác không phải là Thiên Chúa; do vậy từ đó, con đã quyết chỉ yêu mến Chúa và chỉ sống cho Ngài”. Lúc ấy em chưa được mười tuổi.

Êlisabét cố gắng sống cho phù hợp với những điều quyết hứa trong lời kinh thiếu nhi em thường đọc, tập biện hộ cho người bên cạnh khi họ chống lại những thay đổi thất thường và giận dữ khủng khiếp của em, tập quên mình để làm vui lòng kẻ khác và làm vui lòng Chúa Giêsu, Đấng thấy hết mọi sự...

Em cố gắng trông thấy, thế nhưng kết quả chẳng có gì chắc chắn! Năng lực phi thường của em thường vuột ra qua những nẻo đường không kiểm soát được. Một ngày nọ, trong giờ giáo lý chuẩn bị rước lễ lần đầu, cha Sauvageot buộc lòng phải bắt em quì gối giữa các trẻ khác! Quan sát kỹ đứa bé, cha không thể tưởng tượng được làm sao cô bé gái lúc nào cũng rung động hết mình như thế sẽ có thể bằng lòng với một cuộc sống tầm thường. Cha bảo: “Với một bản chất như thế, Êlisabét Catez, hoặc sẽ là thiên thần hoặc sẽ là ác quỉ”.

Thiên thần, quỉ sứ, tiểu yêu hay chân phước?...

Một cơn đói khác

BlElizabethTrinity14-visage.jpg

Ngày 19-4-1891. Rước lễ lần đầu. Cô bé 11 tuổi, lần đầu tiên được đón nhận Mình Thánh Đức Kitô! Thật là những giây phút không sao quên nổi... Em nhận ra mình được Thiên Chúa viếng thăm và em đón tiếp Ngài! Em thấy mình được yêu, và em yêu mến Ngài! Được yêu và Hiến thân, hai điều ấy chỉ là một! Về sau, Êlisabét sẽ nói: “Trong ngày trọng đại này, Chúa và con đã tự hiến trọn vẹn cho nhau” [4]

Không một ca khúc hay một bản đại phong cầm nào sánh được với bài ca đang vang lên trong trái tim cô bé dương cầm... Nước mắt vui mừng giàn giụa trên khuôn mặt em. Chiếc áo đầm trắng đẹp với những quà tặng đang chờ em, những lời chúc mừng đầy xúc động và bữa tiệc... tất cả trở thành tương đối biết bao! Khi các em vừa được rước lễ bước ra khỏi nhà thờ Thánh Michel, Sabeth tâm sự với cô bạn nhỏ Maria-Louise Hallo: “Mình không đói, Giêsu đã nuôi mình rồi”. Bánh từ trời đã khơi dậy và làm no thỏa một cơn đói khác.

Người ta còn giữ được mười hai tấm ảnh chụp trước ngày Sabeth rước lễ lần đầu. Điều khiến mọi người chú ý hơn cả chính là cái nhìn. Đôi mắt đen, sắc sảo, mở to, nhìn thẳng vào thực tại, như tấm gương linh hồn phản chiếu một tính khí sống động và nồng nhiệt. Một tấm hình chụp Sabeth mặc áo đầm trắng ngày rước lễ, chiếc áo mà sau đó em sẽ mặc để lãnh bí tích Thêm Sức, ngày 8.6.1891, tại nhà thờ Đức Bà. Niềm hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt em. Trước kia, đôi môi em đã không dễ nở nụ cười, nhưng giờ đây miệng em hé mở, như sẵn sàng thổ lộ những điều bí ẩn thâm sâu của cõi lòng. Đây là lần đầu tiên em có cái nhìn hướng về xa xăm, nếu không nói là vô tận, như chăm chú nhìn một tương lai đầy hứa hẹn.

Rồi tháng năm trôi qua, với nhiệt tình, Sabeth đã làm chủ được thuật chơi dương cầm. Nhờ biết lắng nghe thầy cô, tài năng của em ngày càng phát triển. Em tỏ ra là một người bạn trung tín, được tất cả các bạn thương yêu. Em có tài lãnh đạo và khiến cho tự nhiên được cả nhóm vây quanh. Em tổ chức các trò chơi, em điều động các buổi khiêu vũ, em làm cho cả nhà vui khi em chơi dương cầm... và em cắn môi để không nói một lời mỗi khi có điều không vừa ý. Từ khi rước lễ lần đầu, em đã thay đổi nhiều về thái độ này.

Nhưng điều cốt yếu thì chưa ai thấy. Ngoại trừ đôi khi em đã tỏ ra rất vui nếu có thể nán lại thêm ít phút trong nhà thờ, trước Mình Thánh Chúa. Rồi những dòng lệ tuôn rơi sau khi rước lễ. Và cũng phải nói đến một ý chí mãnh liệt đòi bắt người khác cũng phải muốn như em muốn.

Ngày 25-7-1893, cố gắng học nhạc của Êlisabét đã được khen thưởng. Em đoạt giải nhất dương cầm khi mới13 tuổi. Nhiều lần em tham dự các buổi hòa tấu trong thành phố do Nhạc viện tổ chức. Các nhà báo trong vùng nhìn thấy nơi em một tương lai đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, em đã không ám chỉ chút gì về tài năng âm nhạc ấy khi phác họa “bức chân dung thể lý và tinh thần” của mình trong những hàng dễ thương sau đây:

“Nói về luân lý đạo đức, em nghĩ mình cũng khá. Em vui vẻ và phải thú nhận rằng em cũng hơi liều lĩnh. Em có lòng tốt. Tính em hay làm dáng. Người ta nói ‘phải làm dáng một chút’. Em không làm biếng. Em biết rằng nhờ làm việc mà người ta hạnh phúc. Em không phải là một mẫu mực về kiên nhẫn nhưng thường thì em biết nén lòng. Em không có thù oán”.

Vô Điều Kiện

Mùa Xuân 1894. Cuộc phiêu lưu tinh thần không dừng chân. Cô bé nghệ sĩ được ngưỡng mộ sắp mười bốn tuổi. Người tình và người vợ đang nhẹ nhàng thức dậy trong cô.

Tình yêu nào sẽ chiếm được nguồn suối quảng đại đang dâng trào trong tim cô? Cô đã bao lần đến với phép Thánh Thể và nhận ra Thiên Chúa hiện ở đó và Ngài êm dịu biết bao, cho nên đối với cô đó không còn là vấn đề cần giải quyết nữa. Bởi lẽ cô đã thoáng thấy những Giá trị sâu thẳm nhất và vững bền nhất, cho nên những ước vọng của cô đều hướng về Đấng mà sau này cô sẽ nói: “Có một Đấng... là TÌNH YÊU... ”[5]

Tuy nhiên, còn phải chờ đến giờ phút được ân sủng can thiệp, cô mới có thể xác quyết rõ ràng mãi mãi mình sẽ thuộc trọn về Chúa Giêsu vô điều kiện, như món quà đẹp nhất cô có thể dâng cho Ngài.

Giờ phút ấy là một buổi sáng, vào lúc kết lễ. Cô kể lại:

“Vào lúc sắp được 14 tuổi, thì một hôm, đang khi cám ơn sau rước lễ, em cảm thấy bị thôi thúc không cưỡng nổi là phải chọn Ngài làm phu quân duy nhất, và không ngần ngại, em giao kết với Ngài bằng lời khấn khiết tịnh. Cả Chúa và em đã không nói gì, nhưng cả hai yêu mến nhau và tự hiến cho nhau mãnh liệt đến độ quyết định thuộc trọn về Ngài đã trở nên hoàn toàn dứt khoát trong em”.

Lời tự thú của cô vừa súc tích vừa đầy cá tính:

“Cả hai yêu mến nhau thật mãnh liệt”: Quả là một sự hiệp nhất trinh khiết giữa Con Thiên Chúa với cô bé được Ngài chọn sẵn. Chìm ngập trong sự hiện diện thực của Chúa Giêsu và được mời gọi mãnh liệt do sự kiện Ngài tự hiến mình trong Thánh Thể để kéo dài hy lễ thập giá trải trong thời gian, Êlisabét đã đáp lại bằng tất cả năng lực của bản thân mình (“em cảm thấy bị thôi thúc”), không chút tự vệ (“không cưỡng nổi”), dạt dào không tả được (“Cả Chúa và em đã không nói gì với nhau”) hiến cả cuộc sống cho Đức Giêsu (“em kết giao”) bằng một lời hứa hy sinh tuyệt đối (“lời khấn khiết tịnh”), là dâng hiến chính mình cho riêng Chúa (“Giêsu phu quân Duy Nhất”) tất cả (“thuộc trọn về Ngài”) không thể hồi lại (“dứt khoát”) và có hiệu lực ngay (“không ngần ngại”).

GIÊSU, Tình Yêu duy nhất của cô! Hôn ước đã ký rồi! Tuy nhiên đó cũng là cả một tương lai còn phải được định hình cách cụ thể, như con sông cần có lòng sông. Thế rồi mấy tuần sau, lại cũng một buổi sáng vào lúc cuối thánh lễ, như một lời Chúa nhắn gởi riêng, cô thấy một lựa chọn đã vượt lên để từ đây kết tinh những khát vọng và ước mơ của cô: “Dường như có ai đã đọc lên trong hồn tôi hai tiếng CÁT MINH”.

Rồi đến hè 1894. Ba mẹ con nhà Catez đi Carlipa, một làng nhỏ ở Aude với 486 cư dân. Tại đó có hai người chị họ độc thân của bà Cartez, mà Êlisabét vẫn kính cẩn gọi là các DÌ của cháu. Dì Mathilde hơi nặng tai, còn dì Francine không còn thấy rõ. Mai đây, khi đã vào Dòng Cát Minh, Êlisabét sẽ nhắc lại thị trấn nhỏ này, nơi mà nếu trời trong sáng, có thể nhìn thấy dãy núi Pyrénées hùng tráng: “Dì còn nhớ những ngày chúng ta đi dạo chơi trên thung lũng Serre vào buổi tối dưới ánh trăng thanh trong hồi chuông ngân nga không? Ô, đẹp biết bao, phải không dì? Cái thung lũng chìm trong ánh sao ấy, cái bao la ấy, cái vô tận ấy, tất cả đều nói với con về Thiên Chúa... ”[6]

Ở Carlipa, Sabeth bắt đầu làm thơ.Tuy về mặt văn chương, những vần thơ ấy không đáng giá gì lắm nhưng chúng thực sự dệt thành một nhật ký tâm tình, biểu lộ tâm hồn nồng nhiệt của Êlisabét Catez. Lúc đó cô chưa thể nói chuyện tương lai với người mẹ. Bà mẹ rất sùng kính thánh nữ Têrêxa Avila, nhưng lại sợ như sợ dịch hạch nếu có lúc nào con bà đi theo làm môn đệ vị đan nữ Cát Minh Tây Ban Nha ấy. Sabeth đành mượn bút để thổ lộ những khát vọng của mình, hoặc để đúc kết những quyết tâm bằng một ngôn ngữ không thể nào thỏa đáng với những chiều sâu đang cuốn hút cô. Vì Chúa Giêsu đã làm cô mê mệt!

Giêsu, em quá yêu rồi,
Cho em sớm kết bạn đời với Anh.
Cùng Anh, em muốn hy sinh,
Em mong được chết để mình gặp nhau.[7]

Ôi! Cô bé tình nhân, đã “quá yêu” Đấng “đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng Thiên Chúa”[8]như thánh Phaolô nói. Cô đã quá yêu Đấng cô thường đưa đôi mắt to hướng tìm trên thập giá... Từ đó, cô hết lòng khao khát trở nên hiền thê của Ngài trong đan viện Cát Minh, “sớm”, bởi vì tự bản chất chẳng bao giờ Êlisabét muốn chần chừ. Cô đã sẵn lòng biết bao! “Em muốn hy sinh... ” Đối với cô có nghĩa là, bằng mọi giá, cô muốn dâng hiến đáp ứng tất cả những gì mà lòng trung thành với Chúa Giêsu đòi hỏi! “Cùng Anh”: nghĩa là sống cho những mục tiêu Ngài đã sống, nhưng không lẻ loi đơn độc, mắt dán chặt vào Giêsu và được sức Ngài nâng đỡ... .. “Em mong được chết để mình gặp nhau”, bởi lẽ chỉ khi nào lên trời mới được kết hiệp với Ngài trọn vẹn. Thật logic, cô tin thế nào thì sống thế ấy!

Hẳn rằng nơi Êlisabét, mà những dấu hiệu ban đầu sẽ không bao giờ sai, Mẹ thánh Têrêxa Avila đã nhận ra một người con thật vừa ý Mẹ!

Sống ở đây

Tuổi thanh xuân của cô tiếp tục triển nở. Những giờ học dương cầm chuyên cần hoặc sáng chói... ; những bài học cuối cùng ở Nhạc viện và ở nhà cô giáo, những buổi họp mặt vui nhộn với các bạn trẻ, những công việc làm trong gia đình, cùng với Giêsu, tất cả đang sống trong lòng và trong tư tưởng của cô.

Hằng năm, những ngày nghỉ hè làm cô say mê! Năm 1895, cả một chuyến đi chơi xa ở miền Jura, “tất cả chúng tôi đều có đôi chân tuyệt hảo, nên hai mươi cây số không làm chùn bước”. Năm 1896, cô được chiêm ngắm Địa Trung Hải, nơi mà cô “thèm hạnh phúc của những người tắm biển”, và “ca tụng những món ăn tuyệt vời của miền Nam” và khám phá ở Limoux một chiếc dương cầm làm cô thích thú: “Chiếc đàn có những âm vang tuyệt vời khiến tôi đã phải dành cho nó biết bao nhiêu giờ”.

Năm 1897, cô được trải qua ở Lunéville “một trong những cuộc sống thú vị nhất”, miệt mài với “nhiều buổi chơi quần vợt”. Những ngày sống ở Tarbes, năm 1898, là “một chuỗi những thú vui: những sáng khiêu vũ, những sáng hòa nhạc, những buổi đi dạo đồng quê tiếp nối nhau.” Họ cũng thường đến miền Pyrénées: “Chúng tôi đã sống những phút xuất thần thinh lặng trước những dãy núi xinh đẹp, những dãy núi khiến tôi thích điên lên và không khi nào muốn rời bước nữa”.

Sabeth sống chân thành và tích cực. Cô biết vui hưởng tất cả những gì cuộc sống hiến tặng cho cô. Cái gì tốt là tốt! Cái gì xấu thì phải tránh! Cô dễ tỏ ra nồng nhiệt và nhìn nhận giá trị riêng của mọi sự: biển cả và núi đồi, mặt trời và những thác nước, những cuộc gặp gỡ và thú vui của nó, âm nhạc và khiêu vũ, tình bạn, ôi biết bao nhiêu chuyện! Cô thích bầu khí nhiệt tình, cử chỉ quảng đại, những chân trời hùng vĩ.

Đồng thời cô cũng biết vượt lên, biết không để mình vướng bận, biết tương đối hóa, nhờ một mối tương giao: “Mọi sự đều nói với tôi về Thiên Chúa... ” Cô nghe mọi thụ tạo ca ngợi nguồn cội của chúng, cô nhận ra một Khuôn Mặt và thầm gọi Tên Đấng đáng chúc tụng.

Thật đáng kinh ngạc, cái khôn ngoan ấy mà lại có nơi một thụ tạo còn trẻ đến thế! Một thụ tạo biết nhìn mọi sự dưới ánh sáng của Thiên Chúa và vô cùng hân hoan vì sự Hiện Hữu và Hiện Diện của Ngài mà nó muốn đáp lại bằng một trong những câu trả lời cao cả nhất, tuyệt đối nhất, “đến chết được”. [9]

Cô gái đoạt giải nhất đã tự nguyện nghe theo tiếng lòng và đổi tiếng đàn dương cầm lấy sự thinh lặng trong đan viện Cát Minh, nơi mà cô sẽ hòa tấu cho Thiên Chúa trên những phím đàn của sự toàn hiến, trong sự nghèo khó và liên lỉ cầu nguyện, giữa những chị em phụ nữ đã lao mình một cách tương tự vào một cuộc phiêu lưu thiêng thánh, suốt cả cuộc đời, dõi theo bước chân Đức Kitô, Đấng hằng say đắm Cha mình và đang cầu nguyện cho thế giới.

Muốn vậy, cô phải trả cái giá của kiên nhẫn và kiên nhẫn thật nhiều... Sự chờ đợi kéo dài suốt những năm 16 rồi 17 tuổi và lắm lúc cô phải thú nhận rằng mình mất kiên nhẫn. Tự trong lòng, cô chạy trốn vào một sự mơ mộng nhớ nhung cái quê hương là đan viện Cát Minh, thật gần mà cũng thật xa, nơi mà mai ngày cô sẽ sống cái lý tưởng cao cả của cô.

Sự chờ đợi cũng thanh luyện cô. Cô đã chẳng xin được chịu đau khổ vì Chúa Giêsu đó sao? Cô đã chẳng quả quyết rằng mình “sung sướng và hãnh diện được chia sẻ” sự đau khổ của Đức Kitô đó sao?[10] Chia sẻ cũng đồng nghĩa với yêu. Dần dần cô hiểu rằng lời khẩn cầu tha thiết của cô đang được thực hiện.

Mẹ cô vẫn nhất quyết ngăn cản cô vào dòng Cát Minh. Gay go nhất là tình trạng yếu sức khỏe của bà Catez, nó có thể buộc cô con gái lớn của bà phải ở nhà chăm sóc mẹ.

Êlisabét đã chấp nhận! Cô chấp nhận tất cả những gì Thiên Chúa muốn... Ở tuổi 17, 18, cô hiểu hơn rằng tình yêu đích thật dành cho Thiên Chúa cốt ở chỗ thực hiện trọn vẹn điều Chúa đang muốn trong giây phút hiện tại, mà cụ thể ở đây và lúc này là có thể cô phải sống ở giữa thế gian suốt đời cô! Cô phó thác tất cả trong đôi tay của Đức Giêsu mà cô yêu mến, và trong tay Đức Maria, Đấng sẽ gìn giữ ước muốn của cô trong lòng Ngài.

Việc dâng hiến chính mình vô điều kiện để làm vui lòng Đức Giêsu đã đưa cô tiến sâu vào đời sống kết hiệp với Thiên Chúa. Cô đã hiểu và cô đã tự hiến: đó là lời kinh của cô vào dịp lễ Chúa Thánh Thần năm 1898:

Lạy Chúa Thánh Thần, Nhân lành, Tuyệt mỹ!
Ôi Đấng con thờ lạy, ôi Đấng con mến yêu
Xin lấy những ngọn lửa thiêng của Ngài mà thiêu đốt
Thân xác, trái tim và mảnh hồn này,
Người bạn đời này của Ba Ngôi Thiên Chúa
Chỉ khát khao thánh ý Ngài.[11]

Đối với thiếu nữ 18, 19 tuổi này, cầu nguyện đã trở nên một niềm vui thầm lặng và sự hô hấp thâm sâu. “Ai có thể nói được hương vị dịu êm của những lần lòng bên lòng này, lúc mà người ta không còn nghĩ mình đang ở trần gian, lúc mà người ta chỉ còn thấy Thiên Chúa, chỉ còn nghe Thiên Chúa! Vị Thiên Chúa đang ngỏ lời với linh hồn, vị Thiên Chúa đang nói với nó những điều thật êm ái, vị Thiên Chúa đang xin linh hồn chịu đau khổ”[12] “Chúa là Đấng đã chiếm trọn lòng con, là Đấng sống mãi trong lòng con và biến lòng con thành nơi ở của Chúa. Chúa là Đấng con cảm nghiệm, là Đấng con đang trông thấy với đôi mắt linh hồn tận đáy lòng nghèo khó của con”.[13]

Trọn bản thân Êlisabét là một lời đáp trả: “Con đã hiến trao Ngài tim con, một trái tim chỉ biết nghĩ đến Ngài, chỉ biết sống cho Ngài, một trái tim yêu mến Ngài đến chết được”.[14] “Con yêu Chúa biết bao, trái tim con bừng cháy lửa yêu Ngài đến nỗi con không thể nào sống yên hàn hạnh phúc khi mà ngài, Đức Tình Quân yêu dấu của lòng con, đang đau khổ”[15]. Đức Giêsu chết cho mọi người. Êlisabét cảm thấy khắp nơi người ta hững hờ với Chúa biết bao! Cho nên cô sẽ yêu Chúa gấp đôi, sẽ yêu Chúa thay cho tất cả! “Ước gì đời con là một lời cầu nguyện liên lỉ, một tác động yêu thương kéo dài”[16]

Đem chiêm niệm vào đời

BlElizabethTrinity64.jpg

Thời gian chờ đợi này đã là một hồng ân vô giá cho sứ điệp ngôn sứ của Êlisabét Chúa Ba Ngôi. Cô đã học để chiêm niệm cách trơ trụi, một sự chiêm niệm bị lột hết những gì nếp sống đan viện đã điểm tô cho nó, để sống cái cốt lõi của đời kitô-hữu, như một giáo dân giữa lòng đời, nơi không có sự yên tĩnh, không có bầu khí đan tu và không có áo dòng. Cô nội tâm hóa đan viện của cô thành cái “tu phòng của tâm hồn”[17] “sự cô tịch của cõi lòng”[18]. Đúng như điều Chúa Giêsu đã mong ước cho các tông đồ Ngài [19], cô sống “trong thế gian mà không thuộc về thế gian”[20]

Đối với cô, trên nguyên tắc, vấn đề nơi chiêm niệm được giải quyết: “Ngay giữa đời, ta vẫn có thể nghe Chúa trong cái thinh lặng của một cõi lòng chỉ muốn thuộc về Chúa”[21], chính cái thinh lặng nội tâm ấy là yếu tố quyết định cho cầu nguyện. Trong nhà “Bethania nhỏ bé“ của lòng cô [22], cô sẽ ngồi dưới chân Thầy như Maria mà lắng nghe lời Ngài[23], và như chị Martha, cô sẽ vội vàng thực hiện tất cả những gì cuộc sống cụ thể đòi hỏi.

Vì đã sống cầu nguyện chiêm niệm giữa lòng đời trước rồi, cho nên khi trở thành đan nữ Cát Minh, Êlisabét Chúa Ba Ngôi có thể thuyết phục bạn hữu mình (chiếm 2/3 số thư) cách rất hữu hiệu, để họ cũng tìm kiếm vị Thiên Chúa luôn hiện diện trong đền thờ tâm hồn của mỗi người. Êlisabét bảo đảm với một chị bạn: “Đây chính là phần tốt hơn (của việc chiêm niệm) được Thiên Chúa ban cho mọi tâm hồn đã được rửa tội. Ngài ban nó cho bạn giữa những âu lo và bận tâm của một người mẹ như bạn”[24]. Cũng cho người bạn ấy, cô viết: “Chúng ta mang thiên đàng trong mình. Tôi cho là mình đã tìm thấy được Thiên đàng ở trần gian, bởi vì Thiên đàng tức là Chúa, mà Chúa lại ở trong linh hồn tôi. Ngày tôi hiểu ra điều đó, mọi sự đã bừng sáng lên trong tôi và tôi muốn rỉ tai điều bí mật ấy cho những người tôi yêu mến, để cả họ nữa, họ cũng được liên kết với Chúa trong mọi sự.”[25]

Chúng tôi trích dẫn trước ở đây một số đoạn mà sau này, khi đã vào Dòng Cát Minh, cô mới viết. Thiết tưởng không có gì quá đáng, bởi lẽ “cái ngày mà mọi sự nên rạng rỡ” ấy hằng được cô cảm nghiệm từ lâu trước khi vào Dòng, khi mà người giáo dân trẻ này còn đang sống giữa đời với những yêu sách của đời: khiêu vũ, du lịch, chơi đàn, chu toàn các công việc tầm thường hằng ngày, sống tại một căn hộ bình thường giữa phố như bao người khác.

Trở lại với tháng 3-1899. Một “tuần đại phúc” diễn ra trong khắp các nhà thờ ở Dijon. Sabeth vì nhiệt thành đã sốt sắng gia tăng hy sinh và cầu nguyện, vì nhịp tim cô đập dồn dập. “Tuần đại phúc sắp đến, tôi cầu nguyện gấp đôi để tuần lễ này đạt nhiều kết quả và cách riêng để xin ơn hoán cải cho một người mà tôi hết sức muốn dẫn đến với Chúa... Ý tưởng này theo tôi ngày đêm... Tôi không biết nói gì nữa để đánh động lòng Chúa”[26]

Nhưng rồi ngày 26. 3.1899 lại có một cuộc hoán cải khác thật lạ lùng! Bà Catez, vừa khỏe hơn một chút, sau cùng đã chấp thuận cho con gái bà được vào dòng Cát Minh. Mà điều đó hoàn toàn do chính sáng kiến của bà! Chỉ có điều là phải đợi khi nào Êlisabét được 21 tuổi... Còn chừng 850 ngày nữa, chẳng là bao! Việc chuẩn bị được thực hiện khẩn trương hơn bao giờ.

Lại một cú bất ngờ! Năm ngày sau, người mẹ đề nghị với cô - hãy nghe Êlisabét kể lại [27]- “cả một đám cưới cho tôi, một bữa liên hoan cực kỳ vui mà tôi sẽ không bao giờ gặp lại... ” Một mình trong phòng riêng, trong ngày Thứ Sáu thánh ấy, cô quỳ gối trước ảnh Chúa chịu tử nạn và cầu nguyện:

Lạy Chúa yêu dấu, dưới chân Thập Tự Ngài,
Ôi Giêsu, ôi Tình Yêu chịu đóng đinh của con,
Con đến để xin Ngài một lần nữa
Hãy chiếm lấy tim con
Và đừng bao giờ trả lại.

Chiều sâu và mặt nổi

Sự triển nở nội tâm hiếm có nơi người Kitô-hữu trẻ này có thể được giải thích bằng ba nhân tố nối kết nhau:

1. Tự bẩm sinh chị được ban một trái tim nhạy cảm mà lại can trường, đam mê mà lại tỉnh táo, yêu đương mà lại trong sáng, được dọn sẵn để tiến xa trên những nẻo đường yêu mến: “Chúa đã cho tôi một trái tim mềm mại, rất trung thành, và khi yêu thì yêu mãnh liệt”[28].  Một trái tim thanh cao và lý tưởng, phản ứng tích cực trước bất cứ điều gì là công chính, đẹp đẽ và cao cả.

2. Tiếp đến phải nói rằng trong cuộc đời Êlisabét, Thiên Chúa đã hành động một cách đặc biệt, không chối cãi được, dể ban cho chị thật dồi dào ân sủng. Qua chị, Thiên Chúa muốn ngỏ lời với thế giới. Chính sự tỏa sáng sứ điệp của chị đã và đang chứng minh điều đó. “Sứ điệp của chị hiện nay đang lan rộng với một sức mạnh ngôn sứ”, đó là lời Đức Gioan-Phaolô nói trong dịp phong chân phước cho chị.

3. Êlisabét trung tín một cách khác thường với điều đã nhận. Chị vận dụng tất cả nghị lực để bảo vệ ơn Chúa đã ban và loại trừ tất cả những gì có thể ngăn cản tình yêu chị triển nở. Ngày 26.3.1899, khi được mẹ đồng ý cho vào Dòng Cát Minh, chị đã viết: “Ôi Chúa, Chúa có thể thay thế hết mọi sự trong lòng con, thì xin hãy phá vỡ, đốt cháy, nhổ sạch tất cả những gì không đẹp lòng Chúa nơi con”[29]

Chị sẽ đau khổ, nhưng không gì có thể chặn đứng cuộc săn tìm Thiên Chúa cách nhiệt thành của tuổi thanh xuân nơi chị. Không bao giờ thỏa hiệp! Toàn diện, hết mình, liên lỉ, là ba nét đặc trưng nơi việc hiến mình của chị, suốt cả một đời.

Tuy thế, trong tương quan với tha nhân, chị không hề cứng cỏi. Ánh mắt nội tâm của chị, ngày càng lệ thuộc sự hiện diện của Thiên Chúa trong chị, không hề mất một chút dịu dàng và nhạy cảm nào mỗi khi bắt gặp ánh mắt người lân cận trong cuộc sống cụ thể. Chị vẫn là một người của họ. Một cô bạn của chị kể lại: “Rất sống động, với nét duyên dáng tự nhiên, không có dấu gì gọi là khắc khổ, chị đã hăng say nhập cuộc vào trò chơi hợp với tuổi trẻ chúng tôi”. Thế nhưng Sabeth lại ghi trong nhật ký: “Với ơn Chúa, tôi muốn đi đến chỗ triệt để hy sinh từ trong nội tâm... Ít ra là mỗi giây phút trong ngày tôi đều có thể bỏ ý riêng”[30]

Chị thường dự các buổi dạ vũ trong đám các gia đình quân nhân và trưởng giả. Ở đó, chị quen biết nhiều thanh niên. Thế nhưng, ngay giữa những cuộc chuyện trò thân hữu và những vũ điệu vui tươi, chị vẫn luôn “cảnh giác, vì lòng mình... ” Những bạn trẻ sành tâm lý kháo láo với nhau: “Cô này không thuộc về chúng ta, các bạn cứ xem ánh mắt ấy thì biết!” Một cô bạn của chị đã tìm cách diễn tả thật chính xác: “Một ánh mắt trong sáng, đầy vẻ Thiên Đàng”. Chị viết trước khi khiêu vũ: “Tôi xin với Chúa đang ở trong tôi, để khi đến gần vị hôn thê nhỏ bé của Chúa,họ sẽ cảm thấy Chúa và nghĩ đến Ngài”[31]

Vừa chìm đắm giữa đời vừa vượt lên trên, Êlisabét muốn rằng đó sẽ là nơi cho Trời chạm đến đất nhiều hơn. Đó chính là cách làm chứng riêng của chị. Đó cũng là cách để chia sẻ ánh Mặt Trời trong ta. Chị đã nói lên điều lòng chị đầy ứ. Chị đã sống trước điều mà sau này chị sẽ gọi là “trở nên cho Đức Kitô một nhân tính phụ trội”, hoặc trở nên “một bí tích” phản ảnh Đức Kitô. Qua một lời viết ít lâu trước khi vào Dòng, chị đã để lộ cho thấy nỗi ước mơ thầm kín muốn chinh phục người khác cho Đức Kitô: “Tôi gởi bạn tấm hình của tôi, khi chụp hình này tôi đang nghĩ đến Đức Kitô, cho nên bạn giữ hình này là đang mang Chúa đấy!”[32]

Đã có lần, lâu lắm rồi, khi ngang qua nhà hát ở Dijon, người nghệ sĩ trẻ đã tuyên bố muốn làm diễn viên để trong nhà hát đó “ít ra có một tâm hồn yêu Chúa”. Ít lâu trước khi chết, khi Guite em chị muốn dự dạ hội, chị cũng khuyến khích em bằng động lực ấy và thêm: “và rồi em phải thật xinh đấy nhé!”

Lý luận của trái tim

Mùa hè 1900. Kỳ nghỉ cuối cùng. Một cuộc du lịch xuyên qua nước Pháp, và đến xem cuộc Triển lãm Toàn cầu tại Paris. Ở Carlipa, thấy chị diện những chiếc sơ mi đẹp và kết tóc thật xinh, mấy bà dì đạo đức nói kháy chị: “Với một đan nữ Cát Minh tương lai, chúng tôi nghĩ là cháu nên mặc đơn sơ hơn”. Sabeth mỉm cười đáp lại: “Trước khi vào Dòng Cát Minh, thánh Têrêxa Avila cũng làm thế và ngài muốn cháu cũng bắt chước ngài trong mọi sự!” Thế nhưng khi một linh mục lưu ý chị rằng: “Luật Dòng Cát Minh quá khắt khe có thể hại cho sức khỏe”, các bà dì lại được nghe câu trả lời: “Vâng, rồi người ta chết... ”

Trước khi vào Dòng Cát Minh, chị đã phục vụ đắc lực ở giáo xứ: Dạy giáo lý, hát lễ, thăm bệnh nhân. Bảo trợ cho con em các công nhân ở một xưởng làm thuốc lá, chị đã sáng chế cho nhóm một tước hiệu hết sức độc đáo trong lịch sử lòng tôn sùng Đức Mẹ: “Notre Dame du Tabac: Đức Mẹ Thuốc Lá”!

Vào những tháng cuối cùng ở nhà với mẹ và em Guite, ôi buồn não nuột: “Ôi thương thay cho những người thân yêu của tôi, tôi đang đóng đinh họ... ”[33] Chị hiểu rằng đời Kitô-hữu chỉ có một ơn gọi duy nhất là yêu Chúa Kitô và yêu người bên cạnh, và rằng ơn gọi tu trì chỉ là một nét riêng trong ơn gọi phổ quát ấy. Thế nhưng phần chị, chị cảm thấy Chúa Giêsu mời gọi chị, Ngài gọi đích danh chị, khẩn khoản, không ai thay thế được, Ngài gọi chị theo Ngài thật gần. Chị cảm thấy mình được Thiên Chúa cuốn hút, để thuộc về Thiên Chúa. Chị không thể làm cách nào khác hơn vào Dòng đúng ngày Chúa muốn chị vào.

Chị không nhầm về những viễn cảnh hạnh phúc. “Sự hiện diện của Thiên Chúa thật nhân lành biết bao! Tôi thích tìm gặp Ngài trong sâu thẳm, trong Bầu trời của hồn tôi, bởi vì không bao giờ Ngài rời xa tôi... Tôi còn phải nói cho bạn biết tên gọi của tôi trong Dòng Cát Minh:  ‘Êlisabét Chúa Ba Ngôi’. Tôi cho rằng cái tên này nói lên một ơn gọi đặc biệt. Tên đẹp lắm phải không? Tôi thích mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi lắm, đó là một vực thẳm mà tôi mất hút vào trong.”[34]

Êlisabét bước vào tuổi 21... Nếu cho đến lúc này chị đã tương đối hóa ơn gọi tu trì của mình để dành ưu tiên cho ơn gọi Kitô-hữu thì từ đây hai ơn gọi giao nhau và chị sẽ sống sự dấn thân của mình với một nhận thức hiếm có về Đấng Tuyệt Đối.

Ngày 02.8.1901: “Tôi lao mình vào vòng tay Chúa như một trẻ thơ”[35]. Chị quì trước chân dung người cha quá cố rồi từ giã gia đình, rời xa mãi mãi.

Sau thánh lễ ở đan viện Cát Minh, chị lau nước mắt cho mẹ và em Guite, rồi vượt qua ngưỡng cửa đan viện. Chỉ một bước ngắn. Thế nhưng tiếng lòng của chị đòi phải thế.

Chị đến đây để nói với Thiên Chúa về những người chị để lại giữa bao lo lắng vật chất hằng ngày và giữa cuộc chiến chống lại sự dữ.

Chị vào đây để nói với Thiên Chúa rằng suốt đời chị chỉ thấy Ngài là duy nhất...

[3] Nhật ký 81
[4] Thư 178
[5] Thư 327
[6] Thư 139
[7] Bài thơ 4
[8] Pl 2,6
[9] Ghi chú riêng 15
[10] Bài thơ 36
[11] Bài thơ 54
[12] Nhật ký 8
[13] Nhật ký 60
[14] Nhật ký 32
[15] Nhật ký 95
[16] Ghi chú riêng 5
[17] Ghi chú riêng 5
[18] Nhật ký 138
[19] Ga 17, 14-16
[20] Ghi chú riêng 6
[21] Thư 38
[22] Ghi chú riêng 5
[23] Lc 10,39
[24] Thư 129
[25] Thư 122
[26] Nhật ký 17
[27] Nhật ký 124
[28] Thư 65
[29] Nhật ký 105
[30] Nhật ký 13
[31] Thư 54
[32] L>62
[33] Thư 71
[34] Thư 62
[35] Thư 81

(còn tiếp)

Cát Minh Nha Trang

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 11.02.2005. 06:15