Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tường thuật chi tiết ngày thứ hai (14-8-2008) của Đại hội La Vang 2008

§ Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

BUỔI SÁNG

LA VANG -- Ngày 14-8-2008, ngày có nhiều nội dung quan trọng nhất của Đại hội lần thứ 28. Năm nay, Giáo tỉnh Hà Nội phụ trách tổ chức ngày này. Theo chương trình thì buổi sáng có các sinh hoạt sau đây:

- 5 giờ 30: Thánh lễ đồng tế tại Linh Đài do Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Phó Giáo phận Nha Trang, chủ tế và chia sẻ.

- 8 giờ: Thánh lễ dành cho giới nam nữ tu sĩ do Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Bùi Chu, Chủ tịch Uỷ ban Tu sĩ của HĐGM, chủ tế và chia sẻ.

- 9 giờ: Thánh lễ cầu nguyện cho bệnh nhân và các em khuyết tật do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Phụ tá Giáo phận Bùi Chu, chủ tế và chia sẻ.

- 10 giờ: Chầu Thánh Thể và cầu nguyện của giới linh mục và chủng sinh do Đức cha Antôn Vũ Huy Chương chủ sự.

Thánh lễ quan trọng và kéo dài nhất ở Linh Đài trong buổi sáng là thánh lễ dành cho các bênh nhân và khoảng 180 anh chị em khuyết tật ở Miền Bắc và khoảng 30 em khuyết tật đến từ Sài Gòn.

Có khoảng hơn 1 chục cha đồng tế với Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ. Ngoài ra còn có Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Huế, Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Đà Nẵng và Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã ra ngồi tham dự thánh lễ để cầu nguyện và động viên các em khuyết tật.

Các em khuyết tật cùng các anh chị tình nguyện viên trực tiếp phục vụ thành lễ, cùng với sự trợ giúp của ca đoàn Dòng Đa Minh Bùi Chu. Các em tự tổ chức giờ diễn nguyện, đọc sách, đọc lời nguyện, hát lễ và dâng lễ vật.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chia sẻ một bài về đau khổ và ý nghĩa của đau khổ trong khi liên tưởng đến hoàn cảnh của các em. Đôi khi tưởng chừng như ngắt quãng vì những tình cảm khiến ngài xúc động.

Các bạn khuyết tật đã dâng những lời cầu nguyện thật cảm động cho mình và cho các bạn cùng hoàn cảnh mà chưa biết Chúa. Còn rất nhiều lời nguyện chưa được đọc lên, đã được các bạn xếp hàng đưa lên cho Đức cha Chủ tế và ngài đã đốt dâng các lời nguyện này trong bình hương trước bàn thờ.

Buổi diễn nguyện và thánh lễ diễn ra thật cảm động. Khi nghe Đức cha Chủ tế giảng, một số cha trong đoàn đồng tế và đông đảo giáo dân đã sụt sùi, nhưng khi nghe các em khuyết tật dâng những lời cầu nguyện đầy can đảm, chân thành và thấm đượm tình bác ái, giữa cái nắng mùa hạ chói chang của miền Trung, nhiều người đã không cầm được nước mắt.

BUỔI CHIỀU

Chiều ngày 14-8-2008, người đến càng ngày càng đông, đến 16 giờ chiều mà trên 2 con đường từ quốc lộ 1 dẫn vào Trung tâm Hành hương vẫn dày đặc người. Tầng tầng lớp lớp con cái Mẹ tay xách nách mang bất kể, đường xa, nắng nóng, mệt mỏi để về với Mẹ. Các nghi thức buổi chiều luôn có đông đảo các thành phần dân Chúa tham dự:

- 14 giờ: Buổi chia sẻ và cầu nguyện do Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng, Chủ tịch Uỷ Ban Đặc trách Giới trẻ của HĐGM, chủ sự, có sự cộng tác của cha Phaolô Nguyễn Xuân Đường, DCCT.

- 15 giờ 30: Giáo xứ Nam Định dâng hoa kính Đức Mẹ. Khoảng gần 100 phụ nữ y phục đoan trang, lộng lẫy với 4 màu hồng xanh vàng đỏ đã tiến dâng Mẹ La Vang những đoá hoa tươi thắm trong những ca vãn dâng hoa với giai điệu mượt mà, sâu nặng tĩnh nghĩa và đậm đà bản sắc dân tộc.

- 17 giờ 30: Thánh lễ đồng tế, lễ vọng mừng kính Đức Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời. Đây là trung tâm và là phần quan trọng nhất trong buổi chiều. Thánh Lễ do Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM Hà Nội, chủ tế. Đồng tế với ngài còn có 13 đức giám mục và khoảng 500 linh mục.

Mở đầu Thánh lễ, Đức TGM Hà Nội xác tín rằng Mẹ Lên Trời luôn luôn quan tâm đến những người con hoạn nạn, khổ đau, vì vậy ngài mời gọi mọi người hãy noi gương Mẹ cầu nguyện cho các anh chị em Công giáo Việt Nam đã gặp nạn trong khi đi hành hương Đức Mẹ ở Đền thánh Missouri, Hoa Kỳ; cầu nguyện cho các nạn nhân lũ lụt ở Miền Bắc.

Trong bài giảng, dựa trên lời khen của người phụ nữ: “Phúc thay lòng dạ nào đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm” và dựa trên cầu trả lời của Chúa Giêsu: “Phúc thay người đã nghe và giữ lời Thiên Chúa”, Đức TGM Hà Nội đã ban cho cộng đoàn một bài giảng súc tích, sâu sắc và cảm động.

Qua việc so sánh sự tương phản giữa lời khen của chị phụ nữ với câu trả lời của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu muốn nâng tầm nhìn của chúng ta lên tới Thiên Chúa, mở cửa cho tâm hồn chúng ta đi đến tự do, mang đến cho chúng ta niềm hy vọng, mở rộng liên hệ của chúng ta lên bình diện thiêng liêng, đạt đến gia đình rộng lớn của những con người biết nghe và giữ lời Thiên Chúa,

Đức TGM cho cộng đoàn thấy rằng Đức Mẹ Maria là người có phúc nhất vì trước khi cưu mang Chúa Giêsu, Mẹ đã cưu mang lời Thiên Chúa trong tâm hồn, Mẹ đã thực thi Lời Chúa đến tận cùng khổ đau với Chúa Giêsu Con Mẹ. Rồi ngài xác tín rằng cứ thực hành Lời Chúa thì rượu nhạt cũng sẽ thành rượu thơm ngon, cuộc đời tẻ nhạt cũng sẽ trở nên vui tươi và cuộc đời bất hạnh cũng trở thành hạnh phúc.

Sau bài giảng, phần dâng lễ hôm nay diễn ra hết sức trang trọng. Lễ vật hương hoa, đèn nến, bánh rượu đã được chuẩn bị rất đẹp. Cứ mỗi bước tiến lại kèm một cử điệu và một lời hát thích hợp. Ngoài các đại diện của Công giáo Việt Nam, còn có một phái đoàn đại diện người Công giáo Thái Lan cùng tham dự Thánh lễ. Các tín hữu này dâng hương hoa, bánh rượu và đặc biệt còn tiến dâng một “cây lễ vật” rất ngộ nghĩnh, bên trên có gắn những đồng tiền khác nhau theo phong thục Thái Lan.

Thánh lễ kết thúc vào khoảng 19 giờ. Mặc dù có đến hơn 100 linh mục cho rước lễ, nhưng vẫn không đủ thời gian để trao Mình Thánh Chúa cho đông đảo giáo dân. Ban Tổ chức phải thông báo cho các anh chị em tín hữu tiếp tục rước Mình Thánh tại nhà nguyện sau khi Đức cha Chủ tế ban phép lành.

BUỔI TỐI

Lúc 19 giờ, ngay sau khi kết thúc Thánh lễ, Cha Giuse Lê Thanh Cảnh và anh Nghĩa, đạo diễn, và các anh em phụ trách chương trình đã khẩn trương lắp đặt và kiểm tra các thiết bị âm thanh, ánh sáng, phối hợp giữa các bộ phận và các nhóm tham gia chương trình diễn nguyện.

Trong khi ấy, các đoàn tham gia diễn nguyện thuộc Giáo tỉnh Hà Nội cũng đang tìm cách vượt qua biển người để tiến đến Linh Đài cho kịp công tác chuẩn bị. Tổng cộng có đến 915 người thuộc 12 đoàn khác nhau đến từ 10 giáo phận trong Giáo tỉnh, chưa kể Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng.

Dự tính đêm diễn nguyện sẽ khai mạc lúc 20 giờ và kết thúc lúc 23 giờ 30, tuy nhiên, vì quá đông người hành hương, mọi ngóc ngách và lối đi đều chật cứng, công việc di chuyển và tập kết của các thành phần tham dự và tham gia diễn nguyện không dễ dàng, cho nên mãi đến 20 giờ 30, chương trình đêm diễn nguyện mới được bắt đầu.

Hai màn hình lớn dựng 2 bên Linh Đài Đức Mẹ hỗ trợ tích cực cho việc tham dự giờ diễn nguyện của cộng đoàn.

Trong khi chờ đợi giờ phút khai mạc, Ban Tổ chức chương trình diễn nguyện đã mời cộng đoàn nghe một bản nhạc bình ca. Đây là một món quà rất hữu ích và thiết thực, giúp khán thính giả lắng đọng lại tâm hồn lại sau một ngày nắng nôi, khó nhọc hành hương kính Đức Mẹ.

Giữa tiếng nhạc êm đềm, 100 chị em của Dòng Thánh Phaolô mang áo dài tay cầm hoa và nến đã từ từ tiến vào các vị trí trên sân khấu trước Linh Đài. Khoảng 20 giờ 30, Đức Tổng Giám mục Hà Nội xuất hiện giữa sân khấu. Sau khi chào cộng đoàn, ngài nói: “Năm nay là dịp đặc biệt vì là năm kỷ niệm 210 năm ngày Đức Mẹ hiện ra, là lần đầu tiên phái đoàn Toà Thánh đã đến dâng thánh lễ và cũng là lần đầu tiên Giáo tỉnh Hà Nội được hân hạnh góp phần tổ chức đêm diễn nguyện tại La Vang”. Rồi ngài tuyên bố bắt đầu đêm diễn nguyện với chủ đề “Đức Maria nhà giáo dục đức tin”.

Chương trình diễn nguyện gồm 2 phần. Phần I là tiết mục diễn nguyện “Sự tích La Vang” của các nữ tu Dòng Phaolô Đà Nẵng. Tiết mục được các chị em diễn tả một cách hết sức khéo léo, sinh động, công phu và hoành tráng với sự tham gia của hàng trăm người. Kỹ thuật múa hát, hoá trang, dựng cảnh, dẫn chuyện của các chị khá chuyên nghiệp, tái hiện được sự thật lịch sử ở mức độ rất cao, khiến nhiều người tham tham dự buổi diễn nguyện cảm động đến rơi lệ. Những ai theo dõi các Đại hội La Vang trong 20 năm qua thì thấy Dòng Phaolô Đà Nẵng quả thật có kinh nghiệm trong việc dựng các vở diễn nguyện lớn. Cám ơn chị em Phaolô đã góp phần cho Đại hội một buổi diễn nguyện tuyệt vời.

Phần II là các tiết mục diễn nguyện của 10 giáo phận trong Giáo tỉnh Hà Nội: “Theo Mẹ ra khơi” của giới trẻ GP. Hải Phòng, “Mẹ quê hương của con” của các nữ tu MTG Thanh Hoá, “Tiệc cưới Cana” của GP. Lạng Sơn, “Cùng với Mẹ La Vang” của GP. Vinh, “Đẹp thay” của GP. Hưng Hoá, “Muối và ánh sáng” của GP. Bùi Chu, “Thiên thần truyền tin”, “Tiệc cưới Cana” và “Người bảo sao cứ làm vậy” của Dòng MTG Hà Nội, “Apraham - Cha của những kẻ tin” của giới trẻ Thái Bình”, “Bệnh phong” của GP. Phát Diệm, “Người Cha nhân hậu” của GP. Bắc Ninh, và tiết mục diễn nguyện bằng trống kèn của Giáo xứ Nam Định.

Các tiết mục thuộc các thể loại khác nhau, có đủ ca, múa, chèo, kịch, biểu diễn nhạc cụ, có hát quan họ hoặc kết hợp giữa một hay nhiều thể loại trên đây. Theo chúng tôi, độc đáo nhất là tiết mục chèo “Apraham - Cha của những kẻ tin” của GP. Thái Bình, cảm động nhất là tác phẩm kịnh hát quan họ “Người Cha nhân hậu” của GP. Bắc Ninh, hoá trang khéo léo, diễn nguyện hoành tráng, sinh động nhất là tiết mục “Tiệc cưới Cana” và “Người bảo sao cứ làm vậy” của Dòng MTG Hà Nội. Nói chung tất cả các tiết mục trong toàn bộ hay trong từng phần ít nhiều đều giúp cộng đoàn tham gia buổi diễn nguyện cách tích cực và động viên tâm tư, tình cảm của các tín hữu trong việc bắt chước gương sống của Đức Maria.

Xen lẫn giữa các tiết mục là các video clips lặp đi lặp lại chủ đề một cách hết sức ấn tượng bằng âm thanh và hình ảnh đặc sắc chọn lọc từ các phim ảnh đây đó và từ các cảnh sống động. Mỗi video clips kéo dài khoảng 30 đến 45 giây và thể hiện một đề tài cụ thể như “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc”, “Đức Maria, Thầy dạy Đức tin, Đức cậy và Đức mến”, “Đức Maria, Người lắng nghe và thực hành lời Chúa”, “Đức Maria, Thầy dạy cộng tác quảng đại vào công trình cứu độ của Chúa”, “Đức Maria, Nhà Giáo dục Đức tin”…

Lúc 0 giờ ngày 15-8, Đức cha Stêphanô Nguyến Như Thể, TGM Huế, tổng kết đêm diễn nguyện. Ngài cám ơn Đức TGM Hà Nội, các ĐGM và Dòng Thánh Phaolô. Ngài nói: “Chúng ta cảm nhận được Giáo Hội trong đêm nay là một Giáo Hội hiệp nhất”. Rằng các đoàn diễn nguyện đã mang đến một sức sống mãnh liệt, đầy hy vọng cho Giáo hội miền Bắc nói riêng và Giáo hội Việt Nam nói chung. Rằng dù thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu nước sạch thế mà các đoàn diễn nguyện nghiệp dư đã làm cho cộng đoàn chúng ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Các đoàn diễn nguyện đã làm được điều mà HĐGM Việt Nam đã nêu lên trong Thư Chung năm 1980, đó là diễn tả đức tin bằng văn hoá dân tộc. Ngài khẳng định đó là điều mà cha ông chúng ta đã làm được và Giáo hội miền Bắc có được cái gène đó của tiền nhân. Kết thúc, ngài xác tín rằng “đức tin phải nằm trong máu thịt mới diễn tả ra được như thế” và “điều này rất đáng khuyến khích”.

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 15.08.2008. 09:42