Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Những sai trái trong quyết định tịch thu nhà của Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn

§ Thợ Gốm

Trong bài này Thợ Gốm muốn phân tích cái sai khi UBND Thành Phố khi ban hành Quyết định 75083/QĐ - UB ngày 23/01/1997, xác lập Sở hữu Nhà nước cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu. Khi trưng dẫn các quy định dưới đây Thợ Gốm không có ý tán thành các quy định pháp luật đất đai, bởi nó còn nhiều điều chồng chéo, thiếu nhất quán… Thợ Gốm sẽ bàn đến nó trong một lần khác.

Trước tiên xin điểm qua các quy định:

Trong Công văn 686/CT12, ngày 08/6/1994, Sở nhà đất đã hướng dẫn các Quận, Huyện, Công ty quản lý kinh doanh nhà, phòng Xây dựng quận huyện giải quyết những phát sinh thực hiện Chỉ thị số 12/1993/CT-UB, trong đó:

- Tại mục 2 quy định: “Nhà vắng chủ đã điều tra xác minh, nhưng không biết chủ sở hữu còn sống hay đã chết, ở trong nước hay ngoài nước, đã bố trí sử dụng, tiến hành xác lập sở hữu nhà nước”.

- Tương tự, tại mục 5 quy định:

“Nhà do tiếp quản 1975, không kê khai đăng ký, ký hợp đồng thuê, đã xác minh và không xác định được nguồn gốc, xác lập sở hữu nhà nước diện “vắng chủ”.

- Cuối cùng, mục 7 thêm: “Nhà đã ký hợp đồng cho thuê, nhưng không rõ nguồn gốc, chủ hộ xuất cảnh giao lại.Trước hết phải xác minh tại Ban Quản lý đất đai, Phòng Thuế trước bạ và Công chứng Nhà nước, mà vẫn không có tài liệu, tiến hành xác lập sỡ hữu nhà nước, diện “vắng chủ”.

- Ngoài ra tại điểm 14, Sở Nhà đất xác định trường học thuộc nhà chuyên ngành: “Nhà chuyên ngành: trường học, bệnh viện, nhà thương …” và tại điểm 15 quy định: “Nhà tiếp quản theo ngành, đơn vị nào tiếp quản, đơn vị đó tiến hành xác lập Sở hữu Nhà Nước”

Về cơ sở 32 Bis Nguyễn Thị Diệu:

Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn đã được Hội Hồng Thập Tự Pháp tặng cho quyền sở hữu thửa đất thuộc bằng khóan 632 Sài Gòn – Độc Lập với diện tích 852 m2 cùng tất cả cơ sở trên đó, vào trước bạ ngày 2/4/1959, tọa lạc tại 32 bis Trương Minh Ký, nay là số 32 bis Nguyễn Thị Diệu.

Từ khi nhận cơ sở đến 1975, Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn đã lập trường Dạy Trẻ (Jardin d’enfant).

Năm 1975, chấp hành theo văn thư số 576/VP/75 của Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn gởi Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, Bản Thông Cáo chung đề ngày 15/10/1975, Tu hội đã để Sở Giáo dục sử dụng cơ sở này làm trường Mẫu giáo thuộc Phòng Giáo dục quận 3, với tên gọi Trường Mẫu giáo Măng Non. Ông Phan Trọng Tân, Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định sự tồn tại của ngôi trường này trong Công văn số 1978/SGD-BCT ngày 30/11/1977.

Sau đây xin trích lại đây 2 điểm chính trong 8 điểm của Thông Cáo chung:

1. Giáo phận Sài Gòn đồng ý trao cho Nhà nước quyền sử dụng các trường sở thuộc Giáo Phận kể từ niên khóa 1975 -1976 này để phục vụ cho mục tiêu giáo dục.

2. Quyền sở hữu các trường sở nói trên vẫn thuộc về Giáo Hội Công Giáo

Từ năm 1975 đến nay, chưa có một “văn bản quản lý” nào theo Nghị quyết 755/2005/NQ-QH đối với cơ sở 32 bis Nguỵễn Thị Diệu ngoại trừ Quyết định 75083/QĐ- UB ngày 23/01/1997 xác lập Sở hữu Nhà nước diện vắng chủ.

Vài nhận xét về Quyết định 75083/QĐ - UBTVQH11 ngày 23/01/1997

Điểm thứ nhất:

Nếu xem cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu là Nhà vắng chủ thì Sở Xây dựng và UBND TP đã đồng nhất “nhà chuyên ngành” với “nhà để ở”. Như vậy họ tự mâu thuẩn với chính mình hay làm trái với quy định trong Công văn mình đã ban hành để hướng dẫn các cơ quan, ban ngành thực thi.

Điểm thứ hai:

Ngay cả khi liệt cơ sở này vào diện nhà vắng chủ thì Sở Xây dựng cũng không có căn cứ để đề xuất xác lập sở hữu Nhà nước. Cứ cho là Sở Xây dựng không biết có Công Văn 1978/SGD-BCT của Sở Giáo dục và không đi trích lục bản Kê Khai 1997 nên không biết nguồn gốc và chủ sở hữu. Nhưng không thể nói họ không có bản đồ địa chính trong tay. Bản đồ địa chính đến nay còn ghi rõ: cơ sở 32 bis thuộc “thửa 52, tờ bản đồ số 13” và “chủ sử dụng: tu viện Nữ tử Bác aí Thánh Vinh Sơn”. Tu viện này toạ lạc cùng Phường 7, Quận 3 với Sở Xây dựng. Như thế không thể viện dẫn căn cứ “đã điều tra xác minh, nhưng không biết chủ sở hữu còn sống hay đã chết, ở trong nước hay ngoài nước” hay “đã điều tra xác minh nhưng không xác định được nguồn gốc” để xác lập sở hữu Nhà nước diện vắng chủ.

Điểm thứ ba:

Trong Quyết định 75083/QĐ- UB ngày 23/01/1997, Ủy Ban Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh cũng đã trưng dẫn 3 căn cứ: Pháp lệnh nhà ớ 1991, Quyết định 297/CT ngày 02/10/1991 của Hội Đồng Bộ Trưởng và Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội Đồng Chính Phủ để xác lập sở hữu Nhà nước. Thợ Gốm thấy cả 3 văn bản này không hề chủ trương xác lập sở hữu nhà nước các trường tư thục của Tôn giáo đã cho Nhà nước mượn.

Từ những phân tích trên cho thấy Quyết Định 75083/QĐ- UB ngày 23/01/1997 không có cơ sở để tồn tại, UBND TP phải mau chóng hủy bỏ nó theo Đơn Khiếu nại của Tu Hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn và Tòa Tổng Giám Mục Giáo phận TP HCM đã đề ngày 16/12/2007.

Tóm lại:

Thưa Ông Giám Đốc Sở Nhà Đất và Ông Vũ Hùng Việt, nguyên Phó CTUBND TP, các bác có biết chăng khi các bác đề xuất và ký vào Quyết Định này, các bác đã xây dựng nhà đất cho những đồng chí “COCC” ung dung tung hoành. (Ngay trong năm 1997 ông ký quyết định, một Vũ Trường đã được xây và họat động ngang nhiên trên tài sản vốn thuộc sở hữu Tôn giáo. Nói như lời một cán bộ cao cấp ở Sở Xây dựng: “đòi nhà 32 bis thì khó đấy vì nó đụng đến “gốc gác” không à”.

Chu choa ui ! Sở Nhà Đất mà không phân biệt được “nhà chuyên ngành” với “nhà để ở”. Chắc có lẽ vì thế cho nên “trường học” của con nít ta úm ba la thành “trường vũ” để ô kê nhảy nhót cũng chẳng hại gì. Dạy dỗ lũ nhóc thì kiếm được mấy xu, sao bằng dạy nhảy, dạy karaoke, dạy hút hít ! Úi chà, Thợ Gốm tui không biết mấy cái đồng tiền “sạch sẻ” ấy chui vào kho bạc nhà nước được bao nhiêu ?

Quyết định biến nhà do Hội Hồng Thập Tự Pháp tặng mấy bà sơ thành “nhà nhảy” với lý do nhà vắng chủ ? Hic, các bác muốn đập vào mặt các chú công an chuyên môn quản lý các bà sơ và mấy ông cha à ? Mấy bà chủ đó mà "vắng" thì lực lượng an ninh tốn kém bao nhiêu là cơm áo gạo tiền chỉ để quản lý “không khí” à ? Cái nhà đó dành để giáo dục con nít giúp chúng nó thành người lớn giàu lòng nhân như “Chữ Thập Đỏ”, xin đừng “dành ăn” với chúng nó. Chính vì các bác có thói quen “chuyển mục đích” mấy cái nhà như vậy cho nên bây giờ xã hội tràn ngập loại người chỉ biết “nhảy” !

Thợ Gốm không biết các bác ký theo sự tham mưu của cấp dưới, ký theo “lộc thánh” của Thần Tài hay do gợi ý của “sếp”. Ôi, còn đâu là sự liêm khiết của đảng viên, lương tâm chân chính của con người !

Nhưng mà còn nữa, Thợ Gốm cũng thắc mắc: cái công ty xí nghiệp OSKO gì đấy là ai mà được thuê cơ sở 32 bis với “giá của Nhà nước”, rồi được quyền cho Hoàng Gia thuê lại theo “giá Thị trường” để hưởng phần chênh lệch ? Hòang Gia là ai mà họ được “che chắn từ trên” như lời một cán bộ ở UBND Quận 3 tiết lộ?

Thợ Gốm

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.03.2008. 17:10