Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tự do tôn giáo tại Sơn La - Một mùa đông ảm đạm

§ An Dân

Lên Tây Bắc mùa này sương rơi ướt má. Từng cơn gió đông thổi tới đem cái lạnh lẳn vào da, khiến người ta rùng mình, nhưng mang lại một cảm giác thích thú. Cái lạnh đầu đông ngọt ngào, man mác, gợi nhớ mùa Noel sắp về.

Chúng tôi lên đường du lịch Tây Bắc trong cái khung cảnh nhớ nhung ấy với hy vọng năm nay bà con Kinh - Thượng Tây Bắc sẽ có một mùa Noel ấm cúng, tự do, ý nghĩa hơn - niềm hy vọng mong manh như những làn mây chiều chập chờn trên các triền núi cao.

Những nương ngô xanh mởn vào dịp hè, nay đã khô tàn, để lộ những trái bắp vàng ươm. Mùa ngô năm nay thất bát. Nền kinh tế Việt Nam đang suy thoái, nông sản không tiêu thụ được khiến cho người dân Tây Bắc sắp sửa phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt đang đến rất gần.

Đối với đồng bào Công giáo và Tin lành Tây Bắc, cái khắc nghiệt của thời tiết, sự khó khăn về kinh tế cộng với những động thái khác lạ của “Nhà cầm quyền Sơn La” còn làm người ta nhớ lại mùa Noel năm trước: súng, quân đội, công an tràn lan tại các khu vực có đông người Công giáo tụ tập mừng đại lễ.

Những ngày này, “nhà cầm quyền Sơn La” đang chuẩn bị các phương án tác chiến nhằm đối phó với cộng đồng giáo dân đang ngày càng đông đảo sinh sống và làm ăn tại Sơn La. Nhiều cuộc họp về vấn đề tôn giáo đã được tổ chức. Những chỉ thị từ trên xuống đang được luân chuyển cách công khai hay rỉ tai trong các buôn làng, các địa phương đông người có đạo.

Xã Chiềng Ân, huyện Mường La, có hơn 700 anh chị em giáo dân Công giáo người H’Mông làm ăn, sinh sống. Thế nhưng kể từ ngày những anh chị em này theo đạo (khoảng năm 1985) cho tới nay, Noel đối với họ vẫn là một cái gì xa lạ. Hơn hai mươi năm qua, họ chưa một lần được cử hành thánh lễ. Hai mươi năm qua, họ phải đối diện với nhiều bất công, nhiều bách hại để giữ được đạo. Họ đã phải trả giá rất nhiều cho những việc làm can đảm này: bị cúp viện trợ nhân đạo, không được cung cấp điện, không được hưởng đầy đủ những chính sách của một công dân vùng III. Tại trường học các em nhỏ bị miệt thị về tôn giáo…

Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã - những huyện khác của tỉnh Sơn La, có đông những anh chị em H’Mông theo đạo, tình hình cũng không khác với Mường La. Có những buôn làng vì không chịu nổi những bách hại tinh vi của nhà cầm quyền Sơn La nên đã tạm thời “nghỉ đạo” chờ đợi “một ngày tự do đích thực”. Nhiều anh chị em vì kiên trung với đức tin đã phải chịu những đòn khủng bố của cơ quan công quyền. Họ bảo: “Mấy chục năm qua, chúng tao giữ đạo chay: không thánh đường, không thánh lễ, không bí tích. Thỉnh thoảng có những cán bộ tới yêu cầu bỏ đạo”.

Đối với những anh chị em tín hữu người Kinh lên Sơn La theo diện kinh tế mới, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Sau hơn 5 năm quy tụ lại thành các cộng đoàn nhỏ, số người Công giáo đã tăng lên tới trên 2.000 người. Hằng ngày, họ vẫn tập trung tại các tư gia để cầu nguyện. Mỗi cộng đoàn con số có lúc lên tới hơn 400 người. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo tại Sơn La thực chất vẫn chỉ là “Giáo hội Hầm trú”. Họ sinh hoạt công khai nhưng là công khai trong sự kìm kẹp của các cấp chính quyền.

Kể từ năm 2004 đến nay, rất nhiều lần các cộng đoàn Công giáo Sơn La đệ đơn lên các cấp chính quyền theo đúng quy trình đã được quy định tại các văn bản pháp luật và tại Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, nhưng họ đều bị từ chối với lý do: “Chính quyền Thành phố Sơn La luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, được tu tại gia, không được tụ tập đông người để tổ chức các cuộc lễ tập trung khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận” (xem CV số 75/UBND-VP, ngày 21 tháng 10 năm 2008 của UBND thành phố Sơn La).

Nhiều lần Toà Giám mục Hưng Hoá cũng đã gửi bản đăng ký cho các tín hữu Công giáo Sơn La sinh hoạt tôn giáo, nhưng đều bị từ chối với lý do: “Sơn La không có nhu cầu Tôn giáo”, hoặc “Sơn La là một tỉnh miền núi nhiều dân tộc. Chính quyền các cấp luôn chăm lo tạo điều kiện giúp đỡ nhân dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Tỉnh Sơn La từ trước tới nay không có trụ sở tôn giáo và người có chức sắc tôn giáo. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng qui ước – hương ước về nếp sống văn hoá khu dân cư, không có nhu cầu tôn giáo tập trung trên địa bàn tỉnh” (x. CV 1336/CV-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2006 của UBND tỉnh Sơn La).

Thời gian 5 năm người Công giáo Sơn La gửi đơn lên các cấp chính quyền để xin được sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật là 5 năm chờ đợi trong thất vọng. Nhà cầm quyền Sơn La, thay vì giúp dân ổn định đời sống tinh thần, hưởng trọn vẹn quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, thì đã tìm mọi cách ngăn cản, cô lập không cho giáo dân sinh hoạt tôn giáo. Thay vì cấp đất cho dân xây dựng nhà thờ theo đúng quy định của pháp luật, thì lại tìm cách giải tán các nhóm cầu nguyện tại tư gia. Thay vì tìm cách khai thông bế tắc do những bất cập của luật pháp về quyền tự do tín ngưỡng, Nhà cầm quyền Sơn La, từ “trung ương” tới địa phương, còn sáng chế ra các thứ “lệ quái chiêu” và mặc cho nó một mỹ từ gọi là “hương ước”, là những thứ lệ làng trái pháp luật để vô hiệu hoá việc cầu nguyện của người giáo dân.

Chẳng hạn, “hương ước” của tổ 4, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tại điều 6 qui định rõ: “Các cá nhân, hộ gia đình cam kết không tổ chức học, truyền đạo trái phép, không tụ tập đông người để cầu kinh, cầu nguyện (chỉ tu tại gia đình). Không tổ chức các nghi lễ tôn giáo khi chưa được chính quyền địa phương cho phép, không tự ý xây dựng nhà thờ, nhà nguyện, nhà giáo lý và các công trình phục vụ các hoạt động tôn giáo khi chưa được các ngành chức năng cho phép. Không tự ý tổ chức quyên góp, không tự ý nhận tiền, vật tủ, vật phẩm, quà tặng của các tổ chức tôn giáo. Không tự ý đặt ra các nghi lễ hoạt động tôn giáo trái với qui định của Nhà nước. Nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ các qui định của Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo và Nghị định 22/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo”.

Nghe đâu, Nhà nước Sơn La vừa tặng bằng khen cho phường Quyết Thắng vì đã có công bổ sung điều 6 này vào trong bản hương ước đã được lập từ mấy năm trước, nhất là đã có công sáng kiến ra một hình thức giữ đạo kiểu mới, được các cấp các ngành trong tỉnh ủng hộ, đó là: “Chỉ được tu tại gia”.

Việc phường Quyết Thắng có công sáng kiến lập bản hương ước vi hiến, thực ra, nó bắt nguồn từ một chính sách bách hại đạo đã trở thành truyền thống tại tỉnh Sơn La. Những ai có dịp đọc “Tài liệu Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chính sách tôn giáo của Nhà nước” do Ban Dân vận Tỉnh uỷ Sơn La công bố tháng 6 năm 2006, sẽ thấy việc bách hại đạo đã được chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương, tỉnh cho tới các thôn, bản, tổ, khu phố. Những lời lẽ miệt thị tôn giáo, những khẳng định thiếu cơ sở về các tôn giáo trong “tập tài liệu tuyên truyền” này, cho thấy Nhà nước Sơn La đang cố tình vùi dập quyền tự do tín ngưỡng của một đại bộ phận những người Công giáo và Tin lành đang làm ăn, sinh sống tại đây.

Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái để “xin – cho”. Thế nhưng, tại Sơn La, cái quyền cơ bản ấy đang bị vùi dập. Những tín hữu can đảm bày tỏ lòng tin thì đều bị làm khó dễ cách này, cách khác. Chính quyền Sơn La đang tiếp tục thách thức dư luận với những luận điệu lạc lõng: “Chỉ được phép tu tại gia…Tỉnh Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”.

Sự đóng băng về nhận thức của lãnh đạo “nhà nước Sơn La” về tôn giáo, báo hiệu một mùa Noel lạnh lẽo sắp về trên rẻo cao.

An Dân, 21/11/2008

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.11.2008. 10:09