Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

12. Sự hiệp thông linh mục

§ Lm Peter Vũ Chương

Chúa Giê-su mời gọi tất cả các môn đệ từ bỏ chính mình và vác thập giá họ mà theo Ngài.

Lời mời gọi trở nên trọn lành này cũng có giá trị đối với mọi tín hữu, nhưng đặc biệt nó có giá trị đối với các linh mục là các thừa tác viên của Chúa Kitô.

Việc từ bỏ chính mình ấy gắn liền với ý chí dấn thân và hiệp thông giữa các linh mục và giữa các linh mục với Giám mục để cùng nhau chu toàn sứ mệnh rao truyền Tin Mừng và thánh hóa thế giới hầu xây dựng thân mình của Chúa Kitô là Giáo hội.

Sở dĩ vị linh mục được mời gọi hiệp thông với các linh mục khác và với Giám mục bởi vì tuy ơn gọi của linh mục là ơn gọi cá nhân nhưng nó liên hệ đến các ơn gọi khác trong toàn cộng đoàn Giáo hội được Chúa trao phó cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ và thánh hóa trần gian này.

Ngoài ra, cũng giống như các Tông đồ ngày xưa, các Linh mục và các Giám mục được kêu mời sống hiệp nhất trong ơn gọi đa diện. Sự hiệp thông ơn gọi đó bao gồm thái độ rộng mở đối với tha nhân, đối với tất cả mọi người, tuy không bắt buộc khước từ chính mình, nhưng thái độ rộng mở này đòi hỏi vị linh mục phải từ bỏ thái độ sống cá nhân chủ nghĩa, làm sao để yêu thương chiến thắng ích kỷ.

Sự hiệp thông trong ơn gọi đó thôi thúc mọi người bằng tinh thần cộng tác hòa hợp và thái độ chấp nhận các ơn thánh Chúa ban cho từng người và chung cho các Giám mục và linh mục. Sự hiệp thông ấy đặc biệt phát xuất từ Bí tích Truyền Chức Thánh qua đó sự từ bỏ của vị linh mục biến thành sự thông hiệp sâu xa với Hiến tế Thập giá của Chúa Giê-su.

Khi ban ơn thánh hiến cho linh mục, Chúa Giê-su biến linh mục trở thành một người khác bằng cách dẫn đưa vị thừa tác vào trong Cộng đoàn của linh mục. Bí tích Truyền chức tạo ra mối liên hệ đặc biệt giữa các Giám mục và các Linh mục với Chúa Kitô.

Trong trình thuật ơn gọi của các Tông đồ, thánh Mác-cô ghi rõ mục đích Chúa Giê-su nhắm tới. Đó là “để họ ở với Ngài”. Trong Bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su gọi các Tông đồ là những người đã trung thành với Ngài trong các gian lao thử thách. Chúa Giê-su cũng đã phó thác các vị cho Thiên Chúa Cha và xin cho các vị được hiệp nhất. Khi sống hiệp nhất với Chúa là các vị hợp nhất với nhau.

Ý thức và tinh thần hiệp nhất này rất mạnh mẽ trong cuộc sống của Giáo hội Kitô tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem cũng như sau đó tại các nơi khác. Dưới sức thúc đẩy hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, các tác phẩm Tân Ước chứng minh cho thấy sự thật này.

Dĩ nhiên ý chí hoạt động chung cho công trình cứu độ khích lệ mỗi một người khiến họ có một tâm tình liên đới và biết chấp nhận các hy sinh cần thiết để sự cộng tác được thành công, chẳng hạn như biết tôn trọng người khác và biết chấp nhận các ý kiến khác biệt.

* * *

Vai trò của Bí tích Thánh Thể trong cuộc sống hiệp thông

“Giờ đây tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của Bí tích Thánh Thể trong sự hiệp thông này.

Trong Bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su đã muốn thiết lập sự hiệp nhất trọn vẹn trong đoàn Tông đồ là những người đầu tiên được Chúa trao ban cho chức linh mục.

Trước các cuộc tranh luận của đoàn Tông đồ liên quan đến chỗ nhất, Chúa Giê-su đã dạy các ông một bài học bằng cách rửa chân cho các ông. Ngài nêu gương phục vụ khiêm tốn và dạy các linh mục đầu tiên biết tìm chỗ rốt hết. Cũng trong Bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su ban luật yêu thương cho các ông.

Tự mình các Tông đồ không có khả năng yêu thương nhau như Chúa đã yêu họ, nhưng khi hiệp nhất với Ngài trong Bí tích Thánh Thể, họ sẽ nhận được khả năng sống hiệp thông Giáo hội và trong đó cũng bao gồm sự hiệp thông linh mục. Khi trao ban cho họ khả năng yêu thương siêu việt này, Chúa Giê-su đã táo bạo xin Thiên Chúa Cha thực hiện nơi họ sự hiệp nhất giống như sự hiệp nhất giữa Ngài và Thiên Chúa Cha.

Trong Bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su ban cho các Tông đồ quyền cử hành Bí tích Thánh Thể, dấu chỉ và là suối nguồn của sự hiệp nhất.

Sự kiện Chúa Giê-su xin cho đoàn Tông đồ được hiệp nhất trong Bữa Tiệc ly thật ý nghĩa và trong lời cầu ấy, Chúa Giê-su cũng muốn hiệp nhất xung quanh Ngài. Tất cả chúng ta là những người thuộc nhiều chủng tộc khác nhau và sống trong mọi thời đại; và Chúa Giê-su đã thành lập sự hiệp nhất ấy bằng giá máu của Ngài. Do đó, các linh mục không được ngạc nhiên khi thấy mình phải hy sinh nhiều vì cuộc sống hiệp thông trong Giáo hội.

(Bài Huấn đức của Đức Gio-an Phao-lô II ngày 4/8/1993)

(còn tiếp)

Lm Peter Vũ Chương

Tr trước | Mục lục | Tr sau

Đọc nhiều nhất Bản in 09.09.2007. 15:29