Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vài ý kiến về mưa Hà Nội

§ Laodong Online

Lãnh đạo Hà Nội có lội ra đường ngập không?

Là người con của đất Hà Thành, đang ở xa quê hương, khi tôi đọc được những tin tức về Hà Nội thân yêu bị mưa lụt, thấy mà thương gia đình, thương những người dân phải sống trong nước, thiếu thốn đồ ăn thức uống, và đã có người phải chết quá bất công như vậy.

Tôi tự hỏi lãnh đạo Hà Nội liệu có đang sống ở Hà Nội không? Có ra đường tận mắt chứng kiến cảnh dân tình sống khổ như vậy không? Câu trả lời là người ta có biết đấy chứ. Người ta đã có và chi 200 triệu USD cho hệ thống thoát nước. Mà sao Hà Nội lại một lần nữa ngập trong biển nước như vậy?! Có nghĩa là các ông các bà ở các ban ngành liên quan không có kiến thức để tìm cách hiệu quả cải thiện được hệ thống thoát nước của Thủ đô. Nếu như các ông các bà không làm được thì đừng tham lam, đừng sĩ diện, đừng giấu dốt, mà hãy kêu gọi những người bạn quốc tế ra tay giúp đỡ thật sự. Chứ không phải cho tiền để các ông các bà đút vào túi mình rồi dân vẫn khổ cực, lầm than.

Nỗi lo của người dân thủ đô mỗi khi trời bắt đầu đổ mưa lớn là "đường về nhà mình có lụt không?". Bạn bè bốn phương sẽ vô cùng ngạc nhiên và thương xót cho những người dân. Cần có biện pháp khẩn cấp, năm 2010 sắp đến. Ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ơi!

Kieuanh (Laodong Online 3.11.2008)

Lãnh đạo Hà Nội nên nghiêm túc nhận trách nhiệm trước dân

Hà Nội vừa trải qua hai ngày (suốt ngày 31.10 kéo sang sáng 1-11) bị trận mưa lịch sử dập vùi gây úng ngập diện rất rộng lớn. Tình trạng nước lụt úng rất nặng nề trên diện rộng hầu như khắp thành phố làm cho nhân dân và cả lãnh đạo T.P, các ban ngành thực sự bất ngờ.

Chính sự bất ngờ đã làm cho phản ứng của nhân dân, của các ban, ngành, lãnh đạo T.P trở nên lúng túng, hết sức bị động cũng là lẽ tất yếu. Tuy nhiên đọc bài “17 mạng người và 3.000 tỷ và…” trên LĐO ngày 2.11, tôi thấy thật thương xót cho những gia đình có người tử nạn, buồn cho sự bị động lúng túng chịu trận của chính quyền, ngành chức năng và nhân dân Hà Nội và nếu thực sự chăm lo cho cuộc sống của dân thì thiệt hại tại nội thành Hà Nội không đến như vậy.

Trong thiệt hại này do trời đã đành, nhưng do những người có trách nhiệm của Hà Nội không phải vô can vì mấy lẽ:

Sáng 31.10, nhiều tuyến đường Hà Nội đã bị ngập nước nhưng toàn bộ những người lưu thông trên đường hoàn toàn tự phát vòng vèo tìm đường tránh để đến cơ quan nhưng ai cũng nghĩ cách tránh nên bất kể đâu cũng bị ùn tắc và mưa cứ xối xả nên đứng giữa dòng nước mà chịu trận. Khổ nhất là chị em phụ nữ chân yếu, tay mềm, xe phân khối lớn bánh lại bé… Trong trường hợp này, ngành GTCC và CSGT nếu có phương án chủ động có thể có sự liên lạc thông tin cho các trạm trực ở các giao điểm đường quan trọng có thể thông tin cho mọi người lưu thông trên đường biết tình trạng các điểm úng ngập phía trước để không cố luồn lách đi nữa, ai gần nhà, gần người thân có thể về nhà và thông báo đến cơ quan tình hình thì đâu đến nỗi. Trong khung cảnh đường xá tắc nghẽn vì xe bị nước ngập sâu chết máy, nếu CSGT và GTCC có sự chỉ huy thống nhất, linh hoạt cử người đứng trực tại các ngã tư, những nơi có hố ga mất nắp, mương thoát nước đang thi công dở dang nguy hiểm hướng dẫn người dân biết để tránh thì không đến nỗi có người thiệt mạng giữa đường phố.

Trong tình hình nguy cấp như vậy tại sao lãnh đạo T.P không tận dụng phương tiện truyền hình phát thanh của T.P và của Trung ương có phát biểu mở chỉ đạo các ban ngành có hành động cụ thể để hỗ trợ dân khắc phục khốn khó như tổ chức ngay cách cung cấp thực phẩm, lương thực có thể dùng thuyền nhỏ lưu động bán mì tôm, đồ ăn khô bánh mì, rau quả cho dân, chở những người ốm đến bệnh viện…hạn chế thấp nhất thiệt hại cho dân.

Không chỉ nội thành Hà Nội ngập úng, mà toàn Hà Nội mới cũng cùng chung hậu quả nhưng quả thật sự xuất hiện của các vị lãnh đạo T.P các vùng trọng điểm khó khăn, vùng xa cũng không thấy đâu?

Dẫu sao cơn đại hồng thuỷ từ trên trời rơi xuống là hiểm hoạ khôn lường, không hoàn toàn theo quy luật vì vậy chỉ có chủ động bằng công trình hạ tầng luôn thường trực tốt, trình độ dự báo tốt, có dự kiến sẵn một số phương án chỉ huy điều hành thì mới giảm thiểu được tác hại.

Trước sự kiện thiên tai này tôi đề nghị:

1. Hà Nội nên điều tra, kiểm tra chính xác năng lực và chỉ rõ nguyên nhân tại sao việc thoát nước kém, cách khắc phục cụ thể.

2. Hà Nội đã mất rất nhiều hồ chứa nước trong T.P ( cả những hồ lớn và nhiều hồ nhỏ) chỉ vì lợi ích cụ thể là lấp, san nền để xây dựng nhà chung cư, cho thuê văn phòng, để sửa sai nên chăng lại phải dành một số diện tích thích hợp, ở những vị trí phân bổ thích hợp để làm lại một số hồ nhân tạo quy mô nhỏ làm trạm thu nước mưa trung chuyển và nên mở thêm hệ thống cống có trạm bơm cưỡng bức cho thoát nước ra phía bắc T.P hướng An Dương, Phúc Xá. Bạch Đằng, Vĩnh Tuy giải quyết úng ngập khu phố cổ, phố cũ, khu vực quanh Hoàng Thành được không? Còn tuyến kênh mương ống cống cũ đón nước chảy về sông Lừ, sông Sét , Kim Ngưu, Tô Lịch về phía trạm bơm Yên Sở vẫn rất cần xem xét cải tạo, nạo vét tốt hơn.

3. Sau việc này Hà Nội cũng nên kiểm điểm, rút kinh nghiệm để có kịch bản, phương án thường trực tốt nhất cho các sự cố úng ngập, nhất là chưa kể tới tình huống ô tô bị ngập nước gây sự cố tràn xăng loang rộng trên mặt nước, loang vào các nhà ven đường gây hoả hoạn thì hậu quả còn không lường hơn.

B.Đ (Laodong Online 2.11.2008)

Bài học lớn từ... mưa!

Nếu trước ngày 31.10.2008, có ai đó nói rằng phải học hỏi thật nhiều kinh nghiệm từ một trận mưa thì chắc chắn là chẳng ai tin. Thế nhưng, chỉ cần một trận mưa ở Hà Nội thôi, nó cho chúng ta nhiều bài học - dù đó là những bài học đau xót.

Ngành khí tượng thuỷ văn, giống như bao lần khác, lại cho người dân biết về "sự phức tạp, khó lường" sau khi đã xảy ra hậu quả lớn. Cụm từ "35 năm mới có một lần" như là cái van an toàn nhất cho tắc trách của các ngành chức năng.

Mưa to, nước lên, phố xá thành sông mà chỉ có dân tự thân chống chọi với nước ngập, chẳng thấy ban ngành nào của thành phố cảnh báo, hướng dẫn tránh ngập, điều hành giao thông. Thành phố đã đầu tư rất nhiều tiền lắp đặt camera ở các tuyến phố nhưng trong mấy ngày mưa lụt chẳng ai sử dụng để điều hành giao thông giúp dân. Hệ thống loa đài phường trong lúc mưa ngập lớn, đường tắc, có vẻ như là phương tiện hữu hiệu để các ban ngành thành phố liên lạc với dân nhưng không hề được huy động.

Trong khi đó, Sở GDĐT ra thông báo muộn mằn (chiều 1.11) về chuyện nghỉ học hết ngày 3.11, sau khi có 3 học sinh chết đuối vì mưa ngay giữa thủ đô (!). Và rồi, sáng 1.11, sau khi Hà Nội có tới cả chục người chết vì mưa và thiệt hại cả ngàn tỉ đồng, giá cả tăng vọt mà chẳng có cấp nào can thiệp, thì phó chủ tịch thành phố phụ trách khối mới đến trạm bơm Yên Sở để động viên và chỉ đạo bơm nước. Đó là sự vô cảm khó có thể chấp nhận!

Các nhà quy hoạch nghĩ sao khi Hà Nội dự báo thoát nước theo mức chỉ mưa 100ml, đến lúc mưa to quá, nước không thoát được, lại đổ cho sự "bất thường"? Bất thường gì mà ngay từ năm lớp một đứa trẻ nào cũng được dạy rằng nước ta nắng lắm, mưa nhiều? Tầm nhìn và tư duy dự báo theo kiểu cò con, chắp vá, cùng nạn phá rừng, phá hoại tài nguyên chính là đầu mối của rất nhiều tai hoạ do... con người gây nên.

Nếu do lũ, lụt, cuồng phong thì là một nhẽ, đằng này chỉ là một trận mưa to mà thủ đô biến thành ao hồ thì không thể tưởng tượng nổi! Rõ ràng, không thể quy hoạch đô thị theo cách gặp chăng hay chớ, ưng chi làm nấy. Nếu không đủ tâm, đủ tầm thì không thể làm quy hoạch. Cái đầu của nhà quy hoạch phải là tổng hợp tinh hoa của ngành tương lai học. Đừng vin vào cái lý do muôn thuở là "thiên tai bất thường". Bất thường ấy, người ta nói đến từ hàng trăm năm nay rồi. Có hay không những công trình thoát nước không đúng chất lượng vì bị bớt xén? Có hay không việc các nhà khí tượng thuỷ văn "ngủ quên" trên cái nền kiến thức cũ?

Hàng chục người chết và mất tích, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng chỉ vì một cơn mưa, suy đến cùng là do ai, do cái gì? Chẳng lẽ những thiệt hại, tổn thất nặng nề lúc này chỉ có người dân chịu mà không thấy ban, ngành nào đứng ra nhận lỗi? Đã đến lúc phải xây dựng và thiết lập cơ chế rõ ràng rằng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì phải từ chức, bị kỷ luật. Đã không làm tròn nhiệm vụ, nhất thiết phải bị bãi nhiệm bởi sự dung túng sẽ làm khổ dân, thiệt hại cho nước.

Thảm cảnh hàng chục người dân chết đuối vì mưa giữa thành phố, cảnh tượng cả một thủ đô chìm trong biển nước... - sự cảnh báo của "bà mẹ - trái đất" thật là nghiêm khắc. Rất nhiều bài học buộc tất cả chúng ta phải nhìn sâu, nghĩ lâu và tính xa hơn nữa !

Hà Văn Thịnh (Laodong Online 3.11.2008)

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.11.2008. 22:31