Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? (3)

§ Gs Hà Thành

VietCatholic News (Thứ Ba 18/03/2008 15:15)

(Tiếp theo và hết)

3- Chân dung UBĐKCG

Báo cáo dự thảo của UBĐK trình đại hội V đề ngày 1-3-2008 viết: “Trong suốt quá trình 50 năm hình thành và phát triển tổ chức ngọn cờ của phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo VN trong mọi điều kiện và hoàn cảnh luôn là nơi quy tụ, tập hợp giới công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (tr.5). Chúng ta thử tìm hiểu xem ủy ban này đã tập hợp được những ai?

Theo báo cáo của UBĐK, hiện nay tổ chức này đã phát triển ra 39 tỉnh thành (trong 65 tỉnh thành cả nước), với hơn 400 linh mục, tu sĩ tham gia ủy ban các cấp. Theo điều tra của chúng tôi, ở trung ương, khóa 4 có 104 vị ghi danh, trong đó có 62 linh mục, tu sĩ. Thế nhưng, nhiều người nói đấy là “Hội của những người siêu cao tuổi” vì có tới 94 vị từ 60 tuôỉ trở lên (chiếm 91,2%). Số dưới 50 tuổi chỉ có 10 người (8,8%). Có những linh mục điếc nặng, hơn 100 tuổi như linh mục Nguyễn Chu Trình (đã mất). Có những linh mục đi họp phải có người cõng. Có một số “lẩm cẩm” nặng, nói không ai hiểu gì. Ông Vũ Thái Hòa nguyên chuyên viên Ban Tôn giáo Chính phủ cũng là ủy viên UB phải đi họp trên lưng đứa cháu. Ông Vũ Văn Chuyên trên ngực phải có biển đề số nhà, điện thoại sợ đi lạc đường, công an biết lối đưa về… Có nhiều linh mục chỉ ghi danh, đi họp là một lần ra Hà Nội miễn phí máy bay để thăm bạn bè, chữa bệnh. Có một số chỉ đi họp một lần rồi “biến mất tăm” như linh mục Trần Đức Hạnh (Cao Bằng). ở Hà Nam, người ta cũng ghi danh 5 linh mục nhưng không thấy có ai xuất hiện. Tại một số nơi như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ban tổ chức chỉ xin các linh mục ghi danh và đến chụp một tấm hình mà cũng không được.

Những người trong UBĐK vẫn tự phong là “những người công giáo tiêu biểu” nhưng có lần Đức Hồng y Phạm Đình Tụng đã từ chối gặp vì cho rằng: "gọi họ là gì cũng được nhưng công giáo tiêu biểu thì không bởi nhiều người đã không còn giữ đạo, họ vợ nọ chồng kia, không chịu các Bí tích và gia đình cũng thế thì sao gọi là công giáo tiêu biểu được!". Điều kỳ lạ là, trong các bữa liên hoan của tổ chức này có hiện diện đủ cả linh mục, tu sĩ, giáo dân nhưng không thấy họ làm phép trước bữa ăn bao giờ. Một cán bộ Mặt trận nói với tôi là ông thường phải giục “Các cụ làm phép đi” thì “các cụ” mới miễn cưỡng làm cho qua chuyện. Linh mục Vũ Ngọc Bích có lần đi nhờ xe về Phát Diệm nhân lễ tang của linh mục Nguyễn Thế Vịnh ngày 18-12-1983 (Chủ tịch ủy ban Liên lạc) ghi lại như sau: “Buổi chiều về lại Hà Nội, tại trụ sở của UBĐKCG, có nhiều linh mục, cả các vị từ miền Nam ra, các nữ tu và giáo dân, ăn uống bừa bãi, nói năng lung tung” (Câu chuyện về những cây đại thụ, tr.31). Linh mục Bích cũng kể lại rằng, chính mấy vị trong ủy ban theo dõi cha chặt chẽ vì sợ cha được Đức cha Tạo phong chui làm giám mục Phát Diệm. Đức cha Lê Đắc Trọng cũng nhận xét về những ông “công giáo tiêu biểu này: “Tuy là công giáo, nhưng không phải đạo được lợi ở các ông. Trái lại, nếu là người phò đạo sao được vào các chức vị đó. Thường đó là những người có đạo mà không ưa đạo, lấy địch đánh địch, lấy người có đạo để phá đạo. Đó là chính sách từ thời cổ xưa. Đạo không nhờ những người như thế, trái lại phải khổ sở về những người đó” (Những câu chuyện về một thời, tập 2, tr.207). Nói về linh mục Nguyễn Thế Vịnh, Đức cha Trọng viết: “Đặc biệt là cha Nguyễn Thế Vịnh. Còn đi xa hơn nữa, rồi xa địa phận, đứng trong hội “Liên lạc”. Khi cha Vũ Xuân Kỷ qua đời vào năm 1972, cha Nguyễn Thế Vịnh thay thế và lãnh đạo phong trào với niềm xác tín. Chứ không như vị tiền nhiệm có vẻ xu thời, không hiểu việc mình làm, bảo đi đâu, làm việc gì cũng được” . Đức cha cũng ghi lại lời của linh mục Nguyễn Tất Tiên (cùng trong ủy ban liên lạc) về linh mục Vịnh: “Ông ấy phải sa đáy hỏa ngục” (sdd, tr.213).

Có người nói, UBĐK cũng làm được một số việc như in ấn sách vở đạo lúc khó khăn trước thời “cởi trói” nhưng họ đâu biết đấy là đặc ân Nhà nước ban cho ủy ban để làm kinh tế và kể công với giáo hội bất chấp nội dung trái với đức tin. Cuốn “Đức Mẹ Naju” do linh mục Vương Đình Ái (Chủ tịch UBĐK) dịch và phát hành bán thu lời mấy chục ngàn đô la do tổ chức của bà Julia Youn (Nam Hàn) tài trợ toàn bộ kinh phí in và biếu không nhưng vẫn bán ở VN với giá 10.000 đồng. Đây là cuốn sách ở Nam Hàn đã cấm và Đức cha Nguyễn Văn Sang cũng dịch lời cảnh báo của Đức TGM Quang Du về hiện tượng rối đạo này nhưng linh mục ái vẫn làm. Chỉ có điều “ky cóp cho cọp nó xơi”, mấy chục ngàn đô la lời qua vụ làm ăn này lại bị mất trộm đúng ở cơ quan UBĐK 34 Ngô Quyền, Hà Nội. Thế mới đau.

Tờ Công giáo và dân tộc thì luôn cổ vũ cho phong trào “Thần học giải phóng” - một khuynh hướng đã bị Tòa thánh phê phán kịch liệt và ngưng hoạt động ở châu Mỹ. Một số linh mục đứng đầu UBĐK luôn đưa ra những lập luận rất xa lạ với đức tin. Linh mục Trương Bá Cần viết về “lễ giỗ Bác Hồ, xung quanh một bàn tiệc thánh”: “Ý định của Thiên Chúa đã bắt đầu thực hiện trên đất nước Việt Nam nhờ công lao của Hồ Chủ tịch. Nếu Hồ Chủ tịch muốn vào Nước Trời, Người sẽ vào trước hết” (Báo CG&DT số 44 tháng 5-1976). Lạ thật, Nước Trời đâu có phải UBĐKCG mà linh mục Cần muốn cho ai vào cũng được.

Khi Tòa thánh cảnh báo về mối nguy hại của UBĐKCG: “Mặc dù ủy ban này- như danh xưng đã chỉ có ý nhằm cổ vũ lòng yêu nước của người Công giáo, nhưng trên thực tế đã hành động như một tổ chức vừa có tính công dân vừa có tính chất chính trị. Do vậy không thể không dẫn đến nguy cơ lẫn lộn giữa giáo hội và tổ chức chính trị, một nguy cơ mà công đồng Vaticano II đã lưu ý các giám mục và linh mục phải đề phòng” (Thư Đức Hồng y Sodano gửi GM Nguyễn Minh Nhật ngày 20-5-1992). Thì trên tờ CG&DT có một loạt bài chống lại quan diểm của Tòa thánh. Linh mục Vương Đình Bích viết: “Không một người nào, một vị giám mục nào có thể vin vào giáo luật để cho mình quyền hành cấm đoán linh mục của mình tham gia những hình thức sinh hoạt chính trị công dân như hiện nay. Thậm chí cấm đoán như vậy là xâm phạm quyền công dân của người khác, vi phạm luật Nhà nước, không miễn trừ một ai” (Nguyệt san số 37 tháng 1-1998). Một tác giả khác là Nguyễn Ngọc Bích thì lý luận: “Khỏi phải nói UBĐK là một tổ chức được chính quyền ủng hộ. Sự ủng hộ này nói lên điều gì? Chính quyền, xét cho cùng cũng là những con người, dĩ nhiên nằm trong một phạm trù khác. Nhưng có một người nào lại ủng hộ một cái gì xấu không? Chắc là không. Vì chẳng có ai bỏ sức đi tưới một cái cây héo. Bởi thế dù phán đoán như thế nào về mục đích và ý nghĩa của sự ủng hộ nơi chính quyền với UBĐK thì như một người lương hảo, ta không thể nói UBĐK là một tổ chức không tốt” (sdd, tr.47). Nói như tác giả này thì chắc phát xít Đức, Apacthai, hay diệt chủng Pôn Pot cũng không phải là xấu vì đó cũng là những “con người”!

Trong các kỳ họp hội của tổ chức này hoàn toàn không giống sinh hoạt hội đoàn công giáo. Trước đây chỉ có chào cờ chứ không bao giờ nguyện kinh Chúa Thánh thần. Gần đây, người ta có hát “Kinh hòa bình”, coi như quốc ca của ủy ban. Chẳng biết trong lễ nhận Huân chương Hồ Chí Minh của UBĐK ngày 6-4-2005 có cầu nguyện cho Đức Gioan Phaolo II ra sao mà báo Nhân dân ngày 7-4 đưa tin: “Trước khi vào họp, các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tổ chức cầu siêu cho Giáo hoàng Jean Paul II” . Trong thư của ủy ban gửi mỗi dịp Đại hội hay Giáng sinh chỉ nói gửi cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân chứ không bao giờ nói đến gửi cho các Giám mục.

Chúng tôi có khá nhiều đơn từ (bản sao) tố cáo đời sống tha hóa của một số linh mục đứng đầu UBĐK. Nhiều bài báo, tác phẩm in ở hải ngoại cũng đã nói đến như cuốn “Công giáo VN trong dòng sinh mệnh dân tộc” của Tiến sĩ Cao Thế Dung, hay cuốn “Hẹn thắp lên” của Gs Nguyễn Ngọc Lan. Có linh mục vì không giữ được lời khấn nên làm lễ không ai xem, không ai nuôi nên Nhà nước phải cấp tiền để đi chợ rất lôi thôi như linh mục NDL (ở Thái Nguyên). Khi Đức cha Nguyễn Sơn Lâm còn làm Tổng thư ký HĐGMVN, Ngài cũng có ý định giải quyết dứt điểm vấn đề UBĐK nhưng với điều kiện ủy ban phải làm đơn và trình Điều lệ cho các GM xem xét và các người tai tiếng xấu phải ra khỏi ủy ban. Dĩ nhiên, đời nào họ theo thiện ý của Đức cha Thanh Hóa. Khi Nhà nước có ý định mời một vài Đức cha tham gia Mặt trận TQVN thì chính những linh mục trong UBĐK lại phản đối gay gắt nhất vì đơn giản, nếu đã có Giám mục thì Nhà nước cần gì mấy linh mục trong ủy ban nữa.

Có người tố cáo sự “cài cắm” mấy linh mục như Từ- Cần- Minh -Bích của Nhà nước vào giới công giáo. Một ông công an thành phố HCM bảo tôi: Các ông công giáo không có lòng vị tha. Có thể ông Cần trước đây là đảng viên thật nhưng ông ấy đã bỏ đảng để theo đạo cũng như có người bỏ đạo để theo đảng mà sao bây giờ các ông cứ bới móc “đánh” ông ấy thế! Tôi trả lời: Tôi không biết chuyện ông Cần bỏ đảng để theo đạo là thật hay giả nhưng những việc ông ấy làm thì người ta có quyền nghi ngờ tính công giáo của ông ấy. Đồng thời, ông ấy có thể lấy gương Phạm Ngọc Thảo- một người công giáo và cũng là điệp viên siêu hạng của cộng sản đã trá hàng về với quốc gia, đeo lon đại tá nhưng rồi cũng bị chính Nhà nước cộng sản bỏ rơi, mà suy gẫm.

Sau hồi tranh cãi nhau về chức vụ Tổng biên tập Báo CG&DT cũng như chuyện tiền nong ở 15 Tú Xương, Quận 3 của mấy “cha yêu nước”, bức thư của linh mục Vương Đình Bích đề ngày 25-12-1997 gửi lãnh đạo Thành phố HCM đã làm rất nhiều người kinh ngạc: “Tôi đã thành khẩn nói với hai anh Từ và Cần là vấn đề thật của tổ chức chúng ta, không phải nhóm nghiên cứu mà là nhóm 4 anh em chúng tôi, Minh- Cần- Từ – Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao nhiệm vụ điều động phong trào công giáo yêu nước tại thành phố này” . Hóa ra, các cụ “dấn thân” còn là nhiệm vụ Đảng giao nữa đấy. Thảo nào, linh mục Nguyễn Tấn Khóa bảo với mấy linh mục ở Đà Nẵng rằng, UBĐK là câu lạc bộ của mấy ông Từ, Cần, Thiện Cẩm, Bích. Mấy ông này già sắp chết cả rồi nên Nhà nước muốn giữ cũng chỉ được khóa này nữa mà thôi.

Trên các phương tiện truyền thông ở VN chỗ nào cũng thấy “mấy cha” xuất hiện. Có người nghĩ chắc mấy cụ “uy tín” lắm. Xin thưa, Nhà nước cũng “ngán” các cụ lắm rồi. Linh mục Từ thì đã không được Mặt trận cơ cấu vào Quốc hội khóa 12 và Mặt trận Trung ương khóa 8. Các linh mục Nguyễn Công Danh và linh mục Thiện Cẩm dù đã được Ban bầu cử cho chọn nơi ứng cử và cho các báo Nhà nước tuyên truyền cổ vũ nhưng vẫn trượt chỏng gọng dịp bầu cử Quốc hội khóa 11 và khóa 12 vừa qua. Trong khi chỉ riêng việc tổ chức họp giới thiệu các cụ ra ứng cử đã tốn phí cả trăm triệu đồng.

Nhà báo Nguyễn Kế Nghiệp làm thư ký tòa soạn báo Người công giáo VN hơn 20 năm, khi về hưu ở quận Thủ Đức, T.p HCM (dĩ nhiên anh Nghiệp là đảng viên và không phải người công giáo) có lần bảo tôi: Ông có biết vì sao cái UBĐK vẫn còn tồn tại đến nay không? Nhà nước cũng muốn dẹp cái cây cảnh héo này lắm rồi nhưng dẹp thì mấy chục cán bộ ở ủy ban và Báo đi đâu? Tôi đố tay nào ở cơ quan này đi xin nổi việc ở nơi khác vì có biết làm gì? Chỉ ngồi ăn sẵn và dọa Nhà nước về nguy cơ của Vatican để nhận lương mà thôi!

Hôm họp Đoàn Chủ tịch và Ban Thư ký ngày 27,28-2-08 dù không được họp nhưng tôi có nhờ một người ghi âm giúp. Bật băng lên, tôi nghe rõ tiếng một ông nhà báo nay là Thư ký ủy ban nhắc nhở các cụ, tuyệt đối không để lộ ra chuyện Nhà nước cung cấp tài chính cho ủy ban. Đây là vấn đề tuyệt mật. Lộ ra sẽ mang tiếng là giáo hội quốc doanh ngay.

UBĐK đưa ra những nhiệm vụ rất kêu, nào là “bảo vệ sự trong sáng của đạo thánh Chúa”, nào là “hướng dẫn và tổ chức phong trào yêu nước của người công giáo”, nào là “bênh vực và bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của người công giáo”. Nhưng tôi đố ai chứng minh rằng ủy ban đã làm được những việc ấy. Xưa nay, tất cả các hoạt động từ thiện bác ái người công giáo làm là theo lời kêu gọi của các giám mục, của đức tin công giáo chứ mấy ông ủy ban kêu gọi ai nghe. Nhiều tấm gương điển hình của giáo dân như nữ tu Nguyễn Thị Mậu 40 năm giúp đỡ các bệnh nhân phong, liệt sĩ Trần Thị Mai – hy sinh thân mình cứu người trong cơn lũ quét, giáo dân Nguyễn Văn Mỳ, mù hai mắt vẫn theo dõi thời tiết hàng ngày để báo cho ngư dân trên biển…luôn được đưa vào báo cáo thành tích của ủy ban nhưng họ có biết UBĐK là ai và ủy ban cũng chưa bao giờ tặng họ một bông hoa hay lời kinh nguyện khi họ qua đời.

Ủy ban là người nhắc đến Thư chung 1980 của HĐGMVN nhiều nhất nhưng họ chỉ nhấn mạnh mỗi một điểm là Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong khi Thư chung đồng hành cùng dân tộc còn có nghĩa là xây dựng một lối sống, lối diễn tả đức tin theo bản sắc dân tộc. Các linh mục trong ủy ban vẫn nói hiệp thông với giáo hội nhưng có lẽ hầu hết đi họp hành không xin phép đấng bản quyền. Đức cha Sang đã xác nhận trường hợp linh mục Tuyên chưa bao giờ xin phép. Linh mục Nguyễn Công Danh nói, có lần đến xin phép Đức Hồng y Mẫn, Ngài quát: Tôi làm gì có cái phép đó mà cho! Có linh mục trí trá trước khi đi họp liền đến xin chào thăm Đức Giám Mục, khi về thì nói: Lạy Đức cha, con xin phép con đi! Đức Giám Mục nghĩ là linh mục đó xin phép đi về. Còn linh mục đó cho rằng, mình đã xin phép đi họp.

Nhiều bài báo đã “ghi công” UBĐK với các vụ phong thánh năm 1988, vụ phản đối TGM Nguyễn Văn Thuận năm 1975 hay vụ Giám quản Huỳnh Văn Nghi năm 1993. Chúng tôi cũng có hàng trăm trang tư liệu về việc này. Ông Trần Công- Tổng biên tập báo Người công giáo VN, sau khi bị mấy cụ cho mất chức Chánh văn phòng ủy ban vì không phải là “công giáo tử tế”, ông này cũng làm đơn tố cáo lại mấy cụ và khẳng định chắc chắn rằng, chính “mấy cụ yêu nước” đã thổi phồng vụ phong thánh với ông Chín Đào (tức Phan Minh Tánh) lúc đó là Trưởng ban dân vận trung ương để lập công làm Nhà nước tốn bao tiền của và công sức bất chấp những lời ngăn cản của các GS nổi tiếng như Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng nói rằng: Thần thánh của người ta, xấu tốt họ chịu. Can gì đến Nhà nước mà xía vô…

Đầu năm nay, một ông cán bộ Mặt trận có cho tôi mượn một cuốn sách nhan đề “Suy nghĩ về vai trò của UBĐKCG” của linh mục Thiện Cẩm. Sách làm năm 2006, dày 120 trang do linh mục tự in. Đọc xong, tôi ngạc nhiên, không hiểu linh mục Thiện Cẩm ăn giải gì mà đứng ra “hộ giáo” cho ủy ban hăng hái như vậy? Tác giả cũng thừa nhận rằng ủy ban” không nhận bất cứ một bài sai hay một ủy quyền chính thức nào của giáo quyền” (tr.42) và cũng biết rõ dư luận giáo hội muốn “UB này nên ra đi, chấm dứt vai trò, cũng như chính sự tồn tại của mình” (tr.36). Thế nhưng, linh mục Thiện Cẩm khẳng định: “UBĐK không phải là một đảng phái hay tổ chức chính trị, mà là thành phần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quy tụ dưới mái nhà chung của MTTQVN” (tr.39). Đến đây thì người đọc đã hiểu mục đích của tác giả. Linh mục Thiện Cẩm viết tiếp: “Nhân chuyến đi họp Ban tổ chức Đại hội UBĐKCGVN tại Hà Nội đầu tháng 4-2002 vừa qua, trên đường trở về thành phố, anh Trương Bá Cần nói với tôi đại khái: Thế tại sao người Công giáo chúng ta không coi Mặt trận Tổ quốc là môi trường hoạt động công giáo tiến hành nhỉ?” (tr.32). Lại chuẩn bị “bình mới rượu cũ” đây. Cái áo chùng thâm không làm nên linh mục. ủy ban có đổi tên trăm lần nó vẫn là ủy ban ĐKCG. Sự khác nhau giữa công giáo tiến hành với ủy ban là công giáo tiến hành được phép của Giáo hội còn ủy ban thì chỉ được phép của Nhà nước mà thôi.

Thay lời kết

Đầu bài viết này là câu hỏi. Hy vọng qua những tư liệu, chứng cớ mà tôi đưa ra trên đây cũng sẽ phần nào giúp quý vị bạn đọc có được câu trả lời cho riêng mình. Trước khi dừng lời xin thuật một chuyện. Có lần tôi gặp cha Phạm Hân Quynh tại phòng riêng của cha Lê Đức Sinh- Thư ký Đức Hồng y Tụng. Cha Quynh kể, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Bộ trưởng Bộ kinh tế của chính phủ Việt Minh nhưng cũng là người sáng lập ra Thanh lao công Hải Phòng có viết đơn phản đối chính sách của Nhà nước đối với công giáo. Một vị cán bộ cao cấp gặp ông Hà nói: Sao ông không gia nhập ủy ban liên lạc công giáo để đối thoại với Nhà nước có tiện không? Ông Hà trả lời:

- "Các ông có cái đầu, người công giáo chúng tôi cũng có cái đầu. Chỉ tiếc rằng, bao năm qua, các ông chỉ thích nói chuyện với cái… đầu gối của các ông thôi".

Vâng, có lẽ Nhà nước vẫn còn muốn đối thoại với cái đầu gối và cũng có một số người công giáo vẫn còn muốn làm cái đầu gối ấy.

(Đà Nẵng- Sài Gòn, Mùa chay 2008)

Gs Hà Thành


Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? (1), (2) & (3) Gs Hà Thành

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 18.03.2008. 16:27