Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Viết cho cây thánh giá buồn

§ Làng Nghi

Với biến cố Chúa Jesus bị đóng đinh và chết treo trên thập giá, từ hơn hai nghìn năm nay, cây thập giá  đã trở thành một biểu tượng thiêng thánh cho người Công giáo và niềm tin Công giáo. Bởi thế cho nên người ta đã gọi cây thập giá bằng một từ rất trân trọng: Thánh giá. Chữ Thánh giá viết hoa.

Nhưng tôi thấy đó là một cây Thánh giá buồn.

Vâng, đó là cây Thánh giá buồn. Tự ngàn xưa, Thánh giá đã là cái để người ta tôn thờ và cũng là cái để người ta xúc phạm. Trong thờ kì đạo Chúa bị bách hại, cây Thánh giá trở thành một biểu tượng của sự chà đạp. Tưởng có lúc phải lụi tàn.

Trong đầu tôi thấp thoáng hình ảnh bóng cây Thánh giá đổ xuống trên đồi Calvaire trong một chiều tang thương Chúa tắt thở. Đó là một cây Thánh giá buồn.

Rồi hàng nghìn, hàng nghìn tín hữu vô tội bị giết bởi tay Nero bạo chúa. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Quo Vadis đã diễn tả lại một cách sinh động hình ảnh người Công giáo bị tàn sát trong những đấu trường đẫm máu. Mà ở đó, sự sống bị xem như một trò đùa dưới nanh vuốt sư tử. Và còn đó hàng trăm, hàng nghìn cây Thánh giá được dựng lên bên những nẻo đường thành Rome, mỗi một người tin Chúa là một ngọn lửa cháy bùng bùng trong đêm. Man rợ. Khủng khiếp. Đó cũng là một cây Thánh giá buồn.

Quê hương tôi, đất nước tôi còn đó những cây Thánh giá nặng thương đau. Trải dài suốt gần 500 năm lịch sử giáo hội Chúa tại mảnh đất này, trong mỗi phút giây, bóng cây Thánh giá vẫn đổ xuống trên đầu giáo dân. Trong mỗi phút giây của gần nửa thiên niên kỉ lịch sử ấy, chưa bao giờ người Công giáo được hưởng niềm an vui trọn vẹn của niềm tin Chúa. Không phải vì niềm tin họ không kiên vững. Cũng không phải đạo Chúa quá khắt khe và giáo điều. Mà vì mỗi thời kì, mỗi giai đoạn đi qua, triều đại này đổ thì triều đại khác lên, chế độ này tan rã thì chế độ khác lấp chỗ trống. Từng ấy biến thiên của lịch sử. Nhưng sự đàn áp tôn giáo là cái dường như không thay đổi. Nó không thay đổi và càng tinh vi hơn, ma quái hơn, và cũng ghê rợn hơn.

Thật  đáng tởm làm sao khi hôm nay một vị lãnh đạo Việt Nam ghé thăm Đức Giáo hoàng, thì ngày mai Toà Tổng giám mục Hà Nội bị cướp mất Toà khâm sứ. Cướp một cách lén lút và đê tiện.

Thật  đáng tởm làm sao khi hôm nay một vị lãnh đạo khác của Việt Nam đến điện Vatican, thì không lâu sau đó người Công giáo bị đánh đập và bách hại theo cách không thể dã man và hèn hạ hơn.

Trong tôi vẫn là một hình ảnh của cây Thánh giá buồn.

Ngày xưa có lệnh vua quan phong kiến, ai bước qua Thánh giá  thì sống, ai không chịu bước thì chịu trảm. Ấy thế mà hơn ba trăm nghìn người Công giáo Việt đã kiên quyết không bước qua biểu tượng thiêng thánh ấy. Dòng máu tử đạo vẫn tuôn chảy đến hôm nay.

Có câu chuyện kể lại rằng, ngày những tên lính Cộng sản tiến vào Huế, chúng ngang nhiên xông vào nhà thờ và hỏi các nữ tu, “Chúa của các người ở đâu?”. Có một Soeur chỉ lên bàn thờ, một tên lính ngay lập tức chĩa súng về phía đó và bóp cò. Bàn thờ bị bắn. Chúa bị bắn. Và khi người ta tiến lại gần tên lính kia, thì hắn đã chết đứng tự lúc nào.

Lại có  tên lính khác, lúc xông vào Giáo hoàng Học viện Pius X tại Đà Lạt, nhìn thấy cây Thánh giá trên cao, ngay lập tức y chĩa súng. Súng nổ, cây Thánh giá bê tông không làm sao, chỉ vỡ ra một miểng văng vào mắt tên lính xấc xược kia.

Cây Thánh giá trên nóc tu viện dòng Chúa cứu thế Thái Hà  xưa, mà nay là bệnh viện Đống Đa, cũng từng bị xúc phạm như thế. Lúc chính quyền cưỡng chiếm tu viện, đã cho một người leo lên để hạ cây Thánh giá. Khi nhát búa chạm vào Thánh giá, ngay lập tức kẻ kia ngã gục xuống...

Đó là hình ảnh của một cây Thánh giá buồn.

Thánh giá  Chúa bị xúc phạm nặng nề ở Thái Hà, Toà khâm sứ, Tam Toà... Và nay Thánh giá lại bị xúc phạm ở mảnh đất Đồng Chiêm. Và có thể sẽ còn rất nhiều nơi nữa. Người ta đã bàng hoàng và không tin vào mắt mình khi chứng kiến những lớp lớp công an, cảnh sát với sắc phục tề chỉnh, với chó săn, với vũ khí và máu lạnh, ngang nhiên đánh đập hàng chục người đến bất tỉnh. Những hình ảnh làm ghê rợn người xem. Không cần tô đậm thêm sự khủng khiếp đó.

Khi cây Thánh giá bị chà đạp, thì cũng là một lần Chúa chịu chết cho loài người tội lỗi.

Những giọt nước mắt và máu đã đổ xuống để bảo vệ Thánh giá Chúa. Đi theo Chúa luôn có nhiều đau thương. Nhưng bao giờ cũng vinh hiển và đầy hân hoan.

Ta tin vào một ngày cây Thánh giá sẽ không buồn nữa, trên mảnh đất quê hương ta...

Hà Nội, 07.01.2010

Làng Nghi

Đọc nhiều nhất Bản in 08.01.2010. 11:35