Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Suy niệm về sự tích Ðức Mẹ hiện ra tại Lavang năm 1798

§ Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

VietCatholic News (11/8/2001)

Vài lời chứng nhân lịch sử:

Ngày 15 tháng 8 năm 1975 là ngày có ngay cuộc hành hương lần thứ nhất về Ðức Mẹ La Vang tại Linh Ðịa La Vang. Trong những đêm trước ngày hành hương lịch sử nầy, một mình trước Linh Ðài Ðức Mẹ La Vang giữa ba cây đa nhân tạo vẫn còn đứng vững sau chiến cuộc 1972, tôi lặng lẽ một mình suy niệm về sự tích Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang. Và trong bài suy niệm nầy, tôi đã đặt mình trong hoàn cảnh đau thương bi đát của các giáo hữu lúc đó đang ẩn trốn tại La Vang.

Vậy tôi xin ghi lại đây bài suy niệm nầy. bài suy niệm nầy gồm có 6 phần:

1. Cơn Bắt Ðạo năm 1798
2. Cơ cực trăm bề
3. Giữa cảnh bơ vơ
4. Ðức Mẹ nhậm lời và hiện ra
5. Ðức Mẹ ban ơn
6. Lời cầu nguyện của người hành hương tại La Vang

Đức Mẹ La Vang, 1798-1998

1. Cơn Bắt Ðạo Năm 1798

Năm 1798, đang lúc đóng đô ở Phú-Xuân, Thừa-Thiên, Vua Cảnh-Thịnh, Nhà Tây-Sơn, ra sắc chỉ cấm Ðạo Công-giáo.

Lệnh vua vừa ban ra, quân lính đua nhau nổ lực tầm nã người công giáo để bắt bớ, hành hạ và chém giết.

Ðể tránh cơn bắt Ðạo độc ác nầy, hầu được trung thành giữ Ðạo, theo Chúa cho đến cùng, các bổn đạo thuộc tỉnh Quảng-Trị tìm cách chạy trốn vào một nơi rừng sâu nước độc, cách xa tỉnh thành hơn sáu cây số. Ðây là khu rừng núi La-Vang, độc địa, hẻo lánh, đầy những thú dữ đủ loại.

2. Cơ Cực Trăm Bề

Lên ẩn núp tại núi rừng La-Vang để tránh nguy hiểm bị bắt bớ, bị chém giết vì Ðạo, người công giáo lúc bấy giờ phải lâm vào sáu cơ cực tầy trời sau đây.

  1. Cơ cực thứ nhất: núi rừng độc địa

    Lúc bấy giờ, núi rừng La-Vang âm u, rậm rạp, lạnh lẽo, không có ánh sáng mặt trời chiếu vào, gây nên chướng khí độc địa, làm cho những người công giáo ẩn náu tại đây phải kiệt lực, mất sức, trở thành mồi ngon cho bệnh tật, chết yểu.

  2. Cơ cực thứ hai: thú dữ tứ phía

    Núi rừng La-Vang lúc bấy giờ hoang vu rậm rạp, cọp, beo, heo rừng và những thú dữ đủ loại, ngày đêm xông xáo đi tìm mồi. Chúng sẵn sàng vồ giết bất cứ ai cả gan xâm phạm lãnh thổ của chúng.

    Núi rừng La-Vang lúc bấy giờ có tiếng rất nguy hiểm vì đầy thú dữ, nên muốn vào đây đốt than, kiếm củi, đốn gỗ, người ta phải đi theo nhau từng đoàn, vừa đi vừa hò hét la vang, vừa khua lên những tiếng rộn ràng để xua đuổi các thú dữ. Vì thế, người công giáo vào ẩn trốn tại La-Vang lúc bấy giờ, rất dễ biến thành mồi ngon cho thú dữ phanh thây, ăn thịt.

  3. Cơ cực thứ ba: thiếu hụt lương thực

    Khi nghe tin bắt Ðạo, người công giáo vội vã lìa nhà lìa cửa, bỏ hết mọi sự để chạy trốn, chỉ vơ vét đem theo vài chục lon gạo, vài chút lương khô. Khi lên ẩn náu tại rừng núi La-Vang, họ không liên lạc được với ai để xin giúp đỡ vì không có chợ, không có quán ăn, không có gia đình nào ở trong chổ rừng rú nầy. Họ cũng không trồng trọt được cây ăn quả nào, cũng không chăn nuôi được con vật gì, vì ban ngày, họ cũng phải lo trốn lánh ẩn núp kẻo bị lộ diện. Vì phải trốn lánh ẩn núp lâu ngày, lương thực họ bới theo, đã hao mòn, lương thực họ kiếm được đôi chút trong rừng núi, cũng không đủ thiếu gì. Vì thế, họ lâm vào tình cảnh thiếu lương thực rất trầm trọng.

  4. Cơ cực thứ tư: cuộc sống héo hon tàn tạ

    Vì lo âu, vì khí độc, vì sợ bị bắt, vì sợ thú dữ phanh thây, vì thiếu hụt lương thực trầm trọng, những người công giáo đang ẩn núp tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ, càng ngày càng héo hon tàn tạ, da bọc xương, kiệt lực, mất sức, gầy còm, ốm o.

  5. Cơ cực thứ năm: bệnh tật lan tràn

    Kiệt lực, mất sức, mang đủ mầm mống của bệnh tật, không có gì ăn để bồi dưỡng, không có thuốc men để chữa bệnh, không được ai săn sóc giúp đỡ, những người công giáo ẩn núp tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ, không ai mà thoát khỏi bệnh tật dày vò : họ mắc đủ thứ bệnh tật đau đớn.

  6. Cơ cực thứ sáu: tình cảnh bất an

    Lệnh bắt Ðạo do Vua Cảnh Thịnh ban ra lúc đó, thật gắt gao. Quân lính đi lùng quanh rừng, tìm cách bắt nộp người công giáo để được lãnh thưởng.

    Trong tình hình quá bất an như vậy, dù ban ngày, những người công giáo đang trốn tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ cũng không dám tự do đi lại, không dám xuất đầu lộ diện, nhưng phải luôn luôn ẩn núp trong những lùm cây, hốc đá.

    Dầu vậy, thật đáng khâm phục thay!

Giữa những cơ cực tư bề như thế, những người công giáo lúc bấy giờ vẫn không hề buồn phiền thất vọng, nhưng họ vẫn luôn giữ một lòng tin cậy vào Chúa và Mẹ.

3. Giữa Cảnh Bơ Vơ

Giữa cảnh bơ vơ cơ cực trăm bề, những người công giáo lúc bấy giờ tại núi rừng La-Vang thúc đẩy nhau hãy đặt hết lòng trông cậy vào Ðức Mẹ đoái thương. Ban ngày, họ tản mác tìm chổ ẩn núp trốn tránh. Ban đêm, họ tìm gặp nhau nơi gốc ba cây đa để lần hột, thiết tha kêu xin Ðức Mẹ đoái thương cho họ được sống can trường, theo Chúa kiên trung, dù phải lao lung, dù phải khốn cùng, vẫn không ngại ngùng chồn bước lui chân.

Mặc cho bệnh tật đau đớn dày vò, mặc cho núi rừng độc khí cướp mất sức lực của họ, mặc cho sự thiếu hụt lương thực làm cho họ rã rời, mặc cho thú dữ rình rập nguy hiểm, trong đêm tối âm u của rừng sâu lạnh lẽo, trong những tiếng vang lên yếu ớt vì kiệt sức, những người công giáo lúc bấy giờ sốt sắng lần hột, kêu xin Ðức Mẹ cho họ được lòng tin Chúa cho mạnh, lòng cậy Chúa cho bền, lòng kính mến Chúa cho sốt sắng.

Những lời van xin Ðức Mẹ trong hoàn cảnh đau thương như thế, thật quá cảm động!

Người mẹ trần thế nầy, khi thấy con mình gặp cơn hoạn nạn, không đợi con mở miệng kêu xin, đã vội chạy đến giúp con, đã có mặt ngay bên cạnh con.

Huống nữa Ðức Mẹ là Bà Mẹ trên trời! Kìa, đoàn con Mẹ đang thi nhau kêu xin tha thiết trong đêm tối rùng rợn, trên đất núi rừng La-Vang lạnh hiu! Vì thế, Ðức Mẹ ra tay cứu giúp ngay!

4. Ðức Mẹ Nhậm Lời và Hiện Ra

Thấy đoàn con trong đêm tối ở núi rừng La-Vang quyết một dạ sắt son theo Chúa, quyết hết lòng trông cậy vào Chúa, Ðức Mẹ Maria liền hiện ra an ủi.

Trong đêm tối rừng sâu La-Vang, giữa những lời cầu nguyện sốt sắng của những người công giáo lúc bấy giờ, Ðức Mẹ Maria liền hiện ra, tay bồng Chúa Giêsu Hài-Ðồng cho họ thấy, vì chính Chúa Giêsu là Ðấng mà họ quyết trung thành đi theo cho đến cùng.

Ðối với Ðức Mẹ Maria, điều quan trọng nhất, là phải làm sao cho con cái Mẹ ở trần gian phải trung thành theo Chúa Giêsu cho đến cùng. Vì thế, Ðức Mẹ khuyên những người công giáo lúc bấy giờ hãy bền gan giữ Ðạo Chúa Trời, dẫu sống giữa đời gặp nhiều thử thách.

Bền gan theo Chúa cho đến cùng!
Trung kiên theo Chúa, không bao giờ nao núng!
Ðó là ân huệ đặc biệt và quý báu nhất,
Ðức Mẹ Maria ban cho đoàn con mình tại núi rừng La-Vang lúc bấy giờ.
Nếu không bền đỗ theo Chúa cho đến cùng,
thì ngay cả những sự gian khổ lớn lao vì Chúa lúc ban đầu, cũng vô ích.
Và đây là điểm nổi bật nhất của sứ điệp Ðức Mẹ ban ra tại La-Vang
khi hiện ra năm 1798 cho đoàn con mình:

Hãy chịu khó vì Chúa!
Hãy chịu khó vì Ðạo!
Hãy bền đỗ theo Chúa cho đến cùng!
Chúa và Mẹ không bao giờ bỏ rơi
những ai đặt hết lòng trông cậy vào các Ngài!

5. Ðức Mẹ Ban Ơn

Thấy đoàn con đang sốt sắng cầu nguyện trong đêm tối, kẻ thì thoi thóp hấp hối, người thì quằn quại giữa những đau đớn bệnh tật, kẻ thì kiệt lực vì đói lã lâu ngày, người thì lết qua lết lại, Ðức Mẹ Maria quá cảm động : sau khi khuyên đoàn con giữ� vững đức tin và theo Chúa cho đến cùng, Ðức Mẹ bắt tay ngay vào việc chữa lành các bệnh tật.

Và trong dịp hiện ra tại La-Vang năm 1798 nầy, Ðức Mẹ Maria đã phán dạy lời đặc biệt mà những người công giáo lúc bấy giờ đã truyền lại cho con cháu đến ngày hôm nay: "Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu Mẹ tại chốn nầy, Mẹ sẽ nhậm lời theo như ý nguyện."

6. Lời Cầu Nguyện Của Người Hành Hương Tại La-Vang

Suy niệm dưới chân Mẹ La-Vang, tại Linh-Ðài, trong những đêm của tháng 8 năm 1975, trước ngày hành hương lịch sử , ngày 15.8.1975.

Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

Đọc nhiều nhất Bản in 04.08.2006. 10:55