Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sự thật mới là vẻ đẹp chân chính cần cho mọi cộng đồng, mọi xã hội

§ An Dân

Mấy hôm nay, các cơ quan truyền thông, bên cạnh vụ việc Thái Hà, lại có dịp thi nhau mổ xẻ về cuộc thi Hoa Hậu VN 2008. Càng mổ thì người ta càng thấy những góc khuất, những mảng tối trong một cuộc thi được coi là hình mẫu cho mọi cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam. Các vị thuộc ban tổ chức cuộc thi hoa hậu thì tìm cách lấp liếm, chạy tội. Cô hoa hậu - người chưa từng học xong phổ thông trung học, nhưng lại được cấp cho một cuốn học bạ giả để làm hành trang tham dự cuộc thi, thì không trả lời. Nhiều người đề nghị tước vương miện hoa hậu. Người khác thì cho rằng cần phải nghiêm khắc với ban tổ chức cuộc thi vì đã vi phạm luật… Trước những tranh cãi mà không có ai đứng ra chịu trách nhiệm này, Nhà báo Vương Trí Nhàn, trên Báo tuổi trẻ ngày 6 tháng 9 năm 2008, đã phải nhắc lại một chân lý ngàn đời: “Sự thật mới là vẻ đẹp chân chính cần cho mọi cộng đồng, mọi xã hội”.

StMicae.jpg

Người ta tự hỏi, có những sự thật lớn hơn, rõ ràng hơn như sự thật đang diễn ra tại giáo xứ Thái Hà, nhưng tại sao các cơ quan truyền thông không bao giờ nhắc tới, mà chỉ thấy sự mạ lị, sự vu khống, sự đặt điều bôi nhọ, bóp méo sự thật. Chắc chắn, những phóng viên có mặt tại giáo xứ Thái Hà để theo dõi sát tình hình, diễn tiến diễn ra ở đây đều biết tới vụ việc “CSCĐ đã dùng dùi cui điện và các phương tiện hỗ trợ khác, đàn áp dã man những người giáo dân cầu nguyện ôn hoà tại hè phố Thái Hà ngày 28/8/2008”; vụ “cảnh sát cố tình xịt hơi cay vào đám đông đang cầu nguyện tại linh địa Đức Bà”; vụ “Công ty Cổ phần may Chiến Thắng bán khu đất này cho một công ty khác đã được giáo dân phát hiện tố cáo”….Nhưng, tuyệt nhiên những vụ việc ấy không bao giờ được đem ra mổ xẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc nếu có đưa tin thì lại chỉ là sự đặt điều, vu khống trắng trợn bất chấp nhân tâm mà không bao giờ cho nạn nhân lên tiếng.

Người ta cũng tự hỏi, tại sao có rất nhiều vụ án tham nhũng lớn mà thiệt hại kinh tế lớn gấp trăm, gấp ngàn lần vụ việc Thái Hà như vụ PMU18, vụ Đại lộ Đông tây, các vụ khiếu kiện đất đai trên khắp mọi miền tổ quốc, thì lại không được sự chỉ đạo “tạo dư luận, tố cáo” như tại giáo xứ Thái Hà. Phải chăng vì giáo xứ Thái Hà là một cộng đồng tôn giáo? Chắc chắn là như vậy. Đây là một sự phân biệt đối xử tôn giáo mà ai cũng nhận thấy. Nếu không có sự phân biệt đối xử này, thì sẽ không thể giải thích được tại sao “phải chỉ đạo” và tại sao báo chí trong nước đã tốn nhiều giấy mực để mạ lị, vu khống như vậy.

Việc báo chí, truyền thanh, truyền hình tại Việt Nam, xưa nay, chuyên đưa tin một chiều thì không có gì lạ. Tuy nhiên, việc cơ quan báo chí thi nhau đưa tin bằng những luận điệu vu khống, đổi trắng thay đen thì người ta mới chỉ thấy trước đây về Toà Khâm sứ và bây giờ về giáo xứ Thái Hà.

Việc báo chí nhà nước, thông tin một chiều, vu khống, mạ lị, không cho nạn nhân có tiếng nói, thì không ngờ lại là phương tiện loan báo về sự thật. Những ngày vừa qua, tại linh địa Đức Bà, hàng ngàn, hàng vạn người từ khắp muôn phương: Sài gòn, Quảng trị, Đà Nẵng, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Phòng… đã trở về Thái Hà để tìm hiểu sự thật vì họ không còn tin vào “cơ quan ngôn luận của Đảng” nữa.

Báo chí, khi thông tin một chiều về vụ việc Thái Hà, đã tự đào mồ chôn mình. Người dân bắt đầu cảm thấy bị Nhà nước, qua cơ quan ngôn luận, lừa gạt. Những linh mục, giáo dân, nạn nhân của những vu khống, mạ lị, thấy cần càng phải quyết tâm bảo vệ sự thật và chân lý cho đến cùng, dù có phải bị tù đầy, bắt bớ. Những giáo dân khác, trong tinh thần hiệp thông, khi biết được sự thật không như báo đài nói, thì họ cũng đã không ngại ngần bày tỏ lập trường cùng nhau bảo vệ sự thật cho tới cùng. Các Giám mục, linh mục trong Tổng giáo phận Hà Nội và các giáo phận lân cận cũng đã trở về linh địa Đức Bà để bày tỏ niềm hiệp thông sâu sắc với Nhà dòng và giáo xứ. Họ về linh địa Thái Hà không vì quyền lợi cá nhân mà tất cả là vì chân lý và công lý.

Hoá ra, sự thật chẳng có gì có thể che khuất. Sự thật mãi vẫn là sự thật. Càng cố che thì sự thật càng lộ rõ. Càng giấu diếm thì sự thật càng được mọi người mong ước đi tìm. Bàn tay không thể che nổi mặt trời. Càng cố che thì chỉ càng làm cho khuôn mặt mình tối đi. Chân lý thì không gì che nổi. Vẻ đẹp của chân lý thì muôn đời vĩnh cửu, cần cho cuộc sống và cần cho một xã hội ổn định và phát triển.

Vụ việc Thái Hà trở nên phức tạp như hôm nay, tất cả cũng chỉ ở chỗ chính quyền đã không tôn trọng chân lý, không tôn trọng những cơ sở pháp lý và không mong giải quyết vấn đề dựa trên những cơ sở pháp lý. Vụ việc Thái Hà trở nên khó giải quyết cũng chỉ vì, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội mà đại diện là ông Vũ Hồng Khanh – phó chủ tịch UBND thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí đã bóp méo sự thật, nguỵ tạo những chứng cớ, vu khống những chức sắc và giáo dân bằng những thông tin không có thật. Vụ việc Thái Hà trở nên khó giải quyết còn bới vì những người yêu chuộng công lý và hoà bình, những con người có lương tri, cảm thấy bị xúc phạm nặng nề và cảm thấy “sự thật” đang bị chính quyền chà đạp một cách không thương tiếc, nên đã quyết tâm phụng sự chân lý cho tới cùng.

Do đó, chìa khoá của vấn đề nằm ở chân lý, ở sự thật. Nói cách khác, để giải quyết vấn đề thì cần thiết đôi bên phải trở về với những cơ sở pháp lý, bởi chúng là phương tiện giúp đạt tới chân lý. Chân lý mới là vẻ đẹp đích thật cần cho mọi cộng đồng, mọi xã hội. Nhà nước, với những phương tiện trong tay, có thể trấn áp, bịt miệng những người yêu chuộng công lý, những người mong muốn hoà bình, nhưng sự thật thì mãi vẫn là sự thật. Việc dùng súng đạn, dùi cui, hơi cay, nhà tù có thể tạo nên một nền hoà bình giả tạo trên bề mặt, nhưng không bao giờ tạo được sự bình an thẳm sâu trong tâm hồn - một sự an bình cần thiết để xã hội không còn có những xung đột, không còn chiến tranh. Hoà bình đích thực chỉ có khi mọi người biết tôn trọng sự thật.

Một Nhà nước không coi trọng chân lý là một Nhà nước đang trên đường đi tới chỗ diệt vong.

“Chân lý mới là vẻ đẹp chân chính cần cho mọi cộng đồng, mọi xã hội”. Chân lý mới là chìa khoá mở ra cánh cửa hạnh phúc, ổn định và phát triển cho con người, cho xã hội và cho Giáo hội.

Chân lý bị tổn thương thì tình người cũng bị tổn thương.

Hà Nội, ngày 8 tháng 9 năm 2008

An Dân

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.09.2008. 23:57