Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thư ngỏ của một công dân gửi Giám đốc Công an Hà Nội

§ Song Hà

Thưa Thiếu tướng,

Lần đầu tiên gửi lá thư này cho một vị tướng, tôi suy nghĩ thật nhiều, bởi muốn viết thư cho Thiếu tướng từ lâu mà tôi chỉ là một công dân. Nếu ai cũng viết thư như tôi, thì Thiếu tướng lấy đâu thời gian để đọc. Nhưng nhiều nỗi băn khoăn, nhiều điều trăn trở đã thúc giục tôi viết những dòng này. Đầu thư, tôi chúc Thiếu tướng luôn khỏe mạnh, thăng tiến trên con đường sự nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ của một người được mang trọng trách trước dân nước.

Những tháng ngày qua, tôi không có thời gian chú ý nhiều đến tình hình thời cuộc, vì tôi chỉ là một dân đen suốt ngày bận rộn với muôn vàn nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền… nỗi lo của những ông chủ đất nước nó nhỏ nhặt và không đáng để cho những công bộc của chúng tôi phải để ý.

Là một vị tướng, kèm theo nhiều chức danh khác, đứng đầu ngành Công an Thủ đô, oai phong lẫm liệt, chắc hẳn Thiếu tướng đã có nhiều chiến công, có nhiều thành tích. Trong tâm trí tôi, luôn khâm phục những người có tài cao, trí lớn đứng ra lo việc dân việc nước. Những người đó đáng để cho nhân dân kính phục, lưu danh sử sách, để lại tiếng thơm, phúc lộc muôn đời cho con cháu.

Những người bạn tôi, quanh chén nước chè, đã khâm phục nhiều vị tướng trong lịch sử Việt Nam, nhưng cũng có lắm người không hài lòng cách này cách khác.

Nhân đây, tôi muốn nói với Thiếu tướng những thắc mắc của họ, để một lần Thiếu tướng được rõ những nỗi lòng dân đen, nỗi lòng của những trí thức đất nước mà thời buổi này đã ra hèn đớn, ra khiếp nhược, muốn nói mà chẳng cất được nên lời. Chỉ vì họ đang sống không phải với phương châm của ông bà ta đã dạy là ‘Sống trong còn hơn chết nhục’ mà là ‘sống nhục còn hơn là chết’.

Đó là một sự sỉ nhục với hưng khí đất nước, khi kẻ sĩ ra hèn đớn, non sông đất nước này biết cậy vào ai? Thiếu tướng có nghĩ thế không?

Qua những công việc của Thiếu tướng được báo chí đưa lên, chúng tôi thấy rằng: Đúng là danh bất hư truyền khi các cụ nhà ta đặt tên cho Thiếu tướng là Nhanh. Quả thật là Thiếu tướng rất nhanh khi xử lý nhiều vụ án khác nhau, dù phức tạp hay đơn giản, dù đã có chứng cớ hay chưa… Nhưng có khi nào Thiếu tướng nghĩ lại xem những cái nhanh đó, cái nào đúng, cái nào sai hay không?

Vụ Vũ Hoàng Việt làm ra phim đồi trụy, bị đưa lên mạng. Trong khi đó, luật sư nói rõ rằng ‘làm ra, tàng trữ và phát tán văn hóa phẩm đồi trụy’ thì đều có tội. Trong đoạn phim, Vũ Hoàng Việt đã nói rõ ràng ‘đưa lên web nhé’. Nhưng Thiếu tướng khẳng định ngay là không có dấu hiệu tội phạm. Và quả thật, hệ thống công an điều tra và luật pháp của chúng ta đã làm việc và nhân vật Việt (con Công an) này đã không hề hấn gì, chỉ có 4 bạn trẻ được bản án mà thôi.

Rồi vụ việc được báo chí đưa lên tận mắt hình ảnh chiến sỹ Lê Thanh Sơn (số hiệu 125-442, thuộc Đội 4, Phòng CSGT - CA TP Hà Nội) đã vung dùi cui vào mặt người tham gia giao thông vi phạm luật, máu me đầy mình phải vào viện. Các nhà báo đã kiểm tra các nhân chứng ngay trưa 14/2. Cũng rất nhanh, Thiếu tướng nói ngay: ‘Nếu đúng là cảnh sát giao thông có thiếu sót, vi phạm hoặc đánh người sẽ xử lý nghiêm. Còn nếu xảy ra trường hợp người dân vi phạm Luật Giao thông mà lại cố tình chống người thi hành công vụ cũng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật’. Và vụ việc đã được điều tra với kết quả là ‘không có cơ sở’ kết luận cảnh sát đánh người vi phạm. Nhưng, những nhân chứng tại đó được điều tra, nạn nhân nói gì thì báo chí cũng im bặt.

Một vấn đề nữa, chắc Thiếu tướng không biết, cứ xem những chiếc xe chạy trên đường, xe sang, biển số phải đẹp. Người dân biết rõ, cái thủ tục cấp biển số bấm nút kia có khách quan không, và muốn có biển số đẹp thì phải làm gì. Thiếu tướng kết luận là ‘không có cơ sở’. Nhưng nhiều tiền, có xe sang, thì vẫn có biển số đẹp chạy đầy đường.

Qua mấy việc trên, phải nói là Thiếu tướng đã rất nhanh, và kết quả thì đúng như những điều Thiếu tướng đã nói ngay từ đầu. (Mấy anh bạn xấu miệng của tôi hay nói vụng rằng Thiếu tướng đã chỉ đạo như vậy, lại là con công an, là chiến sỹ công an, quân của Thiếu tướng, thì có trời mà dám điều tra ngược lại). Vì sau đó, người đã chống người thi hành công vụ dập mặt kia, cũng không thấy xét xử?

Thưa Thiếu tướng, Gần đây có sự kiện Thái Hà, qua báo chí và truyền thanh, truyền hình, đặc biệt là hệ thống loa phường ngày ngày chõ vào nhà tôi nói như xát muối nên tôi buộc phải quan tâm. Tôi chú ý hơn và tìm hiểu ngọn nguồn. Trong quá trình đó, nổi bật hình ảnh và những hoạt động của Thiếu tướng về việc này. Tôi nghĩ, cần viết vào đây mấy nỗi băn khoăn của mình gửi lên Thiếu tướng, xin được giải đáp giùm.

Những ngày qua, khi đám dân công giáo cầu nguyện trên khu vực đất trước đây là của họ và giờ họ vẫn cho là của họ với số lượng ngày càng đông, đã làm Thiếu tướng vất vả. Qua báo chí, tôi biết được Thiếu tướng đã nhọc lòng vài lần mời các ông linh mục Thái Hà đến để bàn giải vấn đề này. Thậm chí, Thiếu tướng còn báo cáo Thành phố để mang chứng cứ đến cho họ xem. Chúng tôi đánh giá cao những hoạt động vất vả đó của Thiếu tướng. Dù Thiếu tướng chỉ có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật và trị an theo cương vị của mình.

Thế nhưng khi mấy ông linh mục xem chứng cứ đã nhất định không chịu thôi, vì chứng cứ đã thể hiện là theo pháp luật thì Nhà nước không có cơ sở để chiếm đất của họ. Họ cứ khăng khăng đòi làm theo pháp luật thì Thiếu tướng đã cho khởi tố vụ án hình sự ngay. Lần này cũng rất nhanh, Thiếu tướng đã cho đội quân ào ào như sôi vây bắt đám dân đen hiền lành như những tên tội phạm nguy hiểm.

Khi đám giáo dân kia thấy đồng đạo của mình bị bắt vô lý, oan ức vì chỉ mấy mét tường rào mà họ cho là bất hợp pháp nên đưa nhau ra Công an quận cầu nguyện ôn hòa. Rất ôn hòa, thưa Thiếu tướng. Nhưng Thiếu tướng đã cho cả hàng mấy trăm đàn em đánh vỡ mặt họ, cả chục tên xúm vào đánh đập một người bằng giày đinh, dùi cui điện, đánh dân như đánh đòn thù ngay trước mặt nhân dân phố Thái Hà. Đến nỗi những người đi đường, những người dân hai bên đường ngang nhiên chửi cả lũ công an là khốn nạn, là… nhiều từ ngữ không tiện nói ở đây. Và chính tôi cũng là người chứng kiên tận mắt cảnh công an đánh đập hôm đó. Tôi thật đau lòng khi thấy họ bị đối xử như vậy!

Rồi khi đám giáo dân già trẻ, gồm cả linh mục đang cầu nguyện thì bị xịt hơi cay vào mặt những trẻ nhỏ như con của Thiếu tướng, những phụ nữ như vợ của Thiếu tướng, mà cả đội ngũ công an của Thiếu tướng đứng im, lại giở trò không thèm làm chức năng của mình.

Vấn đề đất đai tôi không muốn nói nhiều ở đây, nhưng chắc Thiếu tướng là người thuộc cơ quan luật pháp, thì tự bản thân Thiếu tướng cũng rõ rành rành như canh nấu hẹ là đất này đang thuộc về ai. Chủ quyền sử dụng của nó đang là của ai mà không cần nhiều lời. Tài sản của nhà Thiếu tướng cũng vậy thôi, khi chưa cho, bán, tặng một cách hợp pháp thì không có ai có quyền trên tài sản đó, kể cả là nhà nước. (Xin lỗi Thiếu tướng là tôi không đề cập đến những kiểu như cách mạng cải cách ruộng đất, như đánh tư sản…). Vì thế nên đất này, tài sản này nếu nhà nước không có chứng cứ đã mua, xin, được tặng hay lấy không theo chủ trương chính sách nào, hoặc có, nhưng không có giấy tờ văn bản hợp lệ thì về lý vẫn thuộc giáo dân Thái Hà.

Điều tôi muốn nói với Thiếu tướng, là cách hành xử và tính người, tình người trong đó nên ra sao để cho mình thanh thản mà thôi.

Tôi nghĩ chắc chắn Thiếu tướng đã biết những vụ việc nói trên rất rành rẽ. Nhưng ngay hôm sau, cũng rất nhanh, trước các nhà báo quốc tế và trong nước, Thiếu tướng đã khẳng định không có chuyện đó và chuyện đó là do các ông linh mục ngụy tạo? Kể cả đến khi người ta đưa hình ảnh rõ ràng, Thiếu tướng lại im.

Trong vụ xịt hơi cay, một chiến sĩ công an đã thấy xấu hổ, ân hận với lương tâm mình nên đã đứng ra xin lỗi người bị hại. Đó là chút lương tâm bị đánh thức của con người, nhưng chúng tôi nghĩ họ chỉ là công cụ của Thiếu tướng.

Rồi chuyện Thiếu tướng đã cho mời mấy ông giáo gian lên để tổ chức ‘gặp gỡ nghe ý kiến giáo dân’. Cả việc Thiếu tướng đã tuyên bố ‘các linh mục là người có uy tín nên việc họ đến chỗ giáo dân cầu nguyện đã là kích động… và sẽ điều tra xử lý những ai viết bài viết trên mạng nọ kia để trừng trị…’ .

Nếu nói mấy ông linh mục là người có uy tín, khi đến đó là kích động, thì tức là cả Thiếu tướng, cả đội ngũ công an nhân dân chìm nổi, báo chí, truyền hình của nhà nước này không có uy tín sao? Mà mấy ông linh mục và giáo dân lại bị xúi giục… nên chỉ giáo dục, còn lại bắt mấy người đã nói lên những tiếng nói tâm huyết của mình, bênh vực sự thật và lẽ công chính, bênh vực những người nghèo, những tôn giáo nhân ái…

Thật lòng mà nói, thưa Thiếu tướng, tôi không nghĩ là một vị tướng lại có thể nghĩ và làm như thế, tôi nghĩ Thiếu tướng chỉ nói đùa. Vì nếu làm vậy, chắc một lần nữa được lịch sử ghi tên như những ‘Tần Thủy Hoàng’ của thời đại mới với thành tích ‘đốt sách, giết học trò’.

Tôi thì tôi nghĩ: Dù làm công việc gì, cũng cần phải có năng khiếu, nhưng cái năng khiếu biến không thành có, biến trắng thành đen thì có là cái cần làm để có phúc đức hay không? Bởi vì, chúng ta là những con người, những con người biết suy nghĩ và xác định chuyện thẳng, cong, chuyện trái, phải cũng như chuyện phúc hay tội để dù hoàn cảnh nào, cũng biết mình nên làm gì cho hợp lẽ đời, lẽ đạo đức. Tiền của sẽ hết, nhưng phúc đức mãi còn.

Thật là Thiếu tướng đã rất nhanh, nhưng cái nhanh đó nhiều khi gây phản cảm. Không ai muốn cái nhanh của cảnh sát hàng loạt bắt dân lành như trộm cướp, không ai ưa cái nhanh đưa bọn gian dối lên làm con rối trên sân khấu đổ oan đổ lỗi cho người ngay. Cũng không ai thích cái nhanh kết tội người khác mà không cần đắn đo. Không ai muốn cái nhanh cho đàn lũ đàn em gây tội ác cho dân lành. Càng không ai muốn cái nhanh đưa những người vô tội, yêu chuộng hòa bình, công lý vào chốn lao tù.

Cuối cùng, không ai có thể bằng lòng với lương tâm mình khi làm bằng mọi cách để chiếm đoạt của cải của người khác, nhất là đất đai nhà chùa, nhà thờ, nơi thờ tự linh thiêng là điều mà người ta kiêng kỵ nhất.

Vì những điều thất đức đó, muôn đời con cháu mình sẽ chịu mà không biết kêu ai ngoài oán trách những người đã làm nên nghiệp chướng.

Thưa Thiếu tướng, kể ra những điều này chỉ là chuyện dông dài với Thiếu tướng, khi mà Thiếu tướng đang ở nơi quyền cao chức trọng và đang mê mải con đường thăng tiến. Nhưng tôi không hiểu có khi nào Thiếu tướng nghĩ xem đến lúc nào đó, mình sẽ làm được điều gì cho đỡ những ân hận của mình khi mình đang say máu quyền lực mà đã nhúng vào vụ việc mình phải chịu trách nhiệm trước lương tâm. Những người công giáo kia họ có tội tình gì khi tin vào những điều thánh thiện, tin vào tình yêu thương, tin vào hòa bình như những lý lẽ của lương tâm mách bảo. Họ đang đòi cái gì vô lý không, nếu đó chỉ là sự công bình và nhân ái?

Thiếu tướng có thể yên tâm rằng, những người công giáo kia, họ không hề có ý định trả thù cá nhân, họ lấy tha thứ như một nguyên tắc sống. Nhưng vùng đất mà họ đang kiên quyết đòi lại đó là đất Thánh, vì thế những xúc phạm đến đó, là một tội phạm Thánh, dù họ muốn tha thứ, họ cũng không đủ khả năng. Những kẻ phạm tội đó, chỉ có chuốc cho mình và hậu thế những tai họa khôn lường mà không thể nào cứu vãn. Thiếu tướng cũng có thể lý luận rằng những tài sản đó, nếu Công ty Phước Điền kia có bán được thì Thiếu tướng cũng chưa hẳn đã có phần… Nhưng hiện nay, thì Thiếu tướng vẫn là người chịu trách nhiệm trong việc hành xử với đám giáo dân ở đó.

Là một người Cộng sản, có thể Thiếu tướng coi chuyện đó là vớ vẩn, thì tùy Thiếu tướng mà thôi. Chẳng ai bắt được người khác phải tin những điều mình tin nhưng thực tế cuộc sống thì nhiều điều ngoài sức tưởng tượng của mình.

Thưa Thiếu tướng, Biết Thiếu tướng có nhiều bận rộn, nhưng những dòng này của một công dân, gửi đến Thiếu tướng để nói lên những thắc mắc trong tâm tư của mình. Nếu thấy điều gì không vừa lòng, xin Thiếu tướng lấy hai chữ ‘đại xá’ mà bỏ qua, đừng bắt kẻ tiểu nhân này mang tội phạm thượng thì tiểu nhân này đắc tội lắm.

Tái bút: Là Giám đốc Công an Thủ đô, Thiếu tướng có thể kiểm tra những câu chuyện sau đây ngay trên đất nước mình đã được chép lại:

- Vào năm 1954, sau khi chiếm được Miền Bắc, một vài anh công an đã tự ý " thừa thắng xông lên" đi vào nhà dòng kín Bùi Chu lục soát. Khi đi vào Nhà Nguyện và đúng vào giờ các Nữ Tu đang chầu Mình Thánh, anh công an ngạo mạn hách dịch: "Chúa của các ngươi ở đâu?" Các Nữ Tu giơ tay chỉ vào Nhà Tạm trên bàn thờ. Anh công an liền lấy khẩu súng mang trên người nhắm vào Nhà Tạm, nơi đựng Mình Thánh Chúa, bắn đúng chén thánh và Mình Thánh Chúa đổ ra vương vãi. Bắn xong, anh công an vẫn đứng yên và gầm ghè chĩa súng vào Nhà Tạm như muốn bắn tiếp. Các Nữ Tu vô cùng đau lòng vì cảm thấy Mình Thánh Chúa bị xúc phạm quá trắng trợn, nên chạy đến quì xin anh công an đừng tiếp tục bắn vào Nhà Tạm nữa. Nhưng khi động đến anh ta thì mới biết anh ta đã bị phạt chết đứng từ lâu rồi (1).

- Người ta kể rằng, cũng vào năm 1954, khi chính quyền Bắc Việt lúc bấy giờ ra chính sách "Phát động quần chúng đấu tranh", thì một vài "con chiên ghẻ" trong hàng ngũ các giáo dân đã đứng ra tố cáo và đấu tố "bọn địa chủ Nhà Chung". Trong số đó có một người đã vu khống và xỉ vả Ðức Cha Trần Hữu Ðức (Địa phận Vinh) một cách bất công trước tòa án nhân dân, và hậu quả là mấy ngày sau đó anh ta đã bị con trâu gia đình anh ta báng và lấy sừng xốc sổ ruột chết một cách hết sức tang thương.

Tiếp đến, chính cha xứ của quê tôi cũng vào thời gian đó, bị một người đàn bà xứ cũ của ngài đến đấu và làm nhục ngài vô bằng cứ ở sân đình làng, trước mặt hàng trăm người cả lương lẫn giáo, trong đó có tôi. Và cuối cùng, người ta kể lại là khi về nhà được ít lâu thì hai mí mắt của bà ta bị lật ngược lên, trông như một con ma sống, khiến bà ta cả ngày chỉ ở quanh quẩn trong nhà, chứ không dám ra đường.

- Và vào năm 1963, sau khi cụ Ngô Ðình Diệm bị một số tướng tá phản bội lật đổ, một số bà con bên lương đã tràn vào tòa tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế đập phá mọi "tàn tích gia đình trị" của Họ Ngô. Khi trông thấy bức tượng thánh Gioan Tẩy Giả, quan thầy của cụ Diệm, thì "giận cá bằm thớt", một anh thanh niên đã trèo lên vác búa đập vỡ mặt mũi bức tượng, nhưng không may bị trượt chân ngã xuống chết ngay lập tức.

- Sau cùng là năm 1995, khi tôi có dịp trở lại viện Ðại Học Công Giáo Ðà-lạt, mái trường xưa, thì thấy ngôi Nhà Nguyện, một nơi xưa kia vốn từng là nơi thâm nghiêm kính cẩn cho mọi sinh viên lương giáo đến cầu kinh tâm sự với Thiên Chúa để tìm lại được nghị lực mới, thì nay hoàn toàn bị tục hóa và biến thành phòng đọc sách. Còn khi nhìn lên tháp chuông của ngôi Nhà Nguyện, thì chỉ thấy một ngôi sao đỏ, chứ không thấy tượng Thánh Giá đâu nữa cả. Những bà con giáo dân lân cận kể lại là sau khi vào tiếp thu Ðà-lạt và chiếm đại học, thì có một anh bộ đội đã ngạo mạn đưa súng bắn phá tượng Thánh Giá trên tháp chuông, viên đạn đúng vào giữa Thánh Giá. Nhưng vì được đổ bê-tông kiên cố, nên Thánh Giá không bị hề hấn gì cả, chỉ có một mảnh xi-măng bắn ngược lại xuống trúng mắt anh bộ đội, khiến anh bị mù tại chỗ. Sự kiện đó, tuy không được đăng tải trên báo chí, nhưng dân chúng truyền miệng đi khắp nơi. Bởi vậy, nay người ta chỉ làm một ngôi sao bằng tôn màu đỏ bọc tượng Thánh Giá lại, chứ không ai dám phá.

(1) xem Albert Pfleger, Fioretti de la Vierge Marie, Mambre Éditeur 1992, (Trích Vài trường hợp về án phạt tội Phạm Thánh – LM Nguyễn Hữu Thy)

Còn đây là câu chuyện “Vào Đống Đa – ra Văn Điển: đã kể lại:

- Năm 1973, chính quyền có cử một số đại diện tới ép cha Giuse Vũ Ngọc Bích ký giấy cho mượn để chính quyền cho một đơn vị bộ đội đóng quân. Vị linh mục thánh thiện này, vốn hiểu rõ luật pháp và luật Dòng đã khẳng khái trả lời: "Tôi không có quyền". Ngay tức khắc, vị cán bộ đại diện chính quyền thời đó, đã huyênh hoang tuyên bố: "Ông không có quyền thì tôi có quyền". Sau đó không lâu, linh mục Vũ Ngọc Bích bị cưỡng bức ra khỏi tu viện. Sau khi trục xuất được vị linh mục - người quản lý tài sản của Nhà Dòng tại Hà Nội - ra khỏi tu viện, chính quyền bắt tay vào thực hiện chính sách "phá bỏ tàn dư của chế độ cũ".

Việc đầu tiên mà họ thực hiện là phá bỏ cây thánh giá trên nóc toà nhà tu viện. Chuyện kể rằng người lính được cắt cử phá dỡ thánh giá hôm đó sau nhát búa đầu tiên đã ngã quỵ xuống. Cây thánh giá chỉ bị sứt một miếng nhỏ. Hiện nay, cây thánh giá vẫn đứng vững mang trên mình vết thẹo của thời gian. Cây thánh giá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Nhưng cũng từ thời điểm ấy hình như có một lời nguyền đã được ban ra, khiến bệnh viện Đống Đa trở thành nơi bị chúc dữ.

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2008.

Song Hà

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.09.2008. 01:08