Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tản mạn ngày cuối năm 2007: Bàn về sự kiện Ông Thủ Tướng đi thăm khu vực 40 Nhà Chung

§ Gioan Tiền Hô Nguyễn Y Vân

Nguồn: chuacuuthe.com

Gần trưa ngày 30.10.2007, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Toà Giám Mục Hà Nội, gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục, thị sát khu nhà đất Toà Khâm Sứ và chứng kiến cảnh giáo dân cầu vọng từ ngoài hè phố vào trong sân, nơi có tượng Đức Mẹ Sầu Bi và Thánh Giá.

Giáo dân chúng ta ít nhiều cảm thấy hồ hởi, vì đang khi bức xúc, đang khi xếp hàng ký tên vào kiến nghị để gửi lên chính quyền các cấp, thì vị đại diện chính quyền ở cấp cao nhất đã đến tận nơi thăm viếng và gặp gỡ.

71230TgmKietTTDung324.jpg

Kết quả của cuộc gặp gỡ ấy là gì? Cho đến nay, báo chí của nhà nước cũng không có một dòng và Toà Giám Mục cũng không có thông cáo. Mà chắc gì đã có để thông báo, vì cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa hai bên trong ngày nghỉ, thì nguyên nghi thức cũng đã hết giờ rồi!

Trong khi chờ đợi mọi chuyện sáng tỏ hơn, chúng tôi thử phân tích hình thức, nội dung, ý nghĩa và kết quả của chuyến viếng thăm để xem chúng ta lợi gì và mất gì sau chuyến viếng thăm này đồng thời có một thái độ ứng xử thích hợp hơn.

TRONG TƯ CÁCH NÀO ông Nguyễn Tấn Dũng đến gặp Đức Tổng Giám Mục, thăm Toà Khâm Sứ và chứng kiến linh mục, tu sĩ và giáo dân cầu nguyện tại đây? Trong tư cách là thành viên của Bộ Chính trị, đại diện Bộ Chính trị và đến theo kế hoạch của Bộ Chính trị và Chính phủ Việt Nam hay trong tư cách cá nhân, đến thăm theo sở thích và tự do cá nhân? Trong tư cách là người đi thị sát thực địa để về phối hợp giải quyết hay trong tư cách là người rồi đột xuất ghé qua trong một buổi sáng nhiều ngẫu hứng? Trong tư cách là người đang làm việc hay trong tư là người nghỉ cuối tuần theo luật lao động? Chúng ta không biết. Nếu là trong tư cách chính thức thì chắc là ông đã không đi trong ngày chủ nhật!

NỘI DUNG BÊN NGOÀI của cuộc viếng thăm như các phương tiện truyền thông đưa tin thế là đã rõ: (1) Gặp Đức Tổng Giám Mục tại phòng khách Toà Giám Mục. (2) Thăm khu vực Toà Giám Mục, Nhà Thờ Lớn và Toà Khâm Sứ. (3) Chứng kiến cảnh giáo dân cầu nguyện và nghe giải thích về vấn đề nhà đất Toà Khâm Sứ. Nhưng NỘI DUNG BÊN TRONG giữa ông và Đức Tổng Giám Mục bao hàm những vấn đề gì? Giáo Hội có sớm được giải quyết vấn đề đất đai không? Toà Khâm Sứ có sớm được trả lại cho Giáo Hội không? Để điều này thành hiện thực, ông sẽ đưa ra biện pháp can thiệp thế nào trong khi trao đổi với Đức Tổng Giám Mục? Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào? Ông có cho biết Tòa Giám Mục biết khó khăn lớn nhất trong việc trả lại là ở chỗ nào không? Khi ra về thì ông sẽ làm gì cụ thể trước nhất để giải quyết vấn đề này? Cho đến bây giờ vẫn là một con số không to tướng. Không cả hình ông trong trang web chính thức của Tổng Giáo Phận Hà Nội. Dù là hình của ông đi chung với Đức Tổng Giám Mục.

MỤC ĐÍCH CỦA CHUYẾN VIẾNG THĂM NÀY CỦA THỦ TƯỚNG LÀ GÌ? Ông đến để biết sự thật nhằm sớm giải quyết dứt điểm vấn đề hay ông đến chỉ để thoa dịu cơn bức xúc của giáo dân? Ông đến chứng thực sự cảm thông với giáo dân hay với bạn bè, để làm đẹp lòng giáo dân hay để làm đẹp tương giao bạn bè? Ông đến vì dân hay ông đến vì mình? Ông đến thực thi công lý hay ông đến chỉ để làm đẹp hình ảnh của ông? Nhiều vụ biểu tình và đất tranh liên quan đến đất đai đang diễn ra trên khắp đất nước, ông đến khu vực Toà Khâm Sứ để cho thấy ông tuyên chiến với nạn lấn chiếm đất đai của các cán bộ địa phương hay Nhiều nước trên thế giới vẫn thường nhìn thái độ của chính quyền với cộng đồng Công giáo để đánh giá về mức độ cải tổ, đổi mới và mức độ bảo đảm tự do tôn giáo và tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam. Trong viễn tượng đó, ông đến để thực thi công lý hay để mang lại cho Việt Nam một hình ảnh tốt đẹp với thế giới bên ngoài?

Ý NGHĨA CỦA CHUYẾN VIẾNG THĂM: VỀ PHÍA NGƯỜI CÔNG GIÁO: Một mặt bà con giáo dân chúng tôi cảm thấy hài lòng vì nguyện vọng và hành động của mình được chính quyền lắng nghe và có vẻ quan tâm giải quyết. Mặt khác các thành phần dân Chúa cũng vì thế mà cảm thấy mạnh dạn hơn, xác tín hơn trong việc kéo đến Toà Khâm Sứ cầu nguyện.

VỀ PHÍA CÁC CƠ QUAN CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG cụ thể là thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm, có lẽ sẽ không còn tiếp tục những hành động ngang ngược trong việc khẳng định chủ quyền nhà đất ở đây như trước. Các sinh họat vui chơi giải tri, kinh doanh ở đây có lẽ sẽ không còn tiếp tục mở rộng và phô trương ồn ào. Vì ngay cả trong trường hợp chuyến viếng thăm của ông Dũng chỉ có tính mị dân, thì chính quyền sở tại cũng phải lo giữ nguyên trạng cho đẹp mặt ông Thủ Tướng. Hơn nữa, có thể chính quyền thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm sẽ lúng túng trong cuộc viếng thăm này của Thủ tướng. Vì ai làm trong bộ máy hành chính tham nhũng hiện tại và hiểu cơ chế làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm của bộ máy này thì biết chắc chắn liên quan đến vụ nhà đất Toà Khâm Sứ, các cán bộ ở đây chưa báo cáo lên Thủ tướng và cũng không ngờ rằng Thủ Tướng đến tận nơi để thăm viếng.

VỀ PHÍA THỦ TƯỚNG VÀ CHÍNH PHỦ VIỆT NAM: Dù ông Nguyễn Tấn Dũng đến với tư cách nào và mục đích nào và đi nữa thì ông cũng được lợi trong chuyến viếng thăm này. Mọi người sẽ có một hình ảnh đẹp hơn về ông, khi ông thị sát địa điểm tranh chấp, chứng kiến giáo dân cầu nguyện và ký tên trong sự giám sát của công an. Có người sợ rằng hành động viếng thăm của ông sẽ khiến ông bị áp lực giữa các phe phái trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam. Điều ấy có thể xảy ra, nhưng trong một hướng khác, ông vẫn được điểm và đuợc thêm điểm. Vì chuyến viếng thăm của ông góp phần “hạ hoả” nỗi bức xúc của dân oan và tô hồng dung nhan bộ máy lãnh đạo chính quyền Việt Nam, chứ không chỉ cho riêng ông. Xét cho cùng thì hành vi này góp phần làm yên cái ghế của chung các ông chứ không cho riêng ông Dũng. Do đó, nếu ai có tình cảm với ông Dũng thì xin đừng quá lo bò trắng răng!

GIÁO HỘI CÓ THỂ SỚM ĐÒI LẠI ĐƯỢC NHÀ ĐẤT CỦA MÌNH CHĂNG? Không sớm! Ngay cả trong trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng, vì lý do nào đó, thực sự có thiện chí trong việc giải quyết, thì ông cũng phải đối diện với thực tế mà các đồng chí tham ăn của ông đưa ra là: Sợ rằng nếu trả nhà đất cho Toà Giám Mục Hà Nội, thì phải trả đất cho các giáo xứ khác trong thành phố Hà Nội. Nếu trả đất cho Giáo phận Hà Nội thì sẽ phải trả cho các Giáo phận trong cả nước. Nếu trả đất cho Công giáo thì cũng phải trả đất cho các tôn giáo khác. Đây là điều cực khó cho lối ứng xử còn mang nặng mặc cảm với tôn giáo trong một chế độ có bề dày chiếm đoạt tài sản bất công dưới các chiêu bài khác nhau. Hơn nữa, người ít nhiều có kinh nghiệm về sự tranh chấp quyền lực địa vị cũng như sự kiềm chế lẫn nhau giữa các phe phái và cá nhân trong bộ máy lãnh đạo cao nhất của đất nước hiện nay, cũng còn biết rằng: Các nhân vật lãnh đạo cao cấp, dù khác biệt nhau và tranh chấp gay gắt với nhau đến mấy đi nữa, thì cũng rất đồng thuận với nhau trong việc bảo vệ chức vụ, quyền lợi cục bộ của mình và tập đoàn mình.

Mỗi người có quyền tin hay không tin vào hiệu quả tích cực của chuyến viếng thăm ông Thủ Tướng thực hiện ở 40 Nhà Chung hôm qua. Phần tôi, tôi tôi không tin. Có chăng tôi tin rằng vẫn đề nhà đất của Giáo phận Hà Nội sẽ còn phức tạp và còn cần phải trường kỳ cầu nguyện và hành động. Do đó lúc nào chúng ta cũng phải tỉnh thức và cầu nguyện kẻo ngủ gật và sa chước cám dỗ./.

Gioan Tiền Hô Nguyễn Y Vân

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.01.2008. 01:26