Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

“Trả Lại” Hay “Không Trả Lại”???

§ An Dân

Nguồn: chuacuuthe.com

Chiều nay, ngồi nghe lại bài phỏng vấn ông Nguyễn Thế Doanh, trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ, trên diễn đàn BBC về vụ Toà Khâm sứ, cảm thấy “bực mình”, định bụng không viết gì, bởi nghĩ cho cùng, ông trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cũng chỉ là cái “loa phóng thanh” của Đảng. Nhưng, nghĩ lại, thì lại thấy “cái loa ấy” không nói tiếng nói của mình, mà chỉ phát đi thông tin từ cơ quan chủ quản của nó. Do đó, đây là thông tin chính thức của Nhà nước về vụ Toà Khâm sứ. Vì thế, thấy cần phải nói lại cho rõ vài chuyện liên quan, kẻo người dân, nhất là người công giáo lại tưởng rằng, về vụ Toà Khâm sứ, bấy lâu nay, Nhà nước đang “hành xử một cách chính đáng theo đúng pháp luật.”

80103_9843.jpg

Bé cái lầm!!!

Trước hết, cần phải thấy rằng, Nhà nước đang rất khó xử về Toà Khâm sứ. Nếu không trả lại Giáo hội, thì Nhà nước không thể kiểm soát nổi tình hình, chẳng biết ăn nói thế nào với người dân và nhất là với những áp lực quốc tế như hiện nay. Nếu trả lại, thì cũng chẳng biết ăn nói thế nào, bởi “trả lại” thì cũng đồng nghĩa với việc tự thú trước bình minh rằng đã chiếm đoạt đất đai của các tôn giáo cách bất hợp pháp.

Chính vì thế, việc ông Nguyễn Thế Doanh cho rằng: “không có vấn đề trả lại, tức là “của anh” hay “của tôi... không có chuyện đòi lại, trả lại”, chỉ là một cách bao biện cho những việc làm sai trái trước đây của chính phủ liên quan tới vấn đề đất đai tôn giáo và nhất là để không phải mất mặt khi trao trả lại Toà Khâm sứ.

Nói gì thì nói, cá nhân ông Nguyễn Thế Doanh và các vị lãnh đạo chính phủ đều biết rằng Toà Khâm sứ và đất đai khu vực Toà Khâm sứ là của Tổng Giáo phận Hà Nội; và đều hiểu rằng ‘giao lại, cấp lại hay giao cho, cấp cho...hay gì đi chăng nữa”, thì thực chất của vấn đề vẫn cứ là “trả lại”, bởi chẳng có ai dám phủ nhận đây không phải là đất của Toà Giám mục; và bởi vì, như ông Nguyễn Thế Doanh trả lời trong cuộc phỏng vấn, ngay cả “Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thành phố Hà Nội dừng tất cả các việc thi công, không được xử dụng khu đất và toà nhà vào mục đích kinh doanh...”. Nếu không ai phủ nhận thì tức là nó thuộc về Toà Giám mục. Vì nó là của Toà Giám mục, nên chuyện “trả lại” là hợp tình, hợp lý.

Ở đây, cũng cần phải nói thêm một chút về cái lý do mà ông Nguyễn Thế Doanh dựa vào đó, để khẳng định “không có chuyện trả lại” Toà Khâm sứ cho Giáo phận Hà Nội. Lý do duy nhất mà ông đưa ra đó là: “Từ khi có luật đất đai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước quan tâm tới từng bộ phận nhân dân để giải quyết.” Sic! “Từ khi” là từ khi nào? Chỉ từ khi Đảng Cộng sản nắm quyền nó mới ra như thế. Chứ trước đó, nó không như thế!!! Hơn nữa, đây không phải là lý do để không trả lại đất cho dân và cho các tôn giáo, bởi nếu chỉ dựa vào những khái niệm mơ hồ này, thì một là ông Trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ đã không học hỏi Hiến Pháp, hoặc là ông đã phớt lờ các qui định pháp quy liên quan đến vấn đề đất đai tôn giáo mà có thể chính ông cũng là người góp phần soạn thảo các văn bản này.

Không cần dẫn chứng dài dòng các qui định của Hiến Pháp và Pháp luật hiện hành về quyền lợi mà các tôn giáo được hưởng, chỉ xin trích dẫn ở đây một số dẫn chứng tiêu biểu:

- Điều 70 Hiến Pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, năm 1992, khẳng định: “Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước bảo hộ.”

- Điều 26 Pháp Lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, ngày 18 tháng 06 năm 2004, viết: “Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó”.

Ai cũng biết Toà Khâm sứ và toàn bộ đất đai tại Toà Khâm sứ là “tài sản” vốn thuộc sở hữu của Toà Giám mục Hà Nội:

* Trong địa bạ kê khai thứ nhất, ngày 18/04/1933, Ngôi nhà số 40A (nay là số 42) phố Nhà Chung, được ghi ở bản đồ C, với diện tích 11.487m2, quyển số 2, tờ 162, số 1765, có chứng chỉ của sổ địa bạ chứng nhận quyền sở hữu của Toà Giám mục Hà Nội.

* Từ đó cho tới nay, nhiều lần Toà Giám mục kê khai về các tài sản nhà đất thuộc quyền sở hữu của Toà Giám mục trong đó có khu vực Toà Khâm sứ, trong các thời kỳ khác nhau, theo chỉ thị của Chính phủ, nhưng cho tới nay, chưa có bất cứ văn bản nào của Chính quyền phủ nhận quyền sở hữu của Toà Giám mục Hà Nội.

* Ai cũng biết, đất đai của các tôn giáo nói chung và Toà Khâm sứ nói riêng, chưa bao giờ thuộc diện “cải tạo Xã hội Chủ nghĩa”, như một số Công văn của Chính quyền vẫn thường dựa vào đó như lý do duy nhất để không trả lại tài sản của các tôn giáo. Thực tế, “Trong thời kỳ Nhà nước thực hiện chính sách cải tạo Xã hội chủ nghĩa năm 1961, thì đất đai tôn giáo không nằm trong diện cải tạo này.” Hơn nữa, cho tới giờ này, chưa hề có bất cứ quyết định “trưng dụng” nào của Chính phủ đối với đất đai tôn giáo mà cụ thể là Toà Khâm sứ.

Trong vụ việc Toà Khâm sứ, Nhà nước không chỉ chiếm dụng đất đai vốn thuộc quyền sở hữu của Toà Giám mục Hà Nội như chứng minh ở trên, mà còn lấy cả Toà nhà Khâm sứ – “tài sản” của Toà Giám mục Hà Nội. Hiện nay, ngôi nhà cũng là “tài sản” của Toà Giám mục vẫn hiện hữu trên khu đất mà ai cũng biết, chính phủ cũng biết.

Như vậy, theo những qui định rất cụ thể mà Pháp lệnh tín ngường Tôn giáo đã qui định: “Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm vi phạm”, thì chính Nhà nước đang vi phạm vào những qui định Pháp luật liên quan tới vấn đề “tài sản và đất đai tôn giáo”.

Do đó, chuyện “trả lại” là chuyện phải đạo và hợp lý, bởi toà Khâm sứ là “tài sản” của Giáo hội nói chung và Tổng Giáo phận Hà Nội nói riêng. Nhà nước không nên bao biện mãi, nhất là vụ Toà Khâm sứ , bởi càng bao biện càng chứng tỏ Nhà nước Cộng sản yếu kém, các vị lãnh đạo Nhà nước thiếu tâm và thiếu tầm.

Tôi nghĩ rằng, ai lại không có lúc sai. Sai mà sửa thì mới là “quân tử”. Trong thực tế, sau thời cải cách, Chính phủ đã từng “sửa sai”, thế nên, bây giờ sửa sai nữa có sao đâu. Khi Nhà nước chấp nhận sửa sai như vậy, thì dân mới thấy Đảng và Nhà nước thương dân, hết lòng vì dân; mới thấy Nhà nước là của dân, do dân và vì dân; mới thấy Nhà nước thật tâm muốn xây dựng Nhà nước Việt Nam thành một Nhà nước Pháp quyền, tôn trọng quyền lợi của dân.

Chuyện đơn giản chỉ có thế. “Trả lại” hay “không trả lại”??

5.1.2008

An Dân

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 05.01.2008. 18:00