Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Những diễn biến nào đang xẩy ra liên quan tới vụ Tòa Khâm Sứ?

§ VietCatholic

VietCatholic News (Thứ Bảy 15/03/2008 11:19)

Từ ngày 1/2/2008 khi Đức TGM Ngô Quang Kiệt, qua văn thư gửi giáo dân Hà nội, ngài loan báo rằng: “Sau những căng thẳng, đã có đối thoại giữa Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục Việt nam với các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà Nước để đi đến một giải pháp tốt đẹp. Giải pháp này sẽ thực hiện qua những bước cụ thể trong tôn trọng lẫn nhau theo ý kiến của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh...” cho đến nay ai ai cũng kiên nhẫn chờ đợi xem kết quả nào sẽ tới. Không những chỉ những giáo dân Hà nội mà toàn thể người Công giáo Việt nam cũng trông chờ, ngay cả các tổ chức tôn giáo thế giới và các cơ quan tranh đấu cho tự do và nhân quyền cũng quan tâm.

Một trong những lý do khiến dư luận thế giới đặc biệt lưu ý là các buổi cầu nguyện bất bạo động của giáo dân Hà nội trước Tòa Khâm Sứ Vatican cũ đã nhanh chóng trở thành biểu tượng mạnh mẽ cho niềm khao khát chính đáng của những người công dân Việt nam đứng lên đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng công lý mà trong một quốc gia pháp quyền, chính phủ cần phải thực thi những đòi hỏi và nguyện vọng đích thật và hữu lý của người dân, phương chi đây là đòi hỏi chính đáng của một tôn giáo.

Sứ đòi hỏi này đã được chính Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng ghi nhận và cho là “chính đáng”, thế nhưng cho tới nay sao vẫn chưa được thực hiện?

Để lý giải về vụ việc này, chúng tôi xin được nêu ra một số những diễn tiến gần đây hầu qúi vị độc già có thể đánh giá về nền hành chính và pháp quyền của chính phủ Việt nam- vì bất lực hay chỉ là thủ đoạn lừa dối? Đang khi đó cũng thấy được sự quyết tâm nhưng đồng thời sự kiên nhân và thiện chí của Tòa Tổng Giám Mục Hà nội trong tiến trình giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ.

Nguồn tin mới nhất mà chúng tôi mới nhận được cho biết như sau: hôm 13.3.2008, trong một cuộc họp chính ông Bí thư thành ủy Hà nội là ông Phạm Quang Nghị đã phản đối đề nghị của Quận Hoàn Kiếm khi đưa ra giải pháp là cấp đất nơi khác cho giáo hội. Ông Bí thư thành ủy cũng đưa quan điểm là “khi Giáo hội được trả Tòa Khâm Sứ thì muốn giáo hội không đòi những nơi khác nữa”.

Để hiểu rõ những gì đang xẩy ra cho tiến trình giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ, mời qúi vị đọc lại bản tin ngày 26/2/2008 trên VietCatholic chúng tôi đã đưa tin như sau:

“Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao vụ giải quyết Tòa Khâm sứ cho Ban Tôn giáo chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và UBNH thành phố Hà nội. Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết các thành phần trên đều đồng ý ‘trao quyền sử dụng’ Tòa Khâm Sứ cho Tòa giám mục Hà nội theo nhu cầu đề nghị của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, nhưng trừ ra ’Chính quyền địa phương Quận Hoàn Kiếm’ là vẫn còn cương quyết chống lại. Quận Hoàn Kiếm vẫn kiên trì đề nghị là ’cấp cho Giáo hội một khu đất khác ở quận Hoàn Kiếm có thể rộng rải hơn’ khu Tòa Khâm Sứ để khỏi phải phá hợp đồng xây dựng mà họ đã trót ký với cơ sở thương mại đầu tư, đàng khác ‘Quận lấy lý do làm như vậy sẽ tránh được tiền lệ đòi đất ở khắp nơi’.”

Vào đầu tháng 3. 2008, Quận Hoàn Kiếm bàn tới một đề nghị là sẽ trả lại Tòa Khâm Sứ nhưng với điều kiện là Tòa Giám Mục Hà nội phải mang nốt Tượng Đức Mẹ Sầu Bi đi, giữ nguyên hiện trạng ban đầu thì mới có thể giải quyết được. Lý do là Quận Hoàn Kiếm muón giữ thể diện cho mình.

Tiếp theo đó vào ngày 8/3/2008 chính quyền thành phố Hà nội giao cho Mặt trận Tổ quốc đi thương thuyết nhưng Đức TGM Ngô Quang Kiệt không gặp.

Trước đó, thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng đã có gặp Đức TGM Kiệt và ông này cũng ngỏ ý để Tòa Giám Mục rước tượng Đức Mẹ Sầu Bi đi để tỏ thiện chí với thành phố. Dĩ nhiên Đức TGM Kiệt không chấp nhận giải pháp này vì Giáo hội không muốn bị lừa một lần nữa!

Tiếp đến ngày hôm sau 9/3/2008, thượng tướng Hưởng đã đến gặp Đức cha Nguyễn văn Sang, giám mục Thái Bình, để thăm dò liệu xem liệu có cuộc cầu nguyện quy mô sắp tới vào Tuần Thánh này hay không, dĩ nhiên Đức Cha Sang không thể trả lời rõ ràng về hiện tình ở giáo phận Hà nội sẽ diễn ra như thế nào được.

Trước tình trạng này, Ban Tôn Giáo chính phủ cũng muốn gặp Đức TGM Kiệt để đi tới một giải pháp, nhưng về phía Đức TGM Ngô Quang Kiệt nhắn rằng:”nếu gặp mà đặt điều kiện thì không gặp”. Đang khi đó, về phía chính quyền vẵn còn đang cử người cố gắng tiếp xức với Đức Tổng Kiệt.

Trước tình trạng chờ lâu mà không thấy có kết quả nào thực tiễn, dù có rất nhiều lời hứa từ phía chính quyền trung ương cũng như chính quyền Hà nội, cho nên nhiều linh mục và giáo dân các giáo xứ Hà nội trong lúc này rất xôn xao, nhiều nơi dự tính sẽ kéo nhau lên Tòa Khâm Sứ và tổ chức lại các buổi “Cầu Nguyện đòi Công Lý” trong Tuần Thánh này. Nhưng cho đến nay họ vẫn kiên nhẫn chờ ý kiến của Tòa Giám Mục. Đức Tổng Kiệt vẫn chưa lên tiếng.

Nguồn tin từ những người thân cận bên Tòa Giám Mục Hà Nội cho biết lập trường của Đức Tổng rất kiên định nhưng với thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn, vì cho chính quyền không thể nuốt lời hứa của mình được, và thời gian trước tháng 3 cũng chưa tới. Và dĩ nhiên Đức TGM Hà nội sẽ không chấp nhận bất cứ giải pháp nào mà kèm theo các điều kiện khi trao lại Tòa Khâm Sứ cho Giáo hội sử dụng.

Hiện nay có thể nói giáo dân Hà nội đang quyết liệt muốn tiến tới bước thứ hai tổ chức lại những buổi cầu nguyện đòi công lý, tuy nhiên họ đang đứng trước một thử thách to lớn là: không muốn đi ngược lại lời chỉ giáo của Đức Tổng, vị Chủ chăn trong giáo phận mà họ hằng qúi mến. Tuy nhiên, không ai biết chắc được sự gì sẽ xẩy ra trong những ngày tới...

Để thấy đước ý chí kiên cường và lòng can đảm của giáo dân Hà nội, xin mời qúi vị đọc lại một đoạn tường trình về Tòa Khâm Sứ ngày 27.1.2008 vào giờ “G” khi mà giáo dân đã sẵn sàng cho một cuộc đàn áp và cho thể bị giết hại, do Nhóm phóng viên VietCatholic thực hiện như sau:

“Từ sáng tới chiều hai bên sống trong căng thẳng. Phố Nhà Chung, khu vực trước quảng trường Nhà Thờ Lớn và nhất là khu vực Toà Giám Mục-Toà Khâm Sứ đông như hội. Người và xe nườm nườm qua lại. Công an nhiều mà giáo dân cũng lắm. Chẳng ai có thể phân biệt được ai là giáo dân và ai là giáo gian. Khoảng 15 h chiều, các nữ tu và các bà đạo đức bắt đầu ngồi quây tròn quanh thánh giá đọc kinh, cầu nguyện và hát thánh ca. Lời kinh rộn ràng kèo dài triền miên. Một nhóm nữ tu ngồi hẳn lên bậc cấp Toà Khâm Sứ nhìn ra phố Nhà Chung để vòng tròn được khép kín. Một cảnh tượng và một không khí lạ lùng chưa từng có ở khu vực phố Nhà Chung. Càng về chiều, số người đổ về Toà Giám Mục càng đông. Tới 17 h, giờ cưỡng chế theo văn thư đã được ban hành - số người đông đến múc cao điểm. Không kể số tín hữu trong thành phố kéo về từ các giáo xứ trong thành phố, người ta còn thấy các tín hữu từ các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hà Tây cũng về. Có các các tín hữu thuộc các giáo xứ của Giáo phận Bắc Ninh và Thái Bình cũng kéo về. Họ đi bằng xe máy, xe hơi và xe khách. Các linh mục trong Giáo Phận Hà Nội cũng về đông. Hình như hôm nay nhiều thánh lễ trong thành phố được huỷ bỏ. Chúng tôi thấy các linh mục từ Hà Nam, Nam Định, Hà Tây có mặt ở đây. Thoáng qua chúng tôi thấy các gương mặt quen thuộc đã có mặt ở đây nhiều lần là các cha Văn (Hà Nam), cha Xuyên (Hà Nam), cha Cảnh (Nam Định), cha Khang (Nam Định), cha Pháp ( Hà Tây), cha Hoà ( Hà Nội), cha Tuấn ( Hà Nam), v.v...

...

Theo dự đoán của một số người thì nếu quân đội đến đây thì sẽ có một cuộc đổ máu nặng nề. Lý do là khi thấy binh lính với sung ống đạn dược đầy đủ thì đoàn người đông đảo này khó mà giữ được bình tĩnh và có thể sẽ có phản tứng tự vệ một khi sự ức chế bị dồn nén tới cao độ.

Dù không có quân đội nhưng công an thì rất đông. Các bariê cản đường hai đầu phố vẫn sẵn sàng được chắn xuống. Các quan chức công an điện thoại liên tục để nhận lệnh hay để phối hợp hành động. Một số nhân viên đại sứ quán cũng có mặt. Một số đài báo gọi điện thọai cho những người liên hệ để phỏng vấn tại hiện trường qua điện thọai viễn liên.

Lúc 17 h không khí cực kỳ căng thẳng.

Chúng tôi nghĩ lúc này chỉ cần một xô xát hay một đụng chạm nhỏ thì nơi này khó mà có thể vãn hồi được trật tự và khó tránh khỏi đổ máu khi một bên đã sãn sàng đàn áp và một bên đã sẵn sàng chết. Phía trước các nữ tu và các bà lớn tuổi vây quanh thánh giá hầu như không biết chuyện gì khác ngoài việc say sưa cầu nguyện. Phía sau nhiều thiếu nhi, thanh niên và trung niên đứng cầu nguyện hoặc trao đổi nhẹ nhàng những chuyện gì đó. Nhiều người còn quan sát và bình luận. Họ cứ cầu nguyện thế. Sau khoảnh khắc 17 h, không có sự gì khác thường xảy ra.

...

18 h 15 nhiều người bắt đầu ra nhà thờ cầu nguyện. Phần lớn những người này đến từ các giáo xứ trong thành phố. Số ở lại phần nhiều là người về từ các tỉnh. Hộ không ra nhà thờ đi lễ vì họ đã đi từ sáng ở quê họ. Trong nhà thờ, người đông chưa từng thấy. Đông hơn hôm lễ Đức Hồng Y rất nhiều. Họ ngồi tràn ra lối đi hai bên nhà thờ, lối đi sang Toà Giám Mục và nhất là ở quảng trường Nhà Thờ. Một màn hình lớn đã được dựng lên để truyền hình ra bên ngoài.

...

Xong rồi tất cả lại cùng nhau sang Toà Khâm Sứ cầu nguyện. Tại nhà thờ Cha Lý lại nhắc lại yêu cầu phải cầu nguyện trong hoà bình và nghiêm cấm mọi hành vi bạo động...

...

Hôm nay Toà Khâm Sứ là điểm hẹn của toàn giáo phận, dù chúng tôi chưa thấy có lời kêu gọi từ Toà Giám Mục, vậy mà giáo dân giáo sĩ cũng tự động kéo về, mới biết sự đoàn kết, hiệp nhất trong gian nan của cộng đồng công giáo Hà Nội là mạnh mẽ biết dường nào.

...

22 h chúng tôi thấy trên hiện trường còn khoảng 500 người. Một nhóm thanh niên đang dựng thêm lều bạt trên sân.

...

Chúng tôi nghe ai đó nói rằng: Đêm nay không phải có bao nhiêu người ngủ ở đây mà phải nói đêm nay có bao nhiêu người thức ở đây để cầu nguyện cùng Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Tôi tin rằng đêm nay còn có bao nhiêu con người không hiện diện ở đây mà vẫn hướng về đây canh thức cầu nguyện.

Tuần Thánh là tuần mà tất cả mọi người Công giáo khắp nơi, suốt cả tuần lễ, sẽ tụ tập bên nhau, cầu nguyện, suy niệm và tưởng nhớ đến sự chết và những chặng đường chông gai khổ nhục của Chúa trong chương trình cứu độ hầu giải án tội lỗi cho nhân thế và giải phóng con người khỏi gông cùm trói buộc mọi cách, hoàn lại cho con người quyền làm con Thiên Chúa. Đó chính là con đường mà các tín hữu Công giáo mỗi năm đều mỗi suy niệm làm giá trị cho cuộc sống của mình.

VietCatholic

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 15.03.2008. 09:24