Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

13. Người bạn của linh mục

§ Lm Peter Vũ Chương

Không ai có thể chối cãi được là cuộc sống của các linh mục là một cuộc sống cô đơn và khắc khổ.

Tác giả thư Do Thái viết về Men-ki-sê-đê: “Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả. Cuộc đời không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế” (Dt 7, 3).

Vị linh mục đã được tách biệt riêng khỏi thế gian, và ngay cả khi trà trộn giữa muôn người trên đường phố, vị linh mục vẫn là người tách biệt. Dĩ nhiên là ngài có đoàn chiên vây quanh, có bạn hữu trong giới linh mục tu sĩ nhưng xã hội đã không đủ cho ngài: trái tim của vị linh mục còn cần đến những dây liên hệ mật thiết hơn nữa.

Đức Giê-su đã nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15, 15).

Vậy, người bạn của vị linh mục là chính Đức Giê-su. Chúa đã hứa: Người sẽ ở lại với chúng ta hết mọi ngày mãi cho đến tận thế và Người đã có một phương thế để hiện diện trên bàn thờ và ở lại giữa chúng ta liên tục. Người bạn của các linh mục: đó chính là Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể: sáng, trưa, chiều, tối.

Vị linh mục có thể bắt liên lạc với Chúa liên tục và có được những mối dây ràng buộc bằng tình yêu và sự che chở một bên và bên kia là Tình yêu và phục vụ.

1) Tình thân hữu này được thể hiện trong sự đồng hóa hai ý muốn.

Ý muốn riêng của linh mục kết hợp với ý muốn của Chúa Giê-su. Idem velle et Idem nolle.

Sự đồng hóa về ý muốn này được bắt nguồn từ sự đồng hóa với chính Chúa Giê-su Kitô. Nếu chúng ta kết hợp thành một với người thì chúng ta không có lòng yêu mến nào khác với lòng yêu mến của Chúa. “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó ngày càng trở nên rực rỡ hơn như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3, 18)

Vị linh mục được mời gọi trình bày cho thế gian thấy hình ảnh sống động của Thầy chí thánh, Chúa đã “muốn cho tất cả mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2, 4) và được nên thánh: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Tex 4,3).

Người muốn cho chúng ta được hạnh phúc và hạnh phúc thật ở tại sự nên thánh.

2) Tình thân hữu ở tại: muốn sự lành cho nhau.

Chúa Giê-su là bạn của chúng ta. Người quảng đại và nhạy cảm với những khổ đau của chúng ta. Người biết những yếu đuối của chúng ta. Người đến nâng đỡ chúng ta với một trái tim cảm thông. Chúng ta ở trong tay Người và Người xếp đặt cuộc đời cho chúng ta. Đôi khi bị thử thách, lời Chúa trấn an chúng ta như Người đã trấn an Phê-rô: “Việc Thầy làm bây giờ, anh chưa hiểu nhưng sau này, anh sẽ hiểu” (Ga 13, 7).

Trong Cựu Ước, ta đọc thấy: những người bị đói đã đến gõ cửa Nhà Tạm để xin bánh ăn. Vị linh mục luôn có khả năng tiếp cận với Thầy chí thánh mọi lúc và trong mọi lúc cần thiết. Người luôn sống dưới cùng một mái nhà như Thầy chí thánh.

Người hằng ngày đến báo cáo với Thầy chí thánh về những nỗi lo âu, những ưu tư mục vụ và những khó khăn riêng. Tất cả những gì xảy đến trong đời sống linh mục: những hiểm nguy, những nhu cầu, những lo toan, các vị có thể đến trao gánh nặng vào tay Thầy Chí Thánh với niềm tín thác là mọi biến cố trong đời sống các vị, dưới sự hướng dẫn và tình thương bao bọc của Chúa sẽ mang lại sự tốt đẹp và ích lợi cho các vị.

3) Tình thân hữu mang lại cuộc trao đổi hỗ tương các dịch vụ.

“Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi sinh được nhiều hoa trái và hoa trái anh em tồn tại” (Ga 15, 16).

Chính Chúa Giê-su đã nói như thế. Chúng ta không còn thuộc về mình nữa; tất cả những gì chúng ta , đều thuộc Người :

mỗi tài năng tự nhiên,
mọi khả năng ta có,
mọi ơn lành,
mọi ân ban mà chúng ta đã lãnh nhận từ Thánh Linh đều thuộc về Người cả.

Toàn bộ cuộc sống của vị linh mục, nếu người trung thành với chức linh mục và với chính bản thân, phải là một sự phục vụ không ngừng đối với Thầy chí thánh. Ngay cả những công việc bình thường của cuộc sống hằng ngày, các vị cũng phải hiến dâng cho Chúa vì các vị đã trọn vẹn thuộc về Người :

“Vậy, dù ăn dù uống hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10, 31)

“Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (2 Cl 3, 17).

Ý chỉ này: vị linh mục phải dâng hiến lại mỗi buổi sáng, trong khi và sau khi dâng Thánh lễ nhất là khi gặp nguy hiểm, cám dỗ, khi cảm thấy lo sợ...

Một ngày được bắt đầu trong những điều kiện như thế thì sẽ không có thể kết thúc một cách không tốt đẹp. Thánh lễ, phải là một nốt nhạc chính mà mỗi giờ, mỗi khắc trong ngày phải tùy theo mà hòa âm.

Có những hiểm nguy mà chúng ta biết, nhưng còn có nhiều hiểm nguy hơn mà chúng ta lại không biết.

Sống giữa trần gian, sống giữa người tốt, kẻ xấu, giữa người lương thiện cũng như kẻ bất lương; phúc thay cho vị linh mục nào mà khi chiều về, có thể trở về với Thầy mình, như Phêrô xưa, vào buổi Tiệc ly, đã không cần phải rửa chân !

4) Tình thân hữu biết nhẫn nại

Tình yêu của Chúa luôn kiên vững, không hề đổi thay. Chúa ở giữa chúng ta, trong thinh lặng và an bình. Khi Người thấy ta sai lỗi, Người nhắm mắt làm ngơ, Người tha thứ như Người đã bỏ qua cho Phêrô, và Người vẫn trao phó cho ta nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên.

Chỉ một chút thôi cũng đủ làm Người hài lòng. Chỉ cần một lời sám hối thì mọi sự sẽ được quên ngay. “Cây lau bị giập, Người không bẻ gãy, tim đèn leo lét cũng chẳng nỡ tắt đi” (Js 42, 3). Chúa nhẫn nại chờ đợi chúng ta. Người luôn muốn chúng ta tiến đến sự hoàn thiện.

5) Tình thân hữu đòi hỏi dây liên kết mật thiết cả hai bên

Tình thân hữu nối kết vị linh mục với Thầy chí thánh vượt trên tất cả các tình bạn trên trần gian này. Ta có thể đến với Chúa bất cứ giờ nào. Người không trực tiếp nói với ta bằng lời nói, nhưng ta hiểu ý và tư tưởng của Người.

Người luôn đón tiếp chúng ta,
Người luôn nghe chúng ta,
Người luôn an ủi chúng ta,

Và một ngày không xa, chúng ta sẽ được nghe Người đích thân nói với chúng ta: “Con hãy vào mà hưởng niềm vui của Chúa con.

Không có vị linh mục nào không có bạn. Linh mục luôn có một người bạn mà người tín nhiệm và cậy trông. Vị linh mục có thể bị các bạn khác xa rời nhưng Chúa không bao giờ bỏ rơi người.

Tình yêu của Thiên Chúa đến với trái tim chúng ta tùy theo sự sẵn sàng đón nhận của trái tim chúng ta và trái tim chúng ta sẽ được đổ tràn đầy tùy thuộc vào sự rộng mở của nó. Điều mà Thánh Phaolô xin Thiên Chúa ban cho tín hữu E-phê-sô có thể áp dụng cho các linh mục :

“Xin cho anh em, nhờ lòng tin được xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể các thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước: dài, rộng, cao, sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy, anh em sẽ được tràn đầy tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3, 17-19).

Không ai có thể giống Chúa Giê-su trong 33 năm đời người với bao lo âu nội tâm và bao cảm thông đối với nhân loại. Không ai có thể làm như thế cho bằng vị linh mục, khi mà Thầy chí thánh ngự trị trọn vẹn trong trái tim của vị linh mục ấy.

(Viết theo Đức Hồng Y Manning, TGM Westminster trong cuốn “The Eternal Priesthood” của ngài)

(còn tiếp)

Lm Peter Vũ Chương

Tr trước | Mục lục | Tr sau

Đọc nhiều nhất Bản in 09.09.2007. 15:32