Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vài nét về Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà - Hà Nội

§ DCCT

Ðầu năm 1926, khi mới đến Việt Nam khoảng 2 tháng, cha Hubert Cousineau và cha Eugène Larouche đã giảng cho các linh mục ở Phát Diệm, Hà Nội và Hưng Hóa. Ngay từ lúc này, các vị đã muốn thiết lập một Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế tại miền Bắc. Giữa năm 1926, trong kỳ kinh lược Việt Nam đầu tiên, cha Giám Tỉnh Thomas Pintal đã cử cha Edmond Dionne đi học tiếng Việt tại Phát Diệm và trực tiếp xúc tiến việc thành lập Dòng Chúa Cứu Thế tại miền Bắc. Năm 1927 có thêm cha Pamphile Couture đến sát cánh với cha Edmond Dionne ở Phát Diệm.

Năm 1928, các ngài đã mua được khu đất thích hợp, diện tích khoảng 6 héc-ta, cạnh tuyến đường Hà Nội - Hà Ðông thuộc ấp Thái Hà, có nhà cửa đủ để một cộng đoàn sống mấy năm đầu.

Ngày 26-09-1928 cha Edmond Dionne, Bề Trên cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế tại miền Bắc, đã cùng cha Pamphile Couture và thầy Eloi Trefflé Claveau về sống ở mấy ngôi nhà chủ cũ để lại trên khu đất, kết thúc 2 năm tạm trú tại Toà Giám Mục Phát Diệm. Ngày 07-05-1929, Tu Viện Hà Nội được chính thức thành lập theo Giáo Luật.

Trong thời gian này, ngoài việc học tiếng Việt, các cha thường xuyên giảng dạy tại Phát Diệm, Hà Nội, Hưng Hóa cho các linh mục, các nữ tu Dòng Carmel, các nữ tu Dòng Saint Paul de Chartre và cho kiều dân Pháp. Những kỳ giảng này đã giúp ích nhiều cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.

Ðầu năm 1930, cha Pamphile Couture lập một Ðệ Tử Viện, quy tụ được 12 chú. Bảy tháng sau, vì Ðức Cha Gendreau không bằng lòng, cha Pamphile Couture phải giải tán Ðệ Tử Viện; các chú, một số được gửi vào Huế, một số về lại gia đình.

Cuối năm 1930, các cha bắt đầu xây dựng toà nhà thứ nhất của Tu Viện. Giữa năm 1931, toà nhà này khánh thành, với một phòng rộng làm nhà nguyện và nhà thờ cho giáo dân quanh vùng đến dự lễ. Tại đó, các cha giảng dạy mỗi Chúa nhật, và đã bắt đầu việc sùng kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngày 31-10-1931, Tập Viện được chuyển từ Huế ra Hà Nội. Năm 1934, có hai tập sinh theo đặc sủng linh mục thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế dâng lời khấn dòng. Năm 1935, Học Viện được thành lập. Số sinh viên Việt Nam và Canada tăng rất nhanh, vì vậy, năm 1938, Phụ Tỉnh phải xây dựng thêm một ngôi nhà mới dành cho Học Viện; ngôi nhà này được khánh thành năm 1939.

Năm 1935, khánh thành nhà thờ, các cha mở rộng việc sùng kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngày 23-06-1935, số đầu tiên Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp được phát hành. Năm 1936, Tu Viện xây dựng nhà nghỉ Mẫu Sơn. Năm 1939, giáo xứ Thái Hà được thành lập theo đề nghị của Ðức Cha Chaize. Cũng từ năm 1936, các cha bắt đầu giảng đại phúc bằng tiếng Việt tại Hà Nội. Công cuộc này sau đó phát triển và mở rộng tới các Giáo Phận Phát Diệm, Hưng Hoá, Bùi Chu. Những vị thừa sai nhiệt thành trong giai đoạn này tại miền Bắc là quý cha François Laliberté, Pamphile Couture, Roméo Gagnon, Gérard Michaud, Louis-Philippe Vaillancourt.

Công việc đào tạo cũng tiếp tục phát triển mạnh. Năm 1940, lớp đầu tiên của các tu sĩ người Việt Nam của Học Viện Thái Hà Ấp lãnh sứ vụ linh mục. Nhân sự trong cộng đoàn ngày một đông hơn: năm 1941, Tu Viện có 66 thành viên, gồm 17 linh mục, 26 sinh viên, 12 thầy và 11 tập sinh.

Giữa lúc Tu Viện đang ở trong thời kỳ thịnh vượng, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, và bóng đen u ám của nó bắt đầu ập xuống trên Cộng Ðoàn Hà Nội. Từ năm 1942 đến năm 1945, trong thời gian quân đội Nhật chiếm đóng Việt Nam, Tu Viện bị cô lập hoàn toàn, quý cha, quý thầy người Canada gần như bị quản chế trong Tu Viện, không được ra khỏi nhà và không được làm việc. Các cha Việt Nam cũng không thể đi rao giảng ở các giáo xứ ngoài thành phố Hà Nội. Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp bị đình bản. Tuy nhiên, công việc mục vụ tại nhà thờ vẫn được thực hiện, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 1945, Tu Viện lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn vì đói kém, dịch bệnh và loạn lạc hoành hành. Tuy nhiên, quý cha, quý thầy vẫn tích cực cứu giúp các nạn nhân ở trại Thái Hà, trại Giáp Bát và Bệnh viện Bạch Mai. Riêng cha Louis-Philippe Vaillancourt còn lập một bệnh xá trong khu vực Nhà Dòng, chăm sóc cho khoảng 400 người, trong số đó gần 200 người đã được cứu sống.

Trong công cuộc phục vụ này, Nhà Dòng đã hiệp thông sâu xa với những đau thương, mất mát của Dân Tộc. Nhiều cha, nhiều thầy trong Tu Viện đã bị bệnh nặng do lây lan khi chăm sóc các nạn nhân của trận đói và dịch bệnh năm Ất Dậu 1945. Cha Gia-cô-bê Nguyễn Khắc Cân bị hư mất một mắt. Cha Âu-tinh Nguyễn Hòa Hiệp qua đời vì lây bệnh. Cha Gio-an Ma-ri-a Nguyễn Kim Dong bị máy bay bắn chết trên đường đưa một bệnh nhân từ Nam Ðịnh ra Hà Nội cấp cứu.

Tháng 08-1945, các hoạt động mục vụ bình thường tại nhà thờ Thái Hà đã được phục hồi sau một thời gian phải tạm ngưng vì những lý do khác nhau.

Từ năm 1946 đến năm 1954, Tu Viện tiếp tục sống trong cảnh khó khăn vì chiến tranh bùng nổ tại Hà Nội và sau đó lan rộng khắp Việt Nam. Công việc tông đồ trường kỳ của quý cha, quý thầy Nhà Hà Nội trong giai đoạn này là trợ giúpï các nạn nhân chiến tranh từ khắp nơi đổ về tị nạn tại Tu Viện, cũng như tại các trung tâm Thái Hà, Bạch Mai và Nam Ðồng.

Tuy nhiên, tại những nơi có thể được, quý cha, quý thầy trong cộng đoàn mau chóng tổ chức các hoạt động mục vụ giúp đỡ giáo dân. Quý cha Lionel Sirois, Roméo Gagnon, Sylvère Drouin, Gia-cô-bê Nguyễn Khắc Cân, An-tôn Nguyễn Ðức Tuyên, Maurice Létourneau, Gia-cô-bê Ðào Hữu Thọ, Gio-an B. Hồng Phúc đã giảng đại phúc và giảng tĩnh tâm cho giáo dân, giáo sĩ hay tu sĩ tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bùi Chu, Hưng Hoá, Thanh Hóa, Phát Diệm.

Các cha cũng tổ chức hay sáng lập và điều hành ở cấp giáo phận hay ở cấp quốc gia các phong trào: Tông Ðồ Giáo Dân, Hướng Ðạo, Công Giáo Tiến Hành, Thanh Niên Công Giáo, Hùng Tâm Dũng Chí, Liên Minh Thánh Tâm, Nghĩa Binh Thánh Thể, Hiệp Hội Thánh Mẫu, Hội Thánh Vinh-sơn. Nổi bật trong lãnh vực này là cha Gérard Gagnon, cha Patrice Gagné và cha Gia-cô-bê Ðào Hữu Thọ.

Ngoài ra, các cha trong cộng đoàn còn làm tuyên úy tại Bệnh viện Bạch Mai. Các ngài còn dấn thân trong lãnh vực giáo dục. Năm 1947, các ngài xây dựng ngôi trường đầu tiên cho 17 học sinh. Ðến năm 1953, các ngài đã xây dựng được 6 ngôi trường trong đó có Trường trung-tiểu học Khâm Thiên với khoảng 1000 học sinh.

Tháng 06-1949, Nguyệt San Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tái ra mắt độc giả. Cha Giu-se Vũ Ngọc Bích làm chủ nhiệm. Ngày 07-12-1950, cha Bề Trên Giám Phụ Tỉnh quyết định chuyển Nhà Tập và Học Viện vào miền Nam, Tu Viện Thái Hà chỉ còn 11 cha và 6 thầy; tuy vậy, công cuộc tông đồ của Tu Viện vẫn phát triển. Số giáo dân trong giáo xứ tăng rất nhanh do chạy loạn từ nơi khác về Hà Nội và do cư dân trong các làng thuộc khu vực giáo xứ trở lại.

Có thể so sánh sinh hoạt mục vụ của Tu Viện Thái Hà Ấp trong thời gian này với hoạt động mục vụ của Tu Viện Sài Gòn trong 2 thập niên sau. Sau này, một thừa sai Canada viết: Chúng tôi có một giáo xứ năng động ở Hà Nội, giáo xứ này thực sự là một trung tâm tôn giáo của Việt Nam. Trong cuộc họp tổng kết mục vụ của Giáo Phận Hà Nội năm 1947, cha Cras, O.P, cho rằng Thái Hà là giáo xứ có tổ chức tốt nhất và có nhiều sinh hoạt sống động nhất tại Hà Nội.

Năm 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết, toàn bộ quý cha, quý thầy và đệ tử chuyển vào miền Nam. Thầy Clê-men-tê Phạm Văn Ðạt tình nguyện ở lại. Phụ Tỉnh đã cử cha Denis Paquette và cha Thomas Côté từ Huế ra giữ Nhà Hà Nội. Cha Giu-se Vũ Ngọc Bích và thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn ở Ðà Lạt tình nguyện ra theo. Tu Viện lớn nhất Phụ Tỉnh, nơi đã đào tạo được 45 cha và 50 thầy, lúc này chỉ còn 3 cha và 2 thầy. Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội bước vào một giai đoạn khó khăn chưa từng thấy.

Năm 1956, nhờ chính sách sửa sai của Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cha Giu-se Vũ Ngọc Bích được phép đi giảng 6 tháng ở 12 tỉnh - thành. Tuy nhiên, ngài đã bị các nhà chức trách địa phương thu giấy phép và mời về Hà Nội khi mới giảng được hơn 2 tháng ở Nghĩa Lộ, Phú Thọ và Bắc Ninh.

Ngày 07-05-1955, thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn bị bắt. Ngày 23-10-1958 cha Denis Paquette bị trục xuất. Ngày 09-07-1959, thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn qua đời trong một trại giam tại Yên Bái. Tháng 11-1959, đến lượt cha Thomas Côté bị trục xuất. Ngày 09-10-1962, thầy Clê-men-tê Phạm Văn Ðạt bị bắt; thầy qua đời trong một trại giam tại Yên Bái ngày 07-10-1970. Cha Giu-se Vũ Ngọc Bích trở thành Bề Trên không bề dưới.

Cái chết của hai thầy cũng như sự hiện diện của cha Giu-se Vũ Ngọc Bích từ đó cho đến ngày nay, vừa là dấu chứng về sự tồn tại trung kiên của Nhà Dòng nơi nửa phần Ðất Nước, vừa là dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa đổ xuống trên Nhà Dòng. Chúng ta khó có thể hình dung được hết những gì mà các vị này đã và đang thực hiện cách hiệu quả cho Nhà Dòng và cho Giáo Hội.

Từ khi thầy Clê-men-tê Phạm Văn Ðạt bị bắt, cha Giu-se Vũ Ngọc Bích một mình giữ Ðền. Ngài phải một mình dạy giáo lý vì không được có giáo dân giúp. Ngài cũng không được đi làm lễ hay giảng thuyết ở các nhà thờ khác. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ngài được phép đi thăm các giáo xứ trong và ngoài thành phố Hà Nội cũng như giảng tĩnh tâm cho linh mục, tu sĩ của Giáo Phận Hà Nội.

Tại nhà thờ của Dòng, các ngày thứ bảy, ngài tổ chức 3 giờ khấn chung kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Giáo dân thập phương về hành hương còn đông hơn những năm trước 1954. Mỗi tối thứ bảy hàng tuần có từ vài chục đến vài trăm người tạm trú tại Tu Viện. Khi các toà nhà chính của Tu Viện bị trưng dụng, cha Giu-se Vũ Ngọc Bích được xây cho một ngôi nhà nhỏ ở phía đông nam nhà thờ. Cũng như nhà cũ, nhà mới tiếp tục đón con cái Ðức Mẹ từ khắp nơi về hành hương.

Năm 1985, khi được trả tự do, cha Giu-se Trần Hữu Thanh tình nguyện ở lại phục vụ miền Bắc, giúp giáo xứ Phú Tảo, gần thành phố Hải Dương, thuộc Giáo Phận Hải Phòng. Thế là cộng đoàn Hà Nội được gia tăng nhân sự.

Năm 1987, cha Giu-se Vũ Ngọc Bích nhận những thỉnh sinh miền Bắc đầu tiên tìm hiểu ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế sau năm 1950. Năm 1992, bắt đầu có các cha từ miền Nam ra giúp mục vụ thường xuyên tại Thái Hà; người đầu tiên là cha Giu-se Trần Ðức Khâm, sau đó là cha An-phong Hoàng Gia Khanh, tiếp đến là thầy Giu-se Võ Văn Tuệ và các cha, các thầy khác.

Năm 1993, cha Giu-se Trần Hữu Thanh được cử làm Bề Trên - Chánh Xứ. Ngài vừa ở Trần Nội vừa ở Hà Nội. Cũng năm này, thầy Giu-se Trịnh Ngọc Hiên được phép ra Hà Nội giúp cha Giu-se Vũ Ngọc Bích và được lãnh sứ vụ linh mục ngày 10-06-1994. Ðó là một biến cố vui mừng đặc biệt cho anh em Nhà Hà Nội, cho Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và cho tất cả những ai quan tâm đến sự hiện diện của Dòng Chúa Cứu Thế ở miền Bắc.

Năm 1996, cha Giu-se Trịnh Ngọc Hiên được đặt làm Bề Trên-Chánh Xứ. Tu Viện và giáo xứ trở nên sinh động. Các lãnh vực mục vụ từng bước được tái tổ chức và thích nghi cho phù hợp hoàn cảnh. Nhờ đó, Tu Viện mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho đông đảo giáo dân tại Hà Nội và các giáo phận khác tại miền Bắc về hành hương kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Những ơn ích thiêng liêng ấy còn được gia tăng cách này cách khác nhờ những công cuộc tông đồ được thực hiện dưới những hình thức khác nhau tại Hà Nội, Phát Diệm, Hưng Hoá, Bắc Ninh, Bùi Chu, Hải Phòng, Thanh Hoá, Vinh, Lạng Sơn.

Máu, mồ hôi và nước mắt hòa lẫn lời cầu nguyện của anh em trong Dòng, cách riêng của quý cha, quý thầy trong cộng đoàn Hà Nội dâng lên Chúa trong hơn 70 năm qua, đang là bảo chứng vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế nơi trái tim của Ðất Nước.

Danh sách quý linh mục Bề Trên Nhà Hà Nội:

1926 - 1930: linh mục Edmond Dionne
1930 - 1939: linh mục Gérard Michaud
1939 - 1946: Linh mục Pamphile Couture
1946 - 1952: Linh mục Louis Roy
1952 - 1953: Linh mục Gérard Boissonnault
1953 - 1954: Linh mục An-tôn Nguyễn Ðức Tuyên
1954 - 1958: Linh mục Denis Paquette
1958 - 1993: Linh mục Giu-se Vũ Ngọc Bích
1993 - 1996: Linh mục Giu-se Trần Hữu Thanh
1996 - ... Linh mục Giu-se Trịnh Ngọc Hiên

Dòng Chúa Cứu Thế

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.01.2008. 01:55