Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thư Ngỏ Gửi Ông “Giáo Gian” Phùng Nhân Quốc

§ JB Nguyễn Hữu Vinh

VietCatholic News (Thứ Năm 31/01/2008 15:33)

Thưa ông Phùng Nhân Quốc (nếu có)

Tôi viết lá thư này gửi đến ông, nếu có một ông Phùng Nhân Quốc nào đó, hoặc gửi đến tác giả bức thư mang tên “Giáo dân Phùng Nhân Quốc”.

Vì phương tiện truyền thông Nhà nước được “sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng” thì chắc là không thể nói sai (?!) nên tôi vẫn cứ tạm tin là có một ông Phùng Nhân Quốc nào đó để tiện trao đổi qua lá thư này, ngõ hầu chúng ta nói được với nhau những điều còn chưa hiểu.

Tôi cũng xin được giới thiệu là một giáo dân, cùng sống ở Hà Nội, nên muốn trao đổi với ông vài dòng qua bài viết của ông. Hi vọng rằng bức thư này cũng được đăng trên các đài, báo ở Việt Nam, để thực hiện điều mà ông Tổng Bí thư Đảng CS đã nói từ lâu là “Chấp nhận sự khác biệt”, ít nhất là trong tranh luận.

Đọc bài viết ông gửi đến các báo, đài Nhà nước, tôi cảm thấy vui, vui vì lần đầu tiên, một “giáo dân Hà Nội” được cơ hội lên tiếng trên phương tiện truyền thông nhà nước về vụ đất đai, tài sản ở 42 Nhà Chung, mà người Công giáo Hà Nội và cả thế giới gọi chung là Khu vực Tòa Khâm sứ. Vui, vì dù sao, các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam đã lên tiếng để nhắc nhở mọi người Việt Nam rằng: Đang có một sự kiện trong xã hội Việt Nam đáng quan tâm hơn việc xe cán chó, việc Tổng thống Mỹ hé lộ chuyện nghiện rượu, chuyện các “đồng chí” Trung Quốc ngày hôm nay làm gì, chuyện cán bộ mua dâm trẻ vị thành niên bị bắt…

Đó là chuyện hàng ngàn giáo dân Việt Nam, công dân Việt Nam, đồng loại của mình đang ngày đêm chịu vất vả gió sương rét mướt để tập trung về Tòa Khâm sứ cầu nguyện, nói lên nguyện vọng của mình là: “Xin lại” Tòa Khâm sứ - Nơi người Công giáo Việt Nam xem như là một vùng đất Thánh - đã bị chiếm đoạt từ lâu mà họ cho rằng sự chiếm đoạt đó không có cơ sở pháp lý.

Thưa ông,

Chuyện Tòa Khâm sứ xảy ra không phải đến ngày ông lên tiếng trên báo đài Nhà nước mới có, mà đã có cả chục năm nay, với những đơn xin gửi lần này đến lần khác tới Nhà nước. Đặc biệt, những buổi cầu nguyện ôn hòa trong hòa bình của Giáo dân ở Tòa Khâm sứ cũng đã hơn một tháng nay, giữa Thủ đô Hà Nội văn minh, thanh lịch có ngàn năm văn hiến. Trong một nhà nước dân chủ, pháp quyền, ưu việt hàng đầu thế giới với “Nhà nước ta là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, hoạt động báo chí của Nhà nước ta là thực hiện tốt nhất ý chí của nhân dân nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh”. tapchicongsan.org.vn

Trong một nhà nước mà chỉ một đoạn văn như trên, chữ “dân” đã được nhắc đến 6 lần, thì lẽ ra, ông là người dân, chắc không phải đến bây giờ mới được lên tiếng mới đúng.

Còn những người đang cầu nguyện kia, có lẽ họ không phải là người dân, hoặc họ cũng là “dân” nhưng không phải là những người nằm trong cái định nghĩa trên? Vì vậy, đã hơn một tháng nay, họ vẫn âm thầm cầu nguyện, chịu vất vả gió sương, lạnh lẽo nơi màn trời chiếu đất mà báo chí Xã hội Chủ nghĩa đã bỏ quên họ để phó mặc cho… công an?

Nhưng chúng ta chỉ nói về những điều liên quan đến bài viết của ông được Đài, báo của Đảng và Nhà nước hết sức trân trọng đăng nhiều nơi.

Thưa ông,

Đọc đoạn đầu bài viết của ông, tôi đã hơi nghi ngờ về ông khi ông giới thiệu: “Tôi là một giáo dân ở ngay Hà Nội đã chăm chú theo dõi sự kiện này từ mươi hôm nay” . Quả thật là như trên đã nói, sự việc xảy ra ở Tòa Khâm sứ cũ, không phải chỉ mới bắt đầu từ mươi hôm nay, mà đã có một quá trình cả một thế hệ. Những chuyện đó, bất cứ giáo dân nào ở xa xôi đến đâu, cũng đều biết huống chi ông “ là một giáo dân ở ngay Hà Nội” lại còn “chăm chú theo dõi sự kiện này”?

Tiếp theo, ông nói rằng: “một số giáo dân, hầu hết từ các địa phương xa Hà Nội đã tụ tập về 42 Nhà Chung” căng lều, dựng bạt trên đất của Nhà Văn hoá, phòng Văn hoá thông tin và Trung tâm Thể dục thể thao quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bị lợi dụng và kích động, họ đã dùng kìm cộng lực, gậy sắt phá cổng và đánh bị thương một số cán bộ, nhân viên đang làm nhiệm vụ”? thì tôi e rằng nghi ngờ của tôi là có cơ sở, bởi mấy lẽ sau:

Ông “chăm chú theo dõi”, nhưng ông không biết được rằng, đa số những người vẫn đang ngày đêm ngồi bên tượng Đức Mẹ sầu bi, biểu tượng của Giáo hội Việt Nam kia, là những GIÁO DÂN ở Hà Nội. (Xin nhắc lại GIÁO DÂN – không phải giáo gian) và lực lượng công an nhân dân đang canh giữ, theo dõi họ. Tôi cũng không hiểu ông có nằm trong lực lượng đang “chăm chú theo dõi” này không?

Ông nói rằng: “trên đất của Nhà Văn hóa, phòng Văn hóa thông tin quận Hoàn kiếm và Trung tâm thể dục thể thao quận Hoàn Kiếm” thì tôi lại e rằng hoặc ông dốt nát về pháp luật, hoặc ông “giả chết để bắt quạ” theo cách nói của dân gian. Nếu ông nghe được lời ông Doanh, trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, thì đất đai không có của ai hết, mà là đất đai là sở hữu của toàn dân. Vậy thì đây không thể là đất của Nhà Văn hóa hay cơ quan nào ông liệt kê trên.

Có lẽ vì dốt nát về pháp luật, hay bị căn bệnh nói lấy được, nên có một điều ông đã không nhắc tới, đó là QUYỀN SỬ DỤNG đất này, xưa nay, vẫn thuộc Tòa Tổng Giám mục Hà Nội từ trước khi có cái Nhà nước này. Việc các cơ quan trên nhảy vào chiếm giữ, sử dụng mà không có văn bản pháp lý có hiệu lực, không có cơ sở pháp lý, thì đều là bất hợp pháp.

Bởi mảnh đất và tài sản đó chưa được bán, chưa được cho, tặng, biếu hay bất cứ hình thức chuyển nhượng nào. Vấn đề này, đơn giản để xác định thôi, bên Giáo hội đã có văn bản chứng minh là của mình. Vậy các cơ quan này, hay nhà nước thử chứng minh xem sao? Có khó gì đâu chuyện đó mà để thành rắc rối?

Tôi cũng nghi ngờ hơn, khi ông đã nhắc tới quyền sử dụng đất, nhưng lại không nói rõ, ai là người có quyền sử dụng đất đó đúng pháp luật?

Quả là tôi cũng giật mình khi đọc những hàng chữ này của ông: “Mặt khác, mảnh đất ở 42 Nhà Chung từ năm 1960 đã được các chức sắc đứng đầu Toà Giám mục tự nguyện bàn giao cho chính quyền Hà Nội quản lý”?

Vì vậy tôi đã tìm xem các thông tin về vấn đề này thực hư ra sao? Trên các báo của Nhà nước, có nói “sau khi đã tìm hiểu”? rằng: “ngày 24-11-1961, linh mục Nguyễn Tùng Cương (đại diện quản lý) đã bàn giao cơ sở nhà đất 40a, nay là số nhà 42 phố Nhà Chung để Nhà nước thống nhất quản lý”? Nếu ông là giáo dân, chắc ông hiểu rằng: Đứng đầu Tòa Giám mục, không ai khác mà phải là Giám mục. Vậy linh mục Nguyễn Tùng Cương đã đứng đầu Tòa Giám mục Hà Nội những năm 1960 tự bao giờ?

Thưa ông! Cha ông có câu “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng” có lẽ trong cơn lúng túng và hoảng loạn thần hồn nát thần tính, hoặc bị căn bệnh bịa mà không tìm hiểu với ý thức “báo đài Nhà nước đã nói thì dân phải tin” nên ông đã nhầm lẫn ngay cả trong các dữ kiện bịa đặt chăng? Năm 1960, khác với ngày 24-11-1961, linh mục Nguyễn Tùng Cương, khác với người đứng đầu Tòa Giám mục HN.

Mặt khác, không có bất cứ linh mục nào được bán, chuyển, hiến, dâng tài sản của Giáo hội cho bất cứ ai mà hợp pháp. Bởi lẽ về pháp lý, các linh mục không phải là chủ sở hữu tài sản đó. Và Giáo luật không bao giờ cho phép làm điều đó? Xin ông “Giáo dân Hà Nội” hãy đọc một chút Giáo luật đi ông. Điều này để nói lên rằng: Dù linh mục đó có là một linh mục “quốc doanh” đi nữa, thì cũng không có quyền hành để làm việc đó thành công. Huống chi, Linh mục Nguyễn Tùng Cương sau này đã trở thành Giám mục, thì điều ông nói càng không bao giờ có cơ hội là hiện thực.

Cũng đã có người sử dụng cách như trên, để nói rằng: Đất nhà xứ Hà Đông cũng đã được một chánh trương tặng không cho nhà nước. Hài hước thay là những người đẻ ra câu chuyện vui này.

Đến đây, tôi thấy cần phải nói thẳng điều không muốn nói với ông rằng: Với một giáo dân, mà không hiểu được những điều đơn giản đó, thì tôi khẳng định ông đích thị là một GIÁO GIAN hạng xịn, một cái lưỡi mà cứ đổ cơm vào thì nói theo ý chủ mà thôi.

Tôi lấy ví dụ đơn giản nhất cho ông có thể hiểu được vấn đề như sau: Giả sử nhà ông có mấy đứa con, trong đó có một đứa bị nghiện, nó túng bấn khi đã xài hết tiền, một hôm nó bán nhà ông, đất đai của tổ tiên ông, trong khi ông vẫn còn sống nhăn nhở, vợ con ông vẫn chưa chết hết, thì việc mua bán có thành không, thưa ông?

Hoặc nữa, khi nhà ông bị cướp vào, gí dao vào cổ bắt ông viết thư vay nợ, hiến nhà, đưa bút vào tay, súng kề tận mang tai, ông phải ký, thì khi mọi người đến cơ quan công quyền, ông có công nhận rằng chữ ký của ông khi đó có giá trị không?

Nhân câu chuyện pháp lý về ông Chánh trương cho Nhà nước đất nhà xứ, tôi cũng liên hệ với ông một câu chuyện về chính đất nước mình như sau:

Sau khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chiếm đoạt lãnh thổ đất nước chúng ta là Hoàng Sa, Trường Sa. Những cuộc biểu tình của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam thể hiện lòng yêu nước của mình, đã bị trấn áp, nhiều người đã bị bắt giữ. Chuyện đó cả thế giới cũng đã biết.

Nhưng có một chi tiết rằng: Trên mạng lại xuất hiện rất nhiều hình ảnh một bức Công hàm được cho là của ông Phạm Văn Đồng, ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, gửi Tổng lý Trung Quốc, ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc về hải phận.

Người ta cho rằng, với văn bản đó, có nghĩa là Hoàng Sa, Trường Sa đã được “bàn giao về Trung Quốc thống nhất quản lý” từ năm 1958? Và đó thực sự mới là chức sắc đứng đầu chính phủ tự nguyện bàn giao cho chính quyền Trung Quốc quản lý?

Vậy tại sao Việt Nam vẫn tuyên bố là của Việt Nam? Trường Sa, Hoàng Sa vẫn là lãnh thổ thiêng liêng của đất nước này, không một thế lực nào bán hay dâng nổi? Điều cơ bản ở đây, là công hàm đó không có giá trị pháp lý về hiệp ước lãnh thổ giữa hai bên, mà nó chỉ chứng minh một thái độ.

Vậy trường hợp Tòa Khâm sứ ở đây có khác gì mấy thí dụ trên chăng? Nếu một linh mục nào đó có thể bàn giao đất đai, tài sản cho Nhà nước? Với cả Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay, cái văn bản của Linh mục Nguyễn Tùng Cương mà nhà nước đã nói trên, cũng chưa ai thấy mặt ngang mũi dọc nó thế nào, vậy sao ông biết rành rẽ? Hay ông chỉ nói theo Nghị quyết?

Suy nghĩ của riêng tôi ở vấn đề này, là Hoàng Sa, Trường Sa quý hơn hay khu đất Tòa Khâm sứ cũ của Giáo hội Công giáo quý hơn mà hai vấn đề được Nhà nước xử lý ngược nhau đến thế?

Thưa ông,

Quả là tôi thấy ngượng thay, khi ông tự xưng là một Giáo dân “kính Chúa yêu nước” mà đã cố tình bịt tai, nhắm mắt không nhìn những đoạn video, những hình ảnh, đã được cả thế giới biết đến một sự việc diễn ra trước hàng ngàn người trong và ngoài nước, giữa thanh thiên bạch nhật để nói rằng: “đã có một số người hung hăng quậy phá, gây rối trật tự an ninh, nhảy qua hàng rào để xông vào hành hung một số cán bộ phòng văn hoá, dùng gậy đánh bị thương một số người, trong đó có một người bị trọng thương”.

Vụ việc ngày 25 tháng 1 năm 2008 tại Tòa Khâm sứ, đã có quá nhiều hình ảnh, băng video được đưa lên quá đầy đủ trên mạng internet, cả thế giới đã hiểu tường tận vấn đề đâu là nguyên nhân, ai là thủ phạm, nếu ông có thời gian quan tâm vấn đề này mà chưa được xem, mời ông chịu khó nhờ con cháu hàng xóm mở cho ông xem để khỏi bàn luận nhiều.

Đọc đoạn này, tôi không khỏi bật cười về sự nói năng của ông: “Điều thật đáng buồn là trong khi báo chí thông tin kịp thời những ý kiến có trách nhiệm của những người đứng đầu Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và chính quyền Hà Nội, người trong cuộc là Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt không phản ứng gì” . Chắc ông chưa có điều kiện để kiểm tra về cái “kịp thời” đó của báo chí, và ông cũng chưa đọc tờ đơn Khiếu nại của Tòa Tổng Giám mục Việt Nam đã được đưa ra dán đầy cổng Nhà Chung Hà Nội và lưu truyền trong cộng đồng dân chúng? Hay ông cho là Linh mục Gioan Lê Trọng Cung, chánh văn phòng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội là người ngoài cuộc?

Bài viết của ông còn đề cập đến những điều khác nữa, như vụ đất đai Thái Hà, Hà Đông… nhưng thiết nghĩ chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để mọi người hiểu được cái bộ mặt thật của ông là ai.

Sự việc trắng đen đã rõ mười mươi không cần nói thêm thì ai cũng hiểu. Nhưng điều cần nói với ông là: Dù là một bút nô, ông cũng nên có một kiến thức logic và một lòng tự trọng tối thiểu để có thể gọi là con người. Dù là một Giu-đa, thì vẫn phải nhớ đến ngày phải treo cổ trước ruộng máu sau khi con Thiên Chúa đã chịu nộp mình để mà tự vấn lương tâm.

Thật tâm mà nói, những dòng viết của ông và những kẻ như ông trên các báo, đài Nhà nước, đã là một thứ cực kỳ nguy hiểm cho chế độ và Nhà nước hiện nay. Nó đã thể hiện một não trạng biến trắng thành đen ngay trên diễn đàn thông tin của Nhà nước. Qua đó, người Công giáo nói riêng, người dân Việt Nam và thế giới nói chung hiểu thế nào về một Nhà nước đã để cho những sự trắng đen thay đổi ngang nhiên trên diễn đàn của mình? Qua đó, ông đã bôi xấu bộ mặt đất nước Việt Nam văn minh, dân chủ và yêu chuộng hòa bình như lời Nhà nước vẫn tự ngợi ca. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà xã hội thông tin đã là hiện thực trên toàn thế giới.

Cũng qua đó, người ta hiểu những “Giáo dân”, những “công dân” đã có tiếng nói trên các diễn đàn Nhà nước lên án Giáo hội và các chức sắc tôn giáo với những lời lẽ xuyên tạc quy kết, kết tội thay các Tòa án như vẫn thường làm là ai.

Chính ông và những người như ông, đã đi ngược lại đường lối của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam trên giấy về đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh toàn dân xây dựng đất nước. Chính những điều đó, đã phá hoại tinh thần “kính Chúa, yêu nước của giáo dân đã được Nhà nước công nhận trong những năm tháng qua.

Cũng chính ông và những người như ông, đã đi ngược lại đường lối xây dựng một Nhà nước dân chủ, pháp quyền.

Sự dốt nát nào cũng có giá của nó. Sự dối trá nào cũng có giá của nó. Không thể để sự dối trá ngự trị cuộc sống xã hội chúng ta, nếu muốn xã hội và đất nước đi lên, tiến theo gần thế giới.

Đọc báo Việt Nam hôm nay, có tin thế giới: “Tổng thống Bush và 7 vị lãnh đạo trong chính phủ của ông đã có ít nhất 935 lời tuyên bố sai lệch về Iraq kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001” , tôi cũng thấy đất nước và Chính phủ Mỹ xấu xa, dối trá.

Nhưng, xem đến bài báo của ông, chỉ trong một bài thôi, đã bao hàm quá nhiều sự dối trá. Vậy nếu tính một giai đoạn dài của một người như ông, một chính phủ, một nhà nước, thì con số đó sẽ là bao nhiêu? Nếu có thời gian, mong ông tính lại điều này.

Chúc ông sang một năm mới bình tĩnh, sáng suốt hơn, có tính nhân bản hơn, lương thiện hơn trong nghề nghiệp kiếm cơm của mình.

Hà Nội, Ngày 1 tháng 2 năm 2008.

J.B. Nguyễn Hữu Vinh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 31.01.2008. 16:03