Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Từ chuyện nhà ra chuyện nước

§ Thao Thức

Tôi không giỏi về lí luận chính trị cao cấp. Tôi cũng chẳng thông thạo các chủ thuyết xã hội. Nhưng tôi thấy cổ nhân đã nói một câu thật thấm thía: "Tiên tề gia, hậu trị quốc". Theo tư tưởng này, tôi muốn đưa ra vài chuyện đơn sơ từ mỗi gia đình để suy ra chuyện nhà nước.

1. Đáp ứng nguyện vọng.

Trong gia đình, khi đứa con đói khóc đòi ăn. Ngay lập tức, mẹ sẽ cho con bú hay bố sẽ pha sữa cho con uống. Con no nê, thôi khóc. Nó cười. Thật đơn giản mà hiệu quả. Bởi vì bố mẹ đã nhanh chóng đáp ứng nguyện vọng chính đáng của con. Khi con khóc, tôi chưa thấy bố mẹ nào ác độc cầm roi vụt hay dở hơi lấy tay bịt miệng con để bắt nó nín.

Vậy nếu khi người dân lên tiếng kêu đòi công lý thì nhà cầm quyền sẽ làm gì? Tôi nghĩ, nhà cầm quyền phải thực sự lắng nghe và mau chóng thực hiện những hành động cụ thể đáp ứng nguyện vọng của dân. Đòi hỏi được đáp ứng, dân hài lòng, dân an. Thật đơn giản mà hiệu quả. Ngược lại, sẽ là ác độc nếu nhà cầm quyền không đáp ứng nguyện vọng mà lại dùng bạo lực trấn áp bắt dân yên. Lúc này, nhà cầm quyền đã rơi vào trạng thái: hoặc là điên khùng, hoặc là đầu óc bình thường nhưng lòng dạ lại ác độc.

Hồ chủ tịch đã căn dặn những người cộng sản: "...Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của Nhân Dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của Nhân Dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho Nhân Dân" (x. trích dẫn).

Xin lỗi, khi đàn lợn đói kêu đòi ăn, người chăn nuôi sẽ mang cám đến cho nó ăn chứ không đời nào lại thần kinh đến độ lấy gậy vụt để lợn yên. Lợn kêu, hãy cho lợn ăn. Đơn giản thế thôi. Khi không "đền bù xứng đáng cho nhân dân" như Hồ chủ tịch căn dặn, mà lại dùng bạo lực trấn áp dân thì đó là lúc nhà cầm quyền coi dân không bằng lợn. Lúc này, có thể khẳng định: nhà cầm quyền đã mất tính người. Bởi vì: "Chỉ loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ da của mình".

Kẻ nào mà dám nói nóng nảy và táo tợn đến thế? Thưa, Các Mác đấy. Ông tổ của chủ nghĩa cộng sản đấy! Nhìn cảnh những chiến sĩ công an mù quáng và nhẫn tâm trấn áp dân lành ôn hòa đòi công lí ngay tại thủ đô Hà Nội mà tôi thấy đau lòng thay cho Các Mác. Hành động như thế, những chiến sĩ an ninh này (tất nhiên, cả những người ra lệnh cho họ) đã bôi tro trát trấu vào chính mặt những ông tổ của mình. Thật là nhục. Nhục quá!

2. Không sợ hãi.

Trong tình gia đình, không có chỗ cho sự sợ hãi. Vì sợ hãi chứng tỏ thiếu vắng tình yêu. Bố mẹ làm cho con cái sợ là bố mẹ đang không thương con cái. Đồng thời, bố mẹ sẽ khổ tâm vô cùng khi mình hết mực yêu thương con cái, thế mà đứa nào cũng cứ lấm lét, thấy bố mẹ là cứ sợ run lên. Vì thế, nếu thực sự yêu bố mẹ thì con cái không được sợ hãi.

Chuyện xã hội cũng tương tự: Khi lực lượng cầm quyền làm cho dân sợ thì đấy là lúc họ không yêu mến dân. Và khi dân chúng sợ hãi nhà cầm quyền thì chính là lúc dân không bày tỏ lòng yêu mến nhà cầm quyền. Để vượt qua sự sợ hãi này, phía nhà cầm quyền hãy có những hành động để dân không còn sợ. Liệu việc huy động tới hơn 300 công an cảnh sát đến uy hiếp giáo dân Thái Hà có phải là yêu dân? Hành động như thế sẽ làm cho người dân thêm yêu mến hay căm ghét nhà cầm quyền? Và phía dân chúng cũng phải vứt bỏ sợ hãi. Vứt bỏ sợ hãi không phải để nổi loạn, mà đơn giản chỉ là để chứng tỏ mình đang yêu nhà cầm quyền.

Chúa Giêsu xưa đã nói với các môn đệ: "Các con đừng sợ"! Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã kêu gọi tín hữu Công giáo trên toàn thế giới: "Đừng sợ"! Khi người dân không còn sự sợ hãi, đấy là lúc người dân đang yêu mến, đang hài lòng với nhà cầm quyền.

Đáng tiếc là ngày 11.1 vừa qua, trong Công văn Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội gửi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa Giám mục Hà Nội, bà Phó Chủ tịch UBND HN Ngô Thị Thanh Hằng đã không chịu lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của người dân Công giáo, mà lại kẻ cả quy kết cho việc cầu nguyện đòi công lí của người dân là lợi dụng tôn giáo. Rồi bà Phó chủ tịch còn đe dọa xử lí theo pháp luật. Chắc lại là luật rừng! Bà Phó chủ tịch cũng là một người mẹ, bà đối xử với con bà thế nào khi nó lên tiếng kêu cầu những điều chính đáng. Hay bà cũng chỉ dọa nạt làm cho nó sợ hãi, thưa bà?

3. Công bằng.

Gia đình yên ấm không hệ tại gia đình nghèo hay giàu, mà hệ tại bố mẹ có đối xử công bằng với các con hay không. Xã hội cũng thế thôi. Khi người dân được hưởng công bằng thì họ sẽ an vui. Khoan hãy nói những định nghĩa cao siêu về công bằng. Công bằng được hiểu một cách đơn giản nhất là: Đừng chiếm đoạt của người khác. Tài sản của ai trả lại cho người đó. Thế thôi. Tài sản của Giáo hội, của người dân hãy trả lại cho họ.

Tại hội nghị phòng chống tham nhũng tổ chức tại Sàigòn ngày 12.1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Năm 2007, cả nước phát hiện 584 vụ tham nhũng, nhưng KHÔNG vụ nào do tổ chức Đảng phát hiện. Có trường hợp tiêu cực ở Tổng công ty vật tư nông nghiệp bị tố cáo lên tố cáo xuống, nhưng Đảng uỷ đó vẫn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Cần xem lại vai trò của các cấp ủy Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng" (x. trích dẫn.

Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh cũng thừa nhận: "Gần như 100% các vụ tham nhũng được phát hiện qua các nguồn như báo chí, nhân dân, qua khiếu nại tố cáo, qua kiểm tra, điều tra. Còn cán bộ, đảng viên tại cơ sở hầu như KHÔNG đấu tranh để phòng ngừa, ngăn chặn" (x. trích dẫn).

Các cấp ủy Đảng ở đâu? Công an ở đâu? Hay cấp ủy Đảng còn đang mải mê ra chỉ thị và công an còn đang hùng hổ trấn áp dân lành! Những vụ việc cần phòng chống lại không thực thi. Những người dân lành cần bênh vực lại không bênh đỡ. Cấp ủy Đảng, công an ăn lương của dân đóng góp mà lại không làm thì đúng là đồ ăn hại! Đã không làm gì lại còn muốn ăn của người khác thì đúng là quân ăn cướp! Dân chúng sẽ được nhờ biết bao khi lực lượng công an đông đảo của cả nước dồn sức lực vào ngăn chặn, phát hiện và xử lí các vụ tham nhũng bất công trên thay vì phí phạm sức lực đi uy hiếp, dọa nạt người dân đòi công lý. Người dân có công đấu tranh chống bất công thì lẽ ra phải được thưởng chứ sao lại uy hiếp, trừng phạt họ? Chẳng lẽ nhà cầm quyền của dân, vì dân lại hành xử đểu giả đến vậy?

Bất kể đi qua một làng xã, phố phường nào trên đất nước Việt Nam đều thấy khẩu hiệu của Đảng và chính quyền kêu gọi: Xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vậy thì, chính khi người dân đấu tranh đòi công lí, công bằng là họ đang hưởng ứng lời kêu gọi của nhà cầm quyền; chính khi người dân dám mở miệng ra để thực thi quyền dân chủ tự do ngôn luận là lúc họ đang yêu nước đấy chứ. Chính Hồ chủ tịch cũng đã định nghĩa thật dễ hiểu rằng: Dân chủ là để người dân mở miệng nói. Vậy người dân có thực sự được mở miệng chưa khi trên đất nước Việt Nam không có bất kì một tờ báo, đài phát thanh, truyền hình nào do người dân quản lí? Nhà cầm quyền h ãy biến các lời nói thành những hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa những khẩu hiệu tốt đẹp này. Khi đang đói, có bắt người ta hô đến cả tỉ lần từ lương thực mà không có cơm thì đói lại càng đói hơn; khi đang khát, có hô đến cả tỉ lần từ đồ uống mà không có nước thì khát lại càng khát hơn. Công bằng, dân chủ, văn minh cũng thế thôi.

Khi người dân Công giáo Việt Nam cầu nguyện đòi lại tài sản của Giáo hội thì không chỉ có nghĩa là họ đấu tranh cho quyền lợi của riêng Giáo hội. Nghĩ như thế sẽ dễ tạo nên cảm giác đối đầu giữa Giáo hội và Nhà nước. Tôi muốn khẳng định, khi giáo dân cầu nguyện đòi lại tài sản của mình hay người dân đấu tranh chống lại những bất công là họ đang hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và chính phủ xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Họ là những người thực sự yêu nước, yêu dân tộc. Họ là những người dám lên tiếng bảo vệ sự thật mà từ lâu đã bị gian dối lấn lướt. Chúa Giêsu đã dạy: "Sự thật giải thoát các con". Vì yêu nước, xin mọi người hãy dõng dạc cất lên tiếng nói thật của lòng mình. Hãy dừng lại những lời tâng bốc, hão huyền. Vì bi kịch sẽ xảy ra cho đất nước khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa, nếu không muốn nói là trái ngược.

Lạy Chúa, xin ban cho những nhà lãnh đạo Việt Nam có Tâm và xứng Tầm: có cái Tâm yêu thương dân chúng, có Tầm nhìn đổi mới vươn lên xứng với dòng giống rồng tiên chứ không bám víu vào những ý thức hệ khô cứng. Có như thế chúng con mới mong thực sự được sống trong cảnh QUỐC THÁI DÂN AN.

Thao Thức

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 15.01.2008. 02:26