Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhà nước sẽ đối phó như thế nào với chiến dịch “Thắp nến cầu nguyện”?

§ Thợ Gặt

VietCatholic News (Chúa Nhật 13/01/2008)

(Thử vào vai Nhà nước để nhận định)

LTS: Chúng tôi nhận được bài viết này do một nhân vật ở Hà Nội gửi. Chính ông cho biết mình là một giáo sư tiến sĩ đang giảng dậy tại một Đại học ở Hà Nội. Ông có cho chúng tôi biết danh tánh, nhưng bài viết ký tên với bút hiệu là "Thợ Gặt". Chúng tôi chưa hề quen biết vị giáo sư này. Bài viết của ông nói lên một số suy tư rất thực tế và những gợi ý cho một giải pháp. Quan điểm của vị giáo sư này và những nhận định, suy tư, ý kiến của Ông không phải là lập trường của chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi đồng ý đăng bài này để rộng đường dư luận.

Trước hết, xin thưa rằng, tôi không phải là cán bộ ăn lương Nhà nước mà chỉ là nhà trí thức tự do nhưng có được học và nghiên cứu bộ môn “Chủ nghĩa Mác và vấn đề tôn giáo”, đồng thời cũng có giao du với một số cán bộ trung, cao cấp nên thử “bắt mạch, kê đơn” cho cách ứng xử của Nhà nước trước chiến dịch “thắp nến cầu nguyện” của người công giáo Việt Nam hiện nay.

1. Nhận định

Nhà nước Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn 60 năm ứng phó với các tôn giáo nhất là công giáo và cũng đã thu được một số kết quả.

Trước hết, họ đã lôi cuốn được một số giáo sĩ, giáo dân theo cách mạng giải phóng dân tộc. Có người đã đảm nhận chức vụ cao cấp trong chính phủ như GM Lê Hữu Từ - cố vấn cho chính phủ, linh mục Phạm Bá Trực là Phó Chủ tịch Quốc hội. GM Hồ Ngọc Cẩn đã ủng hộ cả dây chuyền vàng cho kháng chiến… Sự rạn nứt giữa người kháng chiến và công giáo chỉ bắt đầu khi con bài “vô thần” của Việt minh được giơ ra như lời GM Lê Hữu Từ đã nói với Hồ Chí Minh đầu năm 1946 tại Phát Diệm: “Tôi và giáo dân Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ cụ trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập cho Tổ quốc VN, nhưng nếu cụ là cộng sản thì tôi chống cụ từ giờ phút này”.

Kết quả thứ hai là lực lượng an ninh của Nhà nước đã cài cắm được một số nhân viên vào hàng ngũ công giáo như điệp viên Vũ Ngọc Nhạ thời GM Lê Hữu Từ, linh mục Ba Hồng ở tu viện Xuân Bích Vĩnh Long, người được chọn giải tội riêng cho các ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu (đấy là kể dựa vào Những mẩu chuyện tình báo nổi tiếng trong lịch sử, Văn hóa VN, Ban VH- VN TƯ xuất bản 1989, tr.60) và ngày nay, số này có thể chắc vẫn còn. Nhờ đó, họ đã tổ chức “đánh từ trong đánh ra” nhất là gây chia rẽ, ngờ vực giữa các thành phần của giáo hội với nhau. Ví dụ hiện nay có nghi ngờ ở hải ngoại rằng có thể có giám mục hay linh mục nào đó trong nước là tay sai cho Nhà nước, hay tin đồn TGM Ngô Quang Kiệt khởi động chiến dịch thắp nến là để “kiếm chiếc mũ đỏ” (Hồng y), hay linh mục Quế “hăng hái hô hào” là để thêm “đai đỏ” (Giám mục), mà chia rẽ, nghi ngờ là tan rã sức mạnh.

Kết quả thứ ba là sau một thời gian dài dùng “chuyên chính vô sản”, Nhà nước đã giữ được các tôn giáo “trong vòng trật tự”. Các vụ nổi dậy như Quỹ Nhất, Ba Làng, Quỳnh Lưu đã mau chóng bị dập tắt. Các vụ di cư năm 1954 hay di tản sau năm 1975 cũng bị ngăn chặn nhiều.

Nếu chiến dịch thắp nến cầu nguyện xảy ra cách đây 20-30 năm thì TGM Kiệt, linh mục Quế, ông Ban cầm Thánh giá chỉ có thể chờ làm “hồ sơ phong thánh” mà thôi. Hoặc Nhà nước cấm tiệt hàng bán nến thì lấy đâu ra nến?...

Thời kỳ những năm 60-70, ai đi tu thì thêm dấu huyền (tù) vào. Ai về nhà lấy vợ thì tự do. Trường học chỉ dạy thuyết vô thần, bài bác tôn giáo với đủ tác phẩm “Ruồi trâu”, “Bão biển”, “Đất mặn”. Ai có đạo khó mà được vào đại học hay làm cán bộ nhất là các ngành an ninh, hàng không, sĩ quan cao cấp dù hiến pháp quy định “không phận biệt tín ngưỡng, tôn giáo”. Cũng có một số người gốc công giáo được bố trí làm cán bộ Mặt trận, Tôn giáo để dễ cảm hóa người có đạo. Nhưng chính số này do lo sợ “mất lập trường” nên hay suy diễn, phóng đại vấn đề làm cho Nhà nước luôn phải “cảnh giác” với tôn giáo quá mức. Điển hình như vụ phong thánh tử đạo VN năm 1988 hay bổ nhiệm nhân sự cho giáo phận Sài Gòn sau năm 1975. Còn cơ sở tôn giáo, theo điều tra của Viện Nghiên cứu tôn giáo tại Hà Nội, trong số 70 nhà thờ ở Thủ đô chỉ có 2 ngôi xây vào năm 1945 và 1951 còn lại đều trước năm 1945 cả.

Dĩ nhiên, Nhà nước cũng phải rút kinh nghiệm nhiều về sự không thành công của mình.

Trước hết, là sau hơn 60 năm phổ biến học thuyết Mác-Lê nin vô thần, tôn giáo không mất đi hay tự tiêu vong mà lại càng phát triển. Có cơ quan nào của Nhà nước mà không có bàn thờ thắp hương đều đặn ngày rằm, mùng 1 (dù Thủ tướng đã có lệnh cấm), có cán bộ, đảng viên nào mà không đi đền Bà Chúa Kho xin lộc đầu năm? Từ chỗ coi tôn giáo là “thuốc phiện”, là “tổ chức phản động” nay xem “đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”.

Nhà nước cũng tổ chức thờ cúng Vua Hùng theo nghi lễ quốc gia… Vậy cho nên có người nói Đảng đã “xét lại” về vấn đề tôn giáo. Chính sách tôn giáo của Nhà nước bị nhiều nhà nghiên cứu chỉ trích. GS Phạm Như Cương, nguyên ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm UBKHXHVN nói: “Trong việc chấp hành chính sách tôn giáo từ trước tới nay ta đã phạm nhiều sai lầm. Nhất là trong cải cách ruộng đất vừa qua. Nhiều sai lầm rất nghiêm trọng của ta ở những vùng đông đồng bào công giáo, làm cho quần chúng công giáo càng thêm hoài nghi, kém tin tưởng vào chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và chính phủ” (Dẫn theo Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2003, tr. 232).

Nhiều chủ trương có kết qủa ngược lại. Ví dụ đưa linh mục đi quản chế ở vùng hẻo lánh. Một thời gian nơi đó lại thành giáo họ sùng đạo. Tại Bùi Chu năm 1963, có 29 linh mục phong chức bí mật (chui). Nhà nước cấm không cho số linh mục này đi ra khỏi Nhà chung. Thế là số này được học hành để nâng cao trình độ. Có linh mục sau này nói, nếu Nhà nước cho đi xứ ngay không biết ăn nói ra sao trước dân chúng vì có người mới 21 tuổi. Sau này, rút kinh nghiệm, chính quyền không cho số linh mục “chui’ này tập trung về Tòa Giám mục. Vậy là họ lại được làm lễ, giải tội tại nhà, giáo dân chẳng phải đi xa. Hay có ai ngờ số di cư năm 1954 và di tản sau năm 1975 lại là nguồn cung cấp nhân sự và tài chính cho giáo hội phía Bắc và cả nước hiện nay. Một cán bộ làm công tác tôn giáo lâu năm thừa nhận, đúng là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

Riêng đối với công giáo, Nhà nước cũng không thành công xây dựng mô hình “công giáo tự trị” hay chí ít nếu không phải là “tôn giáo của ta thì cũng là tôn giáo cho ta”. Cái gọi là “ủy ban đoàn kết công giáo” xem ra chẳng đoàn kết nổi ngay mấy thành viên chóp bu nên khóa IV hết hạn rồi mà khóa V chưa đại hội được. Linh mục Chủ tịch ủy ban này nói, tôi chỉ là cây cảnh, là người mẫu, để khi mít tinh bên kia có ông áo vàng thì bên này có ông áo đen, thế thôi.

2. Tình hình hiện nay.

Sau khi Liên xô sụp đổ và ông bạn láng giềng Trung Quốc lúc nào cũng lăm le “gặm nhấm” đồng chí của mình, Nhà nước không thể dùng biện pháp mạnh, cứng rắn để đối phó với chiến dịch “thắp nến cầu nguyện” được. Chắc họ phải nhắc nhở nhân viên an ninh hết sức tránh va chạm với giáo dân kể cả mình “có phải đổ máu”. Công an canh bức tượng Pieta ở 42 Nhà Chung kỹ hơn giáo dân vì lỡ ra không may tay tượng rời ra thì còn hơn cả vụ Đồng Đinh là cái chắc. Sai lầm trong vụ này là để giáo dân đặt tượng và mọi thương thuyết để mang bức tượng về nơi “tôn nghiêm” đều không thành. Vì giáo dân chẳng dại “thả gà ra để đuổi”. Nhà nước rất ngại kịch bản nhà nguyện thánh Giêrado ở Thái Hà. Giáo dân đặt tượng rồi làm mái che và chỉ mấy ngày sau đã khánh thành nhà nguyện. Bây giờ Nhà nước chỉ có tính bài lờ. Vì công nhận, không công nhận chẳng ích gì nữa.

Nhà nước biết rõ mấy ông công giáo khôn ngoan, chọn đúng thời điểm kỷ niệm 1 năm Việt Nam gia nhập WTO và Thượng viện Mỹ đang định đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC để thắp nến. Thái Hà chọn đúng lúc công ty may Chiến thắng vừa giải phóng xong mặt bằng là làm đơn đòi lại. Hơn nữa, TGM Ngô Quang Kiệt đã lên tiếng, có Giám mục nào ở miền Bắc không ủng hộ theo và cả nước rồi nước ngoài nữa, vì giáo hội luôn hiệp thông và hiệp nhất. Các vị này cũng tránh đụng chạm đến chính trị và liên hệ với các tổ chức “dân chủ nhân quyền” nên cũng khó buộc tội họ làm “diễn biến hòa bình”. Phương pháp giáo hội chọn rất mềm mỏng là ôn hòa cầu nguyện, lấy hàng vạn chữ ký của giáo dân để gửi lên chính quyền “của dân, do dân, vì dân”. Đẩy những người “đầy tớ” nhân dân vào tình thế kẹt.

3. Lá khiên chống đỡ

Giáo hội công giáo là một thế lực rất mạnh. Họ không đơn thuần về số lượng ở Việt Nam chỉ có 6 triệu tín đồ mà bên cạnh họ là Vatican với hơn 1 tỷ giáo dân khắp 5 châu. Chiến dịch thắp nến cầu nguyện giờ không chỉ ở Hà Nội mà lan sang Hà Đông, Thanh Hóa, Sài Gòn và cháy sang cả Mỹ, Úc.

Tại Thái Bình, GM Nguyễn Văn Sang mới “dọa” sẽ mời gọi vài chục vạn người đến cầu nguyện để đòi chủng viện Mỹ Đức mà có mấy người lấn chiếm đã phải tự động thu dọn ra đi trả lại đất cho tu viện. Ôi nếu nơi nào cũng nhẹ nhàng thế thì tốt biết mấy và tôi nghĩ giáo hội với tình bác ái cũng sẽ hỗ trợ họ ít nhiều như nhà thờ Cửa Bắc (Hà Nội) mấy năm trước khi giải tỏa 9 hộ nhảy dù vào đất nhà thờ đã xây cho mỗi gia đình 1 căn hộ để ở.

Thực tâm vụ Tòa Khâm sứ, Nhà nước cũng muốn trả lại cho giáo hội để tháo “ngòi nổ” nhưng tìm cách nào để “tốt đạo, đẹp đời”. Đã có ý kiến nếu TGM Kiệt không làm đơn xin được sử dụng Tòa khâm sứ thì để ủy ban đoàn kết công giáo làm đơn và có linh mục của ủy ban này đã nói, coi đây là món quà Nhà nước mừng đại hội V của tổ chức này và là cớ để nói chuyện với giáo hội. Song có cái khó là không thể đảm bảo khi giải quyết Tòa Khâm sứ rồi thì chiến dịch thắp nến kết thúc. Bởi giáo phận nào cũng có nhiều điểm nóng cả. Ngày 9-1-08, bà Phó Chủ tịch T.p Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hằng vào gặp TGM Kiệt đề nghị xin đừng cầu nguyện ngày 10-1 vì thành phố đang nỗ lực cùng chính phủ giải quyết nhưng buổi cầu nguyện vẫn diễn ra. Ngày 12-1, cả hai vị đứng đầu ngành công an Hà Nội cũng đến Thái Hà nhưng chắc chắn buổi cầu nguyện ngày 14-1-08 không bị hủy bỏ. Bây giờ, chính quyền chỉ chú ý xem giáo dân đang giấu bức tượng Pieta ở đâu và cố gắng không để họ đưa sang khu đất tranh chấp.

Một giải pháp khác là cố gắng kéo dài thời gian với nhiều động thái là liên tục có cán bộ cao cấp đến gặp gỡ giáo hội hứa hẹn điều tra, xem xét giải quyết vụ việc để giáo dân “hạ nhiệt”. Hát lâu, chầu mỏi. Giáo dân Thái Hà có thể ra nằm đường 1 tuần, 1 tháng nhưng không nằm nổi 1 năm vì ốm đau, công việc. Còn công an thì ăn lương quanh năm, mệt tổ này thay đơn vị khác. Vậy là chiến dịch thắp nến, cháy hết sáp là tàn.

Bên cạnh đó, lực lượng an ninh cố tìm ra “kẻ cầm đầu”. Nếu các vị này có scandal về tình ái, tiền bạc (dù cố tình hay hữu ý) thì coi chừng. Nhà nước cũng thu thập chứng cứ xem có kẻ “phản động” nào giật dây trong vụ này để chờ đưa lên báo chí, truyền hình vào dịp thuận lợi. Họ cũng ngăn chặn báo chí nước ngoài hay internet đưa tin vụ việc. (Trang VietCatholicnews.com và VietCatholic.net cả chục ngày nay đã bị chặn và firewalled).

Trong các buổi cầu nguyện hiện nay mới có linh mục tham gia với tu sĩ và giáo dân nhưng Chắc chắn sẽ có cả Hồng y, Giám mục nữa và sẽ kéo theo rất đông giáo dân. Đồng thời sẽ có sự liên hệ ủng hộ của phong trào đòi dân chủ cả trong và ngoài nước. Nguy cơ chiến dịch thắp nến cầu nguyên lan rộng như đám cháy rừng mùa khô đã hiện rõ.

Đối phó ra sao đây? Kẻ “đóng thế” này cũng thấy bí. Quý vị vẫn cầu nguyện “xin Chúa sáng soi cho chúng tôi được biết việc phải làm” . Vậy Quý vị hãy cầu nguyện cho Nhà nước tìm ra cách ứng xử sao cho “tốt đạo, đẹp đời” để Tết này cả giáo dân và công an Nhà nứơc không ai phải đón giao thừa ngòai hè phố cả. Mong thay.

Thợ Gặt

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.01.2008. 02:15