Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008: Suy niệm Những chặng Đàng Thánh Giá

§ Lê Hiển

- English version

(Thứ Sáu ngày 18.7.2008 từ 3PM – 6PM)

Dẫn Nhập.

Các Chặng Đàng Thánh Giá trong ĐHGTTG08 đều được trích dẫn từ Tân Ước. Văn bản Chặng Đàng Thánh Giá Kinh Thánh này được Thánh Bộ Nghi Thức Phụng Vụ chấp thuận lần đầu tiên vào năm 1975, và được Đức Thánh Cha Phaolô VI phê chuẩn để sử dụng trong Năm Thánh đó.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đi Chặng Đàng Thánh Giá này hai lần vào dịp lễ Thứ Sáu Tuần Thánh ở hí trường Coliseum, Roma. Văn bản này nay lại được Tòa Thánh Vatican chấp thuận để sử dụng trong ĐHGTTG08.

Các đoạn Thánh Kinh đều được trích ra từ bộ Thánh Kinh Jerusalem như đã được hiệu đính để dùng trong Sách Bài Đọc Công Giáo Úc Châu.

Mỗi chặng sẽ bắt đầu bằng lời nguyện sau, do người hướng dẫn điều khiển:

Người hướng dẫn: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô.

Cộng đồng: Vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.

Mỗi một chặng sẽ kết thúc bằng những lời nguyện sau, được người hướng dẫn điều khiển:

Người hướng dẫn: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Cộng đồng: Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ. Amen.

Người hướng dẫn: Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phước lạ.

Cộng đoàn: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.

Chặng thứ 1: Bữa Tiệc Ly.

Địa điểm: Nhà Thờ Chính Tòa St. Mary.

Đang khi dùng bữa, Người nói: "Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy."
Các môn đệ đâm ra buồn rầu, và lần lượt hỏi Người: "Chẳng lẽ con sao? "
Người đáp: "Chính là một trong Nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy.
Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn! "
Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.
"Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.
Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa."
Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu. (Mark 14:17-26)

Suy Niệm.

Bánh mì, lương thực của chúng ta, là dấu chỉ sự sống và sự sống còn; rượu nho, thức uống của chúng ta, là dấu chỉ sự mừng vui và tiệc tùng lễ lạc. Trong bữa ăn cuối cùng – trước khi chịu chết, Chúa Giêsu Kitô trao ban chính Mình và Máu Người cho các môn đệ qua hình thức bánh và rượu. Người đã thường trao ban chính mình Người trước đây trong tình bằng hữu, qua lời giảng dạy và vai trò lãnh đạo của Người. Tuy nhiên, trong lần này Người cho họ trọn vẹn tất cả: chính Mình Máu Người dưới hình bánh rượu. Khi bánh được bẻ ra thì Mình Thánh Người cũng sẽ được phân ban trên thập giá. Khi rượu được rót ra thì Máu Thánh Người cũng tuôn chảy từ cạnh sườn Người. Đó là sự tiên đoán hãi hùng, nhưng không phải là không có hy vọng. Trong bữa ăn cuối cùng này, Chúa Giêsu thay thế Lễ Vượt Qua xa xưa bằng chính chuyến hành trình về với Cha của Người, thay thế những hy lễ chiên bò thuở xưa bằng chính sự tự hiến thân mình của Người. Giữa những buồn sầu, ủ dột Người dâng lời tạ ơn và hứa hẹn với các môn đệ mình rằng Người sẽ uống với họ trong ngày mai hậu.
Dẫu cho chuyến hành trình có u tối thế nào trong 24 giờ sắp tới, Chúa Giêsu vẫn để lại cho họ lời hứa sẽ gặp lại và niềm vui bên kia cõi chết.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa, có nhiều người còn thiếu thốn của ăn và thức uống trường sinh. Họ không biết hay đã quên rằng Chúa muốn gặp gỡ họ trong Bí tích Thánh Thể và chia sẻ với họ cả thiên tính và nhân tính của Chúa. Xin giúp chúng con biết trân trọng món quà vĩ đại là Mình Máu Thánh Chúa, là chìa khóa đi vào cuộc Thương Khó của Chúa và của chúng con.
Xin hãy hướng tâm hồn chúng con vào sự hiện diện thật sự của Chúa trong Thánh Lễ.
Xin giúp chúng con hiểu được rằng, hiệp thông với Chúa cũng có nghĩa là hiệp thông với tất cả những ai Chúa trao ban chính mình Người cho họ. Xin làm cho chúng con trở nên quảng đại và sáng suốt khi chúng con cố gắng bước theo chân Người.

Chặng thứ 2: Sự Hấp Hối của Chúa chúng ta trong Vườn Giệt-sê-ma-ni.

Địa điểm: The Domain.

Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: "Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện." Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức." Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: "Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối." Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người. Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới! "
Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến. Kẻ nộp Đức Giê-su đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng: "Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận." Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói: "Thưa Thầy! ", rồi hôn Người. Họ liền tra tay bắt Người. (Mark 14:32-46)

Suy Niệm.

Chúa Giêsu, cũng như bất cứ một ai trong chúng ta, trong lúc sắp sửa phải trải qua một cuộc xử án bất công, bị tra tấn khổ hình, và bị kết án tử hình oan ức.
Người không dấu diếm việc Người ao ước sự cảm thông của các môn đệ và sự chấm dứt những nỗi thống khổ của Người biết bao nhiêu, nhưng cả cuộc đời Người là một chứng tá của niềm tin vào Chúa Cha, Đấng Người yêu mến, cũng như chứng tá tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại.
Người phải dành lời cuối cùng cho Chúa Cha của Người.
Dầu môn đệ Người có yếu đuối đến đâu chăng nữa, dầu bản tính con người chúng ta có yếu đưối đến đâu chăng nữa, Người cũng phải giữ niềm hy vọng nơi Chúa Cha. Xin cho tất cả những ai đang âu lo và cô độc được gương Người giúp đỡ và nhận lãnh sức mạnh Người để vượt thắng nỗi sợ hãi.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa, với kinh nghiệm chính mình, Chúa biết rõ việc phải chịu đựng những lo âu và sự công kích khủng khiếp là như thế nào.
Chúa thấy nơi chúng con và ở thế gian này nhiều nỗi âu lo, thất vọng, cô đơn và sợ hãi. Chúa biết chúng con cũng bị nhiều cám dỗ chạy trốn và lẫn tránh trách nhiệm thế nào qua rượu chè hay ma túy, qua Internet hay những trò tiêu khiển khác. Xin giúp chúng con được sáng mắt và can đảm trong Chúa Thánh Thần. Xin gìn giữ đức tin chúng con được vững mạnh khi chúng con bị công kích. Xin giúp chúng con luôn cầu nguyện với Chúa: “Lạy Cha, xin cho nước Cha được trị đến, ý Cha được thể hiện – ý Cha mà thôi, không phải ý con.”

Chặng thứ 3: Chúa Giêsu trước Công Nghị Do Thái.

Địa điểm: Viện Triển Lãm Nghệ Thuật New South Wales.

Họ điệu Đức Giê-su đến vị thượng tế. Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư tề tựu đông đủ. Ông Phê-rô theo Người xa xa…Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau…
Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giê-su…"Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không? " Đức Giê-su trả lời: "Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến." Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: "Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao? "
Tất cả đều kết án Người đáng chết…Đang khi ông Phêrô ở dưới sân (ông chối Chúa Giêsu ba lần)…Ngay lúc đó gà liền gáy…Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô. (Mark 14:53-15:1).

Suy Niệm.

Chúa Giêsu không phải là người bình thường, nhưng Người muốn đi con đường bình dân thường tình. Người ở trong ‘tay những người tội lỗi’ và trong những định chế bất toàn – như tất cả chúng ta, lúc này hay lúc khác, trong một thế giới bị nhiều hư hại do tội nguyên tổ. Nhưng trong lúc bị sỉ nhục và rồi bị tiêu diệt, Người công bố rằng kết quả sau cùng vẫn là sự chiến thắng dành cho Chúa Cha của Người, nguồn cội của công trình sáng tạo, của lòng trung thành và của công lý. Chúa Giêsu lôi kéo chúng ta ra khỏi cái hiện trạng đang có đây, phần nào hơi bất công, đế đến một nơi tốt đẹp hơn. Ước chi Nước Thiên Chúa được trị đến, ở dưới đất cũng như ở trên trời.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa, mỗi một người trong chúng con đều có thể đóng góp thêm vào sự công bình trong thế giới này, hay làm cho nó trở nên ít công bình hơn, trong gia đình hay nơi bạn hữu, trong những ngôi trường hay những đại học, nơi chỗ làm hay ngoài xã hội nói chung. Xin mở mắt chúng con để chúng con có thể thấy được thực chất của mọi sự. Xin ban cho chúng con can đảm giữ đức công bình, ngay cả trong lúc khó khăn. Và xin củng cố nơi chúng con niềm tin tưởng rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi thế giới bất toàn này, thế giới mà Chúa yêu thương và cứu độ.

Chặng thứ 4: Chúa Giêsu bị điệu ra trước quan Philatô.

Địa điểm: Nhà Hát Con Sò – Sydney Opera House.

Vậy, người Do-thái điệu Đức Giê-su từ nhà ông Cai-pha đến Dinh Tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng… Tổng trấn Phi-la-tô ra ngoài gặp họ và hỏi: "Các người tố cáo ông này về tội gì? "Họ đáp: "Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan."… Ông Phi-la-tô cho gọi Đức Giê-su và nói với Người: "Ông có phải là vua dân Do-thái không? " Đức Giê-su trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." Ông Phi-la-tô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao? " Đức Giê-su đáp: "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." Ông Phi-la-tô nói với Người: "Sự thật là gì? " (Gioan 18:28 – 38).

Suy Niệm.

Cuộc sống công khai Chúa Giêsu và sự kiện Người sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết, nói lên sự tương phản với cuộc sống tham lam, ích kỷ và lạm quyền. Rốt cuộc, những điều này không phải là chân lý của mọi chuyện – đó là những sự dối trá và hoang tưởng, dầu cho cả triệu người gia nhập vào những ảo tưởng của chúng. Philatô đã mù quáng đối với sự thật sâu xa nhất của cuộc đời: Chúng ta hầu hết giống như Thiên Chúa, Đấng trao ban, khi chính chúng ta ban cho, và như thế chúng ta được dự phần vào cuộc sống thần linh. Biết được chân lý này đòi hỏi Philatô phải thay đổi tâm hồn – như chúng ta cũng phải thay đổi.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa, chính nơi Chúa và nơi các môn đệ Người mà chúng con học được chân lý sâu thẳm nhất của cuộc đời. Xin ban cho chúng con lương tri ngay thẳng và lòng quyết tâm không bị lay chuyển chỉ vì thời trang đài các và sự ưa chuộng của những người khác khi phải quyết định điều gì. Xin đừng để chúng con, như Philatô, bị đám đông lung lạc. Xin cho chúng con đừng bị chế ngự do áp lực bạn bè hay ‘buông tay xuôi dòng’. Xin đừng để chúng con lẫn lộn giữa sự đồng loã của đám đông và sự khôn ngoan. Và xin cho chúng con đừng bị chủ nghĩa tương đối hay hoài nghi chế ngự tư tưởng và hành động hay để cho kẻ khác phải trả giá cho sự lẫn tránh thoái thác của chúng con.

Chặng thứ 5: Chúa Giêsu bị đánh đòn và bị đội mão gai.

Địa điểm: Nhà Hát Con Sò – Sydney Opera House.

Ông Phi-la-tô hỏi họ: "Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do-thái không? "…Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba thì hơn. Ông Phi-la-tô lại hỏi: "Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái? " Họ la lên: "Đóng đinh nó vào thập giá! " Ông Phi-la-tô lại hỏi: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?" Họ càng la to: "Đóng đinh nó vào thập giá! " Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.Lính điệu Đức Giê-su vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: "Vạn tuế đức vua dân Do-thái! " Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy Người. (Mark 15:9,11-19).

Suy Niệm.

Một cơ đội quân lính - hàng trăm người – đã đánh đòn và nhạo cười Chúa Giêsu, như nhiều người Do thái và những nhóm sắc tộc thiểu số khác đã bị trước và sau cái chết của Người. Đánh đòn và đội mão gai là những hình thức tra tấn. Tra tấn ai là đối xử với họ không phải là con người, ngay cả còn tệ hơn thú vật. Ngày hôm nay, điều này vẫn còn đang xảy ra nhiều nơi. Chúa Giêsu bị tra tấn, Người bênh vực và đứng về phía bất kỳ người nào đang bị tra khảo, không trừ ai, dù có tội hay vô tội. Và Người cũng hứa ban cho họ cuộc sống bên kia những khổ đau hiện thời.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa của những người bị ngược đãi, xin hãy chỉ cho chúng con phương cách giúp đỡ những ngưòi đang chịu khổ đau. Xin ban sức cho chúng con biết ghê tởm mọi hình thức tàn bạo, dù nhỏ mọn hay lớn lao. Xin đừng bao giờ để chúng con coi thường những hình thức xúc phạm đến chính cuộc sống bất cứ khi nào có ai bị giết hại hay bị tra tấn. Xin làm cho chúng con cương quyết theo đuổi nền hòa bình công chính dù ở quê hương hay ở nước ngoài. Xin cho chúng con thấy được sự tàn bạo quả thật xa lạ đối với Chúa, đối với Chúa Cha yêu thương và đối với Chúa Thánh Thần. Xin ban cho chúng con ơn can đảm ngay cả khi chúng con bị khinh miệt.

Chặng thứ 6: Chúa Giêsu vác thập giá.

Địa điểm: Nhà Hát Con Sò – Sydney Opera House.

Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha. (John 19:16-17)

Suy Niệm.

Chúa Giêsu, khi vác cây thập giá mà Người sẽ bị treo lên, bị đuổi ra khỏi thành phố Người từng yêu mến và thành phố Người từng làm việc và nguyện cầu. Người chỉ còn là một người bị ruồng bỏ và sẽ bị ruồng bỏ cho đến chết. Trước đây, Người đã từng nặng gánh với những quan tâm và trách nhiệm: bây giờ thì đến với cái gánh nặng chết người sau cùng này. Người nói rằng theo Người có nghĩa là vác thập giá chính mình – gánh nặng tình yêu. Này, Người đây, đang sống những gì Người đã nói, không phải qua ẩn dụ nhưng bằng hiện thực tàn bạo. Sớm hay muộn gì thì hầu hết chúng ta cũng sẽ đương đầu với ‘nơi gọi là Núi Sọ’ – một nơi có vẻ cằn cỗi khô khan, ở đó những bài toán tình yêu sẽ phải được hoàn thành.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa, Chúa đã mang trên mình không những cây thập giá thật sự, nhưng còn là nỗi quan tâm lo lắng cho tất cả thế gian. Xin giúp chúng con biết tạ ơn tình yêu Chúa dành cho chúng con, thuở xưa cũng như bây giờ. Xin hãy mở rộng và đào sâu tình thương của chúng con đối với những người nam cũng như nữ đang phải ‘lao nhọc và gánh nặng’ đủ mọi cách. Xin cho chúng con biết sáng tạo ra những cách chúng con có thể giúp đỡ, và cho chúng con được quảng đại tiến hành. Xin gìn giữ chúng con khỏi bị nản lòng khi những cố gắng chúng con dường như bị thất bại. Và xin giúp chúng con mang lấy chính thập giá mình, khi thời điểm đến, để theo Chúa.

Chặng thứ 7: Ông Simon thành Ky-rê-nê giúp Chúa Giêsu vác thập giá.

Điạ điểm: Darling Harbour.

Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su. (Luke 23:26).

Suy Niệm.

Ông Simon không được quyền từ chối. Simon, như Chúa chúng ta, là một nạn nhân. Ông bị buộc phải góp phần nào trong công việc đóng đinh xấu xa bất chính được thi hành nhân danh những người La-mã đang chiếm đóng. Có thể sau này ông muốn bỏ việc này ra ngoài tai. Nhưng dầu muốn hay không, ông cũng đã được lôi cuốn vào ‘công trình cứu độ chúng ta’.
Ông là một phần trong việc tự hiến cuối cùng của Chúa Giêsu lên cho Chúa Cha, món quà cứu rỗi của Người cho chúng ta. Có nhiều cơ hội để giúp đỡ anh chị em chúng ta đã qua đi ‘trái ngược với ý muốn mình’. Những cơ hội đó đôi lúc đã đến với những cách mà chúng ta không thích chọn lựa, nhưng những cơ hội đó không đợi chúng ta đâu. Xin cho triển vọng và quyền năng của Chúa Kitô phục sinh là sự an ủi và là niềm hy vọng của chúng ta.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa, Chúa nói với chúng con rằng bất cứ những gì chúng con làm cho những người gặp cảnh khó khăn là chúng con làm cho Chúa. Chúa cũng đã nói với chúng con rằng không dễ gì mà nhận ra hình ảnh Chúa nơi những người khốn khó. Những người đau yếu hay những kẻ đói khát, những người bị tù đày hay bị chán nản thất vọng, những người tị nạn và những người xa lạ, có thể dường như không thích hợp với hình ảnh của Chúa, và điều này cũng vậy, không giống nhiều người thổ dân trong thế giới chúng con. Nhưng họ đúng thật là chị em và anh em của chúng con. Xin giúp chúng con đừng làm ra vẻ không biết đến họ, nhưng cùng đi với họ và làm nhẹ đi gánh nặng họ cưu mang.

Chặng thứ 8: Chúa Giêsu an ủi các phụ nữ thành Giêrusalem.

Địa điểm: Barangaroo.

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: "Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm! " Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao? " (Luke 23:27-31).

Suy Niệm.

Những người phụ nữ thương xót Chúa Giêsu, và Người cũng thương xót họ. Và như thế, Chúa Giêsu đang tham dự vào con đường tình yêu chân thật của gia đình nhân loại. Đối với một người nào khác lâm vào hoàn cảnh tương tự như Đức Giêsu, thì họ sẽ lo bận tâm với nỗi đau khổ của chính họ.
Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu, thì Người nghĩ ngay đến phúc lợi của chúng ta, đến sức mạnh hàn gắn của Chúa Thánh Thần, để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta.
Như Chúa Giêsu, chia sẻ niềm thương cảm trước những nỗi đau buồn của tha nhân, ngay cả trong những lúc chính chúng ta đang đau buồn.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa, tất cả chúng con đều có những điều phải bận tâm - đôi khi là những vấn nạn nhiêu khê – và chúng con cần phải đương đầu với chúng.
Xin cho chúng con đừng vì tính kiêu hãnh, tự ái, hay tự mãn, mà từ chối sự giúp đỡ của người khác.
Xin cho chúng con, trong lúc khó khăn, biết nhớ lại những đau khổ mà anh chị em chúng con đã trải qua.
Tất cả mọi người đều yếu đuối, dù cho nhìn bề ngoài họ có vẻ kiên cường bao nhiêu đi nữa.
Tất cả mọi người đều được hưởng sự quan phòng của Đức Kitô …
Tất cả mọi người đều có quyền mong muốn những ai theo Đức Kitô phải hành xử theo tinh thần Đức Kitô. Ước gì chúng con không làm họ phải thất vọng.

Chặng thứ 9: Chúa Giêsu bị lột áo và bị đóng đinh vào thập giá.

Địa điểm: Barangaroo.

Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa. Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: "Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái." Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp. Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô: "Xin ngài đừng viết: "Vua dân Do-thái", nhưng viết: "Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái"." Ông Phi-la-tô trả lời: "Ta viết sao, cứ để vậy! "
Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: "Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được." Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.

Suy Niệm.

Quần áo che chở chúng ta trong môi trường sống, gìn giữ sự riêng tư và diễn tả nhân cách của mình. Bị lột trần truồng, như Chúa Giêsu, là bị chối từ những điều căn bản trên. Việc lột trần truồng cũng nói lên rằng, “Giờ thì bạn không được giúp gì nữa”: nó chế nhạo cái khái niệm Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Đôi khi chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa hay nghĩ rằng Người đã bỏ rơi chúng ta: chủ nghĩa vô thần đã tước đoạt khỏi chúng ta niềm hy vọng và an ủi, và điều này tự thân nó là bạo lực. Việc đóng đinh vào thập giá có mục đích làm hạ giá nhân phẩm và tra tấn con người. Tuy nhiên với sự tàn bạo này, nó nói lên bản cáo trạng của những kẻ sử dụng bạo lực hơn là kẻ chịu đau khổ vì bạo lực.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa, có quá nhiều người phải chịu đau khổ vì bạo lực trong cuộc sống mỗi ngày. Những anh chị em chúng con là những nạn nhân của những lạm dụng thể xác và tinh thần, của sự tước đoạt và đày ải, của sự đói khát và thờ ơ, của khủng bố và chinh chiến. Trong xã hội chúng con đây, quá nhiều những bạo lực chống lại trẻ em còn trong bụng mẹ, những lạm dụng tính dục đối với người dễ bị thương tổn, những thờ ơ đối với người trẻ trung cũng như người già yếu, và ngay cả người Thổ dân đây nữa. Chúa đã chịu nhiều đau khổ đến nỗi mất cả mạng sống. Chúa cũng biết những hành vi bạo lực trái với mục đích an hòa của Chúa Cha. Xin dạy chúng con biết lên án những đối xử vô nhân bất công bạo lực và với những xúc phạm đến Thiên Chúa của an bình. Xin cho chúng con trở nên nguồn suối bình an.

Chặng thứ 10: Chúa Giêsu hứa Nước Thiên đàng cho Kẻ Trộm Lành.

Địa điểm: Barangaroo.

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! " Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! " Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! " Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." (Luke 23:39-43).

Suy Niệm.

Trong cuộc đời công khai, Chúa Giêsu thường đồng hành với những những người bị xã hội ruồng bỏ, với những người cùi và hạng đĩ điếm, với những người ngoài cuộc và những người tội lỗi, hay với những người thu thuế và quân lính lực lượng chiếm đóng. Và tới cuối cuộc đời, Người vẫn còn đồng hành với họ. Người chết đi như một tội nhân giữa những tội nhân khác, và tất cả bọn họ vẫn là những người bị xã hội ruồng bỏ. Cho đến cùng thì phán quyết quan trọng nhất không phải là của xã hội, nhưng là của Thiên Chúa. Những công dân xấu xa nhất cũng như tốt đẹp nhất đều được Thiên Chúa gặp gỡ. Việc chữa lành tâm hồn được bắt đầu qua những lời nói của bè bạn, qua Lời Chúa hay qua hồng ân tha tội của Bí Tích Hòa Giải. Khi được giúp đỡ như thế là bước khởi đầu đi vào thiên đàng.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa, thật dễ dàng cho chúng con khi coi một số người nào đó là dân ngoài cuộc, là thù địch, là đồ bỏ. Khi chúng con làm như thế là chúng con cũng coi Chúa là đồ bỏ đi. Khi chúng con cần đến, xin Chúa giúp chúng con biết tha thứ và thấy được hình ảnh của Chúa ngay cả nơi khuôn mặt của những người hèn hạ nhất hay xa lạ nhất. Xin cho chúng con thường xuyên lãnh nhận lòng thương xót dồi dào của Chúa nơi các Bí tích. Xin nhắc nhở chúng con niềm hy vọng về Thiên Đàng dành cho tất cả mọi người, Thiên Đàng mà Chúa Giêsu đã mang đến trong cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người.

Chặng thứ 11: Chúa Giêsu trối Đức Mẹ Maria cho Thánh Gioan.

Địa điểm: Barangaroo.

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (John 19:25-27).

Suy Niệm.

Dưới chân thập giá, Mẹ Maria và môn đệ Gioan đứng thay cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu đã cho họ nhiều và cũng đòi hỏi nhiều nơi họ. Bây giờ thì Người trao phó họ chăm sóc lẫn nhau. Mẹ Maria là gia đình của Người và Thánh Gioan là bạn hữu của Người. Bây giờ họ phải bắt đầu nuôi dưỡng cộng đoàn nhỏ bẻ của riêng mình nhân danh Người. Trong bóng tối chiều tà, hừng đông của Hội Thánh được lóe lên. Đây là ý muốn cuối cùng của Chúa Giêsu. Bổn phận chăm sóc cho nhau được Đấng Thiên Chúa Làm Người khi hấp hối, đã trao ban. Bổn phận này vang vọng mãi, và vẫn còn vang vọng cho đến thời chúng ta đây.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa, khi chúng con mở rộng tâm hồn đón nhận những mối tương quan chân chính, chúng con phải chịu rủi ro, bị thương tổn, giống như đã xảy ra cho Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Gioan. Xin cho chúng con đừng đóng kín tâm hồn lại với nhau vì sợ bị tổn thương. Lạy Chúa là Đấng mang thương tích, Đấng trưng bày những vết hằn đau khổ, xin hãy ủy thác chúng con lo lắng cho nhau. Xin ban cho chúng con được đặc biệt biết đến cái ôm hôn trìu mến của Mẹ Diễm Phúc. Xin cho chúng con cũng được chúc phúc qua sự đồng hành và lo lắng cho tha nhân trong Chúa.

Chặng thứ 12: Chúa Giêsu chết trên cây thập giá.

Địa điểm: Barangaroo.

Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Tôi khát! " Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: "Thế là đã hoàn tất! " Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (John 19:28-30).

Suy Niệm.

Giấm pha nước là thức uống bình thường của lính La-mã khi thi hành nhiệm vụ. Chúa Giêsu đang hấp hối và khát nước, Người cần đến lòng trắc ẩn của những người bên cạnh. Chấp nhận nước uống cũng là cách chấp nhận họ. Khi Người nói, ‘Mọi sự đã hoàn tất’, điều này mang ý nghĩa: “Ta không chịu được nữa.” Điều này nói lên công trình cả đời của Người liên kết với nhân loại trong cảnh túng thiếu đã được hoàn thành, qua sứ vụ cứu độ của Người. Người vẫn luôn tín trung với Chúa Cha, Đấng ủy thác Người đi. Người luôn gắn bó với những ai đang cần Người bên cạnh. Khi Người “trao phó thần khí mình”, điều này có nghĩa ban cho anh chị Người qui phục sự chết, và đồng thời, Người chiến thắng sự chết. Đây là lúc Người tuôn trào Thần Khí, để chúng ta nhận lãnh thần lực làm chứng nhân cho Người.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa, Chúa đã tự hiến mạng sống Chúa, để chúng con được sống phong phú hơn, trong cuộc sống hiện tại và mai sau. Chúng con tin rằng, mỗi người chúng con giống như Chúa, đều được ơn gọi đặc biệt từ Chúa Cha, và chúng con tin rằng mỗi người chúng con đều được gìn giữ nhờ Chúa Thánh Thần của Người. Xin giúp chúng con khám phá ra ơn gọi của chúng con, để trọn vẹn ấp ủ trong tâm hồn. Xin cho nhiều tâm hồn trong chúng con, sẵn sàng trở nên những vị linh mục, những tu sĩ, những vợ chồng, những cha mẹ và những người độc thân tận tụy, tất cả đều dấn thân phụng sự Nước Chúa. Xin cho chúng con biết rằng, dù đau yếu hay mạnh khỏe, chúng con vẫn có thể hiến thân xây dựng thế giới, một thế giới được Thiên Chúa yêu thương. Xin cho chúng con trở thành chứng nhân của Chúa, như Chúa đã truyền cho chúng con. Xin cho chúng con, trong giây phút cuối đời, cũng có thể nói lên: “Mọi sự đã hoàn tất.”

Chặng thứ 13: Xác Chúa Giêsu được mang xuống khỏi cây thập giá.

Địa điểm: Barangaroo.

Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su. Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá. (Matthew 27:57-59).

Suy Niệm.

Sau cùng, Chúa Giêsu không làm gì được cho chính mình. Người bị ngược đãi như trẻ thơ và sự ngược đãi chỉ chấm dứt khi Người chết đi. Nhưng, như lời đã viết trong Kinh Thánh mà Người hằng yêu mến, “tình yêu mạnh hơn sự chết.” Tình yêu Chúa Kitô vẫn tiếp diễn và còn tiếp tục khơi lên nhiều hành vi tốt lành. Ông Giuse thành Arimathaea thể hiện tình yêu mình cho Đấng đã chết vì chúng ta. Ở đây, ông Giuse thay cho chúng ta, những người được kêu gọi tiếp tục yêu thương, ngay cả khi phải đối diện với những khó khăn.

Lời Nguyện.

Lạy Chúa nguồn sự sống và là Chúa chiến thắng sự chết, khi họ đem Chúa xuống khỏi cây thập giá, các môn đệ của Người, trong niềm hy vọng, đã trao phó Người cho Chúa Cha. Khi chúng con đối diện với chính cái chết của mình và cái chết của những người thân thương, những thách đố nặng trĩu tâm can. Xin cho lời hứa của Người, “Ta là sự sống lại và là sự sống”, làm phấn khởi lòng mọi người chúng con. Chúng con là những người lữ hành trên dương gian, và thiên đàng là nơi quê thật của chúng con. Xin cho chúng con được chúc phúc trong niềm tin tưởng rằng: Chúa chính là Con Đường cho chúng con.

Lê Hiển chuyển ngữ

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 18.07.2008. 16:30