Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Việt Nam: Ô nhiễm khắp nơi, làm sao đây?

§ Bình Hòa

Mùa hè, nắng Sàigòn nóng như lửa đổ. Rồi mưa. Những cơn mưa bất ngờ làm dịu bầu không khí và làm tan đi đám bụi mịt mờ. Mưa làm những người vô gia cư phải nhọc nhằn nhưng chính họ cũng phần nào thấy dễ chịu hơn. Sống nơi ô nhiễm, người ta quen với bầu khí khói bụi mịt mù, nhưng những cơn mưa vẫn cần thiết biết bao. Sống trong xã hội mà lừa lọc, gian xảo, tàn nhẫn và che đậy đã thành nếp thì người ta cũng chai đi từ từ, nhưng cái đẹp và sự thật vẫn được tôn vinh, vì Đấng Sáng Tạo là nguồn của Sự Thật, Cái Tốt và Cái Đẹp.

Người ta vẫn nói giáo dục Việt nam có quá nhiều khuyết điểm. Thật ra chỉ có một khuyết điểm chính mà ai cũng dễ nhận ra. Đó là sự giả trá. Ngay từ lớp mầm chồi ở nhà trẻ, học sinh đã tiếp cận với cái giả dối khi các cô giáo phải đối phó với kiểm soát, thanh tra. Từ tiểu học lên trung học và vào đại học, kể cả sau đại học, chuyện quay cóp, gian xảo là hiển nhiên đến nỗi không ai còn tin là có người đi học mà không quay bài. Thầy cô đi học cao học cũng ăn gian. Khi tôi kể với sinh viên ngày trước tôi học trong chủng viện, ai quay bài là bị đuổi học, sinh viên cười lên chẳng tin. Thật dễ sợ vì người ta được dạy để không còn tin có sự trung thực trên thế gian này.

Có lần trong bài viết về giáo dục, tôi trích lời của một tiến sĩ sử học trường Đại Học Sư Phạm và một anh giáo viên là cựu chủng sinh: “Một lần nọ, đang giờ học buổi tối, anh đi ngang qua phòng học của chúng tôi, gọi ra và nói nhỏ: “Vinh này, tôi buồn quá. Chiều nay có một đồng nghiệp dạy khoa khác, gặp tôi nói thẳng rằng tôi nói dối suốt ngày, vậy sao tôi chịu được? Nhưng tôi hỏi Vinh, nếu tôi không nói dối thì làm sao tôi kiếm được chén cơm?” Mới đây trong kỷ yếu của cựu chủng sinh Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan Đà nẵng, có anh đang dạy một môn nọ ở Sài gòn, cũng tỏ ra mặc cảm và bảo: gặp tôi ai cũng hỏi tôi còn dạy môn ấy không”.

Làm sao có thể sống trung thực trong xã hội gian dối như thế? Đã từ lâu tôi không đọc báo trong nước vì thấy chẳng có bài nào viết thật. Nhưng không đọc thì sao? Mỗi tháng tiết kiệm được ít chục ngàn. Vấn đề là bạn bè bà con mình cũng đọc, người tin người không. Một anh bán tạp hoá ở gần nhà thờ Tân phú bảo: “Biết là nó nói dối nhưng mỗi ngày cũng mua một tờ mà đọc, buôn bán cả ngày mệt mỏi, muốn thư giãn vậy thôi”.

Trong lãnh vực giáo dục, người ta nói theo sách riết rồi cũng quen nói dối. Có giáo viên bảo: “Tôi nói theo sách chứ có nói theo ý tôi đâu”. Một năm, hai năm rồi năm bảy năm lặp đi lặp lại hoài họ cũng nói như thật. Thậm chí mới đây trên một diễn đàn, có anh viết bài suy niệm mà cũng hằn học với các cố Tây. Có thể anh vẫn yêu mến và biết ơn các nhà truyền giáo, nhưng biết sao được, trên bục giảng vẫn “ta tốt ta đỉnh cao, Tây xấu, Mỹ nghèo đói, Úc bất công!”. Đi dạy mà nói thật ư, có thể thất nghiệp như cô Bích Hạnh trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Quảng nam. (Nguyễn Bỉnh Khiêm nơi chín suối chắc chắn đau lòng lắm về chuyện này)

Tôi gửi bài cho một website nọ ở Việt nam, tưởng rằng ông cha phụ trách truyền thông phải can đảm, ngờ đâu khi gặp mấy từ “linh mục quốc doanh” ông cắt mất, thay vào đó là ba chấm… lạnh lùng. Tìm hiểu thêm tôi mới được một linh mục khả kính cho biết ông về hưu, đã từng viết bài lên án nhiều linh mục, nhưng lại sợ nhiều thứ khác.

Chưa hết, một anh cựu tu, chạy đôn chạy đáo tổ chức nhóm gia đình này gia đình nọ, bắt chước gia đình Khôi Bình hay Gia đình CTC, nhưng anh này thất bại vì dần dần các thành viên, kể cả gia đình các cựu chủng sinh, chán nản bỏ hết vì anh ta không thật và hám danh. Có một chị thành viên vốn là tân tòng nói với tôi: “Mấy ông tu ra mà cũng vậy. Nhưng không hiểu sao mấy ông cha còn tin anh ta được”. Khổ một nỗi là các cha ở nhà xứ có giờ đâu mà làm cái khảo sát để biết giáo dân tội lỗi nghĩ gì.

Nhìn đâu cũng thấy gian, đi đến đâu cũng thấy lọc lừa, những người thiện chí muốn buông xuôi, kệ nó, ô nhiễm mà, tránh sao được. Mình cứ lo đi lễ rồi về, thế là được. Nhưng không được, chấp nhận những tàn độc lạnh lẽo chung quanh thì mình trước sau gì cũng bị ảnh hưởng. Ngay cả mới đây ở T., người Công giáo mở trung tâm dạy ngoại ngữ cũng theo tiêu chí “mục đích biện minh cho phương tiện” để quảng cáo và hành xử không đúng đắn. Vậy thà học trường không Công giáo còn hơn, để sau đỡ thất vọng.

Làm sao đây? Câu trả lời phải từ nơi các vị hữu trách. Các mục tử cần đưa ngay Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (HTXHCG) vào dạy cho dân Chúa. Ở đó có tất cả các câu trả lời cho mọi vấn nạn nhân sinh. Thật buồn cho đến hôm nay rất nhiều người có đạo chưa hề nghe đến HTXHCG. Lửa có rồi, xin hãy góp phần thổi bùng lên. “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt nam”.

Gioan Lê Quang Vinh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.06.2009. 14:20