Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vụ án Thái Hà: Một hiện tượng mới lạ

§ Gia Minh

WASHINGTON 9/12/2008 -- Trước phán quyết của phiên toà diễn ra tại Hà Nội tuyên án 8 giáo dân Giáo Xứ Thái Hà ở mức án treo và cảnh cáo, Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc, người theo dõi tình hình Giáo Hội Công Giáo Việt Nam lâu nay, có một số nhận định liên quan, qua cuộc trao đổi với biên tập viên Gia Minh sau đây.

Nghe | Download

GS Nguyễn Đăng Trúc: Xét về tội, có nhiều vấn đề chắc báo chí người ta đã nói bấy lâu nay rồi, nhất là báo chí ở ngoại quốc người ta nói cũng không hiểu tại sao những chuyện nếu thật sự có tội thì không xét xử một cách đúng theo luật lệ của Việt Nam. Còn vấn đề thứ hai nữa, đây cũng lần đầu tiên đối với nhà nước thì họ cũng thường thường chỉ định trước ai có tội ai không, lần này thì thấy có vấn đề tù treo, cái đó cũng là một hiện tượng mới lạ. Đó là cảm tưởng đầu tiên.

Phán quyết của Tòa gây ngạc nhiên

Gia Minh: Xin phép ngắt ngang lời Gíáo Sư, là ngay cả luật sư biện hộ cho các bị cáo cũng cho rằng mức án là quá nhẹ so với mọi trường hợp và cũng như ý kiến của Giáo Sư vừa mới nói là cũng gây ngạc nhiên đó, thì Giáo Sư có thấy là vì sao ngay cả luật sư biện hộ cho là nhẹ như thế ạ?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Tôi cũng không hiểu ý kiến của luật sư biện hộ như thế nào nhưng mà theo tôi thì mình quen với cuộc sống ở các nước dân chủ ở ngoài thì cái vấn đề phản đối khi thấy có bất công thì mình phản đối đó, theo đúng cái biện pháp quy định cho rằng là bị tù hay bị lên án thôi thì cái đó không có gì đáng mừng cả, là nhẹ hay là nặng cả.

Đó là phản ứng đầu tiên đối với tôi, tức là không có tội gì khi nói đến phát biểu cái ý kiến của mình trong khuôn khổ luật pháp cho phép, còn ngoài ra như vừa rồi tôi nói tôi ngạc nhiên là thường thường nhà nước bày ra một vụ án mà thường vụ án như nhà nước đã loan báo trên diễn đàn chính thức, tức là qua truyền thanh truyền hình mà chúng tôi được nghe thì coi như đã là một tội rồi.

Nhà nước đưa ra những tội danh này khác, mà bây giờ chỉ có tù treo thôi thì có lẽ tôi cũng nói cái ý của tôi đó là tôi thấy có lẽ vì áp lực trên thế giới về những chuyện là không tin tưởng Việt Nam trên phương diện áp dụng luật lệ của họ đưa ra, do những áp lực của ngoại quốc thì cái đó nó hữu hiệu.

Tức là cái dư luận quốc tế và cái phản ứng trong quốc nội đã tạo nên một áp lực đưa đến như vậy.

Chính sách lơ mơ không rõ rệt

Gia Minh: Bây giờ với những bản án như vậy thì Giáo Sư có thấy rằng có tạo nên được một tiền lệ đối với hoạt động xin lại các cơ sở mà sau các thời điểm bị trưng thu và bây giờ các tôn giáo muốn xin lại đó?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Cái đó thì bên phía nhà nước trên phương diện chính thức thì họ nói rằng sẽ có một chính sách để làm sao như người Việt Nam mong ước là phải có một chính sách rõ ràng, bằng văn bản, cũng như các địa phương áp dụng chính sách đó của nhà nước như thế nào.

Thì cho đến bây giờ, thường thường người dân cũng giống như ở bên ngoài người ta cứ nghe nói nghe nói mà trên phương diện áp dụng thành những quy định rõ rệt thì không thấy rõ ràng gì cả.

Đây đó thì có trả lại, thí dụ như đại chủng viện này hay vùng đất khác, nhưng mà quá nhiều đất đai không những của Công Giáo mà của các tôn giáo bị tịch thu cho đến bây giờ thì tôi không biết cái tiến trình để chính phủ Việt Nam đưa ra các chính sách và áp dụng các chính sách như thế nào đó, người dân lơ mơ không rõ gì cả.

Thì chúng tôi ở bên ngoài cũng vậy. Khi nghe tin truyền thông của chính phủ cũng chỉ đưa tin một vài chi tiết nào đó thành thử rằng đó là tất cả, mà quá nhiều vụ việc đi, quá nhiều đất đai bị tịch thu một cách trái phép hoặc là cho mượn không trả, tất cả những cái đó quá nhiều, trong lúc những cái mà chính phủ giải quyết thì đây đó thôi, thành thử cho đến bây giờ không có một câu trả lời nào dứt khoát cả.

Coi thử rằng sau cái vụ Thái Hà thì còn có vụ nào nữa không. Thứ hai nữa cũng tuỳ cái tâm trạng của dân địa phương, cũng tuỳ tâm trạng của người đòi, có người đòi bằng cách làm đơn, có người bằng cách là vì có sự người ta thấy đe doạ rằng cơ sở của người ta sẽ bị lạm dụng hay là đưa đến phát mãi đi rồi, thành thử người ta phải đi kiện gấp, thì cái đó mỗi việc nó có những hoàn cảnh riêng, khó mà nói được.

Nhưng mà qua vụ Thái Hà thì tôi hiểu như thế này, Việt Nam trong tương lai cũng nên chọn một con đường đối thoại với người dân, người dân không phải là kẻ thù của mình, các tôn giáo không phải là kẻ thù của mình, nên đối thoại chân thành với họ.

Người dân cũng không ai muốn tạo ra một bầu khí căng thẳng, bỏ ăn bỏ làm để đi làm những công việc đó, trừ khi bị bất công quá người ta mới làm như vậy, thì tôi mong ước rằng những người cai trị lắng nghe cái tiếng nói của người dân ở trong cũng như ở ngoài nước để làm sao giải quyết cho đẹp.

Tôi cũng chỉ là người dân nói lên cái nguyện vọng như vậy.

Tòa Thánh luôn muốn thân thiện với Việt Nam

Gia Minh: Thưa Giáo Sư, trong vụ việc vừa rồi ở Thái Hà cũng như ở Toà Khâm Sứ Hà Nội thì trước đây Giáo Sư cũng có nói là mọi người cũng đánh giá là lần đầu tiên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có một Thư Chung gửi cho giáo dân và cũng như có ý kiến với phía chính quyền là tất cả những việc làm đó đều đúng chứ không có gì sai trái cả, thì sau vụ việc này, theo đánh giá của Giáo Sư thì quan hệ giữa phía chính quyền và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sẽ đi theo hướng nào?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Thì như tôi đã nói cái ý nguyện luôn luôn của Giáo Hội Việt Nam, nhất là đối với Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI này luôn luôn muốn tạo một bầu khí hoà hoãn và xây dựng ngoại giao theo đúng cái lương tâm cũng như đúng với quốc tế công pháp, thì cái đó chăc chắn về phía Toà Thánh không thay đổi.

Nhưng mà thấy hoàn cảnh vừa rồi thì có những cái khách quan thì có thể có những cái bất thường trong cái lối điều hành bộ máy nhà nước ở tại Hà Nội. Không biết là cái đó có tính cách nội bộ hay là có cái chủ điểm của chính sách của nhà nước ở Việt Nam, nhưng mà cái đó về phía Toà Thánh hoàn toàn bị động.

Toà Thánh cho thấy đường lối của mình là muốn tạo một bầu khí hoà hoãn và thân thiện đối với Việt Nam, nhưng mà về phía bên nhà nước sau khi đã gặp gỡ với Toà Thánh cũng không áp dụng hay là có những sự kiện nó xảy ra.

Như vậy chúng tôi cũng đương còn nghiên cứu xem Việt Nam muốn cái gì sau khi tạo nên những khó khăn như vậy cho Toà Thánh và tại sao lại phải làm khựng lại cái tiến trình để nối kết vấn đề ngoại giao với Toà Thánh như vậy, thì cái đó để cho chính phủ Việt Nam trả lời.

Nhưng mà tôi nghĩ có lẽ do cái vấn đề nội bộ của Việt Nam chưa ổn hoặc là bị một cái áp lực quốc tế nào mà để chưa muốn thiết lập đối với Toà Thánh thì cái đó là theo như ở bên ngoài người ta nghĩ có tính cách khách quan là như vậy. Còn cái việc Toà Thánh thì tôi thấy rằng là chính sách của họ không thay đổi.

Gia Minh, RFA

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.12.2008. 01:40