Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sẽ đi về đâu?

§ Mai Hạnh

Chưa ai có thể trả lời câu hỏi này, bởi chưa hề ló ra một dấu hiệu nào mang hy vọng giải quyết được sự kiện Thái Hà.

Biện pháp công an đã được sử dụng, đã có đánh đâp (chẳng cần phải bàn nhiều về viêc này nữa, hình ảnh đã nói lên tất cả), nhưng người dân không chùn bước. Đã sử dụng hơi cay (cũng chẳng cần bàn cãi nhiều, tại sao hình người đàn ông cầm bình hơi cay đứng trong đám công an, chỉ được tung lên mạng khi nhà cầm quyền Việt Nam tuyên bố không có hơi cay !) người dân Thái Hà cũng không sợ cứ kéo đến ngày một đông (để khỏi lẫn lộn, người ta đã ghi ngày giờ lên mặt hình). Đã có lệnh truy tố, triệu tập (bắt giam) điều tra, đã ghi hình từng người, “làm việc” với những người thân, đã viết thêm lệnh truy tố, người dân vẫn không ngại ngùng trong tranh đấu. Đã tung thêm “thanh niên tình nguyện” vào để “phá đội hình”, dân Thái Hà lại có đối sách để phân biệt, loại ngay “khỏi vòng chiến” những tay được tuyển qúa lơ mơ. Chẳng lẽ “bó tay.com” ?

Biện pháp tuyên truyền không thành công, còn bị phản ứng ngược, càng nói người ta càng”tò mò” tìm đến, tình hình căng thẳng thêm, các kịch bản dựng nên quá sơ sài bị lộ tẩy. Mặt khác không phải tờ báo nào cũng vào cuộc trong mặt trận này. Số người xem truyền hình, nghe phát thanh và đọc báo tưởng rằng nhiều nhưng không nhiều bằng hệ thống “truyền thanh truyền hình” của nhà thờ. Một vị linh mục nói, một thông cáo được đọc trong nhà thờ, mỗi ngày Chúa nhật bao nhiêu người “nghe nhìn”, cả nước bao nhiêu nhà thờ ? Độ tin cậy của người theo đạo dành cho linh mục gấp mấy lần các báo đài ? Tôi nghe nói trong miền nam còn có nhà thờ mang màn hình ra chiếu các hình ảnh về Thái Hà, những thông tin thu thập được trên mạng cho giáo dân coi, nhà thờ này lại ở giữa phố phường nên mỗi ngày có rất đông người qua lại ghé xem. Chẳng lẽ bế tắc ?

Những ngày gần đây, các vị Giám mục, những chức sắc lớn nhất của đạo công giáo “vào cuộc”, các ngài đã đến Thái Hà, có vị chỉ thăm và cầu nguyện, có vị còn dâng lễ và giảng nữa, còn có vị vui vẻ “chào anh em tôi đi tù !”, có vị chẳng “chịu thua” : “các Giám mục đi tù hết, tôi ở nhà một mình buồn nên cũng đến xin đi” !.

Các vị Giám mục là những con người rất cẩn trọng, một khi đã xuất hiện và lên tiếng, chắc là các vị đã suy nghĩ, cầu nguyện và chọn lựa dứt khoát, dù rất hiền hòa và tôn trọng sự bình an, nhưng giới hạn của sự chịu đựng hình như đã vượt mức. Cũng phải thôi, chẳng lẽ cứ kêu gọi nhẫn nhục, yêu thương, tha thứ, hiền hòa khi con cái mình bị đánh tan da nát thịt, bị đày đọa giam cầm, bị vu khống, bị áp bức, kêu gọi đối thoại sao được khi con cái mình bị bóc lột bất công, khi những tài sản thánh bị báng bổ ? Là một con người nên các vị có lương tâm, mà lại là giám mục nên lương tâm đó còn bén nhạy hơn nữa với khổ đau, thế là các vị phải sống lương tâm của mình, sống cả với điều mình giảng dạy nữa.

Có người bàn ra tán vào về việc Đức Cha Kiệt đi thăm gia đình những người bị bắt, có người gọi đó là tác phong chính khách, nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi nghĩ vì ngài đã chọn khẩu hiệu cho đời giám mục là “chạnh lòng thương”, nên thấy đau khổ, oan ức thì phải chạnh lòng thương thôi. Cứ cái đà nghĩ như vậy thì tôi chắc các giám mục sẽ phải lên tiếng hết, có khẩu hiệu nào của giám mục mà không bắt nguồn từ Tin mừng ? Mà Tin mừng lại là tin mừng của người nghèo, người đau khổ, người bị tù đày, người bị áp bức (Lc 3, 18), hơn nữa “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11), vậy chẳng lạ gì khi Đức Cha Kiệt luôn sẵn sàng trong những thời khắc gian nan nhất.

Đến đây tôi xin được tỏ lòng bái phục các cha Dòng Chúa Cứu Thế, tôi thích nhất là bức hình chụp các cha dẫn đầu đoàn người đến trụ sở Công an quận Đống Đa để lên tiếng về những người bị bắt bớ, các cha đi đầu chứ không đi cuối hay đi giữa “anh ta đi trước và chiên theo sau” (Ga 10, 4). Ngay dưới bóng thánh giá, hình ảnh những tu sĩ gầy gò đeo thập giá bên người nhưng luôn tươi cười dù biết rằng mình đi đến chỗ có thể chết. Đêm đó, người ta đã sử dụng dùi cui, roi điện và giày đinh để tấn công đoàn người hiền lành. Tôi nghe kể, khi bị đánh, các cha chỉ biết đứng lại, giơ thánh giá ra và kêu lên “lạy Chúa tôi” ! thế mà anh công an hung hăng đã phải dừng tay lại.

Vậy sẽ đi về đâu nếu cứ mãi những biện pháp lệch pha nhau ? Giả như nhà thờ thay đổi biện pháp đấu tranh, thôi cầu nguyện trong hòa bình để chọn bạo động, chắc tình thế sẽ khác, điều này là một thách thức của tôn giáo, hẳn đã có người trong đau khổ cùng tột đã nghĩ như vậy! Hoặc giả như chính quyền thay đổi cách hành xử, thôi tìm cách trấn áp, trao đổi thật lòng và thật tâm tìm công lý, hay chính quyền cũng chọn giải pháp … cầu nguyện, tôi tin rằng mọi sự sẽ xong ngay.

Tại sao không thể nghĩ như vậy ?

18/9/2008

Mai Hạnh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 18.09.2008. 17:20